Phần 2: Phân tích Chúa Giêsu
Chương bẩy: Bằng chứng danh tính
Chúa Giêsu có thực sự xác tín rằng Người là Con Thiên Chúa không?
John Douglas có một khả năng phi thường biết nhìn vào tâm trí những người ông chưa bao giờ gặp.
Là “chuyên viên phác họa hình dạng tâm lý” độc đáo của Văn phòng Điều tra Liên bang [FBI], Douglas có nhiệm vụ thu thập tin tức tại hiện cảnh xẩy ra tội ác và rồi sử dụng các tầm nhìn thông sáng của ông để nhìn tận bên trong nhân cách của kẻ phạm tội còn tại đào.
Xin đơn cử một thí dụ: Douglas từng tiên đoán rằng “Kẻ Sát nhân Bên đường mòn”, một kẻ giết người hàng loạt chuyên rình mò các khu rừng rậm gần San Francisco từ năm 1979 tới năm 1981, hẳn là một người có trở ngại trong nói năng cũng như các xu hướng tàn ác đối với thú vật, đái dầm, và đốt phá. Những tiên đoán ấy đúng đến nỗi, người sau đó bị bắt và kết tội hội đủ các mô tả này (1).
Với một bằng tiến sĩ tâm lý, kinh nghiệm lâu năm trong tư cách thám tử, và tài năng tự nhiên trong việc hiểu biết tác phong của con người, Douglas đã trở thành nổi tiếng tinh thông trong việc phác họa hình dạng. Ông từng là đồng tác giả một số tác phẩm bán chạy nhất về chủ đề này, và khi Jodie Foster thắng giải Oscar nhờ thủ vai trong phim Silence of the Lambs, cô đã công khai cám ơn Douglas vì đã là nhân vật đời thực đàng sau nhân vật hư cấu nhà dìu dắt FBI của cô.
Làm thế nào Douglas lại có khả năng hiểu diễn trình suy nghĩ của các cá nhân ông chưa bao giờ nói chuyện với? Douglas giải thích với tạp chí Biography, “tác phong biểu lộ nhân cách” (2).
Nói cách khác, Douglas khảo sát tường tận bằng chứng đàng sau hiện trường tội ác và, khi có thể, phỏng vấn các nạn nhân để tìm ra một cách chính xác điều phạm nhân nói và làm. Từ những manh mối này, những sản phẩm của hành vi phạm nhân để lại, ông diễn dịch cấu trúc tâm lý của cá nhân.
Áp dụng vào Chúa Giêsu: tuy không đối thoại với Người, làm thế nào ta có thể đi sâu vào tâm trí Người để xác định ra đâu là các động lực, các ý hướng, và việc hiểu về chính Người của Người? Làm thế nào ta biết Người nghĩ Người là ai và đâu là sứ mệnh của Người?
Douglas dám nói, nhờ nhìn vào tác phong của Người. Nếu chúng ta muốn hình dung ra liệu Chúa Giêsu có nghĩ Người là Đấng Mêxia hay Con Thiên Chúa hay không, hay chỉ coi Người là một thầy rabbi hay tiên tri, chúng ta cần nhìn vào việc Người đã làm gì, đã nói gì và Người liên hệ với người khác ra sao.
Vấn đề Chúa Giêsu nghĩ gì về Người là một vấn đề hết sức chủ yếu. Một số giáo sư chủ trương rằng huyền thoại về thiên tính của Chúa Giêsu đã được chồng lên truyền thống Chúa Giêsu bởi những người ủng hộ quá nhiệt thành mãi nhiều năm sau khi Người qua đời. Các giáo sư này tin rằng: Chúa Giêsu đích thực sẽ không cựa mình trong mồ nếu Người biết người ta thờ phượng Người. Nếu ông tước bỏ các dã sử và đi lùi trở lại các tư liệu sớm nhất về Người, họ nói ông sẽ thấy Người không bao giờ khát mong là bất cứ điều gì ngoài là một thầy dậy đó đây và thỉnh thoảng khích động đám dân hèn.
Nhưng liệu bằng chứng lịch sử có đứng về phía họ hay không? Để tìm ra, tôi đã bay tới Lexington, Kentucky, và lái xe qua các con đường ngoằn ngoèo băng qua hàng loạt các nông trại nuôi ngựa đầy hình ảnh để tìm gặp học giả mà cuốn sách được ca ngợi của ông, The Christology of Jesus [Kitô học về Chúa Giêsu] đã đương đầu với chính chủ đề này.
Cuộc phỏng vấn thứ sáu: Ben Witherington III, Ph.D.
Không có nhiều điều lắm ở thị trấn tí hon Wilmore, Kentucky, ngoại trừ Chủng viện Thần học Asbury, nơi tôi tìm được văn phòng của Ben Witherington ở lầu bốn của một tòa nhà kiểu thời lập cư cách đường phố chính của cộng đồng mộc mạc. Với lối hiếu khách duyên dáng của một nhà qúy phái Miền Nam, người sinh trưởng của Bắc Carolina mời tôi ngồi vào chiếc ghế êm ái và một tách càphê khi chúng tôi cùng ngồi xuống để thảo luận việc Chúa Giêsu thành Nadarét nghĩ Người là ai.
Chủ đề trên vốn là lãnh vực quen thuộc của Witherington, tác giả của những cuốn sách như Jesus the Sage [Chúa Giêsu nhà hiền triết], The Many Faces of the Christ [Nhiều khuôn mặc của Chúa Kitô]; The Jesus Quest [Đi tìm Chúa Giêsu]; Jesus, Paul, and the End of the World [Chúa Giêsu, Thánh Phaolô và ngày Tận thế]; và Women in the Ministry of Jesus [Phụ nữ trong Thừa tác vụ của Chúa Giêsu]. Ông cũng là tác giả nhiều bài viết về Chúa Giêsu xuất hiện trên các từ điển chuyên môn và các tập san học thuật.
Được giáo dụ tại Chủng viện Thần học Gordon-Conwell (thạc sĩ thần học, tối ưu) và Đại Học Durham, Anh (tiến sĩ thần học tập trung vào Tân Ước), Witherington vốn dạy tại Asbury, Chủng viện Thần học Ashland, Trường Thần học của Đại Học Duke, và Gordon-Conwell. Ông là hội viên của Hội Nghiên cứu Tân ước, Hội Văn chương Kinh thánh và Viện Nghiên cứu Kinh thánh.
Nói một cách rành rẽ và cân nhắc, cẩn thận đắn đo lời nói, Witherington dứt khoát nghe như một học giả; thế nhưng giọng nói của ông cho thấy một luồng hứng khởi sâu thẳm, thậm chí thán phục không thể lầm được, đối với chủ đề của ông. Thái độ này còn đi xa hơn khi ông đưa tôi đi thăm một vòng phòng thâu thanh thâu hình sử dụng kỹ thuật thật cao nơi ông hòa lẫn các hình ảnh của Chúa Giêsu với các bài hát mà lời ca sáng rực lòng cảm thương, sự hy sinh, nhân tính, và vẻ uy nghi của đời sống và thừa tác vụ của Người.
Đối với một học giả trước tác với lối văn xuôi thật nhiều ghi chú, cẩn thận lên sắc thái, và chính xác về phương diện học thuật trong các vấn đề kỹ thuật liên quan tới Chúa Giêsu, việc kết hợp đầy nghệ thuật giữa video và âm nhạc này là một phương thế đầy thi ca để khám phá chiều kích của Chúa Giêsu mà chỉ nghệ thuật sáng tạo mới tiến gần đến chỗ nắm bắt được.
Trở lại văn phòng của ông, tôi quyết định bắt đầu khảo sát việc Chúa Giêsu tự hiểu về chính Người bằng một câu hỏi thường xuất hiện trong tâm trí độc giả khi họ tiếp xúc lần đầu với các sách Tin Mừng.
Tôi hỏi khi Witherington kéo chiếc ghế qua mặt tôi, “sự thật là Chúa Giêsu hơi mầu nhiệm về căn tính của Người, phải không? Người có khuynh hướng phớt qua việc tự công bố thẳng thừng Người là Đấng Mêxia hay Con Thiên Chúa. Có phải điều đó vì Người không nghĩ về Người theo những hạn từ này hay vì Người có những lý do khác?”
Witherington trả lời khi ngồi thoải mái trong ghế và bắt chéo chân, “Không, không phải vì Người không nghĩ về người theo các hạn từ đó. Nếu Người đơn giản công bố, ‘Này, các ông, tôi là Thiên Chúa’ điều ấy nghe như thể ‘tôi là Giavê’ vì người Do Thái thời Người không có ý niệm gì về Ba Ngôi. Họ chỉ biết Thiên Chúa Cha, Đấng họ gọi là Giavê, chứ không biết Thiên Chúa Con hay Thiên Chúa Thánh Thần.
“Nên nếu có ai nói mình là Thiên Chúa, điều này không có nghĩa gì cả đối với họ và sẽ bị coi là phạm thượng rõ ràng. Và điều đó chỉ có hại cho Chúa Giêsu trong các cố gắng của Người làm cho người ta lắng nghe sứ điệp của Người.
“Vả lại, đã có hàng loạt các chờ mong về việc Đấng Mêxia sẽ như thế nào, nên Chúa Giêsu không muốn bị đóng khung trong các phạm trù của một ai khác. Thành thử, Người rất thận trọng về điều Người nói trước công chúng. Lúc ở riêng với các môn đệ, thì khác, nhưng các sách Tin Mừng chủ yếu nói với chúng ta về những điều Người nói trước công chúng.
Thăm dò các truyền thống sớm nhất
Chính cuốn sách năm 1977 của thần học gia người Anh John Hick và nửa tá các đồng nghiệp cùng một đầu óc như ông đã gây ra trận cuồng phong tranh cãi bằng cách nói rằng Chúa Giêsu chưa bao giờ tự nghĩ về mình như Thiên Chúa nhập thể hay Đấng Mêxia. Họ viết rằng các ý niệm này, khai triển sau này rồi được viết vào các sách Tin Mừng để coi như chính Chúa Giêsu nói như thế về chính Người.
Để thăm dò lời tố cáo này, Witherington đi trở lui tới tận các truyền thống sớm nhất nói về Chúa Giêsu, các tư liệu sơ khai nhất, chắc chắn an toàn thoát khỏi mọi khai triển của dã sử, và khám phá ra những manh mối thuyết phục nhất liên quan đến việc Chúa Giêsu thực sự coi Người ra sao.
Tôi muốn đào sâu vào cuộc tìm tòi ấy, bắt đầu với câu hỏi này: “Chúng ta có thể tìm thấy manh mối nào về việc Chúa Giêsu tự hiểu chính Người từ cách Người liên hệ với người khác?”
Witherington suy nghĩ một lúc, rồi trả lời, “ông hãy nhìn vào mối liên hệ của Người với các môn đệ của Người. Chúa Giêsu có 12 môn đệ, thế nhưng ông hãy lưu ý: Người không phải là một trong Nhóm Mười Hai”.
Dù điều ấy nghe như một chi tiết không có chi khác biệt, Witherington nói nó rất có ý nghĩa.
Ông hỏi, “Nếu Nhóm Mười Hai tượng trưng cho một Israel đổi mới, thì Chúa Giêsu đứng ở chỗ nào? Người không phải là thành phần của Israel, không chỉ là thành phần của nhóm được cứu chuộc, Người tạo lập một nhóm, y như Thiên Chúa trong Cựu Ước tạo lập một dân riêng và thiết lập mười hai chi tộc Israel. Đó là manh mối về điều Chúa Giêsu nghĩ về chính Người”.
Witherington tiếp tục mô tả manh mối có thể tìm thấy trong mối liên hệ của Chúa Giêsu với Gioan Tẩy giả. “Chúa Giêsu nói, ‘Gioan là người vĩ đại nhất trên thế giới giữa những người do người đàn bà sinh ra’. Sau khi đã nói thế, Người còn đi xa trong thừa tác vụ của Người hơn Gioan, như làm phép lạ chẳng hạn. Điều ấy nói gì về việc Người nghĩ gì về chính Người?
“Và mối liên hệ của Người với các nhà lãnh đạo tôn giáo có lẽ là mối liên hệ có tính mạc khải hơn hết. Chúa Giêsu đưa ra tuyên bố hết sức triệt để rằng không phải những gì đi vào con người làm họ ra ô uế mà là những gì từ tâm hồn họ đi ra. Thành thật mà nói, điều này để qua một bên những phần rất lớn trong sách Cựu Ước Lêvi, với những qui định hết sức tỉ mỉ về sự trong sạch.
“Nhưng người Biệt phái không thích thông điệp này. Họ muốn duy trì sự việc như chúng là trước đây, nhưng Chúa Giêsu nói, ‘không, Thiên Chúa có các kế hoạch xa hơn. Người làm một điều mới’. Chúng ta phải hỏi, loại người nào nghĩ họ có thẩm quyền để qua một bên các sách thánh Do thái vốn được Thiên Chúa linh hứng và thay thế chúng bằng bằng giáo huấn của chính Người?
“Và phải nói gì về mối liên hệ của Người, nếu có thể gọi đây là một mối liên hệ, với các nhà cầm quyền La Mã? Chúng ta phải hỏi tại sao họ đóng đinh Người. Nếu Người đơn thuần chỉ là một hiền giả vô thưởng vô phạt chuyên kể những câu dụ ngôn đôi chút dễ nghe, làm thế nào Người lại phải kết cục bị đóng đinh, nhất là trong mùa Vượt Qua, khi không người Do Thái nào muốn người Do Thái bị hành quyết? Chắc chắn phải có lý do tại sao tấm bảng trên đầu Người viết, ‘Đây là Vua Dân Do Thái’”.
Witherington để nhận định cuối cùng lơ lửng trong không khí, trước khi cung cấp lời giải thích; ông nói, “một là chính Chúa Giêsu đưa ra câu ấy, hai là một ai đó rõ ràng nghĩ Người đã đưa ra”.
Do ngón tay Thiên Chúa
Dù các mối liên hệ của Chúa Giêsu cung cấp cho ta cửa sổ nhìn vào cái hiểu của Người về chính Người, Witherington nói rằng các việc làm của Người, nhất là các phép lạ của Người, cung cấp cho ta nhiều cái nhìn thấu suốt. Tuy nhiên, tôi giơ tay cản ông.
Tôi nói, “Chắc chắn ông không thể nói rằng các phép lạ của Chúa Giêsu xác minh việc Người nghĩ Người là Thiên Chúa, vì sau đó, các môn đệ của Người ra đi và cũng làm phép lạ y hệt như thế nhưng họ đâu có nói họ là thần minh”.
Witherington trả lời, “Không, không phải sự kiện Chúa Giêsu làm phép lạ soi sáng cái hiểu của Người về chính Người. Điều quan trọng là Người giải thích các phép lạ của Người ra sao”.
Tôi hỏi, “Ông muốn nói gì?”
“Chúa Giêsu nói, ‘nếu tôi, do ngón tay Thiên Chúa, mà trừ qủy, thì các ông biết rằng nước Thiên Chúa đã đến trên các ông’. Người không giống như các người làm phép lạ khác: họ làm các điều lạ lùng và rồi cuộc sống lại diễn tiến như trước. Không, đối với Chúa Giêsu, các phép lạ của Người là các dấu chỉ cho thấy Nước Thiên Chúa đang đến. Chúng là những tiền vị của Nước Thiên Chúa. Và điều này làm Chúa Giêsu ra khác”.
Tôi lại nói chen vào. Tôi nói, “Xin ông nói rõ thêm một chút. Nó làm Người ra khác như thế nào?”
Witherington trả lời, “Chúa Giêsu coi các phép lạ của Người như đem lại một điều gì đó chưa hề có: sự xuất hiện quyền thống trị của Thiên Chúa. Người không chỉ coi mình như một người làm phép lạ; Người coi Người như một người trong đó và qua đó các lời hứa của Thiên Chúa đang ứng nghiệm. Và điều đó rõ ràng là một khẳng định tính siêu việt”.
Tôi gật đầu. Quả tình giờ đây, trọng điểm của ông có nghĩa đối với tôi. Nên tôi quay qua các lời Chúa Giêsu nói, mong tìm được nhiều manh mối liên quan đến cái hiểu của Người về chính Người.
Tôi nói, “Người được xưng hô là Rabbouni hay ‘Rabbi’ bởi các môn đệ. Há điều này không hàm ý Người chỉ giảng dậy như các rabbis khác thời Người hay sao?”
Witherington cười, ông nói, “Thực sự, Chúa Giêsu giảng dậy một cách mới triệt để. Người bắt đầu giáo huấn của Người bằng câu này ‘Quả thật, tôi nói cho các ông hay’ nghĩa là, ‘tôi thề trước về sự thật của điều tôi sắp sửa nói’. Điều này hoàn toàn có tính cách mạng”.
Tôi hỏi, “Thế sao?”
Ông trả lời, “Trong Do Thái Giáo, ông cần chứng từ của hai nhân chứng, để nhân chứng A có thể làm chứng cho sự thật của nhân chứng B và ngược lại. Nhưng Chúa Giêsu làm chứng cho sự thật của điều Người nói. Thay vì dựa giáo huấn của Người trên thế giá người khác, Người nói bằng chính thế giá của Người.
“Nên đây là một người tự coi mình có thế giá trên và vượt quá điều các tiên tri Cựu Ước vốn có. Người tin Người sở hữu không những sự linh hứng của Thiên Chúa, như Vua Đavít, mà còn cả thẩm quyền Thiên Chúa và quyền lực của lời Thiên Chúa nữa”.
Ngoài việc dùng chữ “Amen” trong lời dạy của Người, Chúa Giêsu còn dùng chữ “Abba” khi gọi Thiên Chúa. Tôi hỏi, “Điều này nói cho ta hay điều gì về điều Người nghĩ về chính Người?”
Witherington giải thích, “’Abba’ nói lên tình thân mật trong mối liên hệ giữa đứa trẻ và cha của em. Điều đáng chú ý là nó cũng là chữ các môn đệ dùng để chỉ thầy dậy thân yêu của họ trong Do thái giáo tiên khởi. Nhưng Chúa Giêsu dùng nó chỉ Thiên Chúa, và tôi dám nói với ông, Người và các môn đệ của Người là những người duy nhất cầu nguyện với Thiên Chúa cách này”.
Khi tôi yêu cầu khai triển thêm về tầm quan trọng của điều này, ông nói, “Trong bối cảnh Chúa Giêsu hoạt động, người Do Thái có thói quen đi vòng vòng khi nói đến tên Thiên Chúa. Tên Thiên Chúa là tên thánh thiêng nhất, nên họ rất sợ đọc sai nó. Nếu họ buộc phải thưa với Thiên Chúa, có lẽ họ sẽ thưa, ‘Đấng Thánh Thiện, xin chúc tụng Người’ chứ không dám dùng tên riêng của Người”.
Tôi nói, “và ‘Abba’ là một chữ rất bản vị tư riêng”. Ông trả lời, “Rất bản vị riêng tư. Nó là chữ rất thân thương qua đó, đứa trẻ muốn nói với cha em, ‘Bố yêu qúy, bố muốn con làm chi?”
Tuy nhiên, tôi nhận ra một bất nhất biểu kiến. Tôi xen vào, “Khoan đã. Cầu nguyện mà nói ‘Abba’ đâu có ngụ ý Chúa Giêsu nghĩ Người là Thiên Chúa, vì Người dậy các môn đệ cũng dùng y hệt chữ này trong lúc cầu nguyện nhưng họ đâu có phải là Thiên Chúa”.
Witherington trả lời, “Thực sự, ý nghĩa chữ ‘Abba’hệ ở chỗ Chúa Giêsu là người khởi xướng một mối liên hệ thân mật mà trước đó chưa hề có. Vấn đề là loại người nào mới có thể thay đổi các điều kiện liên hệ với Thiên Chúa? Loại người nào mới có thể khởi xướng mối liên hệ giao ước mới với Thiên Chúa?”
Việc phân biệt của ông có nghĩa đối với tôi. Tôi hỏi, “Vậy ông coi việc Chúa Giêsu dùng chữ ‘Abba’có ý nghĩa ra sao?”
Ông trả lời, “Rất có ý nghĩa. Nó ngụ ý rằng Chúa Giêsu có một mức độ thân mật với Thiên Chúa không giống bất cứ điều gì trong Do thái giáo thời Người. Và xin ông lắng nghe cho, đây là điều bất ngờ: Chúa Giêsu nói rằng chỉ qua việc có liên hệ với Người, loại ngôn ngữ cầu nguyện này, loại liên hệ ‘Abba’ với Thiên Chúa này, mới trở thành khả hữu. Điều này nói với ta rất nhiều điều về việc Người coi Người ra sao”.
Witherington bắt đầu nói thêm một manh mối quan trọng nữa, Chúa Giêsu không ngừng nói về Người như “Con Người”, nhưng tôi để ông biết rằng một chuyên gia trước, Craig Blomberg, đã giải thích rằng điều này tham chiếu Đanien chương 7. Withering nhìn nhận hạn từ này cực kỳ quan trọng trong việc tự hiểu có tính thiên sai hay siêu việt của Chúa Giêsu.
Đến đây, tôi tạm dừng để kiểm lại những điều Witherington đã nói. Khi tôi tổng hợp các manh mối từ các mối liên hệ, phép lạ, và lời nói của Chúa Giêsu, thì tri nhận của Người và căn tính của Người trở nên sắc nét hơn.
Dựa vào các bằng chứng sớm nhất, ta thấy ít có nghi ngờ gì việc Chúa Giêsu coi Người hơn một người làm những chuyện lạ lùng, hơn một thầy dậy, hơn một tiên tri. Có dư bằng chứng để kết luận rằng Người nghĩ về Người bằng những hạn từ độc đáo và cao cả, nhưng một cách chính xác thì việc tư hiểu này sâu rộng ra sao?
Bức chân dung của Gioan về Chúa Giêsu
Trong lời mở đầu, Tin Mừng Gioan sử dụng ngôn từ uy nghi và không hàm hồ để quả quyết một cách mạnh dạn về thiên tính của Chúa Giêsu.
“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người đã ở với Thiên Chúa. Nhờ Người, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành... Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Gioan 1:1-3, 14)
Tôi nhớ đã đọc lời dẫn nhập huy hoàng đó khi tôi lược qua Tin Mừng Gioan lần đầu tiên. Tôi nhớ đã tự hỏi mình, thắc mắc không biết Chúa Giêsu sẽ phản ứng ra sao nếu Người đọc các lời lẽ Gioan nói về Người? Liệu Người có lùi lại và nói, “Chà, Gioan hoàn toàn hiểu sai về mình! Anh ta đã đánh phấn và huyền thoại hóa mình đến độ mình không nhận ra chính mình nữa”? Hay Người gật đầu chấp thuận và nói, “Đúng, tôi là tất cả những điều đó, và còn hơn thế nữa”?
Sau này tôi gặp được lời lẽ của học giả Raymond Brown, người đã đi tới kết luận cho rằng “Tôi không gặp khó khăn nào đối với chủ đề này là nếu Chúa Giêsu... đọc được Gioan, Người sẽ thấy Tin Mừng này phát biểu thích đáng căn tính của Người” (3).
Bây giờ, đây là cơ hội để tôi trực tiếp nghe Witherington, người đã giành cả đời để phân tích các chi tiết chính xác theo lối bác học liên quan tới việc Chúa Giêsu tự tri nhận chính Người, về việc liệu ông có đồng ý với đánh giá của Brown hay không.
Không một do dự hay hàm hồ nào, ông nói, “Có, tôi đồng ý. Tôi không có bất cứ nghi vấn nào cả. Khi ông đương đầu với Tin Mừng Gioan, ông đương đầu với một hình ảnh phần nào giải thích về Chúa Giêsu, nhưng tôi cũng tin nó là một bức tranh hợp luận lý phát xuất từ những gì vốn ngụ hàm trong Chúa Giêsu lịch sử.
“Và tôi xin thêm điều này: cho dù ông loại bỏ Tin Mừng Gioan, thì vẫn không có một Chúa Giêsu không phải là Đấng được xức dầu phát sinh từ các tư liệu trong ba Tin Mừng kia. Đơn giản là không có”.
Lập tức tôi nghĩ đến cuộc trao đổi thời danh, được Tin Mừng Mátthêu ghi lại, trong đó, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ trong một buổi gặp gỡ riêng, “Các con nói Thầy là ai?” Phêrô trả lời rõ ràng, “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Thay vì tré nánh vấn đề, Chúa Giêsu xác nhận Phêrô trong nhận định của ông, Người nói, “Phúc cho con, vì không phải người phàm mạc khải cho con điều này, nhưng là Cha Thầy trên thiên đàng” (xem Mt 16:15-17).
Dù thế, một số mô tả phổ thông về Chúa Giêsu, như trong cuốn phim The Last Temptation of Christ[Cơn Cám dỗ Cuối cùng của Chúa Kitô], cho thấy Người không biết chắn về căn tính và sứ mệnh của Người. Người đầy các hàm hồ và lo lắng.
Tôi hỏi Witherington, “Có bất cứ bằng chứng nào cho thấy Chúa Giêsu gặp khủng hoảng về căn tính hay không?"
Ông trả lời, “Không có cuộc khủng hoảng về căn tính nào cả, mặc dù tôi tin Người đã có những điểm xác nhận căn tính của Người. Tại phép rửa của Người, lúc Người bị cám dỗ, lúc Người biến hình trên núi, tại Vườn Diệtsimani, có những khoảnh khắc khủng hoảng, trong đó, Thiên Chúa xác nhận với Người Người là ai và đâu là sứ mệnh của Người.
“Chẳng hạn, tôi không nghĩ là chuyện ngẫu nhiên khi thừa tác vụ của Người không bắt đầu cho tới tận sau phép rửa của Người khi Người nghe tiếng nói, “Con là Con yêu quí của Ta, Ta rất hài lòng vì Con”.
“Người nghĩ đâu là sứ mệnh của Người?”
“Người coi công việc của Người là đến để giải thoát dân Thiên Chúa, nên sứ mệnh của Người là hướng tới người Do Thái”.
Tôi nhấn mạnh, “Chuyên biệt hướng tới Israel”.
Witherington nói, “Đúng, điều đó đúng. Rất ít bằng chứng cho thấy Người tìm kiếm dân ngoại trong thừa tác vụ của Người, đó là một sứ mệnh cho Giáo Hội sau này. Ông thấy đấy, các lời hứa của các tiên tri đã đến với Israel, nên Người phải đến với Israel”.
“Tôi và Chúa Cha là một”
Trong cuốn Reasonable Faith[Đức tin Hợp lý], William Lane Craig cho thấy một lượng bằng chứng đáng kể chứng minh rằng trong vòng 20 năm sau ngày Đóng Đinh, đã có cả một nền Kitô học đầy đủ công bố Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhập thể.
Sử gia Giáo Hội Jaroslav Pelikan vốn nhấn mạnh rằng bài giảng Kitô giáo cổ nhất, trình thuật tử đạo Kitô giáo xưa nhất, tường trình ngoại giáo xưa nhất về Giáo Hội, và lời cầu nguyện phụng cụ cổ xưa nhất (1 Cr 16:22) thẩy đều nhắc đến Chúa Giêsu như Chúa và Thiên Chúa. Pelikan nói, “rõ ràng, đó là thông điệp về điều Giáo Hội tin và dạy rằng ‘Thiên Chúa’ là tên thích đáng dành cho Chúa Giêsu Kitô” (4).
Dưới góc độ này, tôi hỏi Witherington, “ông có thấy bất cứ cách khả hữu nào điều này đã được khai triển, nhất là rất sớm, nếu Chúa Giêsu trước đó chưa bao giờ khẳng định bất cứ điều gì siêu việt và thiên sai về chính Người không?”
Witherington cương quyết nói, “Không, ngoại trừ ông sẵn sàng lập luận rằng các môn đệ hoàn toàn quên khuấy Chúa Giêsu lịch sử ra sao và họ không có điều gì liên quan tới các truyền thống bắt đầu xuất hiện 20 năm sau cái chết của Người. Nói một cách thành thực, trong tư cách một sử gia, điều này không hề có nghĩa”.
Ông nói thêm, khi xử lý với lịch sử, mọi loại sự việc đều khả hữu nhưng không phải mọi điều khả hữu đều hẳn xảy ra [probable] như nhau.
Ông hỏi, “liệu có hẳn xẩy ra việc tất cả những chuyện này được gợi lên từ không khí hai mươi năm sau ngày Chúa Giêsu qua đời, khi vẫn còn các nhân chứng sống chứng kiến những điều Chúa Giêsu lịch sử từng là hay không? Tôi thấy điều ấy đơn giản chỉ là một giả thuyết lịch sử khó lòng xẩy ra.
“Vấn đề thực sự là điều gì đã xẩy ra sau ngày Chúa Giêsu chịu đóng đinh làm thay đổi tâm trí các môn đệ, những người bác bỏ, bất tuân và đào ngũ Chúa Giêsu? Một cách hết sức đơn giản, điều xẩy ra cho họ tương tự như điều Chúa Giêsu cảm nghiệm lúc Người chịu phép rửa, điều các ông được xác nhận là điều các ông hy vọng Người là, Người quả như thế”.
Và một cách chính xác, Người ra sao? Khi tôi sắp sửa kết thúc cuộc đàm luận với Witherington, tôi muốn ông tóm lược điều ấy cho tôi. Xem xét mọi nghiên cứu tìm tòi của ông, đâu là kết luận bản thân của ông về việc Chúa Giêsu coi Người là ai? Tôi đặt câu hỏi, ngồi xuống và để ông trình bầy mọi sự, ông đã làm như thế một cách hùng biện và xác tín.
“Chúa Giêsu nghĩ Người là người được Thiên Chúa cử nhiệm đem hành vi cứu rỗi tột đỉnh của Thiên Chúa vào lịch sử nhân loại. Người tin rằng Người là tác nhân của Thiên Chúa trong việc thi hành điều ấy, Người được Thiên Chúa trao thẩm quyền và quyền lực, Người nói thay Thiên Chúa, và Người được Thiên Chúa điều hướng để thi hành nhiệm vụ này. Nên điều Chúa Giêsu nói là điều Thiên Chúa nói. Điều Chúa Giêsu làm là việc làm của Thiên Chúa.
“Theo ý niệm Do Thái về tác động (agency), tác nhân của ‘một người là như chính người này’. Ông nên nhớ Chúa Giêsu đã sai các môn đệ ra sao, Người nói, ‘bất cứ điều gì người ta làm cho các con là họ làm cho Thầy’. Có một liên kết mạnh mẽ giữa một người và tác nhân mà người này phái đi thi hành một sứ vụ.
“Vậy thì, Chúa Giêsu tin rằng Người thi hành một sứ vụ của Thiên Chúa, và sứ vụ này là cứu chuộc dân Thiên Chúa. Hệ luận là dân Thiên Chúa đã sa ngã và Thiên Chúa phải làm một điều gì đó, như Người luôn luôn làm, để can thiệp và đặt họ trở lại đường ngay. Nhưng có sự khác nhau về thời gian. Đây là thời sau cùng. Đây là cơ hội chót.
“Chúa Giêsu có tin Người là Con Thiên Chúa, Đấng được Thiên Chúa xức dầu hay không? Câu trả lời là có. Người có coi Người là Con Người hay không? Câu trả lời là có. Người có coi Người là Đấng Mêxia cuối cùng hay không? Có, đó là cácc Người coi Người. Người có tin rằng một ai đó kém hơn Thiên Chúa có thể cứu rỗi thế giới không? Không, tôi không tin Người tin như vậy.
“Và đây là chỗ nghịch lý mang dáng dấp hơi trêu chọc: cách Thiên Chúa cứu thế giới bằng việc Con của Người phải chết. Hành vi nhân bản nhất của mọi hành vi nhân bản, chết.
“Nhưng, Thiên Chúa, trong bản tính Thiên Chúa của Người, không chết. Vậy làm thế nào Thiên Chúa có thể thực hiện việc này? Làm thế nào Thiên Chúa trở thành Đấng Cứu vớt nhân loại? Người phải đến như một con người để hoàn tất nhiệm vụ ấy. Và Chúa Giêsu tin rằng Người là người làm điều đó.
“Chúa Giêsu nói ở Mc 10:45, ‘Tôi không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc thay cho nhiều người’. Đây quả một là hình thức hoang tưởng tự đại hai là điển hình của một người thực sự tin, khi nói, ‘Tôi với Chúa Cha là một’. Nói cách khác, ‘tôi có thẩm quyền nói thay cho Chúa Cha; tôi có quyền lực hành động thay cho Chúa Cha; nếu các ông bác bỏ tôi, là các ông bác bỏ Chúa Cha’.
“Dù cho ông bác bỏ Tin Mừng thứ tư và chỉ đọc các Tin Mừng nhất lãm, đây vẫn là kết luận ông sẽ đạt tới. Và đó là câu kết luận Chúa Giêsu sẽ dẫn chúng ta tới nếu chúng ta dự một buổi học hỏi Kinh thánh và tự hỏi Người câu hỏi này.
“Chúng ta phải hỏi, tại sao không có một người Do Thái thế kỷ thứ nhất nào có hàng triệu người theo chân ngày nay? Tại sao không hề có phong trào Gioan Tẩy giả nào? Tại sao, trong số mọi nhân vật thế kỷ thứ nhất, kể cả các hoàng đế La Mã, Chúa Giêsu vẫn được thờ phượng hiện nay, trong khi những người khác trở thành tro bụi của lịch sử?
“Chính bởi vì Chúa Giêsu này, Chúa Giêsu lịch sử, cũng là Chúa hằng sống. Đó là lý do tại sao. Chính bởi vì Người vẫn còn quanh quẩn đâu đây, trong khi những người khác đã khuất bóng hẳn”.
Thế chỗ cho Thiên Chúa
Giống như Witherington, nhiều học giả khác cũng đã khổ công phân tích bằng chứng sớm nhất về Chúa Giêsu và cũng đã đạt tới cùng các kết luận như vậy.
Craig viết, “Đây là một con người tự nghĩ về mình như Con Thiên Chúa theo nghĩa độc đáo, Đấng khẳng định mình hành động và nói năng bằng thẩm quyền Thiên Chúa, Đấng coi mình như người làm nhiều phép lạ, và là Đấng tin rằng số phận đời đời của người ta hệ ở việc tin hay không tin Người” (5).
Rồi ông viết thêm một nhận xét đặc biệt gây kinh ngạc: “Các manh mối đầy đủ cho một việc tự hiểu có tính Kitô học của Chúa Giêsu vốn đã có ngay trong tỷ lệ giảm thiểu 20 phần trăm các câu nói của Chúa Giêsu được các thành viên của cuộc Hội Thảo về Chúa Giêsu thừa nhận là chân chính” (6).
Bằng chứng để kết luận Chúa Giêsu có ý định thế chỗ cho Thiên Chúa “tuyệt đối có tính thuyết phục” như thần học gia Royce Gordon Gruenler từng đồng thuận (7).
Craig thì cho rằng các khẳng định của Chúa Giêsu phi thường đến nỗi vấn đề lành mạnh tinh thần của Chúa Giêsu không tránh được nêu ra. Ông lưu ý rằng sau khi James Dunn hoàn tất cuộc nghiên cứu có tính sử thi vấn đề này, Dunn buộc phải nhận xét, “câu hỏi cuối cùng không thể bỏ qua: Chúa Giêsu có điên hay không? (8)
Tại phi trường Lexington, chờ chuyến bay trở về Chicago, tôi bỏ đồng tiền vào điện thoại trả tiền và gọi xin gặp để phỏng vấn các chuyên gia hàng đầu của đất nước về tâm lý học.
Đã đến lúc phải tìm cho ra.
Tài liệu đọc thêm
Craig, William Lane. “The self-understanding of Jesus” [Việc Chúa Giêsu tự hiểu về chính Người] trong Reasonable Faith [Đức tin Hợp lý] by William Laen Craig, 233-54.Westchester, Ill.: Crossway, 1994.
Marshall, I. Howard. The Origins of the New Testament Christology [Các Nguồn gốc của Kitô học Tân Ước], Downers Grove, Ill.: InterVarsity Press, 1976.
Moule, C.F.D. The Origins of Christology[Các Nguồn gốc của Kitô học]. Cambridge: Cambridge Univ. Press, 1977.
Witherington, Ben. The Christology of Jesus [Kitô học của Chúa Giêsu]. Minneapolis: Fortress, 1990.
Ghi chú
1. Marjorie Rosen, “Getting Inside the Mind of a serial Killer” [Đi vào Tâm trí Kẻ Sát nhân Hàng loạt], Biography (October 1997), 62-65.
2. Ibid., 64.
3. R.E. Brown, “Did Jesus know He Was God?” [Chúc Giêsu Có biết Người là Thiên Chúa không], Biblical Theology Bulletin 15 (1985), 78, trích dẫn trong Ben Witherington III, The Christology of Jesus (Minneapolis: Fortress, 1990) 277.
4. Jaroslav Pelikan, The Christian Tradition: A History of the Development of Doctrine [Tuyền thống Kitô giáo: Lịch sử Phát triển Tín lý] vol. I, The Emergence of Catholic Tradition [Việc Xuất hiện Truyền thống Công Giáo](100-600) (Chicago: Univ. of Chicago Press, 1971) 173, trích dẫn trong William Lane Craig, Reasonable Faith (Westchester, Ill.: Crossway, 1994) 243.
5. Craig, Reasonable Faith, 252.
6. Ibid., 244.
7. Royce Gordon Gruenler, New Approaches to Jesus and the Gospels [Các Cách Tiếp cận mới với Chúa Giêsu và Các Sách Tin mừng] (Grand Rapids: Baker, 1982), 74.
8. James D.G. Dunn, Jesus and the Spirit [Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần] (London SCM Press, 1975), 60, trích dẫn trong Craig, Reasonable Faith, 252.