Lá thư Canada: MỪNG TẾT CON NGỰA

Ông Từ Hoè hội viên viễn cư về làng ăn tết đã làm không khí làng sôi động hẳn lên. Ông đem về bánh chưng, giò thủ, và không biết bao nhiêu tiếng cười. Vui sướng ầm ĩ nhất là phe các bà. Ông này là một ông ODP thứ hai trong làng. Các cụ còn nhớ gốc gác ông Từ Hoè của làng An Lạc chúng tôi chứ. Ông từ trại tỵ nạn Mã Lai đến Toronto cùng với gia đình Cụ Chánh, đầu thập niên 1980, do nhà thờ Cha Paolo bảo trợ. Vì có duyên từ kiếp trước, chúng tôi gặp nhau là dính với nhau liền, rồi lập ra ngay cái làng đầy tiếng cười này. Ông mới ở đây được mấy năm thì chú em kết nghĩa của ông được Canada cho định cư ở đất Alberta miền tây. Theo đúng lời thề, ông dọn sang miền tây sống với chú em, nhưng mỗi tết ông mỗi về tổ Toronto.

Ngay từ ngày lập làng, ông được bầu làm trưởng ban tổ chức lễ tết và đặc biệt là phụ trách phần nấu cỗ. Năm con giáp nào thì ông cho làng ăn cỗ thịt con ấy. Năm gà thì món chính là gà, năm heo thì cỗ chính là heo, năm nay là năm ngựa thì dứt khoát ông sẽ nấu món thịt ngựa. Ông này nhiều tài lắm. Một trong cái tài siêu đẳng của ông là nấu ăn. Là liền ông mà nấu ăn ngon thần sầu. Chị Ba Biên Hòa và hai cô Huế luôn luôn đòi đến làm phụ tá, xin được ông sai bảo, cốt để học cách nấu nướng.

Vì năm nay ăn tết con ngựa nên cả làng đã đoán rằng ông sẽ đi mua thịt ngựa và nấu món ngựa. Chị Ba Biên Hòa bảo thịt ngựa giống thịt bò nên chắc ông sẽ cho làng ăn bí tết ngựa, thịt ngựa lúc lắc, thịt ngựa hầm khoai tây, thịt ngựa xào lá lốt.

Qủa đúng như vậy. Các cụ đã xơi món thịt ngựa chưa? Nều chưa thì mời cụ xơi ngay nha. Nó giống y như thịt bò. Chợ Canada có bán. Chợ Quebec còn bán nhiều thịt ngựa hơn chợ Toronto.

Anh H.O. hỏi ông Từ Hoè: Hàng thịt bò bao giờ cũng bán món ngầu pín, không biết hàng thịt ngựa có bán món ‘mã pín’ không? Ông Từ Hoè cười ha hả, rồi trả lời ngay: Có chứ, sao không. Rồi trong lúc phe các bà tíu tít trao đổi tin tức về các hàng tết thì phe liền ông nói nhỏ: Cái phần nguy hiểm nhất nơi con ngựa là phần ‘mã pín’ này. Anh John nghe mã pín thì không hiểu gì nên ông Từ Hoè nói ngay: Mã pín là cái tiếng anh H.O. này vừa đặt ra, chứ nói nôm na thì đó là món hai hòn ngọc của con ngựa. Ông ODP góp thêm ý:

- Con ngựa là con vật rất thân với con người. Bên Âu Châu họ coi con ngựa là con vật đẹp nhất trong các loài thú. Nó thường được con người hôn hít nựng nịu, thế nhưng không ai được nựng cái phần đó của nó. Ai đụng tới là nó đá liền, nó đá bằng cả hai chân, ai bị nó đá là chỉ có nước chết.

Nghe đến đây thì phe liền ông phá ra cười. Nghe tiếng cười này, phe các bà biết ngay là phe các ông đang nói chuyện mặn nên đòi nghe. Ông ODP đứng ra nói thay cho ông Từ Hoè. Ông bảo:

- Phe chúng tôi vừa kể cho nhau nghe chuyện một bà mẹ vợ bị con ngựa đá chết ấy mà, chuyện Canada này cũ, chắc ai cũng biết hết rồi phải không cơ? Đa số phe các bà đều tỏ ra ngơ ngác, nhất là bà Cụ B.95.

Thế là ông ODP liền kể: Rằng có một anh con trai Canada kia cưới vợ xong thì mua một căn nhà mới. Anh nuôi một con ngựa rất đẹp và rất to lớn. Bà mẹ vợ đến thăm thì được dẫn ra vườn sau xem con ngựa. Lần đầu tiên bà được nhìn sát con ngựa và ngắm nghía kỹ con ngựa nên bà thích lắm. Không biết bà vuốt ve con ngựa chỗ nào và thế nào mà con ngựa đá bà một phát, bà lăn ra chết liền. Vì bà góa sống một mình nên ông con rể phải lo tang lễ. Ông cha chủ lễ ở nhà thờ rất ngạc nhiên vì số người đi dự tang lễ đông khác thường. Sau tang lễ thì ông cha nói nhỏ với anh con rể:

- Tôi làm cha sở nhà thờ này đã lâu mà chưa bao giờ có buổi lễ nào đông như buổi lễ hôm nay. Điều này chứng tỏ anh được rất nhiều người qúy mến, nhất là giới trẻ. Xin chúc mừng Anh.

Ông con rể đáp ngay:

- Thưa Cha, cha thấy trong tang lễ có rất nhiều người trẻ trạc tuổi con, những anh này dự tang lễ không phải vì qúy mến con, mà chỉ có ý muốn lấy lòng con để hoặc là thuê con ngựa của con, hoặc là mua con ngựa của con. Chúng nó đều muốn bà mẹ vợ săn sóc con ngựa ấy mà.

Anh H.O. nghe ông ODP kể đến đây xong liền nói nhỏ: Chắc bà mẹ vợ anh ta chết vì phạm vào cái tội mà ông cha VN mình ngày xưa đã cảnh cáo là ‘ Mó giái ngựa’. Phe liền ông nghe xong thì bò ra cười.

Đến đây thì bà cụ B.95 biết là chuyện cười của phe đàn ông chúng tôi đang ngả sang mặn, bèn làm cho nó nhạt đi. Cụ không hỏi mấy ông Bắc Kỳ kỳ cục này nữa mà hỏi anh John:

- Ở Canada có nuôi nhiều ngựa không? Xin anh kể chuyện ngựa Canada đi.

Anh John như đã chuẩn bị sẵn bèn kể ngay:

- Ồ, chuyện ngựa Canada dài lắm. Có một điều rất đặc biệt đã làm các nhà sử học và khảo cổ học rất ngạc nhiên là những con ngựa đầu tiên trên trái đất này đều xuất phát từ Mỹ Châu, nhưng rồi không hiểu tại sao con ngựa biến mất khỏi Mỹ Châu, nó đã chạy sang Âu Châu và Á Châu. Mãi thế kỷ 15, khi người Tây Ban Nha sang chinh phục miền Nam Mỹ thì họ mới đem con ngựa trở lại đây. Con ngựa phát triển từ Nam Mỹ tiến lên Bắc Mỹ. Con ngựa tái xuất hiện ở Bắc Mỹ đã làm biến đổi hẳn nếp sống của người Da Đỏ. Từ thế kỷ 15 trở về trước thì người Da Đỏ di chuyển dưới nước bằng xuồng canoe, hay bằng thuyền độc mộc kayark, trên bộ thì mùa đông đi bằng khung giày tuyết snowshoe hay bằng ván lướt toboggan do đàn chó kéo. Khi con ngựa tái xuất hiện thì việc di chuyển bằng ngựa đã làm những phép lạ cho nhiều ngành như vận chuyển lương thực, đi sắn thú, mở rộng lãnh thổ, và nhất là đánh nhau với các bộ lạc khác.

Cụ B,95 nghe đến đây thì thích qúa, liền hỏi tiếp:

- Anh mới kể chuyện gốc con ngựa ở Mỹ Châu và Âu Châu, thế con ngựa ở Á

Châu mình thì sao?

Anh John trả lời ngay:

- Cháu chỉ biết chuyện ngựa ở Mỹ Châu và Âu Châu thôi, chuyện ngựa Á Châu, đặc biệt ngựa ở Tàu và VN thì cháu không rành. Xin bồ chữ ODP tiếp sức.

Ông ODP tiếp sức ngay:

- Theo lịch sử thì người VN rất quý voi và ngựa vì hai con vật này đã góp phần rất lớn vào các chiến thắng chống ngoại xâm. Thế kỷ 13, Mông Cổ làm mưa làm gíó trên các chiến trường Á Châu và Âu Châu, sử ghi rằng kỵ binh Mông Cổ đến đâu thì ngay ngọn cỏ cũng chết hết. Thế mà khi đoàn kỵ binh Mông Cổ của Hốt Tất Liệt với các danh tướng như Toa Đô, Ô Mã Nhi, A Bát Xích xuống chiếm VN thì đã bị dân quân nước Nam đánh cho tan tành. Bạn cứ đọc Hịch Tướng Sĩ của Hưng Đạo Đại Vương thì rõ. Nhưng chưa hết, giặc Tàu chưa biết sợ, cuối thế kỷ 18 chúng kéo đại quân sang chiếm thủ đô Thăng Long của ta. Quân dân ta đã dùng kỵ binh và tượng binh đánh ba trận lớn, tiêu diệt gần hết 30 vạn quân Mãn Thanh. Nhưng thôi, ngày tết ta không nói chuyện đánh nhau, ta nói chuyện yêu đương thì hay hơn, hên hơn, và thơ mộng hơn. Mọi người đều vỗ tay hoan hô cái ý kiến này. Ai cũng xin ông ODP nói chuyện thơ mộng. Ông kể tiếp:

Tôi xin kể chút xíu về Vua Quang Trung Nguyễn Huệ. Đó là khi vua ra Thăng Long, ngài thấy hoa đào đất Bắc vào dịp tết đẹp qúa nên đã nhờ Đô Đốc Đặng Văn Long cỡi con chiến mã phi nước nhất mang một cành hoa đào Thăng Long vào kinh đô Phú Xuân tặng người yêu là công chúa Ngọc Hân. Chuyện chỉ có thế, không ghi trong chính sử nhưng được ghi bên lề. Nó nói lên một cử chỉ rất đẹp của nhà vua. Con ngựa đã góp công với cành đào xứ Bắc trong việc bày tỏ tình yêu, phải không cơ?

Nói xong câu này rồi ông hỏi Cụ. B.95: Đó là chuyện ngựa trong sách vở. Chắc cụ cũng phải có nhiều chuyện ngựa trong dân gian xứ Bắc Kỳ, vậy bây giờ đến phiên cụ, xin cụ kể cho nghe. Cụ B.95 cười hi hi rồi kể:

- Lão gốc nhà quê, không biết chuyện con ngựa chiến, mà chỉ biết chuyện con ngựa nhà quê. Chẳng hạn trò chơi con nít lấy tàu cau làm ngựa. Thuở còn con nít, bọn tôi vừa cỡi tàu cau làm ngựa, vừa chạy vòng tròn trong sân vừa hát:

Nhong nhong ngựa ông đã về

Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn…

Hoặc là bọn con nít chúng tôi được đi theo cha mẹ để xem những vị tân khoa vửa đỗ tiến sĩ, được vua ban mũ áo vinh quy bái tổ, cỡi ngựa về làng, được làng đón rước trọng thể …Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau... Lúc ấy tôi thấy ông tân khoa cỡi ngựa sao mà oai phong thế, và lúc đó bọn con gái chúng tôi chỉ ao ước sau này lớn lên mà lấy được một ông tân khoa như vậy làm chồng thì sẽ sung sướng biết là chừng nào.

Câu chuyện ngựa ngày xưa đang hay như thế thì bị đứt. Ông Từ Hoè từ nhà bếp ra mời mọi người vào xơi cơm. Ông bảo món thịt ngựa phải ăn nóng mới ngon. Chưa đúng ngày tết mà dân làng tôi đã được ăn thịt ngựa. Bữa nay ông nấu món ngựa hầm khoai tây, cà rốt, ăn với bánh mì baguette, nhâm nhi với rượu vang đỏ. Ăn từ từ, nhai kỹ từng miếng, tôi thấy thịt ngựa thơm ngon lắm các cụ ạ.

Rồi từ món thịt ngựa này đã sinh ra bao nhiêu chuyện cười.

Anh John lần đầu tiên nghe các chuyện về ngựa VN nhất là chuyện ngựa ở Bắc Kỳ thì thích lắm. Anh xin Cụ B.95 nói tiếp, nhưng cụ bảo kho chuyện của cụ hết rồi. Anh John quay vào ông ODP. Ông ODP cũng bảo chuyện ngựa của ông hết rồi, nhưng chuyện cười ngày xưa thì ông còn nhiều lắm. Chẳng hạn ngày xưa con nít Bắc Kỳ hay chơi cái trò ‘oẳn tù tì’. Mấy nhà quân tử gốc Bắc kỳ trong làng tôi nghe nhắc tới tên trò chơi này thì ai cũng gật đầu và tỏ vẻ thích thú. Anh John và Chị Ba gốc Nam Kỳ đều lắc đầu không biết và đều xin nghe. Ông ODP liền nhìn ông Từ Hoè: cái này phải xin bác Từ Hoè kể thì mới đầy đủ chi tiết và mới hấp dẫn. Ông Từ Hoè vừa nhìn anh John vừa cười có vẻ bí mật rồi kể:

- Trò chơi như thế này: Cả bọn con nít chia làm nhiều cặp, mỗi cặp là 2 đứa chơi với nhau. Chúng nắm tay mặt lại rồi cùng nói một lúc: Oẳn tù tì, ra cái gì? ra cái này. Khi hết tiếng ‘này’ thì phải chìa tay ra theo cái dạng mình chọn. Hoặc là nắm tay để chỉ cái búa, hoặc chìa 2 ngón tay để chỉ cái kéo, hoặc xòe cả bàn tay ra chỉ tờ giấy. Cái búa thì thắng cái kéo nhưng thua tờ giấy. Tờ giấy thua cái kéo nhưng thắng cái búa… Cứ hai đứa thì có một đứa thắng. Rồi các đứa thắng chơi với nhau, cũng từng cặp. Đứa nào thắng cuối cùng là được giải. Trò chơi này rất vui. Không ai tính tóan trước được.

Kể xong, ông Từ Hoè hỏi anh John: Anh nghe 3 tiếng oẳn tù ti anh có thấy gì lạ tai không? Chàng John lắc đầu, ông Từ Hoè cười ha ha. Ngày xưa khi chơi trò này thì tôi không thấy gì lạ tai, các người lớn thời đó cũng không thấy gì lạ tai, nhưng bây giờ thì tôi giật mình. Oẳn tu tì thì rõ ràng là one two three, rõ ràng là tiếng Anh! Làm sao thời Pháp đô hộ mà người Bắc kỳ lại biết nói tiếng Anh ? Oẳn tù tì rõ ràng là tiếng Anh mà. Tôi nghĩ không chừng trò chơi này xuất phát từ bên Anh. Mà nếu xuất phát từ thế giới nói tiếng Anh thì anh John phải biết chứ! Lạ quá ha !

Rồi ông Từ Hoè kể sang chuyện khác. Ông bảo ngày xưa còn bé theo mẹ đi tết họ hàng, ông thường được mừng tuổi mấy đồng xu. Đơn vị tiền VN ngày xưa là đồng bạc. Một đồng bạc có 10 hào. Mỗi hào có 10 xu. Đồng xu còn gọi là đồng xèng. Dân quê thường nói đồng xu đồng xèng. Một đồng bạc có 100 đồng xèng. Nói đền đây rồi ông Từ Hoè lại phá ra cười. Tiếng đồng xèng VN này đã đẻ ra tiếng cent trong đồng đô la của Mỹ của Canada đó, anh John ơi, anh có nhận ra như vậy không?

Anh John lần đầu tiên nghe sự lạ: trẻ con Bắc Kỳ ngày xưa đã nói tiếng Anh trong trò chơi oẳn tu tì, đồng xèng trong hệ thống tiền bạc VN ngày xưa đã đẻ ra đồng ‘cent’ của tiền đô la bây giờ.

Làng tôi lại phá ra cười. Anh John chắp tay vái ông Từ Hoè: Xưa nay cháu đã sợ bồ chữ ODP, nay cháu cũng sợ luôn bồ chữ Từ Hoè.

Thấy dân làng khoái nghe chuyện tếu, ông Từ Hoè đang hứng liền kể tiếp. Rằng tôi còn một chuyện tếu nói về tiếng Việt đẻ ra tiếng Anh, làng còn muốn nghe nữa không? Cả làng gật đầu lia lịa. Thế là ông Từ Hoè kể ngay:

- Có một anh chàng kia mới lấy vợ. Bữa đó anh gặp bố vợ ở nhà. Hai người nói chuyện vui lắm. Trong lúc hai bên say sưa nói thì ông bố vợ vô ý phát ra một tiếng bủm. Anh ta thấy ông bố vợ có vẻ mắc cở bèn lấy tay bốc một nắm không khí rồi đưa lên mũi ngửi. Anh ngửi xong liền nói: Ôi rắm của bố thơm làm sao! Ông bố vợ thấy anh này vô duyên, nịnh lộ liễu qúa, liền nói: Anh nói rắm của tôi thơm thì nguy cho tôi rồi. Xưa nay ai cũng bảo rắm càng thối thì người đó càng khoẻ. Nay anh bảo rắm tôi thơm thì chết tôi rồi ! Anh chàng rể bị hố, bèn chữa. Anh ta lại lấy tay bốc một nắm không khí đưa lên mũi ngửi, rồi nói ngay: Ôi chao, lúc này thì rắm của bố thối qúa chừng.

Người Anh thấy cái chuyện nịnh nọt này của VN quá hay, nên lấy chuyện này làm gốc mà sáng tác ra chữ ‘ fart catcher’, nghĩa đen là người bắt cái rắm, nghĩa bóng là người nịnh. Anh John hãy nhớ kỹ nha, chuyện VN là cái gốc đã đẻ ra tiếng fart catcher.

Rồi ông lại cười và kể tiếp:

- Ở VN, chúng tôi không gọi người nịnh nọt là người bốc rắm ngửi như tiếng Anh, mà chúng tôi gọi những người nịnh là ‘nâng bi’ nếu người được nịnh là liền ông. Còn nếu người được nịnh là liền bà, là người không có bi, chúng tôi gọi người nịnh là ‘đội đĩa’. Nâng bi, đội đĩa nghe ấn tượng hơn nhiều. Như: Thằng đó hèn lắm, nó nâng bi ông chủ, đội đĩa bà chủ…

Nói đến đây xong thì ông Từ Hoè nhìn anh John:

- Bây giờ đến phiên anh. Hôm nay ngày tết, các bà đã cho phép phe liền ông chúng ta kể chuyện thả cửa, mặn nhạt gì cũng được hết. Vợ anh cũng gật đầu kia kìa. Nào có chuyện gì gay cấn thì anh cứ kể ra thoải mái.

Thấy ai cũng vừa cười vừa vỗ tay cổ võ, anh John được khích lệ mạnh mẽ, liền kể một hơi ba chuyện.

- Tôi xin kể chuyện nước Cuba. Thứ nhất: chỉ có người VN phát âm tên nước Cuba là đúng. Người VN đọc là ‘cu-ba’, chứ người Anh người Pháp đều phát âm sai. Người Anh người Mỷ đọc là ‘kiu-bơ’, người Pháp đọc là ‘quy-ba’, thế là sai. Từ danh xưng Cuba này mới sinh ra chuyện ông bố chồng. Rằng bữa đó chỉ có cô con dâu và ông bố chồng ở nhà. Ông bố chồng thì ngồi đọc báo, còn cô con dâu thì nấu nướng trong bếp. Vì trời mùa hè nóng nực, cô con dâu còn trẻ, lại ăn mặc phong phanh hở hang, nên ông bố bị kích thích qúa sức. Đang lúc ông bố bị ‘bức xúc’ như vậy thì cô con dâu đi qua nhìn thấy ông đang đọc báo liền hỏi: Thế giới có bằng an không, hở ba? Ông bố liền trả lời: Hiện nay thế giới thì bằng an chỉ có ‘cu ba’ là đang căng thẳng.

Phe các bà phá ra cười. Chị Ba Biên Hòa lên tiếng: Chuyện này em đã nghe rồi, còn chuyện Cuba nào mới và hay hơn không? Anh John gật đầu rồi xin kể ngay:

Chuyện này xảy ra ở bên Mỹ. Rằng có một ông già kia là công dân Mỹ nhưng gốc Cuba. Ông ở trong nhà dưỡng lão, và đang bịnh nặng. Người ta biết ông chẳng sống bao lâu nữa nên hỏi ông còn muốn điều gì trên cõi đời này không. Ông bóp trán suy nghĩ rồi nói: Tôi ao ước được trông thấy lá cờ Cuba. Mọi người đi tìm lá cờ Cuba mà không sao tìm ra. Cuối cùng, thấy tình thế khẩn trương qúa nên một cô ý tá nói nhỏ với ban giám đốc: Tôi là dân cũng gốc Cuba. Tôi yêu Cuba lắm nên đã nhờ người xâm lá cờ Cuba trên mông của tôi. Ngày nào tôi cũng được sờ lá cờ quê hương này. Người ta liền dẫn cô y tá tới gặp ông già. Ông già được cô gái trật mông cho xem cờ Cuba. Ông già vui mừng quá sức, ông sờ và ôm chặt lá cờ. Một lúc lâu sau thì ông nói: cám ơn cháu đã cho lão thoả lòng được nhìn và ôm hôn quốc kỳ Cuba. Quốc kỳ Cuba làm lão nhớ tới lãnh tụ Fidel Castro hết sức. Vậy bây giờ cháu hãy xoay người lại để lão được ôm hôn lãnh tụ vô vàn kính yêu này.

Mọi người vỗ tay và cười ầm lên. Anh John thích chí quá chừng. Anh lại giơ tay xin nói nữa. Rằng nghĩ tới viêc ôm hôn lãnh tụ Castro làm tôi cuống qúyt quên cả phần đầu. Chuyện tôi vừa kể là đoạn cuối, chứ chuyện ông Cuba này còn đoạn đầu, cũng hấp dẫn nữa. Rằng khi thấy ông già này đau yếu qúa, con cháu phải đem ông vô bệnh viện. Vì ông già theo đạo Công Giáo nên ông ao ước được vào bệnh viện Công Giáo, nhưng lúc đó không đâu còn một chỗ trống. Ông được đưa vô một bệnh viện Do Thái. Một tuần sau thì bạn bè mới biết tin và vào thăm. Ai cũng hỏi ông có được thoải mái nơi bệnh viện này không. Ông đáp: Ở đây rất thoải mái. Bên trái tôi đây là một ông già kỹ sư. Ông đã nghỉ hưu 20 năm nay mà ở đây ai cũng gọi ông là ‘Cụ kỹ sư’, và bên phải tôi đây là một ông già nhạc sĩ 92 tuồi. Ông cũng đã nghỉ hưu gần 30 năm mà ở đây ai cũng kêu ông là ‘Cụ nhạc sĩ’. Bạn bè liền hỏi: Thế ở đây họ kêu Anh là gì, là cụ gì? Ông già Cuba liền nói: Bọn mình già hết rồi, cái đó của tôi đã teo lại từ lâu rồi, còn sex gì đâu, thế mà mấy người ở đây ai cũng gọi tôi là ‘ Cái lão Cuba đang làm tình,‘ The fucking Cuban’!

Làng tôi đã cười ngả nghiêng, vui thế đấy các cụ ạ.

Mà cũng chưa hết cái tếu. Chuyện ông ‘ the fucking Cuban’ đã châm ngòi kho thuốc nổ. Ông Từ Hoè xin nói:

- Lời ông già Cuba hết xí quách này khơi lại trong tôi nhiều câu thơ tả cảnh bút hết mực. Vì làng đã cho phép, tôi xin đọc lại câu đối của một cụ đốc học tỉnh Hải Dương ngày xưa, là bố của nhà văn Nguyễn Quốc Hùng ở Toronto. Ông Hùng kể rằng thuở còn bé ông được đứng hầu trà các bạn đồng môn của bố. Các cụ càng già càng tếu. Bữa đó các cụ đố nhau tả cảnh già. Nhiều câu hay lắm. Bố ông đã đọc một câu đối mà ai cũng khen là hay nhất:

Trên thì móm mém nhai không vỡ

Dưới lại chun choăn nhét chẳng vào

Có lẽ câu đối này nổi tiếng và được truyền bá khắp nơi nên đã sinh ra câu khác:

Hàm răng mang nặng, hàm răng giả

Túi đạn đeo thừa, túi đạn chay…

Ông ODP góp lời:

- Mấy câu vừa rồi tả tuổi già về chiều buồn quá, chứ hôm qua tôi tình cờ tôi gặp

lại bài thơ tả tuổi trẻ mùa xuân. Nó không ủ rũ ‘bề dưới không tuân lệnh bề trên, đồng hồ chỉ hoài 6 giờ 30’ mà nó oai phong lẫm liệt, nó đầy sức mạnh, nó hừng hực. Tôi gặp 6 câu thơ chúc tết của cụ Trần Tế Xương mà giật mình. Trên văn đàn tôi chưa thấy ai cực tả được sự sung mãn của phe đàn ông hay như vậy. Đây là mấy câu thơ cụ Tú Xương chúc tết các em môi đỏ mày xanh như thế này:

Ngày xuân mừng qúy khách

Khi vui lọ đàn phách

Chuyện nở như gạo rang

Chuyện giai như chão rách

Gẫy cả bốn chân giường

Xiêu cả mấy bức vách…

Gẫy một chân giường đã là ghê gớm lắm, thế mà thời Cụ Tú Xương phe ta mạnh mẽ đến độ gẫy luôn cả 4 chân giường, lại còn đổ cả mấy bức vách nữa. Kinh quá. Xét như thế thì bây giờ bọn mình vất đi hết.

Anh H.O. cũng giơ tay xin góp chuyện:

- Nghe bác ODP nói việc tình cờ mở lại kho sách ngày xưa. Hôm qua tôi cũng tình cờ xem lại kho báo cũ, tình cờ tôi gặp câu chuyện của cô ca sĩ Khánh Ly. Đây là tự truyện, cô kể rằng thời mới bước chân vào nghề ca hát, đầu thập niên 1960 cô sống ở Đà lạt, mỗi buổi tối đều hát ở vũ trường. Hát xong, lúc ra về bao giờ cô cũng ghé vào quán xôi gà. Cô mê món xôi gà nơi này lắm. Cô hay tới đến độ chủ nhân thấy cô là biết cô sẽ ăn món xôi gì. Khi thấy cô tới thì chủ nhân thường nói lớn để nhà bếp nghe cho rõ: ‘Đùi Khánh Ly! phao câu Khánh Ly!’. Ý chủ nhân muốn nói là nhà bếp hãy làm ngay món xôi với đùi gà và phao câu gà cho cô Khánh Ly. Ôi tiếng Việt Nam nhiều lúc nói vắn tắt mà hóa ra hay, hay đến độ rùng rợn. Nghe chủ nhân nói, ai cũng cười, cô Khánh Ly cũng cười mà không hề giận, chính cô kể thế.

À, tôi còn một chuyện nói tiếng Việt vắn tắt nữa, xin kể tiếp. Rằng bữa đó có một đoàn người VN sang Tiệp Khắc du lịch. Họ thuê luôn một cái xe bus và mướn luôn một người nói tiếng Việt làm hướng dẫn viên. Xe chạy được một giờ thì có một bà kêu mót đái, bà xin xe ngừng cho bà giải quyết vần đề. Bà chạy vào nhà vệ sinh bên đường rồi vội chạy ra bá cáo là ở đó họ không cho bà vào. Anh hướng dẫn hiểu chuyện bèn nói: bác phải có 2 cu thì người ta mới cho bác đái. Cả xe bus cười ầm lên. Có người còn nói: Bà ấy là liền bà, một cu còn chả có lấy đâu ra 2 cu! Nghe thấy thế anh hướng dẫn viên bèn chữa thẹn: Cháu xin lỗi đã nói vắn tắt qúa nên không rõ nghĩa. Đơn vị tiền ở đây là kula. Người Việt ở đây thường gọi tắt là ‘cu’. Lúc nãy ý cháu muốn nói là bác phải có 2 kula trả cho họ thì họ mới cho vào đái.

Nghe xong mọi người cười bò ra, các bà lại đấm nhau thùm thụp. Làng tôi vui thế đấy các cụ a.

Đợi cho mọi người cười thỏa thích rồi Cụ Chánh tiên chỉ làng mới lên tiếng. Không phải cụ kể chuyện cười mà cụ chúc tết. Lời đầu là lời cụ cám ơn ông Từ Hoè. Có ông về làng, không khí làng xưa nay đã vui nay vui hơn. Tiếng cười của ông có bùa mê. Lão kính chúc cả làng năm mới cười nhiều hơn nữa. Lão xin chia sẻ kinh nghiệm này: mỗi buổi sáng thức dậy việc đầu tiên lão làm là mỉm cười để chào đón một ngày mới. Cây cỏ quanh ta, hoa lá quanh ta đều đang mỉm cười với ta. Tiếng cười là ngôn ngữ của tình yêu, nó không tốn kém gì nhưng mua được bao nhiêu hạnh phúc, cho ta và cho người. Muốn luôn luôn cười thì lâu nay lão tập thiền, lão nhìn đời là vô thường, lão hay đọc bài kệ này:

Ra đời hai bàn tay trắng

Lìa đời trắng hai bàn tay

Sao mãi nhặt cho đầy

Túi đời không có đáy

Cuộc đời như mây bay…

Tuần trước lão đem khoe bài kệ này với Cha Paolo. Ngài bảo bài kệ này giống y như một đoạn thơ trong Thánh Vịnh 102 của Kinh Thánh:

…Đời sống con người phù du,

Như bông hoa nở giữa đồng,

Một cơn gió thoảng đủ làm nó bay đi

Nơi nó mọc cũng không còn mang dấu vết…

Năm mới, xin kính chúc các cụ thân tâm an lạc, và đầy tiếng cười như làng An Lạc chúng tôi.

TRÀ LŨ