Chương ba: Thần học và những thống khổ của thời hiện đại
Kitô giáo không phải là một con đường cứu rỗi riêng tư và một hướng dẫn cho một cuộc sống ngoan đạo; đó là một con đường cứu rỗi thế giới và một triết lý về cuộc sống toàn diện. Điều này làm cho nó trở thành một loại thuốc nổ. Vì vậy, khi bạn gửi những người truyền giáo đi rao giảng nó, bạn nên chuẩn bị sẵn sàng cho một số vụ bùng nổ.
—Giám mục James Edward Walsh, M.M. (1)
Vào ngày 29 tháng 6 năm 1972, trong Thánh Lễ kính Thánh Phêrô và Phaolô, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, trong bài giảng của mình, đã nhận xét ngài có “cảm giác rằng qua một vết nứt nào đó, làn khói của Satan đã xâm nhập vào đền thờ của Thiên Chúa. Có sự nghi ngờ, không chắc chắn, rắc rối, bất an, không hài lòng, đối đầu. Giáo hội không được tin cậy.... Người ta tin rằng sau Công đồng [Vatican thứ hai] sẽ có một ngày tươi sáng cho lịch sử Giáo hội. Thay vào đó, những gì xẩy đến là một ngày của những đám mây, của bóng tối, của sự tìm kiếm, của sự không chắc chắn.... Ta tin rằng có một điều gì đó siêu tự nhiên (ma quỷ) đã nhập vào thế giới để quấy rầy, bóp nghẹt thành quả của Công đồng Chung và ngăn cản Giáo hội vỡ òa trong niềm vui vì đã lấy lại được nhận thức đầy đủ về chính mình.” (2) Đây là những nhận xét tự phát trong một bài giảng lễ của một vị giáo hoàng không hề phản đối việc đổi mới thần học của Công đồng (1962–1965). Thật vậy, như đoạn văn này cho thấy, ngài đã mong đợi những điều vĩ đại, và thậm chí ngài đã thúc đẩy một số cải cách—nổi bật là phụng vụ bản ngữ trong số đó—đi xa hơn nhiều so với những gì mà các Nghị Phụ Công Đồng đã dự đoán. Việc nhắc đến ma quỷ có thể khiến những người theo chủ nghĩa thế tục hoặc ngay cả những người theo chủ nghĩa cấp tiến Công Giáo bối rối trước những quan niệm tiền hiện đại như vậy về nguồn gốc của cái ác và sự nhầm lẫn. Nhưng Đức Phaolô đang mô tả một sự phát triển nghiêm túc không thể chối cãi về thần học cũng như về giáo hội vốn đã hiện hữu suốt một phần ba cuối cùng của thế kỷ hai mươi. Và ngài không đơn độc trong nỗi đau khổ của ngài.
Nhiều nhà thần học canh tân nhất đã chuẩn bị nền tảng dẫn đến Công đồng, chẳng hạn như Yves Congar và Henri de Lubac, và một số người tham gia quan trọng trong các cuộc thảo luận của công đồng - hai giáo hoàng sau này (Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI) trong số họ —đều kinh hoàng không kém về cách giải thích công việc của họ và những hậu quả sau đó. Trước Công đồng, Giáo hội chiếm một vị trí dường như vững chắc trên thế giới—mặc dù Giáo hội đã quá ngờ vực tính hiện đại. (3) Và việc Giáo hội sẵn lòng thực hiện việc tự phân tích là nhằm tham gia vào thế giới hiện đại một cách hữu hiệu hơn từ quan điểm của một sự hiểu biết phong phú hơn về truyền thống Công Giáo. Sau Công đồng, không phải chỉ là một câu hỏi lý thuyết nơi một số giới khi họ hỏi liệu có hay chăng một truyền thống có thể nhận diện được và có thẩm quyền.
Những gì đã bắt đầu như một sự tái lượng giá cao hơn về cuộc sống trần thế đã nhanh chóng chuyển sang điều mà đối với nhiều người dường như là việc từ bỏ triệt để các phạm trù tôn giáo đúng nghĩa để chuyển sang các phạm trù trần thế và chính trị. Karl Barth, có lẽ là nhà thần học Thệ phản vĩ đại nhất của thế kỷ 20, người đã được mời làm quan sát viên tại Công đồng nhưng bị bệnh tật ngăn cản không thể tham dự, đã nhận xét sau đó, “Có chắc chắn như thế là việc đối thoại với thế giới phải được đặt trước việc công bố cho thế giới?” (4) Thiết kế nổi tiếng cho sự tham gia xã hội của Công Giáo, Gaudium et Spes, “Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Hiện đại”, đặc biệt khiến Barth không những ngạc nhiên đối với việc nó quá lạc quan mà còn lạc điệu với viễn kiến về thế giới tìm thấy trong Tân Ước. (5)
Thần học thường được những người không phải thần học gia coi như một môn học trên mây và trừu tượng, trong tính thuần khiết nguyên thủy của nó, tương tự như vật lý hoặc toán học căn bản. Quả có điều gì đó đáng nói cho quan điểm này liên quan đến một số chiều kích nào đó của thần học. Nhưng thần học cũng là một hoạt động của con người và như vậy bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi thế giới trong đó nó được thực hiện, ngay cả khi nó ảnh hưởng đến thế giới đó—chứ không chỉ theo những cách “tôn giáo”. Một truyền thống như Công Giáo—coi việc gắn bó với vạn vật là một phần của sự hiểu biết thần học của mình—có nhiều điều để nói về hôn nhân, giáo dục, tổ chức xã hội, kinh tế, các vấn đề quốc tế, chăm sóc người nghèo, chiến tranh và hòa bình, đạo đức học về nghiên cứu y sinh học, phá thai, tình dục và một loạt các câu hỏi khác. Và không thể tránh khỏi việc Công Giáo bị lôi kéo vào những cuộc tranh luận sôi nổi về những vấn đề như vậy, đó là những câu hỏi khó ngay cả trong thời điểm tốt nhất, bởi vì cả Giáo hội và thế giới đều phải đối đầu với nhiều cuộc khủng hoảng và thách thức triệt để trong thế kỷ XX. Những vấn đề này phần nào bị che lấp bởi những cải thiện chung trong sự thịnh vượng vật chất và sức khỏe con người vốn bắt đầu lan rộng trên hoàn cầu trong cùng một thời kỳ dưới khái niệm “tiến bộ”. Hai cuộc chiến tranh thế giới, sự phát triển của vũ khí hạt nhân và những lo lắng về các mối đe dọa môi trường đã phần nào làm lung lay niềm tin đơn giản vào sự tiến bộ, nhưng sự tiến bộ như một sự kiện bao trùm vẫn tiếp tục, bất chấp mọi dấu chỉ ngược lại, để định hình các nền văn hóa hiện đại và hậu hiện đại.
Như Đức Gioan Phaolô II đã lưu ý trong thông điệp Centesimus Annus [Bách chu niên] năm 1991 của ngài, nhìn lại một trăm năm, có nhiều điều đáng ngưỡng mộ trong sự phát triển của xã hội hiện đại. Nhưng cũng có nhiều sai lầm xảy ra trong thế kỷ 20, và phần lớn nó liên quan đến một “nhân học” sai lầm và do đó có hại. Về nhân học này, ngài muốn nói đến một quan điểm về con người vừa còi cọc vừa méo mó theo nhiều cách khác nhau. Chủ nghĩa Quốc xã và Chủ nghĩa Cộng sản, tất nhiên, là những thí dụ rõ ràng nhất của một vấn đề lớn hơn mà Henri de Lubac đã xem xét với sự tinh tế về mặt thần học và triết học trong cuốn sách kinh điển của ngài The Drama of Atheist Humanism [Bi kịch của Chủ nghĩa Nhân bản Vô thần].(6) Trong cả hai trường hợp, một phản ứng phóng đại theo hướng chủ nghĩa tập thể (trong Chủ nghĩa Quốc xã, Volk [nhà nước]; trong Chủ nghĩa Cộng sản, giai cấp công nhân) đối với điều mà nhiều người coi là chủ nghĩa cá nhân quá mức của phương Tây và sự tàn phá của chủ nghĩa tư bản, đã kết cục ở sự áp bức và hủy diệt hàng triệu con người bình thường (một trăm triệu và còn nhiều nữa dưới Chủ nghĩa Cộng sản, bốn mươi triệu dưới chế độ Quốc xã). Trớ trêu thay, hai hệ tư tưởng lớn của thế kỷ 20 này lại được phát triển như một loại tôn giáo thay thế hứa hẹn sẽ làm cho người nghèo và những người bị áp bức những điều mà Kitô giáo đã không thể làm được. Đức Gioan Phaolô II lưu ý rằng một nền nhân học bị bóp méo cũng có thể được tìm thấy ở các quốc gia dân chủ và phát triển. Mặc dù họ đã không (và hiện vẫn không) điều hành các trại tử thần và trại lao động khổ sai của những kẻ toàn trị, nhưng họ chứa đựng bên trong mình một “nền văn hóa chết chóc” (7) gắn liền với một quan niệm sai lầm về quyền tự do cá nhân, đáng chú ý nhất là việc chấp nhận phá thai, vốn đã sát nhân gấp nhiều lần hơn kể từ khi nó được hợp pháp hóa ở phương Tây so với chủ nghĩa Quốc xã và Chủ nghĩa Cộng sản cộng lại. Nền văn hóa chết chóc cũng tự biểu lộ ở sự vô tư đối với việc thử nghiệm trên phôi người cũng như những bóng ma đáng sợ của thuyết ưu sinh (một đặc sản của Đức Quốc xã), “quyền được chết”, và thậm chí là cái chết êm dịu do bác sĩ hỗ trợ.
Tất nhiên, phân tích của De Lubac về việc tất cả những điều này xảy ra như thế nào đã cho thấy những sai lầm trí thức hiện đại, như ngài thấy, chúng đã cho phép những thứ quái dị như vậy thuyết phục đủ số người khiến chúng trở thành một sự hiện diện công cộng trong một thời đại tự coi mình là đỉnh cao của những luồng tư tưởng tiến bộ đa dạng. Nhưng trong một trong những cuộc tranh luận thần học nổi tiếng nhất trong đạo Công Giáo vào thế kỷ 20, de Lubac và một số nhà thần học đồng nghiệp của ngài cũng đổ lỗi một phần cho một số yếu tố sâu xa trong thần học Công Giáo - đặc biệt, trong cách quan niệm về tự nhiên và ân sủng, sau cuộc Phản Cải cách, những yếu tố đã cho phép một số người nghĩ về những sự vật tự nhiên như phần nào hiện hữu một cách gần như tự trị, theo tư cách riêng của chúng, không qui chiếu gì tới Thiên Chúa. Sự tách biệt này được dự tính như một cách để tranh luận chống lại các quan niệm về ân sủng của các phái Luthêrô và Calvinô, những quan niệm đối với một số nhà thần học Công Giáo vào thế kỷ 16 và sau đó, dường như đã xóa bỏ tự nhiên, phần nào theo kiểu tư duy Hồi giáo cực đoan. Các vấn đề về ân sủng và tự nhiên nổi tiếng là khó giải quyết, và các lập trường của các bên khác nhau vẫn đang ở thế tranh chấp. Nhưng de Lubac và các đồng minh của ngài tuyên bố đã nhìn thấy trong truyền thống Công Giáo một trào lưu bắt nguồn một phần từ cách giải thích sai lầm về Thánh Tôma trong gần nửa thiên niên kỷ trong Giáo Hội Công Giáo vốn coi tự nhiên hiện hữu bên ngoài ân sủng như mở cửa cho một chủ nghĩa tự nhiên vô thần. (8)
Theo nghĩa đó, de Lubac là một phần của phong trào lớn hơn nhằm nghiên cứu một cách đổi mới về Thánh Tôma và các nhà Kinh viện mà chúng ta đã xem xét trong các chương trước - mặc dù quan điểm của ngài mâu thuẫn với quan điểm của một số nhà thần học Tân Tôma có ảnh hưởng nhất, và ngài đã bị tấn công và chịu kết quả là bị hạn chế về kỷ luật. Hơn nữa, theo quan điểm của ngài, quan niệm sai lầm về tự nhiên và ân sủng đã làm sai lệch cách hiểu đúng đắn về hàng ngũ giáo dân như Thân thể của Chúa Kitô — khiến họ phần lớn trở thành những người thụ động nhận lãnh ân sủng do hàng giáo sĩ phân phát. Thần học mà ngài và những người khác đề xuất trên cơ sở nghiên cứu lịch sử trở về nguồn (res-source) nơi các Giáo phụ và truyền thống trước Thánh Tôma, có nhiều mục tiêu, trong số đó, có việc điều chỉnh các mối quan hệ giữa ân sủng và tự nhiên, giáo dân và giáo sĩ, Giáo hội và thế giới. Thậm chí, ngài còn đồng sáng lập một bộ sách, Sources chrétiennes [Các Nguồn Kitô giáo], để cung cấp các bản văn chủ yếu. Nghịch lý thay, việc trở về nguồn cổ xưa này, được giải thích cách thích đáng là chắc chắn, nhưng, vào thời Công đồng, cũng được cho là cơ sở để cập nhật (aggiornamento) theo các đường lối mục vụ nhiều hơn là theo các đường lối Kinh viện cứng ngắc. Tất nhiên, các nhà Kinh viện phản đối, nhưng sau Công đồng, khi người ta hiểu rõ tầm nhìn của de Lubac về một truyền thống bắt nguồn từ các Giáo phụ tự nó là một cú hãm nghiêm trọng đối với các bất đồng chính kiến và thử nghiệm, một số người buộc tội ngài đã dựng nên một truyền thống thống nhất có tính thần thoại nhằm làm lơ [pass over] tiếng nói của phụ nữ và những người khác.(9)
Huyền nhiệm học phu thê
Một sự thay đổi lớn và đáng chú ý khác đã xảy ra trong thế kỷ 20 trong thần học Công Giáo. Đức tin Công Giáo là một điều phức tạp—không những là một tập hợp các mệnh đề tín điều hay một thẩm quyền có phẩm trật hay một hệ thống giáo phận hoàn cầu được tổ chức xuống tận giáo xứ địa phương. Nó là tất cả những điều đó, chắc chắn như thế. Nhưng nó cũng chứa đựng sự phong phú về văn hóa to lớn, những ảnh hưởng có từ buổi bình minh của lịch sử loài người ở Ai Cập, Trung Đông và Israel; toàn bộ phạm vi tư tưởng và thực hành của nền văn minh Hy Lạp-La Mã và những khu vực mà nó tiếp xúc, từ Anh đến Ấn Độ; những thu lượm [infusions] lặp đi lặp lại từ các dân tộc mới đã học giáo lý ở Đức và các quốc gia Slave, Châu Phi, Tân Thế giới và Viễn Đông; và thời hiện đại kéo dài từ sự ra đời của khoa học hiện đại qua cuộc cách mạng chính trị cho đến các trào lưu hậu hiện đại và đôi khi là hậu Kitô giáo trong thế giới đương thời. Trên thế giới, không có gì hoàn toàn giống như thực thể này từng thu lượm cho mình nhiều của cải đa dạng của mọi quốc gia như thế. Nhà thần học vĩ đại người Thụy Sĩ Hans Urs von Balthasar đã tóm tắt tất cả bằng cách nói rằng, theo quan điểm Công Giáo đúng đắn, “sự thật có tính giao hưởng.” (10)
Đồng thời, Công Giáo đã nổi tiếng trong suốt hiện hữu của nó như một đức tin có tính nhất quán rõ ràng và đáng kể. Để so sánh, ngay cả các quyền tài phán đối nghịch của Chính thống giáo Đông phương dường như cũng bị phân mảnh, chưa nói đến các giáo phái Thệ phản đang phát triển và tự ý sinh sôi đã mọc lên ở phương Tây và tiếp tục mọc lên trên khắp thế giới. Tuy nhiên, trong thế kỷ 20, một điều đáng chú ý đã xảy ra trong đạo Công Giáo. Nó chuyển từ một lập trường triết học và thần học được khái niệm một cách có kỷ luật chặt chẽ và cứng ngắc - đáng chú ý nhất là sự phục hưng của Tân kinh viện vốn coi Thánh Tôma Aquinô như một mô hình về cách suy nghĩ về các chân lý của đức tin - sang một suy tư về Thiên Chúa và con người một cách linh hoạt, đa diện và phi hệ thống. Một số sử gia đã mô tả lập trường mới này, vốn có trước Công đồng Vatican II dưới hình thức thầm lặng, là “huyền nhiệm học phu thê”, trong đó tình yêu nồng nàn của Thiên Chúa dành cho dân của Người được mô tả tốt nhất như một phép loại suy: bằng tình yêu say đắm giữa một người đàn ông và một người đàn bà.
Chủ đề đó đã có từ lâu trong truyền thống, bắt đầu từ Cựu Ước, đặc biệt nhất là trong Diễm Ca. Nó đã mang những đặc điểm khác nhau trong Tân Ước theo quan điểm của Giáo hội là Nàng dâu của Chúa Kitô. Thánh Augustinô, Thánh Bernađô thành Clairvaux, Thánh Phanxicô thành Assisi, Thánh Tôma Aquinô, Dante Alighieri, Pascal, Thánh Phanxicô đờ Sales, Chateaubriand, Gerard Manley Hopkins, và nhiều nhân vật Công Giáo vĩ đại khác đã tham gia vào sự nhấn mạnh tới truyền thống tình yêu của Thiên Chúa. Nhưng ngay cả sự hiện diện kết hợp của họ cũng vẫn nhỏ nhoi so với bước ngoặt bắt đầu trước Thế chiến thứ hai và đã thống trị mọi nơi trong triết học và thần học Công Giáo, ngoại trừ một số rất ít người theo học thuyết Tôma và các truyền thống tương tự. Cuốn Catholicism [Đạo Công Giáo] của Henri de Lubac, viết năm 1938, bắt đầu gây ảnh hưởng rộng rãi theo hướng này ngay sau Thế chiến thứ hai và là “bản văn không thể thiếu” đối với những nhân vật có ảnh hưởng như Karol Wojtytla (sau này là Gioan Phaolô II), Joseph Ratzinger (sau này là Bênêđictô XVI), và Hans Urs von Balthasar (theo thỏa thuận chung, một trong những nhà tư tưởng Công Giáo vĩ đại nhất của thế kỷ XX). Cuốn sách quan trọng của chính Balthasar, Love Alone Is Credible [Chỉ có Tình yêu mới Đáng Tin], xuất bản năm 1963, thể hiện ngay trong tiêu đề của nó rằng tư tưởng Công Giáo đã thay đổi như thế nào. Tất nhiên, tiêu đề của von Balthasar có thể được chấp nhận bởi một người theo học thuyết Tôma hoặc môn đệ của một số trường phái lý luận phát triển cao khác, nhưng đó không phải là điều đã xảy ra. Trong các bàn tay vĩ đại—von Balthasar, de Lubac, Wojtyła, Ratzinger—sự nhấn mạnh mới vẫn mạch lạc, năng động và trung thành với truyền thống. Thật vậy, Love Alone Is Credible rất đáng chú ý vì nó cho thấy tình yêu theo nghĩa Kitô giáo không dẫn đến một đức tin được định nghĩa bởi cảm xúc mơ hồ, mà dẫn đến những chân lý tín điều cốt lõi. Nhưng bên ngoài những nhân vật vĩ đại này, đối với phần lớn, việc nhấn mạnh tới tình yêu Thiên Chúa thường đủ dẫn đến điều có thể gọi là nền thần học trôi dạt.
Tệ hơn nữa, ngay khi cả thần học Công Giáo và văn hóa đại chúng bắt đầu nhấn mạnh rằng “tất cả những gì bạn cần là tình yêu”, thì khía cạnh hôn nhân của “nền huyền nhiệm phu thê” đã bước vào một cuộc khủng hoảng, ngay giữa những người Công Giáo, mà đối với họ nó vẫn chưa xuất hiện. Các nền thần học và đạo đức cổ xưa đã coi đam mê tình dục bằng một thái độ không ít cảnh giác—và đúng như vậy, bởi vì sức mạnh của tình dục, như những câu chuyện kể về chính các vị vua vĩ đại của Do Thái là Đavít và Salômôn đã cho thấy, đã dẫn đến nhiều đau khổ, bạo lực (thậm chí giết người), và sự tan rã của chính hôn nhân. Nhà thơ thời trung cổ Dante đã viết Divine Comedy [Thần khúc] vĩ đại của mình về “Tình yêu làm lay động Mặt trời và các vì sao khác”, nhưng ông cũng ghi nhận cách thức những kẻ ngoại tình cuồng nhiệt Paolo và Francesca đã bị giết bởi một người chồng ghen tuông và kết cục bị đày xuống địa ngục, bị cuồng phong đam mê thổi bay không ngừng. Bắt đầu từ thập niên 1960, khi tình yêu được đề cao hàng đầu, hôn nhân ở tất cả các quốc gia phương Tây rơi vào khủng hoảng; ly dị, ngoại tình và gian dâm trở nên phổ biến. Con hoang mọc lên như nấm. Không có gì mới dưới ánh mặt trời, và những vấn đề này luôn hiện hữu trong thế giới của loài người sa ngã. Nhưng quy mô là một điều mới lạ. Thí dụ, hầu hết các xã hội trong lịch sử đều có tỷ lệ ngoại hôn khoảng 6% và đã phản ứng với sự gia tăng tỷ lệ đó bằng các chiến dịch đạo đức mạnh mẽ. (11). Tại Hoa Kỳ, vào đầu thiên niên kỷ Kitô giáo thứ ba, tỷ lệ con hoang vào khoảng 25 phần trăm cho người da trắng, 70 phần trăm cho người da đen và hơn ba mươi phần trăm tổng số. Năm 1960, cứ 1,000 cuộc hôn nhân thì có khoảng 9 vụ ly hôn. Đến năm 2000, có khoảng hai mươi.
Có một mối tương quan qua lại, nhưng không phải là nguyên nhân và hậu quả nào đó theo cả hai hướng giữa những thay đổi trong tư tưởng và những thay đổi trong thực hành, bởi vì những thay đổi này cũng dẫn đến những phát triển trong thực hành từng định hình lại truyền thống. Người Công Giáo cũng vậy, tỷ lệ ly hôn và phạm tội về cơ bản ngang bằng với những người hàng xóm không Công Giáo của họ. Chẳng hạn, việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu [Annulments] ít được biết đến trong Giáo Hội Công Giáo trước hậu bán thế kỷ XX. Một số linh mục khá đáng tin cậy nói rằng có lẽ tỷ lệ thấp trước đó là sai lầm vì nhiều người kết hôn thực tế không có điều kiện thích hợp để làm như vậy. Nhưng không thể phủ nhận được việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu đã trở thành gần như một hành vi tương đương với ly hôn đối với nhiều người Công Giáo trong giai đoạn chúng ta đang nghiên cứu. Và cảm thức về sự không vĩnh viễn của nhiều cuộc hôn nhân chắc chắn ảnh hưởng đến sự tiếp nhận và hiệu ứng của những cách trình bày khá chính thống về hôn nhân và mối liên hệ của nó với nền huyền nhiệm phu thê của các nhà thần học và giáo hoàng hiện đại. Thí dụ, Thần học Thân xác của Đức Gioan Phaolô II là một nỗ lực đáng chú ý nhằm chống lại các khuynh hướng phổ biến nhưng lại có rất ít tác động đến suy nghĩ và hành vi của hầu hết người Công Giáo. (12)
Tuy nhiên, xét theo nhiều cách, thần học mới là một cải tiến thực sự đối với những cứng ngắc đôi khi quá đơn sơ và có tính phòng thủ của học thuyết Tôma lâu đời. Reginald Garrigou-Lagrange, bậc thầy của cả Maritain lẫn Karol Wojtyła trẻ tuổi, đã đặt ra thuật ngữ la nouvelle théologie [Thần học mới] để gọi các phong trào mới—và lập luận trong một bài báo nổi tiếng rằng chúng đang dẫn Giáo hội đến chỗ diệt vong. (13) Đôi khi, trong thế kỷ XX, dường như Garrigou-Lagrange và các đồng minh của ngài đã không phóng đại các mối nguy hiểm này. Nhưng bất cứ giải trình toàn diện nào về truyền thống trí thức Công Giáo trong thế kỷ qua đều phải đánh giá tất cả những hiện tượng này, cả tích cực lẫn tiêu cực, trong vai trò vẫn chưa hoàn thành của chúng.