Jonathan L. Liedl, trên rang mạng National Catholic Register ngày 6 tháng 1, 2023 (https://www.ncregister.com/news/german-catholics-in-death-benedict-xvi-will-have-new-impact-upon-church-in-their-homeland) cho rằng dù thông qua việc xem xét lại thần học của ngài hay thông qua sự cầu bầu có thể có từ thiên đàng của ngài, những người Công Giáo Đức tham dự tang lễ của cố giáo hoàng đều nhận thấy vai trò to lớn của người gốc Bavaria trong cuộc khủng hoảng giáo hội đang diễn ra ở đất nước họ.



Thực vậy, Đức Bênêđictô XVI có thể đã yên nghỉ ngày hôm qua, nhưng tác động của ngài đối với Giáo hội thì còn lâu mới kết thúc. Trên thực tế, người Công Giáo Đức hy vọng rằng sự ra đi của Đức Bênêđictô sẽ mở ra một kỷ nguyên mới về ảnh hưởng của ngài đối với Giáo hội tại quê hương của họ - đặc biệt là vào thời điểm mà Giáo hội ở Đức tiếp tục bị rung chuyển bởi Đường lối Đồng nghị bị chỉ trích nhiều.

Birgit Kelle, phát ngôn viên của New Beginning (Neuer Anfang), một phong trào của người Công Giáo Đức phản đối Con đường Đồng nghị, cho biết: “Việc Đức Bênêđíctô qua đời vào thời điểm khủng hoảng này gợi lên tất cả những cuốn sách của ngài, tất cả những sự thật mà ngài đưa ra, tất cả những điều ngài đã nói với chúng tôi, đặc biệt trong tư cách người Đức. Điều này phải có một tác động mới đối với cuộc thảo luận ở Đức. Bởi vì con người này đại diện cho tất cả những gì [các nhà hoạt động của Con đường Đồng nghị] không muốn.”

Đặc biệt, Kelle, một nhà báo và tác giả nổi tiếng người Đức, đã trích dẫn sự chống lại thuyết tương đối của Đức Bênêđictô và cam kết của ngài trong việc bảo vệ bản chất không thay đổi của các chân lý đức tin.

Ngược lại, cô cho biết các nhà hoạt động của Con đường Đồng nghị “cố gắng bỏ phiếu cho sự thật” để họ có thể thay đổi Giáo hội cho phù hợp với một chương trình nghị sự tiến bộ, thế tục. Trong số những thay đổi mà Con đường Đồng nghị đòi hỏi, vốn không có tư cách giáo luật, bao gồm việc nỗ lực phong chức cho phụ nữ và sự chấp nhận về luân lý việc làm tình giữa những người cùng giới tính.

Kelle nói với Register, “Chúng tôi không cần thay đổi. Chúng tôi cần đổi mới”.

Johannes và Ferdinand Herder, anh em từ khu vực Munich, những người cũng có mặt tại Quảng trường Thánh Phêrô để dự tang lễ của Đức Bênêđictô, đồng ý cho rằng Đức Bênêđictô sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho các tín hữu Đức, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn này.

Ferdinand nói, “Ngài đang tìm kiếm sự thật, và sự thật là phi thời gian. Có một di sản lớn mà ngài đã để lại cho chúng tôi và rất nhiều điều chúng tôi có thể tiếp tục khai triển”.

Chỉ trích từ quê nhà

Có lẽ nhận thức được tầm quan trọng mới mà sự ra đi của Đức Bênêđictô mang lại cho di sản thần học của ngài, các phương tiện truyền thông ủng hộ Con đường Đồng nghị của Đức đã chuyển sang chế độ tấn công vị Giáo Hoàng Hưu trí trong những ngày sau khi ngài qua đời - và, ít nhất trong một trường hợp, ngay cả trước khi ngài qua đời.

Tờ báo cánh tả Taz đã phát hành cáo phó cho Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô vào ngày 30 tháng 12, sau khi vừa có công bố về sức khỏe của ngài đang giảm sút, nhưng trước khi ngài qua đời vào sáng ngày 31 tháng 12. Các ấn phẩm khác của Đức đã nhanh chóng làm mất uy tín của vị giáo hoàng đầu tiên người Đức trong 1,000 năm: tờ Zweites Deutsches Fernsehen, một cơ quan phát tuyến công cộng của Đức, cho rằng: Ngài phải chịu trách nhiệm về một “Giáo hội đang hấp hối” vì đã phản đối những cải cách tiến bộ. Trong khi đó, trang blog “linh đạo” Công Giáo Feinschwarz đã viết rằng “nỗi sợ thay đổi xã hội” là yếu tố thống nhất trong các quan điểm và lập trường thần học của Đức Bênêđíctô trong suốt nhiều năm.

Đối với Kelle, lời giải thích cho những vụ bêu xấu này ngay sau cái chết của Đức Bênêđíctô là điều rõ ràng.

Cô nói, “Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đại diện cho chân lý đức tin của chúng tôi. Và tôi nghĩ đó là lý do tại sao họ không muốn nhớ đến ngài và dành cho ngài sự tôn trọng mà ngài xứng đáng.”

Hanna-Barbara Gerl-Falkovitz, một triết gia người Đức và là người đoạt giải thưởng Ratzinger danh giá năm 2021, nói với tờ Register rằng việc chống đối Đức Bênêđictô XVI ở Đức đã được hỗ trợ bởi một phương tiện truyền thông “phóng chiếu hình ảnh của một vị giáo hoàng ngoan cố giáo điều — mà không cần đọc các tác phẩm thần học nổi bật của ngài”. Cô cũng nói rằng “sự ghen tị” giữa các nhà thần học người Đức khác đã khiến Đức Bênêđíctô trở thành một mục tiêu hấp dẫn, một người nào đó mà một học giả đầy tham vọng có thể liên tục tấn công để tạo dựng tên tuổi cho mình.

Rafael Vertsch, gốc Munich nhưng hiện là chủng sinh của Cộng đoàn Thánh Martin ở Pháp, đã chỉ trích điều mà thầy mô tả là những nỗ lực rõ ràng của giới truyền thông nhằm vu khống Đức Bênêđictô để phá hoại di sản của ngài.

Thầy nói với Register sau đám tang, “Mọi người cố gắng đưa ngài vào một ánh sáng tiêu cực. Tôi sẽ đi xa hơn khi nói rằng ngài được yêu mến ở mọi quốc gia hơn là ở Đức”.

Ảnh hưởng lâu dài (và trẻ trung)

Johannes Herder thừa nhận rằng Đức Bênêđíctô chắc chắn có những người chỉ trích ngài ở Đức. Nhưng ông nói với tờ Register rằng những tiếng nói này không nhất thiết đại diện cho cảm nhận của hầu hết người Công Giáo Đức về cố giáo hoàng; chúng chỉ “to hơn”, được khuếch đại thông qua các phương tiện truyền thông và các chiến thuật của nhà tranh đấu.

Ông nói, “Tôi nghĩ mọi người sẽ dần nhận ra di sản và ảnh hưởng của ngài, ngay cả những người không nhận ra điều đó ngay bây giờ”.

Julia Schumer, người đã đến Rome dự tang lễ từ Müllenbach ở miền tây nước Đức, nói rằng trong khi Đức Bênêđictô bị chỉ trích rất nhiều, thì người Công Giáo Đức “thực sự yêu mến ngài”.

Cô giải thích, “Đức Bênêđíctô là giáo hoàng của chúng tôi”.

Nicholas Brüehl, người gốc Holzkirchen, hiện đang học triết học tại Đại học Giáo hoàng Thánh Thomas Aquinas ở Rome, nói rằng Đức Bênêđíctô phục vụ như một người trung gian giữa Chúa Kitô, Đấng mà ngài nối kết qua lời cầu nguyện, và người dân Đức.

Brüehl nói với tờ Register: “Ngài hiểu sâu sắc các mầu nhiệm thần linh, và ngài đã diễn dịch điều đó sang ngôn từ của chúng tôi, sang ngôn ngữ Đức”.

Đức cố Giáo hoàng dường như được yêu mến đặc biệt trong giới trẻ Đức, những người vẫn đang thực hành đức tin Công Giáo của họ, một nhóm đặc biệt được đại diện tại Quảng trường Thánh Phêrô để dự tang lễ.

“Thế hệ Ratzinger” là tên được đặt cho phong trào của những người trẻ quan tâm sâu sắc đến tư tưởng của nhà thần học người Đức khi ngài được bầu làm giáo hoàng năm 2005, điều này đặc biệt quan trọng ở quê hương Bavaria của ngài. Nhiều người trong số những người được phỏng vấn cho câu chuyện này nói rằng tư tưởng và chứng tá của Đức Bênêđictô tiếp tục là một thứ ánh sáng hướng dẫn cho những người Công Giáo cam kết sống đức tin của họ phù hợp với truyền thống của Giáo hội giữa cuộc khủng hoảng hiện nay trong Giáo hội ở Đức.

Gerl-Falkovitz giải thích với tờ Register rằng thần học của Đức Bênêđíctô về mặt định chế sẵn sàng có ảnh hưởng đáng kể trong tương lai, ngay cả khi thế hệ lãnh đạo Giáo hội hiện tại không đánh giá cao ngài.

“Trong các chủng viện thần học, ngài ngày càng được đọc nhiều hơn, mặc dù thế hệ đàn anh vẫn giữ những thành kiến của họ”.

Người bầu cử trên thiên đàng?

Bên cạnh tác động tiềm năng sau khi chết đối với triết lý của ngài, những người Công Giáo Đức đã nói chuyện với Register cũng gợi ý một cách quan trọng khác mà Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô sẽ tiếp tục hỗ trợ các tín hữu Đức: sự can thiệp trên thiên đàng.

“Bây giờ chúng tôi có một vị thánh xuất thân từ Bavaria cầu nguyện cho chúng tôi,” chủng sinh Thánh Martin, Rafael, nói như thế, mặc dù thầy tự hỏi liệu các vùng khác của Đức có cảm thấy như vậy không.

Johannes Herder cũng cho biết ông hy vọng các tín hữu Đức sẽ hướng về Đức Bênêđíctô như một thánh quan thầy, đồng thời nói thêm rằng ông được an ủi bởi niềm tin rằng, ngay cả giữa những thời điểm khó khăn đối với Công Giáo ở Đức, một vị giáo hoàng rất quan tâm đến sức sống đức tin của Giáo Hội Công Giáo ở Đức và trên toàn bộ châu Âu trong suốt cuộc đời trần thế của ngài, chắc chắn được kết hợp với Thiên Chúa trên thiên đàng.

“Tôi biết ngay bây giờ ngài là một người chuyển cầu mạnh mẽ trên thiên đàng, bởi vì ngài là người chuyển cầu cho Giáo hội trong thập niên cuối cùng của ngài trên mặt đất”.

Mẹ của hai anh em nhà Herder, bà Erika, nói thêm rằng việc Giáo hội chưa chính thức công nhận Đức Bênêđictô XVI là một vị thánh không nên ngăn cản người Công Giáo Đức hướng về ngài trong lời cầu nguyện, đặc biệt là trước những thách đố mà Giáo hội tại quê hương ngài đang phải đối đầu.

Bà nói, “Hiện tại ngài chưa được phong thánh, nhưng chúng ta có thể cầu nguyện cho ngài. Bởi vì chúng ta cần các phép lạ”.