Đức Thánh Cha Phanxicô nói về đồng tính luyến ái: một cái nhìn vượt quá tiêu đề
Xem xét lại cuộc tranh luận 'hôn nhân' đồng tính


Rôma - Một ngày sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô trở về Rôma từ Đại hội Giới Trẻ Thế giới tại Rio de Janeiro, một sự kiện mà hàng triệu thanh niên tụ tập trên bãi biển Copacabana để tham dự Thánh Lễ và cầu nguyện, tin tức hàng đầu từ các hãng tin thế tục trên thế giới đăng ảnh của Đức Thánh Cha Phanxicô bên cạnh tiêu đề: "Tôi là ai mà dám phê phán người đồng tính?"

Tiêu đề này bắt nguồn từ một tuyên bố của Đức Thánh Cha trong một cuộc họp báo được tổ chức trên máy bay chở Đức Thánh Cha về Rôma, sau Đại Hội Giới Trẻ Thế giới. Ngoài việc nói về các người đồng tính, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã trả lời các câu hỏi về Ngân hàng Vatican, phụ nữ làm linh mục, và suy tư của ngài về chuyến thăm Brazil.

Các phương tiện truyền thông đã đặc biệt chú trọng đến các lời sau đây: “Nếu một người là người đồng tính và đang kiếm tìm Thiên Chúa và có thiện chí, thì tôi là ai mà dám phê phán người ấy? ... những người này không bao giờ bị gạt ra bên lề xã hội và họ phải được hội nhập vào xã hội?".

Một số người ủng hộ quyền đồng tính và "hôn nhân" đồng tính đã ca ngợi các lời này - hay đúng hơn, câu trích dẫn chọn lọc này - nhìn thấy đó như là một dấu hiệu cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đang dẫn đường cho Giáo Hội Công Giáo để thay đổi giáo huấn của mình về lối sống đồng tính. Họ cũng trích dẫn câu ấy như là một sự cải tiến hơn so với lời dạy của nguyên Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, người được coi là “phê phán” nhiều hơn trong các vấn đề liên quan đến đồng tính luyến ái.

Vì lý do mở rộng cho sự giải thích, các phương tiện truyền thông thế tục đã là "tích cực" một cách chọn lọc trong lời trình bày của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong cùng một cách như họ thường là “tiêu cực” một cách chọn lọc về Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, các vị tiền nhiệm khác, và về giáo huấn Công Giáo nói chung. Điều này là quá rõ ràng với sự thinh lặng của các phương tiện truyền thông đối với tuyên bố Đức Thánh Cha Phanxicô liên quan đến vấn đề phụ nữ làm linh mục, cũng được nói đến trong cuộc họp báo ấy, trong đó Ngài nói rằng lập trường của của Giáo Hội về vấn đề này là không thể thay đổi. Trong khi đó, khi Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi cho những người đồng tính được "hội nhập vào xã hội", thay vì bị phê phán và bị gạt ra bên lề, Ngài được xem như một sứ giả của sự thay đổi cho học thuyết Công Giáo, khi thực ra Ngài chỉ đơn thuần nêu ra những gì mà các vị tiền nhiệm của Ngài, và Giáo Hội, đã nói trước đây.

"Ðừng quên một số người đã có khuynh hướng đồng tính luyến ái thâm căn”, trích trong Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo được Đức Thánh Cha Phanxicô qui chiếu trong cuộc họp báo. "Ðối với đa số những người này, khuynh hướng lệch lạc ấy là một thử thách. Chúng ta phải đón nhận họ với lòng tôn trọng, thông cảm và tế nhị, tránh đối xử bất công. Cả những người này cũng được mời gọi thực hiện ý Chúa trong cuộc sống và, nếu là Kitô hữu, họ nên kết hợp với các khó khăn gặp phải do hoàn cảnh đặc biệt của mình với hy tế thập giá của Chúa” (số 2358, bản dịch tiếng Việt cuốn Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo, do Ban Giáo lý Giáo Phận Sài Gòn thực hiện)

Không kể lời giải thích lúng túng của các phương tiện truyền thông thế tục về lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô là “không phê phán người đồng tính", họ đã vô tình mở đường cho các tín hữu và người không tin có một cái nhìn sâu hơn về những gì Giáo Hội dạy về vấn đề này. Liệu điều này sẽ gây ra một sự thay đổi tâm hồn cho các người tích cực cổ vũ lối sống đồng tính luyến ái hay không, vẫn còn được nhìn thấy. Nhưng đối với các người cam kết bảo vệ hôn nhân truyền thống, tại một thời điểm khi "hôn nhân" đồng tính đang trở thành hợp pháp ở một vài quốc gia, một sự xem xét lại các chiến thuật có thể được yêu cầu, mà lời nói của Đức Thánh Cha phục vụ như một hướng dẫn cho việc này. Chúng ta đang lắng nghe cộng đồng đồng tính không? Chúng ta trả lời câu hỏi của họ không? Chúng ta đang tìm kiếm đối thoại, hay là chúng ta chỉ phán lệnh? Liệu lời nói của chúng ta được tôn trọng không? Chúng ta có nhìn nhận rằng nhiều người đã phải đối mặt với sự bách hại, làm cho họ phải tìm nơi trú ngụ trong cộng đồng đồng tính không? Chúng ta có biết rằng một số cuộc bách hại được thực hiện nhân danh đức tin không? Liệu bác ái Kitô giáo có thúc đẩy chúng ta đấu tranh cho lợi ích của họ không, cũng như cho lợi ích của xã hội không, hoặc là chúng ta chỉ đấu tranh cho một chương trình có sẵn?

Chúng ta không bác bỏ sự bách hại thật sự mà các người đấu tranh anh hùng để bảo vệ hôn nhân truyền thống đã phải chịu. Tuy nhiên, trong cuộc đấu tranh để bảo vệ định chế hôn nhân chống lại các nỗ lực của cộng đồng đồng tính để phá bỏ nó, có một nguy cơ trở thành thua thiệt trong các cuộc luận chiến. Cuối cùng, có thể là không đủ để giành chiến thắng trong cuộc tranh luận; nhưng điều quan trọng là chúng ta thay đổi tâm hồn cũng như ý nghĩ. (Zenit.org 5-8-2013)

Nguyễn Trọng Đa