Tân Phúc Âm hóa Gia đình – Suy tư và thao thức

Có thể nói thế kỷ 21 là thế kỷ của khoa học và công nghệ, sự phát triển của nó với tốc độ chóng mặt như một cơn lũ kéo theo sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã đem lại lợi ích vô cùng to lớn cho các nền kinh tế đang phát triển, bên cạnh đó mặc tiêu cực của nó cũng không nhỏ, nạn thất nghiệp cho những lao động phổ thông như là một hiện tượng; khủng hoảng hôn nhân gia đình đang nổ ra và lan rộng từng ngày. Đó là “ con sóng dữ “ do chính con người tạo nên và con người lại phải vật lộn trong cơn sóng để tồn tại.

Và để đáp ứng cho đòi hỏi của cuộc sống công nghiệp đầy nhộn nhịp và gian manh, mỗi con người và mỗi gia đình trong xã hội lại phải chạy đua với thời gian để cố làm sao kiếm được nhiều tiền cho cuộc sống, cho gia đình và con cái, và khi đã có đủ điều kiện vật chất cho cuộc sống ấm no thì lòng tham của con người không chỉ dừng lại đó mà lại tiến thêm một bước nữa là phải kiếm thật nhiều tiền để mua sắm xe hơi, bu-đing biệt thự. Thế là các thành viên trong gia đình tự tách mình ra khỏi cái đầm ấm của bửa cơm gia đình, con cái thì phó mặc cho nhà trường và người giúp việc; chồng thì ngày đêm lao vào công việc tại công ty qua các thương vụ kinh tế béo bở, say sưa giao lưu cùng bạn bè bên các đối tác làm ăn; vợ thì mãi mê trong công việc kinh doanh mua bán hoặc các cuộc vui chơi bên đồng nghiệp, dần dà những cuộc tiếp xúc thân mật đã tạo nên một môi trường tình cảm phức tạp nảy sinh một tình ý không ngay lành cho cả đôi bên, tình nghĩa vợ chồng và sự gắn bó hôn nhân đang khô cứng và trở nên chán ngán từng ngày, mỗi người lại tìm cho mình một thú vui riêng, gia đình chỉ còn lại là nơi trú ngụ cho những lúc rượu tàn, say sưa và mệt mõi.

Trước viễn cảnh những đổ vỡ của các gia đình đang lan rộng trong xã hội, trẻ em bị khủng hoảng tinh thần vì cảnh cha mẹ ly hôn đã bỏ bê học hành mà lao vào chốn ăn chơi. Hút chích, mại dâm và cướp giật là những tệ nạn đang hoành hành trong xã hội như một căn bệnh trầm kha khó chữa, nền tảng đạo đức gia đình đang bị xói mòn trầm trọng, là mối suy tư mà các đấng bậc trong Giáo Hội luôn thao thức vì niềm tin trong cuộc sống đã bị đánh cắp. Qua thời gian chuẩn bị, Giáo Hội đã chọn năm 2013-2014 là Năm Tân Phúc âm hóa gia đình như một lời mời gọi mọi thành phần dân Chúa từ bỏ con đường cũ, từ bỏ tội lỗi để trở về trong Đức Ky-tô, là nguồn mạch Ơn Cứu độ.

Là một Ky-tô hữu, cũng là con người trong thân phận mỏng dòn hèn yếu, mang trong mình tính hư xác thịt, đam mê và tội lỗi; có những lúc không tránh khỏi những mông lung lệch lạc, khi mà cuộc sống vật chất đã lôi cuốn con người lao vào chốn vui chơi mạo hiểm; bên cạnh đó sự đối xử với nhau giữa vợ chồng nhiều khi quá chân thật đã trở nên khô khan trong tình cảm, hòa lẫn những khó khăn trong cuộc sống đã nỗi lên những tiếng to nhỏ hằn hộc, tiếp nối với thời gian đã trở thành một làn khói mờ mịt ngày càng đẩy xa hình ảnh thân thương của tình yêu đôi lứa mà ngày hôn phối đã thề hứa trước bàn thờ Chúa.

Năm Tân Phúc âm hóa gia đình là một hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đang còn trong bóng tối lầm lạc, còn đang ngủ mê trong cơn say tiền bạc và tội lỗi, hãy tỉnh thức và quay về với Lòng Thương xót vô biên của Chúa. Hãy canh tân đời sống đức tin để làm chổ dựa tinh thần cho đời sống hôn nhân gia đình.

Ta cần phải làm gì trong năm Tân phúc âm hóa gia đình, đó là câu hỏi mà mỗi người, mỗi gia đình cần phải đặt ra và đem ra thực hiện với một tinh thần khẩn trương, vì đời sống hôn nhân gia đình trong xã hội ngày nay đang lâm vào một tình trạng khủng hoảng vô cùng bức bách.

1/ Đối với đời sống đức tin :

- Ngoài việc tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật một cách sốt sắng, tùy theo hoàn cảnh của mỗi gia đình chúng ta cần sắp xếp thời giờ để tham dự các thánh lễ ngày thường trong tuần ít nhất là các ngày: Thứ Tư là ngày lễ kính Thánh cả Giuse bổn mạng các gia trưởng, Thứ Năm là ngày kỷ niệm Bữa Tiệc Ly cầu nguyện cho các linh mục và ơn gọi các bậc tu trì, Thứ Sáu là ngày kỷ niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su.

- Tham dự các giờ chầu Thánh Thể để nuôi dưỡng một cách sống động Bí tích Thánh Thể, vì chính mình máu Chúa đang hiện diện trong Nhà Tạm nơi các nhà thờ để làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn ta trên bước đường hành trình về Nước Chúa.

- Trong hoàn cảnh kinh tế hiện tại, một số gia đình khó có thể tổ chức giờ kinh gia đình thường xuyên thì ít ra cũng nên có ba buổi đọc kinh chung để tạo được một bầu khí quây quần hiệp nhất trong gia đình sau một ngày công việc vất vả; đồng thời cũng nên khuyến khích mỗi thành viên trong gia đình có thói quen đọc kinh riêng trước khi đi ngủ và mỗi khi thức dậy, là một phút tâm sự với Chúa Thánh Thần để cảm tạ và xin Ngài thánh hóa mọi việc làm của ta.

- Để thăng tiến trong đời sống đạo đức bình dân, chúng ta nên tham dự các giờ kinh chung trong các dịp Tháng Hoa, Tháng Mân Côi, Tháng Thánh Tâm Chúa, Tháng Các Đẳng và tham dự các giờ kinh khi có người qua đời, tuy là một việc đạo đức bình dân nhưng nó mang lại lợi ích rất lớn cho các phần rỗi linh hồn, là một sự hiệp thông trọn vẹn trong Đức Giê - su Ky-tô, như lời Kinh Thánh có chép : “ Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho “ ( Mt 18,19-20).

- Tích cực sắp xếp thời gian để tham dự các dịp hành hương trong giáo phận hoặc giáo hạt, là biểu lộ một sự hiệp nhất trong Giáo Hội với bên ngoài xã hội, vì mỗi dịp hành hương là dịp chúng ta được nghe những bài giảng súc tích , những huấn từ của vị chủ chăn, làm cho tâm hồn chúng ta ấm lại và nâng hồn ta vươn cao lên tới Chúa.

2/ Đối với đời sống gia đình :

- Nên quan tâm chăm sóc đến những sinh hoạt thường ngày của vợ, của chồng, con cái và những người thân trong gia đình;

- Dành cho nhau những cử chỉ đầy yêu thương như những ngày mới kết hôn, đừng bao giờ xem thường và bỏ quên nó, vì đó chính là hơi ấm để nung đức tinh yêu giữa vợ chồng và con cái, và cũng chính nó là mối dây siết chặt tình nghĩa vợ chồng và con cái, để mỗi người trong chúng ta cảm nhận được “ khi xa thì nhớ khì gần thì thương “.

- Dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào cũng nên dành một khoảnh khắc nhất định để ngồi nên nhau trong những dịp cuối tuần, ngày lễ, ngày sinh nhật, ngày bổn mạng, ngày kết hôn, . . để quên đi những nhọc nhằn vất vả trong cuộc sống thường ngày. Vì chính lúc nầy gợi nhớ cho ta những ngày đầu tiên gặp gỡ thật là êm đềm và hạnh phúc, cho ta sống lại bầu khí yêu thương và gần gũi.

Vẫn còn kịp nếu chúng ta biết dừng bước và quay trở lại,

Vẫn còn kịp nếu chúng ta biết đặt niềm tin vào Đức Ky-tô, đấng chiến thắng mọi sự dữ,

Vẫn còn kịp nếu chúng ta biết phó thác vào tình thương vô biên của Thiên Chúa là đấng Giàu Lòng thương xót,

Vẫn còn kịp nếu chúng ta biết chạy đến cùng Mẹ Maria và Thánh cả Giu-se để được nâng đỡ và chuyển cầu cho ta trước Danh Thánh Chúa.

Thứ Sáu Tuần Thánh 18/04/2014

HoàiThu Nguyên