Chương 8: Sự xuất hiện của văn hóa như người chủ đạo (tiếp theo)



Đây là một vấn đề gây tranh cãi lớn trong thế giới hiện đại. Như chúng ta đã thấy trong các chương trước, nó xoay quanh câu hỏi liệu con người có thể được hiểu một cách đúng đắn và đầy đủ nếu không có Thiên Chúa hay không. Một trào lưu trong tư tưởng phương Tây chắc chắn tin rằng câu trả lời là có và việc cúi đầu trước một hữu thể ở trên con người và thế giới chỉ làm nảy sinh chế độ chuyên chế và hạn chế quyền tự do của con người. Những thảm họa của thế kỷ XX—Chủ nghĩa Mácxít, Chủ nghĩa Quốc xã, Chủ nghĩa Phát xít—nảy sinh từ quan điểm “duy nhân bản”, đã đặt ra nhiều câu hỏi về vị Thiên Chúa vắng mặt đầy tính “nhân bản, quá nhân bản” (theo cách nói của Nietzsche). Tất nhiên, Dostoyevsky đã dự đoán trước khi những phong trào này diễn ra rằng “nếu Thiên Chúa không hiện hữu, thì mọi điều đều có thể được phép.” Những cuộc tàn sát của thế kỷ 20 đã phá hủy một số kiểu lạc quan nào đó, nhưng ở những khu vực khác - giờ đã tự do hơn, dân chủ hơn và hậu hiện đại hơn - giấc mơ về một nhân loại tự do kiểm soát được vận mệnh của chính mình đã có những hình thức mới. Bất chấp luận điểm của Nietzsche rằng đó là điều không thể, vẫn có những nỗ lực tích cực để bảo tồn một số nền tảng đạo đức Kitô giáo cũ trong trường hợp không có đức tin Kitô giáo. (8)

Văn hoá, tất nhiên, là một thực tại mây gió hơn triết học, đạo đức hay thần học. Và ở một số khía cạnh, nó quan trọng hơn chính vì nó len lỏi vào các cá nhân và xã hội, hầu như nằm ngoài tầm kiểm soát của bất cứ người nào hoặc nhóm nào. Antonio Gramsci, người theo chủ nghĩa Mác có ảnh hưởng của Ý, rất thích lập luận rằng những người Cộng sản nên rút ra bài học từ các tu sĩ Dòng Tên, những người đã đi đầu trong cuộc chiến chống lại những người Thệ phản trong Phong trào Phản Cải cách Công Giáo. Thông qua việc giảng dạy và ảnh hưởng văn hóa rộng rãi của mình, họ đã thiết lập một nền văn hóa mao dẫn (cultura capillare), một “nền văn hóa mao dẫn” đã truyền đến những ngóc ngách xa nhất của châu Âu. Nó không chỉ thành công bằng lập luận rõ ràng, nhưng sự hiện diện nói chung của nó mạnh đến mức khó bị đánh bật bằng bất kỳ cuộc tấn công trực diện nào. Loại văn hóa tôn giáo đó, mà Gramsci hy vọng có thể được những người theo chủ nghĩa Mácxít bắt chước trong thế kỷ 20, thống trị hầu như một cách thụ động và tồn tại nhờ nguồn lực và sự sống của chính nó rải rác qua nhiều triệu cuộc sống.

Trong thế giới hiện đại, như các vị Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI đã lập luận một cách xuất sắc, một nền văn hóa khác đã lan truyền khiến cho lập luận tôn giáo khó được lắng nghe. Sự thay đổi này diễn ra khá nhanh chóng. Trong gần như toàn bộ cuộc đời trưởng thành của mình (ông mất năm 1970), dường như Christopher Dawson đã gây ra một sự thay đổi lớn trong tư duy về văn hóa và lịch sử, không chỉ trong Công Giáo mà cả bên ngoài Công Giáo, ở một mức độ không nhỏ. Nhưng quan điểm đó dường như đã biến mất vào một phần ba cuối thế kỷ XX. Vào giữa những năm 1950, Khoa trưởng Douglas Horton của Harvard đã tuyển dụng Dawson làm Giáo sư Chauncey Stillman đầu tiên về Nghiên cứu Công Giáo Rôma, nói với Dawson rằng lời mời là "lời mời quan trọng nhất mà tôi từng có vinh dự được mang". Giống như Maritain trong lĩnh vực triết học, sự thâm nhập đa lĩnh vực của Dawson vào nhân chủng học, xã hội học, dân tộc học, lịch sử, tôn giáo và văn hóa—mà ngoài thiên tài của cá nhân ông, còn được truyền cảm hứng từ sự tái sinh hiện đại hơn của đời sống trí thức Công Giáo—đã được công nhận ở các giới học thuật cao nhất. Dawson giảng dạy tại Harvard từ năm 1958 đến năm 1962, những năm quan trọng ngay trước Công đồng Vatican II. Và ông có thể đã ở lại Cambridge của Tân Thế giới nếu sức khỏe yếu không buộc ông phải trở về Anh. Tuy nhiên, kể từ đó, niềm tin của Dawson vào tôn giáo như một yếu tố giải thích trung tâm trong hồ sơ nhân loại—từ các tập tục thời kỳ đồ đá ở “thời đại của các vị thần” cho đến các hình thức tôn giáo thời sau Phong trào Ánh sáng ở thế giới phát triển—và với tư cách là giáo phái truyền cảm hứng cho nền văn hóa, đã rút lui khỏi đời sống học thuật, tại Harvard và rất thường xuyên cả trong các định chế giáo dục đại học Công Giáo nữa.

Thay vì tin vào tầm quan trọng lịch sử của tôn giáo và loại hình văn hóa mà nó tạo ra, chúng ta có xu hướng tin rằng chủng tộc, giới tính và giai cấp hoặc các lực lượng kinh tế và chính trị lớn là những gì khiến thế giới chuyển động, và sau đó chúng ta ngạc nhiên khi thấy rằng người ta sẵn sàng tự sát, cho nổ tung các tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới hoặc của nhau, hoặc chịu tra tấn và chết vì niềm tin tôn giáo. Sau cuộc cách mạng văn hóa vĩ đại của những năm 1960, mà Dawson đã cảm nhận được là sẽ xảy ra ngay từ những năm 1920, một chủ nghĩa duy vật tiềm ẩn đã trở thành chìa khóa giải thích vĩ đại. Như Dawson đã nhận xét trong một trong những bài tiểu luận đầu tay của mình: “Chỉ người lạc quan mạnh mẽ nhất mới có thể phủ nhận rằng một chủ nghĩa man rợ mới, đa dạng và không mạch lạc, đang đe dọa không những trật tự vật chất vốn là công trình của thế kỷ trước [tức là thế kỷ 19], mà còn toàn bộ truyền thống trí thức mà văn hóa phương Tây dựa vào.” (9) Các mối đe dọa trước mắt là Chủ nghĩa Phát xít, Chủ nghĩa Quốc xã và Chủ nghĩa Cộng sản, nhưng Dawson biết rằng động lực giành quyền lực, chứ không phải tự do và cân bằng tinh thần, cũng đã ăn sâu vào di sản dân chủ phương Tây.

Và điều này đã được phản ảnh trong những thay đổi định chế quy mô lớn: “Trong nhà nước hiện đại, tâm trí của một công dân bình thường được nhào nặn bởi trường học chính phủ và báo chí đại chúng, và những điều này không thể thay thế thực sự cho sự hướng dẫn tinh thần sâu sắc hơn được cung cấp bởi giảng dạy các truyền thống tôn giáo cũ.” (10) Vào thời điểm ông qua đời, cả Giáo Hội Công Giáo và thế giới đã để lại ở phía sau di sản của ông và phần lớn sự phục hưng trí thức Công Giáo mà ông là một nhà lãnh đạo lỗi lạc. Đây là một tổn thất nghiêm trọng. Như Aidan Nichols, tu sĩ Dòng Đa Minh người Anh, đã nhận xét một cách đúng đắn, toàn bộ công việc của Dawson tạo thành một loại City of God [Kinh thành Thiên Chúa] sau này. Và giống như tác phẩm của Thánh Augustinô có tên đó, Dawson đã xây dựng một bản giải trình Kitô giáo hấp dẫn về lịch sử loài người và ở quy mô rộng lớn hơn nhiều so với mức có thể vào thời của Thánh Augustinô, do kiến thức hạn chế của nó về các nền văn hóa xa xôi.

Tư duy lịch sử của Dawson đã được làm phong phú và theo một nghĩa nào đó đã ổn định nhờ nghiên cứu của ông về triết học và thần học Công Giáo. Nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử, xã hội học và nhân chủng học gần đây - như ông đã chỉ ra - đã dao động giữa hai thái cực, hai tầm nhìn giản lược dường như loại trừ lẫn nhau. Trong một nhân vật như Oswald Spengler hay Marx, khía cạnh vật chất của sự hiện hữu nhân bản thống trị và làm nảy sinh chủ nghĩa duy vật giáo điều mà đơn giản là loại bỏ phần lớn điều chuyên biệt thuộc nhân bản. Dawson đã chỉ ra rằng trong các nhà xã hội học hiện đại thời kỳ đầu, tầm quan trọng của sinh học (ngày nay nó sẽ là di truyền), địa điểm và kinh tế đã được xem xét một cách đúng đắn. Con người không chỉ có hữu thể vật chất mà còn có một di sản vật chất phải được xem xét cả trong cái nhìn nhanh xã hội học trong phân tích trực tiếp cũng như trong viễn cảnh lịch sử xuyên thời gian (theo lịch đại [diachronically], theo thuật ngữ kỹ thuật). Nhưng cách nhìn nhận sự vật này đã loại bỏ sự khác biệt cốt yếu của con người: chiều kích trí thức hoặc tâm linh—đặc biệt rõ ràng trong sự kiện ngôn ngữ—điều đánh dấu mạnh mẽ Homo sapiens, hay động vật nhân bản, khác với tất cả các loài động vật khác trên trái đất.

Một phần là để phản ứng lại việc nhấn mạnh quá mức vào các yếu tố vật chất mà chủ nghĩa duy tâm—và đặc biệt là quan niệm của Hegel về lịch sử như sự chuyển dịch của Tinh thần tuyệt đối qua thời gian—đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ lên lý thuyết lịch sử trong một thời kỳ đáng kể. Dawson, tất nhiên, tin vào Thiên Chúa, Đấng là Tinh thần Tuyệt đối, nhưng ông coi chủ nghĩa Hegel là một chủ nghĩa duy giản lược khác và coi nó là một sự đơn giản hóa “tâm linh” quá mức khi cho là đúng hệ thống chính đề-phản đề-tổng hợp như một giải trình đầy đủ về tinh thần trong thế giới. Sự trừu tượng hóa ở mức độ cao như vậy đã làm sai lệch hồ sơ lịch sử—lịch sử cho thấy nhiều bước lùi cũng như tiến, và nhiều chi tiết lịch sử phải được kéo dài hoặc bỏ qua để phù hợp với chiêc giường Procrustes (*) của Hệ thống. Không hề có diễn trình tự động trong đó sự thật và tiến bộ ngày càng lớn hơn trong một loài có khả năng, một cách cá nhân và trong các nhóm cộng đồng, đột ngột bùng nổ bạo lực tự đánh bại bản thân và quay trở lại sự man rợ phi suy nghĩ, như đã trở nên rõ ràng đối với nhiều nhà tư tưởng trong các cuộc chiến tranh hoàn cầu thế kỷ XX.

Nhưng Dawson không dừng lại ở đó. Ông lưu ý rằng mặc dù hệ thống phức tạp của Hegel, một sản phẩm tiêu biểu của việc làm triết học của Lục địa, phần lớn đã bị bỏ rơi vào thời của ông, nhưng các khái niệm liên hệ vẫn còn tồn tại nơi các nhà tư tưởng kém hệ thống hơn của trường phái cấp tiến. Chủ nghĩa cấp tiến kết hợp một số ý tưởng sâu sắc hơn của phương Tây được rút ra từ hàng thiên niên kỷ của truyền thống Do Thái-Kitô giáo và do đó đã cố gắng tồn tại cho đến ngày nay, nhưng Dawson đã nhìn thấy trong đó cả điểm mạnh lẫn điểm yếu có tính sinh tử:

Phong trào Cấp tiến, với chủ nghĩa duy tâm nhân đạo và niềm tin vào quy luật tự nhiên và quyền của con người, có nguồn gốc từ sự kết hợp bất thường giữa truyền thống duy nhân bản và lý tưởng tôn giáo được truyền cảm hứng bởi các giá trị luân lý Kitô giáo, mặc dù không phải bởi đức tin Kitô giáo.... Toàn bộ sự phát triển của chủ nghĩa cấp tiến và chủ nghĩa nhân đạo, vốn có tầm quan trọng to lớn như vậy trong lịch sử thế giới hiện đại, bắt nguồn từ động lực tinh thần của nó từ truyền thống Kitô giáo mà nó đã cố gắng thay thế, và khi truyền thống đó biến mất thì động lực tinh thần này cũng mất đi, và chủ nghĩa cấp tiến [liberalism] đến lượt nó được thay thế bằng hệ tư tưởng thô thiển và phi đạo đức của nhà nước toàn trị. (11)

Điều đó đã được viết trong một bài tiểu luận về “Nhật thực của Châu Âu” vào năm 1951. Hơn nửa thế kỷ sau, quá trình mà Dawson mô tả đã lan rộng đến mức nó tiến xa hơn và dễ nhìn thấy hơn nhiều. Và nó đã lan rộng đến mức hầu như ở khắp mọi nơi, ảnh hưởng và các giá trị của “châu Âu”—ngoài khoa học và kỹ thuật—đang nhanh chóng biến mất và bị thay thế bởi các giá trị khác hoàn toàn xa lạ với truyền thống phương Tây. Như ông đã viết trong cuốn Progress and Religion [Tiến bộ và Tôn giáo], một trong những cuốn sách mạnh mẽ nhất của ông, “Ngay cả khi anh ta [người đàn ông trung bình hiện đại] mất niềm tin vào Lý trí, anh ta vẫn tin vào khoa học và đặc điểm cuối cùng của nền văn hóa khoa học mới.” (12)

“Niềm tin” là thuật ngữ có hiệu lực ở đây, bởi vì một đức tin mới đã xuất hiện khiến việc bảo tồn những thứ cũ kỹ của con người trở nên khó khăn, bất kể những người đề xuất nền “văn hóa” khoa học mới có tuyên bố những mục tiêu nhân đạo đến đâu đi chăng nữa— thì những mục tiêu này cũng khó có thể biện minh dưới một chế độ của chủ nghĩa duy vật chặt chẽ. Như Vladimir Soloviev từng nhận xét, sẽ quá đáng khi nói: “Con người có nguồn gốc từ loài khỉ; vậy chúng ta hãy yêu thương nhau.” Theo quan điểm của Dawson, chỉ có một khái niệm đầy đủ về con người - một khái niệm được hình thành đáng kể trong trường hợp của Dawson bởi cảm thức của Aristốt-Tôma về con người như một thực thể tổng hợp thể xác và tinh thần - mới có thể giúp chúng ta công bằng với chính mình và hồ sơ lịch sử. Nói điều này không có nghĩa là phủ nhận rằng, tại một thời điểm lịch sử nhất định, một số yếu tố gần như thuần túy vật chất hoặc thuần túy tinh thần hoặc trí thức có thể giải thích các diễn biến. Việc Dawson chấp nhận các chân lý triết học và thần học của truyền thống Kitô giáo cũng không khiến ông coi bản thân lịch sử là không quan trọng so với vĩnh cửu hoặc giải quyết các câu hỏi lịch sử cụ thể bằng các nguyên tắc lớn, phi lịch sử. Thật vậy, một trong những điểm mạnh rõ ràng nhất của ông là khả năng học hỏi bách khoa và sự chú ý mà ông dành cho chi tiết lịch sử.

Theo cách tiếp cận lịch sử đầy đủ hơn này, ông đã làm việc phần nào song song với một số người thực hành la nouvelle théologie (nền thần học mới) mà chúng ta đã gặp trong các chương trước, những người đánh giá cao Thánh Tôma nhưng muốn đặt công việc của ngài trong phạm vi rộng lớn hơn của tư tưởng và đời sống Kitô hữu. Như Dawson đã lập luận, quan điểm của Kitô giáo về lịch sử không bắt nguồn từ các nguồn gốc Hy Lạp mà bắt nguồn từ ý thức của người Do Thái về một Thiên Chúa hoạt động trong thời gian — và giao kết với con người vì mục đích riêng của Người. Đó là câu chuyện được kể lại trong Cựu Ước, và trong thời điểm tột đỉnh của mầu nhiệm Nhập Thể, cả trong Tân Ước nữa. Đối với Dawson, điều này có nghĩa là quan điểm của Kitô giáo về lịch sử “không phải là yếu tố thứ yếu do suy tư triết học dẫn khởi từ việc nghiên cứu lịch sử. Nó nằm ở trung tâm của Kitô giáo và là một phần không thể thiếu của đức tin Kitô giáo.” (13)

Việc khẳng định một Thiên Chúa luôn luôn và ở mọi nơi hoạt động trong lịch sử loài người khiến cho nhà sử học nhìn quá khứ dưới một ánh sáng khác. Không giống như các nhà xã hội học và nhân chủng học cùng thời, những người thường nghiên cứu người nguyên thủy như một dạng tồn tại của con người giờ đã bị thay thế, Dawson nhìn thấy những nét liên tục cơ bản trong mọi nền văn hóa. Cụ thể, ông lập luận rằng “tôn giáo nguyên thủy” không phải là một cấu trúc thượng tầng huyền ảo được xây dựng trên sự tồn tại vật chất của các dân tộc sơ khai hay một “sự thần thánh hóa” của cộng đồng, như Emile Durkheim đã lập luận nổi tiếng. Dawson đã cẩn thận chứng minh từ các tư liệu lịch sử và nhân chủng học có sẵn cho ông rằng chiều kích tâm linh là cảm thức về thể siêu việt luôn đi kèm với cảm thức của người nguyên thủy về thế giới vật lý.

Vì những lý do tương tự, Dawson cũng chỉ trích các nhà sử học văn hóa như Arnold Toynbee, người mà trong các khẳng định quy mô lớn của họ thường phân loại các yếu tố như cuộc sống làng quê đơn giản bị thay thế bởi các hình thức văn hóa và văn minh lớn. Về điều này, lịch sử cá nhân của chính ông — phần lớn cuộc đời ông dành cho việc nghiên cứu riêng trong ngôi nhà của gia đình ở vùng nông thôn xanh tươi của nước Anh — đã góp phần vào nỗ lực trí thức nghiêm túc hơn của ông. Đối với Dawson, toàn bộ nhân tính luôn luôn tác động, và ngay cả trong những thời điểm mà việc phát biểu phiến diện hoặc hẹp hòi của đời sống xã hội là điều hiển nhiên—hoặc một thế lực bên ngoài như bệnh dịch hoặc cuộc xâm lược tạo ra những tác động không lường trước được—chúng được đánh giá tốt nhất bởi nhà sử học từ quan điểm của một nhân học phong phú và chi tiết hơn.

Ông thường sử dụng một cụm từ có thể dễ bị hiểu lầm: “bản chất hữu cơ của xã hội”, điều có thể khiến nó có vẻ như không thể xác định rõ ràng các nguyên nhân và ảnh hưởng lịch sử. Điều này không có nghĩa như vậy. Ông sử dụng thuật ngữ này chỉ để chỉ ra rằng một nền văn hóa phải là một sinh vật sống - hoặc nó là một sinh vật đã chết hoặc đang hấp hối. Ông có lý do chính đáng để trả lời câu hỏi này bởi vì bất cứ ai tinh mắt cũng có thể thấy rõ ràng rằng trong tiền bán thế kỷ XX, nền văn minh phương Tây đang ở trong một cuộc khủng hoảng sâu xa – vẫn chiếm ưu thế về vật chất, nhưng phần lớn bị cắt đứt khỏi các gốc rễ văn hóa, lịch sử và xã hội và tâm linh của nó. Nó tiếp tục tồn tại nhờ nhựa cây tích lũy mà nó đã hấp thụ từ quá khứ, nhưng vẫn còn - và vẫn còn - một câu hỏi lớn là nó có thể tiếp tục như vậy trong bao lâu nếu không có yếu tố tâm linh vốn là năng lực sống của mọi nền văn hóa.

Những cân nhắc như thế đã khiến Dawson thực hiện một số nghiên cứu sơ bộ về một loại lịch sử thế giới biết đánh giá đúng các nền văn minh cá thể trong khi nhận ra rằng không những vì thế giới—và do đó, cuộc sống con người—đang trở nên thống nhất thông nhờ các kỹ thuật hiện đại, mà thời điểm đó đang đến gần khi một số loại giải trình sẽ phải được đưa ra cho quá khứ của con người để giúp soi sáng con đường hướng tới tương lai. Điều này sẽ phải được thực hiện, như Dawson thừa nhận, mặc dù cho đến nay chưa ai có thể tin tưởng vào những nghiên cứu đủ thận trọng về các nền văn hóa, nền văn minh, khu vực và thời kỳ lịch sử khác nhau để có thể thực hiện điều đó với bất cứ mức độ tin cậy nào. Nhưng điều đó không làm giảm bớt tính cấp bách của việc tìm ra một cách nào đó để hình dung toàn bộ cuộc sống con người trên trái đất.

Việc phân thời kỳ cũ hơn cho nền văn minh phương Tây—cổ đại, trung cổ, Phục hưng, hiện đại—không phù hợp với nhiệm vụ này. Dawson cho rằng những sự phân chia này thậm chí không thỏa đáng để giải thích về lịch sử phương Tây. Thí dụ, thời Phục hưng thường được coi trong lịch sử thông thường như một bước chuyển tiếp từ tôn giáo và đức tin sang lý trí và khoa học. Như vậy, nó sẽ là tiền thân của hiện đại. Nhưng Dawson và những người khác—Wallace K. Ferguson, Hans Boersma, và nhiều học giả gần đây hơn—đã xem xét kỹ hồ sơ và thấy rằng “Con người thời Phục hưng” hoàn toàn là một tín hữu Kitô giáo bất chấp những nỗ lực kể từ thời Phong trào Ánh sáng muốn coi ông theo hiện đại và chủ nghĩa hoài nghi—hoặc chủ nghĩa vô thần hoàn toàn. Hơn nữa, nếu có thể nói thời đại nào được đánh dấu bằng việc sử dụng mạnh mẽ lý trí, thì đó chính là thời Trung cổ. Các nhân vật thời kỳ đầu của thời Phục hưng đã chạy trốn khỏi Chủ nghĩa kinh viện siêu duy lý đó vì họ muốn tập trung nhiều hơn vào luân lý, thẩm mỹ và đời sống công dân — họ trở nên duy nhân bản hơn vì ít lý trí trừu tượng hơn.

Dawson định vị toàn bộ sự phát triển của châu Âu trong một sơ đồ khác. Đầu tiên, có một phong trào hoàn cầu từ các nền văn hóa nguyên thủy, trong đó các hữu thể nhân bản vẫn còn gần trái đất và hữu thể động vật nhưng đã sở hữu những trực giác lớn, tuy không rõ ràng, về những điều mà tâm trí con người nhận thức được ngoài sự hiện hữu vật lý đơn thuần. Những trực giác đó đã nhận được sự khớp nối trong các nền văn hóa cổ thời vĩ đại, giai đoạn thứ hai của lịch sử thế giới theo Dawson—một giai đoạn quan trọng đã để lại nhiều dấu vết trong cuộc sống con người, đặc biệt là truyền thống của các thành phố lớn. Các tôn giáo lớn trên thế giới đã dẫn nhập một bước ngoặt khác, “Thời đại Trục” [Axial Age] của Jaspers, chứng kiến sự trỗi dậy của các triết gia Hy Lạp và các nhà tiên tri người Do Thái, Đức Phật và Khổng Tử. Cuối cùng, đối với Dawson, có thời đại thứ tư, sự trỗi dậy của khoa học và kỹ thuật, mà ông cho rằng, trái ngược với nhiều nhà phân tích khác, là mắc nợ quan điểm Kitô giáo về Thiên Chúa, con người và thiên nhiên, trong hình thức hiện đại và có ảnh hưởng lớn của nó.

Một trong những đặc điểm khác biệt mà Dawson nhấn mạnh là sự hiện diện liên tục của tôn giáo trong các thời đại này và cả một sự liên tục nào đó. Các tôn giáo trên thế giới không hoàn toàn loại bỏ những trực giác nguyên thủy của thời nguyên thủy. Và ngay cả thời đại của chúng ta, dù có biết hay không, cũng có động lực để hiểu biết về tạo vật và tìm cách làm cho nó trở nên nhân bản hơn từ một tầm nhìn tôn giáo về thế giới. Hơn nữa, tầm nhìn đó chính là tầm nhìn Kitô giáo. Chính bởi vì Thiên Chúa nằm sau sự sáng tạo nên những suy luận hợp lý của khoa học có thể đạt đến chân lý, vì những suy luận này bắt nguồn từ niềm tin trước đây về một vũ trụ có trật tự và có thể hiểu được một phần. Một tôn giáo tin rằng thế giới là một ảo ảnh hoặc Thiên Chúa hành động thất thường theo ý muốn của mình không thể đạt được quan điểm về sự sáng tạo như một lĩnh vực hữu lý, hợp lý với các quy luật và nguyên nhân phụ có thể khám phá được. Và như Đức Bênêđictô XVI đã lập luận nhiều lần, điều này cũng tạo nên sự khác biệt đối với cách chúng ta nhìn nhận bản thân: Có phải tâm trí của chúng ta chỉ đơn giản là một bong bóng trí hiểu do các thế lực hỗn loạn tung ra và do đó, cho phép chúng ta làm bất cứ điều gì mình muốn? Hay chính việc suy nghĩ của chúng ta là sản phẩm của Logos nguyên thủy đó, một sự tham gia vào một sự thật có trật tự và một thực tại mà chúng ta mắc nợ hữu thể và lòng trung thành của chúng ta?

Đối với Dawson, phương Tây đã bước vào một cuộc khủng hoảng vì nó đã giữ lại một số giá trị Kitô giáo lâu đời hơn mà không có nền tảng để chúng dựa vào. Một tình huống như vậy, từ bản chất, là không ổn định, và những diễn biến kể từ thời của ông đã cho thấy nó là như vậy. Chẳng hạn, nhân quyền là một nhánh của quan niệm Kitô giáo cổ xưa về tính thánh thiêng của con người. Chỉ con người, sự kết hợp giữa thể xác và linh hồn hữu lý, mới có thể là người mang các quyền bởi vì chỉ con người mới có cả trí hiểu và ý chí để lựa chọn điều thiện hay điều ác và sự tự do để có thể lựa chọn như vậy. Đó là một lý do tại sao con người và lương tâm của họ đã được ban cho các bảo vệ nào đó ở phương Tây.

Nhưng nếu không có khuôn khổ tôn giáo trong đó các quan niệm như vậy vận hành, thì những mối nguy hiểm sẽ ngay lập tức xuất hiện. Khoa học và kỹ thuật hiện đại, giờ đây, ngay cả đối với nhiều người không coi mình là tôn giáo, rõ ràng đã làm thế giới vỡ mộng đến mức chúng đe dọa cả môi trường mà chúng ta phụ thuộc lẫn hệ sinh thái nhân bản giúp chúng ta phát triển như những hữu thể nhân bản trọn vẹn. Ngay cả nhân quyền cũng có thể nhanh chóng thoái hóa thành một tập hợp ý tưởng nguy hiểm nếu người ta tin rằng không có sự thật—chỉ có sự giải thoát cho ý chí cá nhân của con người—hoặc tin rằng, giống như nạn phá thai tràn lan, một người có thể tước đi mạng sống của người khác vì các lý lợi ích bản thân. Những mâu thuẫn như vậy trở nên không thể tránh khỏi một khi một nền văn hóa cố gắng biến những tiến bộ về vật chất hoặc kỹ thuật thành vật thay thế cho tôn giáo và một nền văn hóa hoàn toàn nhân bản, vốn đã bị hệ tư tưởng duy vật loại trừ từ trước.

Christopher Dawson đã hiểu cuộc khủng hoảng quy mô lớn này ở phương Tây từ khá sớm và biết rằng phương thuốc duy nhất là để nền văn hóa này tái khám phá nguồn gốc của nó trong Kitô giáo. Như ông đã nói trong cuốn sách năm 1933 Enquiries into Religion and Culture [Những Câu hỏi về Tôn giáo và Văn hóa]:

Xã hội, cũng như cá nhân, không thể chỉ sống bằng bánh mì. Kỹ thuật và tổ chức vật chất là không đủ. Nếu nền văn minh của chúng ta muốn phục hồi sức sống của nó, hoặc thậm chí để sinh tồn, thì nó phải chấm dứt việc sao nhãng cội nguồn tinh thần của mình và phải nhận ra rằng tôn giáo không phải là vấn đề tình cảm cá nhân không liên quan gì đến các thực tại khách quan của xã hội, mà, ngược lại, chính là trái tim của đời sống xã hội và là gốc rễ của mọi nền văn hóa sống động. Phi thế tục hóa nền văn minh hiện đại không phải là vấn đề dễ dàng; thoạt nhìn nó có vẻ là một nhiệm vụ vô vọng. Nhưng ít nhất chúng ta có thể dọn đường cho nó bằng cách phi thế tục hóa quan điểm trí thức của chúng ta và mở rộng tầm mắt của chúng ta về sự hiện hữu của các lực lượng tinh thần tạo ra và biến đổi nền văn minh. (14)

Một trong những cách mà “sự phi thế tục hóa” đã có một chỗ đứng đáng kể trong nền văn hóa phương Tây hiện đại là thông qua nghệ thuật Kitô giáo—đặc biệt là văn học Kitô giáo. Trong các chương tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét một số nhà văn hiện đại lỗi lạc nhất trong truyền thống Công Giáo, tất cả đều thể hiện sự gắn kết mạnh mẽ với thế giới hiện đại. Một số—đáng chú ý nhất là Belloc và Chesterton—có cách tiếp cận khá đấu tranh đối với nền văn hóa đương thời, cho dù họ làm như vậy với sự dí dỏm và quyến rũ tuyệt vời. Những người khác xem xét cuộc đấu tranh giữa thiện và ác trong trái tim con người và cách cuộc đấu tranh đó tác động đến thế giới rộng lớn hơn. Trong mọi trường hợp, chúng ta thấy trong những nhân vật này những thí dụ cụ thể cho thấy một nền văn hóa Kitô giáo đã tìm ra cách tự phát biểu ra sao ngay cả trong một xã hội phủ nhận nhiều điểm xuất phát và phương thức phát biểu của nó. Kết quả—đa dạng, sáng tạo, lôi cuốn—làm chứng rằng một nền văn hóa Công Giáo có thể hiện hữu và tiếp tục đâm chồi nảy lộc ngay cả khi những phân tích trừu tượng đơn thuần cho rằng điều đó bất khả.
_______________________________________________________________________________________________________
(*) Chiếc giường Procrustes: nhân vật truyền thuyết Hy lạp Procrustes có hai cái giường, ai cao thì đặt trên cái giường nhỏ đánh gãy chân, ai thấp thì đặt trên cái giường dài kéo người cho dài ra mà chết. "To place on the Procrustes' bed" có nghĩa: đặt trên chiếc giường Prokrut tức là gò ép vào những khuôn khổ cứng ngắc đã có sẵn.

Ghi Chú

1 The Autobiographies of Edward Gibbon [Tự truyện của Edward Gibbon], ed. John Murray, tái bản lần thứ 2. (London: John Murray, 1897), 137.

2 Trích dẫn trong Christina Scott, A Historian and His World: A Life of Christopher Dawson [Sử gia và Thế giới của ông: Đời sống Christopher Dawson], 1889-1970 (New York: Sheed & Ward, 1984), 49.

3 Cùng nguồn, 210.

4 Cùng nguồn, 110.

5 Xem Christopher Dawson, The Crisis of Western Education [Cuộc Khủng hoảng của Nền Giáo dục Phương Tây], với lời giới thiệu mới của Glenn W. Olsen (Washington, D.C.: Catholic University of America Press, 2010), tái bản từ bản gốc năm 1961.

6 Christopher Dawson, “Edward Gibbon and the Fall of Rome [Edward Gibbon và sự sụp đổ của Rome]”, trong The Dynamics of World History [Động lực của lịch sử thế giới], ed. John J. Mulloy (Wilmington, Del.: ISI Books, 2002), 341.

7 Evelyn Waugh, Helena: A Novel [Helena:Tiểu thuyết] (Boston: Little Brown, 1950), 116.

8 Luc Ferry, A Brief History of Thought: A Philosophical Guide to Living [Lược sử tư tưởng: Hướng dẫn triết học về cuộc sống], Theo Cuffe dịch (New York: Harper Perennial, 2011), là một nỗ lực nghiêm túc theo hướng này, mặc dù cuối cùng vẫn thất bại.

9 “Civilisation and Order [Văn minh và Trật tự]”, Order, tập 1, số 2 (tháng 8 năm 1928): 42.

10 Christopher Dawson, Enquiries into Religion and Culture, with an introduction by Robert Royal [Tìm hiểu về Tôn giáo và Văn hóa], với lời giới thiệu của Robert Royal (Washington, D.C.: Nhà xuất bản Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, 2009), 49.

11 Dawson, Dynamics of World History [Động lực của lịch sử thế giới], 424.

12 Christopher Dawson, Progress and Religion, with a foreword by Christina Scott and an introduction by Mary Douglas [Tiến bộ và Tôn giáo], với lời tựa của Christina Scott và lời giới thiệu của Mary Douglas] (Washington, D.C.: Nhà xuất bản Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, 2001), 29.

13 Christopher Dawson, “The Christian View of History” [Quan điểm lịch sử của Ki-tô giáo], trong Christianity and European Culture: Selections from the Work of Christopher Dawson, [Ki-tô giáo và văn hóa châu Âu: Tuyển tập từ tác phẩm của Christopher Dawson], ed. Gerald J. Russello (Washington, D.C.: Nhà xuất bản Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, 1998), 214.

14 Dawson, Enquiries into Religion and Culture [Tìm hiểu tôn giáo và văn hóa], xxi—xxii.