Đức Thánh Cha lưu ý không nên cảm thấy hài lòng về đời sống thiêng liêng của mình

VATICAN, Ngày 18, tháng 11, 2014 (Zenit.org) – Hôm nay, Đức Thánh Cha lưu ý trong bài giảng tại nhà nguyện Thánh Mác-ta khi ngài suy niệm về vấn đề đạo đức hâm hẩm. Ngài nói: Cảm thấy mình hài lòng về tình trạng đạo đức của mình là “có tội.”

Đức Thánh Cha trích dẫn Sách Khải Huyền chương 3 và Phúc Âm Thánh Luca kể chuyện Chúa Giê-su gặp Da-kêu, người thu thuế.

Trong bài đọc một, ngài ghi nhận, Chúa Giê-su kêu gọi các Ki-tô hữu tại Laođicêa hãy hoán cải vì họ đã trở nên “hâm hẩm”. Họ đang “sống đạo thoải mái”. Họ cho rằng: “Tôi làm những gì tôi có thể, tôi rất bình thản và không muốn bị phiền phức vì những điều kỳ lạ.”

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô ghi nhận rằng những người nào “đang sống thoải mái cho rằng “họ không thiếu gì cả: Tôi xem lễ ngày Chúa Nhật, tôi thỉnh thoảng cầu nguyện, tôi cảm thấy thoải mái, tôi sống trong ân sủng của Chúa, tôi giầu sang” và “tôi không cần thêm bất cứ cái gì.”

Ngài lưu ý “tình trạng tinh thần này” là “một trạng thái tội lỗi, cảm thấy mình thoải mái về đạo đức là có tội."

Ngài nói: Chúa có những lời nghiêm khắc với những người này: “Vì ngươi hâm hẩm, chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta."

Ngài tiếp: “có lời kêu gọi thứ hai” cho những ai “sống bề ngoài, họ là những Ki-tô hữu sống bề ngoài." Họ cho rằng họ đang sống, nhưng thực ra họ đã chết. Và Chúa Giê-su yêu cầu họ hãy thức giậy.

Đức Thánh Cha nói: “Bề ngoài chính là tấm khăn liệm Ki-tô hữu, vì họ đã chết." Và Chúa “kêu gọi họ hãy hoán cải."

"Tôi có phải là một Ki-tô hữu bề ngoài không? Tôi có đang sống trong nội tâm không? Tôi có đời sống thiêng liêng không? Tôi có nghe tiếng Chúa Thánh Thần không? Tôi có tiến bước hay là…? Nhưng, nếu mọi sự có vẻ tốt đẹp, tôi không có gì để trách cứ tôi: tôi có một gia đình tốt đẹp, người ta không có gì để nói xấu tôi, tôi có đủ tất cả mọi sự tôi cần, tôi có phép hôn phối trong nhà thờ. Tôi đang sống trong ơn nghĩa Chúa.”

"Hỡi các Ki-tô hữu sống bề ngoài… hãy tìm kiếm cái gì đang sống động trong lòng, và với ký ức và sự thức tỉnh, hãy tiến bước. Hãy hoán cải: từ bề ngoài sang thực tại. Từ chỗ hâm hẩm sang nhiệt thành.”

Cải hóa tấm lòng

Lời mời gọi hoán cải thứ ba là cho Da-kêu, “người thu thuế nhà giầu.”

Đức Thánh Cha nói: "Anh ta tham nhũng, đang làm việc cho dân ngoại, cho người La Mã, anh ta phản bội quê hương."

"Anh ta cũng chỉ giống như nhiều người lãnh đạo chúng ta biết: họ tham nhũng. Họ là những kẻ thay vì phục vụ cho dân chúng, lại khai thác dân để làm giầu cho mình. Có một số người như thế trên thế giới này. Và dân chúng không thích anh. Phải, anh không hâm hẩm; Anh không chết. Anh ta đang ở trong trạng thái thối nát. Anh ta tham nhũng. Nhưng anh cảm thấy có một cái gì trong lòng: 'Vị thầy thuốc này, vị tiên tri này được người ta khen là nói hay, tôi muốn gặp ngài, vì tò mò.’ Thánh Thần rất khôn khéo. Ngài gieo hạt giống tò mò, và để được thấy vị ấy, anh ta đã làm một việc khá ‘nực cười.” Hãy thử xem một người lãnh đạo quan trọng, cũng tham nhũng, lãnh đạo của các lãnh đạo – là ông xếp – leo trèo lên cây để xem một đám rước. Cứ thử nghĩ mà xem, có buồn cười không!”

Đức Thánh Cha nói: Da-kêu “không cảm thấy xấu hổ”, anh ta muốn được thấy Chúa Giê-su và Chúa Thánh Thần đã hoạt động trong anh."

Rồi “Lời Chúa đã đi vào tâm hồn anh, và với Lời Chúa là niềm vui."

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói: "Những người thoải mái và sống bề ngoài đã quên không biết niềm vui là gì; còn người tham nhũng kia thì đã thấy ngay”, “tâm hồn anh ta đã được biến đổi, anh ta đã hoán cải." Và người thu thuế hứa sẽ hoàn trả những gì anh ta đã lấy của người khác.

Đức Thánh Cha tuyên bố: "Khi sự hoán cải chạm đến túi tiền, thì là điều chắc chắn. Ki-tô hữu trong lòng? Phải! Tất cả mọi người đều như thế. Ki-tô hữu bởi máu? Tất cả chúng ta. Tuy nhiên, Ki-tô hữu có túi tiền, rất ít. Nhưng hoán cải… và này đây sự hoán cải tức thì đến thẳng nhờ lời chân chính. Anh ta đã hoán cải."

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhắc lại rằng đây là “ba lời mời gọi hoán cải” Chúa Giê-su gửi cho “những người hâm hẩm, thoải mái, sống bề ngoài, những người cho là họ giầu có nhưng lại nghèo nàn, họ chẳng có gì cả, họ đã chết.”

Lời Chúa “có thể thay đổi mọi sự, nhưng chúng ta thường không có can đảm để tin vào Lời Chúa, để đón nhận những gì Lời ấy chữa lành trong chúng ta.”

Vào tuần lễ cuối cùng của Niên Lịch Phụng Vụ, Giáo Hội muốn tất cả chúng ta “hãy suy nghĩ kỹ lưỡng về sự hoán cải của chúng ta, để chúng ta có thể tiến bước trên hành trình của đời sống Ki-tô."