Đức Thánh Cha Phanxicô viết cho tổng thống Putin nhân dịp Hội Nghị Thượng Đỉnh G20
ROME, 5 tháng 9, 2013 (Le Monde vu de Rome) - "Không có hòa bình thì không thể có một hình thức phát triển kinh tế nào cả. Bạo lực không bao giờ tạo nên hòa bình, là điều kiện cần thiết cho việc phát triển", Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý và yêu cầu G20 là trước hết các quốc gia phải từ chối can thiệp bằng quân sự tại Syria. Sau đó các cuộc thương thuyết phải có sự hỗ trợ “nhất trí” của cộng đồng thế giới. Cuối cùng cần có sự cứu trợ bác ái.
Thực vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một lá thư bằng tiếng Anh đề ngày 4 tháng 9, cho tổng thống Nga Vladimir Putin nhân dịp Hội Nghị Thượng Đỉnh của “Nhóm hai mươi" (G20) năm nay được tổ chức tại Saint-Pétersbourg.
Nhóm "G20", được thành lập năm 1999, để giúp cho có sự hòa điệu quốc tế trong khuôn khổ của các cuộc khủng hoảng trên thế giới, gồm có 19 quốc gia thuộc Liên Hiệp Âu Châu, tức là 85 % thương mai quốc tế, hai phần ba hoàn cầu, và trên 90 % sản lượng quốc tế. Các lãnh tụ, và các bộ trưởng, các giám đốc các ngân hàng trung ương, đã tụ họp đều đặn. Chương trình nghị sự trước hết là kinh tế và tài chánh, nhưng cũng có những vấn đề xã hội được nêu ra.
Hoàn cảnh của hội nghị thượng đỉnh năm nay tại Nga, có hậu trường là cuộc khủng hoảng tại Syria, đã khiến cho hội nghị này có tầm quan trọng đặc biệt. Đây cũng là điều khiến cho lá thư của Đức Thánh Cha vừa đặt trọng tâm vào việc phát triển kinh tế (là không có ai bị bỏ rơi) vừa lưu ý về việc khước từ chiến tranh như là trở ngại chính yếu cho việc phát triển và việc giải quyết các tranh chấp.
"Các lãnh đạo của G20 không thể thờ ơ trước tình trạng bi thảm của dân tộc Syria yêu qúy. Tình trạng này đã kéo dài quá lâu và có nguy cơ là đem lại nhiều đau thương lớn lao hơn cho một miền đã phải chịu nhiều thử thách chua cay bởi những tranh chấp, và cần có hòa bình ", Đức Thánh Cha nhấn mạnh và mời gọi phải “can đảm và quyết chí tìm kiếm một giải pháp hòa bình qua đối thoại và thương thuyết giữa các phe phái, với sự ủng hộ “nhất trí” của cộng đồng quốc tế ".
Nói tóm lại: không có chiến tranh, nhưng cứu trợ bác ái bởi Cơ Quan Bác Ái Quốc Tế, AED hay Công Trình Đông Phương (L'Oeuvre d'Orient), và gặp gỡ tại bàn thương thuyết.