Chương ba: Thần học và những thống khổ của thời hiện đại, tiếp theo
Học thuyết Tôma về Tuân thủ Nghiêm ngặt
Hệ thống Tôma nào bị nền thần học mới – và sau đó là một số nhóm cấp tiến phát sinh từ Công đồng Vatican II – chống lại? Rất khó để gán nó cho bất cứ con người đặc thù nào. Garrigou-Lagrange dường như nằm trong danh sách của hầu hết mọi người. Các tác giả Rôma của các sách giáo khoa thần học bằng tiếng Latinh cũng thường xuất hiện trong bản cáo trạng, đặc biệt là Louis Billot, Dòng Tên. Bất kể công lý của việc gán một nền thần học khá hạn hẹp và độc đoán cho bất cứ cá nhân nào hoặc cho toàn bộ phong trào nào có ra sao, các nhà thần học mới hơn có cơ sở lịch sử và thần học quan trọng để coi các khái niệm, nguyên tắc và giả định căn bản trong học thuyết Tôma mà họ gặp phải như khuôn khổ thống trị lúc đó cho các nghiên cứu thần học Công Giáo. Như chúng ta đã thấy trong các chương trước về triết học, một trong những lời buộc tội mạnh mẽ nhất có thể được đưa ra đối với hình thức đặc biệt này của chủ nghĩa Tân Tôma là, trong khi tìm cách chống lại các quan niệm khác nhau về lý tính, nhận thức luận và đạo đức bắt nguồn từ điều bị nhiều người ngày nay coi như một sự ngạo mạn đáng ngờ của phong trào Ánh sáng, chính những người Công Giáo chống đối đã chấp nhận một số giả định của phong trào Ánh sáng làm cho học thuyết Tôma của họ khác với học thuyết của Thánh Tôma - thực sự, là một loại chủ nghĩa duy lý hiện đại. Điều này có thể chứng minh nhiều cách bằng tài liệu.
Có lẽ bằng chứng mạnh mẽ nhất về một phản ứng thái quá nào đó đối với các mối đe dọa của thuyết duy hiện đại phát xuất từ chính Vatican. Sau sự sáng chói và cởi mở của Đức Lêô XIII đối với các trào lưu hiện đại khác nhau, người kế vị của ngài đã nhanh chóng chuyển sang một lập trường rất khác. Đức Piô X, một người chân thành nhưng đơn giản hơn nhiều với những quan tâm mục vụ mạnh mẽ, chỉ 5 năm sau khi khai màn triều giáo hoàng của ngài (1907) đã ban hành Danh mục các Sai lầm, Lamentabili Sane Exitu [Với các hậu quả thực sự đang tiếc], ngay sau đó là một thông điệp, Pascendi Dominici Gregis [chăn dắt Đoàn chiên Chúa], tìm cách đẩy lùi nhiều “thuyết duy hiện đại” đe dọa cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo hội. Năm 1910, ngài thiết lập lời thề trung thành cho các giáo sĩ, Sacrorum Antistitum [phản đề của thánh thiêng], và vào năm 1914, Tòa thánh ban hành Hai mươi bốn luận đề trong triết học Tôma mà các nhà triết học và thần học Công Giáo (những người dựa trên cơ sở triết học để phân tích thần học của họ) duy trì. (14) “Thuyết duy hiện đại” là một vấn đề thực sự đối với Giáo hội bởi vì nhiều khái niệm đương thời khác nhau về siêu hình học, đạo đức, tâm lý học và các lĩnh vực khác vào đầu thế kỷ 20 rất khó hoặc không thể dung hòa với đạo Công Giáo. Dù sao chúng cũng không phải là những điều hoàn toàn chắc chắn như tư tưởng hậu hiện đại sau đó đã chỉ ra. Tuy nhiên, ngay việc liệt kê các tài liệu của giáo hoàng và mục tiêu của chúng cũng là để thấy, ít nhất khi nhìn lại, rằng các công cụ được sử dụng để đối diện với vấn đề rất có thực này có thể có một số tiện ích đối với kỷ luật của Giáo hội nhưng không thực sự phù hợp với việc giải quyết thách thức trí thức. (15)
Thí dụ, Lamentabili đưa ra sáu mươi lăm luận đề đáng bị lên án. Hầu hết những điều này, cách này hay cách khác, đều đụng đến vấn đề đang ngày càng gia tăng trong các nghiên cứu Kinh thánh mà vào thời điểm đó, dường như đặt việc phân tích các bản văn theo phương pháp phê bình-lịch sử chống lại truyền thống và giáo huấn của Giáo hội. Phương thức phê bình-lịch sử đã và đang được sử dụng cho Công Giáo, nhưng nó cũng có những hạn chế mà, theo nhiều cách, thực sự có thể gợi ý việc cần phải có một cộng đồng tin tưởng—như chính các học giả cũng hiểu rõ hơn vào cuối thế kỷ này.(16) Các giả định duy tự nhiên trong những nghiên cứu như vậy có xu hướng hạ giá các khái niệm như sự mặc khải thần linh, ơn linh hứng, thiên tính của Chúa Kitô, việc Thiên Chúa thiết lập Giáo hội và các niềm tin tiền hiện đại khác, các điều, nếu được xử lý đúng cách, hoàn toàn có thể bảo vệ được. Nhưng Lamentabili đưa ra bản cáo trạng của mình chủ yếu dưới hình thức kỳ lạ của những mệnh đề phủ định như thế này: “4. Ngay cả bằng những định nghĩa tín điều, huấn quyền của Giáo hội cũng không thể xác định được ý nghĩa đích thực của Kinh thánh.” Những người Công Giáo trung thành không thể chấp nhận những mệnh đề tiêu cực như vậy, một tiêu cực kép mà ngay cả nhiều triết gia trung thành—Étienne Gilson, hầu như không phải là người duy hiện đại chống học thuyết Tôma, trong số họ—và các nhà thần học đã tìm thấy một cách tiếp cận kỳ lạ chỉ dựa trên cơ sở luận lý học. Quan điểm căn bản của tài liệu được tóm tắt trong mệnh đề cuối cùng bị lên án: “65. Công Giáo hiện đại chỉ có thể dung hòa với khoa học chân chính nếu nó được biến đổi thành một Kitô giáo không có tín điều; có nghĩa là, thành một đạo Thệ phản rộng rãi và cấp tiến.”
Vài tháng sau, Đức Piô X đã giải quyết vấn đề một cách chi tiết hơn trong Pascendi Dominici Gregis [Chăn dắt Đoàn chiên của Chúa]. Trong thông điệp này, ngài trả lời toàn bộ các giả định duy tự nhiên. Nhưng thậm chí, ngài còn tiếp nhận ý niệm cho rằng tôn giáo bắt nguồn từ kinh nghiệm và tình cảm cá nhân. Điều này, có lẽ, đã trở thành mấu chốt của cuộc tranh luận giữa những người theo thuyết Tôma nghiêm khắc, những người bảo vệ quan niệm thần học khoa học đã có được sự chắc chắn, và những nhà thần học mới hơn, những người coi ước muốn tự nhiên về Thiên Chúa, thuộc loại này hay loại khác, và tình yêu giữa người trong cộng đồng vừa như một phần không thể tránh của thần học, vừa như con đường bình thường hơn để qua đó, các tín hữu đến với đức tin (chính Thánh Tôma đã nói ở một số chỗ rằng ít người có khả năng, cơ hội hoặc thời gian để trở thành triết gia và nhà thần học theo nghĩa chặt chẽ). Những người theo học thuyết Tôma đã và vẫn đúng khi cho rằng một đức tin không có những chân lý lâu đời và đáng tin cậy thì không phải là một đức tin cho lắm, và những chân lý đó không thể bị giới hạn tiên nghiệm bởi những giả định vốn có tính duy giản lược và đáng nghi ngờ. Nhưng toàn bộ Kinh thánh cho thấy rằng, ngay cả khi chính Thiên Chúa là người viết, thủ tục thông thường của Người cũng không phải là tiến hành theo cách của các chuyên luận thần học và triết học. Người kêu gọi tâm và trí của dân Người. Cả hai yếu tố đều cần thiết và trong thế kỷ 21 vẫn chưa tìm thấy sự cân bằng hữu ích nào cho hầu hết người Công Giáo, những thành viên của một Giáo hội ngay từ đầu đã tự hào về việc chấp nhận cả đức tin lẫn lý trí.
Pascendi tạo ấn tượng ở đâu cũng thấy các mối đe dọa: những người duy hiện đại bên ngoài Giáo hội, những người duy hiện đại bên trong Giáo hội, khoa học, nhân chủng học và chính trị. Trong suy nghĩ tổng thể của đức Piô rất khó đánh giá khi nhìn lại Tầm ý nghĩa của phạm trù cuối cùng. Ở Đức, Kulturkampf (“chiến tranh văn hóa”) của Bismarck chống lại Giáo hội vẫn còn nguyên trong ký ức. Chính phủ Pháp dưới thời Émile Combes vừa đặt các dòng tu ngoài vòng pháp luật và hầu như đã đặt toàn bộ Giáo hội Pháp dưới sự kiểm soát của nhà nước. Những gì xảy ra ở Pháp vào thời điểm đó đã gây ra hậu quả nghiêm trọng trên khắp châu Âu và quá thế nữa. Ở Ý, Đức Giáo Hoàng là “tù nhân của Vatican” kể từ khi Vittorio Emanuele xâm chiếm các Quốc gia thuộc quyền Giáo hoàng (1870) và thu nhỏ quyền tài phán chính trị của giáo hoàng chỉ còn là Leonine hoặc Thị Quốc Vatican, phá hủy gần 500 nhà dòng và phân tán hơn 12,000 tu sĩ. (17) Và rõ ràng là Đức Piô X muốn cảnh cáo các giám mục của mình về một phong trào tiềm ẩn hướng tới dân chủ trong chính Giáo hội: “Hãy lưu ý ở đây, thưa các huynh đệ đáng kính, sự xuất hiện của học thuyết nguy hiểm nhất sẽ làm cho giáo dân trở thành nhân tố tiến bộ trong Giáo hội” (đoạn 27).
Đây không phải là một đánh giá hoàn toàn sai lầm về các vấn đề Công Giáo, tuy nhiên nó có thể tỏ ra độc đoán hoặc duy ưu tú ở các quốc gia dân chủ. Khá nhiều những điều vô nghĩa đầy tính duy cảm về “dân Chúa” xuất hiện sau Công đồng Vatican II, khi rõ ràng là điều thường xuất hiện trong việc trao quyền cho một hàng ngũ giáo dân chưa được chuẩn bị khó lòng là bất cứ điều gì được người Công Giáo—hay Thệ phản—trong quá khứ có thể coi là đức tin và luân lý Kitô giáo. Ngoài ra, sau Công đồng Vatican II, các giáo sĩ bất đồng chính kiến bắt đầu sử dụng các phương tiện truyền thông như một đồng minh công khai để gây sức ép với các thẩm quyền Giáo hội, điều mà Đức Piô X cũng đã lường trước. Tất nhiên, Đức Phaolô VI là nạn nhân dễ thấy nhất của một chiến dịch truyền thông. Một ngày sau khi ngài ban hành thông điệp Humanae Vitae năm 1968, tái khẳng định các lệnh cấm ngừa thai của truyền thống Công Giáo (và có lúc cả Thệ Phản nữa), một quảng cáo nguyên trang xuất hiện trên tờ New York Times có chữ ký của nhiều giáo sĩ. Chiến thuật này trở nên rắc rối đến nỗi vào năm 1990, khi ban hành một tài liệu về vai trò của thần học gia trong Giáo hội (Donum Veritatis [ơn phúc chân lý]), Vatican đã yêu cầu họ hạn chế sử dụng các phương tiện truyền thông và thay vào đó, chấp nhận một con đường đối thoại chậm hơn và yên tĩnh hơn hướng tới sự thật. Tất nhiên, lời đề nghị đã vấp phải sự phẫn nộ giận dữ.
Chỉ riêng giọng điệu của Pascendi mà thôi cũng đã khiến người ta khó mà thích cho được, bất kể sự thật cứng rắn và dự ứng các vấn đề của nó. Chẳng hạn, không hoàn toàn sai lầm khi nó nói một cách hùng hồn rằng nhiều người trong số những người chỉ trích Công Giáo đã thực sự tiến hành theo “một triết lý vay mượn từ sự phủ định Thiên Chúa, và một tiêu chuẩn bao gồm chính họ” (đoạn 34). Nhưng việc vội vàng mô tả bất kứ kinh nghiệm bản thân nào về tôn giáo như có tính duy chủ quan đã làm suy yếu rất nhiều lòng mộ đạo và lòng sùng kính phổ biến của Công Giáo. Và hình ảnh của nó về những kẻ bất đồng chính kiến đồi trụy và quỷ quyệt không lưu ý tới thẩm quyền của Giám Mục Rôma không được hoan hô một thế kỷ sau và trông không đẹp đẽ bao nhiêu vào thời điểm nó xuất hiện. Ngoài ra, ngay cả khi các thành phần “bất khả tri và duy nội tại [immanentist]” (đoạn 34) bị loại trừ một cách hợp lý, thông điệp dường như đặt toàn thể Giáo Hội Công Giáo, như John Henry Newman đã thể hiện một cách xuất sắc, chống lại ý tưởng cho rằng các học thuyết có thể được phát triển, nghĩa là, xây dựng theo nhiều cách khác nhau mà không từ bỏ kho tàng đức tin nguyên thủy. Pascendi dường như chỉ nhìn thấy mối nguy hiểm trong sự thay đổi hoặc phát triển dưới bất cứ hình thức nào và do đó, dường như đề xuất một Giáo hội tĩnh tụ tự hào bỏ qua sự tham gia với thế giới hiện đại — tức là thế giới mà trong đó, người Công Giáo và Giáo hội đang sống.
Nhưng còn khó biện minh hơn nữa là tài liệu tiếp theo vài năm sau đó, khi những lời thề trung thành và các quan điểm triết học bắt buộc được Rôma áp đặt. Pascendi đã đặc biệt khổ công chỉ ra rằng các mục tiêu của những “nhà cải cách” theo thuyết duy hiện đại trong Giáo hội, những người chuyển Thánh Tôma về quá khứ của triết học trong việc đào tạo tại chủng viện và sẽ thay đổi đặc tính phẩm trật của Giáo hội, là đặc biệt nguy hại vì họ đại diện cho một kẻ thù bên trong. Ngay cả sự độc thân của linh mục cũng sẽ bị bãi bỏ. Để chống lại thứ Công Giáo tiếp tay cho ngoại thù này [fifth column], một mạng lưới những người cung cấp thông tin được gọi là Sodalitium Pianum (Hiệp hội Piô, trong tiếng Pháp gọi là La Sapinière) đã ra đời, chủ yếu ở Ý và Pháp, và tiếp tục tồn tại cho đến thập niên 1920, với mục tiêu báo cáo những giáo sĩ không đáng tin cậy cho Rôma. Khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV được bầu vào năm 1914, ngài đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng Văn phòng Thánh [Bộ Giáo lý Đức tin ngày nay] có một hồ sơ về ngài và ngài đã giải tán Hiệp hội này. Pascendi lặp lại những lời của Đức Lêô XIII về tầm quan trọng của siêu hình học Kinh viện và nghiên cứu đúng đắn về khoa học, nhưng sau đó quay qua lệnh chỉ bổ nhiệm những người trung thành với quan điểm đó — điều mà Đức Lêô chưa bao giờ đề xuất — và loại bỏ những người không trung thành. Các sách và tạp chí “duy hiện đại” phải bị tách xa khỏi các chủng sinh. Đức Lêô cũng đã cảnh cáo về những điều này, nhưng không phải với những mệnh lệnh sâu rộng như vậy. Các cơ quan kiểm duyệt để ngăn chặn việc xuất bản các sách tôn giáo không đáng tin cậy đã được trao nhiều quyền hạn. Và như thể điều này vẫn chưa đủ, các hội nghị của linh mục hoặc giáo dân, những người có thể giải quyết các vấn đề liên quan đến Giáo hội phải được giữ ở mức tối thiểu và “Ủy ban Giám sát Giáo phận” được thành lập. Các giám mục và người đứng đầu các dòng tu được hướng dẫn báo cáo trong vòng một năm về việc họ thực hiện các quy tắc này và ba năm một lần sau đó.
Do đó, Lời thề chống duy hiện đại được ban hành vào tháng 9 năm 1910, được duy trì cho đến năm 1967, bắt đầu: “Tôi kiên quyết chấp nhận và chấp nhận từng và mọi định nghĩa đã được đặt ra và tuyên bố bởi cơ quan có thẩm quyền giảng dạy không sai lầm của Giáo hội” và tiếp tục, “ đặc biệt là những chân lý chính đối lập trực tiếp với những sai lầm hiện nay”. Những sự thật này, trong căn bản, có năm: sự hiện hữu của Thiên Chúa có thể được biết đến dưới ánh sáng của lý trí tự nhiên; các dấu hiệu thần linh — phép lạ và lời tiên tri—là bằng chứng chắc chắn về nguồn gốc thần linh của Kitô giáo; Giáo hội và quyền lực Phêrô là định chế thần linh; các tín điều cấu thành kho tàng thần linh của đức tin không thể thay đổi ý nghĩa của chúng; và đức tin đó không phải là một tình cảm trào dâng lên từ trái tim mà là “sự thuận ý thực sự của trí hiểu đối với sự thật nhận được khi nghe từ một nguồn bên ngoài”. Đã có và vẫn có những lập luận xác đáng cho mỗi điểm này, mặc dù điểm cuối cùng, khi được giải thích quá nghiêm ngặt, trong yếu tính, sẽ loại trừ gần như toàn thể nhân loại khỏi việc sở hữu đức tin chân chính. Thí dụ, điểm đầu tiên thường được ủng hộ bởi Aristốt, Thánh Phaolô và Thánh Tôma Aquinô –ba nhân vật chắc chắn rất khác nhau, nhưng là những người có các ý tưởng vốn không được các triết lý phản siêu hình hiện đại đơn giản khai thác. Phần còn lại của lời thề, trong yếu tính, phủ nhận rằng các phương pháp phê bình lịch sử hiện đại có thể đưa ra một cách chân chính sự phân chia giữa sự thật lịch sử và bản văn Kinh thánh, cách giải thích nó trong truyền thống, hoặc bản chất của đức tin đã được các Giáo phụ thiết lập từ lâu.
Tất cả những điều này cũng khá đúng, được hiểu một cách đúng đắn, nhưng lời thề đã tạo ấn tượng thậm chí không muốn biết làm thế nào những phương pháp này có thể tiếp tục được biện minh hoặc được truyền bá trong bối cảnh đương thời:
“Vì vậy, tôi kiên quyết giữ vững đức tin của các Giáo phụ, và sẽ giữ nó cho đến hơi thở cuối cùng của cuộc đời tôi, liên quan đến đặc sủng vững vàng của sự thật, vốn hiện hữu, đã hiện hữu và sẽ luôn hiện hữu trong sự kế thừa của các giám mục từ các tông đồ; không phải để những gì được duy trì là những gì có vẻ tốt hơn hoặc phù hợp hơn với nền văn hóa của mỗi thời đại, mà để chân lý tuyệt đối và không thể thay đổi được các tông đồ rao giảng ngay từ đầu có thể không bao giờ được tin hoặc hiểu theo cách khác.
“Tất cả những điều này tôi cam kết sẽ tuân giữ một cách trung thành, trọn vẹn và chân thành, đồng thời luôn canh chừng chúng, không bao giờ rời xa chúng dù trong việc giảng dạy hay trong bất cứ cách nào bằng lời nói hay bằng văn bản. Tôi hứa như vậy, tôi thề như vậy, vì vậy xin Chúa giúp tôi [v.v.]. (Pius X, Tự sắc Sacrorum Antistitum)
Mục tiêu trung thành là mục tiêu đúng đắn, nhưng khó mà nói được rằng các phương tiện được đề xuất và cách thức phát biểu chúng đều đúng đắn như nhau, và việc minh nhiên từ chối cố gắng nói theo cách để người ta có thể nghe được trong nền văn hóa đương thời đã dọn đường cho một vụ bùng nổ. Khi tại Công đồng Vatican II, như sẽ thấy dưới đây, Giáo hội quyết định thực hiện một nỗ lực nghiêm túc để tiếp xúc với nền văn hóa hiện đại, thì kết quả lại là một chủ nghĩa cực đoan đối nghịch nhằm biến nền văn hóa đó thành một cây gậy để đo lường — và đôi khi đánh bại — Đạo Công Giáo.
Các vấn đề với não trạng pháo đài càng trở nên rõ ràng hơn trong 24 luận đề của học thuyết Tôma do Vatican công bố năm 1914. Như chúng ta đã thấy trước đây, có rất nhiều học thuyết Tôma, và một số khá sáng tạo và phong phú, thậm chí cho đến tận thế kỷ 21. Giống như Aristốt và Platông sẽ không bao giờ bị loại bỏ khỏi triết học, điều tương tự cũng có thể nói về Thánh Tôma và Thánh Augustinô trong triết học và thần học Công Giáo. Bộ Giáo dục “đề xuất” những luận đề này như những cách thích hợp để hiểu Thánh Tôma, nhưng những người khác coi động thái này như nói lên các nguyên tắc phải được “áp đặt”, đặc biệt đối với các chủng sinh đang chuẩn bị sơ bộ cho việc học thần học đúng nghĩa. Hầu hết chúng là một kiểu đọc tiêu chuẩn các nguyên tắc của Aristốt và Thánh Tôma, nhưng thật khó biết tại sao 24 nguyên tắc này đã được chọn. Bảo đảm ý niệm cho rằng có một “sự khác biệt hữu thể học” giữa Hữu thể của Thiên Chúa và hữu thể thụ tạo của các tạo vật có vẻ quan trọng đối với những người muốn phân biệt Thánh Tôma với Duns Scotus hoặc Suârez hoặc để tránh thuyết phiếm thần và những mớ hỗn độn siêu hình khác, nhưng chúng dường như pha mình một cách không cần thiết vào trận chiến chống thuyết duy hiện đại. Luận đề 22 lập luận một cách hợp lý rằng chúng ta biết Thiên Chúa, không phải bằng trực giác tức thời, nhưng bằng cách từ từ tìm hiểu bản chất của Thiên Chúa thông qua một thứ giống như Năm Con Đường của Thánh Tôma. Tuy nhiên, Luận đề 15 dường như gợi ý rằng “sự phú hồn” [ensoulment] không xảy ra cho đến khi bào thai đạt đến một giai đoạn phát triển nào đó—đúng với sinh học thời trung cổ của Thánh Tôma, nhưng là một vấn đề đối với các cuộc đấu tranh chống phá thai của Công Giáo hiện nay. Étienne Gilson và những người khác vào thời điểm đó, những người không thể bị buộc tội theo duy hiện đại, coi toàn bộ thao tác này là không đúng với Thánh Tôma.
Dù sao, toàn bộ sự phát triển này dưới thời Đức Piô X trong việc tìm cách chống lại thuyết duy hiện đại bằng các nguyên tắc Kinh viện và hạn chế ngay cả những nguyên tắc này vào những đề xuất gây tranh cãi đã tạo hậu cảnh cả cho việc phát triển hữu hiệu nền thần học của học thuyết Tôma trong thế kỷ 20 lẫn cho la nouvelle théologie [Nền Tân thần học], một cái tên có tính bác bỏ công trình của cả một nhóm các nhà thần học—Maurice Blondel, Marie-Dominique Chenu, Yves Congar, Jean Daniélou, và Henri de Lubac—của Reginald Garrigou-Lagrange. (18) Họ, cùng với nhà thần học vĩ đại Hans Urs von Balthasar, đã trả đũa sự ác ý này; von Balthasar gọi triết học và thần học duy lý mỏng manh mà ngài đã học ở chủng viện là “học thuyết Tôma mùn cưa”. Von Balthasar là một người trình bầy nổi bật quan điểm cho rằng điều đang được nghiên cứu không phải là Thánh Tôma Aquinô đích thực, mà là một Chủ nghĩa Kinh viện Baroque đầy tính phòng thủ và hợp lý hóa quá mức bắt nguồn từ những cuộc đấu tranh của Francisco Suârez chống lại phong trào Cải cách: “khi cảm giác đối với vinh quang Thiên Chúa đã mất đi— vinh quang đó tràn ngập toàn bộ Mạc khải nhưng không được chủ nghĩa duy lý khái niệm tri nhận, hoặc liên quan đến điều mà nó giữ im lặng, hoặc điều mà nó loại bỏ hoàn toàn bằng phương pháp”. Và, theo ngài, phương thức thực hiện thần học này “hủy tiêu kinh nghiệm về thực tại và giam hãm tư duy trong một lĩnh vực được đặc trưng bởi những dự đoán đơn thuần, có tính yếu tính, bởi trò chơi phân tích và tổng hợp các khái niệm, và do đó bởi sự đối lập chủ quan bên trong của hành vi tư duy (noesis) và nội dung của tư duy (noema).” (19) Tuy nhiên, không những von Balthasar mà cả Chenu và de Lubac đã chú ý rất nhiều đến Thánh Tôma và tìm cách trình bày tác phẩm của ngài một cách đầy đủ hơn mà, theo một thời trang, có thể được coi là một phần của sự đổi mới học thuyết Tôma mà Đức Lêô XIII đã khuyến khích.
Vào thời điểm đó, la nouvelle théologie một phần bị nhầm lẫn với loại thuyết duy hiện đại phủ nhận nhiều điều không thể thiếu đối với đức tin Công Giáo và niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa vốn được hiểu theo truyền thống Do Thái giáo và Kitô giáo. Nhưng nhìn lại, điều này đã được chứng minh là một việc đồng nhất hóa sai lầm. Các nhân vật chính được trưng dẫn ở trên đã chứng tỏ là rất quan trọng đối với sự hiểu biết chính thống về Công đồng Vatican II— tức nền “thông diễn liên tục” mà Joseph Ratzinger (Bênêđictô XVI) thường nói đến. Một nhóm cấp tiến hơn—Karl Rahner theo một số tâm trạng nào đó, Hans Küng trong hầu hết các khía cạnh, và một số nhóm khác với các mức độ dị thống khác nhau—dường như số phận không cho đóng một vai trò lâu dài trong tư tưởng Công Giáo, mặc dù Rahner, từng là một nhân vật vĩ đại vốn thống trị tư tưởng và nghiên cứu tại chủng viện và có ảnh hưởng lớn ở Vatican II, có thể tiếp tục có một số ý nghĩa. Ngược lại, những nhân vật người Pháp lãnh đạo nền thần học mới vẫn có thể có tầm quan trọng như cách hiểu cân bằng hơn về Vatican II.
Một trong những chủ đề phụ trong cuộc xung đột giữa thần học của phái Tôma nghiêm ngặt và các hình thức thần học mới hơn là mối liên hệ giữa các sự thật vượt thời gian và sự mặc khải lịch sử. Tất nhiên, những người theo học thuyết Tôma có xu hướng trở thành quán quân cho một nền thần học có tính khoa học và được đặt nền tảng trên các loại suy tư khách quan, phi thời gian trong siêu hình học Hy Lạp cổ điển. Các nhà thần học mới hơn, dựa vào các Giáo phụ và các nhánh khác trong truyền thống, đã nhấn mạnh hơn tới công việc của Thiên Chúa trong lịch sử, như được chứng minh trong Kinh thánh và đời sống của Giáo hội, và sự cần thiết Giáo hội phải tìm ra một cách trả lời cho các câu hỏi đặt ra cho Giáo Hội trong mọi thời đại. Cuộc tranh cãi có thể phức tạp hơn bởi sự kiện này là các người Thệ Phản cấp tiến trong nhiều thập niên đã chỉ trích việc “Hy lạp hóa” Kitô giáo như không trung thành với Tin Mừng, do đó khiến các nhà thần học mới hơn dường như đang đi theo con đường mà các người Thệ phản đã đi với những kết quả không mấy hài lòng, theo quan điểm Công Giáo. Trong Bài giảng nổi tiếng ở Regensburg năm 2006 của ngài, Đức Bênêđictô XVI—một trong những nhà tư tưởng lỗi lạc về khía cạnh lịch sử của các sự vật khi còn là một thần học gia học thuật—đã chỉ trích ba giai đoạn của diễn trình “giải trừ Hy Lạp hóa”: bởi Luther, nổi tiếng nhất là việc ông này bác bỏ lý trí; bởi Kant, trong việc ông này định đề đức tin như lý lẽ bên ngoài; và bởi Harnack, khi ông này tuyên bố rằng “các bổ sung” Hy Lạp vào Tin Mừng là có sau này và bất hợp pháp. Có lẽ khi nhìn lại quá trình thế kỷ 20, Đức Bênêđíctô—trớ trêu thay, một người theo trường phái Augustinô hơn là một người theo trường phái Tôma—đã coi cả lịch sử lẫn phi thời gian như những yếu tố thiết yếu của một Kitô giáo trọn vẹn luôn cần được hòa giải hơn nữa khi những vấn đề mới xuất hiện. (20)
Sẽ rất hữu ích nếu xem xét kỹ điều mà các người theo học thuyết Tôma xưa hơn cho rằng nền thần học mới đang phủ nhận. Trong bài tiểu luận sắc bén của mình “Thần học mới đang đi về đâu?”, (21) Garrigou-Lagrange đưa ra một số cáo buộc chuyên biệt. Trước tiên, ngài đề cập đến cuộc tranh cãi, hiện diện trong nhiều tác giả, cho rằng thần học phải liên tục thay đổi để hiện hành ngõ hầu không trở thành một thần học sai lầm. Có hai cách để hiểu tuyên bố này. Một cách dường như ngài không nhìn thấy: đó là khi những câu hỏi mới nảy sinh hoặc những cách diễn đạt cũ có thể bị hiểu sai, thì thần học phải tìm ra một phương thức thay đổi cách trình bày mà không làm thay đổi bản chất. Cách kia được ngài chộp lấy: giả sử, nếu các khái niệm như tự nhiên, con người, bản thể, ngẫu nhiên, biến đổi bản thể, Sự Hiện diện Thực sự, tội lỗi, ân sủng, v.v., không phải là “bất biến từ căn bản” theo nghĩa chúng được khai triển trong Thánh Tôma, dựa vào những phạm trù của Aristốt, thì làm sao có những chân lý bất biến trong đạo Công Giáo? Và làm sao một nhà thần học nổi tiếng có thể nói, “Việc khẳng định được phát biểu trong chúng vẫn còn”? Đây là một điểm tế nhị trong thần học sau này bởi vì, khi công bố Vatican II, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã nói rõ ràng rằng ngài hy vọng các chân lý lâu đời của đức tin sẽ vẫn còn nhưng bằng cách thay đổi cách diễn đạt, chúng có thể được trình bày theo một hình thức phù hợp hơn với thời hiện đại. Các nhà triết học hiện đại về ngôn ngữ có thể ủng hộ Garrigou-Lagrange ở đây vì những thay đổi trong ngôn ngữ không dễ phân biệt với những thay đổi trong tư duy.
Garrigou-Lagrange đích danh chỉ trích Maurice Blondel vì đã đề xuất rằng chân lý nên được tìm kiếm trong “sự phù hợp của tâm trí và cuộc sống” thay vì “sự cân bằng [adequation] của trí hiểu và thực tại” – công thức Kinh viện cũ. Ngài viết tiếp: “Thật nguy hiểm khi nói: ‘Ý tưởng thay đổi, lời khẳng định vẫn còn.’ Nếu ngay cả ý tưởng về sự thật cũng thay đổi, thì những lời khẳng định không còn đúng theo cùng một cách, cũng như theo cùng một ý nghĩa”. Hơn nữa, sự thay đổi này sẽ làm thay đổi ý nghĩa của thần học:
“Thần học không gì khác hơn là một kinh nghiệm tâm linh hay tôn giáo tìm được biểu thức trí thức của nó.” Và vì vậy, hãy làm theo những khẳng định như: “Nếu thần học có thể giúp chúng ta hiểu được linh đạo, thì linh đạo, trong những trường hợp tốt nhất, sẽ làm cho các phạm trù thần học của chúng ta bùng nổ, và chúng ta buộc phải hình thành các loại thần học khác nhau.... Vì mỗi linh đạo vĩ đại tương ứng với một nền thần học vĩ đại.” Điều này có nghĩa là hai nền thần học có thể đúng, ngay cả khi luận điểm chính của chúng mâu thuẫn và đối lập nhau hay không? Câu trả lời sẽ là không nếu người ta tuân theo định nghĩa truyền thống về sự thật. Câu trả lời sẽ là có nếu người ta chấp nhận định nghĩa mới về chân lý, được quan niệm không liên quan đến hữu thể và các quy luật bất biến, mà liên quan đến các trải nghiệm tôn giáo khác nhau. Những định nghĩa này chỉ tìm cách hòa giải chúng ta với thuyết duy hiện đại.
Đây không phải là một khẳng định dễ đánh giá. Rõ ràng là có và có thể có những loại thần học khác nhau không mâu thuẫn với những chân lý căn bản của đức tin: chẳng hạn như Thánh Tôma và Thánh Bonaventura, Newman và Ratzinger. Nhưng như những phát triển tiếp theo cho thấy, có những nền thần học nhanh chóng từ một hoặc hai điểm đổi mới trở thành không mạch lạc và bất chính thống. Garrigou-Lagrange buộc tội một nhà văn gần đây vì đã gọi học thuyết Tân Tôma và những tuyên bố mạnh mẽ của Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh là “một hàng rào an toàn chứ không phải là một câu trả lời”. Ngài phản bác rằng nền thần học mới đã đặt nhiều hơn một thành viên “vào con đường hoài nghi, hoang tưởng và dị giáo”.
Có những hiểu biết thông sáng trong lời phê phán mạnh mẽ này. Chẳng hạn, địa ngục dường như là một trong những khái niệm không còn “hiện hành” nữa và do đó, không còn đúng nữa. Nơi các quan điểm đa dạng chiếm ưu thế, các cái nhiên thay thế sự thật thực chất. Một số nhà thần học đã nghi ngờ về một Ađam nguyên tổ. Những người khác đã thách thức cách hiểu cổ điển về Thập giá như ơn cứu chuộc và thay thế nó, theo phong cách Hegel, bằng khái niệm về một khoảnh khắc trong diễn trình biến hóa của thế giới hướng tới một Đấng Kitô vũ trụ; một diễn trình như vậy cho phép các thuật ngữ Kitô giáo được giữ lại trong khi thay đổi ý nghĩa của chúng. Sự Hiện diện Thực sự và việc biến đổi bản thể được định nghĩa lại và không còn thực chất nữa mà chỉ mang tính biểu tượng. Kết cục là: “Vì vậy, ngưng bảo vệ định nghĩa Truyền thống về Chân lý bằng cách cho phép nó thành ảo tưởng, lúc đó, cần phải thay thế người theo thuyết bảo sinh [vitalist] và biến hóa. Điều này sau đó dẫn đến Thuyết duy tương đối hoàn toàn và là một sai lầm rất nghiêm trọng.” Garrigon-Lagrange trích dẫn lời kết luận của Đức Piô XII: “Nếu chúng ta chấp nhận một ý kiến như vậy [tức là, điều vị giáo hoàng này lo lắng là nền thần học mới], thì điều gì sẽ trở thành những tín điều không thể thay đổi của Đức tin Công Giáo; và điều gì sẽ trở thành sự thống nhất và ổn định của Đức tin đó?” Có nhiều điều mà Garrigou-Lagrange và Đức Piô X lầm về thần học mới, và có nhiều điều trong thần học đó có giá trị để giải quyết chính xác một số vấn đề mà các vị lo lắng. Nhưng ghi chép lịch sử cũng cho thấy “tính thống nhất và ổn định” mà các vị tìm cách duy trì sau đó đã bị phá hoại bởi những người cho là họ khoác áo thần học mới.