Mặc dù chưa được gặp cha Padmàseputra (Padmà) bao giờ, nhưng biết ngài là vị ân nhân của người tị nạn Việt nam trên đảo Galang, tôi rất hân hoan khi tham dự buổi đón tiếp ngài vào cuối tuần vừa qua tại San Jose do các cựu Thiếu Nhi Thánh Thể Galang tổ chức.

Trong bộ quần áo rất bình dân với đầu tóc bạc trắng và dáng người gầy ốm, thật khó nhận ra ngài là một linh mục. Nếu có ai gặp ngài đi trên đường chắc chỉ nghĩ ông này là một người nghèo khó hay vô gia cư. Nhưng thật xúc động vì trong giọng nói hiền từ của ngài chan chứa lời yêu thương chân tình. Nhìn dáng vóc ngài bước lên bàn thờ trong khiêm cung để cử hành Thánh lễ, cảm xúc trong lòng tôi dâng lên. Trước mắt mình là một chứng nhân của Thiên Chúa rất gầy ốm về thể xác nhưng lại có một trái tim quá bao la! Một thân xác mỏng manh nhưng đã sưởi ấm tâm hồn bao nhiêu người đồng hương của tôi trong những tháng ngày sống thiếu thốn và vô vọng trên hải đảo Galang. Thật sự con tim tôi đã vui trở lại trong giờ phút này vì tình yêu của Thiên Chúa quá nhiệm mầu qua hình ảnh của chứng nhân Padmà. Tôi thầm cảm tạ Chúa đã cho tôi được nhìn thấy cha Padmà- nhủ một biểu tượng của tình yêu nối kết giữa Trời và đất đang hiển hiện trước mắt mình.

Bài thánh ca nhập lễ vang lên như nhắc nhở tôi bầu không khí ấm áp chung quanh mình trong dịp mừng đón cha Padmà hôm nay. Mọi người đang hiện diện nơi đây chắc chắn cũng có những xúc động trong lòng khi gặp lại cha Padmà sau nhiều năm xa cách. Hầu hết các anh chị em này đã phải sống nhiều năm trên đảo trong khi chờ đợi cứu xét hồ sơ tị nạn. Họ là những người mang ơn cha vì đã được ngài trực tiếp bênh đỡ trong thời kỳ thanh lọc sau khi trại Galang đóng cửa vào năm 1989 . Những câu chuyện đau lòng đã xảy ra lúc ấy như tự thiêu, treo cổ, biểu tình, tuyệt thực, bị cảnh sát Indo hãm hiếp là những uất ức và tuyệt vọng mà hầu hết các anh chị em có mặt trong ngày hôm nay đã tận mắt chứng kiến.

May mắn thay, cha Padmà đã song hành để chia xẻ và xoa dịu phần nào những đau thương ấy, đem lại cho người tị nạn niềm hy vọng trong những tháng năm gian nan này. Có lẽ ngài là người đau khổ nhất về mặt tinh thần khi phải tai nghe, mắt thấy những thiếu thốn và ưu phiền của dân tị nạn. Chính ngài đã luôn có mặt trong các buổi biểu tình để quan sát và ngăn trở cảnh sát Indonesia vì họ thường hay uy hiếp và đối xử hung bạo với dân. Khi có người bị chính quyền bắt giữ, cha Padmà đã đích thân can thiệp để dân được trả tự do. Có những trường hợp bầt hòa trong gia đình hoặc giữa những người tị nạn, ngài mời gọi đến gặp để lắng nghe và hòa giải. Kinh hoàng nhất là khi có người tự thiêu vì quá tuyệt vọng, ngài đã không ngần ngại đến với gia đình họ để an ủi và gần gũi nạn nhân trong khi thân xác còn nồng nặc mùi cháy khét. Sau ngày trại Galang giải tỏa, cha Padmà đã tìm về Việt nam gặp lại những người bị cưỡng bách hồi hương để thăm viếng và an ủi họ. Ngoài ra, còn rất nhiều những câu chuyện thương tâm, những kỷ niệm về lòng nhân đạo mà cha Padmà đã để lại bàn tay yêu thương ấm áp trong lòng mỗi người tị nạn Galang.

“Gặp gỡ anh chị em làm tôi rất nhớ về Galang” cha Padmà nói. Chắc chắn những kỷ niệm vui buồn ngày nào cũng đang thổn thức trong lòng mọi người khi diện kiến ngài trong dịp đoàn tụ hôm nay. Tiếng Việt của cha có những đoạn hơi khó hiểu vì lâu ngày không có dịp dùng đến, nhưng ai ai cũng đã thấu rõ lòng chân thành của ngài qua ánh mắt hiền từ và cử chỉ thật khiêm tốn.

Bài Thánh kinh hôm nay có lẽ phản ảnh cuộc đời tận hiến của cha Padmà cho tha nhân khi ngài giảng: " Chỉ có một Cha trên trời, tất cả chúng ta đều là anh chị em bình đẳng với nhau. Người lãnh đạo chỉ là người mang trách nhiệm để phục vụ như Mẹ Têrêsa Calcutta đã chăm sóc cho kẻ thiếu may mắn, bị người đời bỏ rơi, đau khổ..."

Trong phần Lời Nguyện Giáo Dân, có tiếng nấc lên từ người đọc như bị xúc động, nghẹn ngào. Chắc là hình ảnh những người tị nạn thân yêu đã oan ức lìa đời hiện về trong tâm tư qua giây phút tưởng niệm linh thiêng này. Vâng lạy Chúa, có những người đã chết trong tức tưởi vì bị cưỡng bách hồi hương. Có những anh chị em đã bỏ mình trên biển cả kinh hoàng hay trong bàn tay hung tợn của lũ hải tặc bất nhân. Vết thương này chúng con đang mang trong lòng và rất khó tàn phai. Lời nguyện cầu hợp trong nước mắt của chúng con tụ họp nhau nơi đây xin dâng lên Thiên Nhan cho linh hồn họ được an nghỉ trên chốn vĩnh hằng. Tôi liên tưởng đến cha cố Dominici- một người đã hy sinh hết mình để trợ giúp và sống trong các trại ở Đông Nam Á như thân phận của một người tị nạn. Xin cho ngài được an nghỉ ngàn thu trong Nước Chúa.

Sau Thánh lễ, mọi người quây quần bên nhau dùng bữa cơm trưa thân mật và văn nghệ bỏ túi. Những câu chuyện về lòng yêu thương của cha Padmà và cha Dominici dành cho người tị nạn thật cảm động đã được kể lại từ lúc đó cho đến sau bữa cơm tối cuối ngày ở nhà một người bạn của chúng tôi.

Cũng vội trong tôi chợt nhớ về
Linh mục Tuyên Úy Pad-mà-sê
Kề vai bênh đỡ người tị nạn
Chẳng phân biệt ai giữa tứ bề

Không biết Ngài nay ở nơi đâu?
Lòng mãi nhớ thương khắc ghi sâu
Dẫu không gian cách, lòng không cách!
Bao người dân Việt xin cúi đầu!
(Lưu Châu)

Trên con đường lái xe về lại thành phố Sacramento, tôi miên man nghĩ đến thân phận của những người tị nạn kém may mắn hơn tôi đã phải chịu nhiều gian nan nguy khó. Chắc chắn trong con số trên 200 người tham dự buổi họp mặt thân ái này ai ai cũng đã cảm nghiệm được tấm lòng của một chứng nhân tình yêu. Hình ảnh của cha Padmà là niềm hy vọng cho người khốn cùng hôm qua trên đảo Galang, và là vị ân nhân đầy lòng nhân ái trong trái tim của người Việt nam tị nạn hôm nay và mãi mãi.

Sacramento ngày 31-10-2011