Xem hình ảnh
Tham dự lễ khấn hôm nay, ngoài các khấn sinh và gia đình, còn có sự hiện diện của một số linh mục - Sứ vụ Hiến sĩ tại Việt Nam, và hơn hai mươi linh mục đến từ Giáo phận Phú Cường, Ban Mê Thuột nơi mà các Hiến sĩ đang cộng tác trong cánh đồng truyền giáo.
Sau đó thánh lễ được bắt đầu. Bài hát Tặng Phẩm Thần Linh được cất lên mở đầu phần nhập lễ làm cho tâm tư người dự như được nhấc lên cao trước khi hiệp dâng thánh lễ lênThiên Chúa “Tặng phẩm thần linh như sương long lanh trên nụ hồng nhỏ bé. Người cho lớn lên, Người tỏa ngát hương. Thắp ngọn đèn đức mến trong hồn, phím đàn nào rung hết yêu thương…”.
Hôm nay, sau khi công bố Tin Mừng, tên của các khấn sinh được xướng lên:
- Simon Nguyễn Quang Bình
- Giuse Lê Văn Đạo
- Phêrô Hà Thái Hồ
- Giuse Nguyễn Trọng Mạnh
- Giuse Hồ Trí Nhân (Nguyên)
- Vinh Sơn Trần Công Phiếu
- Phanxicô X. Hoàng Văn Sắc
- Giuse Ngô Thanh Tùng
- Phêrô Phan Thanh Việt
Sau phần gọi khấn sinh, người dự được nghe bài giảng của cha bề trên Giám tỉnh bằng tiếng Pháp, được một cha của hội dòng thông dịch xen kẽ từng đoạn. Nội dung bài giảng như rót vào lòng từng khấn sinh, một cách đậm đà, tha thiết; như một lời khuyên nhủ thêm với “đặc sủng Hiến Sĩ” của dòng này.
Đặc sủng Hiến Sĩ của Hội Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm là:
- Các Hiến Sĩ được kêu gọi để chia sẻ trong sứ mệnh của Chúa Giêsu Kitô qua lời nói và việc làm.
- Các Hiến Sĩ cố gắng tái tạo trong thân mình mô hình cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô.
- Mục vụ chủ yếu của Hiến Sĩ trong Giáo Hội là công bố Chúa Kitô và Vương Quốc của Ngài cho những người bị bỏ rơi nhất và giúp họ nhìn thấy giá trị và nhân phẩm của mình qua ánh sáng Tin Mừng.
- Các Hiến Sĩ sẽ nỗ lực hết mình để đánh thức đức tin trong những người mà mình được gửi tới và giúp họ khám pha ra Chúa Kitô là ai.
- Với sự táo bạo, khiêm tốn và tin tưởng trong sáng tạo, các Hiến Sĩ tìm kiếm những cách thức mới cho việc rao giảng Lời Chúa.
- Bước theo Đức Giêsu để có tinh thần tông đồ cơ bản, các Hiến Sĩ sống giản dị, khó nghèo và vâng phục.
- Mục vụ của Hiến Sĩ đưa họ vào trong các tác vụ khác nhau, nhưng mỗi hành động trong cuộc sống là một dịp gặp gỡ cá nhân với Thiên Chúa và đạt được sự thống nhất chỉ trong và qua Chúa Giêsu Kitô.
- Với tư cách là các nhà truyền giáo, Hiến Sĩ thờ phượng Thiên Chúa bằng nhiều các khác nhau mà Chúa Thánh Thần gợi ý cho họ và cuộc sống là một lời cầu nguyện.
- Các Hiến Sĩ chu toàn sứ vụ của mình trong và qua cộng đoàn, với những thành viên của cộng đoàn.
- Cùng với Đức Maria Vô nhiễm, trong Mẹ, Hiến Sĩ nhận ra mẫu gương đức tin của Giáo Hội và của riêng mình.
Phần tuyên khấn cũng giống như nhiều hội dòng khác: xướng tên, chất vấn khấn sinh, đọc lời khấn; sau đó là phần trao thánh giá Hiến sĩ đã có truyền thống từ năm 1826, trao hiến pháp và luật dòng. Các thầy và quí cha chúc mừng cho nhau ngay trên cung thánh, một cách đơn sơ, thân thiện nói lên sự đón tiếp các thành viên mới trong gia đình Hiến sĩ.
Phần Phụng vụ Thánh Thể được nối tiếp. Ca Khúc Trầm Hương quen thuộc nhưng chẳng bao giờ cũ, bởi vì bao lâu còn sống trên thế trần, người người vẫn còn “khẩn cầu là Chúa hãy dủ lòng thương, ban muôn hồng ân….”
Trước khi thánh lễ kết thúc, một khấn sinh đã đại diện nói lời cảm ơn. Đó là lời cảm ơn chung, thật ra, mỗi thầy có lời cảm ơn trong mỗi hoàn cảnh khác nhau của mình. Thầy Ph. đón mẹ từ miền Bắc vào dự lễ; thầy M. đón cả cha lẫn mẹ đi tàu hỏa từ Nghệ An vào đây; còn thầy Đ. thì ba má từ Đắc Lắc vào Sài Gòn …
Chụp ảnh kỷ niệm trước khi vào dự tiệc mừng làm cho sân nhà thờ Chí Hòa dù nắng chói gắt mà ai cũng cười thật tươi. Phần tiệc mừng, tuy mỗi thầy chỉ có một bàn đãi khách nhưng hội trường không còn chỗ trống. Nếu quí sơ tu hội Nước Hằng Sống múa dịu dàng, tay dẻo như dải lụa thì quí thầy Hiến sĩ hát múa mạnh mẽ, có thầy còn nhảy theo tiếng nhạc nữa nhưng dù thế nào thì cũng vẫn “vui mà lịch sự!”
Nguồn gốc và đấng sáng lập dòng
Igiêniô Mai Thiên Lộc (tên dịch từ tiếng Pháp: Eugene de Mazenod) sinh năm 1782 trong một gia đình quí tộc thuộc vùng Aix-en-Provence miền Nam nước Pháp. Gia đình ngài phải chạy trốn cuộc cách mạng Pháp khi Igiêniôchỉ mới 8 tuổi. Trong suốt 12 năm, họ phải sống cảnh ly hương , nghèo khổ trên khắp nươc Ý và đảo Sicily. Trong thời gian đó, cha mẹ ngài đã ly thân và không bao giờ trở lại sống cùng nhau nữa.
Năm 1802, Igiêniô trở về Pháp sau cuộc ly hương và chìm đắm trong thú vui hưởng thụ. Tuy nhiên, vào ngày thứ sáu Tuần Thánh năm 1807, trước tượng chịu nạn trong một thánh đường ở Aix, chàng trai trẻ đã trải nghiệm một sự hoán cải sâu xa, đã làm thay đổi cuộc đời chàng. Anh hiểu được nước Pháp và Giáo Hội đang gánh chịu những tổn thất to lớn về tinh thần và vật chất do cuộc cách mạng để lại. Thế là anh đã rời bỏ tất cả để vào chủng viện và được chịu chức linh mục năm 1811.
Cha Igiêniô đã làm một cuộc tái thiết lại các giá trị Kitô giáo. Từ làng này đến làng khác, với niềm say mê và tinh thần không biết mệt mỏi, ngài nhiệt tâm rao giảng Lời Chúa và đem các Bi tích đến cho mọi người. Ngài viếng thăm các tù nhân và phục vụ những người nghèo. Năm 1816, được sự đồng ý của Giám mục Aix, ngài và vài linh mục khác quyết định lập nhóm Anh Em Thừa Sai miền Provence. Năm 1826, một gia đình tu sĩ mới, Hội Dòng Truyền giáo Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm chính thức được công nhận bởi Đức Giáo Hoàng Lêô XII.
Khi được bổ nhiệm làm giám mục Marseille, Đức Cha Igiêniô Mai Thiên Lộc đã tái thiết và phục hồi giáo phận. Trong thời gian này, ngài được biết đến như một vị giám mục "có trái tim lớn như Địa cầu", và ngài đã gửi các Hiến sĩ đi truyền giáo ở vùng Bắc cực Ca-na-đa, Tích Lan, Nam Phi và nhiều nơi khác ở Châu Âu. Đức Cha Igiêniô Mai Thiên Lộc qua đời ngày 21/5/1861. Giáo Hội đã thừa nhận đức hạnh và cuộc đời cống hiến của ngài, ngày 03/12/1995, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chính thức phong thánh cho ngài.