Giám mục và thần học gia phục vụ tân phúc âm hóa
Vũ Văn An2/5/2013
________________________________________
Trong thánh lễ bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tân Phúc Âm Hóa, Đức GH Bênêđíctô XVI đã suy niệm về câu truyện Chúa chữa lành người mù Bartimêo. Ngài nói rằng đây là phép lạ cuối cùng Chúa Giêsu thực hiện trước khi chịu khổ nạn và không hẳn là chuyện ngẫu nhiên khi người được chữa lành là một người mù, một người mà con mắt đã mất hết thị lực… Câu truyện này muốn cho ta thấy con người cần ánh sáng Thiên Chúa, ánh sáng đức tin, để nhận biết thực tại thực sự và bước đi trên đường đời. Bartimêo đại diện cho những ai từng sống trong các khu vực đã được phúc âm hóa từ lâu, nhưng nay ánh sáng đức tin đã trở thành lù mù khiến con người lạc dần xa Thiên Chúa, không còn coi Người có chút liên hệ nào với họ nữa. Những khu vực ấy rất cần được tân phúc âm hóa. Tuy nhiên, tân phúc âm hóa là công việc của toàn thể Giáo Hội. Bởi thế, Thượng Hội Đồng tạo cơ hội để ta suy tư về vai trò của Giáo Hội, trong đó, có vai trò của các giám mục và thần học gia, trong công trình tân phúc âm hóa, một công trình nhằm phục hồi thị lực cho mọi người đang mò mẫm trong bóng tối nơi mà ánh sáng đã trở thành lù mù.
Đối với các thần học gia, Đề Nghị số 30 của THĐ viết rằng: “Thần học gia là những người được mời gọi thực thi tác vụ này (đối thoại giữa đức tin, các khoa khác và thế giới) vốn là thành phần trong sứ mệnh của Giáo Hội. Điều cần thiết là họ phải suy nghĩ và cảm nhận với Giáo Hội” (sentire cum Ecclesia).
Trách vụ của thần học gia đối với Giáo Hội
Vai trò đặc thù của thần học gia tuy bao hàm việc trình bày đức tin theo lối giáo lý nhưng phải vượt trên lên việc trình bày ấy, vượt lên trên chứ không đi ngược, nghiã là, thần học chân chính không giả thiết phải tạo ra các giáo huấn mới, mà cần vào sâu hơn, thâm hậu và chính xác hơn. Các nhà thần học có đặc ơn đào sâu hơn, một cách có hệ thống, ý nghĩa của đức tin, theo châm ngôn xưa fides quaerens intellectum (đức tin tìm kiếm sự hiểu biết). Như Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo từng dạy, đức tin của Giáo Hội được phong phú hóa nhờ việc chiêm niệm và học hỏi của các tín hữu, những người chuyên chăm “suy đi nghĩ lại những điều ấy trong lòng” và nhất là nhờ những cuộc khảo cứu thần học nhằm thâm hậu hóa các nhận thức về chân lý mạc khải (Số 94).
THĐ ủng hộ điều vốn được ĐGH Bênêđíctô XVI gọi là nền giải thích đúng đắn về việc triển khai thần học. Một nghiên cứu thần học đúng nghĩa bao giờ cũng diễn tiến trong liên tục và nối kết với truyền thống tông truyền sống động của Giáo Hội. Như Đề Nghị 12 của THĐ từng viết, các nghị phụ THĐ nhìn nhận giáo huấn của Vatican II, coi nó như dụng cụ quan yếu để chuyển tải đức tin trong bối cảnh tân phúc âm hoá. Đồng thời, các ngài cho rằng các văn kiện của Công Đồng phải được đọc và giải thích một cách đúng đắn. Về khía cạnh này, các ngài muốn bày tỏ lòng gắn bó của mình đối với tư tưởng của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI khi ngài chủ trương: Vatican II là một công đồng cải cách trong liên tục; chỉ có nguyên tắc cải cách này mới giúp ta tìm được tinh thần đích thực của Công Đồng qua các văn kiện của nó. Như thế, thần học không đơn giản chỉ là giáo lý mà cũng không phải chỉ là một khoa học thuật hoàn toàn độc lập. Nó luôn được cột chặt vào đức tin của Giáo Hội, giống như công trình của nhà khoa học tự nhiên luôn được cột chặt vào các sự kiện thuộc luật vật lý. Thần học được hưởng một sự độc lập chính đáng. Nhưng sự độc lập này không vô giới hạn, do chính phạm vi nghiên cứu của nó. Phạm vi này rất bao la, từ các giả định nền tảng và các phát biểu tín lý minh nhiên… tới các vấn đề ý nghĩa của chúng hay các hệ luận tín lý và mục vụ của chúng; phạm vi này cũng bao gồm cả những việc như so sánh chúng với các tín lý khác, nghiên cứu ngữ cảnh lịch sử và giáo hội của chúng, phiên diễn chúng thành những phạm trù văn hóa khác nhau, nghiên cứu mối tương quan qua lại của chúng với kiến thức do các ngành khoa học nhân văn và khoa học đem lại (The Teaching Ministry of the Diocesan Bishop). Song, những nghiên cứu này không diễn ra một cách tách biệt đối với đức tin đã nhận được từ Giáo Hội, mà luôn luôn giả thiết phải có đức tin ấy trước, nghĩa là phải diễn ra dưới ánh sáng của đức tin.
Bởi thế, muốn lành mạnh và đạt tiến bộ, thần học phải diễn biến trong bối cảnh một cộng đoàn đức tin gắn bó rõ ràng; tính sáng tạo của nó phải được thu quén và tối đa hóa bởi các đường ranh do mạc khải xác định. Nhận diện ra các đường ranh này chính là phần đóng góp lớn lao của các giám mục vào việc triển nở của các khoa thần học. Nhiệm vụ của các ngài là phải lo liệu sao để công trình thần học cao quí luôn được hội nhập vào sứ mệnh toàn diện của Giáo Hội là chuyển giao Tin Mừng.
Bởi thế, người ta không bao giờ được phép đặt ý kiến thần học ngang hàng với giáo huấn đầy thẩm quyền của những vị mà Chúa Kitô đã ủy nhiệm cho việc chăm sóc đoàn chiên của Người. Tuy thế, giám mục và thần học gia vẫn có một mối tương quan đặc biệt, một mối tương quan có thể và nên phong phú hóa lẫn nhau. Văn kiện The Teaching Ministry of the Diocesan Bishop dạy rằng Giáo Hội không thể nào hiện hữu nếu không có chức vụ giảng dạy của giám mục; Giáo Hội cũng không thể triển nở nếu không có sự uyên bác lành mạnh của thần học gia. Giám mục và thần học gia có mối tương quan hợp tác qua lại với nhau. Giám mục thừa hưởng công trình của thần học gia, còn thần học gia thì đạt được cái hiểu sâu sắc hơn đối với mạc khải dưới sự hướng dẫn của huấn quyền. Thừa tác vụ của giám mục và việc phục vụ của thần học gia mang theo chúng lòng kính trọng và sự hỗ trợ lẫn nhau. Nhận định này cũng được văn kiện “Thần Học Ngày Nay: Viễn Tượng, Nguyên Tắc và Tiêu Chuẩn” của Ủy Ban Thần Học Quốc tế nhắc đến. Ủy ban này cho rằng huấn quyền cần đến thần học… [và] cả chuyên năng thần học lẫn lượng giá có phê phán của nó… Đàng khác, huấn quyền là một trợ giúp không thể thiếu đối với thần học (số 39).
Thách đố của thần học gia
Richard Gaillardetz, trong bài “The Road Ahead”, đăng trên tờ America ngày 24 tháng 9 năm 2012, có than phiền rằng việc can thiệp mới đây của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin tỏ ra đã không tôn trọng chức năng thăm dò có phê phán của thần học trong việc thách thức các luận điểm sai lầm, nhờ thế nêu ra được nhiều vấn nạn khó giải đáp và đề xuất được nhiều giải đáp thay thế giúp cho Giáo Hội biết biện phân đúng đắn. Bài này cho rằng phần lớn công trình của các thần học gia nhằm hỗ trợ huấn quyền, nhưng lại kết luận rằng người ta không thể giới hạn công trình ấy vào việc hỗ trợ kia. Nó cho rằng nếu huấn quyền không cưỡng lại các thách thức của thần học gia, thì chắc chắn các nghiên cứu của thần học sẽ đem lại nhiều thông sáng giúp cho giáo huấn của huấn quyền phát triển, thậm chí thay đổi đáng kể nữa.
Ta thấy có điểm khó hiểu ở đây. Ta biết huấn quyền không bao giờ cho rằng trong việc tuyên xưng đức tin, mình đã khai triển hết, đã bao quát hết mọi sắc thái của đức tin hay đã áp dụng đức tin vào mọi hoàn cảnh của cuộc nhân sinh ngày nay. Giáo Hội chỉ quả quyết dứt khóat rằng các bậc thầy có thẩm quyền dạy dỗ đức tin không dẫn dắt ta tới sai lầm hay ra xa Chúa Kitô. Không ai khác có quyền nói như thế một cách chính đáng. Ta hướng về giáo huấn của Giáo Hội không phải để suy lý (speculation), mà để được hướng dẫn một cách chắc chắn trên đường tiến tới cuộc sống vĩnh cửu với Chúa Kitô. Cho rằng thay đổi đáng kể giáo huấn của Giáo Hội là kết quả chính đáng của nghiên cứu thần học chỉ là quan điểm khác lạ của một số thần học gia ngày nay. Tiếp cận thần học như thế chắc chắn nhằm đem lại cho công trình thần học một hào quang chói lọi, thậm chí còn minh nhiên tuyên bố rằng đây là một thứ “huấn quyền song hành”, một huấn quyền không những có năng quyền thâm hậu hóa cái hiểu của ta về đức tin, mà còn tháp nhập vào nó nhiều giáo huấn hoàn toàn xa lạ đối với kho tàng đức tin mà Chúa Giêsu đã ủy thác cho Giáo Hội trông coi.
Thách đố thực sự của thần học gia không phải là thẩm quyền tự cao tự đại giúp họ thách thức lời dạy lâu đời của huấn quyền, mà đúng hơn là ơn gọi giúp họ thách thức chính họ trong việc thăm dò sâu hơn, thâm hậu hơn, cung kính hơn các chân lý của đức tin mà Chúa Kitô đã để lại cho ta qua Giáo Hội. Đây là một thách thức giúp họ biết nhận giáo huấn của Giáo Hội làm khởi điểm cho các tìm tòi của mình, biết dựa vào thẩm quyền của những người được ủy thác việc chuyển giao đức tin và gìn giữ đức tin ấy khỏi sai lầm mà khởi đầu công trình nghiên cứu của mình. Thách thức ấy cũng là thách thức phải cưỡng lại cơn cám dỗ muốn cúi mình trước các trào lưu của thời đại, bẻ cong các giáo huấn Công Giáo cho phù hợp với các khuynh hướng của trần gian hơn là mặc lấy sự khôn ngoan trong giáo huấn Công Giáo để bước sâu vào trần thế. Đây cũng là thách thức khiến họ hiểu ra rằng đức tin thực sự là một hồng phúc, một lời mời gọi tha thiết khiến ta bước chân theo Chúa Kitô chứ không phải khiến ta biến giáo huấn Công Giáo thành thoải mái, dễ chịu đối với lối sống hiện nay của ta.
Bất chấp tác phẩm của họ có trở thành sách giáo khoa tại các học viện Công Giáo hay không, thần học gia Công Giáo vẫn là các cộng sự viên trong sứ mệnh giảng dạy của Giáo Hội và do đó không thể miễn trừ mình dựa vào thứ tự do giả tạo và vô bổ. Làm như thế, thực ra, chỉ là bôi lọ ơn gọi cao cả của thần học. Các nhà thần học vĩ đại của cả quá khứ lẫn hiện tại đều nổi danh không chỉ vì những thông sáng sâu sắc cũng như các suy nghĩ đầy thách thức của họ, mà còn vì lòng khiêm hạ sẵn sàng nhìn nhận khả thể sai lầm của mình và chấp nhận lời phê phán của Giáo Hội đối với việc làm của mình nữa. Lòng khiêm hạ này đặt căn bản trên việc họ biết thừa nhận vai trò quan trọng của mình trong đời sống và trong giáo huấn của Giáo Hội về đức tin, dù công trình của họ có được sử dụng hay không trong việc giảng dạy của Giáo Hội. Như chính các thần học gia đã nhắc nhở ta, ơn gọi của họ không phải chỉ là ơn gọi dạy giáo lý; ơn gọi thích đáng nhất của họ còn là thâm hậu hóa cái hiểu của ta về đức tin của Giáo Hội, một cái hiểu mà việc làm của họ cần phải chịu trách nhiệm đặc biệt.
Thần học và tân phúc âm hóa
Thần học gia nào có được tầm nhìn sinh động như trên về vai trò của họ, vai trò cộng tác viên có trách nhiệm trong sứ mệnh giảng dạy của Giáo Hội, mới là người đủ tư cách góp phần vào công trình tân phúc âm hóa mà Đức Thánh Cha và Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới kêu gọi mới đây. Hiện có nhiều người, nhất là trong thế giới Tây Phương, đã từng được nghe nói về Chúa Giêsu. Ơn gọi của ta trong tư cách Kitô hữu là khuấy động lên và khơi dậy trong cuộc đời hàng ngày và hoàn cảnh cụ thể của họ một ý thức và một thân quen mới với Chúa Giêsu, là tái đề xuất Tin Mừng của Người trong tất cả các nét sâu sắc, thâm hậu và có sức biến đổi của nó. Trong các cố gắng như đào sâu hơn nữa cái hiểu của ta về kho tàng đức tin, rút ra các kết luận mới về đức tin ấy, làm cho cái hiểu của ta đối với giáo huấn của Giáo Hội trở nên chính xác hơn, áp dụng các chân lý đức tin và luân lý vào thời đại ta và vào nền văn hóa của ta, và tìm ra các phương thức tốt hơn để công bố đức tin cho người thời nay cách hữu hiệu, các thần học gia quả đóng một vai trò chủ chốt trong việc thăng tiến ngọn cờ của tân phúc âm hóa.
Cái nhìn đầy năng động tính đối với thần học trong toàn bộ đời sống Giáo Hội này rút tỉa được sinh lực từ ơn thánh đức tin. Để trở thành tác nhân của tân phúc âm hóa, các nhà thần học trước nhất phải biết nhìn mình như thế, như những cộng tác viên quan trọng trong công trình của Giáo Hội, như những tín hữu đáng tin và đầy xác tín. Đức tin bản thân của họ không làm trở ngại cho công trình thần học khách quan và nhiều hoa trái của họ, đúng hơn chính là các điều tiên quyết của công trình kia. Trong bài The Nature and Mission of Theology, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger từng nhận xét rằng: không có đức tin, không có thần học, không có hồi tâm không có thần học… đức tin càng trở nên hiện thực và bản vị, cơ may cho nền thần học sáng tạo càng gia tăng; việc hồi tâm kia càng có được sự chắc chắn nội tâm. Chính đức tin giúp các nhà thần học đứng vững trên cột trụ chân lý mạc khải, cảm nhận được nhu cầu “phải tính sổ” của thần học, nhìn nhận huấn quyền như là thành phần nội tại ngay trong việc làm của mình. Các nhà khoa học tự nhiên luôn biết ơn các định luật vật lý bởi việc làm của họ chỉ có nghĩa, chỉ có ích khi biết tôn trọng các chân lý cụ thể của những định luật ấy. Cũng thế, huấn quyền của Giáo Hội, nếu được hiểu trong ngữ cảnh đức tin, chính là một trợ giúp vĩ đại đối với công cuộc nghiên cứu bác học của các thần học gia vì các phán đoán của huấn quyền chính là các định mức cho một nền thần học tốt đẹp.
Trích dịch bài “The Noble Enterprise, Bishops and Theologians in The Service of The New Evangelization” của Đức HY Donald W. Wuerl, TGM Washington, D.C., America, 4 tháng 2, 2013.
Vũ Văn An2/5/2013
________________________________________
Trong thánh lễ bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tân Phúc Âm Hóa, Đức GH Bênêđíctô XVI đã suy niệm về câu truyện Chúa chữa lành người mù Bartimêo. Ngài nói rằng đây là phép lạ cuối cùng Chúa Giêsu thực hiện trước khi chịu khổ nạn và không hẳn là chuyện ngẫu nhiên khi người được chữa lành là một người mù, một người mà con mắt đã mất hết thị lực… Câu truyện này muốn cho ta thấy con người cần ánh sáng Thiên Chúa, ánh sáng đức tin, để nhận biết thực tại thực sự và bước đi trên đường đời. Bartimêo đại diện cho những ai từng sống trong các khu vực đã được phúc âm hóa từ lâu, nhưng nay ánh sáng đức tin đã trở thành lù mù khiến con người lạc dần xa Thiên Chúa, không còn coi Người có chút liên hệ nào với họ nữa. Những khu vực ấy rất cần được tân phúc âm hóa. Tuy nhiên, tân phúc âm hóa là công việc của toàn thể Giáo Hội. Bởi thế, Thượng Hội Đồng tạo cơ hội để ta suy tư về vai trò của Giáo Hội, trong đó, có vai trò của các giám mục và thần học gia, trong công trình tân phúc âm hóa, một công trình nhằm phục hồi thị lực cho mọi người đang mò mẫm trong bóng tối nơi mà ánh sáng đã trở thành lù mù.
Đối với các thần học gia, Đề Nghị số 30 của THĐ viết rằng: “Thần học gia là những người được mời gọi thực thi tác vụ này (đối thoại giữa đức tin, các khoa khác và thế giới) vốn là thành phần trong sứ mệnh của Giáo Hội. Điều cần thiết là họ phải suy nghĩ và cảm nhận với Giáo Hội” (sentire cum Ecclesia).
Trách vụ của thần học gia đối với Giáo Hội
Vai trò đặc thù của thần học gia tuy bao hàm việc trình bày đức tin theo lối giáo lý nhưng phải vượt trên lên việc trình bày ấy, vượt lên trên chứ không đi ngược, nghiã là, thần học chân chính không giả thiết phải tạo ra các giáo huấn mới, mà cần vào sâu hơn, thâm hậu và chính xác hơn. Các nhà thần học có đặc ơn đào sâu hơn, một cách có hệ thống, ý nghĩa của đức tin, theo châm ngôn xưa fides quaerens intellectum (đức tin tìm kiếm sự hiểu biết). Như Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo từng dạy, đức tin của Giáo Hội được phong phú hóa nhờ việc chiêm niệm và học hỏi của các tín hữu, những người chuyên chăm “suy đi nghĩ lại những điều ấy trong lòng” và nhất là nhờ những cuộc khảo cứu thần học nhằm thâm hậu hóa các nhận thức về chân lý mạc khải (Số 94).
THĐ ủng hộ điều vốn được ĐGH Bênêđíctô XVI gọi là nền giải thích đúng đắn về việc triển khai thần học. Một nghiên cứu thần học đúng nghĩa bao giờ cũng diễn tiến trong liên tục và nối kết với truyền thống tông truyền sống động của Giáo Hội. Như Đề Nghị 12 của THĐ từng viết, các nghị phụ THĐ nhìn nhận giáo huấn của Vatican II, coi nó như dụng cụ quan yếu để chuyển tải đức tin trong bối cảnh tân phúc âm hoá. Đồng thời, các ngài cho rằng các văn kiện của Công Đồng phải được đọc và giải thích một cách đúng đắn. Về khía cạnh này, các ngài muốn bày tỏ lòng gắn bó của mình đối với tư tưởng của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI khi ngài chủ trương: Vatican II là một công đồng cải cách trong liên tục; chỉ có nguyên tắc cải cách này mới giúp ta tìm được tinh thần đích thực của Công Đồng qua các văn kiện của nó. Như thế, thần học không đơn giản chỉ là giáo lý mà cũng không phải chỉ là một khoa học thuật hoàn toàn độc lập. Nó luôn được cột chặt vào đức tin của Giáo Hội, giống như công trình của nhà khoa học tự nhiên luôn được cột chặt vào các sự kiện thuộc luật vật lý. Thần học được hưởng một sự độc lập chính đáng. Nhưng sự độc lập này không vô giới hạn, do chính phạm vi nghiên cứu của nó. Phạm vi này rất bao la, từ các giả định nền tảng và các phát biểu tín lý minh nhiên… tới các vấn đề ý nghĩa của chúng hay các hệ luận tín lý và mục vụ của chúng; phạm vi này cũng bao gồm cả những việc như so sánh chúng với các tín lý khác, nghiên cứu ngữ cảnh lịch sử và giáo hội của chúng, phiên diễn chúng thành những phạm trù văn hóa khác nhau, nghiên cứu mối tương quan qua lại của chúng với kiến thức do các ngành khoa học nhân văn và khoa học đem lại (The Teaching Ministry of the Diocesan Bishop). Song, những nghiên cứu này không diễn ra một cách tách biệt đối với đức tin đã nhận được từ Giáo Hội, mà luôn luôn giả thiết phải có đức tin ấy trước, nghĩa là phải diễn ra dưới ánh sáng của đức tin.
Bởi thế, muốn lành mạnh và đạt tiến bộ, thần học phải diễn biến trong bối cảnh một cộng đoàn đức tin gắn bó rõ ràng; tính sáng tạo của nó phải được thu quén và tối đa hóa bởi các đường ranh do mạc khải xác định. Nhận diện ra các đường ranh này chính là phần đóng góp lớn lao của các giám mục vào việc triển nở của các khoa thần học. Nhiệm vụ của các ngài là phải lo liệu sao để công trình thần học cao quí luôn được hội nhập vào sứ mệnh toàn diện của Giáo Hội là chuyển giao Tin Mừng.
Bởi thế, người ta không bao giờ được phép đặt ý kiến thần học ngang hàng với giáo huấn đầy thẩm quyền của những vị mà Chúa Kitô đã ủy nhiệm cho việc chăm sóc đoàn chiên của Người. Tuy thế, giám mục và thần học gia vẫn có một mối tương quan đặc biệt, một mối tương quan có thể và nên phong phú hóa lẫn nhau. Văn kiện The Teaching Ministry of the Diocesan Bishop dạy rằng Giáo Hội không thể nào hiện hữu nếu không có chức vụ giảng dạy của giám mục; Giáo Hội cũng không thể triển nở nếu không có sự uyên bác lành mạnh của thần học gia. Giám mục và thần học gia có mối tương quan hợp tác qua lại với nhau. Giám mục thừa hưởng công trình của thần học gia, còn thần học gia thì đạt được cái hiểu sâu sắc hơn đối với mạc khải dưới sự hướng dẫn của huấn quyền. Thừa tác vụ của giám mục và việc phục vụ của thần học gia mang theo chúng lòng kính trọng và sự hỗ trợ lẫn nhau. Nhận định này cũng được văn kiện “Thần Học Ngày Nay: Viễn Tượng, Nguyên Tắc và Tiêu Chuẩn” của Ủy Ban Thần Học Quốc tế nhắc đến. Ủy ban này cho rằng huấn quyền cần đến thần học… [và] cả chuyên năng thần học lẫn lượng giá có phê phán của nó… Đàng khác, huấn quyền là một trợ giúp không thể thiếu đối với thần học (số 39).
Thách đố của thần học gia
Richard Gaillardetz, trong bài “The Road Ahead”, đăng trên tờ America ngày 24 tháng 9 năm 2012, có than phiền rằng việc can thiệp mới đây của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin tỏ ra đã không tôn trọng chức năng thăm dò có phê phán của thần học trong việc thách thức các luận điểm sai lầm, nhờ thế nêu ra được nhiều vấn nạn khó giải đáp và đề xuất được nhiều giải đáp thay thế giúp cho Giáo Hội biết biện phân đúng đắn. Bài này cho rằng phần lớn công trình của các thần học gia nhằm hỗ trợ huấn quyền, nhưng lại kết luận rằng người ta không thể giới hạn công trình ấy vào việc hỗ trợ kia. Nó cho rằng nếu huấn quyền không cưỡng lại các thách thức của thần học gia, thì chắc chắn các nghiên cứu của thần học sẽ đem lại nhiều thông sáng giúp cho giáo huấn của huấn quyền phát triển, thậm chí thay đổi đáng kể nữa.
Ta thấy có điểm khó hiểu ở đây. Ta biết huấn quyền không bao giờ cho rằng trong việc tuyên xưng đức tin, mình đã khai triển hết, đã bao quát hết mọi sắc thái của đức tin hay đã áp dụng đức tin vào mọi hoàn cảnh của cuộc nhân sinh ngày nay. Giáo Hội chỉ quả quyết dứt khóat rằng các bậc thầy có thẩm quyền dạy dỗ đức tin không dẫn dắt ta tới sai lầm hay ra xa Chúa Kitô. Không ai khác có quyền nói như thế một cách chính đáng. Ta hướng về giáo huấn của Giáo Hội không phải để suy lý (speculation), mà để được hướng dẫn một cách chắc chắn trên đường tiến tới cuộc sống vĩnh cửu với Chúa Kitô. Cho rằng thay đổi đáng kể giáo huấn của Giáo Hội là kết quả chính đáng của nghiên cứu thần học chỉ là quan điểm khác lạ của một số thần học gia ngày nay. Tiếp cận thần học như thế chắc chắn nhằm đem lại cho công trình thần học một hào quang chói lọi, thậm chí còn minh nhiên tuyên bố rằng đây là một thứ “huấn quyền song hành”, một huấn quyền không những có năng quyền thâm hậu hóa cái hiểu của ta về đức tin, mà còn tháp nhập vào nó nhiều giáo huấn hoàn toàn xa lạ đối với kho tàng đức tin mà Chúa Giêsu đã ủy thác cho Giáo Hội trông coi.
Thách đố thực sự của thần học gia không phải là thẩm quyền tự cao tự đại giúp họ thách thức lời dạy lâu đời của huấn quyền, mà đúng hơn là ơn gọi giúp họ thách thức chính họ trong việc thăm dò sâu hơn, thâm hậu hơn, cung kính hơn các chân lý của đức tin mà Chúa Kitô đã để lại cho ta qua Giáo Hội. Đây là một thách thức giúp họ biết nhận giáo huấn của Giáo Hội làm khởi điểm cho các tìm tòi của mình, biết dựa vào thẩm quyền của những người được ủy thác việc chuyển giao đức tin và gìn giữ đức tin ấy khỏi sai lầm mà khởi đầu công trình nghiên cứu của mình. Thách thức ấy cũng là thách thức phải cưỡng lại cơn cám dỗ muốn cúi mình trước các trào lưu của thời đại, bẻ cong các giáo huấn Công Giáo cho phù hợp với các khuynh hướng của trần gian hơn là mặc lấy sự khôn ngoan trong giáo huấn Công Giáo để bước sâu vào trần thế. Đây cũng là thách thức khiến họ hiểu ra rằng đức tin thực sự là một hồng phúc, một lời mời gọi tha thiết khiến ta bước chân theo Chúa Kitô chứ không phải khiến ta biến giáo huấn Công Giáo thành thoải mái, dễ chịu đối với lối sống hiện nay của ta.
Bất chấp tác phẩm của họ có trở thành sách giáo khoa tại các học viện Công Giáo hay không, thần học gia Công Giáo vẫn là các cộng sự viên trong sứ mệnh giảng dạy của Giáo Hội và do đó không thể miễn trừ mình dựa vào thứ tự do giả tạo và vô bổ. Làm như thế, thực ra, chỉ là bôi lọ ơn gọi cao cả của thần học. Các nhà thần học vĩ đại của cả quá khứ lẫn hiện tại đều nổi danh không chỉ vì những thông sáng sâu sắc cũng như các suy nghĩ đầy thách thức của họ, mà còn vì lòng khiêm hạ sẵn sàng nhìn nhận khả thể sai lầm của mình và chấp nhận lời phê phán của Giáo Hội đối với việc làm của mình nữa. Lòng khiêm hạ này đặt căn bản trên việc họ biết thừa nhận vai trò quan trọng của mình trong đời sống và trong giáo huấn của Giáo Hội về đức tin, dù công trình của họ có được sử dụng hay không trong việc giảng dạy của Giáo Hội. Như chính các thần học gia đã nhắc nhở ta, ơn gọi của họ không phải chỉ là ơn gọi dạy giáo lý; ơn gọi thích đáng nhất của họ còn là thâm hậu hóa cái hiểu của ta về đức tin của Giáo Hội, một cái hiểu mà việc làm của họ cần phải chịu trách nhiệm đặc biệt.
Thần học và tân phúc âm hóa
Thần học gia nào có được tầm nhìn sinh động như trên về vai trò của họ, vai trò cộng tác viên có trách nhiệm trong sứ mệnh giảng dạy của Giáo Hội, mới là người đủ tư cách góp phần vào công trình tân phúc âm hóa mà Đức Thánh Cha và Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới kêu gọi mới đây. Hiện có nhiều người, nhất là trong thế giới Tây Phương, đã từng được nghe nói về Chúa Giêsu. Ơn gọi của ta trong tư cách Kitô hữu là khuấy động lên và khơi dậy trong cuộc đời hàng ngày và hoàn cảnh cụ thể của họ một ý thức và một thân quen mới với Chúa Giêsu, là tái đề xuất Tin Mừng của Người trong tất cả các nét sâu sắc, thâm hậu và có sức biến đổi của nó. Trong các cố gắng như đào sâu hơn nữa cái hiểu của ta về kho tàng đức tin, rút ra các kết luận mới về đức tin ấy, làm cho cái hiểu của ta đối với giáo huấn của Giáo Hội trở nên chính xác hơn, áp dụng các chân lý đức tin và luân lý vào thời đại ta và vào nền văn hóa của ta, và tìm ra các phương thức tốt hơn để công bố đức tin cho người thời nay cách hữu hiệu, các thần học gia quả đóng một vai trò chủ chốt trong việc thăng tiến ngọn cờ của tân phúc âm hóa.
Cái nhìn đầy năng động tính đối với thần học trong toàn bộ đời sống Giáo Hội này rút tỉa được sinh lực từ ơn thánh đức tin. Để trở thành tác nhân của tân phúc âm hóa, các nhà thần học trước nhất phải biết nhìn mình như thế, như những cộng tác viên quan trọng trong công trình của Giáo Hội, như những tín hữu đáng tin và đầy xác tín. Đức tin bản thân của họ không làm trở ngại cho công trình thần học khách quan và nhiều hoa trái của họ, đúng hơn chính là các điều tiên quyết của công trình kia. Trong bài The Nature and Mission of Theology, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger từng nhận xét rằng: không có đức tin, không có thần học, không có hồi tâm không có thần học… đức tin càng trở nên hiện thực và bản vị, cơ may cho nền thần học sáng tạo càng gia tăng; việc hồi tâm kia càng có được sự chắc chắn nội tâm. Chính đức tin giúp các nhà thần học đứng vững trên cột trụ chân lý mạc khải, cảm nhận được nhu cầu “phải tính sổ” của thần học, nhìn nhận huấn quyền như là thành phần nội tại ngay trong việc làm của mình. Các nhà khoa học tự nhiên luôn biết ơn các định luật vật lý bởi việc làm của họ chỉ có nghĩa, chỉ có ích khi biết tôn trọng các chân lý cụ thể của những định luật ấy. Cũng thế, huấn quyền của Giáo Hội, nếu được hiểu trong ngữ cảnh đức tin, chính là một trợ giúp vĩ đại đối với công cuộc nghiên cứu bác học của các thần học gia vì các phán đoán của huấn quyền chính là các định mức cho một nền thần học tốt đẹp.
Trích dịch bài “The Noble Enterprise, Bishops and Theologians in The Service of The New Evangelization” của Đức HY Donald W. Wuerl, TGM Washington, D.C., America, 4 tháng 2, 2013.