Phúc trình của bồi thẩm đoàn trong vụ xử bác sĩ Kermit Gosnell trước tòa Philadelphia cho người ta hình ảnh khủng khiếp và vô nhân về những cuộc sát nhi tàn bạo của chuyên viên phá thai vào thời kỳ cuối của thai kỳ này. Trang 101 có đoạn viết như sau: “Sau khi thai nhi bị trục ra, Cross nhận thấy em bé vẫn còn thở, dù không được lâu bao nhiêu. Sau khoảng từ 10 tới 20 giây, trong khi người mẹ đang thiếp ngủ, “bác sĩ thản nhiên cắt cổ em bé”, Cross nói như thế. Gosnell đặt thân thể em bé vào trong một chiếc hộp đựng giầy. Cross mô tả: em bé lớn đến nỗi chân và tay em thò ra hai bên chiếc hộp. Cross nói rằng cô thấy em bé động đậy khi bị cắt cổ và sau khi bác sĩ đặt em vào trong hộp. Gosnell bảo cô: ‘Đó chỉ là phản xạ của em bé. Nó thực sự không động đậy’. Bác sĩ khoa sơ sinh thì làm chứng rằng điều Gosnell nói với nhân viên của mình tuyệt đối sai lạc. Nếu thai nhi động đậy, thì rõ ràng em còn sống. Điều cũng khủng khiếp không kém là ‘em cảm thấy đau kinh khủng’ khi dây cột sống của em bị cắt. Bởi thế, sự kiện Bé Trai A. tiếp tục động đậy sau khi dây cột sống của em bị cắt bằng kéo có nghĩa em chưa chết ngay tức khắc. Có thể dây ấy chưa bị cắt đứt hoàn toàn. Dù sao, mấy giây sống vắn vỏi ấy đã được trải qua trong cơn đau khủng khiếp”.

Elisabeth Lev của Zenit, viết từ Rôma, thì cho rằng người Hoa Kỳ hiện nay không khác gì người Rôma thuở xưa đối với những người bị họ coi là “less than human”, kém hơn người. Thực vậy, “trong khi con số tử vong khiếp đảm của nghề kinh doanh phá thai đang được vạch trần trong vụ xử Kermit Gosnell, 72 tuổi, một người hành nghề phá thai vào giai đoạn cuối, thì các cơ sở truyền thông và các chuyên gia văn hóa vẫn cứ ương ngạnh giữ thái độ im lặng trước sự bạo tàn man rợ được các đạo luật phá thai quá lỏng lẻo cho phép diễn ra, theo đó, các thai nhi được ban cấp một tư cách kém-hơn-người”.

Kermit Gosnell

Bác sĩ Kermit Gosnell điều hành một bệnh xá phá thai tại khu vực Philadelphia và phụ cận từ năm 1972 tới năm 2011. Trong những năm này, ông dần dần chuyên trục phá những thai nhi tuổi từ 20 tới 24 tuần. Tại Pennsylvania, phá thai sau 24 tuần mới bất hợp pháp. Còn ở Alaska, Colorado, New Hampshire, New Jersey, New Mexico, Oregon, Vermont, và West Virginia, thì không hề có giới hạn. Điều này có nghĩa một thai nhi có thể bị trục phá dù đã 9 tháng tuổi, miễn là người mẹ tìm được một bác sĩ chịu đồng ý rằng phá thai là điều cần thiết cho “sức khỏe” của bà, mà sức khỏe ở đây được định nghĩa là an vui (well-being) của bà.

Vụ xử đang đưa ra ánh sáng một trong các phương pháp được xử dụng để phá thai vào giai đoạn cuối: gây chuyển dạ vào tháng thứ 7 với “hy vọng” đứa trẻ sẽ không sống lúc sinh ra. Trong vụ xử bác sĩ Gosnell, các nhân chứng nói rằng khi em bé sống khi sinh ra, khóc và động đậy, thì bác sĩ Gosnell hay một trong các phụ tá của ông sẽ cắt dây cột sống của em bé, điều được Gosnell gọi là “không để thai nhi sống sót”. Các nhân chứng nói rằng thủ tục này diễn ra cả hàng trăm lần. Bác sĩ Gosnell cũng bị xử về các điều kiện mất vệ sinh tại bệnh xá của ông, phá thai bấp hợp pháp cho thiếu nữ vị thành niên và gây tử vong cho một phụ nữ vì gây mê quá liều lượng.

Những chi tiết rùng rợn ấy đáng lẽ phải được báo chí đề cập tới. Tuy nhiên, vụ xử Gosnell và bệnh xá gây kinh hoàng của ông ta, một vụ xử bắt đầu từ ngày 18 tháng 3 vừa qua, chỉ được Trang Mạng Life Site tường thuật đầy đủ mà thôi. Tuy nhiên, có hai bài báo đề cập tới sự im lặng của báo giới trong vụ này. Bài đầu là của Kirsten Powers đăng trên USA Today, bài hai là của Connor Friedersdorf đăng trên The Atlantic.

Elisabeth Lev thấy việc này y hệt người Rôma xưa: họ ba hoa về các trận giác đấu cũng như săn thú của họ nhưng rất ít nói tới những vụ hành quyết công cộng, trong đó, họ chửi bới và hét hò khi các đồng loại nhân bản của họ bị đánh đập dã man. Quần chúng phò phá thai ngày nay cũng thế. Họ cổ vũ “quyền sinh sản” và tố cáo “cuộc chiến chống phụ nữ”, nhưng khi đụng tới những trẻ em bị cắt chém vì cái “chính nghĩa” của họ, thì họ im lặng một cách khó hiểu.

Thời Rôma, chỉ có Cicero và Seneca lên tiếng chỉ trích trò chơi giết người của đồng bào họ. Nhưng, cũng như Kirsten Powers và Connor Firedersdorf, không ai lưu ý tới lời chỉ trích của họ.

Bạn đã nghe thấy chưa?

Kirsten Powers bắt đầu bài báo bằng cách hỏi rằng bạn có bao giờ nghe thấy việc chặt đầu thai nhi, chân tay bị cắt của thai nhi nhét trong lọ, thai nhi vẫn khóc sau khi bị trục phá? Nếu bạn chưa nghe, thì đó không phải là lỗi của bạn, vì ngay cả vụ xử bác sĩ Gosnell với nhiều tàn bạo được công khai trình bày trước tòa bởi chính các nhân viên của ông ta, báo chí vẫn tiếp tục làm ngơ không tường trình. Stephen Massof, một nhân viên cũ của Gosnell, thuật lại cách anh ta cắt dây cột sống của thai nhi ra sao, điều được anh ta mô tả là “chém đầu theo nghĩa đen. Nó có nghĩa tách não bộ ra khỏi thân thể”. Một nhân viên cũ tên Adrienne Moton làm chứng rằng Gosnell đã dạy cô kỹ thuật cắt đầu thai nhi khi em bị trục thai mà vẫn còn sống.

Ấy thế mà cả ba hệ thống truyền hình toàn quốc, trong ba tháng qua, chớ hề có một tin tức nào về vụ xử Gosnell. Chỉ có Peggy Noonan của tờ Wall Street Journal đã đánh liều “đánh cướp” một cột của mục Meet the Press vốn dành cho việc xúi giục người ta phản đối các nhóm chống đối phá thai để tường thuật vụ xử này. Tờ The Washington Post chưa cho đăng bài phúc trình nguyên thủy còn The New York Times thì có đăng câu truyện về phiên xử đầu tiên, nhưng từ đó đến nay, vẫn im bặt.

Powers cho rằng khi Rush Limbaugh, người điều khiển một chương trình hội thoại, tấn công Sandra Fluke, một nhà tranh đấu cho nữ quyền và phá thai, thì báo chí rộ lên phản đối không ngừng. Brian Williams của chương trình “đáng kính” NBC Nightly News hô hoán: “Một trận cuồng phong giận dữ của phụ nữ nổi lên sau trò đùa thô bạo của Rush Limbaugh”. Trong khi đó, những lời tố cáo tội chặt đầu thai nhi, một câu truyện lớn về nhân quyền, lại không được ai lưu ý. Đối với Powers, sự im lặng đầy câm nín của quá nhiều thành phần truyền thông, những người vốn tự hào là lực lượng đấu tranh cho công lý tại Hoa Kỳ, quả là điều đáng xấu hổ.

Phải cho lên trang đầu

Đối với Conor Friedersdorf, những chuyện như giết hài nhi, khai thác phụ nữ, thất bại của chính phủ không đáng đưa tin thì còn chuyện nào đáng?

Ông cho rằng phúc trình của đại bồi thẩm đoàn trong vụ xử Kermit Gosnell, 72 tuổi, là phúc trình gây thất đảm nhất xưa nay. Phúc trình này viết “vụ án này nói về một bác sĩ giết hại trẻ thơ và làm nguy tới các phụ nữ. Chúng tôi muốn nói rằng ông ta thường xuyên và bất chấp pháp luật đỡ những trẻ thơ đang sống và có thể sống ở tam cá nguyệt thứ ba của thai kỳ, rồi sát hại những trẻ sơ sinh này bằng cách cắt dây cột sống của các em bằng kéo. Thực hành y khoa ông ta dùng để điều hành thương vụ của mình là một thứ gian lận bẩn thỉu trong đó ông ta cho bệnh nhân dùng quá liều lượng các loại thuốc nguy hiểm, lây lan các bệnh đường tình dục bằng những dụng cụ gây nhiễm, đục thủng dạ con và đường ruột của họ và gây tử vong trong hai trường hợp”.

Ấy thế nhưng rất ít báo chí nói tới những điều kinh khủng ấy. Chính Friedersdorf cũng không hay biết gì về những chuyện động trời trên, dù “tôi vẫn còn tiêu thụ một số lượng báo chí lớn” cho tới khi đọc bài của Powers trên tờ US Today. Và vì cũng là một nhà báo, nên ông quyết định dành thì giờ nói về việc này.

Ông cho rằng dù bồi thẩm đoàn không phải là vô ngộ, và điều họ nhìn ra chưa được minh chứng trước tòa, nhưng há các nhà báo vốn không coi các phúc trình của cảnh sát, của công tố viện và của bồi thẩm đoàn là đáng tin đó sao hay ít nhất cũng đáng được tìm hiểu, xem sét thận trọng.

Phúc trình cho rằng tháng 2 năm 2010, FBI khám xét “Women's Medical Society” vì tình nghi bán thuốc bất hợp pháp. Nhưng khi vào, họ thấy máu ở sàn nhà, phòng nực mùi nước tiểu, một con mèo hoang đầy bọ chét đang lang thang trong đó, và có cả phân mèo trên cầu thang, nhiều phụ nữ nửa bất tỉnh chờ được phá thai đang rên hư hử tại phòng đợi trên những chiếc ghế đầy vết máu. Còn các thanh tra y tế công cộng thì thấy dụng cụ không được khử trùng, rỉ sét và quá hạn sử dụng, dụng cụ ôxy đầy bụi, những ống cũ kỹ dùng để hút thai nhi cũng được dùng để hít thở không khí cho bệnh nhân khi cần. Khám xét kỹ hơn, họ còn thấy những bộ phận thai nhi còn sót lại được vất bừa trong bao gói, trong hộp sữa, trong hộp nước cam và cả trong những hộp thực phẩm cho mèo…

Và Gosnell thú nhận với thám tử Wood rằng ít nhất từ 10 tới 20 phần trăm thai nhi đã được hơn 24 tuần trong bụng mẹ, điều hoàn toàn phạm pháp vì tại Philadelphia, không được trục các thai nhi đã quá 24 tuần. Nhiều trường hợp thấy có những đường rạch phẫu thuật ở đáy não bộ thai nhi.

Giấy phép hành nghề y khoa của Gosnell vì thế bị thu hồi. 18 ngày sau, Bộ Y Tế bắt đầu diễn trình đóng cửa bệnh xá. Và ngày 4 tháng 5 năm 2010, bộ trưởng tư pháp gửi vụ này cho đại bồi thẩm đoàn. 58 nhân chứng được lấy lời khai.

Tại Pennsylvania, phần đông các bác sĩ không phá các thai nhi quá 20 tuần, vì lý do sức khỏe cũng có mà vì lý do luân lý cũng có. Chính Gosnell, cho tới năm 2009, vẫn theo tập quán này. Nhưng rồi vì mất khách, nên sau đó, ông phá cả những thai nhi 26 tuần, “nhiều đến không đếm được” theo lời Latosha Lewwis, một cựu nhân viên.

Dã man nhất là những trường hợp phá thai bằng phương pháp gây chuyển dạ: các thai nhi sinh ra vẫn sống, vẫn thở và vẫn cọ quậy, nên buộc Gosnell phải giết chúng như trên đã nói. Trong những năm qua, đã có hàng trăm vụ giết thai nhi như thế, hoặc do chính ông, hoặc do các bác sĩ giả dạng của ông hoặc do cả các nhân viên hành chánh nữa.

Dù mọi nhân viên của Gosnell đều biết các vụ đó, nhưng không thể truy tố được, vì Gosnell đã hủy tiêu mọi bằng chứng. Tuy nhiên những vụ bị khám phá đủ khiến người ta dựng tóc gáy. Bé Trai A, đã nói trên đây, được mẹ 17 tuổi mang thai đến tuần thứ 30. Sinh ra nhờ gây chuyển dạ, em nặng gần 6 cân Anh, vẫn thở và động đậy, nhưng bác sĩ Gosnell đã cắt dây cột sống của em và bỏ xác em vào một hộp đựng giầy để vứt bỏ. Bác sĩ đùa cợt: em bé này lớn đủ “để cùng tôi cuốc bộ tới bến xe buýt”. Xác Bé Trai B, ít nhất cũng 28 tuần trong bụng mẹ, được tìm thấy trong một chai nước 4 lít. Bé C vẫn động đậy và thở đều vào khoảng 20 phút trước khi một phụ tá tới và cắt dây cột sống của em.

Khai thác phụ nữ

Cách đối xử với các bệnh nhân cũng hết sức tệ hại. Một phụ nữ bị bỏ đó cả hàng giờ sau khi Gosnell xé cổ tử cung và đại tràng của bà để thử kéo thai nhi ra mà không thành. Nạn nhân thứ hai, 19 tuổi, bị giữ đó hàng giờ sau khi Gosnell đục thủng dạ con của bà, hậu quả bà xỉu vì mất nhiều máu qúa, khiến phải cắt bỏ tử cung. Nạn nhân thứ ba trong khi phá thai bị co giật đến rơi khỏi bàn giải phẫu, đụng đầu xuống sàn nhà. Gosnell không bận tâm gọi xe cứu thương, mà bảo người bạn của người đàn bà này ra ngoài bệnh xá gọi xe cứu thương.

Nhiều trường hợp nạn nhân trục thai ngay tại nhà vệ sinh trước mặt một nhân viên của Gosnell, và tiếp tục ở đó đợi ông ta mãi 4 giờ sau mới tới. Bi thảm nhất là trường hợp người tị nạn từ Nepal, đến bệnh xá không gặp Gosnell, nhân viên bèn chích Demerol cho bà, một thứ thuốc an thần ít khi được xử dụng vì nguy hiểm, tuy rẻ tiền. Sau mấy tiếng đồng hồ, bà ta ngưng thở. Thấy vậy, nhân viên mới chịu gọi Gosnell tới. Ông ta chỉ áp dụng CPR, không dùng máy trợ tim (defibrillator) hay thuốc nguy cấp hòng phục hoạt tim bà ta. Đến lúc óc nạn nhân đã chết người ta mới gọi xe cứu thương tới! Tuy nhiên vẫn còn hy vọng cứu sống nạn nhân nếu đem được bệnh nhân tới bệnh viện kịp thời, sau khi nhân viên cứu thương phục hồi được một nhịp tim yếu ớt. Khổ một điều hành lang bừa bộn và cửa nguy cấp bị khóa kín, phải hơn 20 phút, mới đưa được nạn nhân ra khỏi phòng. Đến bệnh viện, các bác sĩ không biết đường nào mà mò, vì Gosnell không nói rõ nạn nhân đã bị chích bao nhiêu thuốc mê và do ai chích. Hậu quả: không một hoạt động thần kinh nào được phục hồi. Nạn nhân được tuyên bố đã chết!

Những chuyện như thế vẫn cứ tiếp diễn quá lâu mà không bị ai chặn đứng. Chính bồi thẩm đoàn cũng ngạc nhiên về sự kiện này. Pennsylvania không phải là một xứ thuộc thế giới thứ ba: ở đây có rất nhiều cơ quan giám sát. Đáng lẽ họ phải đóng cửa bệnh xá của Gosnell từ lâu mới đúng. Nhưng không cơ quan nào làm thế, kể cả Bộ Y Tế Pennsylvania, Hội Đồng Y Khoa, Liên Minh Phá Thai Toàn Quốc…

Kết luận của bồi thẩm đoàn là: “Sự ù lỳ của bàn giấy là chuyện chẳng có chi mới mẻ, chúng tôi hiểu như thế. Nhưng trong chuyện này còn có điều gì hơn thế nữa. Chúng tôi nghĩ lý do khiến không ai hành động là vì những người đàn bà trong trường hợp này đều nghèo và là da mầu, vì nạn nhân là những trẻ thơ không có căn cước, và vì chủ đề là trận bóng đá chính trị của phá thai”.