Phản phán tiêu cực

Callahan cho rằng muốn giải thích việc phát sinh ra lòng sùng kính Đức Mẹ trong Giáo Hội Công Giáo, người ta phải nhận rằng khi Kitô Giáo được truyền tới các phần đất ngoại giáo, khuynh hướng tự nhiên là các Kitô hữu tân tòng sẽ tìm cách đồng hóa hay thăng hoa hóa các việc thờ phượng từng có trước đó tại địa phương. Mà ai cũng biết, một trong các việc thờ phượng ấy chính là việc thờ phượng nữ thần mẹ vĩ đại, dưới nhiều hình thức nữ thần khác nhau. Và hình thức này đã ảnh hưởng sâu rộng tới lòng sùng kính đối với Mẹ Chúa Giêsu.

Có điều, theo cái nhìn duy nữ, việc thờ kính các nữ thần mẹ ngoại giáo không bị quan niệm như là phương tiện để nô dịch hóa phụ nữ, trái lại, được coi như một thăng tiến đầy tính biểu tượng đối với quyền lực nữ giới và là một chứng nghiệm giá trị cho kinh nghiệm đàn bà. Theo phần đông các nhà duy nữ, khi Thiên Chúa hay Thượng Đế được biểu tượng qua hình ảnh đàn bà, thì những người đàn bà tầm thường trong xã hội đều được thăng tiến nhờ đó.

Chính vì thế, các nhà duy nữ hiện đại, bên ngoài các truyền thống tôn giáo, từng tạo ra những nghi thức thờ kính các nữ thần tân ngoại giáo để minh nhiên nhắm tới việc tự nhìn nhận giá trị và tự lên sức mạnh cho mình qua các biểu tượng nữ giới và qua các nghi lễ qui hướng về đàn bà. Các nhà duy nữ Kitô Giáo cũng thế, họ cũng tái xây dựng các biểu tượng nữ giới trong truyền thống, những nền linh đạo có chiều hướng nữ giới, những lối đọc Thánh Kinh và cử hành nghi thức đặt trọng tâm vào đàn bà. Một nhìn nhận giá trị tương tự như thế đối với quyền lực và tầm quan trọng của phụ nữ vốn đi đôi với lòng sùng kính Đức Mẹ của Giáo Hội, coi Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và là Nữ Vương đầy uy quyền của thiên đàng. Những tâm tình ấy vốn bột phát từ lòng dân, nhất là giới phụ nữ, nên không thể coi như trò chơi quyền lực của các đấng mày râu độc thân được. Ngay nhà sử học bất khả tri là Henry Adams, khi viết về thời Trung Cổ vào thế kỷ 20, cũng phải nhìn nhận: “Mọi văn chương và lịch sử của thời ấy” đều tuyên dương lòng sùng kính Đức Maria như “một sự thờ kính nâng cao cả một giới tính lên xiết bao”.

Vì một đàng, có một lòng sùng kính nhằm vinh danh thẩm quyền thiêng liêng nữ giới của Đức Maria trong kế hoạch của Thiên Chúa, một thẩm quyền đi ngược hẳn lại các tuyên bố chính thức về sự thấp hèn của đàn bà. Đàng khác, luôn có một cử hành và cậy trông vào việc Đức Mẹ hiện thân và hiện nhập vào sự việc nhân bản trong tư cách một người đàn bà thực sự, liên quan tới các chi tiết nội trợ giống như mọi phụ nữ khác. Ngài là nữ vương vĩ đại và đầy quyền uy của thiên đàng và đồng thời là người đàn bà như mọi người đàn bà khác, rất dễ với tới trong tương quan với các nhu cầu thường nhật của bất cứ người đàn ông và đàn bà nào.

Những người vinh danh Đức Maria trong thờ phượng phụng vụ, trong nghệ thuật và thi ca vốn dùng Thánh Kinh một cách biểu tượng để đồng hóa ngài với Khôn Ngoan, với Chúa Thánh Thần, với Evà mới, với người phụ nữ dũng cảm, với con gái Sion, với khuôn mặt giáo hội trung trinh. Ngài nhận được các tước hiệu tôn kính đồng hóa ngài với mọi nhân đức và mọi vẻ đẹp trong thiên nhiên. Kinh cầu (litanies) chào kính ngài là Đấng Chỉ Bảo Đàng Lành, Bầu Chữa Kẻ Có Tội, là Tòa Đấng Khôn Ngoan, là Đấng Đáng Tôn Trọng, là Đấng Có Lòng Khoan Nhân, là Nữ Vương Ban Sự Bằng Yên, là Hoa Hường Mầu Nhiệm, là Như Sao Mai sáng Vậy. Liệu những hình ảnh nữ tính đầy quyền lực tích cực như thế có mờ gọi phụ nữ cảm nhận mình bất thích đáng, bất toàn và bất khả năng hay không? Chắc chắn là không.

Lòng sùng kính đối với Đức Mẹ cũng trổi vượt trong việc khai triển sự tốt lành của ngài như một người đàn bà thực sự, đầy hiện thân. Không những ‘lòng’ Đức Mẹ được xưng tụng là diễm phúc mà cả vú cùng sữa cũng được chiêm tụng. Đức Maria vốn được minh họa đang mang thai và bú mớm con thơ. Còn có cả những dã sử cho thấy ngài dùng sữa mình chữa nhiều chứng bệnh; luôn sẵn sàng giúp đỡ người ta về thể lý, đôi khi còn đến lau mồ hôi trán cho những người đang hấp hối; mở dạ những người đàn bà hiếm muộn; giúp các cô dâu không của hồi môn và giúp phụ nữ khi sinh con. Mọi thời kỳ trong chu kỳ sinh hoạt đàn bà của Đức Maria đều được phụ nữ và cả nam giới nêu danh và cử hành. Người mẹ sầu bi trọng tuổi, quặn đau dưới chân Thánh Giá của Con mình, sẽ không bao giờ bị lãng quên. Ngài khóc với nhân loại trong mọi nỗi đớn đau khổ sầu, nhất là với những người phụ nữ mất con.

Tuy nhiên, từ Trung Cổ cho tới thời nay, người ta thấy rằng quan tâm đặc biệt của Đức Maria là mạnh mẽ bênh vực người nghèo, người bị ruồng bỏ, người bị áp bức, người bệnh, người bị đẩy ra bên lề và người bị người ta nghi hoặc về tinh thần. Việc ngài quan tâm chữa lành người bệnh về thể chất đã tạo ra những đền thánh vĩ đại và là chứng tá cho quyền lực chữa lành của Chúa Kitô. Và đó cũng chính là những báo hiệu đầy hứa hẹn đối với việc phục hồi thừa tác vụ chữa lành có tính Kitô Giáo trong Giáo Hội ngày nay. Ngoài ra, ngay trước khi thần học giải phóng nghĩ ra thuật ngữ “ưu tiên chọn người nghèo”, Đức Maria đã dùng chính các hoạt động của mình mà loan báo cái thông tuệ Kitô Giáo căn bản ấy từ lâu rồi.

Các phép lạ và các lần hiện ra của Đức Mẹ lúc nào cũng ưu tiên dành cho người bị chà đạp, người thấp hèn và những người túng thiếu. Lời cầu nguyện vĩ đại, đầy thách thức của Đức Mẹ, tức Kinh Ngợi Khen, cho thấy ngài là người thừa kế các tiên tri Hibálai, là người con gái đích thực của Sion, luôn kêu gọi Thiên Chúa giáng công lý trên kẻ giầu có và đánh tan phường kiêu căng. Cả ngày nay nữa, trong nhiều phong trào đứng lên chống áp bức, Đức Maria lại được kêu cầu dưới các tước hiệu: người phụ nữ của kẻ nghèo, bà mẹ góa bụa, người tị nạn chính trị, người tìm nơi nương náu, dấu chỉ mâu thuẫn, mẹ kẻ vô gia cư, mẹ người bất bạo động, mẹ của tội nhân bị xử tử, khuôn mẫu may rủi, tin cậy, can đảm, nhẫn nại, kiên tâm, nguồn suối bất tận của bằng yên.

Henry Adams nắm bắt được tinh thần của việc người ta cậy trông và chạy đến cùng Đức Mẹ, dù ông giới hạn các phân tích của mình về lòng tôn sùng Đức Mẹ tại Âu Châu Trung Cổ mà thôi, chứ không biết gì tới những phát triển đầy ngạc nhiên của lòng sùng kính ấy trong các thời kỳ sắp tới sau ông. Đối với Adams, Đức Maria không bao giờ thụ động cả, nhưng ngài “tập trung nơi ngài toàn bộ cuộc nổi loạn của con người chống lại số mệnh”. Ông thầy Bàlamôn người Boston này cũng quả quyết rằng “người ta yêu mến Đức Maria vì ngài chà đạp lên ước lệ: không phải chỉ vì ngài có thể làm thế, nhưng vì ngài thích làm điều gây ngỡ ngàng cho các thẩm quyền kiên cố. Lòng sót thương của ngài vô hạn” (Mont-Saint-Michel và Chartres).

Kết luận của Adams quả ngược hẳn lại kết luận của giám mục (Thánh Công Hội) Spong và của Marina Warner. Đối với Adams, người ta “thần tượng hóa ngài vì ngài mạnh mẽ, cả ngoài thể lý lẫn trong ý chí, đến nỗi ngài không sợ hãi chi, và giúp đỡ như nhau cả chàng hiệp sĩ giữa trận tiền lẫn bà mẹ trẻ đang trên giường sinh con”. Đức Mẹ trổi vượt về cả tính cả quyết của nam nhi lẫn các quan tâm dịu dàng của nữ giới. Thiển nghĩ: giống như Chúa Kitô, ta có thể mặc nhiên coi Đức Mẹ như nhân chứng cho thông tuệ Kitô giáo căn bản sau đây là: trong Chúa Kitô, không có nam có nữ. Thực hiện được ý Thiên Chúa, tin và vâng lời được trong yêu thương, là con người nhân bản có thể vượt quá cả bản sắc giới tính của mình.

Theo Caroline Walker Bynum, một nhà sử học danh tiếng về tôn giáo, thì dù trong văn hóa, có sự thù ghét đàn bà (misogyny), “nhưng trong thực tế, người đàn bà có tôn giáo rất ít chú ý tới điều người ta cho là thiếu khẳ năng của họ” (Gender and Religion, 1986). Người đàn bà tôn giáo luôn làm lại các hình ảnh giới tính và một cách hữu hiệu, thiết lập được cảm nghiệm bình đẳng ngay trong nội tâm mình. Các nữ huyền nhiệm gia và các nữ văn gia viết về lòng sùng kính đã tìm lại được nhiều thể tài Kitô giáo cổ xưa và đã nói tới Chúa Kitô như một bà mẹ đang hạ sinh ra Giáo Hội. Thiên Chúa cũng được nhìn như có mẫu tính, giống như bà mẹ nuôi con âu yếm cho các tín hữu con mình ăn uống Thánh Thể.

Ngày nay, các nhà duy nữ Kitô Giáo đang cố gắng khám phá và nói lên các gốc rễ thiêng liêng xưa, vốn có tính khẳng định người đàn bà. Khi lịch sử được xem sét bằng một tâm trí cởi mở cách mới mẻ, người ta sẽ thấy nhiều hình thức khác nhau của chủ nghĩa duy nữ thay nhau xuất hiện và thay nhau bị loại trừ. Người ta có thể coi chủ nghĩa duy nữ thế tục của cuối thế kỷ 20 cũng là một trong những vòng biến hóa ấy.

Các thể tài duy nữ thế tục hiện nay

Hiển nhiên, các nhà duy nữ khác biệt nhau, vì họ đạt tới các xác tín duy nữ của họ từ những khởi điểm khác nhau và duy trì lòng trung thành có tính ý thức hệ đối với các thế giới quan khác nhau. Điều ấy khiến nhiều người hoài nghi tự hỏi liệu có gì chung giữa nhiều hình thức duy nữ khác nhau hay không.

Nhất định là có. Có nhiều khẳng định duy nữ nòng cốt. Mọi nhà duy nữ, từ những người chủ trương phân cách triệt để nhất tới những nhà duy nữ tôn giáo chính thống nhất, đều tìm cách chấm dứt nạn kỳ thị giới tính đầy tai hại và việc đàn áp bất công người đàn bà. Tất cả đều đòi phải có các thay đổi xã hội cần thiết để đem lại bình đẳng giới tính, phúc lợi và triển nở nhân bản đầy đủ cho phụ nữ. Trong công trình giải phóng chung này, mọi nhà duy nữ tất nhiên không thể tránh được việc phải phê phán tình thế hiện hữu (status quo).

Phần lớn các nhà duy nữ nhấn mạnh tới nhu cầu phải tìm lại quan điểm tương quan về chính mình, chống lại quy phạm cá nhân chủ nghĩa của nam giới vốn lấy mình làm đủ cách đơn độc. Trong các phân tích duy nữ, người ta coi con người nhân bản như được nhập thân và gắn sâu vào bối cảnh gia đình và lịch sử đặc thù mà họ không thể làm ngơ. Phần đóng góp kín đáo của phụ nữ cho xã hội và việc tạo ra những con người “tự chế” (self-made men) phải được nhìn nhận. Phục hoạt lịch sử từ bên dưới, nơi phụ nữ cũng như những người ít quyền lực hơn vốn sinh sống và làm việc, là một dự án duy nữ quan trọng. Cũng cách đó, phần lớn các nhà duy nữ đều cho chủ quan tính đầy nhập thân nhân bản là một tính trong đó lý trí và xúc cảm không thể nào tách biệt được nhau.

Một quan tâm chủ chốt có tính duy nữ khác là việc phân tích quyền lực và cách thế các cấu trúc xã hội có thể áp bức hay giải phóng con người một cách tế vi hay thô bạo. Phụ nữ thường hay bị câm họng hay loại trừ. Do đó, các nhà duy nữ đã sử dụng khoa giải thích hoài nghi (hermeneutics of suspicion )để tìm hiểu xem khi người ta đưa ra một định nghĩa hay một sắp xếp nào về giới tính thì quyền lợi của ai được phục vụ. Điều cực kỳ quan trọng đối với phụ nữ là công lý và bình đẳng giới tính phải vận hành bên trong gia đình, trong đó có các thói quen nuôi dạy con cái.

Các nhà duy nữ cũng cho rằng những người áp bức cũng bị quyền lực có tính lạm dụng làm cho thương tổn. Như thế thì tại sao lại cho rằng phải vinh danh bằng văn hóa các hình thức bạo hành của quyền lực thống trị và coi nhẹ công trình nuôi dưỡng đầy sáng tạo của phụ nữ?

Cuối cùng, mọi nhà duy nữ đều cho rằng đàn bà không nên coi mình như những đối tượng tính dục nữa hay giảm thiểu vị thế sinh nở và nuôi dưỡng của mình vào thế phục vụ phái nam hay nhà nước đầy uy quyền. Tính dục và quyền tự chủ về tính dục của người đàn bà phải được tôn trọng.

Đánh giá lại các khai triển duy nữ hiện nay bằng con mắt duy nữ

Ngày nay, Đức Maria và các học lý về Đức Maria được hiểu là để nói về và giải thích căn kẽ cái hiểu của Giáo Hội về Chúa Kitô và việc Nhập Thể. Bản sắc giới tính được vượt qua, vì các thần học gia nhấn mạnh tới vai trò “đệ nhất môn đệ” của Đức Mẹ và coi ngài như kiểu thức hay kiểu mẫu cho mọi tín hữu Kitô Giáo, bất luận là nam hay nữ. Các tín điều Tượng Thai Vô Nhiễm và Hồn Xác Lên Trời nay ai cũng hiểu có tính nhất thiết liên hệ và có tính mặc nhiên dẫn khởi từ việc Chúa Kitô cứu chuộc toàn thể nhân loại. Đức Mẹ là hoa trái đầu mùa của hành vi Chúa Kitô cứu rỗi, một hành vi thắng vượt tội lỗi và sự chết. Lời “xin vâng” Thiên Chúa của Đức Mẹ khiến cho việc cứu chuộc có thể diễn ra được, và qua Chúa Kitô, mọi Kitô hữu đều cũng có thể thưa “xin vâng” và nhờ thế mà ‘thai nghén’ được niềm hy vọng và sản sinh ra được sự sống mới.

Các nhà duy nữ Kitô Giáo còn đi xa hơn trong việc đọc ra ý nghĩa biến hóa của Đức Maria: lòng sùnh kính Đức Mẹ từng duy trì được sự hiện diện của nữ tính và việc thừa nhận quyền lực nữ giới ngay bên trong một cấu trúc về mặt chính thức do nam giới thống ngự. Ít nhất cũng có một người đàn bà thánh thiện chưa bao giờ bị lãng quên, bị bỏ xó vô danh hay bị loại ra ngoài ‘giai cấp’ lãnh đạo trong Giáo Hội. Cho đến khi Thiên Chúa được mọi tín hữu kêu cầu như Mẹ cũng như như Cha, thì Đức Maria vẫn đứng đó làm chứng cho Khôn Ngoan thần linh và cho sự kiện này là trong khôn ngoan và đức tin, giới tính bị vượt qua. Nhưng nếu lòng sùng kính Đức Mẹ duy trì được gia tài nữ tính, thì nó cũng báo trước một cách đầy tiên tri các khai triển mới đầy minh nhiên cho sứ điệp tiềm ẩn của Phúc Âm. Những hạt giống hiện đang nằm im lìm sẽ trổ bông vào thời viên mãn.

Ngày nay, Giáo Hội đang bắt đầu giáp mặt với phong trào duy nữ hoàn cầu, và việc này chẳng bao lâu sẽ đem lên phía trước các vấn đề thần học sâu sắc hơn về sự nhập thân (embodiment), về giới tính và về tính dục. Việc Đức Mẹ thoát khỏi tội lỗi, việc ngài hồn xác lên trời làm chứng cho sự tốt lành trong thân xác nhân bản của phụ nữ và chân lý phục sinh được hứa ban cho mọi thân xác. Nhưng đâu là hệ luận cho các thân xác và thể thống nhất của cả xác lẫn hồn nơi những con người hiện đang ở đây và vào ngay lúc này? Các đền thờ Thánh Mẫu vẫn nổi tiếng về việc chữa lành, nhưng các thừa tác vụ chữa lành vẫn chưa trở thành quan tâm chính của Giáo Hội.

Việc Đức Mẹ tích cực quan tâm tới các tín hữu tại thế cũng chứng thực cho niềm tin Kitô Giáo vào việc hiệp thông các thánh hay mầu nhiệm các thánh cùng thông công cũng như tình liên đới liên tục của một cộng đồng nhân bản gồm cả người sống lẫn người chết. Nhưng việc làm chứng mặc nhiên của lòng sùng kính Đức Mẹ đối với tình liên đới vũ trụ và bản chất cộng đồng của nhân loại thì vẫn chưa được khai tiển để trở thành một nền thần học có lớp lang. Kitô Giáo xem ra vẫn còn ở trạng thái thơ dại trong cuộc tranh đấu dành bình đẳng và công lý.

Việc Đức Mẹ được gắn sâu vào các diễn trình tự nhiên của sinh nở, việc ngài được đồng hóa với các hình ảnh trong thiên nhiên và việc ngài được nâng lên làm đấng chăm sóc vũ trụ là điều gây phấn chấn cho những ai hiện đang cố gắng khai triển ra một ý thức sinh thái có tính Kitô Giáo. Nhưng cả ở đây mữa, công cuộc làm mẹ chăm sóc cho thế giới chỉ mới bắt đầu.

Cũng thế, các hệ luận tạo hòa bình và bất bạo động của Phúc Âm vẫn chưa được khai triển. Các người Công Giáo Hiện Đại trong phong trào hòa bình từng chạy tới với Đức Mẹ như là Mẹ của Hòa Bình, nguồn suối bất tận của hòa bình và được gợi hứng để mơ ước có được những hình thức mới mẻ cho việc tạo hòa bình ấy. Một cuộc chiến thiêng liêng cho hòa bình và sức mạnh của lời kinh cầu bầu vốn là hai nét chủ yếu trong lòng sùng kính Đức Mẹ, nhưng các khai triển thần học về lời kinh cầu bầu ấy và của việc làm chứng bất bạo động thì kể như chưa thỏa đáng.

Các tranh ảnh xưa vẽ cảnh Đức Mẹ ngủ (dormition) biểu tượng cho giấc ngủ hiện đang là đặc điểm của việc suy tư thần học về các thể tài Thánh Mẫu. Nhưng đàng khác, những lần Đức Mẹ hiện ra khắp nơi trên thế giới hiện nay lại mỗi ngày một gia tăng. Những cuộc hiện ra này ít làm cho tính khả tín của Giáo Hội gia tăng, nhưng quả tình chúng chứng nghiệm sự kiện này là những con người đơn sơ luôn tin tưởng Đức Mẹ sẵn sàng hiện ra với họ tại sân sau nhà và muốn đích thân truyện trò thân mật với họ.

Sự hội tụ giữa các thể tài Thánh Mẫu và duy nữ

Cần một cái đọc cẩn trọng và tinh tế hơn về câu truyện Đức Mẹ, ta mới biện biệt được việc các cách tôn sùng Đức Mẹ và các học thuyết về ngài quả có hội tụ với các quan tâm cốt lõi của phong trào duy nữ. Hiển nhiên, hiện đang có một lời kêu gọi chung cho công lý và một ý muốn nhằm giải phóng tổng thể người đàn bà và những ai bị áp bức. Các quan tâm duy nữ về hòa bình, về sức mạnh nuôi dưỡng và các phong trào mới của chủ nghĩa duy nữ sinh thái (ecological feminism) đều có tiếng vang sâu xa bên trong lòng sùng kính Đức Mẹ.

Cũng chắc một điều là các nhấn mạnh duy nữ đối với tầm quan trọng của việc phải nhập thân vào xã hội cụ thể cũng tìm thấy trong lòng sùng kính Đức Mẹ và các tín điều về ngài. Thực vậy, trong việc tôn kính Đức Mẹ, cái tôi luôn có tính tương quan; không một ai, kể cả Thiên Chúa, lại không rõ ràng nhìn nhận sợi dây nối kết ta với mẹ và gia đình.

Một sự thật hiển nhiên nữa là lòng sùng kính Đức Mẹ luôn nhấn mạnh tới nhu cầu xúc cảm của con người, nhu cầu về vẻ đẹp thi ca và về việc hòa nhập cảm giới (the affect) và lý trí trong các phát biểu và suy tư của con người. Chủ nghĩa kinh viện quá thuần lý rất có thể đã ngự trị một phần trong đời sống Giáo Hội nhưng không phải ở khắp mọi nơi, chắc chắn không phải ở trong lãnh địa Đức Bà. Ai cũng biết trong thế kỷ 19, đã có cơn cám dỗ muốn lái lòng sùng kính Đức Mẹ thiên về xúc cảm quá đáng. Nhưng ít nhất, Đức Mẹ chưa bao giờ bị kết án là quán quân của những luật lệ trừu tượng, khô cằn chỉ đem lại một vâng phục mù quáng đối với câu chữ của luật.

Thế còn lời tố cáo cho rằng đức đồng trinh của Đức Mẹ khiến những người đàn bà tích cực về phương diện tính dục hay cảm thấy mặc cảm tội lỗi vì không thể trong sạch như Đức Mẹ thì sao? Và Đức Mẹ, người được tán dương nhờ phẩm vị làm mẹ, có tuân theo ý thức hệ “sinh học là số mệnh” (biology is destiny) hay chăng? Dĩ nhiên, đôi khi các biểu tượng về Đức Mẹ đã được sử dụng một cách duy giảm thiểu (reductionist) tức là cách hiểu bản chất sự vật phức tạp bằng cách coi nó chỉ là tổng số những phần đơn giản hơn.

Trong nhiều giới Giáo Hội, vẫn còn phảng phất đâu đó sự thù oán có tính ngộ đạo, bài tính dục, đồng hóa tính dục với tội lỗi. Giới tính và sinh hoạt giới tính trong một số truyền thống khổ hạnh bị coi là nhơ nhuốc. Nhưng một số yếu tố biểu tượng khác được sử dụng trong câu truyện về Đức Mẹ xem ra có tính mạnh mẽ hơn. Chính Marina Warner nhắc ta nhớ rằng đức đồng trinh trong thế giới nữ thần cổ thời không phản ảnh sự trong sạch giới tính cho bằng sự tự lập và ý chí tự quyết định cách tự do. Các trinh nữ như Diana của Êphêsô hay Pallas Athena có lẽ chỉ là các biểu hiện của cùng một vị nữ thần mẹ vĩ đại từng được tôn thờ dọc theo chu kỳ giới tính của người đàn bà, từ trinh nữ tới người đàn bà có chồng và bà già đầy khôn ngoan. Đức đồng trinh của các nữ thần ngoại giáo này chỉ là dấu chỉ sự tự do hoàn toàn của họ thoát khỏi sự thống trị của một nam nhân hay một người phối ngẫu.

Đức đồng trinh của Đức Mẹ và việc ngài sinh con mà còn đồng trinh nên được giải thích như là các biểu tượng cho tính tự lập của ngài, cho việc ngài có liên hệ trực tiếp với Thiên Chúa, không cần trung gian của bất cứ nam nhân nào do phẩm trật sắp đặt cho, dù là người phối ngẫu hay không. Đức đồng trinh đối với cả nam lẫn nữ giới cũng có thể biểu tượng cho tính toàn vẹn, một tâm trí không bị phân chia và một tâm hồn hoàn toàn tập chú, mà dấu chỉ chính là một thân xác không bị đụng chạm. Một cách thật ý nghĩa, khi ta thấy hình phạt dành cho Evà chính là lòng ham muốn đối với chồng và sự tùy thuộc giới tính đối với ông, vốn được coi như một hệ luận cho việc bà lệ thuộc ông, và niềm đau lúc sinh con. Đức Mẹ, tân Evà, được tin là đồng trinh để thoát khỏi sự lệ thuộc giới tính này, cũng như thoát khỏi cái đau của việc sinh con.

Dù Thánh Gia có thể không phải là mô thức cho việc thỏa mãn tính dục cũng như tính phong phú về sinh nở, nhưng theo cái nhìn duy nữ, gia đình ấy cho thấy một mô thức giải phóng, đem lại sự bình đẳng về giới tính cho các mối liên hệ. Đức Mẹ bình đẳng, không hề bị người phối ngẫu thống trị và hoàn toàn tự do như một chủ thể luân lý. Dù sống trong một thời đại khinh miệt phụ nữ, mọi quyền lực và đặc ân của Đức Mẹ, mọi ưu điểm và nhân đức của ngài đều được coi là độc lập đối với tư cách làm vợ. Đức Mẹ và Thánh Giuse và tên của ngài luôn luôn được nhắc đến đầu tiên, cho thấy mối liên hệ liên lập, bình đẳng đầy lòng kính trọng lẫn nhau trong một gia đình. Có chăng, chính Thánh Giuse mới đáng danh hiệu “người hỗ trợ” (helpmate) trong cuộc hôn nhân này.

Thực thế, các nhà duy nữ Kitô Giáo còn có thể đi xa hơn trong việc phân tích các trình thuật có tính biểu tượng. Lời “xin vâng” của Đức Mẹ ngỏ với thiên thần khi chấp nhận làm mẹ Chúa Giêsu, được tin là đã nói trong sự tự do hoàn toàn, không hề xao xuyến chi về tội, vì sự tượng thai vô nhiễm của ngài. Trong trình thuật cứu rỗi của Kitô Giáo, Đức Maria không hề bị Thiên Chúa cưỡng bức, hay bị lái tới chỗ phải sinh nở bất cứ vì nỗi xao xuyến lo sợ của mình, vì ảnh hưởng xã hội, vì ham muốn của người chồng hay vì bất cứ sức mạnh sinh học nào khác. Lời “xin vâng” có tính bản thân của Đức Maria đã đem lại một thai nghén và sinh con có thể coi như loan báo một thời đại mới cho việc sinh nở nhân bản. Người phụ nữ được cứu chuộc là người tự do hợp tác với Thiên Chúa và sự sống trong tư cách một tác nhân luân lý có trách nhiệm và biết đáp ứng. Trong hết mọi phụ nữ trên đời, Đức Maria là người sau cùng để ta có thể nói được “sinh học là định mệnh hay số mệnh”.

Biểu tượng nghịch thường của chức phận Làm Mẹ và Trinh Nữ mâu thuẫn một cách đặc thù với ý niệm cho rằng người đàn bà buộc phải chọn lựa giữa sứ mệnh bản thân trong tư cách tác nhân luân lý của toàn vẹn tính và các đặc ân cũng như niềm vui được làm mẹ sinh học. Và người đàn bà độc thân không sinh nở cũng được chứng nghiệm là có giá trị như bà mẹ sinh nở. Nhập thân (embodiment) và sức mạnh sinh nở được khẳng định mà không cần phải tuyệt đối hóa.

____________________________________________________________________

(1) Sidney Callahan là một tâm lý gia và là tác giả cuốn Created for Joy: A Christian View of Suffering (Dựng Nên hưởng Niềm Vui: Một Cái Nhìn Kitô Giáo về Đau Khổ)