TGP SAIGON - Chúa Nhật II Phục Sinh, 7-4-2013, Đại lễ mừng kính Lòng Chúa Thương Xót (LCTX) được tổ chức tại Trung tâm Mục vụ TGP Saigon (số 6 bis, đường Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Saigon).

Nhận thấy có một số người vẫn “mơ hồ” về ngày lễ này, dù họ là những người vẫn hằng ngày đi lần Chuỗi LCTX lúc 3 giờ chiều, thật buồn cho họ! Thiết tưởng cũng nên nhắc lại: Trước đây, Chúa Nhật II Phục Sinh được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, và hơn 10 năm qua được gọi là Chúa Nhật mừng kính LCTX. Đại lễ LCTX được CP GH Gioan Phaolô II chính thức thành lập vào ngày phong thánh cho Thánh Faustina (30-4-2000). Đây là lễ ghi rõ trong lịch Phụng vụ Công giáo, áp dụng toàn cầu, chứ không phải là lễ riêng của một nhóm người hoặc một vùng miền nào.

Về Đại lễ kính LCTX, Chúa Giêsu đã hứa: “Linh hồn nào xưng tội và rước lễ sẽ được ân xá cả tội lỗi và hình phạt” (Nhật Ký, số 699). Đó là điều chắc chắn, vì Ngài bày tỏ với Thánh nữ Fuastina: “Ta muốn ban ơn tha thứ hoàn toàn cho các linh hồn nào xưng tội và rước lễ trong ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Ta” (Nhật Ký, số 1109). Và ai có đức tin chân thành mới thực hành điều mà Thầy Chí Thánh Giêsu mong muốn.

Tin là CHẤP NHẬN hoặc TỪ CHỐI. Một cách định nghĩa rất đơn giản. Tuy nhiên, đơn giản mà không kém phần nhiêu khê, vì đó chỉ là một lằn ranh mong manh và cũng là một hành trình dài. Vấn đề là tin ai, tin cái gì, và tin thế nào. Một khoảng “giằng co” cần phải thực sự can đảm mới có thể dứt khoát.

Đức tin dẫn tới hành động. Tuy nhiên, Thánh nữ Faustina đã viết trong Nhật Ký: “Lạy Chúa Giêsu, Ngài đã cho con biết và hiểu sự vĩ đại của một linh hồn gồm những gì: KHÔNG PHẢI LÀ HÀNH ĐỘNG VĨ ĐẠI MÀ LÀ TÌNH YÊU VĨ ĐẠI. Tình yêu có sự xứng đáng riêng, và tình yêu đó tạo sự vĩ đại trong mọi hành động của chúng con. Mặc dù tự bản chất các hành động đó là nhỏ bé và bình thường, nhưng nhờ tình yêu mà người ta trở nên vĩ đại và mạnh mẽ trước mặt Thiên Chúa” (số 889).

Mấy ngày trước, Saigon nắng như đổ lửa, oi bức vô cùng, mồ hôi nhễ nhại. Nhưng thật lạ, buổi trưa có một cơn mưa khá to nên khí hậu dịu xuống, lòng người thấy sảng khoái hơn. Chắc chắn đó chính là LCTX, vì Ngài biết buổi chiều sẽ có biển người đổ về Trung tâm Mục vụ TGP Saigon để tôn kính và cầu nguyện với LCTX, điều mà Chúa Giêsu luôn mong mỏi.

Năm nay, số người về TTMV TGP Saigon để mừng kính Đại lễ LCTX lên tới hơn 20.000 người, đủ mọi lứa tuổi, từ em bé tới cụ già, có cả một số bệnh nhân phải ngồi xe lăn. Tất cả đều thành kính, trật tự, vui vẻ, hòa đồng,... không điều gì đáng tiếc xảy ra, dù chỉ là điều nhỏ. Đó là cách thể hiện vừa nhân bản vừa đậm chất Công giáo, đặc biệt là “chất” LCTX. Chắc chắn Chúa Giêsu rất vui khi thấy con cái như vậy.

14 giờ, trời chỉ nắng nhẹ. Mọi người từ khắp nơi đổ về, không chỉ từ các nẻo đường thuộc TP Saigon, mà còn các đoàn người từ các giáo phận lân cận như Xuân Lộc, Phú Cường, Phan Thiết, Vĩnh Long,... càng lúc càng đông như thủy triều dâng cao dần. Cảm thấy những đoàn người này như dòng Máu và Nước tuôn đổ về TTMV TGP Saigon chỉ vì yêu mến LCTX.

14 giờ 20, đoàn trống Gx Tân Thái Sơn (Giáo hạt Tân Sơn Nhì, TGP Saigon) khai mạc bằng một bài trống hùng hồn. Sau đó, mọi người cùng lần Chuỗi Mân Côi và Chuỗi LCTX.

16 giờ, chương trình diễn nguyện bắt đầu. Ca sĩ Gia Ân, Diệu Hiền, và các nữ tu Dòng Đức Mẹ Mân Côi hát những bài Thánh ca về LCTX. Sau đó là tiểu phẩm “Lạy Chúa, con tin!” do Dòng Đức Mẹ Mân Côi phụ trách. Vở kịch ngắn này nói về những con người rốt hết trong xã hội, bị người ta khinh bỉ, bì chà đạp nhân vị và nhân phẩm, bị tước đoạt cả quyền cơ bản nhất của con người là QUYỀN SỐNG. Và rồi những con người khốn cùng này đã gặp được Mẹ Teresa Calcutta, nhưng họ vẫn khước từ, không tin có lòng nhân đạo. Mẹ Teresa Calcutta xác quyết: “Hãy nhìn vào mắt Mẹ, anh đã gặp được Chúa Giêsu ở trong Mẹ, Ngài thương xót mọi người”. Cuối cùng, anh ta đã “đầu hàng” và tín thác vào LCTX.

Vở kịch thật xúc động, những lời thoại có sức đánh động lòng người. Cách diễn xuất của các diễn viên khá chuyên nghiệp, nhất là em trai đóng vai người khốn khổ. Âm nhạc quyện vào làm tăng thêm phần sinh động cho vở diễn.

Tiếp theo, ĐGM Antôn Vũ Huy Chương (Giám mục GP Đà-lạt) chia sẻ về LCTX, ngài có nhắc đến ĐGH Phanxicô đã lưu ý tới LCTX ngay từ khi bắt đầu nhận sứ vụ kế vị Thánh Phêrô. ĐGH Phanxicô là người rất quan tâm người nghèo như Ý Chúa mong muốn, chính Tông hiệu của ngài đã đủ nói lên về con người của ngài. Khẩu hiệu giám mục và giáo hoàng của ngài là “Miserando atque eligendo” (Thương xót và Tuyển chọn) cũng có liên quan LCTX. Điều này rất phù hợp với ước muốn của Chúa Giêsu về LCTX.

17 giờ 15, đoàn rước linh tượng LCTX và đoàn đồng tế bắt đầu tiến lên lễ đài. Thánh lễ mừng kính LCTX do ĐGM Cosma Hoàng Văn Đạt (GP Bắc Ninh, thư ký HĐGMVN, gốc Dòng Tên) chủ tế, đồng tế có ĐGM Antôn Vũ Huy Chương (GP Đà-lạt), ĐGM Nguyễn Thái Hợp (GP Vinh, gốc Dòng Đa-minh), Lm G.B. Võ Văn Ánh (Tổng tuyên úy CĐ LCTX của TGP Saigon, chính xứ kiêm hạt trưởng Tân Định), và 9 linh mục, còn có thêm 14 phó tế.

Sách Công vụ cho biết: “Nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân, nhờ bàn tay các Tông Đồ. Không một ai khác dám nhập đoàn với họ. Nhưng dân thì lại ca tụng họ. Càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa: cả đàn ông, đàn bà rất đông” (Cv 5:12-14). Những người đó đã chấp nhận lời rao giảng của các Tông Đồ về Ơn Cứu Độ duy nhất nơi Đức-Kitô-chịu-chết-và-phục-sinh là thật nên họ mới TIN vào Đức Kitô là Con Thiên Chúa, và họ sẵn sàng tín thác vào LCTX. Quả thật, “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118). Thật tuyệt vời! Tuy nhiên, hãy đến với LCTX một cách thành tín, đừng đến với sự tò mò hoặc hiếu kỳ vì chỉ muốn tìm những “sự lạ”!

Còn Thánh sử Gioan xác định: “Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em TIN rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô là Con Thiên Chúa, và để anh em TIN mà ĐƯỢC SỰ SỐNG nhờ danh Người” (Ga 20:30-31). Tin Chúa là tin vào Tình Yêu Thiên Chúa, tin vào Đức Kitô Cứu Độ, là tín thác vào LCTX vô biên.

ĐGM Cosma chia sẻ trong bài giảng: “Xin chào anh chị em, và xin được gọi là anh chị em, vì chúng ta cùng là con của Cha trên trời. Tôi bất ngờ và vui vì thấy anh chị em đông quá. Nhưng cũng tại Chúa hết, vì Chúa yêu thương người ta quá. Ngày nay người ta sống vô cảm quá. Mới đây, báo chí cho biết một vụ án về người cha bị kết án tù, thế nhưng cả 5 đứa con lại xin tòa án xử tử người cha. Rồi còn biết bao chuyện khác xảy ra hằng ngày. Kinh Thánh cũng có những trường hợp vô cảm: Người bị cướp đánh bán sống bán chết bên vệ đường, chính tư tế cũng làm ngơ và bỏ đi, chỉ có người Samari (ngoại giáo) xót thương; hoặc người được chủ tha nợ nhưng lại không tha nợ cho người bạn”.

ĐGM Cosma nói thêm: “Tin Mừng hôm nay nói về sự cứng lòng tin của Tôma. Các Tông Đồ kia đều tin Chúa Giêsu phục sinh, chỉ Tôma nhất định không tin. Ông còn thách thức là phải xỏ sờ và tay vào lỗ đinh trên người Chúa Giêsu thì ông mới tin. Ngày nay cũng có nhiều “bản sao” của Tôma, muốn kiểm chứng thực tế mới tin. Nhưng ngày nay không thể kiểm nghiệm như Tôma. ĐGH Phanxicô kể chuyện một người đến xưng tội, ngài hỏi bà tìm gì, bà nói tìm LCTX, và bà này nói: Nếu không có LCTX, thế giới này không tồn tại. Những vết thương và những lỗ đinh trên thân thể Đức Kitô là bằng chứng hùng hồn nhất về LCTX”.

Đức tin vô cùng quan trọng, đặc biệt trong Năm Đức Tin này. Chính Chúa Giêsu đã cầu chúc: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29). Không thấy mà tin. Đó là điều mà chính Chúa Giêsu nói là diễm phúc. ĐGH Phanxicô nói: “Chúng ta có thể gọi đây là Mối Phúc Đức Tin” (Beatitude of Faith).

Trong Kinh Cầu Xin LCTX có lời Chúa Giêsu đã nói với hánh nữ Faustina: “Thà rằng trời đất này biến ra không, nhưng lòng thương xót của Ta luôn ấp ủ những linh hồn tín thác”. Một lời xác quyết mà nhân loài không thể nào hiểu nổi. Quá bao la, quá nhân từ, quá đại lượng, chúng ta chỉ biết cúi đầu cảm tạ Đức Kitô, Đấng đã vâng lời Chúa Cha mà tự nguyện chết vì yêu thương nhân loại. LCTX quá kỳ diệu, quá tuyệt vời!

Phúc Âm có một số dụ ngôn “điển hình” về LCTX: Tên Mắc Nợ Không Biết Thương Xót (Mt 18:23-35), Người Samari Tốt Lành (Lc 10:30-37), Con Chiên Bị Mất (Lc 15:4-7), Đồng Bạc Bị Mất (Lc 15:8-10), Người Phụ Nữ Ngoại Tình (Ga 8:2-11), và Người Cha Nhân Hậu (Lc 15:11-32).