Một lần nữa, tờ Aleteia, qua ký giả Cyprien Viet, ngày 01/08/24, lại lên tiếng bênh vực phản ứng của Tòa Thánh nói chung và của Đức Phanxicô nói riêng về tai tiếng tại Buổi Khai Mạc Thế Vận Hội Paris 2024:
Không giống như nhiều nhân vật công chúng khác, Đức Phanxicô vẫn giữ thái độ kín đáo về tranh cãi do lễ khai mạc Thế vận hội gây ra. Aleteia phân tích lý do tại sao.
Từ Donald Trump, người nói rằng đó là "một sự ô nhục", đến tỷ phú Elon Musk lên án một hành động "cực kỳ thiếu tôn trọng đối với các Ki-tô hữu", một số nhân vật bất ngờ đã lên tiếng phản đối việc chế giễu Bữa Tiệc Ly, được trình chiếu trong một phần Lễ khai mạc Thế vận hội Paris, phát sóng trên toàn thế giới vào thứ Sáu, ngày 26 tháng 7 năm 2024.
Vào sáng thứ Bảy, các giám mục Pháp đã lên án "những cảnh chế giễu Ki-tô giáo", giải thích rằng cá Ki-tô hữu trên khắp thế giới đã "bị tổn thương bởi sự vô lý và khiêu khích của một số cảnh nhất định".
Trong bối cảnh này, những lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô sau khi đọc Kinh Truyền tin Chúa Nhật tuần trước đã được xem xét kỹ lưỡng. Nhưng một lần nữa, Đức Phanxicô lại thích đi theo hướng khác, đề cập đến Thế vận hội Olympic nhưng lại lên án những vấn đề khác.
“Trong khi có rất nhiều người trên thế giới đang phải chịu đựng vì thiên tai và nạn đói, chúng ta vẫn tiếp tục sản xuất và bán vũ khí và đốt cháy tài nguyên để tiếp tay cho các cuộc chiến tranh lớn nhỏ,” ngài nói. “Đây là một sự vô lý mà cộng đồng quốc tế không nên dung thứ, và nó trái ngược với tinh thần huynh đệ của Thế vận hội Olympic vừa mới bắt đầu.”
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người hầu như không bao giờ xem truyền hình kể từ khi tuyên khấn với Đức Mẹ, có lẽ đã không xem trực tiếp Lễ khai mạc Thế vận hội, mặc dù ngài được thông báo về các sự kiện quốc tế hiện tại. Trên hết, "Đức Giáo Hoàng Phanxicô ghét phải hành động dưới áp lực của giới truyền thông", một nguồn tin từ Rome nêu rõ. Mặt khác, Đức Giáo Hoàng là người thúc đẩy mạnh mẽ các môn thể thao và nhiều giá trị Kitô giáo có thể được thúc đẩy thông qua các môn thể thao này: tình anh em, sự hợp tác, niềm vui, v.v. Ngài đặc biệt là người hâm mộ bóng đá, như thường lệ ở quê hương ngài.
Để các giám mục "làm việc"
Một chìa khóa khác để hiểu thái độ của Đức Giáo Hoàng nằm ở nguyên tắc bổ trợ [subsidiarity], trong trường hợp này có nghĩa là để các giám mục liên quan phản ứng và giải quyết mọi việc với những người chịu trách nhiệm.
Giám mục Emmanuel Gobilliard của Digne và là đại biểu của Giáo hội tại Pháp tham dự Thế vận hội đã đảm nhận vai trò là người phát ngôn không chính thức của Giáo hội. Ngài lưu ý rằng "sự chế giễu chống Kitô giáo đã loại trừ mọi người khi chương trình lẽ ra phải đưa họ lại gần nhau hơn". Ngài cũng là người đứng sau tuyên bố do các giám mục Pháp đưa ra, bày tỏ cả nỗi đau của người Công Giáo và mong muốn đóng góp vào thành công của Thế vận hội Paris.
Vatican đã lên tiếng thông qua tiếng nói của Tổng giám mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Giáo hoàng Hàn lâm Viện Sự sống, người ủng hộ lập trường này. "Các giám mục Pháp rất tốt và dũng cảm. Về phần tôi, tôi không thể không chấp thuận lời nói của họ từ đầu đến cuối", ngài nói.
Một dấu hiệu khác cho thấy sự ủng hộ của Rome đối với các giám mục Pháp là tuyên bố của họ đã được các phương tiện truyền thông của Tòa thánh chuyển tiếp ngay lập tức.
Ngoài ra còn có những tuyên bố khác đến từ các Hồng Y thân cận với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Tổng giám mục Luxembourg, người sẽ chào đón Đức Giáo Hoàng đến giáo phận của mình vào tháng 9, đã có mặt tại Rome như một phần của cuộc hành hương quốc tế của những người giúp lễ, và đã lên tiếng kiên quyết, lên án việc dàn dựng "không thể chấp nhận được" này.
“Tôi buồn. Chúng tôi tôn trọng sự đa dạng trên thế giới, và chúng tôi cũng muốn xã hội tự do châu Âu tôn trọng các Ki-tô hữu và không làm bất cứ điều gì trái với tình cảm tôn giáo của họ”, Đức Hồng Y Dòng Tên, người quen thuộc với các cuộc tranh luận về việc tôn trọng bản sắc tôn giáo ở châu Âu, cho biết.
Quan điểm phê phán của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về văn hóa Pháp
Mặc dù Đức Giáo Hoàng chưa bày tỏ quan điểm của mình về lễ khai mạc, nhưng có thể thấy lập trường bản thân của ngài về văn hóa Pháp trong một số tuyên bố của ngài. Trong một cuộc phỏng vấn được tờ báo Pháp La Croix công bố năm 2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chỉ trích nước Pháp vì "thổi phồng chủ nghĩa thế tục", với xu hướng "coi tôn giáo là một nền văn hóa phụ hơn là một nền văn hóa theo đúng nghĩa của chúng. Tôi e rằng cách tiếp cận này, vốn dễ hiểu vì di sản của Thời kỳ Khai sáng, vẫn còn tồn tại”.
Đức Giáo Hoàng cũng đã tách mình khỏi "tinh thần Charlie" gần như đã trở thành học thuyết chính thức của ngoại giao Pháp sau vụ tấn công khủng bố vào trụ sở tạp chí châm biếm Charlie Hebdo vào ngày 7 tháng 1 năm 2015. Tự do ngôn luận không cho phép mọi thứ và tôn trọng người khác phải bao hàm mong muốn tránh xúc phạm cố ý, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh khoảng một tuần sau đó trên máy bay trên đường đến Philippines.
"Chúng ta không thể khiêu khích người khác, chúng ta không thể xúc phạm đức tin của họ, chúng ta không thể chế giễu đức tin của họ", ngài nhấn mạnh. "Tất cả những người coi thường tôn giáo, chế giễu tôn giáo, 'chơi đùa' với tôn giáo của người khác, họ đang gây thù chuốc oán với người khác".
Những nhận xét này cũng có thể áp dụng cho lễ khai mạc Thế vận hội, dường như đã tạo ra sự bất an ngay cả trong phong trào Olympic. Vào thứ Bảy, một phát ngôn viên của Ủy ban tổ chức Thế vận hội cho biết hành động khiêu khích của màn trình diễn dự định sẽ tạo ra một hiệu ứng nhất định. Tuy nhiên, ngày hôm sau, đã có một số sự thay đổi với chiến lược truyền thông mới, khi một người phát ngôn khác cho biết họ "thực sự xin lỗi" nếu có ai đó bị xúc phạm bởi chương trình.
Ngoại giao Thế vận
Một nguồn tin ngoại giao cũng nhấn mạnh rằng Tòa thánh muốn "tránh gây tranh cãi với thế giới Olympic vì nó đã kết thúc và đang diễn ra". Các cuộc họp của Đức Phanxicô với các liên đoàn thể thao đã tăng lên trong những năm gần đây, dẫn đến việc Athletica Vaticana được đưa vào một số liên đoàn quốc tế, mở đường cho quốc gia nhỏ nhất thế giới được công nhận tham gia giải vô địch xe đạp thế giới.
Sự tham gia trực tiếp của Vatican vào Thế vận hội tiếp theo vẫn còn là giả thuyết, nhưng không phải là không thể, vì các chuyến thăm Rome của Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế, Thomas Bach, đã thiết lập được nhiều mối liên hệ. Vào tháng 9 năm 2022, Vatican và Ủy ban Olympic quốc tế đã đồng tổ chức một diễn đàn tại Rome với chủ đề "Thể thao cho tất cả mọi người". Sự tham gia của Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế trong Thánh lễ khai mạc Thế vận hội Paris, được cử hành vào ngày 19 tháng 7 tại Nhà thờ La Madeleine, cũng là thành quả của những nỗ lực này.
Do đó, Đức Giáo Hoàng vẫn giữ khoảng cách với một số tiếng nói Công Giáo lên án Thế vận hội là biểu hiện của chủ nghĩa ngoại giáo, và trong điều này, ngài hoàn toàn tiếp nối những người tiền nhiệm của mình. Ví dụ, vào ngày 8 tháng 12 năm 2005, Đức Benedict XVI, người quan tâm đến Formula 1 hơn là các môn thể thao Olympic, đã làm phép ngọn lửa Olympic cho Thế vận hội mùa đông Turin, được một Đội cận vệ Thụy Sĩ mang đến Quảng trường Thánh Phê-rô khi bắt đầu hành trình qua Ý.
Sự ủng hộ của Đức Giáo Hoàng Piô X năm 1903 đối với Nam tước Pierre de Coubertin, nguồn cảm hứng đằng sau phong trào Olympic, việc Đức Gioan XXIII ban phước cho Thế vận hội 1960 tại Rome và các thông điệp gửi đến các vận động viên từ Đức Piô XII và Gioan Phaolô II cũng là những cột mốc trong lịch sử lâu dài về mối quan hệ giữa các giáo hoàng và Thế vận hội, điều này sẽ không bị đặt dấu hỏi bởi một màn trình diễn có gu thẩm mỹ đáng ngờ.