Chúa Nhật XXIV TN C
Các bài đọc của Chúa Nhật XXIV TN C, cách riêng bài Tin Mừng có vẻ khá quen thuộc với Kitô hữu, nhất là với những người chuyên chăm tham dự Thánh Lễ và xem trọng phần Phụng Vụ Lời Chúa. Thánh Kinh trình bày về tình yêu của Thiên Chúa thật phong phú và đa dạng. Tuy nhiên cũng có thể khẳng định rằng những dòng Tin Mừng theo thánh sử Luca ở chương XV mà Giáo Hội cho trích đọc một phần trong Thánh Lễ Chúa Nhật này quả là một mạc khải gây “chưng hửng” cho không chỉ nhiều người biệt phái năm xưa mà còn cho cả chúng ta hôm nay, dĩ nhiên là nếu chúng ta biết “suy đi nghĩ lại” như Mẹ Maria và biết đặt mình vào chính ngữ cảnh khiến Chúa Giêsu phán dạy những lời ấy.
Ngữ cảnh: Giêsu thành Nagiarét, một vị tôn sư đầy quyền năng trong lời giảng dạy cũng như trong hành động (x.Mt 7,29; Mc 6,2), một người được dân chúng mến mộ tôn xưng vào hàng ngôn sứ (x.Mt 16,13-15)…, Người không chỉ chuyên chăm chữa lành bệnh tật cho dân chúng và xua trừ ma quỷ ra khỏi những người chúng ám, Người còn giảng dạy các chân lý về Nước Trời và mời gọi người ta hoán cải ăn năn. Thế mà Người lại thường xuyên lui tới và cùng ngồi ăn uống với những quân hại dân hại nước là “bọn thu thuế” và “phường bán thân nuôi miệng”. Bá nhân bá tánh, mười người trăm ý, chuyện miệng tiếng người đời thì làm sao lường cho xuể. Cũng thế, việc một số người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm, xầm xì và bình phẩm chuyện Chúa Giêsu thường xuyên lui tới và cùng ngồi ăn uống với người thu thuế và phường “tội lỗi” thì cũng không là vô cớ. Ngài Giêsu đã không từng giảng dạy rằng chớ có làm cho người ta vấp phạm đấy ư. Ngài còn mạnh miệng cho rằng nếu ai làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn thì thà cột cối đá vào cổ người ấy mà liệng xuống biển còn hơn. Tuy nhiên chúng ta đừng quên cớ vấp phạm ở đây là cái nguyên nhân xấu. Còn những dữ kiện gây thắc mắc, gây tranh luận, gợi thao thức là việc khác hoàn toàn. Chính Chúa Giêsu đã từng ví Người là viên đá vấp cho nhiều người, đúng như lời tiên tri Simêon loan báo dịp cha mẹ Người đem Người lên Giêruslem để làm lễ tiến dâng theo Lề Luật (x.Lc 2,33-35).
Nguyên cớ gây thao thức: Tình yêu đón nhận mọi sự hạn chế, mọi sự bất toàn. Khi nghe đọc bài Tin Mừng về dụ ngôn người con hoang đàng hay đã được sửa lại là dụ ngôn người cha nhân hậu hoặc đã từng được đề nghị là dụ ngôn người con ganh tị, thì đã từng một thời Kitô hữu được gợi ý là tập trung vào hình ảnh người con phung phá hoang đàng để nhận biết thân phận tội lỗi của mình để rồi sám hối, ăn năn. Cũng đã từng có lúc người ta tập trung vào hình ảnh người con cả của câu chuyện để mời gọi Kitô hữu cảnh giác với sự ganh tương đố kỵ như trường hợp một số người biệt phái ngày xưa, hoặc biết phản tỉnh với lối sống “người thì bên trong mà lòng thì bên ngoài”. Vì lắm khi chúng ta tuy mang danh con cái Chúa, nhưng chỉ là “hữu danh vô thực”. Và đây chính là trọng tâm của câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể. Tuy nhiên xin được tập chú vào tình yêu bao la của người cha nhân hậu với một vài thiển ý.
Nói đến sự bao la của tình yêu Thiên Chúa, một số đấng bậc có vẻ như ngại ngần vì cho rằng sẽ làm cớ cho đoàn tín hữu sống ỉ lại. Và rồi số vị ấy thích đề cao sự công thẳng của Thiên Chúa hơn. Một số vị khác thì phân vân như đứng giữa ngã ba đường khi vừa nói đến lòng thương xót của Thiên Chúa vừa nói đến sự công thẳng của Người. Thiên Chúa là Đấng tốt lành vô cùng và cũng là Đấng công bình vô cùng. Khởi đầu triều đại giáo hoàng của mình Đức Bênêđictô XVI qua Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu đã nhấn mạnh hiện thực này: Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Người cho nhân loại chúng ta một cách như chống lại sự công minh của Người (x.số 10).
Người cha trong câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể đã rộng tay chia gia tài cho các con. Ông chia gia tài cho đứa con mở miệng kêu xin và chia cho cả đứa con không xin. Ông ta quả là liều lĩnh và bất chấp các tình huống có thể xảy ra. Ông chẳng thể lường đứa con thứ kêu xin sẽ sử dụng gia tài ra sao. Ông cũng chẳng biết đứa con còn lại không xin vì không dám xin hay vì không muốn xin. Không lưỡng lự, ông đã chia cho cả hai.
Chắc chắn người cha nhân hậu ít nhiều dự đoán được tình cảnh bi đát của đứa con đi hoang. Khi đã sống bất hiếu, vô đạo thì thế nào cũng gặp quả báo. Thế mà ông cứ ngày ngày ngóng trông đứa con “bất hiếu và hỏng hư” quay gót trở về. Lòng của ông vẫn ắp đầy niềm hy vọng sẽ có ngày thấy con mình “đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”. Một vài chuẩn bị như áo đẹp, nhẫn quý, con bê béo là một minh chứng cho niềm hy vọng ấy. Và kìa, nó đây rồi, nó đã trở về. Nó về vì thương cha già này hay là chỉ xót cho cái bụng rỗng của nó? Không sao cả, tình yêu không cần đặt điều kiện. Đứa con lớn đang ở trong nhà mà lòng như kẻ ăn người ở, ông cũng đón nhận hết tình. Không sao cả, rồi sẽ đến lúc nó hiểu rằng mọi sự của ông là dành cho nó, đã thuộc về nó, vì mọi sự của cha đều là của con (x.Lc 15,31).
Đã yêu thì không ngồi chờ người mình yêu hoàn thiện rồi mới đón nhận. Đón nhận người mình yêu cả trong sự hạn chế lẫn bất toàn của người mình yêu thì mới là tình yêu đích thực vô cầu, vô vị lợi, nghĩa là chỉ vì người mình yêu. Thánh tông đồ dân ngoại khẳng định chân lý này khi nói rằng Chúa Kitô đã chết vì chúng ta, ban ơn tha thứ cho chúng ta, đưa chúng ta về làm con cái Thiên Chúa ngay khi chúng ta còn là kẻ phản nghịch, nghĩa là ngay khi chúng ta đang còn trong cảnh tình tội lỗi.
Xin đừng sợ bị lợi dụng, chẳng thà yêu lầm còn hơn bỏ sót. Xin đừng ngồi chờ tha nhân hoàn thiện rồi chúng ta sẽ yêu thương. Chính tình yêu của chúng ta, một tình yêu vô điều kiện mới là động lực giúp tha nhân nên hoàn thiện. Đồng thời cũng chính tình yêu ấy sẽ giúp chúng ta hoàn thiện vì chúng ta đang ngày càng nên giống Cha, Đấng hoàn thiện ở trên trời, Đấng cho mưa rơi đều trên người lành lẫn kẻ bất lương, cho mặt trời mọc lên soi người công chính lẫn tội nhân (x.Mt 5,45).
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Các bài đọc của Chúa Nhật XXIV TN C, cách riêng bài Tin Mừng có vẻ khá quen thuộc với Kitô hữu, nhất là với những người chuyên chăm tham dự Thánh Lễ và xem trọng phần Phụng Vụ Lời Chúa. Thánh Kinh trình bày về tình yêu của Thiên Chúa thật phong phú và đa dạng. Tuy nhiên cũng có thể khẳng định rằng những dòng Tin Mừng theo thánh sử Luca ở chương XV mà Giáo Hội cho trích đọc một phần trong Thánh Lễ Chúa Nhật này quả là một mạc khải gây “chưng hửng” cho không chỉ nhiều người biệt phái năm xưa mà còn cho cả chúng ta hôm nay, dĩ nhiên là nếu chúng ta biết “suy đi nghĩ lại” như Mẹ Maria và biết đặt mình vào chính ngữ cảnh khiến Chúa Giêsu phán dạy những lời ấy.
Ngữ cảnh: Giêsu thành Nagiarét, một vị tôn sư đầy quyền năng trong lời giảng dạy cũng như trong hành động (x.Mt 7,29; Mc 6,2), một người được dân chúng mến mộ tôn xưng vào hàng ngôn sứ (x.Mt 16,13-15)…, Người không chỉ chuyên chăm chữa lành bệnh tật cho dân chúng và xua trừ ma quỷ ra khỏi những người chúng ám, Người còn giảng dạy các chân lý về Nước Trời và mời gọi người ta hoán cải ăn năn. Thế mà Người lại thường xuyên lui tới và cùng ngồi ăn uống với những quân hại dân hại nước là “bọn thu thuế” và “phường bán thân nuôi miệng”. Bá nhân bá tánh, mười người trăm ý, chuyện miệng tiếng người đời thì làm sao lường cho xuể. Cũng thế, việc một số người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm, xầm xì và bình phẩm chuyện Chúa Giêsu thường xuyên lui tới và cùng ngồi ăn uống với người thu thuế và phường “tội lỗi” thì cũng không là vô cớ. Ngài Giêsu đã không từng giảng dạy rằng chớ có làm cho người ta vấp phạm đấy ư. Ngài còn mạnh miệng cho rằng nếu ai làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn thì thà cột cối đá vào cổ người ấy mà liệng xuống biển còn hơn. Tuy nhiên chúng ta đừng quên cớ vấp phạm ở đây là cái nguyên nhân xấu. Còn những dữ kiện gây thắc mắc, gây tranh luận, gợi thao thức là việc khác hoàn toàn. Chính Chúa Giêsu đã từng ví Người là viên đá vấp cho nhiều người, đúng như lời tiên tri Simêon loan báo dịp cha mẹ Người đem Người lên Giêruslem để làm lễ tiến dâng theo Lề Luật (x.Lc 2,33-35).
Nguyên cớ gây thao thức: Tình yêu đón nhận mọi sự hạn chế, mọi sự bất toàn. Khi nghe đọc bài Tin Mừng về dụ ngôn người con hoang đàng hay đã được sửa lại là dụ ngôn người cha nhân hậu hoặc đã từng được đề nghị là dụ ngôn người con ganh tị, thì đã từng một thời Kitô hữu được gợi ý là tập trung vào hình ảnh người con phung phá hoang đàng để nhận biết thân phận tội lỗi của mình để rồi sám hối, ăn năn. Cũng đã từng có lúc người ta tập trung vào hình ảnh người con cả của câu chuyện để mời gọi Kitô hữu cảnh giác với sự ganh tương đố kỵ như trường hợp một số người biệt phái ngày xưa, hoặc biết phản tỉnh với lối sống “người thì bên trong mà lòng thì bên ngoài”. Vì lắm khi chúng ta tuy mang danh con cái Chúa, nhưng chỉ là “hữu danh vô thực”. Và đây chính là trọng tâm của câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể. Tuy nhiên xin được tập chú vào tình yêu bao la của người cha nhân hậu với một vài thiển ý.
Nói đến sự bao la của tình yêu Thiên Chúa, một số đấng bậc có vẻ như ngại ngần vì cho rằng sẽ làm cớ cho đoàn tín hữu sống ỉ lại. Và rồi số vị ấy thích đề cao sự công thẳng của Thiên Chúa hơn. Một số vị khác thì phân vân như đứng giữa ngã ba đường khi vừa nói đến lòng thương xót của Thiên Chúa vừa nói đến sự công thẳng của Người. Thiên Chúa là Đấng tốt lành vô cùng và cũng là Đấng công bình vô cùng. Khởi đầu triều đại giáo hoàng của mình Đức Bênêđictô XVI qua Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu đã nhấn mạnh hiện thực này: Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Người cho nhân loại chúng ta một cách như chống lại sự công minh của Người (x.số 10).
Người cha trong câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể đã rộng tay chia gia tài cho các con. Ông chia gia tài cho đứa con mở miệng kêu xin và chia cho cả đứa con không xin. Ông ta quả là liều lĩnh và bất chấp các tình huống có thể xảy ra. Ông chẳng thể lường đứa con thứ kêu xin sẽ sử dụng gia tài ra sao. Ông cũng chẳng biết đứa con còn lại không xin vì không dám xin hay vì không muốn xin. Không lưỡng lự, ông đã chia cho cả hai.
Chắc chắn người cha nhân hậu ít nhiều dự đoán được tình cảnh bi đát của đứa con đi hoang. Khi đã sống bất hiếu, vô đạo thì thế nào cũng gặp quả báo. Thế mà ông cứ ngày ngày ngóng trông đứa con “bất hiếu và hỏng hư” quay gót trở về. Lòng của ông vẫn ắp đầy niềm hy vọng sẽ có ngày thấy con mình “đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”. Một vài chuẩn bị như áo đẹp, nhẫn quý, con bê béo là một minh chứng cho niềm hy vọng ấy. Và kìa, nó đây rồi, nó đã trở về. Nó về vì thương cha già này hay là chỉ xót cho cái bụng rỗng của nó? Không sao cả, tình yêu không cần đặt điều kiện. Đứa con lớn đang ở trong nhà mà lòng như kẻ ăn người ở, ông cũng đón nhận hết tình. Không sao cả, rồi sẽ đến lúc nó hiểu rằng mọi sự của ông là dành cho nó, đã thuộc về nó, vì mọi sự của cha đều là của con (x.Lc 15,31).
Đã yêu thì không ngồi chờ người mình yêu hoàn thiện rồi mới đón nhận. Đón nhận người mình yêu cả trong sự hạn chế lẫn bất toàn của người mình yêu thì mới là tình yêu đích thực vô cầu, vô vị lợi, nghĩa là chỉ vì người mình yêu. Thánh tông đồ dân ngoại khẳng định chân lý này khi nói rằng Chúa Kitô đã chết vì chúng ta, ban ơn tha thứ cho chúng ta, đưa chúng ta về làm con cái Thiên Chúa ngay khi chúng ta còn là kẻ phản nghịch, nghĩa là ngay khi chúng ta đang còn trong cảnh tình tội lỗi.
Xin đừng sợ bị lợi dụng, chẳng thà yêu lầm còn hơn bỏ sót. Xin đừng ngồi chờ tha nhân hoàn thiện rồi chúng ta sẽ yêu thương. Chính tình yêu của chúng ta, một tình yêu vô điều kiện mới là động lực giúp tha nhân nên hoàn thiện. Đồng thời cũng chính tình yêu ấy sẽ giúp chúng ta hoàn thiện vì chúng ta đang ngày càng nên giống Cha, Đấng hoàn thiện ở trên trời, Đấng cho mưa rơi đều trên người lành lẫn kẻ bất lương, cho mặt trời mọc lên soi người công chính lẫn tội nhân (x.Mt 5,45).
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột