Chương Bốn: Màn chen quan trọng: Công đồng Vatican II
Để duy trì tính nhất quán và chân thành, câu trả lời Có hết lòng nói với Công đồng và với tất cả các hậu quả hợp pháp của nó phải đi đôi với câu trả lời Không cũng kiên quyết như thế đối với một kiểu khai thác nào đó mà trên thực tế là một việc làm nó ra đồi bại.
—Henri de Lubac (1)
Các phát triển trí thức Công Giáo xảy ra, như từng xảy ra trong các truyền thống khác, để đáp ứng các sự kiện mới trên thế giới hoặc những câu hỏi do văn hóa đương thời đặt ra. Nhưng chúng cũng phát sinh một phần không nhỏ từ cách mà thẩm quyền giảng dạy của Giáo hội tìm cách bảo tồn và trình bày các chân lý mặc khải. Một trong những đặc điểm nổi bật của Đạo Công Giáo ngay từ đầu là niềm tin rằng Thiên Chúa đã mặc khải nhiều chân lý về chính Người và sự sống con người, những chân lý mà Người yêu cầu phải được rao giảng cho muôn dân (x. Mt 28:18-20). Trong khoảng hai phần ba đầu thế kỷ hai mươi, như chúng ta đã thấy, các nỗ lực của các thẩm quyền Giáo hội nhằm bảo tồn các chân lý mặc khải thường mang hình thức phòng thủ đầy lo lắng đối với nhiều điều đã và đang đe dọa đức tin trong thế giới hiện đại. Trong một phần ba cuối cùng của thế kỷ vừa qua, đời sống trí thức Công Giáo— đến lúc đó, phần lớn vẫn còn hoàn toàn độc lập đối với thẩm quyền của Giáo hội—dường như đi đến một thái cực đối lập, thường ủng hộ thế giới và các ý tưởng hiện đại có những mối quan hệ không chắc chắn đối với các chân lý mặc khải của Đạo Công Giáo. Một nhân tố đơn độc quan trọng nhất trong sự thay đổi to lớn đó - thực sự, là bản lề trên đó toàn bộ xoay chuyển - dĩ nhiên là Công đồng Vatican II (1962-1965), một công đồng không ít người tin rằng đó là sự kiện tôn giáo quan trọng nhất trong thế kỷ XX. Nó đòi phải được bàn đến một cách ngắn gọn ở đây bao lâu nó còn có tác động đến truyền thống trí thức Công Giáo. (2)
Công đồng Vatican II rất độc đáo trong số hơn 20 công đồng trước đây cả vì được triệu tập mà không có bất cứ khủng hoảng tiềm ẩn nào hoặc ý định đưa ra các định nghĩa tín điều mới nào— vốn là các lý do tiêu biểu nhất cho việc triệu tập công đồng—lẫn vì nó, cùng một lúc, tạo ấn tượng thay đổi mọi điều một cách triệt để. Sự hiểu biết đúng đắn về Công đồng đã không được hỗ trợ bởi sự kiện nó xảy ra ngay trước cuộc cách mạng văn hóa sẽ quét qua nhiều quốc gia hoàn cầu vào năm 1968. Do đó, những thay đổi do Công đồng đưa ra đã vướng vào nhiều tranh chấp công khai khá triệt để nhưng không hề tạo được phần nào trong các cuộc thảo luận thực tế của nó. Đáng chú ý nhất, Vatican II thường được mô tả như một trận chiến hoàng gia giữa những người cấp tiến tốt lành, dẫn đầu là Angelo Roncalli, người Ý dễ tính—tức Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII—và những người bảo thủ xấu xa, những lực lượng phản động đen tối, bị cho là chống lại các thúc đẩy của ơn “Chúa Thánh Thần” đổ xuống Công đồng.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà bình luận bên ngoài nhìn mọi điều theo khía cạnh nhị phân của các phe phái chính trị—và thiên về phe có vẻ phù hợp nhất với quan điểm tự do thế tục của họ (tạp chí Time đã vinh danh Đức Gioan XXIII năm 1962 là “Người của năm”). (3) Đó là cách mọi điều thường được nhìn ra sao trong thế giới chính trị dân chủ đương thời và cách chúng được các phương tiện truyền thông thế tục đưa tin vào thời điểm đó. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là nhiều người Công Giáo cũng chấp nhận cùng một khuôn khổ chính trị hóa như thế, một khuôn khổ bảo đảm rằng việc giải thích Công đồng sẽ bị sa lầy vào những gì dường như chỉ là những tuyên bố đảng phái và tranh giành quyền lực, thay vì tập trung vào việc muôn thuở tìm kiếm Đấng là chân, thiện, mỹ về phương diện tôn giáo. Nó không nhất thiết phải như vậy và có thể đã diễn tiến cách khác—nếu chính Giáo hội sẵn sàng hướng dẫn giáo dân của mình về Công đồng và thực thi nó một cách có trật tự. Nhưng phần lớn Giáo hội trong thập niên 1960 không được chuẩn bị như vậy. Một khi lập trường khá cứng ngắc và độc đoán trước đó được nới lỏng, nhiều người Công Giáo cho rằng mọi thứ đã sẵn sàng để giành lấy. Và thay vì Công đồng hoàn thành ước nguyện của Đức Gioan XXIII là làm cho Giáo hội trở thành một công cụ truyền giáo hữu hiệu hơn trong thế giới hiện đại, thì thế giới đó - có thể nói - đã truyền giáo cho Giáo hội theo nhiều cách, đôi khi có ích, nhưng cũng theo nhiều cách bất hạnh.
Chẳng hạn, bất cứ ai quen thuộc với điều thường được cho là giáo huấn của công đồng về mối quan hệ giữa giáo dân, linh mục, thần học gia, giám mục và giáo hoàng trong nửa thế kỷ kể từ Công đồng có thể bị sốc khi thực sự đọc Lumen Gentium, Hiến chế Tín lý chủ yếu về Giáo hội. Theo lối nói thông thường, Công đồng Vatican II đặt giáo dân ngang hàng với giới lãnh đạo định chế – điều mà nó đã làm, theo nghĩa lần đầu tiên trong lịch sử của các công đồng chung, Công đồng đã làm rõ rằng tất cả các Kitô hữu đều tham gia vào Nhiệm thể của Chúa Kitô, một khái niệm đã bắt đầu được nhấn mạnh dưới thời giáo hoàng của Đức Piô XII. (4) Nhưng mutatis mutandis [với những sửa đổi thích đáng], điều này hơi giống với việc nói rằng tất cả người Mỹ, từ dân thường cho đến tổng thống, đều là công dân bình đẳng. Nó không bãi bỏ thẩm quyền cần thiết và đúng đắn của các nhà điều hành, nhà lập pháp và thẩm phán, những loại cấu trúc cần thiết cho bất cứ tổ chức nào của con người hoạt động. Chắc chắn, đã có những thần học gia Công Giáo đưa ra những tuyên bố cực đoan và không tưởng như vậy cũng như có cả những giáo dân và tu sĩ tin vào họ. Và điều này tự nó đã trở thành một phần lớn của vấn đề giải thích, một cảm thức lẫn lộn rằng các nhà thần học có thẩm quyền đặc biệt, trong một số vấn đề, lớn hơn thẩm quyền của các giám mục và giáo hoàng hành động như các người kế vị các tông đồ (hoặc các nhà thần học đó - một nhóm gây tranh cãi - tất cả đồng ý và đã giải quyết các câu hỏi khó khăn). Nhưng không có bất cứ điều gì trong bất cứ tài liệu nào được các Nghị phụ Công đồng phê chuẩn ủng hộ sự đi trệch triệt để như vậy khỏi cách hiểu truyền thống của Công Giáo về bản chất của Giáo hội Chúa Kitô liên quan đến một tín điều và những người kế vị các tông đồ (giáo hoàng và giám mục), những người nắm giữ chìa khóa của vương quốc và thẩm quyền chắc chắn đối với đức tin và đạo đức, nếu đã được định tín.
Theo nhiều cách, Lumen Gentium là một tài liệu khá truyền thống—chắc chắn có một số điểm nhấn mạnh mới mẻ quan trọng về Giáo hội như dân Chúa, sứ mệnh của giáo dân, ơn gọi nên thánh phổ quát (dành cho cả tu sĩ và giáo dân), tính hợp đoàn giữa các giám mục, và mối quan hệ của Giáo Hội Công Giáo với các Giáo Hội Kitô giáo khác, các tôn giáo ngoài Kitô giáo và thậm chí cả những người không tin nhưng chân thành. Trong các tài liệu khác, người Công Giáo thậm chí còn được khuyến khích tự đọc Kinh thánh mà không sợ sai lầm Thệ Phản vốn được gọi là “giải thích riêng”. Tất cả những điều này phản ảnh mong muốn của Đức Gioan XXIII tham gia vào một cuộc đối thoại văn hóa hữu hiệu hơn là đưa ra những tuyên bố và lên án, điều mà nhiều người cho rằng đã là một phần quá lớn trong thực hành Công Giáo trong thời gian gần đấy. Và hơn 2,500 nghị phụ Công đồng (giám mục và những người khác), cố vấn thần học của họ (periti), cùng với những người tham gia là giáo dân và “quan sát viên” Thệ Phản, đa số đồng ý với ngài.
Tuy nhiên, đoạn đầu tiên trong Lumen Gentium tuyên bố rằng Giáo hội: “giờ đây mong muốn bộc lộ đầy đủ hơn cho các tín hữu của Giáo hội và cho toàn thế giới bản chất nội tại và sứ mệnh phổ quát của Giáo hội. Nó dự định thực hiện điều này bằng cách trung thành tuân theo giáo huấn của các công đồng trước đó”. Và nó thực hiện lời hứa đó, mặc dù các Nghị Phụ Công Đồng bằng chính cách viết của họ đã phá vỡ cách thức độc đoán và vụ luật hơn của các công đồng trước đó và rõ ràng khuyến khích đối thoại và thuyết phục hơn là các mô hình đối đầu. Hơn nữa, các Nghị Phụ Công Đồng đang lặp lại ý định rất “tốt lành” của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII khi kêu gọi công đồng, mà ngài đã nói trong Gaudet Mater Ecclesiae [Mẹ Giáo Hội Vui Mừng], bài diễn văn khai mạc của ngài, rằng “để truyền đạt tín lý, thuần khiết và toàn diện, mà không có bất cứ sự suy giảm hay bóp méo nào, một tín lý mà suốt hai mươi thế kỷ, bất chấp những khó khăn và tương phản, đã trở thành di sản chung của con người”. Tất nhiên, ngài giải thích rằng những điều kiện hiện đại đòi hỏi những cách thức mới để trình bày những chân lý vượt thời gian của đức tin. Đó là toàn bộ ý định của ngài khi triệu tập các giám mục lại với nhau cho một biến cố như vậy, biến cố mà nói một cách nghiêm túc, như ngài nói, là “không cần thiết”. Và ngài đã nhấn mạnh một điều là phải từ bỏ việc lo lắng chống đối thế giới hiện đại: “Các sai lầm biến mất một cách nhanh chóng như khi chúng xuất hiện, giống như sương mù trước mặt trời. Giáo hội vốn luôn chống đối những sai lầm này. Giáo Hội thường lên án chúng một cách nghiêm khắc nhất. Tuy nhiên, ngày nay, hiền thê của Chúa Kitô thích sử dụng phương thuốc thương xót hơn là phương thuốc nghiêm khắc. Giáo Hội cho rằng mình đáp ứng nhu cầu của thời đại ngày nay bằng cách chứng minh tính giá trị trong giáo huấn của mình hơn là bằng những lời lên án.” (5)
Đây là một lập trường dũng cảm và tự tin, đặc biệt là khi xét đến sự kiện này là lời giải thích kiên nhẫn như vậy, như Đức Thánh Cha biết rõ, có thể bị hiểu sai là yếu đuối và cuộc đối thoại thường không vượt qua được những khác biệt thực sự. Sau Công đồng, đối thoại thường dẫn người Công Giáo vào những tình huống trong đó họ có quan hệ tốt hơn nhiều với người khác nhưng lại thường đánh mất truyền thống của mình. Đức Giáo Hoàng đặt niềm tin vào sự vững chắc của truyền thống hai ngàn năm; ý định đã tuyên bố của ngài thậm chí không gợi ý dù một cách nhẹ nhàng rằng ngài đang mở đường cho việc đi trệch một cách triệt để khỏi sự tự hiểu về chính mình của đạo Công Giáo kể từ những thế kỷ đầu tiên trong tư cách một Giáo hội có tín lý phát triển để đáp ứng những vấn đề và điều kiện mới, nhưng luôn sống liên tục với quá khứ của chính mình. Có nhiều điều, bất chấp sự tự tin, vẫn cần phải được tranh cãi. Thật vậy, người ta thường bỏ qua việc ngài nói thêm ngay: “Không, chắc chắn có sự thiếu sót trong việc canh chừng và loại bỏ các giáo huấn, ý kiến lầm lạc và những khái niệm nguy hiểm” Nhưng Đức Gioan đã đại lượng nói thêm rằng ngay cả nhiều người trong thế giới thế tục cũng nhìn thấy sự nguy hiểm trong những sai lầm như vậy (không giống như các Nghị phụ Công đồng, thậm chí ngài còn lưu ý sự vắng mặt của các giám mục hầu hết do các chính phủ Cộng sản ngăn cản việc tham dự Công đồng). Mục đích của ngài là một công đồng “chủ yếu có tính mục vụ”, chứ không phải là một công đồng tín điều, một công đồng tìm kiếm những phương cách hữu hiệu hơn để thực hiện nhiệm vụ lâu dài là truyền giảng Tin Mừng cho một thế giới luôn thay đổi.
Một dấu hiệu cho thấy định hướng cơ bản này đã bị hiểu lầm sẽ sớm trở nên rõ ràng hơn. Một số nhà giải thích sẽ đặt những nhu cầu “mục vụ” nói trên lên trên những nhu cầu về tín điều, như thể việc chăm sóc đàn chiên của Chúa Kitô có thể trái ngược với những chân lý mà nó luôn được hiểu là phải dựa trên đó—hơi giống như một bác sĩ có cách chăm sóc giường bệnh giỏi giang nhưng ít kiến thức y khoa. Mặc dù nhiều điều tốt đẹp sẽ đến, ngay cả trong thời gian ngắn, từ Công đồng—một mối liên kết từ tận cõi lòng nhiều hơn với đức tin cho nhiều giáo dân và tu sĩ và một Giáo hội giờ đây được coi như một Người Mẹ thẳng thắn tiếp xúc với đời sống công cộng và riêng tư của những người bình thường hiện đại một cách quan tâm và đề cao nhằm thừa nhận phẩm giá và quyền tự do của họ — những hậu quả của sự hiểu lầm này rất nhiều và nghiêm trọng. Không ai— huống chi Đức Gioan XXIII hay các Nghị phụ Công đồng—có thể mơ rằng sự nhiệt tình của họ đối với một đạo Công Giáo cởi mở hơn, tự tin hơn và truyền bá phúc âm hơn, trong khuôn khổ của những chân lý đã được thiết lập từ lâu, trong vòng vài năm tới sẽ dẫn đến: cuộc xuất hành hàng loạt từ bỏ chức linh mục và các dòng tu nam nữ; một cuộc khủng hoảng ơn gọi cứ thế tiếp diễn; sự sụt giảm nghiêm trọng trong việc tham dự Thánh lễ ở các quốc gia giàu có hơn; các cuộc tranh luận trong Giáo hội về các linh mục đã kết hôn và nữ linh mục; “Các nhà thần học Công Giáo” tự cho mình là “huấn quyền song song” ngang bằng và thậm chí vượt trội hơn các giáo hoàng và giám mục trong một số vấn đề, những người thách thức giáo huấn lâu đời của Giáo hội về ngừa thai, phá thai, ly dị, “hôn nhân” đồng tính, và thậm chí cả những trụ cột thần học như Sự Hiện Diện Thực Sự trong Bí Tích Thánh Thể, thiên tính của Chúa Kitô, Sự Phục Sinh của Người—thậm chí Chúa Kitô là Đấng Cứu Rỗi duy nhất—và tất cả trong khi được hưởng các chức vụ chính thức trong các định chế Công Giáo.
Những người tham gia Công đồng và những người quan sát đã ghi lại những hy vọng và sự nhiệt tình lớn lao ngay từ đầu, vốn dự đoán một sự đổi mới trên toàn thế giới. Tinh thần mới được thể hiện rõ ràng ngay từ lần đầu tiên ở chỗ các sơ đồ (các văn bản dự thảo) được chuẩn bị trước phiên họp đầu tiên vào năm 1962, một số được diễn đạt bằng thuật ngữ Kinh viện và quan lại nặng nề của quá khứ, phần lớn đã bị các giám mục loại bỏ. Các ngài yêu cầu những bản thảo tài liệu mới thể hiện tốt hơn ý định của Đức Gioan XXIII rằng một Giáo hội, tự tin vào giáo huấn và thực hành của mình, sẽ dấn thân vào thế giới hiện đại mà không sợ hãi bằng một ngôn ngữ mà thế giới có thể hiểu được. Khi còn trẻ, Joseph Ratzinger đã mô tả quá trình này:
“Các tuyên bố của Công đồng không phải là một nội dung giảng dạy thuần túy trí thức; chúng càng không phải chỉ đơn giản là một tập hợp các chỉ thị kỹ thuật và thực dụng. Chúng là sản phẩm của một diễn trình thiêng liêng. Một diễn trình hoặc một phong trào chỉ có thể hiểu được bằng cách tham gia vào nó, bằng cách tham gia dần dần, từng bước, ngoan ngoãn vào nó. Chúng ta sẽ hiểu sai giáo huấn của Công đồng nếu coi đó là một sự chuyển đổi đột ngột, một sự chuyển đổi đột ngột từ “chủ nghĩa bảo thủ” sang “chủ nghĩa cấp tiến” trong Giáo hội. Cuối cùng, Công đồng chỉ tìm cách làm vào thời điểm hiện tại điều mà lời tuyên bố của Giáo hội phải làm vào mọi thời: dẫn đường trên hành trình đức tin.” (6)
Ngài nhắc nhở độc giả rằng cuộc hành trình đó bắt đầu khi Thiên Chúa gọi Ápraham ra khỏi “Urơ [Ur]của dân Canđê” để đến miền đất hứa. Áp dụng những thuật ngữ như tiến bộ hay bảo thủ cho một cuộc hành trình như vậy đơn giản là không thích hợp: “Thước đo của sự đổi mới là Chúa Kitô, như lời Kinh Thánh làm chứng về Người... Aggiornamento [nên là] một cuộc cập nhật nhằm tìm ra con đường từ ngày hôm nay tạm thời của chúng ta dẫn đến ngày hôm nay không bao giờ kết thúc của Chúa.” (7)
Đồng thời, nguyên phạm vi tuyệt đối của cam kết là rất lớn, có lẽ chính vì Công đồng không được triệu tập để giải quyết một loạt các vấn đề chuyên biệt. Theo Ratzinger, các ủy ban chuẩn bị đã viết bảy mươi lược đồ, tức là khoảng hai nghìn trang, nhiều hơn tất cả các công đồng trước đó cộng lại. Sự tham gia tích cực của các giám mục trên thế giới trong việc duyệt xét và, ngay từ đầu trong Công đồng, yêu cầu có các các bản dự thảo thay thế các tài liệu khác nhau đã mang lại cho nhiều nhà quan sát cảm giác giám mục đoàn như một sự hiện diện cai quản thực sự trong đời sống đương thời của Giáo hội. Bộ phận các giám mục bao gồm các thành viên đang đối đầu với chủ nghĩa cộng sản ở phương Đông và chủ nghĩa duy vật ở phương Tây, những người bắt nguồn từ các xã hội truyền thống của thế giới đang phát triển và các xã hội công nghệ cao ở thế giới phát triển. Những quan điểm và mối quan tâm khác nhau của họ làm cho thỏa thuận trở nên phức tạp hơn, nhưng họ cũng - đặc biệt là trong các cuộc trò chuyện diễn ra phần lớn bên ngoài bầu không khí trang trọng hơn của các cuộc họp chính thức ở Nhà thờ Thánh Phêrô- đã làm phong phú kết quả cuối cùng với tính phổ quát hoàn cầu mà có lẽ không tổ chức nào khác trong thế giới vào thời điểm đó hoặc kể từ đó có thể sánh bằng. Và cuộc đối thoại này chỉ trở nên mạnh mẽ hơn qua bốn phiên họp diễn ra vào mỗi mùa thu từ năm 1962 đến năm 1965.
Như đã lưu ý ở những nơi khác trong nghiên cứu hiện tại, hai ý tưởng—aggiornamento [cập nhật] và ressourcement [trở về nguồn]—đã trở thành khẩu hiệu cho toàn thể Công đồng. Aggiornamento đề cập đến việc cập nhật mà hầu hết những người tham gia thảo luận coi là nhu cầu chính đáng của việc “đọc các dấu hiệu của thời đại”. Ressourcement, một thuật ngữ dường như được đặt ra bởi nhà thơ người Pháp Charles Péguy, đã đòi hỏi phải quay trở lại những nguồn cổ xưa và được de Lubac và nhiều người khác coi là cách để mở ra cho Giáo hội một sự phong phú hơn trong truyền thống đích thực của chính mình bằng cách rút ra từ những nguồn mà chính Thánh Tôma đã rút tỉa. Hai định hướng này không mâu thuẫn như biểu kiến. Một trong những cách mà mọi người, các nhóm và thậm chí các quốc gia thường khám phá ra các nguồn lực cần thiết để đáp ứng những thách thức hiện tại là quay trở lại cội nguồn, không phải theo tinh thần của chủ nghĩa vụ cổ xưa [antiquarianism], mà là một cách để kết nối lại với mầm sống có thể đã bị che khuất bởi sự phát triển sau này. Đồng thời, rõ ràng là đổi mới đích thực không bao giờ chỉ đơn thuần là một sự khởi đầu triệt để, một sự gián đoạn với tinh thần nguyên khởi, mà đúng hơn, là một cơ hội để mang lại sự phát triển mới từ thân cây cũ trong những điều kiện đã thay đổi.
Về cơ bản, trong hai thập niên sau khi Công đồng bế mạc, tất cả những điều này đã bị che khuất trong một vòng xoáy tranh chấp, thường là giữa một nhóm coi các bản văn của Công đồng là có thẩm quyền và một nhóm khác cho rằng “tinh thần” mới, cởi mở hơn đã tạo ra chúng nên được dành cho một phạm vi sâu rộng hơn. Đức Phaolô VI đã thành lập một thượng hội đồng giám mục, theo yêu cầu của các Nghị Phụ Công Đồng, để giúp thực hiện điều này. Ngay từ năm 1967 (nghĩa là chỉ hai năm sau khi Công đồng kết thúc), Thượng hội đồng đã quan tâm đến những phát triển thần học ở một số nơi, trong đó “không còn là vấn đề nghiên cứu lành mạnh và sinh hoa trái, hoặc những nỗ lực hợp pháp để thích ứng cách diễn đạt tín lý truyền thống vào các nhu cầu mới, và các cách thức của nền văn hóa nhân bản hiện đại, mà là những đổi mới không chính đáng, những quan điểm sai lầm, và thậm chí là những sai lầm trong đức tin.” (8) Và điều này xảy ra trước khi cơn bão bất đồng chính kiến nổ ra vào năm sau bởi thông điệp Humanae Vitae [sự sống con người] của Đức Phaolô VI, nhằm tái khẳng định giáo huấn truyền thống về các vấn đề tình dục, bao gồm cả vấn đề ngừa thai. Những trận chiến như vậy về những gì trước đây từng có vẻ như — và thực sự — là giáo huấn đã được giải quyết về các vấn đề căn bản như Thiên Chúa, Chúa Giêsu, sự thật trong Kinh thánh và tội lỗi, không thay đổi bởi bất cứ điều gì trong các tài liệu thực sự do Công đồng công bố, dường như chỉ phát triển và lan rộng trong thập niên tiếp theo, và không những chỉ trong các cuộc tranh luận thinh không giữa các học giả mà còn trong các chương trình đào tạo tại từ các trường tiểu học Công Giáo và các lớp Rước Lễ Lần Đầu đến các trường đại học và thậm chí đến các chủng viện.
Đến nỗi vào năm 1985, vào đầu triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, một thượng hội đồng giám mục bất thường đã họp để đánh giá việc tiếp nhận Công đồng Vatican II gần 25 năm sau khi Công đồng được khai mạc và để đề xuất những cách thức sử dụng Công đồng tốt hơn. Các giám mục này, những vị đã cùng nhau đến Rôma từ khắp nơi trên thế giới, đã hoàn toàn đồng ý rằng Công đồng đã là một bước tiến lớn, nhưng họ cũng báo cáo nhiều vấn đề khác nhau trong việc giải thích và thực hiện Công đồng. Khi còn là một giám mục trẻ, Đức Gioan Phaolô II đã nhiệt tình tham gia Công đồng, đặc biệt là trong việc mở cửa cho tự do tôn giáo, gắn kết với thế giới hiện đại và là một Giáo hội truyền giáo hơn là ra luật lệ. Thật vậy, ngài đã thông báo cho các linh mục và giáo dân của mình ở Krakow về các sự kiện ở Rôma trong các phiên họp và sau khi Công đồng kết thúc, ngài bảo đảm rằng họ hiểu các tài liệu bằng cách thành lập Thượng hội đồng Krakow và một mạng lưới các nhóm gặp nhau chính là để nghiên cứu và suy nghĩ việc thực thi thấu đáo. (9) Các nhóm này đã tạo ra 400 trang tài liệu của riêng họ. Krakow là một trong số ít các giáo phận trên thế giới mà cái mới và cái cũ tìm được sự cân bằng khả thi, tránh được sự hiểu lầm thô thiển, thử nghiệm thiếu sáng suốt và tinh thần tranh cãi đã làm hỏng việc đổi mới ở hầu hết các nơi. Trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, hàng chục nhóm như vậy vẫn tích cực gặp gỡ ở Krakow.
Krakow cũng được hưởng lợi từ việc có một giám mục đã suy nghĩ thấu đáo nhiều vấn đề khi đối đầu với hai trong số những phát minh tồi tệ nhất của thế giới thế tục trong thế kỷ 20: Chủ nghĩa Quốc xã và Chủ nghĩa Cộng sản. Một trong những chủ đề trong suy nghĩ của ngài từ những năm 1940 cho đến khi kết thúc triều đại giáo hoàng của ngài là “nhân học sai lầm” nằm ở trung tâm của những hệ tư tưởng giết người này — giống hệt như loại sai lầm khác về con người đã lèo lái các xã hội phương Tây ngày càng duy vật nhiều hơn, tuy được tự do. Wojtyła chào mời “phẩm giá của nhân vị”, được hiểu một cách đúng đắn là bao gồm cả việc cởi mở đối với thể siêu việt, như phương thuốc cho nhiều sai lầm hiện đại. Phẩm giá đó cũng là cơ sở để giáo dân tham gia đông đảo và tích cực hơn vào Giáo hội; họ sẽ đảm nhận những vai trò thích hợp của riêng họ trong Giáo hội và thế giới, những vai trò không giống với vai trò của hàng giáo sĩ hoặc phẩm trật, nhưng có ý nghĩa quan trọng theo đúng nghĩa của họ. Wojtyła đã trình bày những lý thuyết này trong những cuốn sách ngài viết trước và sau Công đồng (và bí mật trong một số phiên họp nhàm chán hơn, như sau này ngài thú nhận).
Những nguyên tắc đó cuối cùng đã thành công ngoạn mục chống lại chủ nghĩa cộng sản. Nhưng xét về khía cạnh nhắc nhở phương Tây hiểu biết lành mạnh hơn về nền tảng của chính họ và giảm bớt một số thái quá do Công đồng thả lỏng trong Giáo hội, bức tranh có tính hỗn tạp nhiều hơn. “Phẩm giá của nhân vị” ở phương Tây thường dẫn đến giả định hậu hiện đại rằng phẩm giá đó đòi hỏi một quyền tự chủ cá nhân triệt để. Theo quan điểm đó, bản nhiên và Thiên Chúa không được coi như điều kiện cho sự hiện hữu của chúng ta, bảo đảm cho tự do và phẩm giá của chúng ta, mà là những hạn chế bên ngoài chỉ được chấp nhận nếu một người đặc thù cảm thấy chúng nên được chấp nhận. “Cảm thấy” là động từ chính đáng ở đây, như chúng ta đã thấy khi xem xét Alasdair MacIntyre, vì người ta cho rằng không có lập luận thuyết phục nào ủng hộ quan điểm truyền thống coi chân lý là một tổng thể thống nhất và phổ quát. Các nhà phê bình bắt đầu gọi các thành viên Giáo hội chấp nhận một số quan điểm này là "người Công Giáo ở quán ăn tự phục vụ" [cafeteria Catholics], nghĩa là họ chỉ chọn những gì họ muốn từ những gì Giáo hội đưa ra. Mặc dù ban đầu đây là một thuật ngữ phản kháng, nhưng những người Công Giáo ở quán ăn tự phục vụ sau đó đã chấp nhận nhãn hiệu này như thể nó hoàn toàn phù hợp với việc làm người Công Giáo, một ý tưởng chưa từng được xem xét nghiêm túc trong hai nghìn năm lịch sử Giáo hội.
Đó là lý do chính tại sao, bên ngoài Tổng giáo phận Krakow, ngay cả những người Công Giáo cũng cần một số định hướng tốt hơn về những gì Giáo hội của họ hiện đang dạy—và không đang dạy. Thượng hội đồng ngoại thường năm 1985, được Đức Gioan Phaolô II kêu gọi rõ ràng như một nỗ lực làm cho Giáo hội hoàn vũ những gì ngài đã làm trong tổng giáo phận của mình, tìm cách cung cấp sự rõ ràng về những gì đã thay đổi và những gì vẫn luôn giữ nguyên. Một số người đã ca ngợi hoặc chỉ trích ngài vì đã cố gắng “phục hồi”, một mô tả công bằng chỉ khi điều đó có nghĩa là ngài tìm cách thực thi Công đồng một cách đầy đủ hơn. (10) Không có điều gì trong triều giáo hoàng của ngài chỉ tìm cách quay trở lại một Giáo hội tiền công đồng. Báo cáo cuối cùng của Thượng hội đồng (11) cung cấp những hướng dẫn cho tương lai, mà nhà thần học người Mỹ Avery Dulles, Dòng Tên, đã tóm tắt dưới sáu tiêu đề:
1. Mỗi đoạn văn và tài liệu của công đồng phải được giải thích trong bối cảnh của tất cả các văn bản khác, để có thể hiểu đúng ý nghĩa toàn diện của công đồng.
2. Bốn hiến chế của công đồng... là chìa khóa thông diễn cho các văn kiện khác....
3. Ý nghĩa mục vụ của các văn kiện không được tách rời hoặc đối lập với nội dung tín lý của chúng.
4. Không được có sự đối lập giữa tinh thần và văn tự của Công đồng Vatican II.
5. Công đồng phải được giải thích liên tục với truyền thống vĩ đại của giáo hội, kể cả các công đồng trước đó.
6. Công đồng Vatican II nên được chấp nhận như soi sáng các vấn đề của thời đại chúng ta. (12)
Việc hiểu điều không được nói thẳng thừng không phải là chuyện quá khó. Ngoại trừ điểm cuối cùng—có lẽ là nhằm ngăn chặn những người bảo thủ và những người theo chủ nghĩa duy truyền thống khỏi bác bỏ công đồng hoàn toàn chỉ vì các thái quá của nó —các hướng dẫn mặc nhiên nhấn mạnh việc sử dụng sai Công đồng của mọi bên khác nhau.
Thượng hội đồng năm 1985 rõ ràng cũng đã tránh xa việc nhấn mạnh quá mức vào các thuật ngữ như “dân Chúa” khi đề cập đến Giáo hội, là thuật ngữ—mặc dù rất cần thiết để điều chỉnh các thái độ trước đó, nhất là trong Giáo triều Rôma quan lại—đã dẫn đến sự nhầm lẫn lớn về mối liên hệ của phẩm trật và hàng giáo dân. “dân Chúa” trong các văn kiện không đồng nghĩa với giáo dân, mà đúng hơn, được cấu thành bởi giáo dân, giáo sĩ, tu sĩ và phẩm trật. Ngay sau Công đồng, nhiều người cho rằng giáo dân “trưởng thành”, nay đã chịu trách nhiệm về đời sống thiêng liêng của mình, và các thẩm quyền Giáo Hội đã được đặt trên cùng một bình diện ngang nhau. Đạo Công Giáo luôn chấp nhận sự kiện một người thánh thiện không biết chữ có thể tiếp cận các sự thật vĩ đại mà những người khác không nhìn thấy. Đó là một yếu tố chung trong đời sống của các thánh. Và những hiểu biết như vậy xứng đáng được lắng nghe và kết nạp vào Giáo hội hoàn vũ. Tuy nhiên, về bản chất của sự vật, có rất ít các cá nhân có năng lực “tiên tri” và hầu hết các giáo dân chưa được đào tạo không có những hiểu biết sâu sắc về các vấn đề đức tin và đạo đức. Đại đa số người Công Giáo, đặc biệt do sự chuẩn bị kém của họ về Kinh thánh và các chủ đề quan trọng khác trong việc hiểu đức tin — từ lâu vốn là một phàn nàn về Giáo hội — không đặc biệt phù hợp với vai trò cố vấn. Giả định dễ dãi cho rằng mọi người đều có hồng ân tiên tri hoặc ít nhất có ý kiến giá trị ngang bằng với bất cứ ai khác, trong yếu tính, bảo đảm rằng các thái độ đương thời, phổ biến chủ yếu ở các nước giàu có, nhưng không liên kết với sự hiểu biết về Kinh thánh và thậm chí thường chống lại nó, sẽ xuất hiện như tiếng nói của “dân Chúa”. Nhưng như tất cả các tài liệu của công đồng đã nhấn mạnh, giáo dân và phẩm trật không đối nghịch nhau, theo kiểu “hoặc/ hoặc” [either/or], nhưng làm phong phú và cần thiết hỗ tương—một mối quan hệ “cả/lẫn” [both-and] tiêu biểu của các quan điểm Công Giáo.
Thượng hội đồng năm 1985 cũng đã minh giải, trong khi vẫn tán thành, phong trào đại kết như một nỗ lực cần thiết của Kitô giáo nhằm đạt được sự hiệp nhất mà Chúa Kitô mong muốn giữa đoàn chiên của Người. Nhiệm vụ thích hợp đó không thể làm mất đi một nhiệm vụ khác: nhu cầu truyền giáo lâu dài cho toàn thế giới, nghĩa là đưa thế giới đến với sự thật trọn vẹn, mà người Công Giáo tin rằng hiện hữu trong Giáo Hội Công Giáo. Thượng hội đồng thậm chí còn nhắc đến Thập giá—một chủ đề gần như hoàn toàn không có tại Công đồng Vatican II—một điều được một số người xem như một lời nhắc nhở rằng người Công Giáo, giống như chính Chúa Giêsu Kitô, nên chờ đợi các cuộc xung đột, chứ không phải hòa hợp và thậm chí không trung lập một cách nhân từ, với thế giới. (13) Một số trào lưu tiến bộ đúng đắn vẫn tồn tại trong bản báo cáo cuối cùng của thượng hội đồng—ngay cả những yếu tố hiếu chiến như thần học giải phóng cũng vậy. Nhưng tất cả những công thức này đã khác xa với tình hình vào những năm 1960, với những giả định dễ dãi về tính đúng đắn của thử nghiệm cấp tiến và sự phản đối của một “giáo hội nhân dân” đối với Giáo Hội Công Giáo thực sự đang hiện hữu. Avery Dulles tóm tắt quan điểm mới này; nó khẳng định những gì hợp pháp trong một số trào lưu mới, nhưng với những dè dặt thích đáng. Dulles sáng suốt khẳng định mạnh mẽ rằng: “Nếu Giáo Hội Công Giáo có ý chí sống còn—và tất cả các bằng chứng cho thấy điều đó—thì tốt hơn là nên tuân theo các quy định của Thượng hội đồng.” (14)
Dĩ nhiên, sự kiện các giám mục thế giới nhóm họp trong một thượng hội đồng đã đưa ra một tài liệu sửa sai đã không và hiện vẫn không có nghĩa là sự nhầm lẫn thần học đã được xua tan. Thực thế, ngay cả một trong những đề xuất cụ thể và rất thành công của Thượng Hội đồng, việc chuẩn bị Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo dựa trên Công đồng Vatican II (xuất hiện 7 năm sau đó vào năm 1992), cũng chỉ có tác dụng hạn chế, phần lớn đối với những người vốn đã có khuynh hướng tôn trọng thẩm quyền của Giáo Hội và đối với những người có tiềm năng trở lại đạo. Thật vậy, sẽ đúng hơn khi nói rằng vào thời điểm đó, bất chấp những nỗ lực của Đức Gioan Phaolô II, một quan điểm gián đoạn [disjunctive] về Công đồng đã được định chế hóa ở các bình diện học thuật cao nhất - như một loại huấn quyền song song - và trong các chương trình huấn luyện giáo lý và đào tạo khác của Giáo hội vốn phụ thuộc vào các trường cao đẳng và đại học Công Giáo để được hướng dẫn về trí thức.
Vatican dường như đã nhận ra điều đó bởi vì họ đã thực hiện thêm ba nỗ lực để kiềm chế các nhà thần học, những người đã tự coi mình, cách nào đó, hoạt động với thẩm quyền độc lập của Giáo hội nhưng có quyền được nói với giáo dân, những người bị đặt vào tình thế bất khả phải quyết định, hầu hết trong sự thiếu hiểu biết, liệu Đức Giáo Hoàng hay các giáo sư có thẩm quyền phát biểu:
1. Vào năm 1989, Vatican yêu cầu tất cả những ai đảm nhận chức vụ hoặc giảng dạy nhân danh Giáo hội đều phải tuyên xưng đức tin.
2. Cũng đòi hỏi là lời thề trung thành của những người trong các định chế Công Giáo chính thức. Cả hai biện pháp đều vấp phải sự phản đối gay gắt. Nhiều nhà thần học đã tìm nơi trú ẩn trong một tính kỹ thuật pháp lý: vì hầu hết các trường đại học và cao đẳng Công Giáo đã được chuyển sang chế độ quản lý giáo dân trong khi vẫn giữ bản sắc Công Giáo trên danh nghĩa, nên các giảng viên không buộc phải tuyên thệ.
3. Sau tám năm, Vatican đã trám lỗ hổng này bằng cách cải cách các điều luật liên quan.
Cũng giống như những lời thề trung thành vào đầu thế kỷ 20, những động thái hành chính này không giải quyết được nhiều vấn đề căn bản, đáng chú ý là những quan điểm cố hữu trong các trường cao đẳng, đại học, chủng viện và thậm chí cả một số tòa giám mục, mặc dù điều được yêu cầu ở đây không hề thô thiển hoặc sâu rộng như vậy—hoặc không công bằng—như những nỗ lực trước đó chống lại thuyết duy hiện đại.
Tuy nhiên, cho đến tận thế kỷ 21, phần lớn bộ máy quan lại có tính định chế từng ra đời như kết quả của các sáng kiến tiến bộ vẫn còn được duy trì. Sự lẫn lộn và xung đột ở bình diện căn bản tiếp tục làm cho việc truyền đạt những chân lý căn bản nhất về đức tin và luân lý Công Giáo trở thành một điều thực sự rất khó khăn. Vào cuối năm 2010, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, trong một cuộc phỏng vấn, đã nhận xét rằng thật khó hiểu làm thế nào mà những người Công Giáo đã theo học các trường Công Giáo trong hàng chục năm trở lên dường như thường có thiện cảm với Hồi giáo hoặc quen biết căn bản với Phật giáo, nhưng lại không thủ đắc được nhiều lòng trung thành với hoặc kiến thức về đức tin của chính họ. Đức Bênêđictô không suy đoán về các lý do của hiện tượng này, nhưng rõ ràng là chúng liên quan đến những xung đột đang diễn ra trong Công Giáo sau Công đồng Vatican II khiến cho bất cứ sự trình bày thẳng thắn nào về những sự thật đơn giản nhất, một cách nghịch lý, trong chính các tổ chức Công Giáo, đều trở nên khá khó khăn.
Còn tiếp