LÒNG SÙNG KÍNH ĐỨC MẸ MARIA

Thời thế chiến thứ hai 1939-1945 một số đội quân của các nước thuộc miền Nam Liên Xô trấn đóng tại Yugoslavi. Sau đây là câu chuyện của một sĩ quan pháo binh trẻ người Nga.

Ở Nga, tôi chỉ là tên lính quèn. Từ nhỏ, tôi vẫn nuôi mộng ước: lớn lên sẽ trở thành sĩ quan cấp cao. Nhưng cơ may chưa đến. Thế chiến thứ hai bùng nổ bỗng trở thành cơ hội ngàn vàng cho tôi thực hiện mộng ước. Tôi gia nhập quân ngũ. Tôi cảm thấy mình hạnh phúc nhất trần gian! Trong quân đội, tôi chiến đấu anh dũng. 12 lính trẻ - trong đó có tôi - được chọn để thăng cấp sĩ quan.

Buổi sáng hôm ấy chúng tôi nghiêm chỉnh sắp hàng. Vị chỉ huy xuất hiện. Ông còn đang đọc danh sách thì một bạn đồng ngũ của tôi bước ra khỏi hàng tiến đến bên vị chỉ huy. Anh bạn vừa chỉ vào tôi vừa báo cáo:

- Thưa chỉ huy trưởng, đồng chí này không xứng đáng thăng cấp sĩ quan, vì anh ta luôn mang trong mình ảnh thánh Đức MARIA, Mẹ THIÊN CHÚA. Anh ta có lòng sùng kính Đức Mẹ. Anh ta là tên gián điệp, một kẻ phản quốc!

Vị chỉ huy quắc mắt nhìn tôi và dõng dạc chất vấn:

- Có đúng anh là tên phản bội không?

- Không, không đúng! Tôi không phải là kẻ phản bội!

- Anh có mang ảnh Đức Mẹ không?

- Thưa chỉ huy, có, tôi vẫn mang trong mình ảnh thánh Đức Mẹ.

Rồi tôi vội vàng nói thêm một hơi:

- Các vị thống chế nổi danh của Nga như Suvorov - từng chiến thắng hoàng đế Napoléon và đẩy lui quân Pháp - cũng mang trong mình ảnh thánh Đức Mẹ. Điều đó đâu có gì là sai quấy, trái với luật lệ?

Vị chỉ huy trịnh trọng ra lệnh:

- Anh hãy lập tức rời khỏi hàng ngũ! Đây là huy hiệu sĩ quan. Bây giờ anh phải chọn đạp lên một trong hai: hoặc là huy hiệu hoặc là Ảnh Đức Mẹ!

Tôi bước thêm ba bước và đạp lên chiếc huy hiệu. Trong nháy mắt, giấc mộng đẹp nhất của tuổi trẻ cuộc đời tôi tan thành mây khói!

Ngay sau đó, tôi bị đổi ra chiến tuyến, nơi đang có các cuộc giao tranh dữ dội. Tôi bị quân Đức bắt làm tù binh rồi bị sát nhập vào các đội quân và bị đưa về Yugoslavi. Thế là từ một tù binh tôi lại trở thành sĩ quan chỉ huy quân đội ở đây!

Tôi không biết có ngày nào đó, tôi được hân hạnh trở về làng cũ, nằm bên bờ sông Volga, thăm lại người mẹ hiền yêu dấu hay không. Trước ngày tôi gia nhập quân ngũ, mẹ tôi âu yếm trao cho tôi Ảnh Thánh Đức Mẹ MARIA và dặn dò tôi phải luôn mang trong mình. Điều mà tôi vẫn làm cho đến ngày hôm nay.

Nếu tôi không được may mắn gặp lại hiền mẫu nơi trần gian thì tôi hy vọng nhờ sự bảo trợ của Đức MARIA, Mẹ THIÊN CHÚA, tôi sẽ gặp lại mẹ hiền trên Thiên quốc.

Câu chuyện thứ hai xảy ra tại Etiopi, thuộc đại lục Phi châu.

Menelik II (1844-1913) là vua Etiopi. Năm 1889, vua Menelik ký hiệp ước bảo hộ với Ý. Bốn năm sau - 1893 - nhà vua tuyên bố bãi ước. Năm 1896, khi Ý đem quân chiếm dãy núi Abissinia, vua Menelik dàn trận đánh đuổi tan tành quân Ý và bắt về một số tù binh.

Ít lâu sau, nhà vua nhận được bức thư viết từ Ý, lời lẽ thống thiết:

- Tâu Hoàng Thượng, thần thiếp là người mẹ đáng thương. Con trai của thần thiếp đang làm tù binh bên Hoàng Thượng. Xin Hoàng Thượng dủ lòng thương một người mẹ bất hạnh và trả tự do cho con trai thần thiếp. Nhân danh Đức Mẹ MARIA thần thiếp khẩn khoản xin Hoàng Thượng lắng nghe lời van nài của một người mẹ khốn khổ.

Đọc xong bức thư, vua Menelik truyền gọi anh tù binh Ý đến và bảo:

- Trẫm cho khanh tự do. Khanh hãy về nói với mẹ khanh rằng: ”Không phải hoàng đế Menelik trả tự do cho con, nhưng chính là Đức Mẹ MARIA, Nữ Vương Thiên Quốc”. Khanh biết đó, Đức MARIA cũng là Mẹ của trẫm. Và một khi Người Mẹ chấp thuận điều gì, thì đứa con không có quyền từ chối. Khanh hãy ra về bằng an và nguyện xin Đức MARIA, Mẹ chúng ta, phù hộ cho khanh và cho mẹ của khanh!

... Đây là sấm ngôn của THIÊN CHÚA: ”Nhưng ngay cả lúc này, các con hãy hết lòng trở về với CHA, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van”. Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng THIÊN CHÚA của anh chị em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương. Người hối tiếc vì đã giáng họa. Biết đâu Người chẳng nghĩ lại và hối tiếc mà để lại phúc lành, hầu anh chị em có lễ phẩm và lễ tưới rượu dâng lên THIÊN CHÚA của anh chị em (Sách Gio-en 2,12-14).

(Janez Jenko, ”MARIA e il nostro tempo”, Edizioni Paoline, 1973, trang 50-52)