SỰ HOANG ĐÀNG CỦA ANH HAI (Lc 15, 11-32)

Nếu như tuổi 15 được xem như là tuổi đẹp nhất của một đời người, được ví như tuổi trăng tròn hay là trăng rằm, thì chương 15 của Tin Mừng theo thánh Luca cũng là chương đẹp nhất, tròn trịa nhất về tình cha. Với một dụ ngôn 3 trong một, dụ ngôn mang nhãn hiệu độc quyền, thánh Luca đã phác họa nên một chân dung người Cha nhân hậu không tưởng trên toàn cõi vũ hoàn. Bức tranh tình cha được khắc họa tinh tế bởi nhiều gam màu sáng tối đan xem lẫn nhau. Từ những toan tính, sự sai lầm, gục ngã, niềm đau và nước mắt của người con hoang đàng đến những cử chỉ âu yếm của lòng nhân từ vô bờ bến, khôn tả của Thiên Chúa. Tiếc thay, trong bức tranh tình cha tuyệt vời ấy có một nét vẽ dường như bị lệch bên ngoài. Nét vẽ ấy to đến nỗi, lạc đến nỗi làm cho làm cho bức tranh niềm vui gia đình dường như không trọn vẹn. Đó là nét vẽ về người người anh hai. Trong niềm vui linh đình của gia đình, thì người anh hai bỗng thấy mình lạc lõng, bơ vơ bên ngoài cánh cổng. Trong bản hòa tấu khúc nhạc vui mừng người em đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy, cung đàn của anh hai bỗng lạc điệu. Chúng ta cùng thử tìm hiểu sự lạc điệu và sự lạc lõng, chua chát, đến bi đát này của người anh hai này.

Ở ngoài đồng

Trước hết, thánh Luca diễn tả không gian của người anh cả chính là nơi đồng ruộng. Động từ ở (eimi) được chia ở thì vị hoàn (imperfect) diễn tả tình trạng đã, đang và có thể sẽ tiếp tục. Chi tiết này nghe có vẻ bình thường đối với một người làm nông trại, nhưng lại rất bất thường trong toàn bộ câu chuyện. Thánh Luca ca dường đang như gợi mở một không gian hoạt động bất thường của người anh hai trong tương quan với gia đình, đặc biệt là với người cha. Người cha thì ở nhà, còn người anh hai thì luôn ở trên cánh đồng. Anh ta có thể chỉ biết một việc là làm và làm chứ không để ý chút gì đến cõi lòng của người cha.

Không biết điều gì xảy ra

Khi về nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, anh hai vội gọi một tên đầy tớ đến để hỏi xem có chuyện gì xảy ra. Luôn ở ngoài đồng, không quan tâm đến tâm trạng người Cha thì làm sao biết được chuyện nhà. Chuyện nhà của anh, nhưng anh lại không biết mà phải hỏi người làm công của anh. Cha anh đãi tiệc chắc là mời nhiều người, nghĩa là, người ngoài ngõ đã tường mà người trong nhà lại chưa tỏ. Chưa tỏ vì thực ra anh không ở trong nhà. Về điểm này có thể nói sự gần gũi và hiểu biết của anh về chuyện nhà không bằng một người làm công. Tương quan của anh và người cha cũng không bằng tương quan giữa cha anh và đứa làm công.

Thái độ: Giận dữ, từ chối vào nhà

Lòng anh ta giờ đây chỉ còn một cảm giác giận dữ và chỉ chờ để được trút giận. Anh ta không muốn vào nhà tý nào. Động từ “muốn” (thêlô) lại được thánh Luca dùng ở thì vị hoàn (êthelen), nghĩa là tình trạng không muốn vẫn cứ tiếp tục. Chính vì thế mà người cha phải ra năn nỉ. Ứng với thái độ không muốn có nguy cơ kéo dài của người anh hai, hành động nài nỉ của người cha cũng được thánh Luca dùng ở thì vị hoàn (parekalei), một sự nài nỉ vẫn đang tiếp diễn và có thể còn kéo dài thêm nữa.

Tương quan đổ bể

Sự bực dọc, giận dữ của anh hai được thể hiện trong lời trách móc: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè”. Câu nói của người anh hai bộc lộ rất nhiều chi tiết đắng cay trong tương quan đổ bể, không lành lặn giữa anh và cha.

Thứ nhất, anh chưa bao giờ gọi cha mình một tiếng cha (pater). Trong bản dịch Việt ngữ cách xưng hô của anh nghe có vẻ nhẹ nhàng: “Cha coi”, thế nhưng trong nguyên ngữ tiếng Hy Lạp không hề có một tiếng cha như thế, tất cả đại từ mà anh hai dùng trong cuộc đối thoại với cha chỉ là đại từ ngôi thứ hai (su) mà thôi, chứ không phải là cha (Pater). Vì thế, câu nói của “anh hai” trong ngôn ngữ bực dọc có thể là: “Ông coi, đã bao nhiêu năm trời tôi hầu hạ ông, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ ông cho lấy được một con dê con để tôi ăn mừng với bạn bè”. Điều này hoàn toàn khác biệt đối với tâm thức của người con thứ. Dẫu rằng ngỗ nghịch, đi xa nhưng trong lòng anh ta lúc nào cũng xem người cha là cha của mình. Lúc nào anh cũng gọi là “cha tôi”: “biết bao người làm công cho cha tôi”; “Thưa cha! Con thật đắc tội…”; “thôi ta đứng lên đi về cùng cha”.

Thứ hai, “đã bao nhiêu năm con hầu hạ cha và không bao giờ trái lệnh”. Trong ý nghĩ lâu nay của anh, tương quan giữa anh và ông ấy không phải là tương quan cha-con nhưng là tương quan chủ tớ. Trong đó anh ta là tớ còn ông ấy là chủ. Và anh phải làm đầy tớ bao nhiêu năm trời rồi. Một đầy tớ hết sức trung thành, chưa bao giờ trái lệnh. Anh biến cha anh thành người chỉ biết ra lệnh còn anh là người thi hành theo mệnh lệnh không hơn không kém. Động từ “douleúồ” (được dịch là hầu hạ) trong nguyên ngữ tiếng Hy Lạp có nghĩa đầu tiên là “làm nô lệ”. Mà động từ này lại được dùng ở thì hiện tại, diễn tả một tình trạng thực tế không bao giờ thay đổi: bao nhiêu năm nay anh vẫn là một người nô lệ của cha mình.

“Không trái lệnh khi nào” nghĩa là anh ta tự xem mình là một người hoàn thành bổn phận một cách tốt đẹp, không còn gì đáng chê trách.

Thế mà ông chưa bao giờ cho anh một “con dê con”. Sự so sánh giữa một con dê con và một con bê vỗ béo cho thấy sự cay đắng trong ngôn ngữ của anh khi nghĩ về cách đối đãi của “ông” cha với anh. Anh đã làm đầy đủ bổn phận và lẽ ra anh nên được đãi ngộ tốt hơn, hoặc ít ra ngang bằng với người con thứ, đằng này anh lại chẳng được gì.

Thứ ba, không xem ông ấy là cha, cho nên “con dê con” nếu có, anh ta cũng chỉ muốn được “nhậu” với chúng bạn chứ không phải với cha, với gia đình.

Tương quan của anh với cha xưa nay vốn không tốt, không lành lặn, nay bỗng bùng nổ thành lời khi anh thấy ông đãi tiệc mừng người con thứ.

Cuối cùng, ranh giới được người anh hai vạch rõ ràng hơn khi tuyên bố “thằng con của ông kia”. Tuyên bố “thằng con của ông”, nghĩa là nó không phải em của anh, cũng có nghĩa là anh không phải là con của ông.

Điều này hợp với tiến trình mà thánh Luca mô tả anh từ đầu đến giờ: ở ngoài đồng, không biết nhà đang có chuyện vui gì, không muốn vô nhà, tự xem mình là một người nô lệ, ăn mừng với chúng bạn. Tất cả dữ liệu đều chứng tỏ rằng anh ta không thuộc về gia đình này, người cha không phải là cha anh, người con thứ không phải là em của anh.

Thật bùi ngùi xót xa cho thân phận bơ vơ lạc lõng của người “anh hai”. Anh không xin cha chia gia tài, anh không cuốn gói ra đi phương xa, anh không tiêu xài phung phú của cải, anh không lâm vào tình trạng đói cơm thiếu áo, nhân phẩm của anh không tuột dốc đến mức không bằng một con heo, nhưng anh lại chưa bao giờ cảm nhận được hơi ấm tình cha, anh chưa bao giờ thấy ấm cúng khi ở trong nhà cha. Không có một nối kết thân thương nào giữa anh với cha. Anh đã đánh mất tình cha, và còn đánh mất tình anh em ruột thịt khi tự giới hạn mình thành một con người của bổn phận, một đầy tớ, một nô lệ, chứ không phải một người con trong gia đình Thiên Chúa. (Xin xem thêm bài “Tưởng được lại mất tưởng mất lại được” để biết thêm về sự tuột dốc của người con thứ: http://dongngoiloi.blogspot.com/2013/03/tuong-uoc-lai-mat-tuong-mat-lai-uoc-lc.html ).

Kết thúc mở

Thánh Luca kết thúc dụ ngôn bằng cách để ngỏ chọn lựa của người anh hai. Anh có vào hay không? Không ai biết. Sự mở ngỏ này có ý nghĩa hết sức độc đáo. Thiên Chúa vẫn mời gọi, vẫn nài nỉ nhưng người Pha-ri-sêu và những kinh sư vào nhà chung vui với Ngài. Ngài mong muốn họ nối lại tình cha-con với Thiên Chúa. Ngài muốn họ cũng nhận lại địa vị làm con, cảm nhận được hơi ấm tình cha, chứ không phải chỉ là những người đầy tớ suốt ngày quần quật trên đồng ruộng để rồi quên lối về nhà. Ngài mong muốn họ chấp nhận những người lầm lỗi biết ăn năn. Ngài không muốn họ chỉ bằng lòng với những việc bổn phận mình làm để rồi tỏ ra hậm hực với những người tội lỗi, tỏ ra không hài lòng trước tình yêu, sự tha thứ mà Thiên Chúa Cha dành cho những con người đau khổ.

Khởi đầu dụ ngôn “người cha nhân hậu” người ta cứ tưởng rằng vấn đề của người con thứ, người con hoang đàng là vấn đề rất lớn nhất bao trùm cả dụ ngôn. Vì thế, đã có thời người ta đặt tên dụ ngôn này là “dụ ngôn người con hoang đàng”. Vấn đề người con thứ tuy có lớn nhưng đã được giải quyết rất đơn giản khi anh có ý trở về. Cho dẫu rằng anh về chỉ vì nghỉ đến “người đầy tớ của cha được cơm dư gạo thừa”, chứ không phải nghĩ đến tình thương và sự mong mỏi của người cha, người cha vẫn chấp nhận và ôm anh vào lòng.

Một kết thúc mở cho thấy vấn đề của người “anh hai” mới là vấn đề lớn, vấn đề còn bỏ ngỏ. đó là vấn đề của các kinh sư và những người pha-ri-sêu, những người đang xầm xì, phản đối việc những người tội lỗi và thu thuế đến cùng Đức Giê-su và nghe Người giảng. Đó là vấn đề của những người tự cho mình là công chính không cần phải sám hối ăn năn.

Công chính nhưng không ở trong nhà Cha, không một tương quan gần gũi với Cha, không có lòng cảm thông với anh chị em đồng loại, thì công chính để làm gì. Tự xem mình là công chính mà không cảm nhận được hơi âm tình cha, tình anh em, tình người thì công chính để làm chi. Nói như kiểu của Chúa Giê-su, 99 người công chính như thế quả không bằng một người tội lỗi biết sám hối ăn năn và quay về với Chúa.

Thánh phao-lô nói rằng: “Như có lời chép rằng : Không ai là người công chính, dẫu một người cũng không” (Rm 3,10). Nghe sao mà bi quan quá, nhưng đó lại là sự thật. Người ta chỉ được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ tin vào Đức Giê-su (Rm 3,22; Gl 3,16; Pl 3,9). Ơn công chính là ơn Chúa ban nhờ Đức Giê-su Ki-tô. Một khi cậy dựa vào sức mình mà không cần nhờ vào sự trợ giúp của Thiên Chúa thì sẽ không được ơn công chính. Hoàn cảnh của người anh hai cũng là hoàn cảnh chung của rất nhiều tín hữu hôm nay khi họ dám tin vào công trạng của mình đủ để làm cho họ được cứu độ chứ không phải nhờ vào tình thương của Cha trên trời. Kiểu như câu chuyện: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế.Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên" (Lc 18, 10-14).

Duy Thạch, SVD.