Chương Bốn: Màn chen quan trọng: Công đồng Vatican II, tiếp theo



Sơ lược về các văn kiện—và những tranh cãi

Tân tòng vĩ đại người Anh John Henry Newman—về sau được tấn phong Hồng Y và, theo sự nhất trí chung, là một trong số những người Anh lỗi lạc nhất của thế kỷ 19—được Giám mục Ullathorne của Birmingham hỏi vào năm 1859 “Ai là giáo dân?” Vị này nói, ngài đã trả lời, dù không chính xác bằng những hạn từ này: “Giáo hội sẽ trông thật ngu ngốc nếu không có họ.” (15) Thật quá lời khi nói rằng, trước Công đồng Vatican II, trong căn bản, giáo dân bị hạ giá trong nền thần học của Giáo hội: đã có sự đánh giá cao về ơn gọi giáo dân không những chỉ ở Newman, mà còn ở những nhân vật trước đó như Thánh Philip Neri, Thánh Phanxicô de Sales, và một số người khác, và sau này trong cả một nhóm “bảo thủ” như Opus Dei, được thành lập vào năm 1928— hơn ba thập niên trước Công đồng Vatican II. Nhưng như giai thoại của Newman đã cho thấy, nhiều thành viên của phẩm trật, và không chỉ giữa những người trong giáo triều Rôma, đã có một giả định rằng Giáo hội chủ yếu được đồng nhất với giáo hoàng, giám mục và linh mục. Người giáo dân, khi được nghĩ đến, phần lớn được cho là những người thụ động lãnh nhận các bí tích và ân sủng do giáo sĩ phân phát. (16)

Có lẽ sự thay đổi sâu rộng nhất và cần thiết cấp bách nhất được thực hiện tại Công đồng Vatican II là sự thay đổi trong cách hiểu về Giáo hội, một sự thay đổi mang lại sự nổi bật hơn nhiều cho giáo dân—“trao quyền cho giáo dân”, như người ta thường nói—mặc dù không phải trong những cách thường được tin tưởng. Một điều trớ trêu lớn trong sự thay đổi này là, đối với một số nhà giải thích, những lời phàn nàn về việc biến Giáo hội thành giáo sĩ trị quá mức có nghĩa là giáo dân nên được “trao quyền” để thực hiện các nhiệm vụ vốn dành riêng cho giáo sĩ. Nhiều người hơn người ta có thể nghĩ trước đây đã bắt đầu tụ tập xung quanh bàn thờ trong tư cách người đọc sách, “thừa tác viên” âm nhạc, và các thừa tác viên ngoại thường của Bí tích Thánh Thể. Ngoài ra, một đội ngũ “giáo dân” có tiếng nói bao gồm các cựu linh mục và nữ tu đã bị hồi tục, những người thường không ngừng muốn có tiếng nói trong việc điều hành Giáo hội. Giáo dân cũng được đưa vào các ban cố vấn ở các giáo xứ và giáo phận, nói là để trung thành hơn với Công đồng.

Một số thay đổi này có tác dụng tốt hoặc không gây hại đáng kể, nhưng tầm nhìn chính của công đồng đối với giáo dân là một điều gì đó hoàn toàn khác. Chương 4 của Lumen Gentium, lần đầu tiên được Công đồng xem xét rộng rãi về ơn gọi giáo dân, tuyên bố:

"Tính trần thế là nét riêng biệt và đặc thù của giáo dân. Thật vậy, mặc dù những người có chức thánh đôi khi có thể dấn thân vào những công việc trần thế, thậm chí làm một nghề nghiệp trần thế, nhưng do ơn gọi đặc thù, họ được tấn phong để đặc biệt chuyên trách về thừa tác vụ thánh... Còn giáo dân, do chính ơn gọi đặc biệt của mình, có bổn phận tìm kiếm vương quốc Thiên Chúa bằng cách dấn thân vào các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần thế, nghĩa là giữa tất cả và từng nghề nghiệp cũng như công việc trần thế, trong môi trường thông thường của cuộc sống gia đình và xã hội, tất cả những điều đó như thể dệt thành cuộc sống của họ. Trong khung cảnh đó, họ đã được Thiên Chúa mời gọi để nhờ việc chu toàn những bổn phận riêng của mình và được tinh thần Tin Mừng hướng dẫn, họ trở nên như nắm men góp phần vào việc thánh hóa thế giới từ bên trong” (LG 31)

Định hướng căn bản ở đây là một đạo Công Giáo không chỉ dựa vào giáo hoàng và giám mục để gây ảnh hưởng đến những diễn biến trong “thế giới” từ bên ngoài; giáo dân “trong tất cả các chuyên nghề và nghề nghiệp thế tục” sẽ truyền cảm hứng cho xã hội, văn hóa, luật pháp và chính trị bằng các giá trị Kitô giáo từ bên trong, và thậm chí có thể tham gia vào việc truyền giảng Tin Mừng, ở nơi mà họ có tài chuyên môn lớn lao nhất.

Điều này gần như hoàn toàn trái ngược với những gì đã bắt đầu diễn ra. Đầu thế kỷ, đã có nhiều nỗ lực khác nhau nhằm tạo ra các hiệp hội giáo dân, đủ thứ từ Công Giáo Tiến hành đến các đảng dân chủ Kitô giáo qua các liên đoàn lao động Kitô giáo đến các hiệp hội y tế, luật pháp và nghề nghiệp Công Giáo để đối phó với những thách thức đối với Đạo Công Giáo trong nền văn hóa hiện đại. Nghịch lý thay, sau cuộc họp của tất cả các giám mục trên thế giới, một cuộc họp đã đề xuất chính loại hoạt động này trên cơ sở cá nhân và nhóm, nhiều tổ chức như vậy bắt đầu lụi tàn—cũng như các quan điểm Công Giáo khác biệt từng đem lại cho chúng lý do để hiện hữu. Có lẽ không thể tránh khỏi việc mời giáo dân, với tài chuyên môn thế tục của họ, tham gia vào cuộc đàm luận của Giáo hội về chính mình sẽ đòi hỏi sự thẩm hóa nhiều điều vốn bị loại trừ một cách đáng sợ trong quá khứ. Nhưng sự thẩm hóa đã không xảy ra với bất cứ mức độ mở rộng thực sự ơn gọi giáo dân Công Giáo nào để mang chân lý vào thế giới. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã khai mạc Công đồng với niềm tin rằng không cần phải trình bày lại những gì “đã được dạy nhiều lần” và những điều căn bản của Đạo Công Giáo có thể “được coi là nổi tiếng và quen thuộc với tất cả mọi người”. Nhưng thực ra không phải như vậy. Thay vào đó, các giáo dân—từ chính trị gia đến bác sĩ và các nhà học thuật—không được đào tạo chuyên biệt về thần học hay công việc mục vụ bắt đầu nói với Giáo hội. Đôi khi họ nói một cách chính đáng, về việc cải cách các định chế cần đi vào đối thoại với những thành tựu hiện đại có thực chất, nhưng thậm chí có lẽ thường xuyên hơn với sự bất đồng về các vấn đề cốt lõi của Giáo hội mà giáo dân biết rất ít, khiến toàn bộ hệ thống Công Giáo rơi vào tình trạng quay như chong chóng.

Nói đúng ra, Lumen Gentium như thế không chịu trách nhiệm đối với bất cứ điều gì trong số này. Mỗi chương trong số bảy chương của nó đều được soạn thảo cẩn thận, và ngay cả thứ tự xuất hiện của chúng cũng đã được các Nghị phụ Công đồng thảo luận kỹ lưỡng để truyền đạt chính xác những gì mới và không mới trong những trang thiết yếu này. Lược đồ chuẩn bị (dự thảo văn kiện) mang tính Tân Kinh Viện, trong căn bản, lặp lại Vatican I, đã sớm bị bác bỏ để ủng hộ một bản văn — và một tầm nhìn — mang tính truyền giáo hơn, ít có tính định chế và duy luật hơn. Nhưng “ít hơn” không có nghĩa là các yếu tố định chế và tín điều đã được định tín bị làm ngơ hoặc loại bỏ; chúng chỉ đơn thuần được đặt trong một bối cảnh khác, nơi loại thẩm quyền được Giám mục Rôma thực thi và các tín điều dứt khoát được chứng tỏ là để phục vụ—chứ không phải bị bãi bỏ bởi—việc chăm sóc đoàn chiên và mệnh lệnh truyền giảng Tin Mừng cho tất cả các quốc gia. “Ánh sáng thế gian” mà tiêu đề nói đến không phải là Giáo hội, mà là chính Chúa Kitô, Đấng mà về Người Đạo Công Giáo đã trình bày chi tiết nhiều chân lý.

Theo đó, Chương 1 bàn về “Mầu nhiệm Giáo hội”, một mầu nhiệm xuất phát từ và tìm thấy đỉnh cao của nó trong Bí tích Thánh Thể, vốn là Nhiệm thể Chúa Kitô và là động lực đằng sau việc tạo ra Nhiệm thể. (17) Tất cả mọi người đều được mời gọi hiệp nhất trong cơ thể đó—không phải không tính đến các niềm tin mà họ thực sự đang duy trì, như đôi khi được khẳng định sau này, nhưng là một sự hợp nhất trong Giáo hội vô hình bằng tư cách thành viên của Giáo hội hữu hình. Lumen Gentium tiếp tục nói rõ rằng các hình thức tín ngưỡng khác cũng có giá trị của chúng, đặc biệt là các cộng đồng Kitô giáo và Do Thái giáo có mối liên hệ lịch sử và thần học sâu sắc với Giáo Hội Công Giáo. Nhưng tất cả điều này giả định một hậu cảnh tín điều để hiểu lý do tại sao “mầu nhiệm” lại quan trọng hoặc có bất cứ điều gì quan trọng để nói. Yves Congar, người mà chúng ta đã thấy là một trong những nguồn cảm hứng của Công đồng và là người ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đại kết Kitô giáo, đã chỉ trích cách trong đó, sau Công đồng, “dân Chúa” được dành cho một ý nghĩa dân chủ mơ hồ nào đó độc lập với mối liên kết của nó với ý tưởng về Giáo hội như một bí tích và như thân thể Chúa Kitô, “Chỉ có như vậy nó mới bảo đảm được sự quy chiếu đầy đủ về Kitô học của nó.” (18)

Chương 2, “dân Chúa”, được cố ý đặt sau phần trình bày trước đó. Ở đó, điều trở nên rõ ràng là Thiên Chúa muốn cứu tất cả mọi người dù họ ở đâu, ngay cả những người không và có lẽ không thể biết Đấng Trung gian duy nhất là Chúa Giêsu. Vì vậy, Giáo hội tìm kiếm mọi người bằng tình yêu và sự tôn trọng đối với những người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, mặc dù không đánh mất niềm tin vào tầm quan trọng của việc trở lại thực sự. Và chương này kết thúc:

"Như Chúa Con được Chúa Cha sai đến thế nào, thì Người cũng sai các Tông đồ như vậy; Người nói: 'Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân theo tất cả những gì Thầy đã truyền cho anh em. Và này đây Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế.' Giáo Hội đã nhận được mệnh lệnh long trọng này của Chúa Kitô từ các tông đồ là loan báo chân lý cứu độ và phải mang chân lý ấy đến tận cùng trái đất.... Vì Giáo Hội được Chúa Thánh Thần thúc giục phải thi hành phần vụ của mình để thực hiện trọn vẹn chương trình của Thiên Chúa, theo đó Người đã đặt Chúa Kitô làm nguồn ơn cứu độ cho toàn thế giới.... Nhờ công việc của mình, bất cứ điều gì tốt đẹp trong tâm trí con người, bất cứ điều gì tốt đẹp tiềm ẩn trong các thực hành tôn giáo và văn hóa của các dân tộc khác nhau, không những được cứu khỏi sự hủy diệt mà còn được tẩy sạch, nâng cao và hoàn thiện để làm vinh quang Thiên Chúa, làm ma quỷ hỗn loạn và làm cho con người hạnh phúc. Nghĩa vụ truyền bá đức tin được đặt ra cho mọi môn đệ của Chúa Kitô, tùy theo bậc sống của họ.... Như vậy, Giáo Hội vừa cầu nguyện vừa hoạt động để toàn thế giới trở thành Dân Thiên Chúa, Thân Mình Đức Kitô và Đền Thờ Chúa Thánh Thần, và trong Đức Kitô là thủ lãnh muôn loài, mọi danh dự và vinh quang được dâng lên Đấng Tạo Hóa cũng là Cha của toàn thể vũ trụ" (Lumen Gentium 17)

Chỉ sau khi bàn về mầu nhiệm Giáo hội và dân Thiên Chúa như vậy, chương 3, “Về Cơ cấu Phẩm trật của Giáo hội và Đặc biệt về Hàng Giám mục”, mới xuất hiện. Một số Nghị Phụ Công Đồng, trong đó có Karol Wojtyła, nghĩ rằng điều đã trở thành chương 4, “Hàng ngũ Giáo Dân”, đáng lẽ nên theo sau đó mới đúng. Nhưng Công đồng đã quyết định trước tiên giải quyết một vấn đề còn sót lại từ Công đồng Vatican I khi quân đội của Garibaldi xâm lược Rôma năm 1870 và những người tham gia công đồng trước đó đã giải tán. Các ngài đã tuyên bố tính vô ngộ của Đức Giáo Hoàng trong các vấn đề đức tin và đạo đức nhưng đã bỏ ngỏ vấn đề về tư cách của các giám mục. Điều được gọi là “tính hợp đoàn” là giải pháp của Công đồng Vatican II cho câu hỏi chưa được trả lời đó. Trong lối nói bình dân, người ta thường gợi ý rằng các giám mục giờ đây được trao thẩm quyền bình đẳng trong tư cách cá nhân hoặc trong tư cách một cơ phận đối với thẩm quyền giáo hoàng, phần nào như thẩm quyền của quốc hội hoặc cơ quan lập pháp thực hiện chính sách kiểm tra và cân bằng [checks and balances] đối với người dứng đầu ngành hành pháp. Nhưng điều này làm lẫn lộn phạm trù chính trị và thần học. Các giám mục được công nhận là những người thừa kế hợp pháp của các tông đồ trong giáo phận của họ khi họ giảng dạy liên tục với các tông đồ, toàn thể Giáo hội và giám mục Rôma. Việc phát biểu rõ sự việc này không hẳn là vấn đề phân chia quyền lực cho bằng là một tuyên bố thần học rằng Giáo hội hiện hữu trong các giáo phận cá thể về mặt thần học trong sự kết hợp của Giáo hội với Chúa Kitô, chứ không phải chỉ là việc cấp quyền [franchise] điều hành các văn phòng của đại công ty trung ương.

Cách nhìn thẩm quyền giám mục này rõ ràng không làm hài lòng nhiều người trong Giáo triều Rôma hoặc những người ủng hộ họ trong số các Nghị phụ Công đồng. Họ sai về nguyên tắc, nhưng đúng một phần về những nguy hiểm trên thực tế. Nhiều hiểu sai đã diễn ra khi cố gắng cho rằng “tính hợp đoàn” của các giám mục trong sự hợp tác với Đức Thánh Cha phần nào là giấy phép để các giám mục cá nhân trệch khỏi các thực hành của Giáo hội hoàn vũ. (19) Công đồng quả thực đã nhấn mạnh thẩm quyền riêng của các giám mục trong giáo phận của mình, nhưng không chỗ nào gợi ý rằng thẩm quyền này được thực thi một cách tách biệt với thẩm quyền chung mà Chúa Kitô đã trao cho Giáo hội hoặc với thẩm quyền của giáo hoàng. Tuy nhiên, các giới hạn truyền thống được lặp lại một cách rõ ràng và được cả những người cấp tiến chấp thuận: “Tuy nhiên, Giám mục đoàn hoặc cộng đoàn Giám mục chỉ có quyền bính khi hợp nhất với Giám mục Rôma, Đấng kế vị thánh Phêrô, như là với Thủ lãnh của Giám mục đoàn, trong khi quyền tối thượng của ngài trên tất cả các Chủ chăn và tín hữu vẫn được bảo toàn trọn vẹn. Thật vậy, do chức vụ của mình là đại diện Đức Ki-tô và là Chủ chăn của toàn thể Giáo Hội, Giám mục Rôma có thẩm quyền trọn vẹn, tối cao và phổ quát trong Giáo Hội và luôn có thể tự do thực thi quyền bính này”. Ngay các công đồng chung cũng tùy thuộc quyền lực Phêrô: “Quyền tối cao của Giám mục đoàn trên toàn thể Giáo Hội được thi hành cách trọng thể trong Công Đồng chung. Nhưng không bao giờ có một Công Đồng chung nếu không được người kế vị thánh Phê-rô phê chuẩn hay ít ra chấp nhận” (LG 22). Một độc giả mới tiếp cận với những đoạn văn như vậy mà không biết gì về những gì đã xảy ra trong những năm sau Công đồng sẽ được biện minh khi nghĩ rằng nhiều người trong số những người cho rằng các tài liệu này cho phép một loại tinh thần mới hoang dã nào đó chỉ đơn giản là chưa đọc chúng.

Các Nghị Phụ Công Đồng có lẽ đã lường trước rằng có thể có một số nhầm lẫn, bởi vì họ đưa vào một đoạn văn sẽ được lặp lại trong những nỗ lực sau này nhằm kiềm chế các nhà thần học bất đồng chính kiến và các thực hành sai lạc, mặc dù ít có tác dụng:

“Trong các vấn đề về đức tin và đạo đức, các giám mục nói nhân danh Chúa Kitô và các tín hữu phải chấp nhận sự dạy dỗ của họ và tuân thủ nó với sự thuận ý tôn giáo. Sự phục tùng của tâm trí và ý chí tôn giáo này phải được thể hiện một cách đặc biệt đối với huấn quyền chân chính của Giám mục Rôma, ngay cả khi ngài không phát biểu ex cathedra [từ ngai tòa]; nghĩa là, nó phải được biểu lộ theo cách thẩm quyền tối cao của ngài được thừa nhận một cách tôn kính, các phán quyết do ngài đưa ra được tuân thủ một cách chân thành, theo tâm trí và ý chí rõ ràng của ngài. Tâm trí và ý chí của ngài trong vấn đề này có thể được biết hoặc từ đặc điểm của các tài liệu, từ việc ngài thường xuyên lặp lại cùng một tín lý, hoặc từ cách nói của ngài.” (LG 25)

Điều này, mặc dù chỉ một vài đoạn sau đó cũng có những tuyên bố mạnh mẽ về quyền hạn của các giám mục: “Nhờ quyền hạn này, các giám mục có quyền thánh thiêng và nghĩa vụ trước mặt Chúa phải ban hành luật lệ cho các người lệ thuộc các ngài, phải đưa ra phán quyết về họ và điều hòa mọi điều liên quan đến trật tự thờ phượng và làm tông đồ” (LG 27). Đây là một sự phát triển lớn. Các giám mục không còn cần nghĩ mình chỉ là cấp dưới của các viên chức giáo triều. Họ được tự do truyền giảng Tin Mừng khi họ thấy điều tốt nhất cho giáo phận của mình, nhưng luôn liên tục với đạo Công Giáo.

Có hai sự phát triển khác lớn hơn trong chương 4 khá bao quát—“Giáo dân”—và trong chương 5 lời kêu gọi phổ quát nên thánh. Nhiều học giả đã lưu ý rằng hai chương này dường như được cố ý đặt sau những nhận xét chung về Giáo hội và chiều kích phẩm trật. Giáo dân có các đặc quyền của mọi Kitô hữu, nhưng nơi hành động chính của họ là trong thế giới. Gaudium et Spes, “Hiến chế về Giáo hội trong Thế giới Hiện đại” sau này, sẽ giải quyết vấn đề này một cách dài dòng hơn và đôi khi với sự lạc quan thái quá về một thế giới hiện đại được cho là “đã trưởng thành”. Nhưng ở đây, trọng tâm là mang các giá trị Tin Mừng vào thế giới trần tục. Và cách giáo dân định hướng toàn bộ cuộc sống của họ và tự chuẩn bị để hành động trong thế giới là thông qua việc theo đuổi sự thánh thiện giữa thế giới. Chương về giáo dân kết thúc với câu nổi tiếng từ Thư gửi Diognetus: “Đối với thế giới, các Kitô hữu phải như linh hồn đối với thể xác” (LG 38).

Phần còn lại của Lumen Gentium đề cập đến những cách thức bên trong Giáo hội nhằm đáp ứng ơn gọi nên thánh của mọi người. Chương 5 đề cập ngắn gọn về đời sống tu trì, và chương 6 đề cập đến cuộc hành hương của Giáo Hội xuyên qua thời gian. Chúng không có ý định trở thành các phương pháp điều trị toàn diện, nhưng bản chất tóm tắt của cả hai chương có thể được hiểu một cách công bằng là các Nghị phụ Công đồng không có nhiều điều để nói về cả hai chủ đề - và do đó họ không coi chúng có nhiều tầm quan trọng. Đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm ơn gọi tu trì, nhưng có lẽ điều quan trọng hơn là chương 6 nhấn mạnh vào thiên đường mà bỏ qua hỏa ngục, điều này không bao giờ được đề cập ngoại trừ những lời nói vòng vo. Có một cuộc tranh luận thần học chính đáng về việc liệu có ai đó thực sự ở trong hỏa ngục hay không, nhưng hỏa ngục như một khả thể có thực không thể và không nên bị bỏ qua vì lý do đơn giản là chính Chúa Giêsu đã nói khá nhiều về nó trong Tân Ước. Đức Gioan XXIII muốn có một công đồng tích cực chứ không phải tiêu cực, nhưng nó tước mất toàn bộ động lực của đạo Công Giáo—chưa nói gì đến cái chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô—nếu định mệnh vĩnh cửu của con người được giả định một cách mơ hồ là thiên đàng cho dù họ làm bất cứ điều gì trên trái đất.

Một thế giới trong đó thiên đàng là một bảo đảm là một thế giới mà việc cố gắng nên thánh dường như ít khẩn cấp hơn nhiều. Song song với việc hiểu sai nhiều phát biểu được liệt kê ở trên, nhiều hành vi sùng đạo và thực hành khổ hạnh cổ xưa đã bị bỏ rơi sau Công đồng. Điều này không phải và, xét cho cùng, không thể là ý định của các Nghị Phụ Công Đồng. Thay vào đó, để phù hợp với các mục tiêu mục vụ của Đức Gioan XXIII, các Nghị Phụ đã cố gắng làm cho việc tham dự Bí tích Thánh Thể trở thành trọng tâm và làm cho các việc sùng kính khác bớt trở thành vấn đề luật lệ mà là vấn đề của sự gắn kết cá nhân ngày càng gia tăng với chính Thiên Chúa. Đó là một ý định đại lượng khác, đặc biệt là trong một thế giới hiện đại đầy rẫy luật lệ, quy tắc và bộ máy quan lại. Nhưng nó cung cấp cho những người có ý muốn bác bỏ sự cần thiết của chủ nghĩa khổ hạnh như vậy một giấy phép để phớt lờ các thực hành được khai triển trong quá khứ xa xôi đã được chứng tỏ là rất hữu hiệu trong nhiều thế kỷ. Đối với nhiều người, việc kiêng thịt vào các ngày thứ Sáu không còn bắt buộc đơn giản có nghĩa là việc đền tội và các thực hành khổ hạnh như vậy đã bị quét sạch.

Hiến chế kết thúc theo cách thông thường của hầu hết các tài liệu của Vatican với một phần nói về Đức Maria như mẫu gương hoàn hảo của đời sống Kitô hữu. Đã có cuộc tranh luận gay gắt về việc nên đưa phần nói về ngài vào đây hay xây dựng một tài liệu riêng đề cập đến tầm quan trọng của các khía cạnh khác nhau trong cuộc đời của Đức Trinh Nữ Maria. Trong cuộc bỏ phiếu khít khao nhất về bất cứ điều gì tại Công đồng, 1,114 giám mục đã bỏ phiếu non placet (không thuận) cho ý tưởng đề cập đến ngài trong một tài liệu khác, trong khi 1,074 vị đã bỏ phiếu placet (thuận). Đối với một người quan sát vô tư, xem ra miễn là những điều căn bản trong giáo huấn của Giáo hội về Đức Trinh Nữ được phát biểu, thì cả hai cách tiến hành đều thỏa đáng. Trong biến cố này, ngài chỉ được bao gồm như chương kết thúc trong Lumen Gentium. Một số Nghị Phụ Công Đồng phản đối rằng ngài đã bị “hạ bệ” chỉ vì điều này được nhắc đến ở cuối một tài liệu quan trọng... một việc nói quá và có lẽ là một giải thích sai. Nhưng trong điều kiện thực tế, những vị phản đối như vậy không hẳn sai hoàn toàn. Một số lòng sùng kính Đức Mẹ quả quá mức, nhưng những lòng sùng kính ấy vốn là một trong những biểu thức phổ biến nhất của lòng đạo đức bình dân trước Công đồng. Sau đó, chúng suy giảm gần như ở khắp nơi, có nơi đến mức biến mất - một tác động ngoài ý muốn của một Công đồng phần nào nhằm nâng cao địa vị của giáo dân.

Còn tiếp