Sự kết hợp cần thiết giữa khoa học và đức tin

Mở đầu cuộc hội nghị ba ngày dưới sự bảo trợ của Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa này, Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi đã chào mừng các khoa học gia, các học giả, các bác sĩ và cả các bệnh nhân nữa và cho hay việc nghiên cứu trong lãnh vực sử dụng tế bào gốc người lớn để trị bênh “sẽ có tác động sâu xa đối với cuộc sống người ta”.

Ngài nói: “Quí vị sẽ thấy cuộc nghiên cứu này để lại một dấu vết tích cực không những trong đời bệnh nhân mà còn nơi gia đình của họ nữa”. Đức Hồng Y nói đến ba hạn từ trong diễn văn khai mạc của ngài: văn hóa, nhân học, và đức tin. Về văn hóa, đức hồng y nhắc đến cuộc tranh luận giữa tế bào gốc người lớn và tế bào gốc phôi thai. Ngài cho rằng đây là “một vấn đề cốt yếu trong văn hóa” vốn gây chia rẽ giữa khoa học và các môn nhân văn.

Theo ngài, “hai thực tại khoa học và các tìm kiếm nhân học của ta phải gắn bó với nhau. Nếu không, khoa học sẽ mù quáng, thậm chí còn bạo lực nữa. Ta hãy nghĩ tới các khoa nhân văn. Làm người trí thức, ta có nguy cơ nghĩ mình đứng trên mọi người khác, chỉ biết có trí óc cũa mình”. Về điểm này, Đức Hồng Y trích lời khoa học gia nổi tiếng là Albert Einstein rằng: “Các bạn hãy luôn nhớ tới nhân tính của mình và quên đi mọi chuyện khác… Ta cần phục hồi sự quan trọng này của khoa học ngõ hầu làm giầu cho tư duy của ta”.

Khoa học và đức tin

Vị chủ tịch của Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa, sau đó, đề cập tới phần thứ hai của bài diễn văn, tức phần nói về nhân học. Ngài nhắc tới công trình của Aristốt và cả của Platông là người đã bàn tới sự phân chia giữa linh hồn và thể xác.

Hình ảnh được Aristốt sử dụng trong các tác phẩm nhỏ của ông mô tả linh hồn bị cột vào các chi thể của thân xác giống các tù nhân bị trói ở Etruria. Ngài giải thích: các người man di Etrurian trừng phạt các tù nhân của họ bằng cách cột họ mặt đối mặt vào các xác chết. Tuy nhiên, ngài bảo, Kitô Giáo đã đem lại một điều mới mẻ đó là việc Nhập Thể: Ngôi Lời Thiên Chúa và thân xác con người. Suy nghĩ về tính thánh thiêng của thân xác con người, Đức HY Ravasi quả quyết rằng: “chúng ta là thân xác; chúng ta không sở hữu thân xác, chúng ta là thân xác”.

Theo ngài, “Việc ta làm cho thân xác là làm cho mọi con người nhân bản. Thân xác ta là dây liên kết căn bản. Mọi điều ta làm cho thân xác ta đều vì mọi con người nhân bản”.

Đề cập đến điểm thứ ba tức đức tin, Đức HY Ravasi suy nghĩ về ý nghĩa của việc hội nghị diễn ra tại Phòng Thượng Hội Đồng, nơi mà một tháng trước đây, Hồng Y Đoàn đã mở các phiên họp toàn thể trước khi tham dự cơ mật viện. Ngài nói rằng: “mỗi vị hồng y được chỉ định chỗ ngồi riêng nhưng chúng tôi cảm nhận được những giờ phút có tính hợp đoàn hơn hết. Chủ đề đức tin đã vang lên trong bầu không khí này, nhưng nó còn vang lên hơn nữa trong hội nghị này do Tòa Thánh bảo trợ”.

Ngài nói tiếp: “thực thế, sự phân ly mà chúng ta phải hàn gắn là khoa học và đức tin. Và ngày nay, càng ngày, con người nhân bản càng không phải chỉ có một loại kiến thức. Quí vị hãy nghĩ tới kiến thức về tình yêu. Si tình có thứ văn phạm và cú pháp riêng của nó, có cách phát biểu riêng của nó. Quí vị hãy nghĩ tới ngôn ngữ của nghệ thuật là ngôn ngữ giúp ta hiểu được khoa học qua cái nhìn thấu suốt của ta”.

Đức HY Ravasi cho hay ngài hy vọng rằng hội nghị này sẽ chứng minh được việc ta cần sự kết hợp giữa đức tin và khoa học biết chừng nào. Ngài bảo: “Niềm tin mà không có khoa học là niềm tin mù quáng. Khoa học mà không có niềm tin là khoa học què quặt. Kiến thức của một người nối kết hai nẻo đường và việc nối kết này đôi lúc dẫn tới căng thẳng và đó là lý do tôi muốn gợi lên một hình ảnh”. Ngài giơ lên bức ảnh mô tả một chi tiết lấy từ Nhà Nguyện Sistine: ngón tay Thiên Chúa chạm vào ngón tay Ađam. Ngài cho rằng hình ảnh này cho thấy “sự kết hợp giữa khuôn mặt siêu việt của Thiên Chúa và bàn tay yếu đuối của bản nhiên con người”.

Đức HY Ravasi kết luận bằng cách trao bức ảnh và một bằng tưởng lục cho Bác Sĩ Robin Smith, chủ tịch Quĩ “Stem for Life” và là tổng giám đốc “NeoStem” để bày tỏ lòng biết ơn đối với các cố gắng của bà trong việc bắc cầu giữa khoa học và đức tin nhờ các công trình của bà trong việc nghiên cứu tế bào gốc người lớn.

Một liên minh của tâm và trí

Cùng khai mạc hội nghị về tế bào gốc người lớn có Đức Cha Ignacio Carrasco de Paula, chủ tịch Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống. Đức Cha Carrasco de Paula quả quyết rằng cuộc nghiên cứu về việc áp dụng tế bào gốc “hiện nay đầy hứa hẹn” dù gặp nhiều thách đố. “Chủ đề sử dụng tế bào gốc người lớn để trị liệu là một thách đố khó khăn với nhiều hậu quả lâm sàng về kinh tế và đạo đức. Và hiện nay, tôi thấy phần lớn các vấn đề nan giải đều thuộc lãnh vực phôi thai”.

Đức Cha Carrasco cho hay ngài rất buồn khi thấy các kỳ vọng của Giáo Hội Công Giáo liên quan tới việc nghiên cứu tế bào gốc không được hiểu biết, nhất là trong cuộc chiến chống bệnh tật. Tuy nhiên, theo ngài, “hiện nay, thiển nghĩ ta đã chứng minh được rằng Giáo Hội không chống lại việc nghiên cứu khoa học”.

Ngài nói tiếp: “Hiện vẫn có khả hữu về một tình bạn giữa khoa học và đức tin. Đức tin dựa vào ngôn từ, dựa vào tin tưởng; khoa học dựa vào việc kiểm chứng các sự kiện. Chúng khá khác nhau nhưng không chống lại nhau. Đức tin Công Giáo không hề chống lại các tế bào gốc. Chúng là thành phần của thế giới sinh học nơi ta sinh sống. Chúng là biểu hiện của quyền năng Thiên Chúa, của tiềm năng con người”.

ềĐức Cha Carrasco quả quyết rằng trong khi cuộc nghiên cứu khoa học về tế bào gốc đang có nhiều khích lệ đối với người ta, Giáo Hội cũng muốn được đóng góp phần mình vào cuộc nghiên cứu này. Ngài cho rằng tác động văn hóa của các cuộc thảo luận về cuộc nghiên cứu tế bào gốc người lớn “sẽ rất sâu đậm và sẽ ảnh hưởng tới phẩm chất cuộc sống của các bệnh nhân. Tôi nghĩ điều này phải trở thành điểm chuẩn thực sự cho xã hội ta. Ta phải xây dựng một liên minh giữa tâm và trí. Các bệnh nhân của ta sẽ rất biết ơn chúng ta”.