NGƯỜI CHA NHÂN HẬU

Dường như không có đoạn kinh thánh nào mô tả việc ăn năn trở về với Chúa của người tội lỗi được người ta biết đến nhiều bằng đoạn kinh thánh này. Đó là đoạn kinh thánh có tiêu đề là “ Người Cha Nhân Hậu” (Lc 15:11-24) hay còn gọi là “ Đứa Con Hoang Đàng”, tùy theo cái nhìn của mỗi người.

Người con thứ đòi người cha chia gia tài và người cha cũng chiều con để chia cho anh. Trong cuộc sống đời thường, nhất là phong tục văn hóa Việt Nam, thì người con mà đòi chia gia tài ngay khi cha mẹ còn sống là đứa con bất hiếu. Người Việt mình có câu “Trẻ cậy cha, già cậy con”, thế mà bây giờ người con đòi chia gia tài để ra đi, thì còn trông mong nhờ cậy gì được nữa. Biết bao những bậc cha mẹ phải sống trong cô đơn buồn tủi vì sự bất hiếu của những người con. Chia gia tài cho con chẳng phải là bổn phận của người cha, cũng chẳng phải là quyền lợi nhất thiết được hưởng của người con, nhưng thôi con nó đòi thì cha mẹ đành ngậm ngùi chia cho nó. Tất cả những gì của cha là của con, nhưng tất cả những gì của con không phải là của cha!

Sau khi đã lãnh phần của mình, người con ấy lại mang tiền của đi phương xa, không phải để làm ăn mà tiêu hoang phí vào say sưa, đàng điếm. Để rồi khi hết tiền, anh ta rơi vào tình trạng khốn khổ, phải đi làm thuê, làm công việc chăn heo và rồi anh ta bị đói đến nỗi thèm cả thức ăn của heo mà cũng không được ăn. Lúc đó anh ấy mới hồi tâm để nghĩ về cha mình, nghĩ về nhà mình.

Đã bao lần tôi đã xử dụng gia tài Chúa ban cho tôi như tài năng, của cải, địa vị, danh tiếng… để làm điều tội lỗi, làm buồn lòng Chúa, làm hại đến tha nhân. Tôi cũng đã bỏ nhà đi hoang tưởng chừng như quên lối về. Cám ơn Chúa, những biến cố trong đời, những nghiệt ngã trong cuộc sống đã đẩy tôi vào hoàn cảnh phải hồi tâm và nhận ra ân huệ Chúa ban cho tôi. Hôm nay tôi cũng nhất định đứng lên tìm đường về với Chúa là Cha Yêu Thương của tôi.

Từ khi người con ra đi, người cha luôn nhìn ra cửa để mong đợi con trở về. Ông còn chuẩn bị cho con mình áo mới, giầy mới, nhẫn mới và cũng chuẩn bị luôn một con bê béo để ăn mừng khi con ông trở về. Thái độ bồn chồn mong ngóng của người cha già, bước chân năng nhọc khó khăn lê theo cây gậy, đi tới đi lui thật tội nghiệp. Người cha ngóng đợi con, nhưng không chờ trong tuyệt vọng. Ông tin vào con ông vì ông là cha nó, ông biết rồi thế nào nó cũng về.

Có người cho rằng việc trở về của người con này chẳng phải vì nhận thấy mình bất hiếu, hối hận mà trở về với cha. Nhưng vì anh ta không còn con đường nào khác. Anh ta về vì miếng ăn, vì cái bụng và như thế sự trở về của anh ta không phải vì cha mà là vì chính nhu cầu của anh. Giả như anh ta không đói, không bị đưa đến đường cùng thì anh ta có về với cha không? Anh ta có hối hận không?

Rất may là người cha nhân hậu không quan tâm đến điều người ta bình phẩm. Ông chỉ quan tâm đến sự trở về của con ông thôi. Đối với người cha, thì dù con ông trở về với bất cứ lý do gì, động lực gì thì sự trở về vẫn là sự trở về, vẫn là niềm vui của ông. Được nhìn thấy con ông còn sống trở về là ông mãn nguyện lắm rồi. Ông không còn muốn tìm hiểu gì hơn nữa, ông chỉ muốn được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc đoàn tụ hôm nay mà ông đã mong chờ bấy lâu. Cho nên vừa nghe thấy tiếng con về, người cha như có thêm sinh lực. Ông đứng phắt dậy, quên cả chiếc gậy giúp ông đứng lên lao ra cửa. Những giọt nước mắt vui mừng làm nhạt nhòa đôi mắt ông. Người cha già run run giang rộng vòng tay ôm lấy đứa con khốn khổ của mình!

Dù người con có tiêu hết tài sản, có tội lỗi thế nào, có hôi hám bẩn thỉu ra sao ông cũng không màng tới. Ông chỉ biết có một điều đây là con ông, nó đã trở về. Ông “ hôn lấy hôn để” cái con người hôi tanh ấy, cái con người bất hiếu ấy. Ông tha thứ tất cả lỗi lầm trước khi con ông xin tha. Không những thế, ông còn phục hồi địa vị làm con trong nhà bằng cách xỏ nhẫn, mặc áo mới, đi giày mới… và mở tiệc ăn mừng.

Trong khi người con quỳ mọp dưới chân cha khóc lóc ăn năn “Thưa cha, con thật đắc tội với trời và với cha, con chẳng còn đáng được gọi là con cha nữa…” Người cha già như không nghe thấy gì, tâm hồn ông tràn ngập niềm vui “ Con tôi đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”.

Cả căn phòng chìm trong im lặng, không gian như chùng xuống, thời gian như lắng đọng… Những gương mặt tưởng chừng như đã quá quen với sương gió, vất vả với thời gian cũng đang bị xúc động mạnh. Nét suy tư hằn rõ, niềm ân hận đồng cảm với người con lạc trở về… những đôi mắt đỏ hoe, những đôi mắt lệ nhòa, những ánh mắt xót xa đăm chiêu tìm trong ký ức ngày xưa .. Có người nhìn lên trần nhà, có người cúi gầm nhìn đất, có người lau vội dòng lệ cứ mãi tuôn trào. Cũng có người không ngăn được niềm cảm xúc, đôi vai cứ rung lên, cứ nấc lên từng hồi , từng hồi…Không ai còn ngại ngùng khi khóc trước đám đông. Người ngồi khóc cho thân phận mình, khóc vì cảm nhận được tình thương bao la của Cha. Khóc vì được yêu thương, được tha thứ…

Nhìn lên ảnh Thày Giêsu được đặt giữa căn phòng, đôi mắt hiền từ âu yếm nhìn đàn con. Trong ánh mắt vừa âu yếm vừa nghiêm nghị ấy ẩn hiện một nụ cười tươi, nụ cười tìm lại được những đứa con tưởng chừng đã mất mà nay lại tìm thấy.

Ngoài kia những tia nắng ấm vẫn tung tăng đùa với gió, những ánh mây vẫn lững lờ trôi lang thang vô định và sóng biển vẫn rì rào khúc nhạc “ Cha ơi, nay con đã về, tội đầy cùng thưa với cha…”

Giuse Thẩm Nguyễn