Chương 9: Sự tươi mát sâu thẳm của sự vật: Cuộc phục hưng văn học Công Giáo (tiếp theo)
G. K. Chesterton: Người Công Giáo viết theo văn phong Dickens
Nhu cầu đổi mới Kitô giáo để cứu thế giới đã được đưa ra theo cách thậm chí còn đáng chú ý và ồn ào hơn bởi người đồng chí của Belloc, G. K. Chesterton, một trong những người hài hước tài năng nhất của thế kỷ XX. Trong khi Belloc phần lớn lập luận rằng “điều” Công Giáo là một sự sửa chữa đơn giản cho nhiều sai lầm khác nhau, thì Chesterton thường coi Công Giáo bao gồm một loạt nghịch lý: nhất là ở sự kiện, vì Thiên Chúa đã tạo ra thế giới, đặt con người vào trong những điều kỳ diệu của nó, và tự mình trở thành con người để chỉ cho chúng ta con đường trở về cuộc sống đích thực, cuộc sống bình thường hàng ngày trở thành một cuộc phiêu lưu thú vị, không thể đoán trước, và có tính phổ quát. Mãi đến năm 1922, Chesterton mới trở lại đạo Công Giáo, nhưng ngay từ tác phẩm đầu tiên của mình, ông đã nói một cách khái quát về Công Giáo như là sự kết hợp hai điều dường như không liên quan với nhau: sự lành mạnh [sanity] và sự thánh thiện.
Nhận thức đó bắt nguồn từ chính cuộc đời ông. ông đã bộc lộ những năng khiếu nghệ thuật đáng kể từ khá sớm và theo học nghệ thuật tại Trường Slade của London (sau này Belloc sẽ yêu cầu ông vẽ minh họa cho những cuốn sách của mình, điều mà Chesterton đã làm, chớp nhoáng tạo ra những bức vẽ ăn khớp với lời lẽ của Belloc gần như một trò đùa). Trong trường nghệ thuật, ông tuyên bố, ông và các sinh viên khác la cà một cách hung dữ khiến ngay cả ông cũng phải kinh ngạc. Và, với hậu quả to lớn đối với nền biện hộ Công Giáo trong thế kỷ 20, bầu không khí mà ông tìm thấy ở đó gần như đã biến ông thành một “kẻ mất trí” (một thuật ngữ có ý nghĩa thần học đối với Chesterton) theo đúng nghĩa đen. Các sinh viên nghệ thuật, khi đó cũng như bây giờ, chìm đắm trong chủ nghĩa hoài nghi hợp thời trang, sự vô định thông thường và tình trạng hỗn loạn về luân lý.
Trải nghiệm sâu xa và bệnh hoạn này - thật nghịch lý - lại khiến Chesterton đi theo hướng ngược lại: vui thích với sự hiện hữu của thế giới, sự hài hước và cách chơi chữ sắc sảo, và khoa biện hộ Kitô giáo vô song vào thời của ông. Như ông mô tả trải nghiệm trong cuốn Tự truyện của mình:
Điều khiến tôi ngạc nhiên khi nhìn lại tuổi trẻ, và thậm chí cả thời niên thiếu, là tốc độ cực nhanh mà nó có thể nghĩ về những điều căn bản; và thậm chí phủ nhận những điều căn bản. Ngay từ khi còn rất nhỏ, tôi đã nghĩ về chính tư duy của mình. Đó là một điều rất khủng khiếp để làm; vì nó có thể dẫn đến suy nghĩ rằng không có gì khác ngoài suy nghĩ. Lúc này tôi không phân biệt rõ ràng giữa mộng và tỉnh; không chỉ là một tâm trạng mà còn là một nghi ngờ siêu hình, tôi cảm thấy như thể mọi thứ có thể là một giấc mơ. Cứ như thể chính tôi đã phóng chiếu vũ trụ từ bên trong, với cây cối và các vì sao; và điều đó rất gần với khái niệm là Thiên Chúa đến nỗi thậm chí gần như phát điên hơn một cách rõ ràng. Tuy nhiên, tôi không điên, theo bất cứ ý nghĩa y tế hay thể lý nào; tôi chỉ đơn giản mang theo sự hoài nghi về thời gian của mình trong chừng mực nó trôi qua. Và tôi sớm nhận ra rằng nó sẽ tiến xa hơn rất nhiều so với hầu hết những người hoài nghi đã tiến. Trong khi những người vô thần đần độn đến và giải thích với tôi rằng không có gì khác ngoài vật chất, thì tôi lắng nghe với một nỗi kinh hoàng bình thản đầy thờ ơ, nghi ngờ rằng không có gì ngoài tâm trí. Kể từ đó, tôi luôn cảm thấy có một điều gì đó mỏng manh và hạng ba về những người duy vật và chủ nghĩa duy vật. Người vô thần nói với tôi một cách khoa trương rằng anh ta không tin có Thiên Chúa; và có những lúc tôi thậm chí không tin là có người vô thần.
Và như với các cực đoan tâm thần, các cực đoan luân lý cũng vậy. Có điều gì đó thực sự đe dọa khi nghĩ đến việc tôi có thể tưởng tượng ra điều điên rồ nhất nhanh như thế nào, khi tôi chưa bao giờ phạm một tội nhẹ nhất. (32)
Chính nhờ vật lộn với và cuối cùng vượt qua được sự điên rồ không thể chịu đựng được này mà ông đã đạt được niềm đam mê cả đời của mình là cố gắng giải thích bản chất của “sự lành mạnh”. Đối với ông, như cả thế giới sau này đều biết, điều này có nghĩa là tìm ra phương thuốc cho thuyết duy ngã [solipsism]và chủ nghĩa hoài nghi mà ông đã trải qua trong chính mình — và trong các hình thức văn hóa khác nhau của hai căn bệnh song sinh này mà ông, trong tư cách một nhà báo và nhà tranh luận công khai giỏi giang, đã gặp gỡ Thiên Chúa, trong một sự bảo đảm chắc chắn nhất cho những thứ bên ngoài chúng ta.
Mặc dù ông chủ yếu viết trong tư cách một nhà báo thế tục và cho các ấn phẩm thế tục, nhưng hàng nghìn bài tiểu luận ngắn của Chesterton, cả những bài đăng trên báo và tạp chí cũng như những bài được sưu tầm thành sách, ít nhiều đều xoay quanh những chủ đề như vậy. Năm 1905, ông xuất bản cuốn sách vĩ đại đầu tiên của mình, Heretics [ Những kẻ Dị giáo] sau đó không lâu là Orthodoxy [Chính thống]. Mặc dù ông không chính thức gia nhập Giáo Hội trong hơn mười lăm năm, nhưng một loại tính Công Giáo hiện diện ở đây trong chính các tựa đề. Trong cuốn sách đầu tiên, Chesterton muốn cho thấy rằng “những kẻ dị giáo” của ông, những nhân vật nổi tiếng như George Bernard Shaw, H. G. Wells, Rudyard Kipling, và những người khác, mong đợi có thể giữ gìn sự lành mạnh và niềm vui ở đời này mà không tin rằng chúng bắt nguồn từ một thực tại siêu hình—chính Thiên Chúa. Điều này, đối với Chesterton, là yêu cầu một điều bất khả. Do kinh nghiệm của bản thân về sự nghi ngờ triệt để, ông đã hiểu một cách triệt để rằng các vấn đề triết học không thể tránh và có tính xác định nằm bên dưới những lý tưởng sai lầm về Siêu nhân, chủ nghĩa duy khoa học tiến bộ, chủ nghĩa dân tộc thô kệch và các lập trường khác được đại diện bởi các nhân vật mà ông xem xét trong Heretics.
Ông cố tình thêm lời buộc tội dị giáo gây hoang mang, đối với nhiều người, vào phân tích của ông về những thiếu sót triết học bởi vì một mốt thời trang dị giáo mới đã xuất hiện, như ông nhận định trong phần nhận xét dẫn nhập vào cuốn Heretics:
Không có gì cho thấy một tội ác to lớn và thầm lặng của xã hội hiện đại một cách kỳ lạ hơn là cách sử dụng phi thường ngày nay của chữ “chính thống”. Ngày xưa, kẻ dị giáo tự hào mình không phải là kẻ dị giáo. Chính các vương quốc trên thế giới, cảnh sát và quan tòa là những kẻ dị giáo. Anh ta là người chính thống.... Người đàn ông tự hào là chính thống, tự hào là đúng. Nếu anh ta đứng một mình trong một vùng hoang dã ảm đạm, anh ta còn hơn cả một người đàn ông; anh ta là một nhà thờ. Anh ta là trung tâm của vũ trụ; xung quanh anh ta là những ngôi sao đong đưa. Tất cả những cực hình lấy từ những địa ngục bị lãng quên không thể khiến anh ta thừa nhận rằng mình là kẻ dị giáo. Nhưng một vài cụm từ hiện đại đã khiến anh ta tự hào về điều đó. Anh ta nói, với một nụ cười có ý thức, "Tôi cho rằng tôi rất dị giáo," và nhìn quanh để tìm kiếm những tràng pháo tay. Chữ “dị giáo” không những có nghĩa là không còn sai nữa; nó thực tế có nghĩa là sáng suốt và can đảm. Chữ “chính thống” không những không còn có nghĩa là đúng nữa; nó thực tế có nghĩa là sai. Tất cả điều này có thể có nghĩa một điều, và chỉ một điều mà thôi. Điều đó có nghĩa là mọi người ít quan tâm đến việc liệu họ có đúng về mặt triết học hay không. Vì hiển nhiên một người phải thú nhận mình điên trước khi thú nhận mình dị giáo. Người Bôhêmiêng, với cà vạt đỏ, nên tự hãnh diện về sự chính thống của mình. Người đặt thuốc nổ, đặt một quả bom, nên cảm thấy rằng, bất kể anh ta là gì khác, ít nhất anh ta là người chính thống. (33)
Bản thân là một người điên dại đang hồi phục, Chesterton thể hiện một sự hòa nhã nào đó đối với những người có thực này, những người, như ông có lần là, đã bị cầm tù bởi nhiều điều phi lý thế tục và tôn giáo. Kết quả là, ông tỏ ra công bằng đối với những sự thật một phần của mỗi một “những kẻ dị giáo” của mình hơn Belloc thường xoay xở trong các cuộc tấn công trực diện của mình.
Thí dụ, trong một chương nổi tiếng, ông ca ngợi George Bernard Shaw (người, mặc dù có những khác biệt lớn về quan điểm, nhưng đã trở thành một người bạn suốt đời) vì sự nhất quán của ông ta và bảo vệ ông ta khỏi cáo buộc rằng ông ta đã đảo lộn cách người ta nhìn sự vật. Chính Chesterton không chắc chắn rằng họ đã đúng. Chesterton lập luận rằng vấn đề của Shaw không phải là ông ta có một hệ thống khác thường và thống nhất hóa khác thường, mà là hệ thống của ông ta sai. Và điều này được thấy rõ nhất khi ông ủng hộ Siêu nhân của Nietzsche. Đối với Chesterton, mong muốn vượt quá các hữu thể nhân bản như chúng ta thấy họ có thể kéo theo những mối nguy hiểm tinh thần to lớn. Ông nói về Shaw:
Sau khi nghi ngờ liệu nhân loại có thể được kết hợp với tiến bộ hay không, hầu hết người ta, dễ dàng hài lòng, sẽ chọn từ bỏ tiến bộ và ở lại với nhân tính.... Nếu con người, như chúng ta biết, không thể tiếp thu triết lý tiến bộ, thì ông Shaw không yêu cầu một loại triết học mới, mà là một loại người mới.... Ông Shaw không thể hiểu rằng thứ có giá trị và đáng yêu trong mắt chúng ta là con người - con người già uống bia, làm kinh tin kính, chiến đấu, thất bại, nhục dục, đáng kính. Và những điều được đặt nền trên tạo vật này sẽ tồn tại bất tử; những điều được đặt nền tảng trên óc tưởng tượng về Siêu nhân đã chết cùng với những nền văn minh đang chết dần chết mòn đã sinh ra chúng. Khi Chúa Kitô, vào một thời điểm mang tính biểu tượng, đang thiết lập xã hội vĩ đại của Người, Người đã chọn làm nền tảng của nó không phải Phaolô lỗi lạc hay Gioan huyền nhiệm, mà là một kẻ dao động, một kẻ hợm hĩnh, một kẻ hèn nhát — nói tóm, một con người. Và trên tảng đá này, Người đã xây dựng Giáo hội của Người, và các cổng Địa ngục đã không thắng được nó. Tất cả các đế quốc và vương quốc đã thất bại, vì điểm yếu cố hữu và liên tục này là chúng được thành lập bởi những kẻ mạnh và dựa trên những kẻ mạnh. Nhưng có một điều, Giáo hội Kitô giáo lịch sử, được thành lập trên một người đàn ông yếu đuối, và vì lý do đó, nó không thể bị phá hủy. Vì không có sợi xích nào mạnh hơn mắt xích yếu nhất của nó. (34)
Những loại pháo bông bằng lời nói và những nghịch lý về khái niệm này đã trở thành các đặc điểm đặc trưng của Chesterton. Ông liên tục tạo ra những điều ngạc nhiên; chẳng hạn, điều ngạc nhiên này về tôn giáo nhân tính của Auguste Comte: “Chắc chắn là vô lý khi công kích tín lý Chúa Ba Ngôi như một mẩu thần bí gây bối rối, và sau đó yêu cầu con người tôn thờ một hữu thể có chín mươi triệu người trong một Chúa, không lẫn lộn các ngôi vị cũng không phân chia bản thể.” (35) Và Chesterton sáng suốt một cách phi thường cả trong những lĩnh vực sự việc ít cao quý hơn của con người. Belloc đã từng là thành viên của Hạ viện Anh và, hoàn toàn đúng, thường không thương tiếc chỉ trích các thành viên khác — đặc biệt là Thượng nghị viện Anh. Tuy nhiên, Chesterton, người luôn nhìn thấy sự tương đồng gần gũi giữa Kitô giáo và nền dân chủ, đã nhận ra một sự thật không được chú ý về mối quan hệ giữa những thượng nghị sĩ (peers) cha truyền con nối và những người đàn ông tài năng và năng động, giống như Belloc, phải làm việc để giành được ghế của họ: “Thượng nghị viện Anh, trong sức mạnh đầy đủ và thích đáng của nó, bao gồm những người đàn ông ngu ngốc. Có lẽ thực sự sẽ là một biện hộ hợp lý cho cái cơ chế không thể bào chữa đó khi chỉ ra rằng những người khôn khéo trong Hạ nghị viện, những người có được quyền lực của họ nhờ sự khôn khéo, cuối cùng phải bị kiểm tra bởi những người trung bình trong Thượng nghị viện, những người có được quyền lực của họ một cách tình cờ.” (36)
Sự cám dỗ đối với một người nào đó đang cố gắng định tính các tác phẩm của Chesterton là tiếp tục trích dẫn những dòng như thế này, bởi vì một khi bạn đã bắt đầu thì gần như không thể dừng lại. Thật vậy, một vài khối lượng trích dẫn như vậy đã được thu thập.(37) Và chúng còn lâu mới cạn kiệt số lượng tuyệt đối những điều quý giá mà ông đã nghĩ ra, nhiều điều trong thời hạn ngắn khi viết cho báo chí phổ thông. Chúng đến tấp nập:
Điều hoàn toàn chắc chắn hơn bao giờ hết là cuộc sống là một ân phúc của Thiên Chúa vô cùng đáng giá và vô cùng trân quý; và bất cứ ai cũng có thể chứng minh điều đó bằng cách bắt một người bi quan phải hành động. (38)
Giáo Hội Công Giáo quá phổ quát để có thể được gọi là quốc tế, vì Giáo hội lâu đời hơn tất cả các quốc gia. (39)
Cách để yêu bất cứ điều gì là nhận ra rằng nó có thể bị mất đi. (40)
Đối với Lý trí, sự độc quyền [Công Giáo] của chúng ta được thừa nhận trên thực tế trong thế giới hiện đại. Ngoại trừ một hoặc hai người vô thần già nua tồi tàn ở Phố Fleet (những người mà tôi rất có thiện cảm), không có gì ngoại trừ Rôma nay đang bảo vệ tính đáng tin cậy của Lý trí. (41)
Huyền nhiệm học giữ cho con người lành mạnh [sane]. Bao lâu bạn còn mầu nhiệm, bấy lâu bạn còn sức khỏe; khi bạn phá hủy mầu nhiệm, bạn tạo ra bệnh tật. Người bình thường bao giờ cũng lành mạnh bởi vì người bình thường bao giờ cũng là nhà huyền nhiệm. Họ cho phép hoàng hôn. Họ luôn có một chân ở trần gian và chân kia ở xứ sở thần tiên. Họ luôn để bản thân tự do nghi ngờ các vị thần của mình; nhưng (không giống như thuyết bất khả tri ngày nay) cũng được tự do tin vào các vị ấy. Họ luôn quan tâm đến sự thật hơn là sự nhất quán. Nếu họ thấy hai sự thật dường như mâu thuẫn với nhau, họ sẽ lấy hai sự thật và sự mâu thuẫn đó cùng với chúng. Thị giác thiêng liêng của họ có tính lập thể [stereoscopic], giống như thị giác thể lý của anh ta: anh ta nhìn thấy hai bức tranh khác nhau cùng một lúc nhưng thấy chúng rõ hơn nhờ điều đó. (42)
Nếu bạn tranh luận với một người điên, rất có thể bạn sẽ nhận lấy điều tồi tệ nhất từ đó; vì theo nhiều cách, tâm trí của họ hoạt động nhanh hơn vì không bị trì hoãn bởi những thứ diễn ra với sự phán đoán tốt.... Người điên không phải là người mất lý trí. Người điên là người đã mất tất cả trừ lý trí của mình. (43)
Những đoạn văn này, được lấy gần như ngẫu nhiên, cho thấy những nghịch lý của Chesterton đảo ngược những phạm trù tư duy thông thường như thế nào. Hai điều cuối cùng đến từ cuốn Orthodoxy [Chính thống], tuyên bố tích cực của ông tiếp theo sau những lời chỉ trích tiêu cực trong Heretics [Những kẻ Dị giáo]. Nhưng đằng sau tất cả những màn pháo hoa bằng lời nói và những hiểu biết sâu sắc, vẫn còn đó trực giác đơn giản của chàng trai trẻ mất trí tại Trường Nghệ thuật Slade, người đã vứt bỏ nhà tù của lý trí hẹp hòi để có được lý trí rộng lớn hơn của Thiên Chúa và nhân loại. Ông kết luận Heretics [Dị giáo] với sự bay bướm táo bạo này:
Sự thật biến thành giáo điều ngay khi chúng bị tranh cãi. Vì vậy, mọi con người khi thốt ra một nghi ngờ đều đã xác định một tôn giáo. Và chủ nghĩa hoài nghi của thời đại chúng ta không thực sự phá hủy các niềm tin, đúng hơn nó tạo ra chúng; cho chúng những giới hạn và hình dáng rõ ràng và thách thức của chúng. Chúng ta, những người theo chủ nghĩa Tự do, đã từng coi nhẹ Chủ nghĩa Tự do như một lẽ hiển nhiên. Bây giờ nó đã bị tranh chấp, và chúng ta giữ nó một cách quyết liệt như một đức tin. Chúng ta, những người tin vào lòng yêu nước, có lần từng nghĩ rằng lòng yêu nước là hợp lý, và ít suy nghĩ hơn về nó. Bây giờ chúng ta biết điều đó là vô lý, và biết điều đó là đúng. Chúng ta, những người Kitô hữu, không bao giờ biết được lẽ thường triết học vĩ đại vốn có trong mầu nhiệm đó cho đến khi các nhà văn chống Kitô giáo chỉ rõ nó cho chúng ta. Cuộc diễu hành vĩ đại của sự hủy diệt tinh thần sẽ tiếp tục. Mọi sự đều sẽ bị bác bỏ. Mọi sự sẽ trở thành một kinh tin kính. Đó là một lập trường hợp lý để bác bỏ các viên đá trên đường phố; nó sẽ là một giáo điều tôn giáo để khẳng định chúng. Sẽ là một chủ đề hợp lý khi cho rằng tất cả chúng ta đang ở trong một giấc mơ; sẽ là một sự lành mạnh huyền nhiệm khi nói rằng tất cả chúng ta đều tỉnh táo. Lửa sẽ được đốt lên để làm chứng rằng hai cộng hai là bốn. Các thanh kiếm sẽ được rút ra để chứng minh rằng lá cây có màu xanh vào mùa hè. Chúng ta sẽ phải một mình bảo vệ, không những các nhân đức và sự lành mạnh đáng kinh ngạc của sự sống con người, mà còn là một điều gì đó đáng kinh ngạc hơn nữa, vũ trụ bất khả khổng lồ này đang nhìn thẳng vào mặt chúng ta. Chúng ta sẽ chiến đấu vì những thần đồng hữu hình như thể chúng vô hình. Chúng ta sẽ nhìn lên bãi cỏ và bầu trời bất khả với một lòng dũng cảm kỳ lạ. Chúng ta sẽ thuộc về những người đã thấy và đã tin. (44)
Sự xuất sắc trong văn học này, gắn liền với quan điểm Kitô giáo chính thống về Thiên Chúa, con người và thế giới, nghe có vẻ là một đặc điểm độc đáo trong văn học thế kỷ XX. Và không một nhà biện hộ Kitô giáo nào—có thể ngoại trừ C. S. Lewis theo Thệ phản— tới gần việc so sánh với nó.
Chesterton đã viết hàng trăm tiểu luận và hàng chục cuốn sách về những “nghịch lý” triết học như vậy. Nhưng ông cũng là một nhà văn có hiệu năng ở nhiều thể loại khác — tiểu thuyết, thơ, truyện ngắn, một vài vở kịch — chính vì ông có thể mang lại niềm vui và óc hài hước ông tìm thấy trong lúc khám phá ra những điều kỳ diệu của thế giới thực cho bất cứ chủ đề nào mà ông hướng tới. Thí dụ, giống như Belloc, ông có năng khiếu viết những vần thơ hài hước theo truyền thống lâu đời của Anh được hoàn thiện bởi Lewis Carroll và Edward Clerihew Bentley. Bài thơ “Wine and Water” [Rượu và Nước] là việc bảo vệ có tính Kitô giáo của ông đối với trái cây nho như trái ngược với sự thúc đẩy của Thanh giáo trong Kitô giáo và chủ nghĩa khổ hạnh vô nhân đạo của Những Người Có Tư Duy Cao Hơn [Higher Thinkers] vào thời của ông:
“Nôê xưa có một trang trại đà điểu và gà với quy mô lớn nhất,
Ông ăn quả trứng của mình bằng một cái tách ăn trứng to như cái thùng,
Và món súp ông dùng là Súp Voi và con cá ông dùng là Cá voi,
Nhưng tất cả chúng đều nhỏ so với căn hầm mà Ông mang theo khi ra khơi,
Và Nôê, ông thường nói với vợ mình khi ngồi ăn tối,
‘Tôi không quan tâm nước chảy đi đâu nếu nó không ngấm vào rượu.’
Bệnh đục thủy tinh thể của vách đá thiên đường rơi xuống làm mù cả bờ vực
Như thể nó sẽ cuốn trôi những vì sao như bọt xà bông chảy xuống bồn rửa,
Bảy tầng trời ầm ầm giáng xuống cho cổ họng địa ngục uống thỏa,
Và Nôê, ông ấy nhướng mắt lên và nói, ‘Tôi nghĩ có vẻ như trời đang mưa,
Nước đã nhấn chìm Matterhorn sâu như mỏ Mendip,
Nhưng tôi không quan tâm nước chảy đi đâu nếu nó không ngấm vào rượu.’
Nhưng Nôê đã phạm tội, và chúng ta đã phạm tội; trên đôi chân chếnh choáng, chúng ta bước đi,
Cho đến khi một người kiêng rượu đen to lớn được gửi đến làm cây gậy cho chúng ta,
Và bạn không thể lấy rượu tại P.S.A. hoặc nhà nguyện hoặc Eisteddfod,
Vì Lời Nguyền Rủa Của Nước lại tái xuất hiện vì cơn thịnh nộ của Thiên Chúa,
Và nước ở trên bàn của Giám mục và điện thờ của Nhà tư tưởng Cấp cao hơn,
Nhưng tôi không quan tâm nước chảy đi đâu nếu nó không ngấm vào rượu.” (45)
Những Người Có Tư Duy Cao Hơn ở đây không chỉ bao gồm những người cuồng tín về sức khỏe mà còn bao gồm những người duy hòa bình, những người chay tịnh, những người duy xã hội, những người duy quốc tế và những nhân vật kỳ quặc khác, những người, ở London thời Chesterton, dường như đã có một sự hiện diện đáng kể. Trong tư cách người giữ mục cho nhật báo—và sau này là chủ bút cho tờ tạp chí của riêng ông, G. K.'s Weekly [Tuần Báo G.K.]—ông không thể không nhận thấy việc đi trệch khỏi “sự lành mạnh” của các truyền thống cổ xưa của người Anh và việc đánh giá cao của Kitô nhân đối với sáng thế của Thiên Chúa của những kẻ lập dị khác nhau này. Điều đó cũng dẫn đến một bài thơ xuất sắc, “The Song of the Strange Ascetic” [Bài ca của nhà khổ hạnh kỳ lạ]:
"Nếu tôi là một người ngoại đạo,
Tôi đã ca ngợi cây nho tím,
Nô lệ của tôi nên đào các vườn nho,
Và tôi sẽ uống rượu.
Nhưng Higgins là một người ngoại đạo,
Và nô lệ của anh ta trở nên gầy gò và xám xịt,
Đến nỗi anh ta có thể uống một ít sữa ấm ấm
Mỗi ngày đúng hai lần”.
Và cứ thế tiếp tục trong vài khổ thơ trước khi Chesterton chạm tới nhân tố quyết định [clincher]:
Bây giờ ai chạy có thể đọc nó,
Câu đố được tôi viết ra,
Tại sao tội nhân già tội nghiệp này,
Nên phạm tội mà không thích thú—
Nhưng tôi, tôi không thể đọc nó
(Mặc dù tôi chạy, chạy hoài),
Trong số họ không có đức tin,
Và sẽ không có niềm vui đùa.” (46)
Chesterton cũng có thể viết rất hay theo một phong cách nghiêm túc thông thường hơn, như ông từng nhận xét, “nghiêm túc” không đối lập với vui đùa. Như những bài thơ trên cho thấy, ông có thể khá nghiêm túc và hài hước cùng một lúc. Ông lập luận rằng điều ngược lại với hài hước là “không có ánh mặt trời” [not-Sunny], và một số nhà tư tưởng và nhà văn tự phong mình là “nghiêm túc” còn hài hước hơn ở chỗ họ không nhận ra bản chất tự hủy hoại sự “nghiêm túc” của họ. Những người theo Chesterton một cách tâm huyết có những tác phẩm yêu thích của họ nơi những tác phẩm văn học nghiêm túc hơn: thường là hai bài thơ dài “The Ballad of the White Horse” [Bản Hát dạo về con Ngựa trắng” (1912) và “Lepanto” (1915). Nhưng những bài thơ này có các nhược điểm của chúng ngay đối với những người hâm mộ nhiệt tình. Không phải là không có sự dí dỏm của những đoạn ngắn hơn, nhưng bài viết cũng không đạt đến mức cao bền vững cần thiết để hầu hết người đọc duy trì sự quan tâm cho đến cuối cùng. Và các chủ đề—chiến tích chống lại người Đan Mạch của Vua Alfred Đại đế trong bài thơ dài đầu tiên và, trong bài thơ thứ hai, trận hải chiến quyết định năm 1571, trong đó một hạm đội Kitô giáo đánh bại hạm đội Hồi giáo tại Lepanto ngoài khơi bờ biển Hy Lạp—mặc dù được xử lý trong những các biểu lộ tầm quan trọng tâm linh của chúng, vẫn có những khoảng thời gian dài khô cằn.
Tolkien và những người khác xử lý với chất liệu cũng anh hùng tương tự một cách chân chính và có giá trị văn học cao hơn. Tuy nhiên, với hai bài thơ này, Chesterton đã đạt được thành công lớn mà các nhà văn khác chỉ có thể mơ ước. Những câu thơ trong “Bản Hát dạo về con Ngựa trắng” đã được hát một cách thích thú bởi những người lính Anh trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai. Và khi tờ Thời báo Luân Đôn muốn tiễn chân những người đàn ông đến cuộc xung đột thứ hai với những lời lẽ mạnh mẽ nhưng đầy khích lệ, nó đã bao gồm hai khổ thơ của “Bản Hát dạo về con Ngựa trắng” vào một bài xã luận và những lời nói của Đức Trinh Nữ Maria gửi cho vua Alfred già vào bài xã luận đó:
“Tôi không nói với bạn điều gì để bạn thoải mái,
Đúng thế, không điều gì để bạn mong muốn,
Trừ việc bầu trời thậm chí trở nên tối hơn
Và biển dâng cao hơn.
Đêm sẽ là đêm ba lần đối với bạn,
Và thiên đường là một cái vòm bằng sắt.
Bạn có niềm vui không có nguyên nhân,
Vâng, đức tin không có đức cậy hay không?” Quyển I, 254-61
Rất ít nhà thơ ở bất cứ thời đại nào có thể được trích dẫn vào thời điểm như vậy với hy vọng nâng cao tinh thần của người dân của họ. Trong thế kỷ XX, chỉ có Chesterton ở Anh và Péguy ở Pháp được vinh dự hiếm có đó.
Ngay trước đoạn văn được trích dẫn ở trên, Đức Trinh Nữ hiện ra và được mô tả ngắn gọn:
“Ngài đứng và vuốt ve ngọn cỏ sống cao
Như một người đàn ông vuốt ve chiến mã của mình.
Khuôn mặt ngài như một lời ngỏ
Khi những người đàn ông dũng cảm lên tiếng và lựa chọn,
Màu sắc của chiếc áo khoác của ngài
Tốt hơn là tin vui.”
Và Đức Maria xuất hiện ở những điểm quan trọng khác trong câu chuyện để nhắc nhở các Kitô hữu rằng họ cần dũng cảm đấu tranh cho đức tin của mình bởi vì đức tin luôn bị tấn công, đôi khi bởi các thế lực man rợ, đôi khi bởi sự man rợ đội lốt văn minh. Vào một khoảnh khắc sâu sắc của trận chiến, Chesterton kết nối cuộc đấu tranh với những gì ông đã xử lý cách khác hẳn trong “The Song of the Strange Ascetic” [Bài ca của người khổ hạnh kỳ lạ]. Alfred tự hát một bài hát kết thúc như sau:
“Do đó, kết thúc của bạn là tùy ở bạn,
Là tùy ở bạn và các vị vua của bạn,
Không phải vì lửa ở vùng đầm lầy Ely,
Không phải vì các vị thần của bạn là chín hay mười,
Nhưng bởi vì đó chỉ là những người đàn ông Kitô hữu
Bảo vệ cả những thứ ngoại đạo.” Quyển III, 367-72
Còn tiếp