Chương 5: Nền thần học đổi mới và nền văn hóa hiện đại, tiếp theo



Hans Urs von Balthasar: “Thiên Chúa là nhà chú giải của chính Người”



Bằng sự công nhận gần như nhất trí, sự hiện diện lớn nhất trong thần học Công Giáo cuối thế kỷ 20—cả về ảnh hưởng lẫn số lượng sản phẩm—là Hans Urs von Balthasar (1905—1988). Karl Rahner, một nhân vật được von Balthasar đánh giá cao và đôi khi bị chỉ trích gay gắt, có lẽ là nhà thần học đơn nhất có ảnh hưởng hơn cả ngay sau Công đồng Vatican II, nhưng ảnh hưởng của ngài suy yếu khá nhanh và dường như không có khả năng quay trở lại sớm. Ngược lại, danh tiếng của von Balthasar tiếp tục tăng, đáng chú ý nhất là trong các giới chẳng hạn như nhóm liên kết với tạp chí Communio. (Tạp chí đó được thành lập bởi von Balthasar cùng với Joseph Ratzinger và các nhà thần học nổi tiếng khác đang tìm kiếm một con đường khác sau Công đồng so với con đường được thúc đẩy bởi tạp chí Concilium trước đó, cấp tiến hơn, mà một số người trong số họ ban đầu đã liên kết với nó.) Ngoài phạm vi rộng lớn trong công trình của ngài, một trở ngại cho việc hiểu biết von Balthasar là phương pháp của ngài: như chính von Balthasar đã viết trong một trong những cuốn sách của ngài, sự thật có tính “giao hưởng” (25) và do đó không thể giản lược thành một vài nguyên tắc và khai triển chi tiết có hệ thống theo cách của phần lớn lối viết học thuật.

Như có thể phỏng đoán từ cái tên ấn tượng của ngài, von Balthasar là hậu duệ của một gia đình quý tộc có lịch sử lâu đời và nổi tiếng. Ngài sinh năm 1905 tại Lucerne, khi đó là một trong những trung tâm Công Giáo ở Thụy Sĩ. Thời thơ ấu, ngài được tiếp xúc với những đỉnh cao của văn học, âm nhạc, nghệ thuật, thần học và triết học của Đức, Pháp, Anh và các nước châu Âu khác. Thật vậy, ngài là một nhạc sĩ tài năng đến nỗi nếu không phát triển những sở thích khác, nhiều người tin rằng ngài có thể đã có một sự nghiệp chuyên về âm nhạc. Sự thoải mái mà sau này ngài biểu lộ trong các nghiên cứu về nhiều ngôn ngữ và toàn bộ nền văn hóa phương Tây khi ngài thực hiện công trình triết học và thần học của ngài phản ảnh chính nguồn gốc quá trình dưỡng dục của ngài. Henri de Lubac, bản thân vốn là một người có học thức cao với sự sắc sảo trong phê bình đáng kể và là một người bạn, đã từng mô tả von Balthasar “có lẽ là [người] có học thức nhất trong thời đại của mình”. (26) Nơi von Balthasar, văn hóa cao đã kết hợp với năng lực làm việc to lớn và một óc sáng tạo chói lọi. Xuất lượng lớn lao và đa dạng đến nỗi nguyên việc phân loại nó các học giả cũng đã thấy khó khăn rồi. Tùy thuộc vào cách phân loại nhỏ các tác phẩm, von Balthasar đã viết đâu đó khoảng từ sáu mươi đến một trăm cuốn sách—phần lớn có độ dài đáng kể—và hàng trăm bài báo trước khi ngài qua đời vào năm 1988, chỉ hai ngày trước khi được Đức Gioan Phaolô II tấn phong Hồng Y.

Ngay cả việc lần giở lại các đường nét lớn của một bộ óc phong phú như vậy cũng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Và một khó khăn nữa phát sinh từ việc ngài là một nhà văn rất bao quát (việc trong phần lớn cuộc đời ngài, ngài cũng là nhà xuất bản của chính mình, thông qua Johannes Verlag, một cơ quan do chính ngài thành lập cũng chẳng giúp gì trong khía cạnh này). Một ý nghĩ chợt nảy ra với ngài trong một cuộc tranh luận có thể dẫn đến sự lạc đề kéo dài hàng chục trang trước khi ngài trở lại với chủ đề chính. May mắn một điều, có lẽ cảm nhận được địa hình đồi núi mà mình đã tạo ra, ngài đã cung cấp cho độc giả một tiểu luận ngắn thực sự là một tổng hợp tuyệt tác và cô đọng, mà dường như ngài có thể làm khi ngài muốn làm: “Bản Tóm lược Tư tưởng của tôi”. (27) Năm trang này là một hướng dẫn không thể thiếu về đóng góp chính của von Balthasar cho truyền thống trí thức Công Giáo: bộ ba gồm mười lăm tập của ngài, Vinh quang Thiên Chúa, Thần-Kịch [Theo-Drama] và Thần-Luận Lý [Theo-Logic], xuất hiện từ năm 1961 đến 1987, chính trong thời kỳ sôi động nhất của Giáo Hội trong thế kỷ hai mươi. Mỗi phần của bộ ba tập trung vào một “sự suy tư [đăc thù] về hoàn cảnh của con người”. (28) Bảy tập của Vinh quang Thiên Chúa được dành cho mỹ học, một cách ngạc nhiên đối với những người không quen thuộc với von Balthasar; năm tập Thần-Kịch dành cho cuộc gặp gỡ đầy kịch tính giữa Thiên Chúa và con người; và ba tập Thần-Luận lý dành cho những cách thức trong đó lý trí con người mở cửa một cách không thể tránh khỏi đón nhận siêu việt, những cách thức mà nếu được hiểu một cách đúng đắn sẽ dẫn chúng ta vào trung tâm của tính Công Giáo. Bất cứ ai từng nghiên cứu triết học đều có thể nghi ngờ rằng những sự phân chia này, đại khái, làm vang dội lại ba cuốn Phê bình của Kant, theo một trật tự cố ý đảo ngược. Mặc dù von Balthasar chủ yếu là người chỉ trích Kant, nhưng rõ ràng mục tiêu của ngài trong kiệt tác này cũng đầy tham vọng như mục tiêu của người tiền nhiệm vĩ đại người Đức của ngài.

Như von Balthasar giải thích trong bản “Tóm lược” của ngài, sự suy tư phải bắt đầu từ việc chúng ta khám phá ra bản thân mình như những hữu thể ngẫu nhiên và hữu hạn trong một thế giới ngẫu nhiên và hữu hạn. Mọi điều hiện hữu trong thế giới của chúng ta đều có thể dễ dàng không hiện hữu. Tuy nhiên, cả chúng ta và thế giới, một cách nào đó, cũng cởi mở đối với thể vô hạn và vĩnh cửu. Các nhà triết học cổ thời đã trực quan những sự thật này nhưng lại cố gắng giải quyết các căng thẳng theo những cách sai lầm. Ở một thái cực, Parmenides tuyên bố rằng điều có thực phải không thay đổi, biến thế giới luôn thay đổi của chúng ta thành ảo ảnh, như trong Phật giáo và các thuyết thần bí phủ nhận thế giới khác. Ở một thái cực khác, Heraclitus tuyên bố rằng vạn vật đều lưu chảy - nhưng thể bất biến và vĩnh cửu thì sao? Ngay Platông vĩ đại, đối mặt với sự phân chia, cũng chỉ có thể giải quyết tính nhị phân [dichotomy] biểu kiến này bằng cách lập luận rằng chân lý thực sự phải ở đâu đó trong một lĩnh vực ý tưởng vĩnh cửu, cách xa thế giới này vốn chỉ là một bản sao không ổn định và luôn thay đổi của những điều vĩnh cửu. Những người theo chủ nghĩa Tân Platông sau này đã bất đồng ý kiến khi nghĩ rằng bản thân thế giới là một sự rơi rụng từ thể thần linh hoặc một sự xuất phát tất yếu từ một Đấng không thể nào hiểu được. Nhưng những triết lý mang tính tôn giáo này không phải là giải pháp cho tính nhị phân [duality] không thể nào vượt qua được trong viễn ảnh của người Hy Lạp, vốn có những điểm song hành trong những suy tư duy lý của các nền văn minh khác.

Chính Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể trả lời cho câu hỏi liên quan đến chính hữu thể và yếu tính của con người:

“Bản thể suy nghĩ của tôi tự lồng nó vào chính chỗ này. Trước hết, chúng ta hãy nói rằng thuật ngữ truyền thống chỉ “siêu hình” có nghĩa là hành vi vượt quá khoa vật lý, điều mà đối với người Hy Lạp có nghĩa là tổng thể của vũ trụ, mà con người là một thành phần. Đối với chúng ta, khoa vật lý là một điều khác: khoa học về thế giới vật chất. Đối với chúng ta, vũ trụ tự hoàn thiện trong con người, một chủ thể cùng một lúc vừa tóm lược vừa vượt quá thế giới. Do đó, triết học của chúng ta, trong yếu tính, sẽ là siêu nhân học, tiền giả định không những các khoa vũ trụ học, mà cả các khoa nhân học nữa, và vượt quá chúng để hướng tới vấn đề về hữu thể và yếu tính của con người. (29)

Đây là một cách trình bày khá trừu tượng mà von Balthasar cũng phát biểu một cách cụ thể hơn (và điều này giúp giải thích các phân chia cấu trúc bên trong tác phẩm bộ ba đồ sộ của ngài). Ngài nói, tất cả chúng ta đều trở nên có ý thức, không phải do suy tư triết học, nhưng trong một cuộc gặp gỡ bản thân, một cách cụ thể, với nụ cười của mẹ chúng ta. Theo von Balthasar, kinh nghiệm nguyên thủy này tiết lộ cho mỗi người bốn điều: “(1) họ là người yêu mẹ, ngay cả khi không phải là mẹ mình, do đó mọi hữu thể đều là một; (2) tình yêu tốt lành, do đó mọi hữu thể đều tốt lành; (3) tình yêu đó chân thật, do đó mọi hữu thể đều chân thật; và (4) tình yêu gợi lên niềm vui, do đó mọi hữu thể đều đẹp đẽ.” (30)

Không nản lòng trước những lời chỉ trích thông thường đối với quan điểm như vậy từ trường phái Freud hoặc trường phái khác chủ trương giản lược tâm lý, von Balthasar khẳng định rằng những trải nghiệm ban đầu này cho thấy những loại suy nào đó với cách trình bày cổ điển về các thể siêu việt: thể duy nhất, thể thiện, thể chân và thể mỹ. Hơn nữa, chúng nhắc nhở chúng ta rằng “con người chỉ hiện hữu nhờ đối thoại liên bản vị”, (31) bao gồm cả khả thể đối thoại với Thiên Chúa. Trong tác phẩm bộ ba của von Balthasar, mỗi phần trong số ba phần đều tìm thấy nguồn cảm hứng từ một trong những thể siêu việt, nhưng ngài khái niệm hóa những phạm trù truyền thống này theo một cách mới mẻ và rất độc đáo. Để bắt đầu, phần đầu tiên của bộ ba, The Glory of the Lord [Vinh quang Thiên Chúa], tập trung vào vẻ đẹp và các vấn đề thẩm mỹ, sức mạnh của cái đẹp chạm đến trái tim của chúng ta và đưa chúng vượt quá những gì chúng ta tin trước đó là có thật. Đây không phải là lời biện hộ cho nghệ thuật và tính cao qúy của tự nhiên như một cách sắp xếp và truyền cảm hứng cho cuộc sống theo cách mơ hồ của Chủ nghĩa lãng mạn - một chủ nghĩa chủ quan và tính phi lý sai lầm mà von Balthasar nhận thức rõ mang theo nhiều nguy hiểm, như đã thấy rõ trong lịch sử của hai thế kỷ qua. Đúng hơn, ngài tìm cách nối kết “vinh quang”, theo nghĩa sâu sắc của tiếng Do Thái kabod, với Chúa Giêsu Kitô, như “mô thức” đẹp nhất được chúng ta tri nhận, và với những biểu hiện khác của cái đẹp khi chúng khúc xạ vẻ đẹp căn bản của hiện hữu được trình bày với chúng ta trong những biến cố được kể lại trong Cựu Ước và Tân Ước.

“Nhìn thấy mô thức” [Seeing the form], ít nhất, cũng là một nơi táo bạo để bắt đầu một công việc thần học rộng lớn như vậy, đặc biệt trái ngược với các trào lưu cứng cỏi của Aristốt, Tôma và Kant trong thần học Công Giáo. Những cách tiếp cận vừa kể có vẻ vượt qua chủ nghĩa duy lý hiện đại và chân lý khoa học trên địa hình của chính chúng; von Balthasar, mặc dù khá ý thức được phần đó của truyền thống văn hóa, nhưng có vẻ như sẽ xây dựng trên một nền tảng hoàn toàn khác. Sự kêu gọi của ngài hướng về “trái tim” —và chỉ sau đó mới đền cái đầu — đã có tiền lệ ở các thời đại khác. Chẳng hạn, Pascal đã lập luận một cách nổi tiếng trong tác phẩm Pensées [Các Ý Tưởng] rằng trái tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không biết gì, một chủ trương từng nổi bật trong các thời kỳ khi một quan niệm hẹp hòi về lý trí được cho là đe dọa bản chất đặc biệt của các loài động vật có lý trí vốn sản xuất ra nó. Theo nghĩa này, lời kêu gọi căn bản của von Balthasar đối với tính toàn thể của con người ban đầu có nguy cơ bị nhấn chìm trong làn nước dâng cao của chủ nghĩa chủ quan và thuyết tương đối hiện đại, nhưng nó nắm lấy cơ hội để có cơ tưới mát những vùng đất khô cằn của thần học và triết học quá duy lý. Von Balthasar thích nhắc mọi người nhớ rằng bằng tiến sĩ duy nhất của ngài là về Đức học [Germanistik], một lĩnh vực liên ngành bao gồm văn học, triết học và văn hóa. Ở Đức, người ta thường nói rằng trí thức phải lựa chọn giữa lý trí khô khan của Kant và thi ca tươi tốt của Goethe; von Balthasar chủ yếu thuộc phe sau xét về điểm xuất phát của ngài, mặc dù ngài có thể cũng nghiêm ngặt như bất cứ nhà tư tưởng hiện đại nào trong địa hình đã chọn của mình.

Điều này đủ rõ ràng ngay trong tựa đề ngài đặt cho bảy quyển Vinh quang Thiên Chúa. Ngài bắt đầu với cuốn "Nhìn thấy Mô thức" [Seeing the Form], tức là mô thức của Chúa Kitô và toàn bộ lịch sử thánh thiêng dẫn đến sự hy sinh của Người để cứu chuộc con người và các thời đại Kitô giáo tiếp theo. Von Balthasar sau đó lần theo dấu vết vinh quang của mô thức này trong sáu tập thông qua ba cặp nhân chứng có liên quan: các nhân vật giáo sĩ và giáo dân trong suốt lịch sử Kitô giáo (kết thúc với Charles Péguy, nhà tư tưởng và nhà thơ người Pháp qua đời năm 1914); siêu hình học cổ đại và hiện đại; và Cựu Ước và Tân Ước. Đối với von Balthasar, việc tìm ra ánh vinh quang này không phải chỉ là cách cảm xúc hay sở thích bản thân hay cách suy nghĩ khả hữu về Kitô giáo. Đó là cách sự thật tự bộc lộ ngay tức khắc, nghĩa là tham gia vào diễn trình tự giao tiếp với chúng ta, vì sự thật phải chọn cách đến với chúng ta theo một phương thức tự bộc lộ chứ không thể diễn ra theo bất cứ cách nào khác. Dư âm của hiện tượng học, đã được xem xét trong chương trước, khá rõ ràng.

Cách tiếp cận này cũng đáp ứng một loạt các cuộc khủng hoảng. Đầu tiên, sự tan biến của cách tiếp cận vũ trụ học cũ dường như tìm thấy những dấu hiệu của thể thần linh trong trật tự của vũ trụ qui địa [geocentric] cũ của Ptolemy. Ngài nói, ngay trước cuộc Cách mạng Copernicus, cách tiếp cận đó đang dần biến mất và quan điểm nhân học đã bắt đầu thay thế nó. Trong viễn cảnh xa hơn này, những điều đặc trưng của con người—lý trí, ý chí, tự do, tình cảm—đã thay thế trật tự vũ trụ khách quan như những gợi ý dẫn tới Thiên Chúa. Các nhân vật đa dạng như Pascal, Luther và thậm chí cả Kant đều chia sẻ cảm thức này là: lý trí cổ xưa không thể chạm tới trái tim con người, vốn phong phú với những thực tại vượt quá vật chất [the material]. Nhưng nhân tính vượt quá lý trí này và Thiên Chúa, Đấng giả thiết lôi cuốn nó, dễ bị buộc là duy ngã [solipsism] và chủ quan đơn thuần. Trong những bàn tay lỗ mãng hơn, chẳng hạn như của Ludwig Feuerbach, viễn cảnh nhân học có thể được sử dụng như một việc ban đặc quyền cho các viễn cảnh nhân bản để đánh giá những tín điều dường như không đáp ứng nhu cầu của con người, được hiểu một cách duy tự nhiên: “Triết học rốt cuộc chẳng là gì khác hơn là nhân học”.

Von Balthasar trích dẫn câu này từ cuốn Principles of the Philosophy of the Future [Các Nguyên tắc của Triết học về Tương lai] của Feuerbach, một cuốn sách có ảnh hưởng mạnh mẽ đến Marx và nhiều nhà tư tưởng khác sau này, trong một tập ngắn gọn và hữu ích đặt ra các mục tiêu của mỹ học thần học, Love Alone Is Credible [Chỉ có Tình yêu mới Đáng Tin cậy. (32) Như ngài nói rõ, tình yêu, như được hiểu một cách trọn vẹn trong truyền thống Kitô giáo, giờ đây phải là nền tảng, Con đường Thứ ba, là con đường duy nhất trong thời đại chúng ta nhờ đó những chân lý vĩ đại của đức tin có thể được bảo đảm: “Triết lý tôn giáo hay sự hiện hữu tôn giáo đều không thể cung cấp tiêu chuẩn cho tính chân chính của Kitô giáo. Trong triết học, con người khám phá ra những gì con người có thể biết được về chiều sâu của hữu thể; trong hiện hữu, con người sống qua được những gì có thể sống được một cách nhân bản. Nhưng Kitô giáo sẽ biến mất ngay khi nó tự cho phép mình bị hòa tan thành một điều kiện tiên quyết siêu việt cho việc con người tự hiểu biết về chính họ trong suy nghĩ hay cách sống, nhận thức hay hành động.” (33) Chúng ta phải gặp gỡ người khác trong tình yêu, và gặp gỡ người khác có nghĩa không bao giờ được thống trị người khác hay giải thích bằng các bác bỏ tình yêu trong một hệ thống nào đó. Đối với von Balthasar, một tri nhận “thẩm mỹ” tương tự như và tạo thành một phần của cuộc gặp gỡ với người khác này vì “giống như cuộc gặp gỡ bản thân, thẩm mỹ có thể phục vụ tốt nhất như một dấu hiệu của Kitô giáo. Nhưng, giống như trong tình yêu thương lẫn nhau của con người, dấu hiệu này có giá trị trong chừng mực người khác như người khác được gặp gỡ một cách tự do, chứ không bao giờ nằm trong tầm kiểm soát của tôi, trong tri nhận thẩm mỹ cũng vậy, không thể giản lược mô thức xuất hiện [ Gestalt] vào sức tưởng tượng của riêng tôi.” (34)

Mặc khải Kitô giáo tham gia vào loại năng động tính này và không bị sự kiện đó làm suy giảm. Thay vào đó, nó cho thấy nó có liên quan đến những điều khác mà chúng ta thường gọi là tình yêu nhưng nó cũng vượt trội hơn rất nhiều so với bất cứ sự so sánh nào như vậy: “Sự hợp lý của tình yêu Thiên Chúa... chỉ được soi sáng bởi hình thức mặc khải tự diễn giải của chính tình yêu. Và hình thức này uy nghi đến mức chúng ta được dẫn dắt để tôn thờ nó từ một khoảng cách tôn kính bất cứ khi nào chúng ta nhìn thấy nó, ngay cả khi nó không ra lệnh minh nhiên cho chúng ta làm như vậy.” (35)

Von Balthasar cảnh cáo rằng nếu không có gốc rễ trong tình yêu này, thì chính thần học có nguy cơ trôi dạt vào chủ nghĩa vô thần hoặc thuyết bất khả tri: caritas forma Revelationis (“Tình yêu là hình thức của mặc khải”). Tương tự như vậy, các tín điều của Giáo hội—tự chúng là cần thiết và chân chính—không có tình yêu rõ ràng thì không chiếm được vị trí thích hợp của chúng một cách hữu hiệu. Tất cả những thất bại và hư hỏng của Giáo hội đều không đáng kể khi người ta tri nhận được đặc điểm thiết yếu này. Tình yêu với tư cách là hình thức mặc khải thậm chí có thể sinh tồn trước sự tấn công của học thuật Kinh thánh hiện đại, mà von Balthasar vốn khá quen thuộc và coi trọng ở mức độ lớn. Nhưng ngài gán kết quả của nền học thuật như vậy cho một chức năng phụ đối với một sự thật lớn hơn. Sự thật đó vượt quá các đề xuất trí thức để thừa nhận rằng đức tin Kitô là một bi kịch trong đó Thiên Chúa hành động và những người đàn ông và đàn bà đáp trả. Nó không chỉ đơn thuần là một tập hợp các đề xuất, mặc dù có một vai trò thích đáng cho các chân lý đức tin được trình bày rõ ràng. Nhưng những sự thật đó phải được hiểu trong bối cảnh của một hành động kịch tính, tạo thành chủ đề trung tâm của phần chính thứ hai trong bộ ba tác phẩm của von Balthasar, Theo-Drama: Theological Dramatic Theory [Thần-Kịch: Lý thuyết Kịch tính thần học].

Thần-Kịch: Lý thuyết Kịch tính thần học

Giống như thẩm mỹ thần học của ngài, Thần-Kịch có thể dễ dàng bị hiểu lầm. Đối với nhiều người trong thế giới hiện đại, kịch gắn liền với sự phi thực tại, mọi thứ đều “sân khấu”, “dàn dựng”, “đóng kịch”, v.v. Những thái độ như thế này phản ảnh sự lo lắng hiện đại về việc thiếu tính chân chính trong việc đóng các “vai trò” trong xã hội, một điều đã xuất hiện vào đầu thế kỷ XX trong tác phẩm của Martin Heidegger, triết gia người Đức có ảnh hưởng lớn trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả thần học. Von Balthasar đã nghiên cứu Heidegger và tiếp thu một số ảnh hưởng nhất định từ ông, nhưng điều này không ngăn cản ngài tin rằng đời sống Kitô hữu nhất thiết phải được quan niệm như một bi kịch, trước hết là bi kịch về sự Nhập thể, cái chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô, vốn cung cấp chìa khóa để đọc tất cả các bi kịch trước đó và tiếp theo trong toàn bộ câu chuyện về Sáng thế, Sa ngã và Cứu chuộc. Ngài thậm chí còn đi xa hơn khi nói rằng Cha, Con và Thánh Thần đóng vai trò làm nhà viết kịch, diễn viên và đạo diễn trong vở kịch này.

Tại sao von Balthasar lại nhấn mạnh quá nhiều vào kịch tính của câu chuyện Kitô giáo? Rất khó để tóm tắt phần này trong công trình của ngài, và các nhà thần học chuyên nghiệp có những đánh giá khác nhau về sự thành công hay thất bại của nó. Chắc chắn, một phần của sự nhấn mạnh phản ảnh sự nhạy cảm bản thân. Bi kịch và thi ca bi kịch đã thu hút sự chú ý của von Balthasar, đến mức ngài là dịch giả và ông bầu chính đằng sau việc dàn dựng một số tác phẩm kịch, trong số đó có vở kịch lớn The Satin Slipper [chiếc dép satanh] của Paul Claudel và Great Theater of the World [Nhà hát Vĩ đại của Thế giới] của Calderon. Khi von Balthasar nghiên cứu Kierkegaard dưới sự hướng dẫn của Romano Guardini ở Munich, tuy ngài có ấn tượng trước triết gia Đan Mạch vĩ đại này, nhưng điều đó cũng khiến ngài mất hứng thú khi một nhà tư tưởng Kitô giáo sắc sảo bác bỏ thẩm mỹ chỉ đơn thuần coi nó có tính nhục cảm, ngay trong những tác phẩm nghệ thuật rõ ràng là vĩ đại như Don Giovanni của Mozart. Đối với von Balthasar, kịch dường như thể hiện điều gì đó tốt hơn các phương thức sáng tạo khác của con người. Nhưng điều gì đặc biệt đã thuyết phục ngài sử dụng kịch tính trong một tác phẩm xét cho cùng chủ yếu nhằm đóng góp cho thần học Kitô giáo?

Von Balthasar đã viết rất xuất sắc và trở nên khá thân thiện với nhà thần học Thệ phản vĩ đại nhất của thế kỷ 20, Karl Barth. Sau những nghiên cứu ban đầu với các tu sĩ Dòng Tên, von Balthasar được cấp trên đề nghị làm giáo sư tại Đại học Gregorianô ở Rôma hoặc tuyên úy trường đại học ở Basel. Ngài chọn điều thứ hai. Barth cũng sống ở Basel, và von Balthasar đã thuyết trình một loạt bài về tác phẩm của ông, được Barth tham dự và sau này trở thành một cuốn sách. (36) Làm việc với một số ý niệm loại suy hữu thể (analogia entis) lúc ấy đang trong diễn trình khai triển bởi Erich Przywara, von Balthasar đã chứng minh rằng tuyên bố chính của Barth - rằng ý niệm loại suy của Công Giáo Rôma là một nỗ lực nhằm giành quyền kiểm soát ý niệm Thiên Chúa - hoàn toàn ngược lại với sự thật. Kể từ các sắc lệnh của Công đồng Lateranô lần thứ tư vào năm 1215, trong Giáo hội, vốn đã có việc tiếp nhận sự khôn ngoan cho rằng “giữa Đấng Tạo Hóa và tạo vật, không thể biện phân được điểm nào giống nhau mà đồng thời không cần phải biện phân được điểm khác biệt lớn hơn”. Chúng ta phải thu thập một số ý niệm về Đấng Tạo Hóa từ việc sáng thế của Người, bởi vì sự sáng thế không thể nói sai về Đấng Tạo Hóa. Đó là tất cả những gì chúng ta biết, nhưng nó cho chúng ta biết rằng không có gì giống hệt như những gì chúng ta thấy trong sáng thế có thể đã tạo ra nó. Barth dần dần chuyển dịch theo hướng của von Balthasar trong diễn trình tương tác của họ. Và, có lẽ một phần để trả lời những câu hỏi được đặt đúng chỗ của Barth, von Balthasar đôi khi đã nói tới cata-logy, một việc từ trên cao nói xuống dưới [κατα=xuống dưới; λέγω=nói], tương phản với phép loại suy, qua đó Thiên Chúa đã chọn để mặc khải Người phần nào trong những điều nhỏ bé hơn có thể dẫn dắt chúng ta trở lại với Người.

Do đó, các Kitô hữu cũng có thể tiếp cận Thiên Chúa qua sự mặc khải của Người, không chỉ qua Kinh thánh, mà còn qua sự kiện thực tế về việc Thiên Chúa đi vào thế giới trong con người của Chúa Giêsu Kitô. Von Balthasar coi cuộc đời của Chúa Kitô là “điều phi thường” (Einmaligkeit), vở kịch thần thiêng ở tâm điểm của trọn sáng thế, trong đó tất cả chúng ta đều là những diễn viên phụ. Bi kịch này, mặc dù được viết, sản xuất và “đóng vai chính”, có thể nói như thế, bởi Chúa Ba Ngôi, cho phép tự do thực sự dù hữu hạn trong chân trời của chúng ta. Tại sao chúng ta cần viễn cảnh bi kịch để hiểu điều đó? Chủ yếu là vì các phương thức tiếp cận triết học và thần học, vốn cố gắng hiểu làm thế nào tự do hữu hạn có thể hiện hữu trước tự do, quyền năng và kiến thức vô hạn của Thiên Chúa, trong lịch sử, đã dẫn đến mâu thuẫn. Hoặc là Thiên Chúa biết và làm mọi sự qua ân sủng, còn con người chỉ là công cụ thụ động của ân sủng Người (người được cứu) hoặc từ chối ân sủng (người bị nguyền rủa), như trong thuyết tiền định kép của Calvin; hoặc con người có sức mạnh hạn chế nhưng thực sự để kết hợp sức mạnh của ân sủng vô hạn và do đó có thể tự cứu mình, như trong thuyết Pelagianô. Trong nhiều thế kỷ, các nhóm tín ngưỡng Kitô giáo đã xung đột với nhau về vấn đề nan giải này, ngay cả trong đạo Công Giáo. Chứng kiến cuộc tranh cãi vào thế kỷ XVI và XVII giữa những người theo Domingo Bânez thuộc dòng Đa Minh và những người Dòng Tên ủng hộ Luis de Molina; Các tu sĩ Dòng Tên buộc tội các tu sĩ Đa Minh theo chủ nghĩa Calvin vì họ nhấn mạnh đến quyền năng toàn năng của ân sủng, trong khi các tu sĩ Đa Minh cáo buộc các tu sĩ Dòng Tên theo chủ nghĩa Pelagianô vì họ nhấn mạnh vào ý chí tự do. Ngay cả Đức Giáo Hoàng Piô VI cũng không thể giải quyết xung đột này và chỉ cấm mỗi bên tấn công bên kia.

Một trong những người giải thích tốt nhất về von Balthasar lập luận rằng lịch sử này đã khiến nhà thần học vĩ đại tin rằng chúng ta cần một điều gì đó giống như một sự thay đổi mô hình, điều mà ngài đã tìm thấy trong Thần-Kịch: “Điều mà ngài đã làm bằng cách làm nổi bật tất cả các ẩn dụ sân khấu và kịch tính vốn có trong thần học là một lúc thay đổi toàn bộ quan điểm mà nhờ đó các nhà thần học từng xem xét vấn đề này.” (37) Chúng ta có thể trình bày các hệ quả như sau. Khi chính Thiên Chúa trở thành con người trong mầu nhiệm Nhập thể và đi vào thời gian, chúng ta không còn vướng vào một cuộc tranh luận trừu tượng về ân sủng nữa; chúng ta có một người đồng chủng có thể thông đạt một cách mà chúng ta có thể hiểu, ít nhất là một phần, và yêu cầu chúng ta đáp trả. Trong cuốn A Theology of History [Một Nền Thần học Lịch sử], von Balthasar giải thích: “Vở kịch không hiện hữu trước nhưng được thai nghén, sản xuất và diễn xuất cùng một lúc. Nhập thể không phải là màn trình diễn thứ mấy của một bi kịch đã nằm trong văn khố vĩnh cửu. Đó là một sự kiện hoàn toàn độc đáo, duy nhất và không bị hoen ố như sự ra đời vĩnh viễn tại đây và bây giờ của Chúa Con từ Chúa Cha.” (38) Và mục đích của việc diễn tập sự thật này đã được von Balthasar nêu rõ trong Thần-Kịch: “Chúng ta cần phải luôn giữ trước mắt cách trong đó tự do vô hạn hài lòng xuất hiện giữa sự hữu hạn, nếu chúng ta không bị lôi kéo sang một bên vào những vấn đề tư biện trừu tượng (và do đó được đặt ra một cách sai lầm).” (39)

Thần-Luận lý

Điều trên đưa chúng ta đến Thần-Luận lý (phần thứ ba của bộ ba). Nó đề cập đến ba tập, một cách khái niệm hơn, với một vấn đề trung tâm bắt nguồn từ cái nhìn sâu sắc này: Làm thế nào lý trí hoặc trí hiểu của con người, vốn được tạo dựng và có giới hạn như chúng nhất thiết phải là, có thể tiếp nhận lời thần thiêng, theo định nghĩa vốn bất tạo và vô hạn? Dĩ nhiên, theo một nghĩa nào đó, chúng ta chỉ nhận được mặc khải của Thiên Chúa như một mầu nhiệm. Nhưng, von Balthasar nói, xét một cách khác, Chúa Giêsu, như chúng ta thấy trong các sách Tin Mừng, là “nhà chú giải” của Chúa Cha và của chính Người, và Chúa Thánh Thần giúp chúng ta có khả năng tiếp nhận cả ý nghĩa của điều đó và những gì Chúa Kitô nói. Bằng những thuật ngữ đôi khi gợi nhớ đến Heidegger, von Balthasar không nhìn điều này theo cách truyền thống của siêu hình học về Hữu thể Tuyệt đối (mặc dù ngài khá quen thuộc với cách tiếp cận đó và quan tâm đến việc bổ sung nó hơn là loại bỏ nó). Quan điểm của ngài phù hợp hơn với các cách tiếp cận thẩm mỹ và kịch tính mà ngài đã khai triển như một kiểu tiết lộ-che giấu Hữu thể. Ngài ít theo đuổi “mô thức” của sự tiết lộ đó bằng các thuật ngữ trừu tượng của Thánh Tôma hoặc Kant hơn là biện phân việc nó đã diễn ra như thế nào trong lịch sử. Theo quan điểm này, cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người được hưởng lợi từ những hình ảnh có sẵn trong thế giới, những hình ảnh này không chỉ đơn giản là chính chúng mà còn duy trì những gốc rễ mầu nhiệm trong Hữu thể, trong khi vẫn tự cung hiến cho chúng ta theo cách mà chúng ta có thể nắm bắt được. Vì vậy, một loại biện chứng xuất hiện từ khuôn mặt trực tiếp của một hữu thể, một loại biểu tượng qua đó chúng ta được dẫn đến một sự thật khác. Chúng ta không thể nắm bắt được hữu thể và sự thật mầu nhiệm đó bởi vì do chính bản chất của nó, nó phải quyết định tự tiết lộ chính nó cho chúng ta. Và vì vậy, nó không phải là kết quả của nỗ lực trí thức từ phía chúng ta cũng không phải là trải nghiệm chủ quan đơn thuần; đúng hơn, đó là sự tự tiết lộ bản thân trong tình yêu của Đấng là vẻ đẹp, là sự thiện và là sự thật. Và sự tự tiết lộ này chắc chắn là một thần-luận lý; nó phụ thuộc một cách chuyên biệt vào sự tiết lộ thần thiêng tìm thấy nơi Chúa Kitô.

Adrienne von Speyr và Cộng đồng Thánh Gioan

Một trong những cách chủ yếu khiến điều trên trở nên cụ thể đối với von Balthasar là trong mối tương quan của ngài với Adrienne Kaegi-von Speyr, một nhân vật khá nổi bật theo đúng tư cách của bà. Bà là một bác sĩ y khoa người Thụy Sĩ xuất thân từ một gia đình danh giá ở Basel và là một người theo phái Thệ phản Cải cách. Bà được von Balthasar tiếp nhận vào Giáo Hội Công Giáo năm 1940, điều này đã gây ra không ít chấn động cho những người đồng đạo trước đây của bà. Đáng chú ý, những câu chuyện bắt đầu lan truyền về phép lạ trong văn phòng y tế của bà. Nhà thần học vĩ đại người Thụy Sĩ sau này tuyên bố: “Công việc của bà và của tôi không thể tách rời nhau về mặt tâm lý hay thần học. Chúng là hai nửa của một tổng thể, với một nền tảng duy nhất ở trung tâm.” (40) Von Balthasar rời Dòng Tên (mặc dù không phải chức linh mục) vài năm sau đó để cùng với bà thành lập Johannesgemeinschaft (Cộng đồng Thánh Gioan) và Johannes Verlag, nơi đã xuất bản nhiều cuốn sách của bà và của ngài. Vì người ta ước tính rằng bà đã viết hoặc đọc chính tả cho von Balthasar ghi lại khoảng sáu mươi cuốn sách, một số trong thời gian bà được thị kiến, và ngài đã tự mình sản xuất gần gấp đôi số lượng đó, nên có lẽ không ai có thể mô tả đầy đủ mối tương quan và ảnh hưởng lẫn nhau của họ. Nhưng một số đường hướng chính có thể được nhận diện.

Có lẽ chiều kích đơn nhất quan trọng nhất liên quan đến một loại linh đạo Thánh Mẫu trong đó định hướng thần học chính yếu là tính dễ tiếp nhận sáng kiến của Thiên Chúa. (Vào những năm 1940, Von Speyr đã khuyến khích von Balthasar, giữa tất cả các công việc khác của ngài, thành lập một tạp chí—một gợi ý chỉ được tuân theo khi tờ Communio xuất hiện vào năm 1972, một tờ báo đã coi tính dễ tiếp nhận này của Đức Mẹ như một loại chủ đề thần học trung tâm.) Như ngài đã viết trong “Chương trình” cho tạp chí đó: “Tuy nhiên, Agape trước hết là một món quà từ trên cao; chỉ khi đó nó mới có thể được chúng ta bắt chước một cách ngập ngừng. Thành thử, sự hiệp thông liên bản vị theo chiều ngang không bao giờ có thể thiết lập tiêu chuẩn cho chiều dọc do Thiên Chúa thiết lập. Nếu không, chúng ta nên quay trở lại một lần nữa với một Giáo hội tự tạo ra trong Luật được giải thích theo kiểu biệt phái. Hoặc theo tà giáo Pelagianô (có lẽ đang phổ biến một cách nguy hiểm hơn bao giờ hết vào thời điểm hiện tại), theo đó mỗi Kitô hữu đều có khả năng cho đi nhiều như những gì họ thực sự đạt được.” (41)

Có một điển hình bản thân về điều này trong mối tương quan của họ. Khi ngài hướng dẫn bà về đức tin, một điều bất thường đã xảy ra:

“Khi tôi cho bà thấy rằng câu nói ‘Ý Cha được thể hiện’ không có nghĩa là chúng ta dâng cho Thiên Chúa những gì chúng ta có thể tự làm, mà đúng hơn là chúng ta dâng cho Người sự sẵn lòng của chúng ta để những gì Người làm chiếm lấy cuộc đời chúng ta và đưa chúng ta đi bất cứ đâu theo ý muốn, như thể tôi đã vô tình chạm vào công tắc đèn khiến tất cả đèn trong phòng bật sáng ngay lập tức. Adrienne dường như được giải thoát khỏi xiềng xích kiềm chế và được cuốn đi trong cơn lũ cầu nguyện như thể một con đập bị vỡ”. (42)

Có vẻ như đây là nguồn gốc cận kề của nhiều thị kiến và nguồn cảm hứng mà bà sẽ có trong những thập niên tiếp theo của cuộc đời bà. Trong số đó, von Balthasar tin rằng những bài bình luận về Kinh thánh, đặc biệt là những bài bình luận về Tin Mừng của Thánh Gioan, vị tông đồ của tình yêu, là quan trọng nhất trong số những thứ mà ngài đã xuất bản.

Nhưng bà cũng có những thị kiến thường xuyên vào Thứ Sáu Tuần Thánh, điều này đã đưa von Balthasar đến một trong những lập trường gây tranh cãi nhất của ngài: xem xét liệu “chúng ta có thể hy vọng” rằng tất cả các linh hồn cuối cùng sẽ được cứu hay không. (43) Xin nói rõ, von Balthasar không bao giờ nói rằng họ sẽ, chỉ có điều là chúng ta phải trung thành với cả những lời cảnh cáo trong Kinh thánh về sự nguy hiểm của địa ngục và lời chứng của Kinh thánh khi nói rằng ý muốn của Thiên Chúa là tất cả mọi người đều được cứu rỗi. Trong cuốn Our Task [Nhiệm vụ của Chúng ta], một cuốn sách mô tả công việc chung của họ, ngài lưu ý:

“Adrienne mở ra một phần thần học về sự cứu chuộc cho đến nay vẫn chưa được khai triển. Vào Thứ Sáu Tuần Thánh, tình yêu của Chúa Con từ bỏ mọi tiếp xúc khả giác với Chúa Cha, để Người có thể cảm nghiệm nơi mình sự xa cách của tội nhân đối với Thiên Chúa. (Không ai có thể bị Chúa Cha bỏ rơi nhiều hơn Chúa Con, bởi vì không ai biết Người và phụ thuộc vào Người nhiều như Chúa Con.) Nhưng sau đó, sau Thứ Sáu Tuần Thánh, đến giai đoạn cuối cùng, nghịch lý nhất và mầu nhiệm nhất của đức vâng lời yêu thương này: xuống địa ngục. Theo kinh nghiệm và cách giải thích mới của Adrienne về địa ngục, điều này có nghĩa là rơi vào thực tại tội lỗi mà Thập giá đã tách rời khỏi con người và nhân loại, điều mà Thiên Chúa đã vĩnh viễn và cuối cùng loại bỏ khỏi thế giới, điều mà Thiên Chúa không bao giờ, không hề bao giờ có thể là. Chúa Con phải trải qua điều này để trở về với Chúa Cha trong đức vâng phục cuối cùng của cái chết.” (44)

Quan điểm này làm dấy lên lo ngại không chỉ về việc bác bỏ địa ngục, mà còn về việc liệu có hợp lý về mặt thần học hay không khi mô tả việc Chúa Kitô xuống thế liên quan đến việc từ bỏ “mọi tiếp xúc khả giác với Chúa Cha” và bước vào “thực tại tội lỗi”. (45)

Von Balthasar đôi khi được những độc giả hấp tấp xếp vào loại một trong số nhiều nhân vật xuất hiện vào giữa thế kỷ hai mươi muốn đưa Giáo hội ra khỏi những ràng buộc của mình đối với học thuyết Tôma để hướng tới những lập trường mơ hồ và duy cảm. Nhưng nói thế là đã bỏ qua tính nghiêm ngặt trong tất cả các công trình của ngài, mặc dù, như đã thấy, ngài bắt đầu ở một nơi khác với siêu hình học cổ điển. Vì có lẽ ngài là nhà thần học yêu thích của Đức Gioan Phaolô II và dường như có một vị thế hơi giống như thế với Đức Bênêđictô XVI, nên ngài có thể sẽ gây ảnh hưởng lên Giáo hội trong một thời gian sắp tới. Và von Balthasar không thể bị buộc tội là một người theo thuyết duy hiện đại bí mật nào đó. Ngay khi Công đồng Vatican II, mà ngài không được mời, sắp kết thúc, von Balthasar đã viết:

“Họ nói, để có vẻ đáng tin cậy, Giáo hội phải phù hợp với thời đại. Nếu được hiểu một cách nghiêm túc, điều này có nghĩa là Chúa Kitô đã hòa hợp với thời đại khi Người thi hành sứ mệnh của mình và chết trên Thập giá, một điều tai tiếng đối với người Do Thái và là điều điên rồ đối với dân ngoại. Tất nhiên, tai tiếng diễn ra phù hợp với thời thế - vào thời điểm thuận lợi của Chúa Cha, vào thời viên mãn, ngay khi Israel đã chín muồi, như trái cây chuẩn bị nở bung, và Dân ngoại sẵn sàng đón nhận nó trên mảnh đất phóng khoáng của họ. Hiện đại là điều Chúa Kitô chưa bao giờ là, và, nếu Chúa muốn, sẽ không bao giờ là.” (46)

Vào ngày 6 tháng 10 năm 2005, kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của von Balthasar, Đức Bênêđictô XVI - bản thân ngài là một người có học thức bao la và đa tài - đã nhắc lại sự hợp tác chung của họ và làm chứng cho sự tìm tòi mãnh liệt đích thân của ngài trong văn học, nghệ thuật, âm nhạc, thần học và triết học cho "cuộc sống đích thực". Và ngài bình luận cách trình bày sâu rộng ba bên của von Balthasar về Mầu nhiệm Vượt qua: “Thật vậy, trong cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu, mầu nhiệm tình yêu Ba Ngôi của Thiên Chúa được tỏ lộ trọn vẹn. Thực tại của đức tin tìm thấy ở đây vẻ đẹp vô song của nó. Trong bi kịch của Mầu Nhiệm Vượt Qua, Thiên Chúa sống trọn vẹn việc làm người, nhưng đồng thời làm cho hành động của con người trở nên có ý nghĩa và mang lại nội dung cho sự dấn thân của các Kitô hữu trong thế giới. Trong điều này, Von Balthasar tri nhận được luận lý của mặc khải.” Đối với Joseph Ratzinger, tấm gương của Von Balthasar là tấm gương của “một nhà thần học chân chính”, người đã làm việc trong Giáo hội và tìm cách giữ cho thần học và tâm linh nghiêm ngặt luôn luôn đồng hành với nhau.