CHỦ QUYỀN QUỐC GIA VIỆT NAM TRÊN VÙNG BIỂN ĐÔNG
VÀ HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA-TRƯỜNG SA

(Bài trình bầy của Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc)

Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là điều thiêng liêng của mỗi dân tộc. Biên giới của mỗi quốc gia là biểu hiện của nền độc lập dân tộc bất khả xâm phạm của mỗi quốc gia đó. Quốc gia bao hàm trong nó 3 vấn đề lớn: dân tộc, chủ quyền và lãnh thổ. Biên giới luôn luôn gắn liền với lãnh thổ nên luật pháp và tập quán quốc tế thừa nhận tính bất khả xâm phạm của biên giới quốc gia. Biên giới được định nghĩa theo khía cạnh chủ quyền là “cái khung” của chủ quyền. Do đó, việc bảo vệ biên giới cũng chính là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ chống lại mọi hình thức ngoại xâm.

Trước khi bị các nước ngoài xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ( tức đầu thế kỷ XX trở về thế kỷ XVII), theo pháp lý quốc tế theo kiểu Phương Tây lúc bây giờ, sự xác lập chủ quyền Việt Nam một cách thật sự, liên tục, hòa bình là cơ sở pháp lý quốc tế đương thời. Đến khi chủ quyền của Việt Nam bị xâm phạm, vào thời điểm 1909, pháp lý quốc tế có giá trị phổ biến là Tuyên bố của Viện Pháp Luật Quốc Tế Lausanne năm 1888.

Sau đó Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và Luật Biển 1982 cũng là cơ sở pháp lý quốc tế mà các thành viên ký kết bao gồm các nước đang vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei đều phải tôn trọng.

Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền 75% diện tích ở biển Đông trong nhiều thập niên trước đây cũng như Trung Quốc đã có một loạt hành vi gây hấn có tính toán đối với Việt Nam, thực hiện bằng vũ lực kết hợp với mưu mẹo và theo một quá trình kéo dài nhiều thập niên. Cuối năm 2007, khi đơn phương quyết định đặt hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa trực thuộc hệ thống hành chính của mình, Trung Quốc đã đi xa hơn cuộc tranh chấp trên biển vì đã có hành động xâm lăng Việt Nam. Vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa không còn là một vụ lấn chiếm hải đảo riêng lẻ nữa mà là một hành động xâm chiếm vùng biển, xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, bất chấp hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Tính tự phát của những hành động phản đối Trung Quốc của thanh niên, sinh viên VN vào cuối năm 2007 đã đặt chính phủ ta vào một tình huống khó xử. Những cuộc biểu tình đã làm giảm cơ hội ứng biến của nhà nước ta trong quan hệ với Trung Quốc. Sự thật là đàm phán cần có những thỏa hiệp. Những cuộc biểu tình sẽ làm ảnh hưởng xấu đến chiến lược cân bằng mà Việt Nam đang theo đuổi trong mối quan hệ với các cường quốc trên thế giới.

Chính vì vậy, khi giải quyết bất kỳ vấn đề gì liên quan đến biên giới và lãnh thổ chúng ta phải biết kết hợp các hình thức và biện pháp đấu tranh thích hợp đối với từng vụ việc phát sinh trên nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, giữ gìn quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Mục đích của bài nghiên cứu này không nằm ngoài những nguyên tắc trên.

I. TRUNG QUỐC

Trên trang web của Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc ngày 17/3/2009 với bài: “Cội nguồn của vấn đề Biển Nam và lập trường nguyên tắc của Trung Quốc” đã viết: “Trên vấn đề Biển Nam, Trung Quốc xưa nay đều có chủ quyền không thể tranh cãi, đồng thời chủ trương giải quyết sự tranh chấp quốc tế qua đàm phán hòa bình.

Trung Quốc là nước phát hiện và đặt tên sớm nhất cho quần đảo Nam Sa [quần đảo Trường Sa-chú thích của tác giả], đồng thời cũng là nước thực thi chủ quyền sớm nhất và bền vững nhất đối với quần đảo Nam Sa. Việc này đã được chứng minh bằng lịch sử và căn cứ pháp lý đầy đủ, nhận được sự công nhận lâu dài của cộng đồng quốc tế. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, Nhật Bản đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc, chiếm đóng phần lớn khu vực của Trung Quốc, trong đó kể cả quần đảo Nam Sa. “Tuyên bố Cai-rô” và “Thông cáo Potsdam” cùng các văn kiện quốc tế khác đã quy định rõ việc trao trả lại lãnh thổ cho Trung Quốc từng bị Nhật cướp đoạt năm xưa, dĩ nhiên trong đó kể cả quần đảo Nam Sa. Tháng 12 năm 1956, Chính phủ Trung Quốc lúc bấy giờ đã chỉ định quan chức cấp cao tiếp quản quần đảo Nam Sa, đồng thời đã tổ chức lễ bàn giao trên đảo, cắm mốc kỷ niệm và cử quân đội đến đóng tại quần đảo Nam Sa. Năm 1952, Chính phủ Nhật Bản chính thức bày tỏ “từ bỏ tất cả mọi quyền lợi, danh nghĩa và yêu sách về quyền lợi đối với Đài Loan, các hòn đảo Bành Hồ và quần đảo Nam Sa”, từ đó quần đảo Nam Sa đã chính thức trở về với Trung Quốc.

Trong quãng thời gian khá dài sau chiến tranh, hoàn toàn không tồn tại cái gọi là vấn đề Biển Nam. Về các khu vực xung quanh Biển Nam cũng chưa có bất cứ một nước nào đưa ra ý kiến bất đồng đối với việc Trung Quốc thực thi chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa và các vùng biển xung quanh quần đảo này. Trước năm 1975, Việt Nam đã rõ ràng công nhận Trung Quốc có chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Nam Sa. Trước thập niên 70 thế kỷ 20, các nước Phi-li-pin, Ma-lai-xi-a v.v không có bất cứ văn bản pháp luật và bài phát biểu của nhà lãnh đạo nào nói đến phạm vi lãnh thổ nước họ bao gồm quần đảo Nam Sa. Nghị quyết của Chính phủ nhiều nước và cộng đồng quốc tế cũng công nhận quần đảo Nam Sa là lãnh thổ của Trung Quốc. Thí dụ như, Hội nghị hàng không khu vực Thái Bình Dương thuộc tổ chức hàng không dân dụng quốc tế triệu tập tại Ma-ni-la vào năm 1955 đã thông qua nghị quyết số 24, yêu cầu nhà đương cục Đài Loan Trung Quốc tăng cường việc quan trắc khí tượng trên quần đảo Nam Sa, tại hội nghị không có bất cứ một đại biểu nào đưa ra ý kiến bất đồng hoặc ý kiến bảo lưu về việc này. Bản đồ do nhiều nước xuất bản cũng ghi rõ quần đảo Nam Sa thuộc về Trung Quốc. Trong đó có “Tập bản đồ mới Thế giới” do Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Ohira Masayoshi đề nghị xuất bản vào năm 1962, bản đồ thế giới do Việt Nam lần lượt xuất bản vào năm 1960 và năm 1972 v.v. Từ thế kỷ 20 đến nay, bách khoa toàn thư có thẩm quyền của rất nhiều nước như “Bách khoa toàn thư Liên Xô” xuất bản năm 1973 và “Niên giám Thế giới” do Hãng Kyoto Nhật xuất bản năm 1979 đều thừa nhận quần đảo Nam Sa là lãnh thổ của Trung Quốc”…

Sự thật lịch sử như thế nào? Có đúng như những gì Trung Quốc công bố hay không?

Ở đây, chúng tôi muốn trao đổi với người bạn láng giềng 2 vấn đề:

A. “Trung Quốc là nước phát hiện và đặt tên sớm nhất cho quần đảo Nam Sa [quần đảo Trường Sa], đồng thời cũng là nước thực thi chủ quyền sớm nhất và bền vững nhất đối với quần đảo Nam Sa. Việc này đã được chứng minh bằng lịch sử và căn cứ pháp lý đầy đủ, nhận được sự công nhận lâu dài của cộng đồng quốc tế” được hiểu như thế nào?

Đầu tiên về tên gọi chỉ khu vực Biển Đông ở Đông Nam Á giữa các nước lại không thống nhất.Việt Nam gọi là Biển Đông, Trung Quốc gọi là Nam Hải (南海) và tên gọi quốc tế lại là Biển Nam Trung Hoa (South China sea).Những cách gọi này dễ gây ra ngộ nhận về vấn đề chủ quyền quốc gia ở biển Đông.

Chính vì vậy để góp phần tìm hiểu những vấn đề trên biển Đông cũng như những vấn đề liên quan đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu bằng việc khảo sát tên gọi khu vực biển này trên các tài liệu mà chúng tôi có được.

Qua khảo sát, tổng cộng 20.713 bản đồ, trong đó:

- 11.900 bản đồ có liên quan đến Trung Quốc.
- 7.640 bản đồ có liên quan đến Việt Nam.
- 738 bản đồ có liên quan đến khu vực Đông Nam Á.
- 117 bản đồ có liên quan đến biển Đông.
- 318 bản đồ có liên quan đến cuộc chiến tranh Thái Bình Dương (1941 - 1945).

Chúng tôi thấy rằng, bản đồ sớm nhất có chú thích vùng biển Đông của khu vực Đông Nam Á là bản đồ miêu tả khu vực đảo Hải Nam của Trung Quốc vào đời nhà Đường (618-907) của Đại học California được ghi là biển Giao Chỉ (Chiao-chih Ocean).

Bằng việc khảo sát 20.713 bản đồ nói trên, chúng tôi thấy rằng bản đồ liên quan đến Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á và Việt Nam sớm nhất là bản đồ được xuất bản từ năm 1575 cho đến bản đồ được xuất bản trước năm 1814, khu vực biển Đông không được một tác giả nào ghi chú cả.

Tên gọi Biển Trung Hoa và Biển Nam Trung Hoa trong các bản đồ thời kỳ chiến tranh Thái Bình Dương đã được sử dụng không nhất quán trong Bộ Tư lệnh quân đội Đồng minh ở Đông Nam Á.

Trong tất cả các bản đồ của Trung Quốc công bố, chúng tôi thấy rằng Trung Quốc đã thống nhất sử dụng tên gọi Nam Hải để ghi chú khu vực biển Đông.

Như vậy, cho đến nay chúng ta thấy rằng để gọi tên khu vực biển Đông ở Đông Nam Á có nhiều cách gọi khác nhau:
- Việt Nam gọi là Biển Đông.
- Trung Quốc gọi là Nam Hải.
- Các tổ chức quốc tế gọi là South China Sea.

Như chúng ta đã biết bờ biển của Việt Nam dài khoảng 3.260 cây số từ biên giới Việt-Trung cho tới vịnh Thái Lan. Phía Đông Việt Nam là biển nên đã có danh xưng thông thường là Biển Đông, lưu hành rộng rãi trong dân gian; một chứng cớ trong nhiều chứng cớ khác là đã được chuyển ngữ ra tiếng Pháp là L'Océan Oriental trong cuốn du ký của tác giả người Pháp năm 1736.(1)

Tên nôm na Biển Đông chứa đầy tình tự dân tộc đã được luôn luôn nhắc nhở tới nhất là qua ca dao, phong dao và tục ngữ nước nhà.

Xem đó, danh xưng Biển Đông đã ăn sâu vào bên trong ý thức của dân tộc Việt Nam và được người dân Việt Nam quen dùng để chỉ phần lãnh hải Việt Nam dọc theo duyên hải ở phía Đông Việt Nam. Tuy nhiên có một điều khiến một số người thắc mắc là biển ở phía Đông Việt Nam đó cũng đã được Trung Quốc đặt cho danh xưng là Nam Hải mà Âu-Mỹ đặt cho những danh xưng Mer de Chine Méridionale hay South China Sea. Để giải các nghi vấn này, thiết tưởng không gì bằng ta thử tra một số từ điển có uy tín của Trung Quốc cũng như của các nước khác xem họ ghi chép gì về vùng biển này.

Theo từ điển Từ Hải, “Nam Hải là tên biển, ở về phía Nam Phúc Kiến và Quảng Đông, phía Tây hải hiệp Đài Loan, phía Đông Việt Nam thuộc Pháp. Về phía Nam biển đó có bán đảo Malaysia, Bà-La-Châu (tức đảo Bornéo) thuộc địa Anh, Phi Liệt ( thay vì Luật) Tân thuộc địa Mỹ, cho nên hải quyền (tức chủ quyền trên mặt biển) là chung cho cả các nước Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ, Nhật”.(2)

Từ điển Từ Nguyên định nghĩa Nam Hải đại khái như từ điển Từ Hải và đặt vị trí Nam Hải ở phía Nam Phúc Kiến, nhưng có thêm một chi tiết là phân giới giữa hải hiệp Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam) và Vịnh Bắc Bộ (Du Quỳnh Châu hải hiệp nhi Tây vi Đông Kinh loan chí Khâm huyện chi Minh Giang Khẩu dữ An Nam phân giới. (3)

Cũng trong Từ Nguyên, nhưng là Từ Nguyên Cải Biên Bản in năm 1951 và tái bản năm 1984, Nam Hải đã được định nghĩa với mấy chi tiết mới như sau: Nam Hải: tên biển, xưa lại có tên là Chướng Hải; người ngoại quốc gọi là Nam Trung Quốc Hải, vị trí ở phía Nam Phúc Kiến và Quảng Đông, phía Tây Đài Loan và Phi Luật Tân, phía đông bán đảo Trung Nam [tức Việt Nam] và bán đảo Malaysia, phía Bắc Ba-La-Châu (Bornéo) và đảo Tô-Môn-Đáp-Lạp [Sumatra]. Có điều là thời xưa, biển nước ta [tức Trung Quốc] mệnh danh là Nam Hải, có thời đã bao quát cả Ấn Độ Dương nữa; vậy chẳng nên giới hạn diện tích Nam Hải ở phạm vi như chép ở trên. (4)

Trong định nghĩa vừa trích dẫn, có mấy điều đáng chú ý như sau:

- Nam Hải xưa lại có tên là Chướng Hải. Danh xưng Chướng Hải dùng để chỉ biển ở cách huyện Hải Phong 50 dặm về phía Nam, mà huyện Hải Phong thuộc tỉnh Quảng Đông. Vậy vị trí của Nam Hải là ở về phía Nam hai tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông như cũng đã thấy ghi như vậy ở các tài liệu trên.

- Có một điểm mới mẻ so với [các bộ từ điển] Từ Hải và Từ Nguyên Hợp Đính Bản là [từ điển] Từ Nguyên Cải Biên Bản đã ghi sự kiện ngoại nhân mệnh danh Nam Hải là Nam Trung Quốc Hải.

- Không rõ căn-cứ vào sử-liệu nào, Từ-Nguyên Cải Biên Bản đã ghi thêm có thời Nam-Hải đã bao quát cả Ấn Độ Dương.

Vì vậy, nhận xét chung về ba tài liệu trích dẫn bên trên, ta có thể ghi nhận mấy sự kiện sau: Cả ba tài liệu đều đặt vị trí Nam Hải ở phía Nam hai tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông. Tài liệu thứ nhất [từ-điển] Từ-Hải [in năm 1948] ám chỉ Nam Hải trải dài đến tận bán đảo Malaysia và chủ trương Trung Quốc cũng có quyền ở Nam Hải như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật.

- Tài liệu thứ hai, Từ Nguyên [in năm 1949] chỉ ghi phân giới giữa hải hiệp Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam) và Vịnh Bắc bộ của Việt Nam lúc đó thuộc Pháp.

- Tài liệu cuối, tức Từ Nguyên Cải Biên Bản [in năm 1951 và 1984] đã lợi dụng danh xưng Mer de Chine [Méridionale] của Pháp và danh xưng South China Sea của Anh, Mỹ để ám chỉ Nam Hải có một diện tích kéo dài về phương Nam xa đến tận Ấn Độ Dương, có thời quá cả Ấn Độ Dương ! Khi Từ Nguyên Cải Biên Bản ghi ngoại nhân xưng Nam Trung Quốc Hải (người ngoại quốc xưng Nam Trung Quốc Hải hay Biển Nam Trung Hoa), chắc chắn là các soạn giả đã lợi dụng các danh xưng Pháp Mer de Chine (Méridionale) và danh xưng Mỹ, Anh South China Sea. Cả ba danh xưng này có một điểm chung là thiếu minh xác khiến có thể hiểu là biển của Trung Quốc ở về phía Nam.

Sự thật là cả ba danh xưng đó chỉ có thể nghĩa là biển của Hoa Nam, của Nam phần Trung Quốc, như cuốn Tối tân thực dụng Hán Anh Từ điển đã ghi bằng Anh ngữ là the Southern Sea stretching from the Taiwan Straits to Kwangtung. Nói cho thật đúng, Nam Hải ở chữ Hán xưa, cũng có nghĩa là những nơi xa ở phương Nam, nhưng nghĩa này không hề có liên hệ gì với danh xưng Nam Hải (nghĩa số 2 ở trên) của biển Trung Hoa mang tên đó.

Theo ý kiến chúng tôi, giới hạn Nam Hải của Trung Quốc xưa, chỉ đến ngang đảo Hải Nam là cùng như chính danh xưng đảo Hải Nam chỉ rõ như vậy.

Một bằng chứng có giá trị khác nữa là định nghĩa sau đây của danh xưng Nam Hải trong cuốn Tối tân thực dụng Hán Anh Từ điển, do các học giả Trung Hoa biên soạn, ấn hành ở Hong Kong năm 1971, như sau: “Nam Hải: (1) name of a county in Kwangtung Province. (2) the Southern Sea, stretching from the Taiwan Straits to Kwangtung. (3) in old China, a term of faraway places in the South”.(5)

Ngoài cuốn từ điển của Liang Shi Chiu còn bộ từ điển vĩ đại Hán Hòa của T. Morohashi nhan đề Dai Kan Wa Jiten -- Đại Hán Hòa Từ Điển -- Showa [niên hiệu Chiêu Hòa] năm 32 tức năm 1957, gồm 12 cuốn và một cuốn sách dẫn; cũng thấy ghi ở cuốn II, trang 566, cột 2: Nam Hải là Minami Shina Kai [hay: Nam Chi Na Hải, the South China Sea] và cuốn Longman Dictionary of English Language and Culture (London 1992, tr. 209, cột 2) thấy ghi chép như sau: Nam Hải: Minami Shina Kai (Nam Chi Na Hải - The South China Sea. China Sea: a part of the Pacific Ocean, off the Coast of China.

Kế đến, biển Đông hay Đông Hải là một bán nội hải (semi enclosed sea) nằm về phía Đông của Việt Nam.

Biển Đông được nhân dân Việt Nam gọi theo thói quen như một danh từ riêng.
Cũng có người cho rằng gọi là Nam Hải với ý nghĩ “biển của người (Việt) Nam”. Còn tên gọi biển Nam Trung Hoa gợi ý cho những nhà hàng hải hiểu rằng vị trí nước Trung Quốc nằm ở phiá Bắc của “Biển Đông” này.

Các nhà hàng hải phương Tây muốn cho tiện nên gọi nó là biển Nam Hoa (South China Sea-ngoại nhân xưng Nam Trung Quốc hải).

Theo quy định của Ủy ban quốc tế về biển, tên của các biển rìa thường dựa vào địa danh của lục địa lớn nhất gần nhất hoặc mang tên của một nhà khoa học phát hiện ra chúng. Biển Đông nằm ở phía Nam đại lục Trung Hoa nên có tên gọi theo cách thứ nhất.(6)

Tuy nhiên, những biển có tên lục địa nguyên không có nghĩa thuộc quyền sở hữu của quốc gia nó mang tên, như một số người ngộ nhận, mà mọi chủ quyền về biển Đông đều tuân theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, song trên các bản đồ quốc tế đều phải ghi đúng như tên gọi quy định.

Về vấn đề theo quy định của Ủy ban quốc tế về biển, chúng ta thấy có mấy nội dung cần phải trao đổi:

Một là: biển rìa ở khu vực Đông Nam Á là biển Đông chưa bao giờ được người Trung Quốc phát hiện ra.

Mà ngược lại, nước Việt Nam chúng ta là một quốc gia ven bờ biển Đông, nên ngay từ xa xưa ông cha ta đã biết sử dụng biển để phục vụ cho cuộc sống sinh cơ lập nghiệp và bảo vệ tổ quốc, đồng thời giao lưu kinh tế văn hóa với nước ngoài. Nghề biển là một nghề truyền thống của dân tộc ta đã đi vào truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Tục xâm mình mỗi khi xuống biển và thủy chiến là sở trường của Việt Nam từ xưa đến nay.

Biển Đông cũng đã đi vào ca dao tục ngữ và còn truyền miệng cho đến ngày nay. Trên trống đồng Đông Sơn, biểu tượng của nền văn hóa biển vẫn còn đó. Trống đồng Đông Sơn cũng đã có mặt ở hầu hết các nước trong khu vực.

Nói như Nguyễn Trãi trong bài Bình Ngô đại cáo “Tát cạn nước biển Đông cũng không rửa sạch tanh hôi” và trong cuốn “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi soạn năm 1435, vua Lê Thái Tông đã chép: “Hải, Đông Hải dã” có nghĩa là “Biển tức biển Đông vậy”.
Do đó chúng ta phải đấu tranh làm cho thế giới và khu vực thấy rõ việc đòi chủ quyền toàn bộ biển Đông của Trung Quốc là vô lý.

Hai là: biển rìa thường dựa vào địa danh của lục địa lớn nhất, gần nhất.

Với nội dung này, trong tình hình hiện nay dễ gây ra ngộ nhận vì tên quốc tế của biển Đông là South China Sea làm cho mọi người lầm tưởng khu vực biển Đông thuộc chủ quyền của Trung Quốc vì vào năm 1983 Trung Quốc cho vẽ lại bản đồ lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mở rộng khu vực, bao gồm bờ biển Philippines, Tây giáp bờ biển Malaysia mà họ gọi đó là “miền Đông hải” của Trung Quốc. Chúng ta phải làm cho dư luận quốc tế thấy rõ biển Nam Trung Hoa theo quy định quốc tế là không đồng nghĩa với cái gọi là “miền Đông Hải” của Trung Quốc.

Ba là: quy định của Ủy ban quốc tế về biển của Liên Hiệp Quốc như trên không có nghĩa là các biển rìa không thể không có tên khác.

Đối với biển Đông, có tên là biển Trung Hoa hoặc biển Nam Trung Hoa là do hiểu biết chưa đầy đủ về lịch sử vùng biển này của các nhà hàng hải phương Tây lúc họ đi qua và gọi tên, dẫn đến sau này người ta quen sử dụng chứ không hề có ý nghĩa là vùng biển của Trung Quốc.

Đối với một số biển rìa khác, người ta cũng không nhất định phải đặt theo địa danh lục địa lớn nhất, gần nhất như trường hợp biển Nhật Bản theo cách gọi của người Nhật hay biển Đông hoặc biển Korea theo cách gọi của Hàn Quốc mà quốc tế đã bước đầu công nhận.

Ở đây chúng ta phải nhắc lại trường hợp của Philippines, bờ biển phía Tây của quần đảo này không lấy tên là South China Sea mà được Philippines đặt tên là biển Luzón (Luzón Sea) vì Philippines phản đối việc tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông. Quan điểm và lập trường của Philippines trong trường hợp này cho đến nay đã được quốc tế thừa nhận.

Bốn là: đấu tranh để đổi lại tên gọi “biển Nam Trung Hoa” là một vấn đề cần thiết vì tương lai đấu tranh cho chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chứ không chỉ là đổi tên cho phù hợp với vị trí địa lý hay cách gọi của người Việt Nam.

Một thực tế mà chúng ta thấy rõ là nếu chúng ta quan niệm theo quy định quốc tế về tên gọi biển mà chúng ta yên tâm rằng tên gọi “biển Nam Trung Hoa” không hề ảnh hưởng đến chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như hiện nay thì thật là tai hại và mơ hồ về âm mưu và thủ đoạn lâu dài của Trung Quốc về cái gọi là “miền Đông Hải”.

Tại sao trong nước ta gọi là biển Đông, còn các văn bản quốc tế và bản đồ tiếng nước ngoài thì gọi là biển Nam Trung Hoa. Chúng ta có thể giải thích rằng đó là tên quốc tế đã quen gọi và đã được thống nhất cách gọi trên các bản đồ quốc tế, chúng ta không thể sửa được. Vậy thì tại sao người Hàn Quốc họ làm được?

Do đó vấn đề đặt ra là một mặt chúng ta phải vận động để cộng đồng quốc tế hiểu rằng biển Nam Trung Hoa là tên gọi chứ không phải là thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Mặt khác, trong những điều kiện có thể làm được chúng ta nên tiến hành đấu tranh về mặt luật pháp quốc tế ngay từ bây giờ để có thể đổi tên biển Nam Trung Hoa thành một tên gọi khác hợp lý hơn trong các quan hệ quốc tế.

Từ việc khảo sát và nghiên cứu vấn đề sử dụng thuật ngữ biển Đông và biển Nam Trung Hoa, chúng tôi thấy rằng căn cứ vào các yếu tố lịch sử, chính trị, văn hóa và quan hệ quốc tế của Việt Nam và của các nước Đông Nam Á hiện nay, tên gọi biển Đông (tên gọi của Việt Nam) và tên gọi biển Nam Trung Hoa (South China Sea – tên gọi quốc tế) có thể được thay đổi theo ba phương án sau đây:

1. Thống nhất tên gọi quốc tế của biển Đông là biển Việt nam (Vietnam Sea) trên các văn bản, văn kiện và bản đồ quốc tế hiện nay bởi lý do sau đây: căn cứ vào Luật Biển quốc tế năm 1892, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt nam chiếm gần 1.000.000km2/ 3.500.000km2 của biển Đông.

2. Thay đổi tên gọi quốc tế của biển Đông hiện nay là South China Sea thành tên gọi chính thức biển Đông Nam Á (Southeast Asia Sea)

3. Thống nhất tên gọi quốc tế của biển Đông là biển Đông (East Sea).

Phương án thứ nhất giống như trường hợp hiện nay của Hàn quốc đang đấu tranh kêu gọi các tổ chức quốc tế thay thuật ngữ “biển Nhật Bản” thành “biển Đông” hoặc “biển Korea” thuộc chủ quyền của Hàn quốc. Sau năm năm đấu tranh, hiện nay Hàn quốc đã thu được những kết quả đáng kể, ví dụ như: website của Tổng thống Pháp Jacque Chirac đã thay thuật ngữ “biển Nhật Bản” (mer du Japon) thành thuật ngữ “biển Đông” (mer d’Orient). Nhà xuất bản sách giáo khoa BJU Press nổi tiếng và Tạp chí Địa lý quốc gia của Hoa Kỳ cũng đã thống nhất gọi biển Nhật Bản thành biển Đông hoặc Korea Sea.

Phương án thứ ba nếu gọi là biển Đông (East Sea) thì sẽ ngộ nhận với tên gọi “biển Đông Trung Hoa” thuộc Trung Quốc hoặc biển Đông của Hàn Quốc.

Phương án thứ hai là phù hợp đối với nguyện vọng và quyền lợi của tất cả các nước Đông Nam Á khi mà tất cả các nước Đông Nam Á đã trở thành thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và để tiếp tục đấu tranh với Trung Quốc trong cái gọi là “miền Đông Hải” của Trung Quốc.

Trong ba phương án trên, chúng tôi thấy rằng phương án thứ hai là khả thi và có khả năng thuyết phục các nước ASEAN thống nhất với phương án này.

Mặt khác, nghiên cứu các bản đồ của các nhà hàng hải phương Tây từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX chúng tôi thấy rằng cương vực của Trung Quốc được thể hiện cũng chỉ tới đảo Hải Nam mà thôi.

B. “Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, Nhật Bản đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc, chiếm đóng phần lớn khu vực của Trung Quốc, trong đó kể cả quần đảo Nam Sa. “Tuyên bố Cai-rô” và “Thông cáo Potsdam” cùng các văn kiện quốc tế khác đã quy định rõ việc trao trả lại lãnh thổ cho Trung Quốc từng bị Nhật cướp đoạt năm xưa, dĩ nhiên trong đó kể cả quần đảo Nam Sa. Tháng 12 năm 1956, Chính phủ Trung Quốc lúc bấy giờ đã chỉ định quan chức cấp cao tiếp quản quần đảo Nam Sa, đồng thời đã tổ chức lễ bàn giao trên đảo, cắm mốc kỷ niệm và cử quân đội đến đóng tại quần đảo Nam Sa. Năm 1952, Chính phủ Nhật Bản chính thức bày tỏ “từ bỏ tất cả mọi quyền lợi, danh nghĩa và yêu sách về quyền lợi đối với Đài Loan, các hòn đảo Bành Hồ và quần đảo Nam Sa”, từ đó quần đảo Nam Sa đã chính thức trở về với Trung Quốc”.

Có thể khẳng định ngay những luận cứ và luận chứng trên của Trung Quốc là không chính xác.


Như chúng ta đã biết, năm 1945 Nhật Bản đã bị các nước Ðồng minh đánh bại trong cuộc chiến tranh Thái Bình Dương nên phải đầu hàng. Một trong những việc nước này phải làm khi đầu hàng là từ bỏ các đất đai ở ngoại quốc mà Nhật Bản đã chiếm được trong thời kỳ toàn thịnh của chế độ quân phiệt, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Lần đầu tiên Trung Quốc chính thức lên tiếng về vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo này là khi trong một cuộc họp báo ở Manila ngày 17.5.1949 Tổng thống Philippines Quirino đã tuyên bố là vì quần đảo Trường Sa ở kế cận quần đảo Philippines nên nó phải thuộc về Philippines. Hai ngày sau, ngày 19 tháng 5, Bắc Kinh đã có phản ứng. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố như sau:

“Lời tuyên truyền vô lý của Chính phủ Philippines đối với lãnh thổ của Trung Quốc rõ ràng là sản phẩm chỉ thị của Chính phủ Hoa kỳ. Bọn khiêu khích Philippines và những kẻ Hoa Kỳ ủng hộ chúng phải bỏ ngay mưu đồ mạo hiểm đó đi, nếu không thì hành động này có thể đưa tới những hậu quả nghiêm trọng. Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không bao giờ để cho bất cứ một ngoại bang nào xâm lược quần đảo Nam Sa hay bất cứ đất đai nào khác thuộc về Trung Quốc”. ( 7)

Tuy nhiên Trung Quốc chỉ nói chứ không đưa ra được một bằng chứng nào, dù là lịch sử hay pháp lý, cho thấy Trường Sa thuộc quyền Trung Quốc làm chủ.

Đầu tháng 9 năm 1951, theo lời mời của Chính phủ Hoa kỳ, 51 quốc gia trước kia đã từng tham gia hay có liên hệ tới cuộc chiến chống xâm lược Nhật Bản từ năm 1939 đến năm 1945 đã tham dự Hội nghị Hòa bình nhóm họp ở thành phố San Francisco (Hoa kỳ) để thảo luận vấn đề chấm dứt tình trạng chiến tranh và tái lập bang giao với Nhật Bản. Ðiểm đáng chú ý là cả Trung Quốc và Đài Loan đều không được mời tham dự hội nghị. Trong hội nghị, vấn đề chính là thảo luận bản dự thảo hòa ước do hai nước Anh và Hoa Kỳ đề nghị ngày 12.7.1951. Ngày 8.9.1951, ngoại trừ Liên Xô, Ba Lan và Tiệp Khắc, các nước tham dự hội nghị đã ký hòa ước với Nhật Bản.(8)

Vì thấy mình bị Hoa Kỳ gạt ra ngoài hội nghị, các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngay từ cuối năm 1950 đã có phản ứng. Một mặt họ ra một số tuyên bố chính thức, mặt khác họ cho đăng các bài báo để lên án việc không mời Trung Quốc tham dự hội nghị và để trình bày quan điểm của Trung Quốc về một số vấn đề cần phải được thảo luận, trong đó có vấn đề chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 4.12.1950 Chu Ân Lai, lúc đó là Bộ trưởng Ngoại giao, trong bản tuyên bố đầu tiên của nhà nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, đã nêu ra căn bản chính để ký một hòa ước với Nhật Bản:

“Bản Tuyên cáo Cairo, Thỏa ước Yalta, bản Tuyên ngôn Potsdam và các chính sách căn bản đối với Nhật Bản sau khi nước này đầu hàng đã được các quốc gia trong Ủy hội Viễn đông thỏa thuận và thông qua ngày 19.6.1947 các văn kiện quốc tế mà Chính phủ Hoa Kỳ đã ký kết là căn bản chính cho một hòa ước liên hợp với Nhật Bản”. (9)

Chu Ân Lai còn nói thêm:

“Nhân dân Trung Quốc rất ước muốn sớm có một hòa ước liên hợp với Nhật Bản cùng với các quốc gia đồng minh khác trong thời kỳ Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên căn bản của hòa ước phải hoàn toàn thích hợp với bản Tuyên cáo Cairo, Thỏa ước Yalta, bản Tuyên ngôn Potsdam và các chính sách căn bản đối với Nhật Bản sau khi nước này đầu hàng được qui định trong các văn kiện này”. (10)

Tuy bản tuyên bố trên của Trung Quốc không đề cập đến vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa mà chỉ đề cập tới các vấn đề khác, nhưng vì nó đã nêu ra quan điểm chính yếu của Trung Quốc nên chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ nó cùng với bản tuyên bố ngày 15.8.1951 là tuyên bố chính thức của Trung Quốc về vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để tìm hiểu giá trị các luận cứ của Trung Quốc.

Thực vậy, khi nghiên cứu dự thảo hòa ước San Francisco của Anh- Mỹ gửi cho các quốc gia được mời tham dự hội nghị, Chính phủ Trung Quốc thấy điều 2 của bản dự thảo này không qui định là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Nhật Bản từ bỏ phải được trao cho quốc gia nào. Vì thế ngày 15.8.1951, sau khi đề cập tới quan điểm của Trung Quốc về từng vấn đề một được nêu trong bản dự thảo.(11) Châu Ân Lai đã tuyên bố:

“... Dự thảo Hiệp ước qui định là Nhật Bản sẽ từ bỏ mọi quyền đối với đảo Nam Uy (đảo Spratly-Trường Sa) và quần đảo Tây Sa (quần đảo Paracel-Hoàng Sa), nhưng lại cố ý không đề cập tới vấn đề tái lập chủ quyền trên hai quần đảo này. Thực ra, cũng như các quần đảo Nam Sa, quần đảo Trung Sa và quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa và đảo Nam uy lúc nào cũng là lãnh thổ của Trung Quốc. Dù các đảo này đã có lúc bị Nhật Bản chiếm đóng trong một thời gian trong trận chiến tranh xâm lăng do đế quốc Nhật Bản gây ra, sau khi Nhật Bản đầu hàng Chính phủ Trung Hoa đã thu hồi những đảo này.

"Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do đó tuyên bố: dù Dự thảo Hiệp ước Anh-Mỹ có chứa đựng các điều khoản về vấn đề này hay không và dù các điều khoản này có được soạn thảo như thế nào, chủ quyền bất khả xâm phạm của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên đảo Nam Uy và quần đảo Tây Sa sẽ không vì thế mà bị ảnh hưởng”.
(12)

Chu Ân Lai sau đó kết luận vấn đề này bằng cách phủ nhận giá trị bất cứ một thỏa ước nào ký với Nhật Bản mà không có sự tham dự của Trung Quốc:

“Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa một lần nữa tuyên bố: Nếu không có sự tham dự của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong việc chuẩn bị, soạn thảo và ký hòa ước với Nhật Bản dù nội dung và kết quả một hiệp ước như vậy có như thế nào, Chính phủ Nhân dân Trung ương cũng coi hòa ước ấy hoàn toàn bất hợp pháp, và vì vậy sẽ vô hiệu”. (13)

Tuy rằng lời kết luận này nhằm toàn thể hòa ước với Nhật Bản, nó cũng bao trùm luôn cả vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong bản tuyên bố này chúng ta nhận thấy có những điểm đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, tuy tuyên bố là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa lúc nào cũng là lãnh thổ của Trung Quốc, Chu Ân Lai lại không nêu ra một chi tiết nào để chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo này.

Sự không dẫn chứng của Chu Ân Lai đối với vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phải chăng vì Trung Quốc biết không có một căn cứ nào vững vàng, về pháp lý cũng như về lịch sử, để chứng minh chủ quyền này nên Trung Quốc phải bỏ không viện dẫn chứng cớ.

Thứ hai, bản tuyên bố này, cũng như các bản tuyên bố khác sau này của Trung Quốc, và cả của Ðài Loan, đã đề cập tới việc Chính phủ Trung Hoa thu hồi Hoàng Sa và Trường Sa sau khi Nhật Bản đầu hàng vào tháng 8 năm 1945.

Chúng ta biết rằng năm 1938, trước khi xảy ra Chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản đã chiếm đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, nói là để khai thác thương mại nhưng thực ra chính là để lập căn cứ chiến lược làm bàn đạp tấn công vùng Ðông Nam Á. Theo R. Serene thì “Năm 1938 Nhật Bản mượn cớ khai thác thương mại đã chiếm đảo Phú Lâm để bành trướng sự kiểm soát tới các đảo Cam Tuyền và Linh Côn…”. (14) Rồi đến ngày 31.3.1939, Bộ Ngoại giao Nhật Bản ra một thông cáo loan tin là ngày hôm trước( 30.3.1939).

Nhật Bản đã quyết định đặt quần đảo Trường Sa duới quyền kiểm soát của Nhật Bản vì lý do tại đây đã thiếu một chính quyền hành chính địa phương nên đã làm thiệt hại đến quyền lợi của Nhật Bản.(15) Trong suốt thời gian của Chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản đã đóng quân trên hai quần đảo này cho tới khi đầu hàng quân đội Ðồng minh.

Vào cuối năm 1943, trong lúc chiến tranh đang ở mức độ ác liệt nhất thì các nhà lãnh đạo cấp cao của Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa Dân Quốc đã bí mật gặp nhau tại Cairo, thủ đô nước Ai Cập, từ 23 đến 27 tháng 11 năm 1943(16) để thảo luận các chiến lược tiêu diệt phe Trục (Ðức- Ý- Nhật). Ngày 26-11-1943, Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch đã ký một bản tuyên cáo chung (thường được gọi là Tuyên cáo Cairo) trong đó có một đoạn như sau:

“Ðối tượng của các nước này (tức là của ba nước Ðồng minh) là phải tước bỏ quyền của Nhật Bản trên tất cả các đảo ở Thái Bình dương mà nước này đã cưỡng đoạt hay chiếm đóng từ khi có Chiến tranh thế giới thứ nhất năm 1914 và tất cả các lãnh thổ Nhật Bản đã cướp của người Trung Hoa, như là Mãn châu, Ðài Loan và Bành Hồ, phải được hoàn trả Trung Hoa Dân Quốc. Nhật Bản cũng sẽ phải bị trục xuất khỏi các lãnh thổ khác đã chiếm được bằng võ lực và lòng tham”. (17)

Ðọc đoạn trích dẫn trên chúng ta thấy Tuyên cáo Cairo có hai qui định quan trọng. Thứ nhất, chỉ có các đất Mãn châu, Ðài Loan và Bành Hồ được hoàn trả cho Trung Quốc thôi. Thứ hai, còn các lãnh thổ khác mà Nhật Bản chiếm được thì bản tuyên cáo này chỉ qui định việc trục xuất Nhật Bản, chứ không hề nói tới việc hoàn trả chúng cho Trung Quốc. Chỉ có điều đáng tiếc, và đó cũng là nguyên nhân gây ra những vụ tranh chấp về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sau này, là Tuyên cáo Cairo đã không nói các lãnh thổ khác ấy phải được hoàn trả cho nước nào.

Quyết định của Tam cường tại Hội nghị Cairo được tái xác nhận trong một hội nghị thượng đỉnh Tam cường khác nhóm tại Potsdam từ 17.7 đến 2.8.1945 để ấn định các điều kiện cho Nhật Bản đầu hàng. Tổng thống Hoa Kỳ, Thủ tướng Anh(18) và Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc đã ra một tuyên ngôn (thường gọi là Tuyên ngôn Potsdam) ngày 26.7.1945 trong đó có ghi là “Các điều khoản của bản Tuyên cáo Cairo sẽ được thi hành”. (19)

Tại hội nghị Potsdam này các nhà lãnh đạo Tam cường đã quyết định chia Ðông Dương làm hai khu vực để cho tiện việc giải giới quân đội Nhật Bản đóng tại đây. Vĩ tuyến thứ 16 được chọn làm ranh giới: việc giải giới ở khu vực Bắc vĩ tuyến ủy thác cho quân đội Trung Hoa (quân Tưởng Giới Thạch) và ở khu vực phía Nam do liên quân Anh-Ấn đảm nhận.(20) Vì quần đảo Hoàng Sa nằm ở giữa hai vĩ tuyến thứ 15 và 17 nên việc giải giới quân đội Nhật trú đóng ở đây thuộc thẩm quyền của quân Tưởng. Trái lại, việc giải giới ở quần đảo Trường Sa phải do liên quân Anh-Ấn đảm nhận do lẽ quần đảo này nằm giữa hai vĩ tuyến thứ 8 và 12.

Nhật Bản khi đầu hàng đã chịu điều kiện qui định trong bản Tuyên cáo Cairo và ghi nhận trong Văn kiện đầu hàng ngày 2.9.1945.(21) Ðồng thời, khi ra lệnh cho quân đội Nhật Bản ở nước ngoài đầu hàng và nộp vũ khí cho quân đội Ðồng minh, Nhật hoàng Hirohito đã ban hành Tổng Mệnh lệnh số 1, trong đó điều I khoản (a) qui định là:

“Các tư lệnh Nhật Bản và tất cả lục, hải quân cùng các lực lượng phụ thuộc ở trên đất Trung Hoa (ngoại trừ Mãn châu), Ðài Loan và Ðông Pháp ở 16 độ bắc vĩ tuyến đầu hàng Ðại Nguyên soái Tưởng Giới Thạch”. (22)

Bản Tuyên cáo Cairo và Tuyên ngôn Potsdam hoàn toàn không đề cập tới vấn đề hoàn trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Nhật Bản đã xâm lược vào đầu Chiến tranh thế giới thứ 2. Sự thiếu sót này có phải là do các nhà lãnh đạo đồng minh sơ ý hay quên không? Lẽ dĩ nhiên là không. Trái lại, chúng ta phải giải thích là các nhà lãnh đạo Tam cường đã không quan niệm hai quần đảo này là phần lãnh thổ của Trung Quốc. Ðiểm đặc biệt đáng chú ý hơn nữa là chính Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc, Ðại Nguyên soái Tưởng Giới Thạch, đã tham dự cả hai hội nghị và đã ký vào cả Tuyên cáo Cairo lẫn Tuyên ngôn Potsdam, chứ không phải một người đại diện nào khác để nói là có thể đã không thi hành đúng chỉ thị của Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc. Nếu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thực sự thuộc chủ quyền của Trung Quốc thì không có lý gì họ Tưởng chỉ đòi hoàn trả có Mãn châu, Ðài Loan và Bành Hồ thôi mà lại không đòi luôn Hoàng Sa và Trường Sa. Hơn nữa, trong bản văn của Tuyên cáo Cairo và Tuyên ngôn Potsdam chúng ta cũng không thấy từ “vân vân”để có thể nói là vấn đề đã được bao hàm trong hai văn kiện này.

Mười hai năm sau khi tham dự Hội nghị Cairo và ký bản Tuyên cáo, ngày 8.2.1955 Tưởng Giới Thạch vẫn còn nhắc lại là:

“Trong thông cáo công bố vào lúc bế mạc hội nghị, chúng tôi đã tuyên bố là tất cả các lãnh thổ do Nhật Bản ‘cướp’ của Trung Hoa, kể cả Ðông Tam Tỉnh, Ðài Loan và Bành Hồ phải được hoàn trả lại cho Trung Hoa Dân Quốc. Lời tuyên bố này đã được bản Tuyên ngôn Potsdam công nhận và Nhật Bản chấp nhận khi nước này đầu hàng”. (23)

Một lần nữa, ông hoàn toàn không nói gì đến việc phải hoàn trả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Vào lúc ông nói lời trên ông không phải là không biết có sự tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo này mà cả chính phủ của ông lẫn chính phủ của Mao Trạch Đông đang đòi.

Như chúng ta được biết, cả Tuyên cáo Cairo lẫn Tuyên ngôn Potsdam chỉ cho phép Trung Hoa Dân Quốc giải giới quân đội Nhật Bản ở quần đảo Hoàng Sa thôi, chứ không hề cho phép Trung Hoa Dân Quốc thu hồi quần đảo này cùng là giải giới quân đội Nhật Bản ở quần đảo Trường Sa hay thu hồi quần đảo đó. Vì thế việc chiếm đóng và thu hồi hai quần đảo này của Trung Hoa Dân Quốc là bất hợp pháp và vi phạm trầm trọng luật quốc tế vì đi trái với quyết định của Tuyên cáo Cairo và Tuyên ngôn Potsdam.

Vì các lý do vừa kể trên, chúng ta phải nhìn nhận rằng lời tuyên bố ngày 15.8.1951 của Chu Ân Lai đã mâu thuẫn với lời tuyên bố ngày 4.12.1950 cũng của họ Chu. Một bên Trung Quốc đòi các quốc gia phải tuân theo hai văn kiện quốc tế này và các chính sách căn bản đối với Nhật Bản sau khi nước này đầu hàng, trong đó việc chia đôi Ðông Dương để giải giới quân đội Nhật Bản đóng tại đây cũng là một chính sách căn bản, một bên lại cho việc tiếp thu hai quần đảo không hề được qui định trong hai văn kiện quốc tế là một hành vi hợp pháp.

Thực vậy, điều 2 của Hòa ước San Francisco sau khi đã nói về việc Nhật từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với tất cả các lãnh thổ nào không phải là lãnh thổ chính của Nhật Bản mà nước này đã chiếm được từ khi có Chiến tranh thế giới thứ nhất cho đến khi chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ 2 đã qui định thêm trong đoạn (f) như sau:

“Nhật Bản khước từ mọi quyền, danh nghĩa và đòi hỏi trên quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa”.

Các qui định trong điều 2 như vậy đã theo đúng với quyết định của Hội nghị Cairo năm 1943 được diễn tả trong bản Tuyên cáo Cairo mà Trung Quốc vẫn luôn đòi phải được coi là căn bản chính cho một hòa ước ký với Nhật Bản đã nói ở bên trên. Nói cách khác, chính Trung Quốc đã coi quyết định của các đại cường là hợp lý, hợp tình và hợp pháp.

Về quan điểm của Trung Quốc đối với vấn đề giá trị của hai văn kiện quốc tế quan trọng này, chúng ta đã thấy (a) khi cuộc tranh luận tại Liên Hiệp Quốc về địa vị của đảo Ðài Loan đang tiến hành, ngày 24.8.1950 Trung Quốc đã gửi một bức công điện cho tổ chức quốc tế này trong đó có đề cập tới Tuyên cáo Cairo và Tuyên ngôn Potsdam mà các quốc gia ký kết phải tôn trọng và tuân hành(24) (b) hoặc như qua lời tuyên bố ngày 4.12.1950 của Chu Ân Lai nói trên, (c) cũng như trong lời tuyên bố ngày 15.8.1951 của Chu Ân Lai như sau:

“Dù xét về thủ tục mà hòa ước được chuẩn bị hay về nội dung, ta thấy Dự thảo Hòa ước Anh-Mỹ trắng trợn vi phạm các thỏa ước quốc tế quan trọng, mà Anh-Mỹ đều là phe kết ước, như là. .. bản Tuyên cáo Cairo,. .. bản Tuyên ngôn Potsdam. ..

Vi phạm sự thỏa thuận theo bản Tuyên cáo Cairo và bản Tuyên ngôn Potsdam, Dự thảo Hòa ước chỉ qui định là Nhật Bản sẽ khước từ các quyền đối với Ðài Loan và Bành Hồ”
. (25)

Hòa ước San Francisco là một văn kiện quốc tế nhằm thi hành những quyết định của Hội nghị Cairo 1943, nó cũng phải có hiệu lực như bản Tuyên cáo Cairo.

Hơn một tháng sau khi lên tiếng ngày 15.8.1951 về vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói trên, khi bình luận về việc ký Hòa ước San Francisco, trong một thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 18.9.1951, Chu Ân Lai không hề nói gì về vấn đề hai quần đảo này cả mà chỉ lập lại lập trường cũ, phủ nhận giá trị và hiệu lực của hòa ước vì đã được ký kết mà không có sự tham dự của Trung Quốc.(26)

Sự im lặng này càng khó hiểu hơn nữa khi chắc chắn là Trung Quốc phải biết rằng Hội nghị San Francisco đã bác bỏ đề nghị của phái đoàn Liên Xô đòi trao trả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc và về phản ứng của phái đoàn Quốc gia Việt Nam.(27)

Thực vậy, ngày 5.9.1951, trong phiên họp khoáng đại hội nghị thứ 2 của hội nghị San Francisco, đại biểu Liên Xô Andrei A. Gromyko sau khi chỉ trích tính cách bất hợp pháp và sự vô nghĩa của bản dự thảo hòa ước của Anh-Mỹ để ký với Nhật Bản đã đưa ra một đề nghị 7 điểm gọi là để hướng dẫn việc ký kết hòa ước thực sự với Nhật Bản. Ðiểm 6 đề nghị trao trả hai quần đảo này cho Trung Quốc. Nhưng hội nghị đã bác bỏ yêu cầu này với với 48 phiếu chống.

Hai ngày sau, 7.9.1951 Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần văn Hữu, trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam, đã lên tiếng tái xác định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước 51 phái đoàn ngoại giao như sau:

“Et comme il faut franchement profiter de toutes occasion pour étouffer les germes de discorde, nous afirmons nos droits sur les iles Spratley et Paracels qui, de tout temps, ont fait partie du Viet-Nam”.(28)

(tạm dịch là: “Cần nói thật rằng phải lợi dụng tất cả mọi trường hợp để chặn đứng những mầm móng xung đột, chúng tôi xác nhận chủ quyền của chúng tôi trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đã luôn luôn từ xưa thuộc lãnh thổ Việt Nam”)

Lời tuyên bố đó đã được Hội nghị San Francisco long trọng ghi vào biên bản và trong tất cả 51 phái đoàn, không có một phái đoàn nào phản đối.

Sự im lặng lại càng trở nên khó hiểu hơn nữa khi trong bản tuyên bố ngày 5.5.1952(29) về hòa ước mà Trung Hoa Dân Quốc đã ký với Nhật Bản ngày 28.4.1952, Chu Ân Lai không nói gì đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mặc dù hai quần đảo này đã được đề cập tới trong điều 2 của hòa ước như sau:

“Ðiều 2. Hai bên nhìn nhận là theo điều 2 Hòa ước với Nhật Bản ký ngày 8 tháng chín năm 1951 tại San Francisco ở Hoa Kỳ, Nhật Bản đã khước từ mọi quyền, danh nghĩa hay đòi hỏi liên quan đến Ðài Loan (Formosa) và Bành Hồ (the Pescadores), cũng như quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa” . (30)

Theo điều khoản này, Nhật Bản chỉ nhắc lại việc khước từ chứ không nói rõ là Nhật Bản hoàn trả hai quần đào này cho Trung Hoa Dân Quốc(31). Chính vì vậy trên trang mạng Japan Focus ngày 21/03/2009 đăng nghiên cứu của Kimie Hara cho rằng các vụ tranh chấp trên Thái Bình Dương từ Đông Bắc xuống Đông Nam Á, gồm cả vùng Trường Sa, là di sản của Hiệp ước San Francisco năm 1951.Bài viết nói các cường quốc sau Thế Chiến 2 đã không ghi rõ chi tiết chủ quyền nhiều đảo và quần đảo qua việc đặt tuyến phân ranh giới Acheson Line. Sau đó, tác động của việc hoạch định lằn ranh bao vây nước Trung Hoa cộng sản và Bắc Triều Tiên lại tạo thêm sự phức tạp cho vấn đề.Tác giả cho rằng nay, để giải quyết các vấn đề, mọi bên đều cần có sự nhượng bộ và giải pháp đa phương, gồm cả Nhật Bản, nước thua trận trong Thế Chiến thứ 2.

TIỂU KẾT:

Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng định chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, mới đây nhất, ngày ngày 26/6/2009, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc bắt giữ một số tàu cá và ngư dân Việt Nam khi đang đánh bắt cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng nói:

“Các cơ quan chức năng Việt Nam cho biết, ngày 21/6/2009, lực lượng tuần tra Trung Quốc đã bắt ba tàu cá gồm 37 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam, khi đang hành nghề đánh cá bình thường tại khu vực vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Hành động này của phía Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Ngay sau khi nhận được thông tin, ngày 22/6/2009, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay các ngư dân và các tàu cá nói trên.

Ngày 25/6, hai tàu cá gồm 25 ngư dân đã về đến Việt Nam an toàn. Hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay các ngư dân và tàu cá còn lại, không có hành động cản trở công việc làm ăn bình thường của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam”.

Tất cả các vấn đề trên là quá rõ ràng, những luận cứ và luận chứng mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra trong vấn đề hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam chỉ có thể lừa được một số người chứ không thể phủ nhận được các văn kiện của Bản Tuyên cáo Cairo, Thỏa ước Yalta, bản Tuyên ngôn Potsdam và sự thật lịch sử.

II. ĐÀI LOAN HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ CHỦ QUYỀN TRÊN QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA CỦA VIỆT NAM

1. Quần đảo Hoàng Sa ở vào khoảng giữa vĩ tuyến 16° – 17° và kinh tuyến 111° – 113° đông, cách Huế khoảng 490 km và Yulin (Du Lâm), hải cảng phía Nam của đảo Hải Nam khoảng 350 km.

Toàn thể quần đảo Hoàng Sa có diện tích khoảng 15.000 km², gồm trên 30 đảo nhỏ và những hòn đá nhô khỏi mặt nước, chia ra làm hai nhóm chính: Nhóm Đông (Amphitrite) mà đảo lớn nhất là đảo Phú Lâm (Woody Island), dài không quá 4 km, rộng khoảng 2-3 km; và Nhóm Tây (Crescent) mà đảo lớn nhất mang tên Hoàng Sa (Pattle Island), diện tích khoảng 0,3 km². Đảo Phú Lâm cách đảo Hoàng Sa khoảng 87 km.

Quần đảo Trường Sa ở vào khoảng 6o50’ đến 12° vĩ Bắc và từ 111°20’ kinh Đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 400 km, cách Philippines khoảng 300 km và cách Trung Quốc khoảng 1.500 km.

Toàn thể quần đảo Trường Sa có diện tích khoảng 160.000 km², gồm trên 100 đảo và những hòn đá nhô lên mặt biển, trong đó có khoảng 26 đảo hoặc đá chính.

Người dân Việt Nam đã phát hiện ra các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đời. Những tài liệu lịch sử để lại đã chứng minh quan hệ chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo này ít ra là từ thời Chúa Nguyễn, vào thế kỷ thứ XVII.

Cho đến ngày bị Pháp đô hộ, các triều đại kế tiếp trị vì nước Việt Nam đã thực sự nắm chủ quyền trên hai quần đảo này mà không có nước nào cạnh tranh và coi các hải đảo này hoàn toàn thuộc lãnh thổ của nước ta.

Mãi đến đầu thế kỷ XX, năm 1909, trước sự đe doạ của chủ nghĩa bành trướng Nhật Bản, Trung Hoa mới bắt đầu chú ý tới quần đảo Hoàng Sa và sau này, trong những năm 1928, 1932, biểu hiện ý đồ tranh giành chủ quyền với chính quyền bảo hộ Pháp - chỉ biểu hiện ý đồ chứ không có hành động chiếm hữu thực sự.

Cũng cần nhấn mạnh là lúc bấy giờ cho đến hết Chiến tranh thế giới thứ nhất, đòi hỏi của Trung Quốc chỉ nhằm vào quần đảo Hoàng Sa chứ không đả động đến quần đảo Trường Sa.

Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, với tư cách là quốc gia kế thừa, Pháp không hề khước từ chủ quyền trên hai quần đảo, tiếp tục khẳng định quan hệ chủ quyền và phản đối những yêu sách của Trung Quốc.

Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản đã chiếm các hải đảo trên dãy Hoàng Sa và Trường Sa để làm căn cứ quân sự.

Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, lợi dụng danh nghĩa giải giáp quân đội Nhật Bản, năm 1947, quân đội Tưởng Giới Thạch đổ bộ lên đảo Phú Lâm (thuộc Nhóm Đông của quần đảo Hoàng Sa) và đảo Ba Bình (tên quốc tế là Itu Aba, tên tiếng Hoa là Thái Bình) của quần đảo Trường Sa, trong khi đó, quân đội Pháp đóng ở đảo Hoàng Sa (thuộc Nhóm Tây của quần đảo Hoàng Sa) và một số đảo khác của quần đảo Trường Sa.

Chính phủ Bảo Đại chính thức cho quân đội thay thế Pháp ở quần đảo Hoàng Sa năm 1950 và chính quyền Ngô Đình Diệm ở quần đảo Trường Sa năm 1956.

Sau khi chiến thắng ở đại lục, quân đội Trung Quốc thay thế quân đội Quốc Dân đảng Trung Hoa ở đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) năm 1956, trong khi đó Đài Loan vẫn tiếp tục thường xuyên có mặt ở đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa).

Năm 1974, quân đội Trung Quốc đã sử dụng vũ lực, loại quân đội của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ra khỏi quần đảo Hoàng Sa, và năm 1988, đổ bộ lên một số hòn đảo của quần đảo Trường Sa.

2. Theo báo chí Đài Loan ngày 14/06/2009, lực lượng tuần duyên nước này rất có thể sẽ tăng cường hiện diện tại khu vực đảo Ba Bình đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc và Việt Nam. Nguyên nhân đưa ra là vì số lượng tàu đánh cá nước ngoài ở trong vùng biển nói trên đã gia tăng đáng kể.

Theo từ điển bách khoa, đảo Ba Bình nằm ở tọa độ 10, 23 độ vĩ bắc, 114, 22 độ kinh đông, là đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam; đảo có chu vi 2,8 km, diện tích 43,2 ha và có một vòng đá san hô bao quanh. Chiều dài đảo là 1.470m, chiều rộng 500m, có độ cao trung bình 2,8m; trên đảo có mọc các loại cây dừa, chuối, đu đủ, cây cọ cao khoảng 7m và nhiều bụi rậm; trên đảo có một giếng nước và có nhiều công sự.

Theo học giả Vương Hồng Sển, tên của nó có thể bắt nguồn từ việc một vị quan cai trị người Pháp phải đặt mật hiệu cho hòn đảo này nhưng còn chưa nghĩ ra. Sau đó ông đặt tên cho nó theo hai người hầu ở trong nhà ông là Chị Tư và Chị Ba. Vì người Pháp không đọc âm "h" nên thành Itu Aba, đó là lý do tại sao đảo Ba Bình có tên quốc tế là Itu Aba.
Đài Loan hiện có một căn cứ trên đảo Ba Bình, hòn đảo lớn nhất trên quần đảo Trường Sa, Tuần duyên Đài Loan hiện có ba chiếc tàu tuần tra cùng với khoảng 100 người lính đồn trú tại đấy. Chính quyền Đài Bắc trong thời gian qua cũng đã củng cố đáng kể cơ sở của họ trên đảo này bằng cách cho xây một phi đạo, dùng vào việc tiếp viện hậu cần hay trợ giúp nhân đạo.
Theo ghi nhận của chính quyền Đài Bắc, tính đến cuối tháng 5/2009, đã có hơn 500 tàu nước ngoài hiện diện trong vùng biển bao quanh đảo Ba Bình, đại đa số là tàu Trung Quốc. nhưng cũng có tàu của Philippines và Việt Nam. Đây là một số lượng cao hơn gấp đôi số tàu ngoại quốc thống kê được trong toàn năm 2008.
Trả lời câu hỏi của báo chí trước sự kiện ngày càng có nhiều tàu đánh cá của các nước khác trong vùng biển Ba Bình, phát ngôn viên tuần duyên Đài Loan xác định là họ đang tính đến việc phái thêm nhiều tàu tuần tra đến khu vực.
Về phần mình, bộ ngoại giao Đài Loan một lần nữa lên tiếng khẳng định chủ quyền của họ trên đảo Ba Bình và quần đảo Hoàng Sa, hai khu vực đang tranh chấp với Việt Nam và Trung Quốc, cùng với dải Trung Sa (Macclesfield Bank) và đảo Đông Sa (Pratas), tranh chấp với Trung Quốc.
Lời khẳng định này được đưa ra đúng một hôm sau khi chính quyền của Tổng thống Mã Anh Cửu, thân Bắc Kinh, bị đảng Dân Tiến đối lập tố cáo là không bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và để yên cho Trung Quốc rầm rộ đưa tàu xâm nhập hải phận của mình.
Đài Loan hoàn toàn không có chủ quyền đối với đảo Ba Bình của Việt Nam.
Nhìn lại lịch sử chúng ta thấy rằng, tháng 10/1946, trong khi quân đội Pháp và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang bận đối phó với cuộc chiến tranh toàn diện sắp xảy ra, thì 4 chiến hạm cùng các binh sỹ thuộc hạm đội đặc biệt của Trung Hoa Dân Quốc xuất phát từ cảng Ngô Tùng đổ bộ lên Hoàng Sa. Ngày 29/11/1946, các tàu Vĩnh Hưng và Trung Kiên của quân Tưởng Giới Thạch tới đảo Hoàng Sa; tàu Thái Bình và Trung Nghiệp đến Trường Sa.

Đài Loan luôn tuyên bố chủ quyền của mình trên vùng đất này nhưng chỉ là những lời tuyên bố vô căn cứ.

Chúng ta biết rằng, sau khi hội nghị San Francisco, 1951 bế mạc, cả Trung Quốc lẫn Ðài Loan không có dịp nào để lên tiếng về vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho tới năm 1956 khi Philippines lên tiếng đòi chủ quyền trên quần đảo Trường Sa.

Trong hai năm 1949 và 1950, Tomas Cloma, chủ một đội ngư thuyền và thương thuyền và giám đốc một trường hàng hải đã khám phá thấy một nhóm đảo lớn nhỏ ở cách đảo Palawan của Philippines khoảng 400 dặm về phía Tây. Ông hy vọng lập một nhà máy nước đá và một nhà máy đóng đồ hộp ở trên một hòn đảo lớn nhất ở đây, cũng như là khai thác phân chim trong những hòn đảo kế cận.

Tuy nhiên, mãi đến đầu năm 1956 Cloma mới lại tiếp tục khám phá những hòn đảo này trong một chuyến du hành 38 ngày. Ngày 15.3.1956, chiếc tàu PMI IV vẫn được dùng để huấn luyện các sinh viên trường hàng hải của Cloma do thuyền trưởng Filemon Cloma, em trai Tomas Cloma, điều khiển đã lên đường ra các hòn đảo này chiếm đóng. 40 thủy thủ trên tàu, tất cả đều có quốc tịch Philippines, đã dựng quốc kỳ Philippines trên một hòn đảo và chính thức tuyên bố chiếm hữu đảo này theo tục lệ quốc tế. Tại mỗi hòn đảo họ tới chiếm đóng, họ đều niêm yết cáo thị chiếm hữu. Họ đặt tên những hòn đảo ở đây, tất cả có 53 đảo và cù lao với diện tích tổng cộng 64.976 dặm vuông, là “Freedomland” hay Ðất Tự do.

Ngày 15.5.1956 Cloma chính thức thông báo cho Phó Tổng thống kiêm Ngoại trưởng Philippines Carlos P. Garcia hay là một số công dân Phi đã quan sát, trắc lượng và chiếm hữu “một lãnh thổ ở Nam hải, bên ngoài hải phận Philippines và không thuộc thẩm quyền quản hạt của nước nào” . Cloma cũng nói thêm là lãnh thổ này đã được Cloma và các đồng sự tuyên bố chiếm hữu.

Mặt khác, Cloma đã gửi “cáo thị” về việc chiếm hữu này tới báo chí trong và ngoài nước, yêu cầu đăng tải theo thủ tục luật quốc tế. Cáo thị nhấn mạnh là sự tuyên bố này căn cứ vào quyền khám phá và chiếm hữu công khai.

Sáu ngày sau, ngày 21.5.1956, Cloma gửi một bức thư thứ nhì cho Bộ Ngoại giao Philippines để thông báo cho Chính phủ Philippines hay là lãnh thổ mà ông tuyên bố chiếm hữu được đặt tên là “Freedomland”. Kèm theo thư là danh sách các đảo và cù lao.

Trong thư Cloma còn nói thêm là:

“Kính xin lưu ý là sự tuyên bố này do ‘các công dân Philippines’ làm chứ không phải là ‘nhân danh Chính phủ Philippines’ bởi vì chúng tôi không được phép làm như vậy. Tuy nhiên việc này sẽ có hậu quả là lãnh thổ trở thành một phần của Philippines. Vì lý do đó chúng tôi hy vọng và thỉnh cầu Chính phủ Philippines ủng hộ cùng là bảo vệ sự tuyên bố của chúng tôi và xin cũng đừng đưa một tuyên bố nào khác ra Liên Hiệp Quốc để tránh khỏi khuyến khích, xúi giục sự phản đối của các nước khác”.

Sau đó Cloma chính thức tuyên bố thành lập một chính quyền riêng biệt cho quần đảo Freedomland và gửi một bản tuyên cáo về việc thành lập chính quyền này cho Ngoại trưởng Philippines ngày 6.7.1956. Bản tuyên bố còn yêu cầu Philippines cho quần đảo hưởng qui chế bảo hộ.

Trong một buổi họp báo tại Manila ngày 19.5.1956, Phó Tổng thống kiêm Ngoại trưởng Philippines, ông Carlos P. Garcia tuyên bố là một nhóm đảo ở Nam hải, kể cả đảo Ba Bình và đảo Trường Sa, đúng lý ra phải thuộc về Philippines vì chúng kế cận nước này.

Các sự kiện và lời tuyên bố này đã đưa đến những phản ứng mãnh liệt mà đặc biệt là Trung Quốc và Đài Loan.

Ngày 29.5.1956 Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra một tuyên bố về vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo, nội dung như sau:

“Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa long trọng tuyên bố: sự xâm phạm chủ quyền hợp pháp của Trung Quốc đối với quần đảo Nam Sa của bất cứ quốc gia nào, vì bất cứ lý do nào, và bằng bất cứ phương tiện nào, cũng tuyệt đối không thể dung thứ được”.

Về phía Ðài Loan, Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, qua đại sứ ở Manila, đã phản kháng mạnh mẽ với Chính phủ Philippines và viện vào cớ là quần đảo này thuộc về Trung Quốc từ thế kỷ thứ 15 [Chúng tôi không biết luận cứ của Ðài Loan ra sao và căn cứ vào đâu Ðài Loan cho là chủ quyền đó có từ thế kỷ thứ 15].

Song song với việc phản kháng tại Manila, phát ngôn viên Ðài Loan còn loan tin Ðài Loan phái một lực lượng đặc nhiệm tới quần đảo Trường Sa “có thể và chắc chắn sẽ xảy ra” và quả thực một hạm đội Ðài Loan đã được phái tới nơi trong một thời gian ngắn để ngăn chặn mọi việc không hay xảy ra.

Nhận được tin này, Ngoại trưởng Philippines vội vàng chỉ thị cho Ðại sứ Philippines tại Ðài Bắc là Narciso Ramos báo cho Chính phủ Ðài Loan “không nên quá e ngại về diễn biến của tình hình”.

Trong khi đó ở đảo Ba Bình, hải quân Ðài Loan đã bốc dỡ những cột mốc đánh dấu mà họ dựng lên trên đảo trong chuyến đi thứ nhất và đã dựng một dấu hiệu của Trung Hoa Dân Quốc trên cột mốc cũ của Nhật Bản và cũng vẽ dấu hiệu Trung Hoa trên tường một căn nhà đổ nát trước kia thuộc trại lính Nhật Bản.

Mười lăm năm lại trôi qua khi không có dịp nào để Ðài Loan lên tiếng về vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cho tới năm 1971.

Trong một buổi họp báo tại điện Malacanang ngày 10.7.1971, trước buổi khai mạc hội nghị cấp cao lần thứ 6 của Hiệp hội các quốc gia châu Á và Thái Bình dương tại Manila, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos tố cáo quân đội Ðài Loan, lúc đó đang chiếm đóng ở đảo Ba Bình (Ligaw theo tên Philippines), đã đặt những ổ trọng pháo để tăng cường sự phòng thủ đảo này và trong một vài trường hợp đã bắn cảnh cáo vào những phi cơ và tàu của Philippines đi trinh sát trong vùng. Ông cũng nói thêm là Hội đồng An ninh quốc gia Philippines trong phiên họp ngày hôm đó đã đồng thanh cho rằng vì những diễn biến nhanh chóng xảy ra trong vùng và vì đảo này ở kế cận lãnh thổ Philippines nên việc một nước ngoài chiếm đóng ở đây là một mối đe dọa trầm trọng cho nền an ninh của Philippines. Ngoài ra, ông còn nhắc lại quan điểm của Philippines là quần đảo Trường Sa đang ở trong chế độ giám hộ trên thực tế của các quốc gia đồng minh theo Hòa ước với Nhật Bản ký tại San Francisco ngày 8.9.1951. Trong hòa ước này Nhật Bản khước từ mọi quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với quần đảo này. Vẫn theo lời Marcos, vì quần đảo Trường Sa ở dưới chế độ giám hộ, không nước nào có quyền mang quân đội vào bất cứ hòn đảo nào trong nhóm quần đảo này nều không có phép và sự thỏa thuận của các quốc gia đồng minh. Sau hết, ông loan báo thêm là vì Ðài Loan thiết lập một đồn binh tại đảo Ba Bình không có phép và sự thỏa thuận của các quốc gia đồng minh nên Philippines đã yêu cầu Chính phủ Ðài Loan rút quân đội khỏi nơi này.

Lời tuyên bố của Marcos đã gây ra phản ứng tại nhiều quốc gia. Vài ngày sau khi có lời tuyên bố này, các Chính phủ Anh và Hà Lan loan báo hai nước khước từ quyền giám hộ trên quần đảo Trường Sa.

Chính quyền Sài Gòn, qua lời tuyên bố của Ngoại trưởng Trần Văn Lắm ngày 13.7.1971, tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa mà các dữ kiện lịch sử và pháp lý chứng tỏ là thuộc về Việt Nam, ít nhất là từ thế kỷ thứ 18. Ông cũng nhắc lại lời tuyên bố của cựu Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần văn Hữu tại hội nghị San Francisco ngày 7.9.1951.

Về phần Ðài Loan, Ngoại trưởng Chu Thư đã tuyên bố rằng quần đảo Nam Sa từ thời xa xưa vẫn thuộc về Trung Hoa và quân đội Ðài Loan đã chiếm đóng quần đảo này hơn 20 năm qua. Sau đó ông đã hội đàm với Ngoại trưởng Philippines Carlos Romulo, nhưng nội dung không được tiết lộ.

Ðáng tiếc là ngoại trưởng Chu Thư đã không đưa ra một chi tiết hay một thí dụ nào để chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này “từ thời xa xưa” và cũng không cho biết là “thời xa xưa” ấy là từ bao giờ. Chúng tôi xin nhấn mạnh ở đây để nói thêm là Ðài Loan đã cho leo thang thời gian chủ quyền. Trong lần phản ứng năm 1956, Ðài Loan nói là Trung Quốc có chủ quyền trên hai quần đảo này từ thế kỷ thứ 15, nay lại đổi thành từ thời xa xưa. Hơn nữa, họ lại cố tình che dấu tính cách bất hợp pháp của việc Quốc quân Ðài Loan chiếm đóng ở đây.

Sau khi Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 1/1974, Ðài Loan không những đã phụ họa với Trung Quốc trong việc đòi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà lại còn phái thêm quân đến chiếm đóng vài hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam để sẵn sàng chống lại khi cần.

Chính phủ của Tưởng Giới Thạch đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong thời gian Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa.

- Tuyên bố thứ nhất là của Bộ Ngoại giao Ðài Loan vào ngày 7.2.1974, nội dung như sau:

“Gần đây Chính phủ Việt Nam Cộng hòa tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Nam Sa (Spratly). Ðối với lời tuyên bố này, Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đã cực lực phản kháng với Chính phủ Việt Nam và tái khẳng định lập trường là quần đảo này là phần lãnh thổ cố hữu của Trung Hoa Dân Quốc và không ai có thể nghi ngờ chủ quyền của Trung Hoa Dân Quốc đối với quần đảo này”.

“Quần đảo này đã bị Nhật Bản chiếm đóng trong Chiến tranh thế giới thứ 2 và được hoàn trả cho Trung Hoa Dân Quốc sau chiến tranh, vào tháng 12 năm 1946, Chính phủ Trung Hoa đã phái một hải đội tới thu hồi khỏi tay Nhật Bản. Từ đó trú quân thường trực Trung Hoa đã tới đóng ở đó. Hơn nữa, ngày 1.12.1947, Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đã loan báo cùng thế giới tên tiêu chuẩn của các đảo, cù lao, ám tiêu…

“Những đảo này, tạo thành phần hoàn chỉnh lãnh thổ Trung Hoa, là một sự thực bất khả tranh nghị. Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc vì vậy cương quyết tái khẳng định chủ quyền của Trung Hoa trên quần đảo Nam Sa. Lập trường này không thể bị bất cứ nước nào thay đổi bằng bất cứ biện pháp nào”.


Chúng ta thấy điều tuyên bố này không có gì mới lạ. Nó chỉ là nhắc lại những lời tuyên bố của Trung Quốc từ trước tới nay. Cũng giống trường hợp các tuyên bố của Trung Quốc, nó thiếu sót các chứng liệu để chứng tỏ rằng chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bất khả tranh nghị. Sự thiếu sót này làm cho luận cứ của Ðài Loan, cũng như của Trung Quốc, không có giá trị về thực tế cũng như về pháp lý.

- Tuyên bố của Tưởng Kinh Quốc ngày 24.2.1974

Mười bảy ngày sau khi Bộ Ngoại giao Ðài Loan ra bản tuyên bố nói trên, Tưởng Kinh Quốc, con trai của Tưởng Giới Thạch và lúc bấy giờ đang giữ chức Viện trưởng Hành chính viện tức Thủ tướng Chính phủ Ðài Loan, trong một cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Roy Rowan của tạp chí Time ngày 24.2.1974 tại Ðài Bắc cũng đã đề cập tới vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa như sau:

“Hỏi: Xin Thủ tướng cho rõ quan điểm của ngài về vụ tranh chấp đối với hai nhóm quần đảo Paracel và Spratly. Liệu quý quốc có phòng vệ đội trú quân đóng ở quần đảo Spratly của quý quốc khi bị tấn công không?

Ðáp: Chúng ta cần phải duyệt lại lịch sử các quần đảo này. Cách đây nhiều năm, Chính phủ chúng tôi đã duy trì lực lượng tại quần đảo Paracel. Lực lượng này chỉ là một phần của hệ thống phòng thủ đảo Hải Nam. Việc chúng tôi rút các lực lượng đó đi không có nghĩa là chúng tôi từ bỏ chủ quyền của chúng tôi trên quần đảo Paracel. Việc này chẳng qua cũng giống như việc chúng tôi từ bỏ chủ quyền của chúng tôi trên đảo Hải Nam. Quần đảo Spratly được hoàn trả cho Trung Hoa Dân Quốc đồng thời với việc thu hồi Ðài Loan khỏi tay Nhật Bản. Từ nhiều năm rồi binh sĩ của chúng tôi đã trú đóng ở trên hòn đảo chính của nhóm Spratly. Chúng tôi cuơng quyết làm những gì có thể được để phòng vệ quần đảo này. Tôi thấy cần phải nói rõ là quân đội của chúng tôi có bổn phận phòng vệ lãnh thổ ủy thác cho họ.

Hỏi: Liệu có thể có việc Trung Quốc tấn công nhóm Spratly không?

Ðáp: Vì cộng sản có thể tính toán lầm nên chúng tôi không thể gạt bỏ việc đó được”.

Có 4 điểm đáng chú ý trong các câu trả lời của Tưởng Kinh Quốc:

Thứ nhất, Tưởng Kinh Quốc làm như hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đương nhiên thuộc về Trung Quốc rồi nên không đưa ra một bằng chứng nào để chứng minh chủ quyền thuộc về Trung Quốc. Cũng vì thế tuy ông ta nói là “Chúng ta cần phải duyệt lại lịch sử các quần đảo này”, nhưng nói xong bỏ đấy, ông ta không đề cập tới lịch sử đó mà chỉ nói về sự từ bỏ chủ quyền trên Hoàng Sa và việc thu hồi cùng bảo vệ Trường Sa. Do đó, những ai muốn tìm hiểu xem vì lý do nào Ðài Loan nhận có chủ quyền trên hai quần đảo này không còn cách nào biết được.

Thứ hai, việc Trung Hoa Dân Quốc duy trì lực lượng tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Tưởng Kinh Quốc nói ở đây chính là một phần của hệ thống phòng thủ đảo Hải Nam của Trung Quốc.

Thứ ba, cũng vì lý do này, theo ông ta, việc Ðài Loan từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa cho Trung Quốc cũng giống việc từ bỏ chủ quyền đối với đảo Hải Nam. Nó không có nghĩa là Ðài Loan từ bỏ chủ quyền trên quần đảo này. Nói cách khác, Tưởng Kinh Quốc ngụ ý là dù cho quần đảo Hoàng Sa có rơi vào tay Trung Quốc thì nó vẫn còn thuộc chủ quyền của Trung Quốc, chứ không phải là của nước khác.

Thứ tư, ông ta cũng đề cập tới việc quần đảo Trường Sa hoàn trả cho Trung Hoa Dân Quốc và phòng thủ Trưòng Sa, không có thêm chi tiết gì mới lạ. Có lẽ ông không biết, hay biết mà lờ không nói đến tính cách bất hợp pháp của cái mà ông ta gọi là “hoàn trả” này.

Sau 1975 cho đến nay, Đài Loan vẫn chiếm giữ trái phép đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và liên tục xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự như đường băng, pháo đài, nhà ở …

Trước đó, Đài Loan đã bố trí lực lượng Hải quân và Thủy quân lục chiến trên đảo này. Nhưng năm 1999, vì lý do khó khăn về hậu cần cho nên các lực lượng này phải rút quân và bàn giao lại cho lực lượng phòng thủ bờ biển. Một số năm gần đây, Bộ quốc phòng Đài Loan lo ngại trước sự ra tăng của Hải quân Trung Quốc ở khu vực này và đã nhiều lần đề cập tới việc đưa Hải quân trở lại đảo Ba Bình.

Tháng 11/2007, Đài Loan đã khởi công xây dựng lại đường băng trên đảo Ba Bình, xây dựng “bia kỷ niệm công trình” và tiến hành các hoạt động viếng thăm cao cấp tới đảo này. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có phản ứng về việc này.

Theo ông Shih Yi-che, phát ngôn viên thuộc lực lượng phòng thủ bờ biển Đài Loan cho biết, hiện nay Đài Loan đang có 3 tàu tuần tra ở khu vực Trường Sa và sẽ tiếp tục điều thêm các tàu khác tới khu vực này, vì ông cho rằng hiện nay khu vực này đang gia tăng sự hoạt động của các tàu cá nước ngoài.

Bên cạnh đó Đài Loan liên tục tuyên bố chủ quyền thông qua ngoại giao, ngày 08/5/2009 Bộ Ngoại giao Đài Loan đã lên tiếng tiếp tục khẳng định chủ quyền của họ đối với nhiều nhóm đảo trên Biển Đông sau khi Việt Nam và Malaysia gửi đơn lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc (CLCS) yêu cầu mở rộng đường danh giới phía ngoài thềm lục địa.

Động thái tăng cường lực lượng phòng thủ bờ biển của Đài Loan tới đảo Ba Bình là vi phạm tới chủ quyền của Việt Nam; lý do điều động tăng cường lực lượng chống sự gia tăng của các tàu cá nước ngoài chỉ là vỏ bọc cho những hành động nhằm tiếp tục khẳng định chủ quyền bất hợp pháp của Đài Loan đối với đảo Ba Bình.

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử, vị trí địa lý và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa.

III. PHILIPPINES HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ CHỦ QUYỀN TRÊN QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA CỦA VIỆT NAM

Theo bản tin AFP ngày 29/2/2008, Philippines đang nâng cấp những cơ sở quân sự trên đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đại tướng Pedrito Cadungog Tư lệnh Không quân Philippines nói rằng bãi đáp phi cơ ở đảo Kalayaan, là hòn đảo lớn nhất trong những hòn đảo hiện được quân đội Philippines chiếm đóng, sẽ được làm dài ra và sửa sang lại để bảo đảm cho bay vận tải loại C-130 có thể tiếp tục hạ cánh ở đó. Ông cũng nói thêm là những khu gia binh dành cho binh lính cũng sẽ được tân trang, nâng cấp.

Theo Cadungog, hiện tại, quân đội Philippines vốn được trang bị nghèo nàn không thể bảo vệ được những gì mà Philippines cho là của mình. Tuy nhiên, những sự nâng cấp trên đảo Trường Sa này không nên xem như là một sự tăng cường dần lực lượng quân sự.

Ngày 14/3/2008, tác giả Raul Pangalangan trên Nhật báo Philippines Inquirer đã bình luận: “Quyền của chúng ta đối với các đảo của mình có xuất phát điểm từ Hiệp ước Hòa bình 1898 giữa Tây Ban Nha và Hoa Kỳ: ‘Tây Ban Nha nhượng cho Hoa Kỳ quần đảo được biết như là các hòn Đảo của Philippines, và bao gồm những đảo nằm trong phạm vi đường ranh giới dưới đây: ….’ Điều này có ý nghĩa đặc biệt, vì Trường Sa nằm trong những đường ranh giới được phân chia đó thuộc phạm vi quy định của hiệp ước đó. (Hoa Kỳ đã trả cho Tây Ban Nha tổng cộng 20 triệu dola). Nó có thể không phải là một thỏa thuận mua bán bất động sản nguyên nghĩa, trừ phi là chúng ta, những dân bản xứ có nước da ngăm ngăm, chỉ ngẫu nhiên nằm trong cái thỏa thuận cả gói – và khởi sự gây chiến tranh một cách đầy kiêu hãnh”.

Nguyên văn tiếng Anh:
[Our title over our islands derives from the 1898 Treaty of Peace between Spain and the United States: “Spain cedes to the United States the archipelago known as the Philippine Islands, and comprehending the islands lying within the following line: ….”Significantly, the Spratlys lie within those lines demarcated within the treaty limits. (The United States paid Spain the sum of $20 million. It could’t been a neat real estate deal, except that we, the dark-skinned natives, were only accidentally part of the package—and proudly waged war.]

Còn theo bản tin của hãng thông tấn AP đánh đi từ Manila ngày 24/3/2008, Tham mưu trưởng quân đội Philippines, Đại tướng Hermogenes Esperon cho biết ông đã bị bà Arroyo khiển trách khi ông báo cáo là chuẩn bị đến thăm dãy đảo Kalayaan (Trường Sa). Theo lời tướng Hermogenes Esperon, bà Arroyo, Tổng thống Philippines nói rằng bà rất muốn đến thăm các đảo này trong tương lai gần.

Nhưng theo tờ The Philippine Star ngày 26/3/2008, trích lời Chưởng lý Eduardo Ermita nói bà Arroyo “không tới”quần đảo mà Philippines gọi là Kalayaan Island Group (KIG) tuy tái khẳng định chủ quyền của Philippines với quần đảo này.

Theo ông Ermita cho biết, vào tháng 12 năm 2007, tổng thống Philippines đã cấp 50 triệu peso cho Ủy ban về Hàng hải và Hải dương học (CMOA) để nghiên cứu tổng hợp dữ liệu chuyển cho LHQ khẳng định chủ quyền của Philippines trước ngày 13/5/2009.

Vậy là tiếp theo động thái của Trung Quốc vào tháng 12 năm 2007, nay lại đến Philippines tiếp tục đặt lại chủ quyền của mình trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Câu hỏi được đặt ra là Philippines thật sự có chủ quyền trên quần đảo Trường Sa hay không? Nhìn nhận dưới góc độ luật pháp quốc tế như thế nào?

Nhìn trở lại lịch sử, một số chi tiết cần được nhắc lại như sau:

Ngày 17 tháng 5 năm 1949, Tổng thống Philippines là Quirino tuyên bố: “Quần đảo Trường Sa nên thuộc về Philippines vì nó ở gần Philippines” và thừa nhận các trạm khí tượng do Pháp xây dựng ở quần đảo Hoàng Sa (trạm Phú Lâm 48859, trạm Hoàng Sa 48860) và ở quần đảo Trường Sa (trạm Ba Bình 489189).

Năm 1951, Philippines bắt đầu chuẩn bị dư luận để nhảy vào tranh chấp quần đảo Trường Sa. Chính phủ Philippines đã tán thành lời tuyên bố của ông Zi Tomas Cloma, một công dân Phi cho rằng ông ta đã khám phá ra quần đảo Trường Sa và tuyên bố thành lập một “xứ tự do” bao gồm tất cả quần đảo này.

Ngày 15/3/1956, Philippines cho tàu chở một số sinh viên do thuyền trưởng Filemon Cloma chỉ huy đến cắm cờ Philippines tại một số đảo ở Trường Sa.

Ngày 19/5/1956, trong một cuộc họp báo tại Manila, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Carlos P.Garcia tuyên bố nhóm đảo phía Đông của Trường Sa trong đó có đảo Ba Bình và đảo Trường Sa phải thuộc về Philippines.

Từ năm 1971 đến 1973, lợi dụng cơ hội Việt Nam đang tập trung vào nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước, Philippines đã cho quân chiếm trái phép 5 đảo ở phía Bắc và phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa là: Vĩnh Viễn, Bình Nguyên, Loại Ta, Thị Tứ và Song Tử Đông mà họ gọi là: Lawak, Patag, Kota, Pagasa và Parola.

Ngày 10 tháng 7 năm 1971, trong một cuộc họp báo tại Manila, Tổng thống Philippines, Ferdinand Marcos đã tố cáo quân đội Đài Loan xâm chiếm đảo Ba Bình và nổ súng vào tàu của Philippines đến gần đảo, đồng thời đòi Đài Loan rút quân khỏi đảo Ba Bình.

Ngày 5 tháng 2 năm 1974, Philippines phản đối Việt Nam Cộng hòa đưa quân ra 5 đảo thuộc Trường Sa. Qua đại sứ của mình tại Manila, Chính quyền Sài Gòn khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa.

Từ năm 1977 đến năm 1978, Philippines cho quân chiếm đóng trái phép thêm hai đảo nữa là Đảo Dừa (Bến Lạc) và Cồn San Hô Lan Can mà họ gọi là Likas và Panata, nâng tổng số đảo họ chiếm lên 7 đảo. Philippines ra sức củng cố vị trí của mình tại 7 hòn đảo này bằng cách chở đất ra để trồng dừa, cạp thêm đảo để làm đường băng cho máy bay chiến đấu, tổ chức đánh cá, xây dựng kho ướp lạnh, tổ chức thăm dò khai thác dầu khí tại Bãi Cỏ Rong nằm ở phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa.

Tháng 9 năm 1977, trong chuyến viếng thăm Philippines, Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã đồng ý với Tổng thống Philippines, Ferdinand Marcos rằng hai bên sẽ giải quyết mọi tranh chấp và bất đồng bằng thương lượng hòa bình.

Ngày 11 tháng 6 năm 1978, Tổng thống Philippines ký sắc lệnh số 1596 coi toàn bộ quần đảo Trường Sa gồm 60 đảo, bãi đá ngầm (trừ đảo Trường Sa) là thuộc lãnh thổ Philippines và đặt tên hành chính là Kalayaan nằm trong tỉnh Palawan.

Với sắc lệnh này, Philippines đã hủy bỏ đường biên giới phía Tây của Philippines đã được xác định rõ ràng trong Hiệp ước Paris năm 1898. Ngày 28 tháng 9 năm 1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam bác bỏ việc Philippines sát nhập hầu hết quần đảo Trường Sa vào lãnh thổ Philippines.

Tháng 7 năm 1980, quân đội Philippines mở cuộc hành quân Polaris-I chiếm đóng thêm một đảo ở phía Nam là đảo Công Đo (Commodore Reef) mà họ gọi là đảo Rizal nằm cách hòn đảo gần nhất mà họ chiếm đóng trái phép trước đây 150 hải lý. Ngày 26 tháng 7 và 11 tháng 8 năm 1980, Chính phủ Việt Nam gửi công hàm phản đối hành động nói trên của Philippines.

Tháng 4 năm 1982, Thủ tướng Philippines là Virata và một số quan chức cao cấp ra các đảo mà họ chiếm đóng và tuyên bố: “Do những hành động vừa qua, chúng ta có thể tiến một cách hòa bình tới vùng lãnh hải rộng lớn chung quanh Philippines để xác định những tài nguyên thiên nhiên có thể có ở đáy biển, nhằm phục vụ cuộc phát triển đất nước của chúng ta”.

Ngày 21 tháng 5 năm 1984, Hiệp ước phòng thủ chung giữa Hoa Kỳ và Philippines không coi quần đảo Kalayaan [Trường Sa] là bộ phận lãnh thổ Philippines.

Ngày 10 tháng 11 năm 1987, Ngoại trưởng Philippines là Manglapus đã phát biểu trong một cuộc họp báo là Bộ Ngoại giao Philippines đang chuẩn bị một dự luật về vạch các đường biên giới của Philippines trong đó có thể bao gồm cả quần đảo Trường Sa. Cuối tháng 11 năm 1987, dự luật quy định hệ thống đường cơ sở dùng để tính lãnh hải của Philippines được đưa ra thảo luận tại Thượng Nghị viện. Theo dự luật này, hệ thống đường cơ sở đi qua tất cả hòn đảo thuộc phạm vi quần đảo Trường Sa (trừ đảo Trường Sa). Với dự luật này, Philippines định lợi dụng quy chế quốc gia quần đảo trong Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 để củng cố cái gọi là “cơ sở pháp lý” mà họ đã đặt ra bất chấp thực tế lịch sử và pháp luật quốc tế. Tuy nhiên Quốc hội Philippines đã không thông qua dự luật này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân không thống nhất đường lối đối ngoại.

Ngày 17 tháng 9 năm 1993, bà Ramos Shahani, Phó Chủ tịch Thượng Nghị viện đề nghị một dự luật thay đổi sắc lệnh của Tổng thống Marcos năm 1979.

Việc tác giả tác giả Raul Pangalangan nhắc lại Hiệp ước Hòa bình được ký giữa Tây Ban Nha và Hoa Kỳ tại Paris ngày 10/12/1898 thì sự thật như thế nào?

Điều 3 của Hiệp ước này ghi rõ:
Nguyên văn tiếng Anh:
[Article III.
Spain cedes to the United States the archipelago known as the Philippine Islands, and comprehending the islands lying within the following line:

A line running from west to east along or near the twentieth parallel of north latitude, and through the middle of the navigable channel of Bachi, from the one hundred and eighteenth (118th) to the one hundred and twenty-seventh (127th) degree meridian of longitude east of Greenwich, thence along the one hundred and twenty seventh (127th) degree meridian of longitude east of Greenwich to the parallel of four degrees and forty five minutes (4 [degree symbol] 45']) north latitude, thence along the parallel of four degrees and forty five minutes (4 [degree symbol] 45') north latitude to its intersection with the meridian of longitude one hundred and nineteen degrees and thirty five minutes (119 [degree symbol] 35') east of Greenwich, thence along the meridian of longitude one hundred and nineteen degrees and thirty five minutes (119 [degree symbol] 35') east of Greenwich to the parallel of latitude seven degrees and forty minutes (7 [degree symbol] 40') north, thence along the parallel of latitude of seven degrees and forty minutes (7 [degree symbol] 40') north to its intersection with the one hundred and sixteenth (116th) degree meridian of longitude east of Greenwich, thence by a direct line to the intersection of the tenth (10th) degree parallel of north latitude with the one hundred and eighteenth (118th) degree meridian of longitude east of Greenwich, and thence along the one hundred and eighteenth (118th) degree meridian of longitude east of Greenwich to the point of beginning.The United States will pay to Spain the sum of twenty million dollars ($20,000,000) within three months after the exchange of the ratifications of the present treaty.] (32)

Tạm dịch:
“Tây Ban Nha nhượng lại cho Hoa Kỳ quần đảo được cho là thuộc Philippines, bao gồm các đảo nằm trong các tuyến sau:

Đường chạy từ Tây sang Đông dọc theo hoặc gần vĩ tuyến 20 vĩ độ Bắc, xuyên qua eo Bachi mà tàu bè đi lại được, từ kinh tuyến thứ 118 đến 127 kinh độ Đông Greenwich, từ đó chạy dọc theo kinh tuyến 127 thuộc kinh độ Đông Greenwich đến vĩ tuyến 4o45’ thuộc vĩ độ Bắc và từ vĩ tuyến 4o45’ thuộc vĩ độ Bắc đến phần giao nhau với kinh tuyến 119o35’ phía Đông Greenwich và từ đây kéo đến vĩ tuyến 7o40’ thuộc vĩ độ Bắc, từ tọa độ này kéo dài đến chỗ giao nhau với kinh độ 116 thuộc kinh độ Đông, và chạy thẳng đến chỗ giao nhau giữa vĩ tuyến 10 thuộc vĩ độ Bắc với kinh tuyến 118 thuộc kinh độ Đông Greenwich rồi trở về khởi điểm. Hoa Kỳ sẽ trả cho Tây Ban Nha số tiền là 20 triệu US.D trong thời hạn 3 tháng sau khi trao đổi sự phê chuẩn của hiệp ước hiện hành.”

Hiệp ước Paris, 1898 quy định Philippines nằm ở các tọa độ như đã kể trên, còn quần đảo Trường Sa của Việt Nam nằm vào khoảng 6o50’ đến 12o vĩ độ Bắc và từ 111o20 đến 117o20 kinh độ Đông. Như vậy cho chúng ta thấy rằng Philippines vốn là một quốc gia không có chủ quyền gì tại quần đảo Trường Sa vì Hiệp định Paris năm 1898 được ký kết giữa Tây Ban Nha và Hoa Kỳ đã xác định rõ: Lãnh thổ Philippines không bao gồm một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa. Philippines có ý đồ từng bước tranh chiếm quần đảo Trường Sa để mở rộng lãnh thổ của họ về phía Tây và làm cơ sở cho yêu sách của họ trong việc phân chia ranh giới các vùng biển và thềm lục địa với Việt Nam trong biển Đông.
Qua những sự kiện trên đây, chúng ta thấy rõ lập luận của Philippines là không nhất quán:
- Năm 1949, Tổng thống Philippines cho rằng quần đảo Trường Sa nên thuộc về Philippines vì về phương diện địa lý, quần đảo này kề cận với Philippines.
- Năm 1956, Philippines lại lập luận rằng hầu hết các đảo, đá, cồn, bãi trong quần đảo Trường Sa là vô chủ, chỉ có 7 đảo là thược quyền giám hộ của quân Đồng minh.
- Năm 1979, sắc lệnh của Tổng thống Philippines lại giải thích là quần đảo Trường Sa nằm trên thềm lục địa của Philippines.
- Năm 2008 Philippines lại viện dẫn Hiệp ước Hòa bình Paris năm1898 một cách lặp lờ.

TIỂU KẾT:

Philippines không có một chứng cứ lịch sử hay cơ sở pháp lý nào để đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và hành động xâm chiếm 8 hòn đảo là xâm phạm trái phép đến chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

IV. MALAYSIA HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ CHỦ QUYỀN TRÊN QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA CỦA VIỆT NAM

Ngày 5 tháng 3 năm 2009, thông tin phát đi nói Thủ tướng Malaysia Badawi đã đi thăm Đá Hoa Lau thuộc quần đảo Trường Sa và tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo này cùng vùng biển phụ cận.
Phản ứng trước thông tin này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng cho biết:
"Lập trường của Việt Nam về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là rõ ràng. Trong quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho các tranh chấp đối với hai quần đảo này, Việt Nam cho rằng các bên liên quan cần tuân thủ Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không nên có hành động làm phức tạp thêm tình hình, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực”.
Trước đó, ngày 14 tháng 8 năm 2008 Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng phản ứng tương tự khi hay tin Phó thủ tướng Malaysia đã đi thăm đảo Đá Hoa Lau. Điểm lại quá khứ, việc Malaysia tiếp tục thăm một số đảo trong quần đảo Trường Sa là không có gì mới.

Tháng 11 năm 2007, các quan chức cấp cao của Malaysia lần đầu tiên trong lịch sử đã cùng 65 nhà báo đi ra quần đảo Trường Sa.Ý nghĩa của việc làm trên là muốn tuyên bố với cộng đồng thế giới về việc Malaysia có chủ quyền đối với khu vực này và khẳng định thêm sự thật về những hòn đảo mà Malaysia đang chiếm giữ.

Nhìn lại quá trình tranh chấp chủ quyền ở biển Đông và trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Malaysia là quốc gia bộc lộ ý đồ nhảy vào cuộc tranh chấp quần đảo Trường Sa muộn hơn các nước khác(33).

Ngày 3 tháng 2 năm 1971, Đại sứ Malaysia tại Sài Gòn gửi một công hàm cho Chính quyền Sài Gòn nói một cách dè dặt rằng họ có chủ quyền đối với vùng phía Nam quần đảo Trường Sa mà họ gọi là nước Cộng hòa Morac Songhrati Meads nằm trong Liên bang Malaysia. Ngày 20 tháng 4 năm 1971, Chính quyền Sài Gòn gửi công hàm bác bỏ quan điểm đó, khẳng định quần đảo Trường Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam thì Malaysia im lặng không tỏ thái độ gì.

Tháng 10 năm 1977, trong chuyến đi thăm Malaysia Thủ tướng Phạm văn Đồng đã đồng ý với Thủ tướng Malaysia Hussein On rằng hai bên sẽ giải quyết mọi tranh chấp và bất đồng bằng biện pháp hòa bình.

Ngày 21 tháng 12 năm 1979, Malaysia cho xuất bản một bản đồ vẽ ranh giới lãnh hải của Malaysia lấn vào vùng biển phía Nam của quần đảo Trường Sa, trong đó có các đảo An Bang, Thuyền Chài do quân đội nhân dân Việt Nam đang đóng giữ và đảo Công Đo do Philippines đang chiếm giữ trái phép. Khu vực này rộng khoảng 4,4km2.

Ngày 29 tháng 4 năm 1980, Bộ Ngoai giao Việt Nam gửi công hàm cho Malaysia phản đối việc làm này và ngày 8 tháng 5 năm 1980, nhân chuyến thăm và hội đàm với Malaysia, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch đã khẳng định đảo An Bang là của Việt Nam.

Năm 1982, Malaysia cho dựng cột mốc, dựng cột cờ trên đảo Hoa Lau (Swallow Reef) mà họ gọi là Terumbu Layang Layang. Tháng 6 năm 1982, đích thân Tổng Tham mưu trưởng quân đội Malaysia là tướng Ta Sri Mohamed Chazali chỉ huy, tổ chức một cuộc hành quân chiếm đóng đảo Hoa Lau ở phía Đông Nam đảo An Bang 60 hải lý, nhằm giành chủ quyền trên một vùng biển rộng 150 hải lý vuông tính từ đảo Hoa Lau trở về vùng biển Malaysia và có một chổ đứng chân để tranh chấp một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tướng Ta Sri Mohamed Chazali tuyên bố “bảo đảm chắc chắn rằng các vùng ngoài biển của chúng ta được an toàn”. Malaysia đã cho công binh đào một con kênh qua bãi san hô vào sát đảo dài 1.800 mét, rộng 300 mét cho tàu thuyền vào trú đậu an toàn, xây dựng thành một điểm tựa cho các hành động lấn chiếm tiếp theo. Năm 1984, Bộ Ngoai giao Việt Nam phản đối Malaysia chiếm đóng trái phép đảo Hoa Lau trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Tháng 12 năm 1986, Malaysia lại tổ chức một cuộc hành quân ra chiếm đóng trái phép Đá Kỳ Vân (Mariveles Reef) và Đá Kiệu Ngựa (Ardasier Reef) mà họ gọi là Terumbu Mantanani và Terumbu Ubi ở phía Bắc Đá Hoa Lau. Việt Nam đã phản đối hành động này của Malaysia.

Như chúng ta đã biết, trong bối cảnh địa lý và chính trị của nước ta sau năm 1975, trước sự phát triển của luật pháp quốc tế về biển, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải giải quyết một loạt vấn đề biên giới lãnh thổ với các nước láng giềng:

- Giữa Việt Nam, Lào, Campuchia cần có một đường biên giới có giá trị pháp lý quốc tế do các nhà nước có thẩm quyền ký kết, tạo ra cơ sở vững chắc để xây dựng một đường biên giới hữu nghị lâu dài giữa ba dân tộc.

- Việt Nam cần xác định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa với Indonesia, Thailand, Malaysia; vì theo các quy định của Luật biển quốc tế năm 1982 thì vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của nước ta và các nước đó chồng lên nhau.

- Việt Nam cần giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ trên biển với Philippines, Malaysia vì hai nước này có yêu sách về chủ quyền đối với một phần hoặc đại bộ phận quần đảo Trường Sa.

Theo đó, chủ trương của Đảng và nhà nuớc Việt Nam trong việc giải quyết mọi tranh chấp về biên giới lãnh thổ với các nước láng giềng trong đó có Liên bang Malaysia bằng thương lượng hòa bình.

Giữa Việt Nam và Malaysia có một vùng chồng lấn vùng biển và thềm lục địa rộng khoảng 2.800km2. Vùng này hình thành bởi đường ranh giới thềrn lục địa do chính quyền Sài Gòn công bố năm 1971 và đường ranh giới thềm lục địa do Malaysia công bố năm 1979. Sở dĩ có sự khác nhau đó là do chính quyền Sài Gòn có tính đến đảo Hòn Khoai cách đất liền 6,5 hải lý còn Malaysia đã bỏ qua đảo Hòn Khoai.

Để giải quyết vấn đề này, qua Bản ghi nhớ ngày 5 tháng 6 năm 1992 quy định phạm vi “vùng xác định”. Hai bên cử đại diện của mình để tiến hành các hoạt động thăm dò và khai thác trong “vùng xác định”( Phía Việt Nam cử PETROVIETNAM, Malaysia cử PETRONAS). Ngày 29/7/1997, tấn dầu đầu tiên đã được khai thác tại mỏ Bunga Kekwa, đánh dấu thành công lớn cho cả đôi bên trong quản lí, hợp tác khai thác nguồn lợi cũng như đóng góp kinh nghiệm quý báu để giải quyết các tranh chấp khác. Việc hợp tác giữa hai ngành dầu khí hiện nay đang tiến triển bình thường.

Trong thời gian qua hai nước đã tăng cường hợp tác trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng, nhất là phòng chống tội phạm và tuần tra trên biển. Đầu năm 2009 Việt Nam và Malaysia đã ký bản ghi nhớ xây dựng báo cáo chung về ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý. Cả hai nước hy vọng sẽ giải quyết những vụ vi phạm về đánh bắt cá thi thoảng xảy ra giữa ngư dân hai nước trên tinh thần hữu nghị và hợp tác.
Ngoài ra vùng khai thác chung giữa Thailand và Malaysia rộng 7.250 km2 có 800 km2 liên quan đến Việt Nam. Ba nước đã thỏa thuận sẽ cùng nhau giải quyết khu vực này trên tinh thần hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau.

Trở lại vấn đề tranh chấp chủ quyền của Malaysia trên quần đảo Trường Sa.

Hiện nay Malaysia đang chiếm giữ 5 đảo, đưa ra yêu cầu chủ quyền với 12 đảo và bãi ngầm khác trong quần đảo Trường Sa, trong đó có đảo Hoa Lau ( tiếng Mã Lai gọi là Layang Layang) là đảo lớn nhất. Cách làm công khai của Malaysia là muốn thể hiện với nhân dân Malaysia rằng quân đội có khả năng bảo vệ những hòn đảo này và ý nghĩa sâu xa là để cho cộng đồng quốc tế chú ý đến việc Malaysia có chủ quyền đối với những đảo trên quần đảo Trường Sa. Các nhà lãnh đạo Malaysia đã từng đi thăm đảo gồm có Mahathir Mohamad, Abdullah Badawi, Najib Tun Razak, các vị bộ trưởng nội các, các tư lệnh hải quân... Mục đích đi thăm đảo của các quan chức Malaysia giống nhau, đó là muốn tuyên bố với cộng đồng quốc tế rằng Malaysia có chủ quyền và có quyết tâm bảo vệ những lãnh thổ này.

Vì sao có hiện tượng này?

Trước nhất vào ngày 24/1/2009 Malaysia vừa tiếp nhận một trong hai tàu ngầm được đặt hàng vào năm 2002 do tập đoàn DCNS của Pháp liên doanh với Navantia của Tây Ban Nha thiết kế và được đóng ở Cherbourg (tỉnh Manche, thuộc vùng hành chính Basse-Normandie của Pháp) và hoàn thành vào tháng 10/2007 (trị giá 3,4 tỷ RM).

Chiếc tàu ngầm đầu tiên được mang tên KD Tunku Abdul Rahman (tên Thủ tướng đầu tiên của Malaysia). Sau 90 ngày chạy thử nghiệm với 420 giờ tại vịnh nước sâu Biscay và được bàn giao cho Malaysia tại cảng hải quân của Pháp ở Toulon với lực lượng tiếp nhận gồm 142 sĩ quan, chiến sĩ Malaysia đã được đào tạo 4 năm tại căn cứ hải quân DCN ở Brest, Pháp.

Đây là tàu ngầm thuộc dòng Scorpène được trang bị thiết bị phát hiện tàu ngầm, định vị vệ tinh, có khả năng hoạt động dưới 350 mét nước sâu và hoạt động liên tục 40 ngày, thích họp cho hoạt động tại eo biển Malacca và khu vực biển Đông. Về vũ khí được trang bị tên lửa hải đối đất, đối không, ngư lôi 6 ống phóng cùng một lúc và có khả năng tấn công tàu và tàu ngầm của đối phương từ độ sâu 200 mét.

Một chiếc tàu ngầm thú hai của Malaysia, sẽ mang tên vị Thủ tướng thứ hai Tun Abdul Razak dự kiến cũng sẽ được giao nhận ở cảng Cartagena của Tây Ban Nha vào tháng 10/2009.

Hai chiếc tàu ngầm tấn công được đặt hàng từ năm 2002 trong chính sách hiện đại hóa toàn diện do phó thủ tướng và cũng là bộ trưởng quốc phòng thời bấy giờ Najib Razak đề ra (nguyên là là bộ trưởng tài chính và được đề cử lên làm thủ tướng sau khi Thủ tướng Abdullah Badawi từ chức vào đầu tháng 4/2009-Ông Najib Razak cũng là con trai của vị thủ tướng thứ nhì của Malaysia).

Thứ nhì, chúng ta thấy rằng kể từ năm 1989, khi Malaysia từ bỏ phương thức đấu tranh vũ trang, quan hệ Malaysia và Trung Quốc dần dần tốt lên, cộng thêm việc Trung Quốc tăng cường mức độ cải cách mở cửa, từ bỏ việc xuất khẩu tư tưởng cách mạng khiến Malaysia không còn coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn, thậm chí có quan điểm chung trong một số vấn đề quốc tế, như thúc đẩy đa cực hóa và phát triển hợp tác khu vực....

Trong vấn đề giải quyết tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc (nước tuyên bố có chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa và 75% diện tích trên biển Đông) phản đối mạnh mẽ sự can thiệp của cộng đồng quốc tế, chỉ muốn đối thoại song phương giải quyết tranh chấp. Nhìn vào toàn bộ khu vực Đông Nam Á, không có quốc gia nào có khả năng đơn độc đối kháng với Trung Quốc; vì vậy các nước trong khu vực có khuynh hướng lấy khuôn khổ ASEAN hoặc cơ chế đa phương để cùng Trung Quốc giải quyết tranh chấp. Do muốn bảo vệ hình tượng quốc tế và không muốn phá vỡ “sân sau” phải cố gắng nhiều năm mới có được sự phát triển hợp tác tốt đẹp, ngày 4.11.2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký kết tuyên ngôn về “Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông” khiến tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa tạm thời dịu đi. Nhưng trong thời gian gần đây lại xuất hiện dấu hiệu tranh chấp tăng lên do các bên liên quan đã tỏ thái độ cứng rắng trong vấn đề chủ quyền.

Hành động ráo riết khẳng định chủ quyền của các láng giềng trong ASEAN đã đặt Việt Nam vào thế khó xử. Nếu lên tiếng phản đối mạnh mẽ dự định thông qua luật về Trường Sa của Philippines (House Bill 3216)(34) hoặc các kế hoạch của Malaysia, Việt Nam sẽ tự đặt mình vào thế một mình đối chọi với nhiều nước, không lôi kéo được các láng giềng ASEAN đối chọi với Trung Quốc. Nhưng nếu làm ngơ cho các “bạn” ASEAN lấn tới thì lập trường về chủ quyền bấy lâu nay của Việt Nam e rằng phải thay đổi.

Việt Nam đang gặp nhiều bất lợi, nếu không tìm giải pháp thoát ra, sẽ kéo dài ít nhất cho đến khi nào chủ quyền của các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được giải quyết. Không nước nào có thể khai thác tài nguyên ở thềm lục địa Trường Sa nếu chủ quyền các đảo tại đây chưa được xác định và được nhìn nhận bởi các bên. Vấn đề “cộng đồng khai thác” đã được nêu ra, nhưng sẽ khó thực hiện. Vả lại, nếu thực hiện thì phía thiệt thòi vẫn là Việt Nam. Việc tranh chấp có thể kéo dài thêm nhiều thập niên, vẫn giữ “nguyên trạng”, nếu các bên tranh chấp vẫn tôn trọng Qui tắc ứng xử biển Đông đã được các nước ASEAN ký với Trung Quốc năm 2002. Nhưng việc kéo dài thời gian lại có lợi cho Trung Quốc. Với thời gian, chỉ cần một, hai thập niên nữa, sự lớn mạnh của Trung Quốc không những chỉ dễ dàng thâu tóm biển Đông mà còn đặt được ảnh hưởng của mình đến các nước trong khu vực.

Vì thế phải có một giải pháp. Việt Nam phải làm thế nào có lợi cho Việt Nam trong việc giải quyết chủ quyền các đảo và hải phận biển Đông?

Theo các chuyên gia về luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế ở ĐNA, các yếu tố xét ra có lợi cho Việt Nam, đó là:

1. Việt Nam luôn luôn tôn trọng các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết như “Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển” năm 1982 (United Nations Convention on the Law of the Sea -UNCLOS), “Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông” năm 2002.
2. Vận động quốc tế ủng hộ lập trường về biển của Việt Nam tại biển Đông.
3. Trước mắt là khai thác vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam đã được quốc tế công nhận (hay không phản đối).
4. Về dài hạn là củng cố quốc phòng, liên minh chiến lược với bạn bè quốc tế có cùng chung quyền lợi để bảo đảm an ninh khu vực ở Đông Nam Á..
5. Tiến đến việc đưa vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa ra tòa án quốc tế (International Court of Justice).

KẾT LUẬN:

Ngày 8/5/2009, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc ngày 7/5/2009, phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc đã gửi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc công hàm phản đối việc Việt Nam nộp Báo cáo về Ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng cho biết:

“Ngày 7/5/2009, Chính phủ Việt Nam đã trình Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc Báo cáo quốc gia xác định Ranh giới thềm lục địa nằm ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam. Trước đó, ngày 6/5/2009, Việt Nam và Ma-lai-xi-a cũng đã phối hợp trình Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc Báo cáo chung về khu vực thềm lục địa kéo dài liên quan đến hai nước. Việc trình các báo cáo này là việc làm bình thường của quốc gia thành viên nhằm thực hiện nghĩa vụ của mình theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.

Nội dung công hàm của phía Trung Quốc và bản đồ kèm theo công hàm đó đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông. Đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc thể hiện trên bản đồ đi kèm với công hàm là không có giá trị vì không có sơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn.

Một lần nữa, chúng tôi khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa”.

CHÚ THÍCH:
(1) Le Royaume du Tonkin - Ce Royaume est situé entre La Chine, l’Océan Oriental, la Cochinchine et le Pegu. Langlet Du Freynoy (l’Abbé Nicolas, 1674-1755). Méthode pour étudier la Géographie; tr. 115, T. IV, 1736.
(2) Từ Hải Hợp Đính Bản, bản in lại năm 37 Trung Hoa Dân Quốc tức năm 1948, Tập Tý, trang 218.
(3) Từ Nguyên, bản in năm 38 Trung Hoa Dân Quốc, tức năm 1949, Tý Tập, trang 234
(4) Từ Nguyên Cải Biên Bản, Hong Kong, 1984, Tập Tý, trang 94.
(5) A New Practical Chinese English Dictionary - Editor in Chief: Liang Shi Chiu; Editors: Chu Liang Chen, David Shao, Jeffreg C. Tung, Chung Lu Shen - The Far East Book Co LDT, Hong Kong, 1971, tr. 121, cột 2.
(6) Xem website Đảng Cộng sản Việt Nam, phần Biển đảo Việt Nam.
(7) Ðề cập tới trong bài “Notes on the Nanwei and Sisha Islands” đăng trong People’s China, Bắc Kinh, tập IV, số 5, phụ trương ngày 1.9.1951, tr. 7.
(8) Toàn văn bản Hòa ước San Francisco đăng trong: (a) United Nations Treaty Series, tập 136, tr. 46 và tiếp theo, và (b) American Foreign Policy, 1950 1955: Basic Documents do bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xuất bản năm 1957, ấn bản số 5446, tr. 425 439.
(9) “Chou En lai’s Statement on the Peace Treaty with Japan” đăng trong People’s China, tập II, số 12, phụ trương ngày 16.12.1950, tr. 17
(10) Chou En lai’s Statement, tr. 19.
(11) Bản Anh ngữ nhan đề “Foreign Minsiter Chou En lai’s Statement on the U.S. British Draft Peace Treaty with Japan” đăng trong (a) People’s China, tập IV, số 5, phụ trương ngày 1.9.1951, tr. 36; hay (b) bản tin Tân Hoa xã số 777, Bắc Kinh ngày 16.8.1951, tr. 75 78.)
(12) Foreign Minister, tr. 4.
(13) Foreign Minister, tr. 6.
(14) R. Serene, Petite Histoire des Paracels, đăng trong Sud Est Asiatique, Bruxelles, số 19, th. 1/1951, tr. 38.
(15) Xem: (a) B.B., “Les Iles Spratlys” đăng trong L’Asie Francaise, Paris, tập 39, số 269, th. 4/1939, tr. 123; (b) Charles Rousseau, “Chine, France, Japon, Philippines et Vietnam Différend Concernant l’Appartenance des Iles Spratlys et Paracels” đăng trong Revue Generalle De Drroit International Public, Paris, năm thứ 76, tập 76, số 3, th. 7 9/1972, tr. 828.
(16) Chi tiết về hội nghị này và hội nghị Tehran được in trong tập The Foreign Relations Of The United States Diplomatic Papers: The Conferences at Cairo and Tehran, 1943, (viết tắt: FRUS Cairo Tehran), Government Printing Office, Washington, D.C., 1961.
(17) Frus Cairo Tehran, tr. 448 449.
(18) Mới đầu là Winston Churchill, sau là Clement Attlee khi Đảng Bảo thủ Anh thất cử.
(19) Documents on American Foreign Relations, do Raymond Dennett và Robert K. Turner biên tập và Prince University Press xuất bản năm 1948, tập VIII: 1.7.1945 31.12.1946.
(20) Jean R. Sainteny, Histoire D’Une Paix Manquée: Indochine 1945 1947, Amiot Dumont, Paris, 1953, tr. 50.
(21) Xem United States Statutes at Large, trong Executive Agreement Series, số 493, tập 59, phần II, Government Printing Office, Washington, D.C., 1945, tr. 1734 1735.
(22) Herbert Feis thuật lại trong sách Japan Subdued: The AtomicBomb and The end of the war in the Pacific, Princeton University Press, Princeton, New Jersey, 1961, tr. 139.
(23) Xem bài “Review of International Situation” đăng trong President Chiang Kai Shek’s selected speeches and messages in 1955, do China Publishing Co. Xuất bản tại Ðài Bắc năm 1956, tr. 22. Ðông Tam tỉnh nói ở đây là danh xưng người Trung Hoa vẫn dùng để gọi Mãn châu.
(24) Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Đối ngoại quan hệ văn kiện tập, Bắc Kinh, tập I, tr. 134.
(25) Đối ngoại, tập II, tr. 30 và 36.
(26) Nhân dân nhật báo, Bắc Kinh, ng. 8.2.1955, tr. 4.
(27) Toàn bản văn nhan đề “Foreign Minister Chou En lai’s Statement on San Francisco Peace Treaty” đăng trong People’s China, tập IV, số 7, ngày 1.10.1951, tr. 39.
(28) Từ 2.6.1948 đến 26.10.1955 phần đất do Chính quyền Sài Gòn quản lý.
(29) Tài liệu của Ban Biên giới chính phủ.
(30) Toàn bản văn đăng trong People’s China, tập V, số 10, ng. 16.5.1952, tr. 4.
(31) Toàn bản văn hòa ước giữa Trung Hoa Dân quốc và Nhật Bản đăng trong Treaties and Agreement, between the Republic of China and other powers, do Chen Yin ching biên soạn, Sino American Publishing Service xuất bản tại Washington, D.C., 1957, tr. 454 456.
(32) A Treaty of Peace Between the United States and Spain, U.S. Congress, 55th Cong., 3d sess., Senate Doc. No. 62, Part 1 (Washington: Government Printing Office, 1899), 5-11.
(33) Người Bồ Đào Nha dưới sự chỉ huy của Alfonso de Albuquerque đã đến chinh phục Malacca đầu tiên và đặt ách thực dân suốt 130 năm (từ năm 1511). Liền sau đó, người Hà Lan thế chân thống trị mảnh đất này 154 năm. Từ năm 1824 cho đến khi Malaysia giành quyền độc lập (năm 1957) đây là thuộc địa của Anh, đấy là chưa kể 3 năm chiếm đóng của Nhật Bản trong cuộc chiến thanh thế giới lần thứ 2.
(34) Tờ Nhân Dân Nhật Báo và Bản tin tham khảo đặc biệt của Tân Hoa Xã (Trung Quốc) ngày 17.3.2008 dẫn nguồn tin từ Manila cho biết một quan chức cấp cao Philippines vào ngày 15.3.2008 đã xác nhận rằng Hạ viện Philippines dự định thông qua một dự luật nhằm “kéo dài bản đồ nước này ra tới quần đảo Nam Sa ở biển Nam Trung Hoa”. Tổng thống Gloria Arroyo đã coi việc này là một ưu tiên và phía Philippines dự định thông qua dự luật này vào trước tháng 5.2009, thời hạn mà Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc yêu cầu phải đưa ra tuyên bố về đường cơ sở lãnh hải.
Tin nêu rõ dự luật mang số hiệu House Bill 3216 này sẽ sửa đổi “Pháp lệnh nước Cộng hòa số 3046 của Philippines, để mở rộng đường cơ sở quần đảo Philippin ra đến quần đảo Nam Sa”(Trường Sa). Dự luật này đã trải qua vòng xem xét thứ hai tại Hạ viện vào tháng 12.2007, và dự định vượt qua vòng xem xét thứ ba và là vòng cuối cùng vào giữa tháng 3.2008. Song, phía Trung Quốc đã có hành động ngăn cản việc này, bằng cách gửi một “Thư lập trường” tới Bộ Ngoại giao Philippines “nêu lại lập trường về chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Nam Sa”. Một quan chức Bộ Ngoại giao Philippines nói: “Đây có thể coi như một sự kháng nghị nhẹ nhàng”, nhưng ông ta nói thêm rằng Bắc Kinh chưa từng gây sức ép đối với Manila để đòi Hạ viện Philippines rút bỏ dự luật trên”.
Vào cuối Tháng Một và đầu Tháng Hai năm nay, Thượng viện và Hạ viện Philippines đã thông qua hai dự luật khác nhau, mỗi dự luật chọn một đường cơ sở khác nhau. Ngày 9/2/2009, trong một buổi họp lưỡng viện để giải quyết vấn đề này, Philippines đã chọn một trong hai đường cơ sở này để làm đường cơ sở mới.
Dự luật Thượng viện SB 2699
Ngày 28/1/2009, Thượng viện Philippines thông qua dự luật SB 2699 về đường cơ sở mới với số phiếu áp đảo 15-0. Theo SB 2699, đường cơ sở của Philippines sẽ không bao quanh Scarborough Shoal, hiện đang là đối tượng tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc, và không bao quanh các đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ủy ban Ngoại giao và Ủy ban Vụ Biển và Đại Dương Philippines (Commission on Maritime and Ocean Affairs) ủng hộ dự luật này.
Dự luật Hạ viện HB 3216
Sau đó, ngày 2/2/2009, Hạ viện Philippines thông qua dự luật HB 3216, quy định một đường cơ sở khác, với số phiếu áp đảo 171-3.
Theo dự luật HB 3216, đường cơ sở của Philippines sẽ bao quanh phần lớn quần đảo Trường Sa của Việt Nam và Scarborough Shoal.
Ngày 10/3/2009, Tổng thống Gloria Arroyo đã ký ban hành luật xác định đường cơ sở trên biển Đông. Đạo luật này khẳng định chủ quyền của Manila trên hơn 7100 hòn đảo lớn nhỏ thuộc quần đảo Phillipines, cũng như một số đảo tại quần đảo Trường Sa và Scarborough Shoal, một chuỗi đảo nhỏ khác ở vùng biển Đông.
Ngoài việc vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, chủ trương của dự luật này vi phạm lãnh hải và thềm lục địa của Việt Nam, Malaysia và Brunei và đe dọa quyền lợi trên Biển Đông của tất cả các nước trên thế giới.
Ngày 12/3/2009, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: "Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử về chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hành động của các bên liên quan ở khu vực này mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và không có giá trị pháp lý”. “Việt Nam phản đối việc làm trên và đề nghị Philippines có thái độ kiềm chế, không tiến hành những hành động tương tự, tránh làm ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định trong khu vực và quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Philippines”.