Báo Tuổi Trẻ online từ 8 đến 14.9.2009 đã đăng một thiên ký sự về trận đánh Hoàng Sa giữa Hải Quân VNCH và Trung Quốc năm 1974 do Chuẩn Úy Nguyễn Văn Đức, Đảo Trưởng Hoàng Sa, và Thượng Sĩ Lê Công Bảy, giám lộ (giám sát lộ trình - hàng hải) trên khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4 kể lại. Bài ký sự đã được viết rất nghiêm túc, Đây là chuyện chưa từng xẩy ra trên các báo chí ở trong nước. Phải chăng “khi tổ quốc lâm nguy” thì “chiến tuyến” không còn nữa? Cả hai ông Nguyễn Văn Đức và Lê Công Bảy đều là “chiến sĩ VNCH” còn ở lại trong nước.

Chuyện làm đảo trưởng Hoàng Sa chúng ta chưa hề được nghe đến, nhưng trận hải chiến giữa Hải Quân Trung Quốc và Hải Quân VNCH, chúng ta đã nghe các đàn anh của Thượng Sĩ Lê Công Bảy kể lại nhiều rồi. Tuy nhiên, mỗi người nhìn vấn đề dưới những khía cạnh khác nhau. Câu chuyện Thượng Sĩ Lê Công Bảy kể lại cũng có nhiều chi tiết chưa từng được nghe, có thể góp phần làm sáng tỏ thêm lịch sử. Vì thế, chúng tôi xin tóm lược lại dưới đây hai câu chuyện nói trên.

ĐẢO TRƯỞNG ĐẢO HOÀNG SA

Mở đầu thiên ký sự, báo Tuổi Trẻ đã giới thiệu như sau:

“Hơn 35 năm trước, những người con đất Việt đã nhận lệnh vượt trùng dương ra quần đảo Hoàng Sa canh giữ biển trời Tổ quốc. Họ tự hào ra đi trong tâm thế của người Việt ra canh giữ đảo biển của người Việt! Bây giờ nhắc lại, mắt họ rưng rưng, tim họ nghẹn lại khi Hoàng Sa vẫn còn trong tay nước ngoài.

“Từ số báo này, Tuổi Trẻ đăng tải hồi ức của những người từng canh giữ biển trời Hoàng Sa 35 năm trước. Thời gian dài trôi qua, nhưng những gì tận mắt họ chứng kiến, những gì họ trực tiếp tham gia không thể phai mờ trong tâm trí.”

Chuẩn Úy Nguyễn Văn Đức đã được Biệt Khu Quảng Đà cử đi làm Đảo Trưởng đảo Hoàng Sa cách đây 40 năm do Sự Vụ Lệnh số 1445/BCH/TK/75/5/4 ngày 14.10.1969 do Trung Tá Lê Tri Tín, Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Quảng Nam ký, cùng với 34 quân nhân thuộc Trung Đội Hoàng Sa. Lúc đó anh mới 22 tuổi.

Chuẩn Úy Nguyễn Văn Đức
Được hỏi ông có lo lắng gì trước lúc lên đường làm nhiệm vụ hay không, ông trả lời:

“Tại sao phải lo lắng? Đó là đất của cha ông mình để lại, là máu mủ thân yêu của Tổ quốc nên chúng tôi ra đi như lẽ bình thường, hiển nhiên. Chẳng có chút gì phải lo sợ khi chúng tôi đi trong tâm thế của một người Việt ra canh giữ đảo biển của người Việt! Khi đó quần đảo Hoàng Sa thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Sài Gòn, thuộc về người Việt, đó là sự thật lịch sử không thể chối cãi”.

Một ngày cuối tháng 10-1969, ông Đức cùng trung đội Hoàng Sa gồm 34 người và bốn nhân viên khí tượng rời cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) lên đường làm nhiệm vụ. Sau hơn 24 giờ lênh đênh trên biển, Hoàng Sa thân yêu hiện dần lên trước mắt ông. Ông Đức nhớ lại:

“Lúc đầu biển khá êm, nhưng khi rời đất liền được khoảng hơn 100km thì sóng lớn dần. Từ xa Hoàng Sa hiện lên giữa nền xanh của đại dương. Bao bọc quanh Hoàng Sa là những rạn san hô rộng lớn, vì thế chúng tôi không thể cặp tàu vào được mà phải dùng canô để chuyển quân và quân trang vào đảo. Trên đảo có một tòa nhà lớn được xây dựng từ thời Pháp thuộc, cao khoảng 8m, tường dày 2m dành cho đảo trưởng.

“Trong phòng làm việc của đảo trưởng có một bức tường ghi tên tất cả những người lính đã ra đây giữ đảo. Và tên của chúng tôi đã được ghi lên đó, đó là niềm vinh dự lớn lao của một người con đất Việt. Xung quanh đảo là những rừng cây, tuy không to lớn nhưng cũng đủ để che chắn nắng gió cho lính đảo. Hình ảnh lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất tuyệt đẹp của Tổ quốc nơi xa đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ y nguyên. Xúc động lắm”.

Ông Nguyễn Văn Đức kể tiếp:

“Nhiệm vụ của chúng tôi là đo đạc, báo cáo về sở chỉ huy ở đất liền những tin tức ở Hoàng Sa mỗi ngày. Anh em khí tượng làm nhiệm vụ quan trắc và báo cáo tình hình thời tiết để phục vụ cho tàu bè lưu thông trong vùng. Trang bị vũ trang lúc ấy không nhiều, chỉ có hai khẩu đại liên 50mm nhưng anh em vẫn kiểm soát được toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Tàu bè quốc tế ngang qua đều tôn trọng chủ quyền của chúng ta, và chúng ta cũng sẵn sàng hỗ trợ tàu bè khi gặp bão tố. Những lúc rảnh rỗi chúng tôi thường dùng canô đi qua các đảo lân cận để chơi vì cảnh quan ở đây rất hữu tình. Đảo Cát, đảo Chim, đảo Elbe, đảo Duncan, đảo Drumond... chúng tôi đều đã đặt chân đến”.

Trầm ngâm nhớ lại những ngày tháng gắn bó với mảnh đất xa xôi của Tổ quốc, Chuẩn Úy Nguyễn Văn Đức nói:

“Khi thủy triều xuống, cả rạn san hô hiện lên tuyệt đẹp như một rừng hoa biển. Mỗi khi nhớ đất liền, anh em lại lấy vài cành san hô bỏ vô chậu, bắt vài con cá nhỏ ngồi ngắm nghía bên tách cà phê đen. Có sống ở đảo mới thấy nhớ đất liền, yêu quê cha đất tổ. Thời tiết ở đây khá ôn hòa nhưng gió mạnh lắm, nhiều khi anh em bị gió đẩy ngã sóng soài. Tuy vất vả, thiếu thốn nhưng anh em thấy vui và hãnh diện khi được trấn giữ biển đảo quê nhà”.

Ông cho biết có hai di tích ở đảo Hoàng Sa ông không thể nào quên. Đó là cái miếu nhỏ ở góc đảo mà anh em lính đảo vẫn thường ra đó để tìm chút an bình giữa sóng gió. Ông kể:

“Mỗi khi sóng to gió lớn hay thấy lòng bất an, anh em chúng tôi thường tìm đến ngôi miếu. Lạ lắm, chỉ cần ngửi thấy mùi nhang khói là cảm giác ở xa đất liền như được gần lại. Hơn nữa, mùi nhang khói như gợi lên những tiềm thức về quê cha đất tổ, nhớ về nguồn cội. Đó là những điều cần thiết để những người con đất Việt như chúng tôi yên lòng nơi đầu sóng ngọn gió giữ gìn biển đảo của cha ông để lại. Cạnh đó là một nghĩa trang có hơn 30 ngôi mộ là hài cốt của những chiến sĩ người Việt ngã xuống vì bệnh tật nơi đảo xa, là nắm xương của những người con Việt đã nằm xuống sau những lần đụng độ với âm mưu xâm lược của ngoại bang.

“Ở đó còn có cả hài cốt của những ngư dân từ miền Trung, miền Bắc gặp nạn trên đường mưu sinh. Và cũng có cả những nắm xương của lính nước ngoài bị chúng ta hạ gục khi âm mưu đánh chiếm đảo. Có một điều là chúng tôi không phân biệt địch ta khi họ đã ngã xuống, mỗi ngày rằm hay cuối tháng chúng tôi đều thắp nhang lên những nấm mồ hoang. Có lẽ đó là một nét đặc biệt của người Việt mình, là một hành xử đầy tính nhân văn, “lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn” mà mỗi người Việt chúng ta còn lưu giữ được từ dòng máu Lạc Hồng!”.

Ngày 19-1-1974, ngày quân Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa là ngày ông Đức cảm thấy đau đớn nhất trong cuộc đời mình. Ông xúc động kể lại:

“Khi hay tin Hoàng Sa bị quân Trung Quốc tước đoạt bằng vũ lực, tôi đau đớn đến mức nước mắt không thể chảy được, lòng dạ như ai xát muối. Tôi biết ngoài kia những đứa con của đất Việt sẽ phải đổ máu vì quê hương. Tôi đau vì một mảnh đất tuyệt đẹp và giàu có của nước nhà đã bị ngoại bang vô cớ cướp đoạt. Đó là nỗi đau của một người con đất Việt!”.

TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA

Ông Lê Công Bảy cho biết ông là Thượng Sĩ giám lộ (giám sát lộ trình - hàng hải) trên khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4 (chiến hạm tối tân nhất của Hải Quân VNCH thời bấy giờ) với chức danh hạ sĩ quan phụ tá trưởng ngành giám lộ, kiêm hạ sĩ quan phụ tá trưởng khối hành quân. Hiện ông là bảo vệ của Đài truyền hình VN tại Sài Gòn.

Thượng Sĩ Lê Công Bảy
Ông kể lại với báo Tuổi Trẻ rằng với chức danh nói trên, lúc nào (trong nhiệm sở tác chiến hay hải hành) ông đều phải có mặt thường xuyên trên đài chỉ huy, thường xuyên bên hạm trưởng Vũ Hữu San (Trung Tá Hải Quân, Hạm Trưởng). Nhiệm vụ của anh em chúng tôi là ghi lại nhật ký tác chiến, nhật ký hàng hải, xác định vị trí của chiến hạm, đồng thời nhận và chuyển những tài liệu bằng đèn và cờ. Ông cho biết:

“Hôm ấy, ngày 16.1.1974, gió mùa đông bắc thổi mạnh trên biển Đông. Biển động mạnh. Chiến hạm chúng tôi đang tuần tiễu vùng biển Quảng Ngãi từ Sa Huỳnh đến cù lao Ré (đảo Lý Sơn). Đây đã là ngày thứ 14 lênh đênh trên biển. Chỉ còn một ngày nữa chiến hạm sẽ được về Đà Nẵng nghỉ bến, anh em thủy thủ đoàn rộn ràng nghĩ đến ngày được vào đất liền.

“Chưa kịp dùng cơm trưa thì từ trung tâm truyền tin đưa lên đài chỉ huy một công điện thượng khẩn: lệnh cho tàu về ngay Đà Nẵng. 17 giờ tàu về đến quân cảng Đà Nẵng (cảng Tiên Sa). Hạm Trưởng San và Đại Úy Diên - trưởng khối hành quân, được lệnh lên họp khẩn cấp ở trung tâm hành quân Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải. Từ trung tâm hành quân, hạm trưởng điện về tàu lệnh cho ban ẩm thực lên bờ đi chợ (tiếp tế lương thực).

“20 giờ Hạm Trưởng San về tàu. Lệnh cấm trại 100% được ban ra. Ban cơ khí chuẩn bị bắt ống để nhận dầu và nước ngọt. Đến 21g, hai chiếc xe GMC chở một trung đội với đầy đủ vũ khí đạn dược xuất hiện. Lần đầu tiên trước mắt tôi được chứng kiến một toán quân mặc quân phục lạ lùng. Sau một hồi dọ hỏi tôi mới biết đây là Lực Lượng Biệt Hải. Tôi được lệnh từ Đại Úy Diên chuẩn bị hải đồ đi Hoàng Sa. 23g, tàu khẩn cấp rời cảng Tiên Sa trực chỉ Hoàng Sa. Tôi cảm giác có một chuyện gì lớn lao sắp xảy ra.”

Ông Lê Công Bảy kể tiếp như sau:

11g30 ngày 17-1, khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4 đã có mặt tại quần đảo Hoàng Sa. Trước đó ngày 16-1, tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ-16 do Hải Quân Trung Tá Lê Văn Thự làm hạm trưởng cũng đã có mặt tại Hoàng Sa.

HQ-4 tiến gần đảo Vĩnh Lạc. Còi tác chiến vang lên, tất cả thủy thủ đoàn đã sẵn sàng ở vị trí chiến đấu. 14 giờ, trung đội biệt hải được lệnh rời tàu trên ba xuồng cao su, 20 phút sau trung đội biệt hải đã đổ bộ lên rìa đảo an toàn và nhận lệnh tiến sâu vào đảo lục soát.

Báo cáo từ đoàn quân gửi về: không phát hiện gì ngoài vài nấm mộ hình như mới đắp, không có bia, chỉ có cọc gỗ và bảng gỗ đóng trước đầu mộ ghi bằng chữ Trung Quốc với ngày sinh và ngày chết hàng mấy chục năm về trước.

Các chiến sĩ biệt hải được lệnh đào bới các nấm mộ giả lên, hóa ra chẳng thấy xương cốt gì cả. Đây là những nấm mộ ngụy tạo mà ai đó đã dựng lên để chứng tỏ có người Trung Quốc đã sống và chết trên đảo mà thôi. 16g30, lực lượng biệt hải được lệnh rút về tàu.

Đến buổi chiều, phòng chiến báo rằng theo dõi qua hệ thống rađa tầm xa đã phát hiện hai mục tiêu trên biển đang di chuyển đến quần đảo Hoàng Sa. Từ nóc đài chỉ huy, các bộ phận quan sát bằng ống nhòm đã nhìn thấy hai tàu chiến lạ. Trung tâm chiến báo được lệnh theo dõi và báo cáo thường xuyên mọi hoạt động, hướng đi, khoảng cách của hai tàu trên.

Đêm 17 rạng 18-1 là một đêm cực kỳ căng thẳng. Còi nhiệm sở tác chiến báo động suốt đêm. Phía Trung Quốc tăng cường lực lượng và cố tình khiêu khích, các chiến hạm của họ tiến sâu vào lãnh hải Hoàng Sa. Tàu HQ-4 và HQ-16 dùng tín hiệu cảnh cáo: Đây là lãnh hải của Việt Nam. Yêu cầu các ông hãy rời khỏi đây ngay! Phía Trung Quốc đáp trả, cho rằng Hoàng Sa là của họ.

Tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc chặn VN ra Hoàng Sa
Sáng 18-1, chiến hạm HQ-4 của chúng tôi tiến về đảo Cam Tuyền. Lúc 8g, trung đội biệt hải được lệnh đổ bộ lên đảo. Sau khi lục soát chỉ phát hiện những nấm mộ mới đắp không hài cốt y như ở đảo Vĩnh Lạc.

Đến 11g, đài khí tượng và quân đồn trú đảo Hoàng Sa báo cáo có hai tàu đánh cá vũ trang mang cờ Trung Quốc xâm nhập và tiến gần đến đảo Hoàng Sa, tàu HQ-4 và HQ-16 được lệnh tiến về đảo Hoàng Sa. Khi tiến đến gần tàu đánh cá vũ trang của Trung Quốc, tàu HQ-4 dùng tín hiệu cảnh cáo và đuổi đi, nhưng cả hai tàu Trung Quốc cố tình khiêu khích.

Tàu HQ-4 tiến thẳng đến một tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc. Trên tàu có khoảng 30 thuyền viên mặc đồng phục màu xanh dương đậm. Tàu được trang bị hai thượng liên (một đằng trước mũi và một đằng sau lái tàu), ngoài ra có rất nhiều súng AK-47. Tàu HQ-4 quyết định áp sát mạn tàu đánh cá Trung Quốc để xua đuổi.

Hai bên đánh nhau bằng... võ mồm. Thấy không tác dụng, tàu HQ-4 lùi ra dùng mũi tàu ủi thẳng vào tàu Trung Quốc, mũi tàu HQ-4 và neo mũi vướng vào cửa và hành lang phòng lái làm gãy hành lang và cong cửa phòng lái của tàu Trung Quốc. Trước thái độ cương quyết của Hải Quân VN, họ vội vàng tháo lui. Chiến hạm HQ-16 cũng quyết liệt xua đuổi tàu đánh cá vũ trang còn lại.

Cũng trong sáng 18-1, tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ-5 do Trung Tá Hải Quân Phạm Trọng Quỳnh làm hạm trưởng được lệnh tăng cường ra Hoàng Sa. Cùng đi trên HQ-5 có Đại Tá Hà Văn Ngạc, được giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ Hoàng Sa. Ngoài ra, đi theo tàu có một trung đội người nhái (lực lượng đặc biệt của Hải Quân).

Lúc 15g30 chiều 18-1, lệnh Đại Tá Ngạc cho ba chiến hạm HQ-4, HQ-5, HQ-16 sắp đội hình hàng dọc tiến thẳng về đảo Duy Mộng. Khoảng 16g, có hai tàu chiến Trung Quốc bắt đầu khiêu khích, cắt đường ngang mũi HQ-4 và HQ-16. Đội hình bị chia cắt không thể tiến lên được vì các tàu rất gần nhau, các khẩu đại bác sẵn sàng nhả đạn nhưng không ai được lệnh nổ súng.

Đêm 18 rạng ngày 19-1, tàu chiến và tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc vẫn tiếp tục khiêu khích, tiến đến gần đảo Hoàng Sa. Chiến hạm HQ-4 phải dùng còi hơi thật to và đèn hồ quang trên nóc đài chỉ huy rọi thẳng vào đội hình tàu Trung Quốc. Tình hình dịu hơn khi tàu Trung Quốc rút lui về hướng bắc.

Đến nửa đêm, hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 do thiếu tá hải quân Ngụy Văn Thà làm hạm trưởng đã ra chi viện cho lực lượng bảo vệ Hoàng Sa.

Tình hình tại biển Đông đột ngột trở nên căng thẳng vào ngày 11.1.1974 khi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ của họ. Ngay sau tuyên bố nói trên, Hải Quân Trung Quốc đã mở màn chiến dịch xâm chiếm Hoàng Sa bằng cách tung nhiều chiến hạm và tàu đánh cá vũ trang xâm nhập hải phận Hoàng Sa.

Trong các ngày kế tiếp, phía Trung Quốc bất ngờ đổ người lên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đến ngày 15-1-1974, quân Trung Quốc đã chiếm đóng các đảo Cam Tuyền (Robert), Vĩnh Lạc (Money), Quang Hòa (Duncan) và Duy Mộng (Drummond)...

Lúc 6g sáng 19-1-1974, khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4 đã tiến sát đảo Quang Hòa và trung đội biệt hải được lệnh đổ bộ khẩn cấp lên đảo. Không một tàu chiến nào của Trung Quốc phát hiện được HQ-4 và tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ-5.

Khi gần đến đảo, bằng ống nhòm và mắt thường từ đài chỉ huy, chúng tôi đã phát hiện doanh trại mới toanh và cột cờ có cờ Trung Quốc. Hai mươi phút sau, lực lượng biệt hải đổ bộ lên đảo (mặt đông nam). Lực lượng đổ bộ cắm cờ Việt Nam lên bờ cát và hốc đá, rồi khẩn cấp tiến vào bên trong đảo. Trong khi đó, lực lượng người nhái vẫn còn ngoài xa chưa vào được vì HQ-5 không thể vào sát bờ, gió mùa đông bắc thổi khá mạnh, các xuồng cao su bị sóng gió giật dữ dội không vào bờ được. HQ-5 phải thả tàu cứu hộ xuống để kéo các xuồng cao su vào. Từ đài chỉ huy, bộ phận quan sát chúng tôi đã phát hiện một tàu Trung Quốc đang đổ bộ một đội quân đông đảo lên phía bắc đảo, hàng trăm quân Trung Quốc ồ ạt vào đảo rất nhanh vì xuôi gió.

Thế rồi báo cáo bất lợi dồn dập gửi về đài chỉ huy tàu HQ-4. Một số đông quân Trung Quốc nấp sau các tảng đá chĩa thẳng mũi súng vào đội hình biệt hải. Trên mặt biển lúc ấy, chúng tôi thấy tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ-16 và hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 đang tiến về rìa tây nam đảo, theo sau là bốn tàu chiến Trung Quốc đang tiến vào đội hình của ta. Tình hình bắt đầu căng thẳng, báo hiệu một trận đụng độ sinh tử không thể nào tránh khỏi. Trong khi đó ở phía bắc đảo, những chiếc tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc tiếp tục cho đổ người ồ ạt lên đảo của ta.

Và họ nổ súng trước. Vào lúc 8g30, một loạt đạn đại liên và cối 82 bắn vào đội hình người nhái Việt Nam làm hai binh sĩ tử thương và hai bị thương. Nhưng chỉ huy phía Việt Nam không thể ra lệnh cho các tàu nổ súng vì lực lượng người nhái đang ở vị trí cực kỳ nguy hiểm.

Lúc đó, sát bên tàu HQ-4 của chúng tôi đã xuất hiện hai tàu chiến Kronstadt của Trung Quốc mang số hiệu 274 và 271 sơn màu xám đen, trang bị đại bác 100 li và nhiều đại bác 37 li. Các họng súng đại bác Trung Quốc đều đang chĩa thẳng vào tàu HQ-4.

Các tín hiệu bằng đèn hiệu được liên tục chuyển đến HQ-4. Chúng tôi nhận những tín hiệu từ tàu Trung Quốc và trình cho hạm trưởng HQ-4 Vũ Hữu San. Nghe xong một nội dung cực kỳ khiêu khích từ tàu Trung Quốc, hạm trưởng San tức thì đỏ mặt, quát tháo ầm ĩ. Quay sang chúng tôi, ông ra lệnh không nhận tín hiệu từ tàu Trung Quốc nữa.

Tần số liên lạc bị phá rối, trên hệ thống bộ đàm chỉ nghe toàn tiếng Hoa. Đại tá Hà Văn Ngạc, lúc đó đang ở trên chiến hạm HQ-5, được giao toàn quyền hành động. Đại Tá Ngạc ra lệnh: Tất cả đại bác đều phải hướng lên đảo. Khi nhận lệnh bắn thì tất cả khai hỏa lên đảo, dọn đường lập đầu cầu để biệt hải và người nhái đổ bộ tái chiếm đảo. Hạm trưởng Vũ Hữu San gằn từng tiếng trong bộ đàm: “Trình đại bàng, tôi là quân nhân, tôi chấp hành quân lệnh nhưng hiện nay nước cờ đã bị lộ, không còn yếu tố bất ngờ, muốn đổ bộ lên chiếm đảo trước mắt phải tiêu diệt lực lượng trên biển trước khi tính đến việc đổ quân, hiện nay số tàu địch gấp đôi tàu ta, quân địch đã đổ bộ từ sáng đến giờ đầy trên đảo, ta chỉ có hai trung đội thì làm sao thành công được?”. Rồi hạm trưởng San nói tiếp: “Tôi là quân nhân, tôi chấp nhận hi sinh vì Tổ quốc, nhưng...”.

Ông cúp máy và ra lệnh: “Tất cả khẩu súng nhắm thẳng vào tàu địch!”.

Đúng 10g20, bốn chiến hạm HQ-4, HQ-5, HQ-10, HQ-16 đồng loạt khai hỏa. Như đã chuẩn bị trước, hạm trưởng Vũ Hữu San ra lệnh “bắn”. Chiến hạm di chuyển với tốc độ cực nhanh, khói đen bốc lên ngùn ngụt, thân tàu rung lên bần bật vì trúng đạn, vì tiếng dội của các khẩu đại bác vừa khai hỏa.

Chiến hạm HQ-4 chạy uốn lượn như con rắn, hết sang phải lại sang trái nên đã tránh được loạt đạn đại bác của đối phương. Thế rồi các cột nước bùng lên, đạn rít xung quanh tàu vèo vèo. Một mảnh đạn phạt lủng đài chỉ huy, văng ra trúng chân Trung Úy Roa đang cố gắng theo dõi tàu Trung Quốc qua màn hình rađa. Thượng sĩ nhất giám lộ Ry trúng mảnh đạn nơi cánh tay trái. Hạ sĩ giám lộ Phấn, xạ thủ đại liên 30 trên nóc đài chỉ huy, bị thương nơi ngực, máu thấm đỏ cả áo. Tiếng la ơi ới của các anh em bị thương vọng lên đài chỉ huy.

Tuy nhiên, chiến hạm HQ-4 vẫn vững vàng trong cuộc hải chiến. Đài quan sát trên nóc báo cáo có tàu Trung Quốc đang đuổi theo. Tôi nhìn ra phía sau vừa thấy hai tàu chiến Trung Quốc. Liền lúc đó từ mạn phải HQ-5 cắt đuôi HQ-4 rồi phóng thẳng vào hai tàu đối phương. Những khối cầu lửa từ mũi HQ-5 bắn ra (đại bác 127 li) bay thẳng vào tàu Trung Quốc. Một chiếc trúng đạn bốc cháy, một chiếc quay ngang và sau đó lãnh đủ hàng loạt đạn từ HQ-4.

Nhưng ngay lúc đó, thông tin từ HQ-5 cho biết ụ tháp đại bác 127 li của tàu này đã bị trúng đạn, ba quân nhân tử thương, hai bị thương nặng. HQ-4 vòng lại yểm trợ HQ-5. Không thấy tàu HQ-16 và HQ-10 đâu cả. Liên lạc mãi với hai tàu này vẫn không được.

Thật ra lúc ấy tàu HQ-10 đã bị thương nặng. Tàu này nhỏ, cũ kỹ, các khẩu đại bác xoay trở bằng tay nên bị trúng liền hai quả 100 li từ tàu Trung Quốc.

HQ-4 và HQ-5 quay đầu về hướng nam. Sau đó một giờ không còn thấy HQ-5 ở đâu. HQ-5 do máy yếu và một máy bị sự cố chưa kịp khắc phục nên “rớt” lại đâu đó. Trên biển HQ-4 trở nên lẻ loi một mình. Đó cũng là lúc hải quân Trung Quốc tung xuống một lực lượng rất mạnh từ đảo Phú Lâm gần đó và từ căn cứ ở đảo Hải Nam. Trước tình hình đó, để bảo toàn lực lượng, hạm trưởng Vũ Hữu San đã vẽ một đường trực chỉ về Đà Nẵng.

Khoảng 16g30, tôi đang trong giấc ngủ sâu vì đã mấy hôm không chợp mắt thì còi tập họp vang lên. Tất cả thủy thủ đoàn tập họp đầy đủ nghe thông báo: “Tất cả chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, tàu được lệnh quay lại Hoàng Sa. Nếu cần sẽ ủi thẳng lên bờ đảo Hoàng Sa, chiến đấu đến cùng để giữ đảo”. Nhìn sau lái tàu, tôi biết tàu đang quay lại và hướng thẳng về Hoàng Sa. Tất cả đều bất động, không ai nói với ai một lời nào trước giờ phút cảm tử này.

Tôi vào phòng hải đồ phía sau đài chỉ huy mệt lả và thiếp đi, đến khi thức dậy trời tối hẳn, trung sĩ nhất giám lộ Khiết cho biết tàu đang quay đầu về Đà Nẵng. Anh nói hạm trưởng San báo cáo thẳng với tư lệnh hải quân là HQ-4 không còn khả năng chiến đấu, lương thực cạn, cơ số đạn không còn đủ để tác chiến, các khẩu đại bác đều có trục trặc... Lệnh từ đất liền: các tàu quay về, hủy bỏ lệnh tấn công tái chiếm Hoàng Sa.

5g30 sáng 20-1 HQ-4 về đến cảng Tiên Sa, 9g tàu HQ-5 tiến vào vịnh Đà Nẵng. Lúc 12g30, tàu HQ-16 bị thương nặng, từ từ tiến vào vịnh với sự trợ giúp của hai tàu lai dắt biển.

Ông Lữ Công Bảy kết luận:

“Trận hải chiến Hoàng Sa chỉ kéo dài hơn 30 phút, nhưng nỗi đau ấy vẫn làm quặn thắt trái tim chúng tôi dù 35 năm đã trôi qua.”

Bây giờ cả Hoàng Sa và Trường Sa không còn nữa. Trung Quốc coi hai đảo này như “món nợ” mà đảng CSVN phải trả cho Trung Quốc khi nhận viện trợ của Trung Quốc để chiếm miền Nam.

(21.9.2009)