CỦA CẢI HAY THẦN TÀI?
(Chúa Nhật XXV TN C)
“Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng”(Am 8,7). Vì sao Thiên Chúa lấy danh mình mà thề những lời đanh thép như thế? Ngôn sứ Amos đã cho chúng ta biết cái lý do. Đó là vì sự gian ác bất công của một số người giàu có trong xã hội nước Israel thời bấy giờ. Tính chất gian ác của sự bất công mà họ gây ra thật đáng lên án vì nạn nhân chính là những người nghèo khổ, cô thân, kém phận. Số phận của các nạn nhân này được ví không hơn gì đôi dép. “Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy đứa cùng khổ”(Am 8,6).
Đọc Thánh Kinh, đặc biệt những lời từ miệng của Con Thiên Chúa làm người, chúng ta nhận ra chân lý này: hình như Thiên Chúa dễ khoan dung về những lầm lỗi mà con người xúc phạm đến Người, nhưng Người có vẻ rất bất bình trước những điều gian ác mà con người gây ra cho nhau, nhất là cho những người nghèo hèn, thấp cổ bé phận. Nhân chuyện ông Phêrô hỏi rằng khi có người anh em xúc pham đến mình thì phải tha thứ cho họ mấy lần thì Chúa Giêsu đã kể câu chuyện dụ ngôn về “một người mắc nợ mà không có lòng thương xót (x.Mt 18,23-35).
Anh “không có lòng thương xót này” mắc nợ đức vua những mười ngàn yến vàng thế mà chỉ với hành vi sấp mình bái lạy và xin khất nợ một kỳ hạn thì đã được đức vua tha bỗng tất cả số nợ khổng lồ. Mức nặng nhẹ của một lỗi hay tội có thể tăng hay giảm tùy vào đối tượng mà hành vi lỗi tội ấy xúc phạm. Theo góc nhìn này thì quả thật mọi hành vi lỗi tội của con người xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng là Chúa Tể càn khôn, thì đều “to lớn và nặng nề” khó bề đền trả được như món nợ “mười ngàn yến vàng” minh họa. Thế mà ông vua trong câu chuyện dụ ngôn xem ra hào phóng cách khác thường. Tuy nhiên khi nghe biết chuyện cái anh “trúng số” này lại thiếu lòng thương xót với người bạn vốn mắc nợ anh ta vỏn vẹn chỉ trăm đồng, thì đức vua đã đổi ngược thái độ cách dứt khoát với anh ta và sai gia nhân bắt tống giam anh này vào ngục cho đến khi trả hết món nợ kếch xù kia.
Tình yêu thật có nhiều điều như nghịch lý. Nhiều đấng bậc mẹ cha dễ dàng bỏ qua nhưng lầm lỗi mà con cái xúc phạm đến bản thân mình nhưng dường như không thể chịu nỗi cái cảnh chúng hành khổ, đày đọa những đứa anh em, chị em kém may mắn. Sau khi xác định giới luật tình yêu là mến Chúa hết lòng hết sức hết linh hồn và yêu thương tha nhân như chính mình, thì Chúa Giêsu đã không lấy việc cầu nguyện hay dâng lễ vật vào Đền Thờ để minh họa, nhưng đã đưa ra hình ảnh người Samaritanô nhân hậu, người đã có lòng thương xót một nạn nhân đi từ Giêrusalem về Giêricô bị bọn cướp trấn lột và đánh nguy kịch, bằng cách chăm sóc giúp đỡ nạn nhân cách tận tình mà không chút tính toán thiệt hơn (x.Lc 10,25-37).
Khi nghe câu chuyện dụ ngôn về người quản gia bất lương, chắc chắn ít ai ngây thơ đến độ nghĩ rằng Chúa Giêsu dạy chúng ta bắt chước sự ranh ma của anh quản gia ăn gian tiền bạc của ông chủ. Chắc chắn sau khi biết được kế ma mãnh của anh này thì dù có chép miệng khen, nhưng rồi thế nào ông chủ cũng sẽ trừng trị anh ta đích đáng. Nội dung chính của câu chuyện dụ ngôn nằm ở câu kết luận: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu”(Lc 16,9).
Chúng ta cần phải xác định rõ hạn từ “Tiền Của bất chính”. Chắc chắn Chúa Giêsu không bao giờ dạy chúng ta sử dụng những thứ tiền của kiếm được cách bất chính, bất lương hay phi pháp. Thế thì phải hiểu như thế nào đây. Không ngại ngần để khẳng định rằng “Tiền Của bất chính” ở đây phải được hiểu là một mãnh lực xấu. Hầu hết các bản dịch Kinh Thánh đều ghi là “the Mammon of unrighteousness” hay nghĩa tương đương. Nhưng cũng có một vài bản dịch dùng hạn từ “Worldly Wealth” hay “Base Wealth”. Hạn từ “Mammon” nhắc nhớ chúng ta sự thật này: Khi của tiền được tôn phong lên hàng thần thánh thì chắc chắn trở thành một thế lực bất chính. Chúa Kitô đã cảnh báo: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được”(Lc 16,13). “Vai mang bị bạc kè kè, nói quấy nói quá chúng nghe rầm rầm”. Khi đã đặt niềm tin vào sức mạnh của tiền bạc thì người ta dễ bị cám dỗ không chỉ lao mình vào những hành vi bất nhân thất đức mà còn bị cám dỗ tự phong thần phong thánh cho bản thân mình.
Thánh Phaolô khẳng định rằng mọi sự thuộc về chúng ta. Chúng ta thuộc về Đức Kitô và Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa. Không gì hơn là hãy trả của cải vật chất về đúng vị trí của nó. Nó là của cải chứ không phải là thần tài. Biết dùng của cải, tiền bạc để làm phát triển tình tương thân tương ái là một trong những phương thế sử dụng của tiền cách hữu ích cho hạnh phúc của chúng ta hôm nay và ngày sau. Nhiều tín hữu phân trần với các vị mục tử rằng: Với chúng con, vấn đề không phải là ở chỗ sử dụng mà là ở khâu tìm kiếm tiền bạc. Đây là một vấn nạn mang tính hiện sinh. Khi của tiền đi vào bằng con đường bất chính thì sự thường nó sẽ đi ra bằng con đường bất nghĩa, bất lương. Chính vì thế sẽ không thừa nếu chúng ta tự đặt câu hỏi: Tôi tìm kiếm của tiền vì mục đích gì? (để làm gì?) và tôi đang kiếm tìm của tiền theo cách thế nào? có chính đáng, hợp pháp, công minh không? Cũng xin đừng quên xem xét cách thế sử dụng tiền bạc của chúng ta. Dù thuộc quyền sở hữu của mình nhưng nếu chúng ta sử dụng của cải cách hoang phí thì cũng lỗi đức công bình và dĩ nhiên đáng bị kết án cách nghiêm minh.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
(Chúa Nhật XXV TN C)
“Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng”(Am 8,7). Vì sao Thiên Chúa lấy danh mình mà thề những lời đanh thép như thế? Ngôn sứ Amos đã cho chúng ta biết cái lý do. Đó là vì sự gian ác bất công của một số người giàu có trong xã hội nước Israel thời bấy giờ. Tính chất gian ác của sự bất công mà họ gây ra thật đáng lên án vì nạn nhân chính là những người nghèo khổ, cô thân, kém phận. Số phận của các nạn nhân này được ví không hơn gì đôi dép. “Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy đứa cùng khổ”(Am 8,6).
Đọc Thánh Kinh, đặc biệt những lời từ miệng của Con Thiên Chúa làm người, chúng ta nhận ra chân lý này: hình như Thiên Chúa dễ khoan dung về những lầm lỗi mà con người xúc phạm đến Người, nhưng Người có vẻ rất bất bình trước những điều gian ác mà con người gây ra cho nhau, nhất là cho những người nghèo hèn, thấp cổ bé phận. Nhân chuyện ông Phêrô hỏi rằng khi có người anh em xúc pham đến mình thì phải tha thứ cho họ mấy lần thì Chúa Giêsu đã kể câu chuyện dụ ngôn về “một người mắc nợ mà không có lòng thương xót (x.Mt 18,23-35).
Anh “không có lòng thương xót này” mắc nợ đức vua những mười ngàn yến vàng thế mà chỉ với hành vi sấp mình bái lạy và xin khất nợ một kỳ hạn thì đã được đức vua tha bỗng tất cả số nợ khổng lồ. Mức nặng nhẹ của một lỗi hay tội có thể tăng hay giảm tùy vào đối tượng mà hành vi lỗi tội ấy xúc phạm. Theo góc nhìn này thì quả thật mọi hành vi lỗi tội của con người xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng là Chúa Tể càn khôn, thì đều “to lớn và nặng nề” khó bề đền trả được như món nợ “mười ngàn yến vàng” minh họa. Thế mà ông vua trong câu chuyện dụ ngôn xem ra hào phóng cách khác thường. Tuy nhiên khi nghe biết chuyện cái anh “trúng số” này lại thiếu lòng thương xót với người bạn vốn mắc nợ anh ta vỏn vẹn chỉ trăm đồng, thì đức vua đã đổi ngược thái độ cách dứt khoát với anh ta và sai gia nhân bắt tống giam anh này vào ngục cho đến khi trả hết món nợ kếch xù kia.
Tình yêu thật có nhiều điều như nghịch lý. Nhiều đấng bậc mẹ cha dễ dàng bỏ qua nhưng lầm lỗi mà con cái xúc phạm đến bản thân mình nhưng dường như không thể chịu nỗi cái cảnh chúng hành khổ, đày đọa những đứa anh em, chị em kém may mắn. Sau khi xác định giới luật tình yêu là mến Chúa hết lòng hết sức hết linh hồn và yêu thương tha nhân như chính mình, thì Chúa Giêsu đã không lấy việc cầu nguyện hay dâng lễ vật vào Đền Thờ để minh họa, nhưng đã đưa ra hình ảnh người Samaritanô nhân hậu, người đã có lòng thương xót một nạn nhân đi từ Giêrusalem về Giêricô bị bọn cướp trấn lột và đánh nguy kịch, bằng cách chăm sóc giúp đỡ nạn nhân cách tận tình mà không chút tính toán thiệt hơn (x.Lc 10,25-37).
Khi nghe câu chuyện dụ ngôn về người quản gia bất lương, chắc chắn ít ai ngây thơ đến độ nghĩ rằng Chúa Giêsu dạy chúng ta bắt chước sự ranh ma của anh quản gia ăn gian tiền bạc của ông chủ. Chắc chắn sau khi biết được kế ma mãnh của anh này thì dù có chép miệng khen, nhưng rồi thế nào ông chủ cũng sẽ trừng trị anh ta đích đáng. Nội dung chính của câu chuyện dụ ngôn nằm ở câu kết luận: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu”(Lc 16,9).
Chúng ta cần phải xác định rõ hạn từ “Tiền Của bất chính”. Chắc chắn Chúa Giêsu không bao giờ dạy chúng ta sử dụng những thứ tiền của kiếm được cách bất chính, bất lương hay phi pháp. Thế thì phải hiểu như thế nào đây. Không ngại ngần để khẳng định rằng “Tiền Của bất chính” ở đây phải được hiểu là một mãnh lực xấu. Hầu hết các bản dịch Kinh Thánh đều ghi là “the Mammon of unrighteousness” hay nghĩa tương đương. Nhưng cũng có một vài bản dịch dùng hạn từ “Worldly Wealth” hay “Base Wealth”. Hạn từ “Mammon” nhắc nhớ chúng ta sự thật này: Khi của tiền được tôn phong lên hàng thần thánh thì chắc chắn trở thành một thế lực bất chính. Chúa Kitô đã cảnh báo: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được”(Lc 16,13). “Vai mang bị bạc kè kè, nói quấy nói quá chúng nghe rầm rầm”. Khi đã đặt niềm tin vào sức mạnh của tiền bạc thì người ta dễ bị cám dỗ không chỉ lao mình vào những hành vi bất nhân thất đức mà còn bị cám dỗ tự phong thần phong thánh cho bản thân mình.
Thánh Phaolô khẳng định rằng mọi sự thuộc về chúng ta. Chúng ta thuộc về Đức Kitô và Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa. Không gì hơn là hãy trả của cải vật chất về đúng vị trí của nó. Nó là của cải chứ không phải là thần tài. Biết dùng của cải, tiền bạc để làm phát triển tình tương thân tương ái là một trong những phương thế sử dụng của tiền cách hữu ích cho hạnh phúc của chúng ta hôm nay và ngày sau. Nhiều tín hữu phân trần với các vị mục tử rằng: Với chúng con, vấn đề không phải là ở chỗ sử dụng mà là ở khâu tìm kiếm tiền bạc. Đây là một vấn nạn mang tính hiện sinh. Khi của tiền đi vào bằng con đường bất chính thì sự thường nó sẽ đi ra bằng con đường bất nghĩa, bất lương. Chính vì thế sẽ không thừa nếu chúng ta tự đặt câu hỏi: Tôi tìm kiếm của tiền vì mục đích gì? (để làm gì?) và tôi đang kiếm tìm của tiền theo cách thế nào? có chính đáng, hợp pháp, công minh không? Cũng xin đừng quên xem xét cách thế sử dụng tiền bạc của chúng ta. Dù thuộc quyền sở hữu của mình nhưng nếu chúng ta sử dụng của cải cách hoang phí thì cũng lỗi đức công bình và dĩ nhiên đáng bị kết án cách nghiêm minh.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột