2013-07-03 Vatican Radio

(Vatican Radio) Muốn gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống, chúng ta phải trìu mến hôn lên các vết thương của Chúa Giêsu nơi những người anh chị em nghèo đói, bệnh tật, và bị tù đầy. Học hỏi, suy niệm, và hãm mình không đủ để đem chúng ta tới gặp Chúa Kitô hằng sống. Như Thánh Tôma, đời sống chúng ta sẽ chỉ thay đổi khi chúng ta chạm đến các vết thương của Chúa Kitô nơi những người nghèo đói, bệnh tật và thiếu thốn. Đây là bài học Đức Thánh Cha Phanxicô đã rút tỉa trong Thánh Lễ sáng nay tại nhà nguyện nhà Thánh Mác-ta khi ngài ghi dấu ngày Lễ Thánh Tôma Tông Đồ.

Chúa Giêsu sau khi sống lại đã hiện ra với các tông đồ, nhưng Tôma không có mặt, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúa muốn Tôma phải chờ đợi một tuần lễ - Chúa biết tại sao lại làm như thế. Và Người dành thời gian cần thiết tốt nhất cho chúng ta. Chúa đã cho Tôma một tuần. “Chúa Giêsu bầy tỏ mình bằng các vết thương. Toàn thân Người thật sạch sẽ, đẹp đẽ và đầy ánh sáng, nhưng các vết thương vẫn còn đó" và khi Chúa lại đến vào ngày tận thế, “chúng ta sẽ được thấy các vết thương của Người". Để được tin, Tôma muốn được xỏ ngón tay vào vết thương của Người.

"Tôma cứng lòng. Nhưng Chúa muốn đúng như vậy, một con người bướng bỉnh để làm cho chúng ta hiểu được một điều gì to tát hơn. Tôma đã được thấy Chúa; được xỏ ngón tay vào các vết thương do những cái đinh để lại; được xó ngón tay vào cạnh sườn Người, và Tôma đã không nói, ‘Đúng rồi Chúa đã sống lại’. Không!, Tôma còn làm hơn thế nữa. Ngài nói: “Lạy Chúa’. Đây là người môn đệ đầu tiên đã thú nhận thiên tính của Chúa Kitô sau khi sống lại. Và Tôma thờ kính Người”.

Đức Thánh Cha tiếp: "Và như thế, chúng ta hiểu ý định của Chúa khi Người muốn cho Tôma phải chờ đợi: Người muốn hướng dẫn sự cứng lòng của Tôma, không phải là để khẳng định sự sống lại của Người, nhưng là để khẳng định Thiên Tính của Người.” Con đường chúng ta đi để gặp Chúa Giêsu là các vết thương của Người, không còn con đường nào khác”.

"Trong lịch sử Giáo Hội, đã có vài sự sai lầm về con đường đến với Chúa. Một số người tin rằng Chúa Hằng Sống, Thiên Chúa của các Kitô hữu có thể được tìm thấy trên con đường suy niệm, thật vậy chúng ta có thể đạt được nhiều điều bổ ích khi suy niệm. Nhưng rất nguy hiểm! Biết bao nhiêu người đã lạc lối trên con đường này và không bao giờ trở lại được. Phải, họ đạt được sự hiểu biết về Chúa, nhưng không về Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Ngôi Hai của Ba Ngôi."

Đức Thánh Cha nói: "Nhiều người khác cho rằng muốn đến được với Chúa thì phải hãm mình hành xác, chúng ta phải kham khổ và chọn con đường đền tội: thồng hối và ăn chay. Những người này cũng không đến được với Chúa Giêsu Kitô Hằng Sống. Họ tin rằng tự mình họ có thể đạt đến được.” Nhưng Chúa Giêsu bảo chúng ta là con đường đến gặp Người phải qua các vết thương của Người:

"Chúng ta gặp các vết thương của Chúa Giêsu khi làm việc bác ái, trao ban cho thân mình của những người anh chị em bị thương và cả linh hồn nữa, vì họ đói khát, vì họ trần truồng và bị sỉ nhục, vì họ là người nô lệ, vì họ đang ở trong tù hay trong bệnh viện. Đó là các vết thương của Chúa Giêsu hôm nay. Và Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta làm một bước nhẩy tới với Người, nhưng qua các vết thương của Người. 'Tốt lắm! Chúng ta hãy thành lập một quỹ từ thiện để giúp tất cả mọi người và làm nhiều điều tốt để giúp đỡ '. Điều này quan trọng, nhưng nếu chúng ta chỉ ở trình độ này thì chúng ta chỉ là những người hảo tâm. Chúng ta phải chạm đến các vết thương của Chúa Giêsu, phải xoa dịu các vết thương của Giêsu, phải trìu mến băng bó các vế thương của Giêsu, phải hôn lên các vết thương của Giêsu. Xin hãy nghĩ đến khi Thánh Phanxicô ôm lấy những người phong cùi? Điều này cũng đã xẩy đến cho Tôma: đời sống của ngài đã đổi thay."

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận là chúng ta không cần phải theo một “khóa học bổ túc” để chạm đến Chúa Hằng Sống, nhưng để có thể đi vào các vết thương của Chúa Giêsu, chúng ta phải đi vào các đường phố. Chúng ta hãy cầu xin Thánh Tôma cho có ơn can đảm để trìu mến đi vào vết thương của Giêsu, và như thế chắc chắn chúng ta sẽ có được ân sủng để thờ kính Thiên Chúa Hằng Sống."