NEW YORK - Nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn nạn khủng bố toàn cầu đang lấy đi những khoản tiền lớn cần thiết để cứu sống người dân tại các nước đang phát triển.

Một phúc trình mới đây của tổ chức Hồng thập tự và Lưỡi liềm đỏ nói rằng các nước góp viện và các tổ chức cứu trợ đang ngày càng tập trung vào các quốc gia có tính chiến lược về chính trị, như Afghanistan và Iraq.

Các tổ chức này nói rằng họ sao nhãng trước tình trạng khẩn cấp tại các quốc gia nghèo ở châu Phi như tại Somalia, và Angola và các nơi khác.

Người ta đã chứng kiến nhiều thảm họa xảy ra trong năm 2002 hơn so với bất cứ một năm nào trong thập niên trước, khiến ảnh hưởng tới đời sống của ít nhất 680 triệu người, hầu hết những người này sống tại các nước đang phát triển.

Hồi tháng 4 năm nay, Bộ quốc phòng Mỹ cung cấp 1,7 tỷ đô la cho hoạt động cứu trợ và tái thiết tại Iraq, nhưng khi Chương trình Lương thực thế giới kêu gọi các nước phát triển cung cấp ngân quỹ để đương đầu với nạn đói tại 22 quốc gia châu Phi, thì số tiền nhận được vẫn thiếu 1tỷ đô la mới đủ.

Theo Giám đốc của tổ chức Hồng thập tự, nếu muốn viện trợ thực sự có hiệu quả thì các chính phủ và các tổ chức nhân đạo phải có trách nhiệm hơn.

Hồi năm ngoái tổ chức Hồng thập tự tiến hành kêu gọi khẩn cấp ủng hộ Angola, nơi hơn 4 triệu người hoàn toàn phụ thuộc vào viện trợ. Thế nhưng 4 tháng sau họ chỉ nhận được 4% khoản tiền mà họ cần.

Bản phúc trình cũng chỉ trích các chính các tổ chức viện trợ vì đã không thu hút được sự chú ý của công chúng và chính phủ tới những tai họa trên thế giới và đôi khi cung cấp những viện trợ không đúng nhu cầu.

Afghanistan cho biết họ cần giúp đỡ trong phát triển dài lâu, nhưng thay vào đó, họ lại hầu như nhận được viện trợ thực phẩm không cần thiết, mà điều đó làm cho nền kinh tế địa phương bị bóp méo.

Bản phúc trình cũng chỉ trích các biện pháp thô sơ mà chính phủ và các tổ chức viện trợ dùng để đo lường thành công của họ trong việc cung cấp các trợ giúp, như nhấn mạnh tới bao nhiêu tấn lương thực hay chăn đệm được đưa tới một vùng bị ảnh hưởng nào đó, mà không phân tích xem đời sống lâu dài của người dân được cứu giúp, cũng như sức khỏe và dinh dưỡng được cải thiện như thế nào.(bbc)