Chương 10: Hai nước Pháp
Lịch sử thông thường trình bày rằng Pháp đang trở thành một quốc gia thế tục (có những lúc quay trở lại chế độ quân chủ) trong thế kỷ 19—một quá trình tự do hóa và thế tục hóa chính trị cũng đi kèm với các quá trình văn hóa. Nhưng điều này, trên thực tế, khá sai lầm. Giống như nước Anh trong cùng thời kỳ, nước Pháp thế kỷ 19 cũng đã trải qua một sự nở hoa mạnh mẽ về mặt tâm linh—và một kiểu tái sinh của nền văn hóa Công Giáo. Sự hồi sinh bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân và đôi khi nghịch lý, nhưng dù sao thì nó cũng mạnh mẽ theo cách của nó. Hầu như bất cứ nỗ lực nào nhằm giải thích các yếu tố văn hóa lớn ở Pháp đều phải nhìn lại cuộc Cách mạng Pháp năm 1789, cuộc cách mạng đã tạo ra điều thường được gọi là “hai nước Pháp”, một bên là thế tục và chống Giáo hội một cách hiếu chiến, bên kia có tính Công Giáo một cách truyền thống hơn đôi khi với một nỗi nhớ thương đối với các vị vua Pháp. Mặc dù sự phân chia này đã yếu đi phần nào trong những năm cuối của thế kỷ 20, nhưng nó vẫn giúp giải thích rất nhiều điều ngay trong thế kỷ 21. Thí dụ, cuộc đàn áp bạo lực đối với Giáo hội trong thời kỳ Khủng bố và nỗ lực coi Giáo hội là một lực lượng đàn áp đã đưa ra những lập luận phản bác, đáng chú ý nhất là The Genius of Christian [thiên tài của Kitô hữu] (1802) của Chateaubriand, nhấn mạnh tới mọi nghệ thuật, thi ca, hội họa, và kiến trúc, chưa nói đến cảm giác tôn giáo cao siêu, được tạo ra bởi Công Giáo. Cách tiếp cận của Chateaubriand có tính Lãng mạn và sẽ bị một số người Công Giáo bác bỏ ngay cả khi thị hiếu đã thay đổi. Nhưng cuốn sách của ông rất có ảnh hưởng và, xuất hiện rất sớm sau Cách mạng, đã nhấn mạnh sự kiện này là Kitô giáo không suy tàn như những kẻ thù của nó giả định.
Thật vậy, thế kỷ 19, thế kỷ ít chứng kiến tư tưởng Công Giáo vĩ đại ở Pháp, đã cho thấy những khoảnh khắc quan trọng của các lòng sùng kính và hiện ra của Công Giáo mới ở Lourdes, La Salette, Rue de Bac, Paray-le-Monial, Lisieux, và một số nơi khác. Và cũng có một trào lưu văn học Công Giáo ngầm. Charles Baudelaire, tác giả khét tiếng của tuyển tập thơ mang tên Les Fleurs du mal [Những bông hoa của Thần Ác] (xuất bản lần đầu năm 1857, nhưng được thêm vào trong một số lần xuất bản tiếp theo), là nhà thơ đầu tiên trong số những nhà thơ vĩ đại của Pháp hiện đại. Ông không phải là người Công Giáo khi viết những bài thơ đó, nhưng sau đó ông đã trở thành người Công Giáo, và khi nhìn lại, chúng ta có thể thấy rằng các chủ đề tôn giáo đã hiện diện xuyên suốt tác phẩm của ông. Chẳng hạn, trong bài thơ mở đầu, “Au Lecteur” [Gửi bạn đọc] của Les fleurs du mal, tội lỗi và ma quỷ là chủ đề trung tâm:
Gửi bạn đọc
Sự điên rồ và sai lầm, tham lam và thói xấu,
Sử dụng linh hồn của chúng ta và lãng phí sức mạnh của cơ thể chúng ta.
Như những người ăn xin xác xơ ủ rận của họ,
Chúng ta nuôi dưỡng sự hối hận vô thưởng vô phạt của mình.
Tội lỗi của chúng ta cứng đầu, ăn năn của chúng ta hèn nhát.
Đối với những lời thề yếu kém của chúng ta, chúng ta đòi giá quá cao.
Tin tưởng nước mắt của chúng ta sẽ rửa sạch bản án,
Chúng ta lẻn khỏi nơi con đường lầy lội lôi cuốn.
Được ẵm bế trong vòng tay tên ác, Pháp Sư Ba lần Vĩ đại đó,
Ác quỷ, làm rung chuyển tâm hồn chúng ta, không thể cưỡng lại;
Và kim loại phong phú của ý chí chúng ta
Bị bốc hơi bởi nhà giả kim hiền triết đó.
Ma quỷ giật dây mà nhờ đó chúng ta vốn làm việc:
Bởi tất cả các đối tượng nổi loạn lôi cuốn, chúng ta trượt
Xuống Địa ngục; mỗi ngày xuống một bước nữa chúng ta bị đẩy mạnh thình lình
Không cảm thấy rùng rợn, qua những bóng râm bốc mùi.
Như kẻ khốn cùng dâm đãng cắn và hôn
Bộ ngực đầy sẹo và teo tóp của một con điếm già,
Chúng ta đánh cắp, dọc theo con đường, những hạnh phúc lén lút,
Vắt chúng, giống như những quả cam cũ, để có thêm.
Đóng gói chặt chẽ, giống như tổ ong giòi, sôi sục dày đặc
Trong bộ não của chúng ta, một loạt ma quỷ trỗi dậy.
Đi sâu vào phổi của chúng ta trong mỗi hơi thở,
Những dòng chảy chết chóc, một dòng sông vô hình, những khúc bi ca rền rĩ.
Nếu hãm hiếp hoặc đốt phá, thuốc độc hoặc dao
Đã dệt không có hoa văn đẹp mắt trong các công cụ
Của bức tranh buồn tẻ này, chúng ta chấp nhận như cuộc sống—
Là do chúng ta chưa đủ can đảm!
Trong số những con chó rừng, báo hoa mai, chó lai, vượn,
Rắn, bọ cạp, kền kền, với âm thanh địa ngục,
Ré lên, gầm rú, quằn quại, nô đùa, trườn bò, với những hình thù quái dị,
Trong bầy thú tội lỗi xấu xa của mỗi người—
Có một thứ đáng nguyền rủa hơn tất cả. Nó không bao giờ nô đùa,
Không bò, cũng không gầm, nhưng, rút lui khỏi mọi thứ khác,
Rất vui khi toàn bộ trái đất này sẽ tạo thành một hỗn loạn
Và nuốt chửng hiện sinh bằng một cái ngáp...
Nhàm chán! Nó hút ống tẩu của mình, khi mơ màng
Nghĩ tới những giá treo cổ, khóc hết nước mắt không thể dập tắt.
Có vẻ như bạn cũng biết con quái vật dễ thương này—
Hỡi bạn đọc đạo đức giả!—Bạn!—Song sinh của tôi!—Anh em tôi! (1)
Tất nhiên, việc thừa nhận tội lỗi và sự điên rồ trong bài thơ (bản dịch ở đây dựa vào bản tiếng Anh của nhà thơ người Anh và người trở lại đạo Roy Campbell) vẫn chưa phải là một tầm nhìn hoàn toàn Công Giáo. Nhưng khi các nhà văn và nhà tư tưởng vĩ đại khác của Pháp thế kỷ 19—Verlaine, Huysmans, thậm chí cả Rimbaud—suy tư về thân phận con người, quan điểm Công Giáo bắt đầu có vẻ duy thực hơn quan điểm duy tự nhiên hay duy vật. Và họ, giống như Baudelaire, đã kết cục ở bên trong Giáo Hội, hoặc dù sao vẫn rất gần.
Hiện tượng này có thể nhìn thấy rõ ràng nhất trong phản ứng đối với một nhân vật văn hóa quan trọng ở Pháp thế kỷ 19, Ernest Renan. Người ta tin rằng Renan đã rời chủng viện trong vòng vài ngày sau khi Newman trở lại đạo ở Anh—một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng lại là một sự kiện có ý nghĩa đáng kinh ngạc. Renan sẽ trở thành người ủng hộ vĩ đại cho quan điểm thế tục và khoa học về thế giới, đáng chú ý là trong cuốn sách L'avenir de la Science (Tương lai của khoa học) năm 1890 của ông, một cuốn sách đưa ra quan điểm khá chuẩn mực vào thời điểm đó, cho rằng tôn giáo là một câu chuyện ngụ ngôn được tạo ra trong giai đoạn sơ khai của loài người mà giờ đây sẽ được thay thế bằng kiến thức thực tế, cứng rắn của nghiên cứu khoa học hiện đại. Tất nhiên, tự nó, một quan điểm như vậy là hoàn toàn phi nhân bản; nó không dành chỗ nào cho những điều nhân bản nhất, bao gồm tình yêu, vẻ đẹp, sự tận tâm và tinh thần. Và trong khi Renan rất có ảnh hưởng trong một bộ phận của nền văn hóa Pháp, thì ông lại tạo ra phản ứng ở một bộ phận khác. Trên thực tế, ông đã tạo ra phản ứng trong chính gia đình mình. Ernest Psichari, cháu trai của ông, đã phản kháng và trở thành một nhà văn huyền nhiệm Công Giáo và là bạn của Charles Péguy và Jacques Maritain, mặc dù cuộc đời của ông đã bị cắt ngắn một cách bi thảm bởi cái chết của ông vào những ngày đầu của Thế chiến I. Bản thân Maritain là cháu trai của Jules Favre, một trong những thủ lĩnh của phe Cộng hòa chống Công Giáo. Vợ chồng Maritains và Péguy là những người ngưỡng mộ Henri Bergson từ rất sớm, người mà toàn bộ nỗ lực triết học của ông đã được dành để bác bỏ cách hiểu đơn thuần máy móc về thế giới (Bergson, người có dòng máu Do Thái, chỉ không trở thành người Công Giáo vào những năm 1940 vì tình đoàn kết với người Do Thái, sau đó bị bức hại ở Pháp do Đức Quốc xã chiếm đóng). Nhưng phản ứng đối với một chủ nghĩa duy vật nghiêm ngặt tất nhiên sâu rộng hơn những khác biệt gia đình này.
Người hành hương Thể Tuyệt đối
Khía cạnh văn học của truyền thống trí thức Công Giáo Pháp trong thế kỷ 20 bao gồm, như các phong trào nghệ thuật luôn làm, nhiều người và tác phẩm lập dị khác nhau, nhưng không ai kỳ lạ hơn Léon Bloy. Bloy đặc biệt đến mức khó có thể nói ông và các trước tác của ông là gì. Ông đã viết những gì có thể được gọi một cách lỏng lẻo là một vài tiểu thuyết, Le désespéré [Kẻ thất vọng] và La femme pauvre [Người Đàn bà Nghèo], cả hai đều xuất hiện trước năm 1900. Chúng có những người bảo vệ chúng, thường là trên cơ sở ngoại giao. Nhưng rõ ràng Bloy là một trong những nhân vật có ảnh hưởng mang tính bản thân hơn - chúng ta có thể nói là mang tính tiên tri - hơn là bản chất văn chương. Giống như các nhà tiên tri lớn, đôi khi dường như ông gần như phát điên (không có từ nào khác hơn), liên quan đến những suy đoán ngông cuồng, trong đó phân tích của ông về con người và xã hội dường như là một mù mờ gồm cả tôn giáo lẫn tâm bệnh học [psychopathology] thực sự, gồm cả chỉ trích xã hội nghiêm túc lẫn việc quá quan tâm tới bản thân. Ông chấp nhận nghèo khó, tự nó tốt, nhưng không tốt đối với người cha một gia đình. Hai đứa con của ông có thể đã chết vì cái túi không tiền của cha chúng. Bloy tố cáo những người không nâng đỡ ông hoặc ý tưởng của ông, nhưng ông làm tha hóa một cách thiếu suy nghĩ nhiều người có thể có và biểu lộ những dấu hiệu của loại nhân cách mà, vì những lý do không hoàn toàn rõ ràng, gần như sẵn sàng chống lại những người ngay khi họ bắt đầu biểu lộ thiện cảm và thỏa thuận.
Làm thế nào mà một nhân vật cáu kỉnh như vậy lại gây ảnh hưởng ở nước Pháp đầu thế kỷ XX? Điều đó thật khó nói. Năm 1906, ông là cha đỡ đầu cho Jacques và Raïssa Maritain khi họ gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Nhờ bước đi này, vợ chồng Maritain đã đạt được mục đích tìm kiếm một lối sống có ý nghĩa trong một thế giới mà khoa học hiện đại dường như đã cho là vô lý. Vì vậy, sự gần gũi của họ với một người đàn ông như vậy - một người giống như một nhà tiên tri trong Cựu Ước chống lại nước Pháp duy vật và nhấn mạnh thông điệp của La Salette vốn dạy rằng bàn tay báo thù của Thiên Chúa sẽ không dừng lại - có thể có liên quan gì đó với chủ nghĩa duy cảm vào thời điểm “hai đứa trẻ hai mươi tuổi”, như Maritain sau này nói. Nhưng họ mãi bị thuyết phục, bất chấp mọi bằng chứng ngược lại – một bằng chứng chỉ những phát triển theo thời gian - rằng ông là "người hành hương của thể tuyệt đối", một nhân vật đặc biệt, người, mà bằng những cách thế kỳ lạ của Thiên Chúa, vốn là tiếng nói tiên tri trong nước Pháp của thời kỳ tiền Thế chiến I.
Tất nhiên, một phần của lập trường tiên tri đó là để tố cáo chủ nghĩa xã hội vô thần đang lên trong những năm đầu thế kỷ ở Pháp, bao gồm cả chính phủ của Émile Combes, chính phủ đã phế truất Giáo hội. Nhưng Bloy, và vợ chồng Maritain, cũng nhìn Giáo Hội Công Giáo một cách nghi ngờ, bao gồm phần lớn hàng giáo sĩ và phẩm trật, vì những liên minh dai dẳng của Giáo hội với chế độ cũ, giai cấp tư sản, và quân đội chống lại người nghèo và ít nhất điều được vợ chồng Maritains coi như nhân aí, tức các phát triển xã hội và trí thức. Maritain nghĩ rằng sự kịch liệt bản thân của Bloy chống điều được Maritain gọi là “những điều không thích đáng đối với Tin Mừng” là cần thiết để đánh thức những người đã như chết đối với Tin Mừng đến nỗi những giọng điệu cân nhắc và hợp lý hơn sẽ không đến được với họ. Tuy nhiên, bạo lực của Bloy có lẽ cũng đã khiến nhiều người bỏ đi. Nhưng ông cũng gây ấn tượng với họa sĩ Công Giáo cách mạng Georges Rouault và các nhân vật văn hóa khác, bất chấp—hoặc có lẽ vì—những thông điệp về ngày tận thế của ông, cho rằng một “bi kịch chưa từng có” sắp ập xuống nước Pháp. Hai cuộc chiến tranh thế giới diễn ra sau đó trong nửa thế kỷ, nhưng Bloy dường như đã nghĩ đến một điều gì đó thậm chí còn mang tính vũ trụ và kinh thiên động địa hơn.
Đối với con mắt trần, Maritain thừa nhận, bản chất như đá lửa của Bloy giống như “một thánh đường cháy đen” với màu trắng bên trong—đối lập hoàn toàn với “ngôi mộ tô vôi trắng”. Hoặc ông là một "máng xối nhà thờ". Maritain ngưỡng mộ tình liên đới của ông với người nghèo, đặc biệt là “người nghèo giữa các quốc gia: người Do Thái”. (2) Tuy nhiên, cuốn sách của Bloy Le salut par les Juifs (Sự cứu rỗi nhờ người Do Thái) ngày nay có vẻ kỳ lạ, cho phép người Do Thái có một vị trí đặc biệt trong lịch sử, nhưng đặc biệt ở chỗ chính họ trong lịch sử luôn đóng đinh “đồng tiền”, là máu của người nghèo, và phần nào cả Chúa Giêsu nữa. Việc các hình ảnh và ẩn dụ chuyển từ danh mục khái niệm này sang danh mục khái niệm nọ khiến tất cả các cuốn sách của ông đều gây khó chịu đối với người đọc. Trong một trường hợp khét tiếng khác, Bloy đã đồng nhất cơ quan sinh dục nữ với thiên đường và Thập giá với dương vật của nam giới, dễ hiểu là làm dấy lên những tiếng kêu phẫn nộ từ người Công Giáo. (3)
Tuy nhiên, chính lời kêu gọi bản thân và đôi khi những câu nói sâu sắc đó đây về tâm linh, đối với một số độc giả và người quen, đã mang lại cho ông sức mạnh thuyết phục trong tư cách “người hành hương Thể tuyệt đối”, một cụm từ có thể khiến hầu hết mọi người chế giễu. Chẳng hạn, Graham Greene đã đặt một trong những câu nói của Bloy làm đề từ (epigraph) cho cuốn The End of the Affair: “Con người có những chỗ trong trái tim mình nhưng chưa hiện hữu, và đau khổ đã vào trong đó, để chúng có thể hiện hữu.” Và ông đã dự ứng nhiều thế hệ người Công Giáo sẽ đến: “Ngày nay chúng ta cần các tông đồ, không phải những người tham dự hội nghị; các nhân chứng, không phải những người ăn nói khoa trương” Câu nói được trích dẫn nhiều nhất của ông đã trở thành một câu ngạn ngữ Công Giáo hiện đại: “Chỉ có một bi kịch: đó là không làm một vị thánh.”
Một người có thể viết được như thế, dù chỉ ngắn ngủi giữa nhiều điều kém sáng sủa, đã có một đời sống thiêng liêng thực sự. Ngay cả Jacques Maritain đầy ngưỡng mộ cũng thừa nhận rằng trong quá trình tìm kiếm công lý tuyệt đối, Bloy đôi khi bất công với các cá nhân, những người mà ông gần như tự động biến thành biểu tượng cho mối bận tâm tôn giáo của mình, (4) một thủ tục khắt khe từng có những kẻ thực hành trong số các nhà ý thức hệ thế tục trong cả thế kỷ XX, với những hậu khá đẫm máu. May mắn thay, có những người khác cũng kịch liệt như Bloy về tình trạng thiếu bác ái trong thế giới hiện đại nhưng họ cũng đủ khéo léo để có thể thu hút sự chú ý của một số độc giả rộng lớn hơn.
“từ Dostoyevsky chưa có ai...”
Có lẽ nhân vật văn hóa và văn học Công Giáo quan trọng nhất vào đầu thế kỷ 20 là người Công Giáo Pháp, trở thành nhà duy xã hội (thuộc loại độc đáo), trở thành—bằng một loại “đào sâu”— nhà duy xã hội Công Giáo (thuộc loại thậm chí còn khác thường hơn), đó là Charles Péguy (1873—1914). Một số người ở các quốc gia nói tiếng Anh có thể nghĩ rằng G. K. Chesterton xứng đáng với vị trí đó. Cả hai có chung một số đặc điểm, như sẽ xuất hiện ở bên dưới, nhưng có những cách trong đó, Péguy sở hữu một phạm vi trí thức và tâm linh lớn hơn. Thí dụ, theo một nghĩa nào đó, cả hai đều là những người trở lại đạo, nhưng Chesterton coi Công Giáo chủ yếu là sự lành mạnh [sanity] — liều thuốc giải độc cho sự điên rồ và rối loạn của chủ nghĩa hoài nghi cấp tiến như ông thấy chủ yếu ở Anh. Ngược lại, Péguy coi Kitô giáo là sự nối dài tình liên đới trần thế vào chính cõi vĩnh hằng. Ông không quan tâm nhiều đến chủ nghĩa hoài nghi, điều này không ảnh hưởng nhiều đến ông so với nhu cầu liên đới. Như ông đã từng tóm tắt một cách ngắn gọn những biện pháp bảo vệ đức tin hiện đại: “Không phải các luận điểm thiếu sót. Mà là đức ái... Tất cả những lập luận giả khoa học sẽ chẳng là gì, sẽ chẳng có trọng lượng gì, nếu có một chút đức ái.” (5) Đời sống và công việc của ông tạo thành một bằng chứng thống nhất cho sự chính trực và tính Công Giáo, theo mọi ý nghĩa của từ ngữ này. Ông đã giải quyết, theo kiểu thời trang, sự phân rẽ giữa “hai nước Pháp”, Cộng hòa và Công Giáo. Đáng chú ý hơn nữa, ông đã trình bày một viễn kiến đem lại với nhau cuộc sống ở thế giới này và ở thế giới tiếp theo, một điều không có song hành trong nền văn hóa Công Giáo hiện đại.
Giống như Chesterton, Péguy sáng tác nhiều một cách đáng kinh ngạc và đồng thời là một thiên tài phi khuôn phép vĩ đại. Và, giống như Chesterton, xét theo tiêu chuẩn thuần túy văn học, ông có thể đứng hơi thấp hơn trong văn học thời kỳ này so với các nhà thơ Công Giáo vĩ đại như Paul Claudel hay các tiểu thuyết gia vĩ đại như François Mauriac chẳng hạn. Nhưng về chiều sâu tâm linh và trực giác độc đáo, ông không có đối thủ. Giống như nhiều nhân vật khác trước Công đồng Vatican II, ông bị nền văn hóa thế tục đương thời bỏ quên vì những lý do chính trị và tôn giáo phức tạp, mặc dù các nhà lãnh đạo văn hóa lớn tuổi của Pháp đã bị ông thôi miên và một số trí thức Pháp đương thời đã tái khám phá ra cái nhìn sâu sắc của ông về các vấn đề hiện đại như một lời tiên tri, tuy khó có thể nắm được trong chính tính hiện đại. (6) Những bộ óc có năng khiếu tự khác biệt như triết gia người Pháp Gabriel Marcel, nhà thần học người Thụy Sĩ Hans Urs von Balthasar, và nhà thơ người Anh Geoffrey Hill đã cố gắng trong việc giúp nhiều độc giả khác nhau tiếp xúc với tinh thần vĩ đại của ông. (7) Thực thế, cuộc đời của Péguy là một bằng chứng mạnh mẽ cho thấy một tinh thần và trái tim vĩ đại vượt trội hơn cả một thiên tài đơn thuần. Khi các điều kiện văn hóa thay đổi, một ngày nào đó Péguy có thể được công nhận là một nhân vật thuộc cỡ Kierkegaard hoặc Newman, và có lẽ còn hơn thế nữa. Alain-Fournier, tác giả của cuốn tiểu thuyết cổ điển Pháp Le grand Meaulnes, người đã chết trong trận chiến gần như cùng ngày với Péguy trong Thế chiến thứ nhất, bày tỏ cảm nghĩ của nhiều người cùng thời với ông: “Tôi nói, biết những gì tôi đang nói, rằng kể từ Dostoievsky, chưa có một người nào rõ ràng là người của Thiên Chúa như vậy.” (8)
Trả giá
Péguy bị giết bởi một viên đạn xuyên qua đầu trong Trận chiến Marne năm 1914. Ông mới bốn mươi tuổi và đã đoán trước được cái chết của mình trong một đoạn trong bài sử thi dài Eve (Evà), bài thơ sau này đã trở thành một mục phổ biến trong các tuyển tập thơ tiếng Pháp:
Phúc thay những người mà trận đại chiến để lại
Nằm dài trên mặt đất trước nhan Thiên Chúa,
Phúc thay những cuộc đời mà chiến tranh vừa xóa sổ,
Phúc thay lúa mì chín vàng, lúa mì được thu thành bó.
Đó là một kết thúc bi hùng cho một cuộc đời anh dũng.
Péguy không bao giờ là một nhà văn đơn thuần - kiểu nhà tư tưởng mà đôi khi ông gọi là "người theo chủ nghĩa trừu tượng khôn khéo" hay "nhà trí thức" - nghĩa là, một người đứng bên ngoài cuộc đời như một nhà quan sát siêu đẳng nào đó. Thậm chí ông còn bác bỏ cuốn thơ tuyệt vời Thần Kịch của Dante vì ông tin - một cách sai lầm, các học trò của Dante sẽ cho như thế - rằng Dante đã đi qua Địa ngục, Luyện ngục và Thiên đường như một loại khách du lịch, đích thân không liên hệ đến số phận của những linh hồn mà ông ta gặp ở thế giới bên kia, và không cảm thức tình liên đới nào với họ. Mặc dù phán đoán này là sai lầm, nhưng Péguy đã mạo hiểm bản thân, vợ con và “kho tàng đầu tiên... sự bình yên của tâm hồn” cho sự thật, và sự thật không chỉ là một khái niệm, mà là một sự gắn kết sống động với thực tại. Trong thực tại này, ông đã khai triển một số sự thật từ kinh nghiệm của chính mình và từ những quan niệm mà ông đã gặp khi tham dự các khóa giảng nổi tiếng của Bergson tại Sorbonne trong những năm đầu tiên của thế kỷ XX.
Như chúng ta đã thấy trong chương mở đầu của cuốn sách này, Jacques và Raïssa Maritain đã tham dự cùng những khóa giảng đó để thoát khỏi sự hiểu biết duy vật về thế giới dẫn đến tuyệt vọng. Ngược lại, Péguy cảm thấy ít bị hệ tư tưởng duy vật đe dọa hơn có lẽ vì ông có một mối quan hệ tự nhiên với cảm thức của Bergson về bản chất năng động của hiện hữu trái ngược với những khái niệm trừu tượng tĩnh tụ. Rõ ràng đó là một vấn đề của những tinh thần đồng cảm hơn là thỏa thuận trí thức. Bergson từng nói về ông: “Ông ấy có một năng khiếu kỳ diệu là vượt ra ngoài tính vật chất của các hữu thể, vượt ra ngoài nó và thâm nhập vào tâm hồn. Do đó, chính ông ấy là người biết suy nghĩ thầm kín nhất của tôi, như tôi chưa bao giờ bày tỏ nó, như tôi muốn bày tỏ nó.” (9)
Péguy đã không học được từ Bergson một tập hợp các ý tưởng có thể được phân tích và tranh luận, hoặc “đưa vào thực hành”. Tất cả những điều đó là điều mà Jacques Maritain sẽ đề cập - và nói chung là thấy thiếu sót - về công trình triết học của bậc thầy vĩ đại này. Thay vào đó, dưới bàn tay của Péguy, các trực giác trung tâm của Bergson nảy nở thành một cam kết trong cuộc sống. Thí dụ, một lần khi Georges Sorel đang đưa ra quan điểm trong cửa hàng nơi Péguy sản xuất tạp chí Cahiers de la quinzaine của mình, Péguy đã ngắt lời: “Bạn nói đúng, nhưng người ta không có quyền đúng trừ khi người đó đích thân trả giá cho việc chứng minh tính đúng đắn của sự thật.” (10) Nói cách khác (và theo những cách thậm chí còn vượt xa hơn một chút so với sự phân biệt nổi tiếng của Đức Hồng Y Newman giữa sự thật “chiểu danh” và sự thật “có thực chất”), sự thật đòi hỏi sự cam kết—và hành động của bản thân. Khi đọc Péguy, bạn không chỉ đơn thuần dõi theo một chuỗi từ ngữ hay theo một chuỗi suy luận, mà bạn bước vào dòng chảy sôi nổi của cuộc sống.
Ông sinh năm 1873 gần Orléans và lớn lên với mẹ và bà ngoại nói chung mù chữ (cha ông mất trong năm đầu tiên đời ông). Họ kiếm sống bằng nghề đan mây lại các chiếc ghế mười sáu giờ một ngày, bảy ngày một tuần. Péguy đã học nghề và cũng đã giúp đỡ, ngay từ khi còn ở tuổi thiếu niên, với các vụ thu hoạch hàng năm trong vùng. Lúc đầu, ông đi theo một hành trì điển hình: mất niềm tin vào tuổi thiếu niên để đi theo một kiểu chủ nghĩa xã hội không tưởng. Mặc dù đã bộc lộ năng khiếu tuyệt vời ngay từ khi mới nhập học, Péguy gần gũi với một nông dân như bất cứ nhân vật văn học hay trí thức lớn nào từng sống. Một phần thiên tài của ông nằm ở chỗ bám vào những chân lý nhân bản đơn giản cả khi đã chuyển sang các phức tạp của đức tin và lý trí và một loạt câu hỏi nảy sinh từ toàn bộ thế giới hiện đại. Duy sức mạnh của bộ óc đã đưa ông đến Trường Cao Đẳng Sư Phạm (École normale supérieure) và Sorbonne, đỉnh cao của hệ thống giáo dục Pháp. Nhưng ngoại trừ một số hoạt động vì mục đích chính trị, ông sẽ sống một cuộc đời phần lớn không biến động – ít nhất là theo cách mà hầu hết mọi người quan niệm về các biến cố. Hoạt động của ông bao gồm một nỗ lực trên phạm vi rộng nhằm phục hồi một đời sống vật chất và tinh thần đích thực từ những lớp vỏ thói quen khác nhau khiến việc tìm kiếm nó trong thế giới hiện đại trở nên khó khăn, ngay cả đối với những người đơn giản. Bất chấp sự đơn giản liên tục trong lời nói của ông, chúng có một sự sáng chói và uy quyền dường như làm hồi sinh chính trị, huyền nhiệm học, chiến tranh, hòa bình, tình yêu, danh dự và cái chết. Nơi ông, những tầng sâu phi thời gian của quá khứ cổ điển và Kitô giáo bỗng tìm thấy một tiếng nói mới, đồng thời cũng là một thông điệp mang tính tiên tri và cấp thiết cho hiện tại.
Khi còn trẻ ở Orléans, Péguy bị thu hút bởi những người lao động và nông dân giản dị, những người quan tâm đến tự do và học tập, ngay cả khi họ phải theo đuổi chúng vào buổi tối sau nhiều giờ làm việc: “Tôi coi là một phúc lành bản thân khi được biết, trong tuổi trẻ sớm nhất của tôi, một số trong những người cộng hòa cũ đó; những người đàn ông đáng ngưỡng mộ; khó khăn với chính họ; và tốt cho các biến cố; qua họ, tôi đã học được ý nghĩa của việc có một lương tâm trong sáng và ngay thẳng.” (11) Một số trí thức vô tư đã tranh luận về việc liệu bức chân dung hoa lệ của ông về nước Pháp cũ có chính xác hay không. Péguy cũng hoài nghi như bất cứ ai về những tưởng tượng lãng mạn, nhưng ông ở đó để làm chứng rằng những người như vậy đã từng hiện hữu và cách đây không lâu.
Trong một đoạn văn đáng chú ý được viết vào lúc gần cuối đời, Péguy mô tả một thế giới mà ông cho là đã đích thân biết đến. Dường như ông đã dự đoán một điều gì đó sâu sắc về sự chuyển đổi từ nước Pháp truyền thống sang nước Pháp hiện đại, và cách ông trình bày điều đó thật khó quên:
Chúng tôi đã biết, chúng tôi đã chạm vào nước Pháp đã qua và chúng tôi đã biết nó nguyên vẹn. Chúng tôi đã từng là con của nó.— Chúng tôi sẽ cố gắng trình bày điều này nếu có thể.— Kể từ khi có Chúa Giêsu Kitô, thế giới đã thay đổi ít hơn so với ba mươi năm qua [Péguy viết năm 1913]. Có thời cổ xưa (và thời của Kinh thánh). Có thời đại Kitô giáo. Có thời hiện đại. Cả sau chiến tranh [1870, Chiến tranh Pháp-Phổ], một trang trại ở vùng quê Beauce vẫn giống một trang trại thời Pháp-La Mã hơn rất nhiều so với chính trang trại này ngày nay. Hay đúng hơn, trang trại này giống như chính bản ngã Pháp-La Mã của nó, về phong tục, quy định, sự nghiêm túc, trọng lực, trong chính cấu trúc, định chế và phẩm giá. (Và thậm chí, về căn bản, nó gần với một trang trại vào thời Xenophon.) Chúng tôi sẽ cố gắng giải thích điều này. Chúng ta từng biết có một thời khi, một người phụ nữ đơn giản nói một lời nào đó, thì chính chủng tộc của nàng, con người nàng, dân tộc nàng, nói lời vừa phát ra. Và khi một người thợ châm điếu thuốc của họ, điều anh ta định nói với bạn không phải là điều mà một nhà báo đã nói trước trong tờ báo sáng hôm đó. Những người có tư tưởng tự do thời đó có tinh thần Kitô giáo nhiều hơn những người sùng đạo của chúng ta ngày nay. Một giáo xứ trung bình vào thời điểm đó vô cùng gần với một giáo xứ thế kỷ mười lăm-, hoặc một giáo xứ của thế kỷ thứ tư—hoặc chúng ta hãy nói một giáo xứ thế kỷ thứ năm hoặc thứ tám— hơn một trong những giáo xứ ngày nay của chúng ta....
Chúng ta sẽ không bao giờ biết được mức độ thực sự của sự tề chỉnh và trung thực trong tâm hồn của dân tộc này. Sự tinh tế như vậy, nền văn hóa sâu sắc như vậy sẽ không bao giờ được tìm thấy nữa. Một sự tinh tế và thận trọng trong ngôn từ cũng thế. Những con người thời đó sẽ đỏ mặt vì giọng điệu hay nhất của chúng ta ngày nay, đó là giọng điệu tư sản. Còn ngày nay, ai cũng là tư sản. (12)
Nhiều người ngày nay vô tình viện dẫn “nhân dân” và xã hội dân sự như một đối trọng đối với nhiều điều sai trái trong thế giới hiện đại. Có lẽ Péguy sẽ đồng ý, nhưng ông không nói về con người một cách bất cẩn và hời hợt của các phương tiện truyền thông hiện đại. Đối với ông, những nhân đức phổ biến trước đây- khi thực sự có những nhân đức như vậy- có mối liên hệ cụ thể với những đỉnh cao của cả văn hóa cổ điển và Kitô giáo, hai cực mà nhiều người cho là đã chia rẽ nước Pháp hiện đại. Péguy có một quan điểm rất khác. Chẳng hạn, trong một tiểu luận đáng chú ý, Les suppliants parallèles (Những người khẩn cầu song hành), ông cho thấy những song hành cao qúi giữa những lời thỉnh cầu mà các công nhân Nga đã đệ trình lên Sa hoàng trong tư cách các thần dân Kitô hữu vào năm 1905 và những đoạn hợp xướng của Oedipus Rex, vở bi kịch Hy Lạp cổ đại của Sophocles. (13) Không có lòng trung thành—một thuật ngữ chủ chốt trong từ vựng của Péguy—đối với sự cao quí nhân bản có thể có trong mọi tầng lớp xã hội, thì ngay cả nông dân và công nhân cũng sẽ trở nên đồi bại. (14) Thật vậy, một trong những mối bận tâm chính của ông là chính người dân Pháp đang trở nên đồi bại. Và chính “giới trí thức”, theo nghĩa một tầng lớp ưu tú văn hóa và trí thức không tin vào điều gì cao hơn sự ưu việt và tiện nghi vật chất của chính mình, đã góp phần gây ra sự đồi bại đó của người dân Pháp.
Điểm đặc trưng của Péguy là ông không đặt nguyên nhân của sự đồi bại này ở nơi mà những người khác thường đặt, tức trong những biến động kinh tế hoặc chính trị quy mô lớn vốn được coi như tiêu chuẩn. Đối với ông, Cách mạng Pháp, một khi đã ổn định trở thành các nguyên tắc cổ điển của nền Cộng hòa, không đối lập với Nước Pháp Cổ hay Kitô giáo như nhiều người vẫn nghĩ. Những nhà huyền nhiệm, vốn đại khái là cảm hứng lý tưởng của mỗi người, rất gần gũi nhau. Nhưng các nền chính trị, các việc đào tạo chính trị, một khi cứng ngắc xung quanh mỗi nhà huyền nhiệm, có thể trở thành kẻ thù mù quáng và cay đắng. Tất cả các nhà huyền nhiệm đều phát triển khía cạnh trần thế trong nền chính trị của họ, nhưng sẽ đến một điểm, giữa các Kitô hữu hoặc những người chủ trương nền Cộng hòa, khi tinh thần đảng phái chiếm ưu thế: “Toàn bộ điểm này (điều đáng kể), điều cốt yếu, là trong mỗi trật tự, trong mỗi hệ thống, người huyền nhiệm [the mystique) không nên bị nuốt chửng bởi chính trị mà mình đã sinh ra.”(15) Khi điều đó xảy ra, nhân tính sâu sắc chung của tất cả những nhà huyền nhiệm vĩ đại sẽ mất đi, và các chính trị gia và trí thức - những người không có mối liên hệ hữu cơ với người dân, vốn là nguồn thực sự của sự vĩ đại—chiếm ưu thế. Sự chia rẽ đó đã trở thành tai ương của nước Pháp.
Ông có một quan điểm có tính giáo dục và hài hước về sự chia rẽ:
Trên thực tế, những bậc thầy tốt lành của chúng ta ở trường tiểu học đã nói với chúng ta rằng, cho đến ngày 1 tháng 1 năm 1789 (giờ Paris), nước Pháp cũ kỹ nghèo nàn của chúng ta là vực thẳm của bóng tối và sự ngu dốt, của những đau khổ kinh hoàng, của sự man rợ thô bạo (thực tế là, họ chỉ làm công việc của họ, dạy bài học của họ), và tốt đến mức bạn khó có thể tin được: vào ngày 1 tháng 1 năm 1789, đèn điện được lắp đặt ở khắp mọi nơi. Những đối thủ tốt lành của chúng ta trong Trường [Công Giáo] đối diện đã nói với chúng ta, nói một cách đại khái, rằng cho đến ngày đầu tiên của tháng Giêng năm 1789, mặt trời của thiên nhiên đang chiếu sáng; kể từ ngày đầu tiên của tháng Giêng năm 1789, chúng ta chỉ có ánh sáng điện.(16)
Trong bầu không khí ý thức hệ sôi nổi của “hai nước Pháp”, ông kêu gọi một lý tưởng chung:
Cuộc tranh luận không phải giữa một chế độ cũ, một nước Pháp cũ, được cho là đã kết thúc vào năm 1789, và một nước Pháp mới, được cho là bắt đầu từ năm 1789. Cuộc chiến diễn ra sâu sắc hơn nhiều. Nó nằm giữa toàn bộ nước Pháp cũ, nước Pháp ngoại giáo (thời Phục hưng, các khoa nhân văn, văn hóa, chữ cổ và chữ hiện đại, tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh và tiếng Pháp), nước Pháp Kitô giáo, truyền thống và cách mạng, duy quân chủ, duy bảo hoàng và cộng hòa—và mặt khác, ở phía bên kia, phía đối lập, sự thống trị của một hình thức tư tưởng sơ đẳng, căn bản nào đó, được thành lập vào khoảng năm 1881, không phải là Cộng hòa mặc dù tự gọi mình là Cộng hòa, là kẻ ăn bám của Cộng hòa và đúng là nói lên sự thống trị của đảng trí thức.
Cuộc tranh luận không phải giữa anh hùng và thánh nhân; cuộc tranh đấu chống lại trí thức, những kẻ khinh miệt cả anh hùng lẫn thánh nhân ngang nhau.
Việc lập luận không ở giữa hai trật tự của sự vĩ đại. Cuộc đấu tranh diễn ra giữa những người ghét chính sự vĩ đại, những người ghét cả điều này lẫn điều kia bằng nhau, những người tự biến mình thành người ủng hộ chính thức tất cả những gì thấp hèn, nhỏ nhen và hèn hạ. (17)
Ông lập luận rằng vào khoảng năm 1881, niềm tự hào cũ về sự chăm làm, năng suất và tay nghề thủ công đã bắt đầu biến mất ngay cả trong các trang trại và xưởng thợ. Mặc dù Péguy là một nhà hoạt động vì công nhân, nhưng ông phản đối cách làm mới của các nhóm lao động chính thức là đòi mức thù lao cao nhất cho một công việc ít nhất và thậm chí, một điều không thể tưởng tượng được trong hệ thống cũ, là phá hủy các công cụ và máy móc trong các cuộc đình công. Ông tuyên bố, cả Giáo hội và Cộng hòa đã góp phần gây ra thảm họa xã hội này khi họ tấn công lẫn nhau một cách sai lầm và bằng chủ nghĩa duy trí thức thay vì tinh thần liên đới thực sự. Đối với Péguy, các nhân đức đích thực của Công Giáo và Cộng hòa thực sự là những thành tựu song hành, một mặt tạo ra các vị thánh và mặt khác tạo ra các anh hùng. Ông cảnh báo, sự suy tàn của Kitô giáo là một phần của cùng một tinh thần xấu xa dẫn đến sự suy tàn của nền Cộng hòa, của nền giáo dục, việc làm và của chính người dân Pháp.
Năm 1900, Péguy thành lập một tạp chí, Cahiers de la quinzaine, như một diễn đàn để bày tỏ sự thật một cách tự do, bởi vì, như ông giải thích, “con người không nói ra sự thật khi biết sự thật sẽ trở thành đồng phạm của những kẻ dối trá và gian lận.” (18) Đối với Péguy, gốc rễ của bất cứ nhà huyền nhiệm nào cũng hệ ở việc vẫn trung thành với sự thật và công lý bất chấp các cam kết đảng phái. Họ bác bỏ việc áp đặt một quan điểm chính thống ngay cả đối với các nhà văn của Cahiers de la quinzaine, tờ báo với tư cách là một tạp chí đích thực thực hành quyền tự do có quan điểm bằng cách cho phép những người đóng góp bày tỏ quan điểm không phải của mình: “Một tạp chí chỉ tiếp tục có sức sống trong đó bao lâu, mỗi vấn đề đều làm phiền ít nhất một phần năm số người đăng ký mua nó. Công lý nằm ở chỗ nhìn thấy rằng phần năm này không phải lúc nào cũng y như thế.” (19) Và ngay cả khi còn là một nhà duy xã hội trẻ tuổi, ông đã phản đối khi một đại hội duy xã hội yêu cầu các ấn phẩm không được đưa ra những tài liệu có thể gây hại cho đảng. Không có sự ủng hộ từ cánh hữu hoặc cánh tả trong một nước Pháp ý thức hệ gay gắt, lòng trung thành của ông đã dẫn đến sự bách hại, một niềm thống khổ giống như Chúa Kitô, và sự bóp nghẹt kinh tế dần dần của ông và của vợ con ông bởi các thế lực đã được thiết lập.
Hans Urs von Balthasar dành 120 trang kết luận của tập thứ ba trong cuốn Mỹ Thần học của ngài cho Péguy, gợi ý rằng “cách thức” của Péguy để kết hợp giữa vật chất và vĩnh cửu, xác thịt và tinh thần, giáo sĩ và phản giáo sĩ, Công Giáo và Cộng hòa, chính trị và huyền nhiệm, và một số cặp dường như đối lập khác là chủ yếu đối với sự phục hồi đích thực của Kitô giáo nhập thể trong thế giới hiện đại. Theo quan điểm của von Balthasar, Péguy có thể đạt được sự thống nhất như vậy bởi vì ông hoạt động ở một chiều sâu tâm linh tuyệt vời, vượt xa mọi đối lập hời hợt, nơi sự hội tụ trở thành khả hữu. Điều này còn hơn cả cách mô tả phổ biến của những người duy hiện đại về các chân lý bổ sung như “ở trong tình trạng căng thẳng”, thậm chí còn hơn cả “những nghịch lý Kitô giáo” của Chesterton. Nó dẫn đến một lĩnh vực ít nhất cũng có thể gợi ý về tính đơn nhất [oneness] nguyên thủy của Thiên Chúa phía sau tính đa nguyên của thế giới tạo dựng.
Ngoài ra, von Balthasar nhận thấy ở Péguy một trong những mối bận tâm sâu sắc nhất của chính ông: khôi phục niềm hy vọng như một nhân đức đối thần thậm chí có thể gợi ý khả thể cứu rỗi phổ quát—một cité harmonieuse [Kinh thành hoà điệu] trải dài khắp toàn bộ tự nhiên và siêu nhiên mà không một ai bị loại trừ, bất chấp tội nhân nặng nề đến đâu. (20) Một trở ngại lớn về Kitô giáo đối với chàng trai trẻ Péguy là học thuyết về địa ngục, rõ ràng là bắt nguồn từ chính Chúa Giêsu và không thể bị bác bỏ một cách nhẹ nhàng hoặc nghiêm trọng. Péguy trở thành một trong số những nhân vật Công Giáo hàng đầu trong thế kỷ 20 xuất hiện để bày tỏ niềm hy vọng rằng địa ngục, với những hình phạt vĩnh viễn, mặc dù là một số phận có thể xảy ra, trên thực tế có thể không có dân cư nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa.
Péguy không hề nhún nhường trong những tuyên bố về tầm quan trọng của mình trong lịch sử tôn giáo Pháp. Như ông từng viết cho một người bạn sau khi “đào sâu” dẫn đến việc ông công khai trở lại Công Giáo: “Cuộc sống của tôi không phải là cuộc sống bình thường. Cuộc sống tôi là một ván đánh cuộc. Ở bình diện sâu sắc nhất, có một sự phục hưng Công Giáo đang tiến đến chỗ thành toàn thông qua tôi. Người ta phải thấy điều này như chính nó là và giữ vững lập trường của mình. Tôi là kẻ có tội. Tôi không phải là một vị thánh. Bạn có thể nhận ra một vị thánh ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tôi là một tội nhân tốt lành. Một nhân chứng. Một Kitô hữu trong giáo xứ, một tội nhân, nhưng là người sở hữu kho tàng ân sủng.” (21) Có những người khác đã đóng góp vào sự phục hưng này của nước Pháp. Nhưng trong thời hiện đại, chỉ có Péguy, cả trong cuộc sống và công việc của mình, thực sự cung hiến cơ hội mang “hai nước Pháp” lại với nhau, Cộng hòa và Công Giáo.
Một dấu hiệu của quyền lực này là ông đã được tuyên bố vào thế kỷ 20 bởi cả Cánh tả lẫn Cánh hữu chính trị Pháp. Thậm chí, ông có thể được cho là đã vượt qua một cách quan trọng (hoặc ít nhất là đã chỉ ra các giải pháp khả hữu) sự rạn nứt giữa quá khứ và hiện tại của nước Pháp, điều mà theo viễn kiến của ông thể hiện một cuộc khủng hoảng song song với sự rạn nứt trong truyền thống Cộng hòa hiện đại và trong chính Kitô giáo. Chẳng hạn, ông nói về Vụ án Dreyfus như một vụ án bộc lộ sự khủng hoảng hoặc rạn nứt trong ba nền huyền nhiệm: Do Thái giáo, Kitô giáo và Pháp. Khi người Công Giáo kịch liệt buộc tội Dreyfus vì họ bài Do Thái vào thời điểm đó, họ đã phản bội nền huyền nhiệm Công Giáo, vốn thực sự bắt nguồn từ Do Thái giáo. Tương tự như vậy, khi chính phủ duy Xã hội của Émile Combes (một cựu chủng sinh cay đắng và mù quáng) đàn áp các dòng tu, tịch thu tài sản, và gây khó khăn cho các trường Công Giáo hoạt động, như đã làm sau năm 1905, nó đang phản bội chính nền huyền nhiệm của chính nền Cộng hòa của nó.
Sự công bằng và trung thực căn bản này giúp giải thích cho sức hấp dẫn rộng rãi của ông vượt ra ngoài ranh giới đảng phái thông thường, một điều gần như độc nhất vô nhị ở một quốc gia như Pháp. Trong thập niên 1940, khi Jacques Maritain đang truyền thông điệp vô tuyến tới nước Pháp do Đức Quốc xã chiếm đóng từ New York, ông đã nhắc đến tên Péguy. Maritain đã từng làm việc cho Péguy khi còn trẻ ở Paris. Ông lên tiếng cả từ một quen biết bản thân lẫn từ một đánh giá đúng đắn về tinh thần anh hùng của Péguy khi gọi nước Pháp là “vùng đất cổ của Gioana thành Arc và Péguy” và người Pháp như “những người bạn đồng hành của Joinville và Péguy, những người dân của Gioana thành Arc”. Tại London, Charles de Gaulle cũng đưa ra những lời kêu gọi tương tự và bắt đầu cũng như kết thúc hồi ký của mình bằng những câu trích dẫn từ Péguy. Việc người Pháp tôn vinh Péguy trong một thời điểm quan trọng như vậy đã giúp đưa tên tuổi của ông đến với phần còn lại của Châu Âu và quá đó nữa. Ở Mỹ, những tuyển tập và bản dịch của Julien Green từ Péguy— Basic Verities and Men and Saints [Những Chân lý Căn Bản và Các Con Người Cùng Các Thánh]—xuất hiện ngay sau chiến tranh. Green đã thực hiện một công việc dẫn nhập xuất sắc (và giữ đúng thứ tiếng Pháp có một không hai của Péguy trên các trang đối diện với bản dịch), nhưng tác phẩm của ông cũng có thể tạo ra những ấn tượng sai lầm nào đó.
Những đoạn văn ngắn mà Green chọn có thể tạo ấn tượng Péguy là một nhà văn viết cách ngôn giống như Chesterton:
Cuộc cách mạng xã hội sẽ hợp luân, hoặc nó sẽ không hợp luân. (22)
Bạo quyền luôn được tổ chức tốt hơn tự do. (23)
Chỉ có một Mệnh Phụ trên thế giới đã gây ra nhiều chiến tranh hơn là bất công: và đó là công lý. (24)
Ngày hôm nay, tất cả chúng ta đều sẵn sàng thực hiện một vai trò người khác không có khả năng thực hiện [stand on the breach]. Tất cả chúng ta đều đóng quân ở biên cương. Biên cương ở khắp mọi nơi. (25)
Tội nhân nằm ở chính tâm điểm của Kitô giáo. (26)
Homer mới mẻ vào sáng nay và có lẽ không gì cũ bằng tờ báo hôm nay. (27)
Mọi thứ đều bắt đầu từ nền huyền nhiệm và kết thúc trong chính trị. (28)
Điều này hoàn toàn tốt đẹp và tốt lành, và nhiều câu nói trong số này đã trở thành nổi tiếng ngay cả với những người chưa bao giờ đọc Péguy. Nhưng ông cũng cần được đọc trong thời gian dài hơn để thấy sức mạnh tuyệt đối và quỹ đạo thiên tài của ông. Thật vậy, tất cả tác phẩm của ông— từ những tiểu luận đầu tiên đến những bài thơ và cuốn sách cuối cùng — đều được đặc trưng bởi chất lượng mê hoặc, thần chú chỉ thỉnh thoảng được điểm xuyết bằng những câu nói súc tích.