Điều thú vị là báo chí Công Giáo, hôm nay 13/5/2024, có hai nhận định gần như trái ngược nhau về trí khôn nhân tạo. John Toohey của Aleteia thì dường như say mê trước viễn ảnh khả thể trí khôn nhân tạo giúp dựng lại những hình ảnh tôn giáo chưa từng có, dựa vào các chứng từ. Trái lại, Tạp chí Crux tường thuật ở Nigeria, người Công Giáo lo ngại trí khôn nhân tạo sẽ dẫn đến nạn thất nghiệp và các vấn đề luân lý.



“Phép lạ mặt trời” của Fatima được hình dung bởi trí khôn nhân tạo

John Touhey viết trên Aleteia ngày 13 tháng 5:

"Phép lạ Mặt trời" trông như thế nào đối với những người chứng kiến tận mắt? Tạo hình ảnh trí khôn nhân tạo cho tường thuật của họ tạo ra kết quả hấp dẫn, nhưng chúng ta cần phải thận trọng.

Khi sắp đến Lễ Đức Mẹ Fatima, tâm trí tôi hướng về những lần Đức Mẹ hiện ra ở Fatima và đặc biệt là lần cuối cùng vào ngày 13 tháng 10 năm 1917. Thật tự nhiên khi nghĩ về việc sẽ như thế nào khi ở giữa hàng chục nghìn người đã tụ tập vào ngày hôm đó để chứng kiến “Phép lạ Mặt trời”.

Tôi tự hỏi liệu có thể có được một số ý tưởng về những gì họ đã thấy bằng cách sử dụng trí khôn nhân tạo phát sinh hay không?

“Các khả thể bày tỏ”

Không có gì ngạc nhiên khi những người khác đã chỉ ra khả thể này. Trong bài báo hấp dẫn “Choreographing Shadows [Biên đạo bóng]”, các học giả Mark Burchick và Diana Pasulka bày tỏ sự nhiệt tình đối với “các khả thể bày tỏ” [revelatory possibilities] mà các công cụ tạo hình của trí khôn nhân tạo thực hiện, đặc biệt liên quan đến các hiện tượng tôn giáo. Giờ đây, chúng ta có thể tạo ra “những hình ảnh mà chúng ta có chứng từ của các nhân chứng đáng tin cậy nhưng không có bằng chứng ảnh chụp”.

Burchick và Pasulka thực tế đã lấy Phép lạ Mặt trời làm ví dụ. Sử dụng bức ảnh năm 1917 của một số đám đông làm khởi điểm, họ tải hình ảnh đó lên chương trình Midjouney A.I. để tạo ra “một lớp tưởng tượng bổ sung có khả năng mô tả tâm lý thời đó”. Bạn có thể xem kết quả trong bài báo của họ, tôi khuyên bạn nên đọc bài báo này.

Tất nhiên, người ta không cần phải là một học giả mới có thể tham gia vào các thí nghiệm tương tự. Ví dụ: điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta sử dụng ChatGPT, một công cụ có sẵn cho hầu hết mọi người, để tạo ra hình ảnh không phải về đám đông và trải nghiệm tâm lý của họ mà về chính mặt trời quay, một hiện tượng được nhiều nhân chứng tận mắt mô tả?

Một thí nghiệm đơn giản

Đây là một thao tác mà bất cứ ai cũng có thể thực hiện được. Người ta chỉ cần nhập dấu nhắc [prompt]vào ChatGPT hoặc một chương trình trí khôn nhân tạo, cùng với lời mô tả của một trong những nhân chứng của phép lạ. Trong vòng chưa đầy một phút, một hình ảnh được tạo ra. Trong trường hợp của tôi, lần đầu tiên tôi nhập dấu nhắc để đảm bảo rằng hình ảnh được tạo ra chỉ có mặt trời. Sau đó, tôi nhập một trong những lời khai, xóa mọi tham chiếu đến phản ứng, cảm xúc của đám đông, v.v. vì tôi không muốn hình ảnh chứa những điều đó.

Bạn có thể xem kết quả trong thư việc ản bên dưới. Tôi mô tả thêm quá trình của tôi ở đó. Trong khi thao tác, tôi nhớ rằng Đức Giáo Hoàng Pio6 XII cũng đã nhìn thấy “phép lạ mặt trời” bốn lần vào năm 1950 và để lại cho chúng ta một mô tả, vì vậy tôi cũng có một hình ảnh được tạo ra dựa trên lời chứng đó. Kết quả “thí nghiệm” nghiệp dư của tôi thật hấp dẫn - hoặc ít nhất là tôi thấy như vậy.

Lý do phải thận trọng

Điều đầu tiên tôi nhận ra là chúng ta cần thận trọng khi sử dụng công cụ tạo hình của trí khôn nhân tạo để tái tạo các sự kiện đời thực. Có một sự cám dỗ mạnh mẽ để tin rằng “sự việc thực sự trông như thế”, khi không có gì có thể khác xa sự thật cho bằng.

Như Burchick và Pasulka đã chỉ ra trong bài báo của họ, trí khôn nhân tạo chỉ hoạt động vì nó lấy từ hàng tỷ hình ảnh và văn bản có sẵn. Nói cách khác, thay vì tạo ra nội dung gốc, trí khôn nhân tạo nhai lại những gì đã có sẵn trên web. Tất nhiên, điều này đặt ra đủ loại câu hỏi về đạo đức, nhưng xét theo quan điểm “có thực”, rõ ràng là trí tuệ nhân tạo chỉ có thể tạo ra những kết quả, nói một cách dễ hiểu, là nhân tạo.



Bạn chỉ cần nhìn vào slide cuối cùng trong bộ sưu tập để hiểu vấn đề. Ở đó bạn sẽ thấy một bức ảnh của Lúcia, Francisco và Jacinta, ba trẻ chăn cừu được Đức Mẹ hiện ra. Bên cạnh nó, bạn sẽ thấy hình ảnh của những đứa trẻ tương tự được tạo ra bởi trí khôn nhân tạo Sự khác biệt giữa hai hình ảnh khá nổi bật - và rõ ràng.

Lợi ích tiềm năng

Có phải điều đó có nghĩa là trí khôn nhân tạo hoàn toàn vô ích khi phải hình dung điều lạ lùng? Tôi không nghĩ vậy. Trên thực tế, thao tác đã thuyết phục tôi (mặc dù những người khác có thể không đồng ý) rằng trí khôn nhân tạo có thể mang lại lợi ích nếu được sử dụng một cách cẩn thận và khôn ngoan.

Khi tôi lần đầu đọc những mô tả của các nhân chứng, tôi thấy chúng hấp dẫn, nhưng thành thật mà nói, họ khiến tôi không hề xúc động. Điều đó một phần là do tất cả các mô tả đều rất ngắn. Chúng cũng cực kỳ khó hình dung trong đầu tôi, chủ yếu là vì sự kiện mà chúng mô tả hoàn toàn nằm ngoài trải nghiệm bản thân của tôi. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy mặt trời quay cuồng, bắn ra những chùm ánh sáng cầu vồng hay lao thẳng về Trái đất. Thật khó để tôi tưởng tượng điều đó sẽ như thế nào.

Tuy nhiên, điều đó ngay lập tức thay đổi khi tôi đối diện với các hình ảnh do trí khôn nhân tạo tạo ra. Chúng làm tôi ngạc nhiên. Nhìn thấy chúng khiến tôi hiểu rằng các nhân chứng đang cố gắng mô tả một điều gì đó hoàn toàn không thể xảy ra mà họ đã tận mắt nhìn thấy. Ngay cả khi những hình ảnh của trí khôn nhân tạo không phải là những mô tả chính xác về phép lạ (và không có cách nào để biết liệu chúng có đúng hay không), tuy nhiên chúng vẫn có thể truyền tải điều gì đó về sự kỳ lạ và sự hoành tráng của biến cố.

Cuối cùng, tôi vẫn không biết Phép lạ Mặt trời thực sự trông như thế nào. Tuy nhiên, bây giờ tôi đã có ít nhất một chút ý tưởng về trải nghiệm khó quên, đáng sợ và thay đổi cuộc đời đó. Cảm giác thờ ơ của tôi đã vỡ tan.

Khi cuộc cách mạng trí khôn nhân tạo tiếp diễn, chắc chắn sẽ ngày càng có nhiều người gõ hoặc đọc các câu Kinh thánh và câu chuyện của các vị thánh vào các chương trình rí khôn nhân tạo. Họ sẽ làm như vậy với hy vọng có được cái nhìn thoáng qua về những sự kiện đó “thực sự như thế nào”, giống như tôi thắc mắc về Phép lạ Mặt trời. Về phần tôi, tôi đã hoàn thành những thí nghiệm như vậy và sẽ vui lòng giao chúng cho các chuyên gia như Burchick, Pasulka và các đồng nghiệp của họ.

Hy vọng rằng những nỗ lực của họ sẽ giúp chúng ta cởi mở hơn một chút về khả năng xảy ra những điều lạ lùng trong cuộc sống và thế giới của chúng ta.

Giáo hội Nigeria cảnh cáo trước sự nguy hiểm của Trí khôn nhân tạo

Tạp chí Crux củng ngày 13/5/2024, cho hay: Theo các nhà lãnh đạo Công Giáo ở Nigeria, mọi người nên ý thức được những mối nguy hiểm “cả về mặt kinh tế dẫn đến thất nghiệp và các vấn đề đạo đức” liên quan đến Trí khôn nhân tạo, hay AI.



Giám mục Felix Femi Ajakaye của Ekiti hôm Chúa nhật đã nói với các nhà lãnh đạo trong nước tránh đưa ra đạo luật trao cho Trí khôn nhân tạo quyền làm tổn hại đến phúc lợi của người dân ở quốc gia đông dân nhất Châu Phi.

Ngài nói với cộng đoàn tại Nhà thờ Công Giáo St. Patrick: “Trong khi chúng ta tán thành những điều tốt đẹp mà kỹ thuật đã mang lại cho chúng ta, chúng ta nên ý thức về những mối nguy hiểm cả về mặt kinh tế dẫn đến tình trạng thất nghiệp lẫn các vấn đề đạo đức đi kèm với nó”.

Vị giám mục nói, “Chúng ta vốn có tỷ lệ thất nghiệp cao ở Châu Phi, vào thời điểm chúng ta cho phép trí khôn nhân tạo này, AI, kiểm soát chúng ta và có mặt ở khắp mọi nơi, rất nhiều người và tỷ lệ thất nghiệp sẽ cao hơn, gấp ba hoặc nhiều hơn”.

Ngài nói tiếp, “Trí khôn nhân tạo, như chúng ta biết, với tốc độ phát triển của kỹ thuật, rất nhiều công việc bình thường do con người thực hiện đơn giản sẽ bị máy móc đảm nhận và nếu tình trạng này tiếp diễn, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao ở Châu Phi và các quốc gia khác”.

Đức Cha Ajakaye nói, “Kỹ thuật rất tốt nhưng đồng thời, chúng ta cũng phải lo âu vì Thiên Chúa đã tạo ra chúng ta, phải biết Người, yêu mến Người và phụng sự Người, để qua phương tiện này, chúng ta có được sự cứu rỗi linh hồn. Trí khôn nhân tạo không có tư duy, không có lương tâm, ở đâu thiếu hai thứ đó là có nguy hiểm. Nếu không, tương lai của thế giới sẽ rất ảm đạm”.

“Thế giới của chúng ta ngày nay đang trong tình trạng nô lệ, hãy nhìn vào mức độ thất nghiệp ở Nigeria, tất cả những gã khổng lồ kỹ thuật đang cắt giảm lực lượng lao động bằng trí khôn nhân tạo, con người chỉ tìm kiếm lợi ích tài chính và đó là sự xúc phạm trực tiếp đến Thiên Chúa. Chúng ta hãy lên tiếng phản đối trí khôn nhân tạo; cần có những hạn chế đối với các khu vực sử dụng nó. Nó sẽ gây ra nhiều sự nhầm lẫn trong thế giới của chúng ta”, vị giám mục nói.

Giáo Hội Công Giáo ở Nigeria dành Chúa Nhật, ngày cuối cùng của Tuần Truyền thông Thế giới, để thảo luận về trí khôn nhân tạo.

Vatican đã thúc đẩy toàn thể Giáo hội xem xét vấn đề này khi công bố vào năm ngoái rằng họ sẽ dành Ngày Truyền thông Thế giới cho Trí khôn Nhân tạo.

Trong một tuyên bố được công bố năm ngoái, Vatican cho biết sự phát triển của trí tuệ nhân tạo “làm cho việc giao tiếp thông qua và với máy móc trở nên tự nhiên hơn bao giờ hết, do đó việc phân biệt tính toán [computation] với suy nghĩ và ngôn ngữ do máy tạo ra với ngôn ngữ do con người tạo ra ngày càng trở nên khó khăn hơn”

Tuyên bố cho biết: “Giống như tất cả các cuộc cách mạng, cuộc cách mạng dựa trên trí khôn nhân tạo này cũng đặt ra những thách thức mới để đảm bảo rằng máy móc không góp phần vào một hệ thống thông tin sai lệch quy mô lớn”.

Vatican cũng cảnh báo về nguy cơ gia tăng “sự cô đơn của những người vốn đã cô đơn, tước đi sự ấm áp mà chỉ sự giao tiếp giữa con người với nhau mới có thể mang lại”.

“Điều quan trọng là phải hướng dẫn trí tuệ nhân tạo và các thuật toán, để nơi mỗi cá nhân có sự ý thức được trách nhiệm về việc sử dụng và phát triển các hình thức giao tiếp khác nhau này đi đôi với truyền thông xã hội và Internet. Tuyên bố của Vatican cho biết điều cần thiết là truyền thông phải hướng tới một cuộc sống trọn vẹn hơn của con người.

Trong bài giảng tại Nhà thờ Công Giáo St. John ở Mararaba, Đức Giám Mục David Ajang của Lafia, cho biết trí khôn nhân tạo đang biến đổi thế giới thông tin và truyền thông, và “ảnh hưởng đến mọi người, không chỉ các chuyên gia”.

Ngài nói: “Chúng ta phải thừa nhận sự phấn khích và bối rối đi kèm với sự đổi mới nhanh chóng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết”.

Đức Cha Ajang nói tiếp: “Giáo hội thừa nhận sức mạnh của các phương tiện truyền thông như những món quà có thể thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển của con người, nhưng cũng cảnh cáo về những rủi ro tiềm tàng của chúng nếu không được tiếp cận với sự sáng suốt và trách nhiệm”.

“Bắt đầu từ trái tim, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của trái tim con người, tượng trưng cho sự tự do, khả năng ra quyết định, tính chính trực và sự hợp nhất. Chúng ta phải dấn thân vào những cảm xúc, ước muốn và ước mơ của mình, đồng thời gặp gỡ Thiên Chúa ở nơi sâu thẳm nhất trong trái tim chúng ta”, Đức Giám Mục nói thế.

Đứac cha Ajang nói thêm, “Khi Trí khôn nhân tạo ngày càng phát triển, chúng ta không được đánh mất nhân tính của mình. Đúng hơn, chúng ta phải gắn kết trí khôn nhân tạo với sự cởi mở và nhạy cảm, bắt đầu từ nhân tính của chúng ta và cố gắng trở thành một loại người mới có linh đạo, tự do và trưởng thành sâu sắc hơn”.

Đức Tổng Giám Mục Ignatius Kaigama của Abuja cho biết mọi người không thể mạo hiểm trở nên giàu có về kỹ thuật nhưng lại nghèo về nhân tính.

Ngài nói hôm Chúa Nhật, “Hành động của chúng ta, được hướng dẫn bởi kỹ thuật hiện đại, nên bắt đầu từ trái tim con người...

“Truyền thông là xây dựng các mối quan hệ, tăng cường sự hiểu biết và chia sẻ Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Trong một thế giới tràn ngập ồn ào và tiêu khiển, điều cần thiết là chúng ta phải suy gẫm về cách chúng ta giao tiếp với nhau và với Thiên Chúa”.