“Nhắn ai đi chớ quên quê nhà”



Câu dạo đề hôm nay được mượn từ bài hát ‘Những nẻo đường VN’ của nhạc sĩ Thanh Bình đấy, bà con ạ. Sau ngày di cư từ Bắc vào Nam năm 1954, ông cho ra mắt bài hát thuộc loại ‘bom tấn’ này khiến cả triệu người say mê. “Những nẻo đường Việt Nam, suốt từ Cà Mâu thẳng tới Nam Quan…Nhắn ai đi chớ quên quê nhà…Những nẻo đường gặp gỡ duyên nhau…” Rồi sau đó, qua bản ‘Lá thư về làng’, nhạc sĩ lại viết thế này :”Thôn làng ruộng đồng yêu ơi, đường về làng tôi, lúa đồng rạt rào đón mời, và người yêu quê, đau sầu từ ngày anh đi. Có sớm anh về, mừng mừng ướt má hoen mi !”

Chúng ta ra đi, nhưng quên sao được những nẻo đường thân thương cũ ? Đường đi lối về thuở nào cứ dính chặt vào tâm trí từng người, tháng này qua năm khác. Tâm trạng của ông Thanh Bình ngày xa rời quê Bắc cũng là của hầu hết chúng ta nơi tha hương hôm nay.

Nối tiếp với những tuyệt phẩm ‘trường ca’ :



Trước hết với tác phẩm ‘Con đường cái quan’, Phạm Duy tưởng tượng một chàng thanh niên đầy cảm tính dân tộc và yêu quê hương, đã dùng tiếng đàn lục huyền cầm quyện theo lời ca diễn tả từng địa danh và nẻo đường đất nước, từ Bắc vào Nam. Ông viết bản trường ca này với tâm tư muốn phản đối việc chia đôi đất nước Việt qua hiệp định Geneva năm 1954.

Kết thúc bản trường ca xem ra khá ‘lạc quan’, khi tình người Việt Nam đã được kết liên bền chặt ở phần cuối chặng đường dài đất nước :

“Ðường đi đã tới… Lòng dân đã nối…

Người tạm dừng bước chân vui người ơi .

Người mơ ước tới… Ðường tan ranh giới ,

Ðể người được mãi

Ði trong một duyên tình dài .

Con đường thế giới xa xôi

Trong lòng dân chúng nơi nơi…”


Tới năm 1963, tác giả lại cho ra đời bản trường ca giá trị thứ hai, mang tên ‘Mẹ Việt Nam’, bao gồm cả đất mẹ, núi mẹ, sông mẹ và biển mẹ, nói lên tình yêu quê hương của toàn dân, trong sự ủ ấp yêu thương của mẹ hiền dân tộc, đặc biệt được kết thúc với bản hùng ca ‘Việt Nam, Việt Nam” : Đây là một ca khúc ca ngợi quê hương Việt Nam trong thời bình, với lòng yêu quê hương thiết tha, qua tiếng Việt Nam được nghe từ lúc mới sinh ra "Việt Nam Việt Nam nghe từ vào đời", cho đến "Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời"; và rồi đề cao tình người và hòa bình, với những câu như "Việt Nam không đòi xương máu / Việt Nam kêu gọi thương nhau / Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu / Việt Nam trên đường tương lai / Lửa thiêng soi toàn thế giới "; và nữa "Tình yêu đây là khí giới / Tình thương đem về muôn nơi / Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người"; rồi kết thúc bằng câu hô vang đanh thép "Việt Nam muôn đời".

Theo vết chân Phạm Duy, nhạc sĩ Phạm đình Chương cũng soạn bản trường ca ‘Hội Trùng dương’, diễn tả 3 miền đất nước qua hình ảnh 3 giòng sông Hồng, Hương và Cửu Long, gói ghém nhiều tình nghĩa dân tộc. Đoạn cuối có viết :

“Ba chị em là ba miền, nhưng tình thương đem nối liền,

gặp nhau ven trời biển đông thắm duyên hẹn nhau.

Pha hòa sóng lan bốn phương trời

Vang dội tiếng tranh đấu bao người

Cho quê hương ấm no muôn đời…”


Chúng ta nghiệm ra ở đây rằng tình yêu quê hương lúc nào cũng dạt dào trong tâm khảm người dân Việt. Nó mãi luẩn quẩn trong đầu óc dù khi phải lìa xa nơi chôn nhau cắt rốn. Thật đúng với lời nhạc sĩ tài hoa Hoàng thi Thơ từng diễn tả :”Đường xưa lối cũ có bóng tre che thôn nghèo, có tiếng ca trên sông dài…Đường xưa còn đó, mà hình bóng cũ thiếu trong tôi, mỗi khi chiều lên…”

Ôi những nẻo đường Việt Nam thân yêu !

Những nẻo đường thời Quốc gia tiền chiến

:

Có lẽ quê hương Việt Nam ngày đó là chốn yên bình, Nên thời ấy có rất nhiều điều để cho ta thương, ta nhớ, dẫu chỉ là con đường xanh xanh màu cỏ. Là những sớm chiều thanh thoát tiếng chim ca, là những ngọn gió đồng thổi về man mác, hay những cơn mưa hè ướt cả tuổi hồn nhiên…

Con đường quê nghèo vui an phận mình, trước dòng chảy của thời gian. Quê mình đủ thấu hiểu một đời cha cực nhọc, mồ hôi ướt đầm ngày hai buổi nhọc nhằn. Và cũng hiểu niềm chắt chiu của mẹ, dốc cả đời vì cơm áo cho con. Nhưng người ta biết nhìn nhau bằng đôi mắt thân thương, bởi người dân còn đầy đủ dân tộc tính, cùng đùm bọc nhau bằng mọi cách chia sẻ cuộc sống thường ngày. Vợ chồng vui sống trong diện ‘tình nghèo’.

Thử nghe lại một bài ca ‘tiền chiến’ : “Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh, có sông sâu lơ lững vờn quanh…bao mái tranh san sát kề nhau, bóng tre xanh ru mấy hàng cau mơ màng…” (Làng tôi) . Ai cũng thấy xốn xang.

Thêm nữa, khi nghe bài hát ‘Hoài cảm’ của nhạc sĩ Cung Tiến, ai mà chẳng bâng khuâng niềm thương nỗi nhớ về quê cũ dấu yêu :

“Thời gian tựa cánh chim bay,

qua dần những tháng cùng ngày

Còn đâu mùa cũ êm vui?

Nhớ thương biết bao giờ nguôi? “


Những nẻo đường Việt Nam Cộng Hòa.



21 năm sống tại miền Nam đã để lại cho phần lớn các thành phần tỵ nạn Cộng sản nơi miền tha hương hôm nay những kỷ niệm đong đầy nhớ thương day dứt…

Ngày 20 tháng 7 năm 1954 Hiệp định Geneva chia đôi nước Việt Nam. Cầu Hiền Lương sông Bến Hải vỉ tuyến 17, phía Bắc Tỉnh Quảng Tri, là lằn ranh giữa hai miền Nam và Bắc Việt Nam. Phía Bắc theo Cộng Sản Chủ Nghĩa, với thủ đô là Hà Nội, được Liên Bang Sô viết và Trung Cộng Yểm Trợ. Phía Nam là Việt Nam Cộng Hòa, đặt thủ đô tại Saigon, được Hoa Kỳ và các nước tự do trên thế giới yểm trợ. Và rồi sau khi Hoa Kỳ quyết định bỏ cuộc, thì chánh phủ Saigon sụp đổ và câu truyện tỵ nạn tha hương khởi đầu.

Từ đó, lòng người cứ mãi hướng về những hình bóng cũ của miền Nam, không hề phai nhạt lu mờ. Từ ngôi chợ Bến Thành cổ kính, tới tháp Thiên Mụ nơi cố đô Huế, rồi ngôi giáo đường Đức Bà uy nghiêm, cùng với Tháp Mười nơi đồng bằng Cửu Long…Nhất nhất cứ ẩn hiện hoài trong ký ức.

Nhớ về Việt Nam Cộng Hòa là nhớ về Quảng Trị với mùa hè đỏ lửa, về Huế với cầu Trường Tiền thơ mộng, về Đà Nẵng với Ngũ hành sơn, về Quy nhơn với linh địa Tây Sơn, về Nha Trang với Cầu Xóm bóng, về Phan Thiết với Lầu ông hoàng, về Vũng Tàu với Bãi Dâu, về Sài Gòn với Dinh Độc Lập, về Mỹ Tho với đảo Ông đạo dừa, về Cần Thơ với bến Ninh Kiều, về Long Xuyên với trung tâm Hòa Hảo, về Châu Đốc với rặng Thất sơn, về Hà Tiên với Hòn Phụ tử, về Bặc Liêu với đền cha Trương Diệp và quê ông Sáu Lầu tổ sư ‘sáu câu vọng cổ miền Nam’, về Cà Mâu với mũi đất tận cùng đất nước…

Nhớ nhiều nữa về Nghĩa trang Biên Hòa, nơi yên nghỉ của mấy chục ngàn tử sĩ nằm xuống để bảo vệ miền Nam. Nhớ thêm bến cảng Nhà Bè chen chúc bà con mong trốn chạy khỏi nước ngày 30 tháng 4 năm 1975. Cũng nhớ bao kỷ niệm vượt biên vượt biển đầy hiểm nguy. Nhớ những tháng ngày dài như vô tận ở các trại tỵ nạn Mã Lai, Hong Kong, Nam Dương, Thái Lan, Phi luật Tân…

Bài hát ‘Sai gon ơi vĩnh biệt’ của Nam Lộc vẫn còn được bà con nhớ nằm lòng từ mấy chục năm nay. Và còn nhiều thứ khác nữa, chúng ta sẽ nhớ mãi cho tới ngày lìa đời.

Đôi lời kết :

Nhớ về quê hương Việt Nam phải giúp bà con mình không ngừng vươn lên. Tình yêu quê hương ngút ngàn này cũng đòi ta cố gắng liên lỉ, tìm cơ hội xây dựng cho tương lai tốt đẹp của đất nước .

Mong lắm thay !