BẮC KINH - Ấn Độ và Trung Quốc đã ký chín hiệp ước song phương sau khi thủ tướng Atal Behari Vajpayee hội đàm với thủ tướng Ôn Gia Bảo ở Bắc Kinh.

Các hiệp ước đã ký nhằm để tăng cường hợp tác trong các lãnh vực khoa học, kỹ thuật, thương mại và giáo dục.

Thủ tục nhập cảnh của hai nước cũng sẽ được đơn giản hóa, và tăng cường giao lưu văn hóa với việc thiết lập các trung tâm văn hóa.

Hai bên cũng đồng ý hợp tác trong các dự án phát triển hạ tầng, đặc biệt trong khu vực điện nước.

Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác kinh tế để con số trao đổi mậu dịch hàng năm hiện nay là 5 tỉ đôla sẽ tăng gấp đôi trong vài năm tới.

Chủ nhà đã long trọng đón tiếp vị thượng khách với nghi lễ duyệt hàng quân danh dự và yến tiệc đầy cao lương mỹ vị.

Các chủ đề tế nhị như tranh chấp biên giới, Tây Tạng và sự hậu thuẫn của Bắc Kinh – dưới con mắt Dehli - dành cho Pakistan đều không thấy hai bên nhắc đến.

Nhưng ngoại trưởng Ấn Độ, Yashwant Sinha nói với các phóng viên rằng hai bên chú trọng nhiều hơn đến việc khám phá những hợp tác hai bên cùng có lợi, trong lúc tìm cách giải quyết các dị biệt bằng con đường đối thoại.

Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên từ 10 năm qua của một thủ tướng Ấn Độ đến Trung Quốc. Ngoài ra, một ý nghĩa khác của chuyến thăm là, ông Vajpayee là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên tới Trung quốc kể từ sau dịch bệnh Sars bộc phát.

Tiềm năng chiến lược

Quan hệ giữa hai quốc gia chiếm một phần ba dân số thế giới này không mặn mà lắm trong 50 năm qua.

Hai nước từng có mối quan hệ gắn bó trong thập niên 1950. Nhưng cuộc chiến tranh chấp biên giới vào năm 1962 đã thay đổi mọi thứ.

Mối quan hệ láng giềng trở thành quan hệ thù nghịch trong suốt gần 20 năm trước khi tiến trình hòa giải bắt đầu nhằm giải quyết vấn đề biên giới.

Nhưng trong một thế giới mà các sáng kiến ngoại giao đang dần bị ảnh hưởng bởi thương mại, hy vọng là hai nước Trung Quốc và Ấn Độ sẽ xích lại gần nhau hơn.

Hai quốc gia khổng lồ này chiếm một phần ba thị trường tiêu thụ toàn cầu và cả hai đều là những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Giao dịch song phương giữa hai nước vào năm 2002 đã tăng hơn mười lần so với 1991.

Hai nước sẽ nhận thức sâu sắc hơn và thông cảm cho nhau hơn nếu như họ chịu xóa bỏ quá khứ và quyết tâm sát cánh bên nhau. Và chắc chắn rằng nó sẽ góp phần không nhỏ vào sự ổn định và thịnh vượng của khu vực Á Châu nói riêng và thế giới nói chung. (bbc)