Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa theo ghi chép của các giáo sĩ phương Tây

Theo giaó sử thì giáo sĩ nước ngoài đầu tiên đặt chân đến Việt Nam là Francesco Buzomi (1575-1639), người Ý, tới Cửa Hàn ngày 18-1-1615. Sở dĩ, Việt Nam chưa được chú ý đến sớm vì do có sự phân chia thế giới cho Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha qua sắc chỉ của Giáo hoàng Alexandre VI năm 1494 mà Việt Nam thuộc quyền khai thác của người Bồ Đào Nha. Nhưng một số giáo sĩ người Bồ đến nước ta lại không biết tiếng bản xứ - một thứ tiếng mà người ngoại quốc mô tả là rất khó học vì “líu lô như chim hót” nên đành chịu thất bại quay về. Những giáo sĩ của dòng Tên có khả năng ngoại ngữ lại chỉ nhắm đến Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên. Chỉ đến khi hoàng đế Nhật Bản Daifusama ra lệnh trục xuất các giáo sĩ và cấm đạo gắt gao năm 1614, các giáo sĩ nước ngoài mới chạy về Ma Cao và từ đó mới tìm đến Việt Nam để rao giảng đạo Công Giáo. Đã có nhiều nghiên cứu về đóng góp của đạo Công Giáo với văn hóa Việt và một trong những đóng góp đó là những ghi chép của giáo sĩ nước ngoài về chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ai cũng biết rằng, dưới thời phong kiến, nước ta hầu như không có tên trên bản đồ thế giới. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) cũng ngạc nhiên khi đặt chân lên Việt Nam. Ông viết:

“Tôi không biết vì sao đất nước rất xinh đẹp này lại không được biết tới. Vì sao các nhà địa lý châu Âu không biết tí gì và cũng không ghi trên bản đồ nào cả. Tuy họ chép đầy đủ tên các nước trên thế giới” (1).

Chính ông, người có công lớn trong việc xây dựng nên chữ quốc ngữ ngày nay khi công bố bộ 3 tác phẩm: Từ điển Việt- Bồ -La, Phép giảng tám ngày và Ngữ pháp tiếng Việt ở Rôma năm 1651 cũng đã kịch liệt chống lại các quan niêm sai lầm lúc đó như “ ngoài châu Âu ra thì hoàn toàn là man di mọi rợ” hay “ Trung Quốc là tất cà những gì đẹp đẽ nhất trái đất”. Ông đã nhiều lần ca ngợi đất nước, con người, xã hội Việt Nam. Ông viết:

“ Tôi có thể nói, họ chẳng thua gì các bác sĩ của ta và hơn nữa, trong một vài môn họ giỏi hơn ta nữa…Họ luôn dùng ba ngón tay để bắt mạch và thực ra họ rất thành thạo. Thuốc của họ không khó uống như của ta, hơn nữa không đắt tý nào bởi vì thứ đăt nhất cũng chằng giá hơn 5 xu… Pháp luật ở đây còn hơn cả các nước phương Tây vì không có giấy tờ rườm rà, nghi thức lôi thôi làm tổn phí thời giờ và tiền bạc của đôi bên”(2).

Điều ngạc nhiên là ngay vị giáo sĩ đầu tiên khi đặt chân đến Việt Nam là F. Buzomi cũng đã có ghi chép về việc người Việt đã khai thác hải sản và quản lý Hoàng Sa. Ông viết:

“ Hải cảng đông nhất, nơi mà tấ cả những người ngoại quốc đều đến và cũng là nơi có hội chợ đông đúc là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam. Chúa Đàng Trong cho người Nhật, người Hoa tự chọn một địa điểm thuận tiện để lập một thành phố chuyên cho việc buôn bán. Thành phố này gọi là Faifo tức Hội An…Thuyền trưởng các tàu buôn qua lại nơi này thích cập cảng Hội An hay những cảng gần thủ đô Huế. Những người đi biển của 3 cảng này (tức cảng Huế, Hội An và Đà Nẵng) là những người lão luyện nhất của quốc gia này và hàng năm có chuyến đi biển đến quần đảo và bãi đá lô nhô có tên Hoàng Sa (Paracels) nằm cách biển Đàng Trong khoảng 20-30 dặm” (3).

Không ít người kể cả các nhà khoa học cũng nghĩ rằng Việt Nam bị đô hộ bởi Trung Quốc cả ngàn năm nên bị Hán hóa nhưng sau khi nghe những tài liệu nghiên cứu về Việt Nam của linh mục Leopold Cadiere, giáo sư Condominas đã phát biểu trong cuộc hội thảo “Tuần lễ dân tộc học tôn giáo” ở Luxembourg năm 1928:

“ Một dân tộc biết tiếp nhận vô vàn yếu tố Trung Hoa, bị áp đặt và thu nạp một cách tự nguyện, để dựng lên một thế giới của riêng mình, và giữ gìn bản sắc độc đáo của mình” (4).

Chính F. Buzomi cũng nhận ra sự khác biệt của tính cách và con người Việt Nam khác với các dân tộc quanh vùng. Ông viết:

“ Nhờ Khổng giáo, xã hội và gia đình Việt Nam có một tổ chức rất cao, người dân Việt Nam có những đức tính và phong tục rất đáng khâm phục…Người Việt không nghiêng về văn chương, tính tình không thâm hiểm như người Tầu… Cả về tầm thước, họ không cao như người Tầu, cũng không thấp như người Nhật, dễ nghe, dễ tin và nhiều mê tín nhưng người dân Việt dễ nhận ra lẽ phải, không kiêu căng hay tự tôn như người Tầu” (5).

Năm 1511, một thuyền buôn của người Bồ Đào Nha do thuyền trưởng Fernad Piado cùng với một giáo sĩ dòng Tên đã ghi lại chuyến công du qua biển Đông. Ghi chép này được xuất bản trong cuốn “Du ký Feraginacao”, xuất bản ở Lisbon năm 1614. Trong sách Piado đã mô tả quần đảo Hoàng sa khá chi tiết mà ông gọi là Pulo Pracelar. Theo tiếng Bồ Đào Nha thì Pulo là cù lao còn Pracelar nghĩa là san hô. Trong cuốn nhật ký của tàu Amphitrite, khi chở các giáo sĩ dòng Tên qua quần đảo Paracels (tức Hoàng Sa) năm 1701 có ghi: “ Người ta cho nhổ neo, gió rất tốt. Và sau đó chỉ một thời gian đi đến quần đảo Paracels. Paracels là một đảo thuộc về An Nam. Đó là một bãi đá ngầm khủng khiếp có đến hàng trăm dặm, chạy dài xuống phía nam, chạy dọc theo bờ biến xứ Cochinchine (Đàng Trong), rất nhiều lần đã xảy ra các nạn đắm tàu ở đó” (6).

Có lẽ địa hình hiểm trở của bãi đá ngầm Hoàng Sa là nỗi ám ảnh với những thuyền buôn qua đây. Nhật ký tàu Amphitrite ghi tiếp: “ Tàu Amphitrite là tàu đầu tiên hành trình đến Trung Quốc suýt bị đắm. Nhiều chỗ cạn chỉ có 4-5 sải nước. Thoát được nguy hiểm ở đây thì chỉ có phép lạ. Bị đắm tàu trên những tảng đá khủng khiếp đó hoặc bị lạc phương hướng khi không còn một một nguồn dự trữ nào thì cũng nguy hiểm như nhau mà thôi” (7).

Một giáo sĩ tên là Jean Baptiste Shaipeau (1769-1825) được vua Gia Long yêu quý đặt cho một tên Việt là Nguyễn Văn Thắng trong cuốn hồi ký có tên là “ La memoire sur la Cochinchine” đã viết:

“ Nước Cochichine ( tức An Nam) mà nhà vua bây giờ xưng đế hiệu Hoàng đế gồm xứ Đàng Trong, xứ Đông Kinh, một phần xứ Cao Miên, một vài đảo có dân cư không xa bờ và quần đảo Paracels hợp thành bởi những bãi đá nhỏ, đá ngầm và một số mỏm đá không dân cư. Cho đến năm 1816, đương kim Hoàng đế mới lấy chủ quyền trên quần đảo ấy (8)”.

Giám mục Jean Louis Taberd trong cuốn biên khảo “ Univers historire et des cription de tous le peuples” xuất bản ở Paris 1833 ghi rõ: “ Chúng tôi không đi vào việc kê khai những đảo chính yếu của xứ An Nam. Chúng tôi chỉ xin lưu ý rằng, từ hơn 34 năm nay, quần đảo Paracels mà người Việt gọi là Cát Vàng hay Hoàng Sa cũng có nghĩa là cát vàng, gồm nhiều hòn đảo chằng chịt với nhau, lởm chởm những hòn đá nhô lên giữa những bãi cát làm cho những kẻ đi biển rất e ngại đã được chiếm cứ bởi người Việt xứ Đàng Trong… Có điều chúng tôi biết chắc chắn là hoàng đế Gia Long đã ngự tàu ra biển để chiếm cứ các đóa hoa lạ để cài lên vương miện của ngài. Vì vậy mà ngài xét thấy đã đến lúc phài thân chinh vượt biển để tiếp thêm quân đến Hoàng Sa vào năm 1816. Ngài đã trịnh trọng cắm lá cờ đỏ, lá cờ của xứ Đàng Trong”.

16 năm sau, tức năm 1849, J.L. Taberd lại cho công bố bằng tiếng Anh tại Ấn Độ: “Năm 1816, vua Gia Long đã tới và còn long trọng cắm cờ quốc gia của ông khẳng định chủ quyền trên các quần đảo này và hình như không một ai tranh giành với ông”. Chính vị giám mục này, trong cuốn từ điển tiếng Việt “Từ điển La- Việt” của ông in ở Serampore năm 1838 và cũng đã cho công bố tấm bản đồ rất có giá trị lịch sử. Đó là “ An nam đại quốc họa đồ”khổ 80 x 40 cm bằng 3 thứ tiếng Latinh, Quốc ngữ và Hán ngữ mà các nhà sử học nước ta hiện nay thường trưng dẫn để khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam (ảnh trên). Trong bản đồ trên được in bằng giấy chuyên dụng, giám mục J.L. Taberd đã ghi rất rõ vị trí của Paracel tức Cát Vàng là thuộc Việt Nam, trong khi đó lại không ghi đảo Hải Nam trên biển Đông. Một số giáo sĩ khác như A. de Rhodes cũng đã cho in bản đồ Việt Nam có ghi đảo Hoàng Sa mà lúc đó ông gọi là Pulosisi. Một giáo sĩ người Hà Lan trong bản đồ “Việt Nam với Đàng Ngoài, Đàng Trong và biển Đông với quần đảo Paracels” in trong Carte de L’Indonechine 1658-1659 cũng ghi rõ Hoàng Sa (Paracels) là của Việt Nam.

Trên tạp chí Journal of Asiasic society of Bengal, số 6-7 tháng 9 năm 1837, giám mục J.L Taberd cũng viết: “ Paracel hoặc Paracels tức quần đảo này không có gì ngoài đá tảng và những cồn cát lớn,nó hứa hẹn nhiều bất tiện hơn là lợi. Vua Gia Long đã mở rộng lãnh thổ bằng cách chiếm thêm cái đảo buồn này. Năm 1816, ông đã long trọng cắm cờ và chính thức khẳng định chủ quyền các quần đảo đá này mà không một ai tranh giành với ông”.

John Barrow, một giáo sĩ quốc tịch Anh khi đi đến Trung Quốc, cũng đi qua vùng biển có quần đảo Hoàng Sa. Ông ghi lại trong hồi ký “ Một chuyến du hành tới Đàng Trong vào năm 1792-1793”, xuất bản ở London năm 1806 có đoạn: “ Các thuyền xứ Đàng Trong dùng vào việc buôn bán ven biển, chài lưới, đánh bắt hải sản và tổ yến. Họ ra tận quần đảo có tên là Paracels và thu được nhiều hải sản khác nhau”.

Tóm lại, các ghi chép của các giáo sĩ nước ngoài đã khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam từ rất sớm, chí ít cũng là từ thế kỷ XVII.

Chú thích:

1,2- A. de Rhodes: Hành trình truyền giáo, Tủ sách Đại Kết 1994, tr.143,tr.89

3- Theo trang Biendong.net, ngày 23-8-2013

4- L. Cadiere: Về văn hóa, tín ngưỡng truyền thống người Việt, Nxb VHTT 1997, tr.10

5- Nguyễn Hồng: Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, tập 1, Nxb Hiện Tại Sài Gòn 1951, tr.55

6,7- Dẫn theo Biendong.net ngày 23-8-2013

8- Dẫn theo Biengioilanhtho.gov.vn ngày 28-8-2013