“ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI…”

Cuộc sống vẫn thế! Họp rồi tan, chẳng có gì tồn tại ngoài tấm lòng dành cho nhau…

Ai đã từng đến thăm Mái ấm Camillô, quận 8, sẽ dễ dàng nhận ra hai thế giới đối lập hiện hữu cách nhau độ chừng vài trăm mét. Bắt đầu con đường xi măng dẫn vào khu dân cư lao động tổ 123- khu phố 8, như thể là ranh giới phân chia giữa giàu và nghèo, giữa những ngôi nhà khang trang mang kiến trúc Tây, Âu và những mái nhà xiêu vẹo, tạm bợ …. Mái Ấm Camillô, sân ga cuối cùng của những mảnh đời già nua nhọc nhằn, đau thương, nằm nép mình trong một góc khuất.

Một ngày mưa tháng Giêng tầm tã, chúng tôi đưa bà Hai đến Mái Ấm Camillô. Đồng hành với bà suốt một năm qua cho tôi có cái nhìn nhạy cảm và thấu hiểu. Trong đôi mắt hoen những giọt lệ, tôi có thể nhìn thấy khoảng trời xanh và những con đường nhỏ dọc ngang ở phường 13 quận 6 – nơi bà đã lang thang, cơ nhỡ mấy chục năm qua; nơi khoảng hàng hiên 2m2 trú thân suốt nhiều năm dài; nơi có bà Ba giang tay đón bà về cùng ở trọ một thời gian; nơi có dì Sáu nấu cho bà 2 bữa cơm mỗi ngày; nơi có những con người mà tự bà đã kết tình chị em…

Bà Hai nằm đó, thing lặng, không đòi hỏi, không than van, không trách cứ và cũng chưa từng làm phiền tôi. Sự câm lặng và đôi mắt sóng sánh những giọt lệ héo hon làm lòng tôi đau thắt. Tôi quay vội đi, tưởng chừng như tay mình vừa cầm dao cắt đi mối dây thiêng liêng, quý giá nào đó trong tâm trí nhăn nheo, trong trái tim yếu ớt của bà. Tôi biết mình làm đúng, nhưng có những cái đúng phải cắn răng mà làm; có những điều đúng phải xé lòng mà làm…

Bà Hai ngã bệnh vào đúng cái tuần mà tôi không đến thăm như mọi khi. Sót lại một chút tỉnh táo và hơi tàn, bà đồng ý để chúng tôi mời Linh Mục đến rửa tội và gia nhập Kitô giáo. Bà có tên Thánh thật đẹp, Anna. Cô Anna Lê Thị Kính, phụ trách Mái Ấm Camillô, là người đỡ đầu cho bà, cũng là người duy nhất đã mở rộng cửa khi tôi tất bật chạy ngược chạy xuôi gõ nhiều cánh cửa với hy vọng tìm được một nơi nương náu cho bà trong chặng cuối của cuộc đời. Trong tôi vẫn còn nguyên vẹn cái cảm giác biết ơn sự quan phòng mà Chúa đã ra tay. Tôi vẫn còn nhớ bà và tôi cùng cười khanh khách khi bà cầm lấy ly sinh tố cà từ tay tôi và vụng về làm dấu Thánh giá.…

Một trong những điều khiến tôi luôn hối hận là suốt hai tháng bà ở trong Mái Ấm, tôi đã không dành giờ để cùng bà tham dự giờ kinh tối của cộng đoàn. Trong hành trình đức tin với bà, tôi đã đi những bước chân khập khiễng. Một trong những điều làm tôi áy náy là luôn có đủ thứ lý do bận rộn, nên không kịp cho bà xem tấm ảnh mà chúng tôi đã chuẩn bị sẵn cho hậu sự của bà. Có lẽ điều sau rốt của mỗi phận người thường nghĩ đến là tang lễ của mình, tôi đã chẳng để cho bà có cơ hội để mà hình dung…..

Tôi ngơ ngác, nghe nhưng dường như không hiểu lời của vị bác sĩ nói: “Không chắc bà qua khỏi 12 giờ đêm nay”…. Không vội vã khâm liệm và mang đi hoả táng như những gì tôi nghĩ, thi hài của bà được hoàn trong nhà nguyện của mái ấm một ngày một đêm.

Tôi bắt gặp hình ảnh cô Kính lặng lẽ dọn tàn nhanh trên chiếc bàn nhỏ đặt trước linh cữu. Tôi nhìn thấy các cụ ông cụ bà sốt sắng đọc kinh và thắp nhang trước di ảnh của bà. Bà Trùm Nhi năng động luôn hiện diện ở mái ấm trong suốt thời gian an táng. Các anh chị thuộc giáo xứ Nam Hải đến đọc kinh và hát những bài hát thật hay mà có lẽ khi còn sống bà chưa từng được nghe… Tất cả những điều đó thật ấm lòng!

Tôi trao điện thoại cho “Vú Phượng” và vội quay đi, vẫn kịp nghe chị kêu lên: “Ôi, con “Mực” nó khóc!” Chúng tôi, bốn người bạn, những người chị em với các biệt danh “Bà Già”, “Vú Phương”, “Đầu Gà” và tôi là…”Mực”. Chúng tôi được cuộc đời run rủi gặp gỡ, thương mến, chấp nhập và nâng đỡ nhau. Chúng tôi gắn bó với nhau bằng tình cảm chân thành và tôn trọng – thứ tình cảm mà mỗi người chúng tôi đều hiểu nó quý giá thế nào giữa dòng sống tất bật ngày nay….

Bắt đầu từ việc tôi rủ rê các chị đi thăm người già, để giờ đây “Bà Già” lập cho chúng tôi một ngân quỹ nho nhỏ để hỗ trợ khẩn cấp cho các cụ có hoàn cảnh khó khăn; để giờ đây “Vú Phượng” can đảm bước ra khỏi chính mình, chăm lo cho các cụ già trong xóm; để “Đầu gà” luôn hiệp thông và dấn thân mạnh mẽ trong cuộc sống với các trẻ mồ côi….. Nuôi dưỡng lòng biết ơn cuộc sống và yêu thương đến cùng là những gì mà chúng tôi thường nhắc nhở nhau để sống, để giữ ngọn lửa trong lòng mình luôn cháy sáng.

Tang lễ của bà được cử hành chu đáo theo nghi thức Công Giáo và quá đầy đủ so với một bà già cơ nhỡ, 88 tuổi, không một mái nhà che thân, không chồng, không con. Cho đến giờ này, tôi luôn biết ơn Mái Ấm đã xem bà Hai như một người thân. Trong khoảng thời gian bà sống ở đây, bà trắng trẻo và sạch sẽ hơn. Những ngày nằm thoi thóp trên giường bệnh, cộng đoàn những con người già nua này đã hết lòng chăm nom cho bà.

26 người già với mái đầu bạc, làn da nhăn nheo, thân xác hao mòn in dấu đời nhọc nhằn, cơ cực. Mỗi người mang một thân phận khác nhau, nhưng cuộc đời đã quy tụ họ về nơi đây, Mái Ấm Camillô, sân ga cuối cùng trong cuộc hành trình làm người của mình. Họ dần bỏ đi mớ hành trang góc phố đầu đường để tập sống chung dưới một mái nhà và chia sẻ cho nhau chút hơi ấm của tình người trong tuổi xế chiều. Có cụ xem đây là mái nhà cuối cùng của mình, nên họ sẵn sàng hy sinh đảm nhận trách nhiệm nấu nướng, giặt giũ và chăm nom người khác… Mái Ấm Camillô đã bước qua tuổi 14…

Giờ đây, bà Hai đã đến bến bờ cuộc đời trong niềm hạnh phúc vĩnh cửu. Chắc hẳn trên trời, bà sẽ vui và cảm thấy uổng công vì đã rất lo lắng cho hậu sự của mình. Một trong những vật mà bà luôn cất giữ cẩn thận đó là thẻ hội viên Hội Tương Tế của chùa Hạnh Nguyện. Tôi tìm đến nhà Chùa và trình thẻ hội viên của bà. Với tư cách cá nhân, vị hoà thượng chủ trì không ngừng ngại đưa cho tôi 500.000 đồng để giúp cho việc an táng.

Anh Tâm, người của Ủy Ban Nhân Dân phường 13 cũng trao cho tôi 500.000 đồng với lời hứa sẽ xin hỗ trợ thêm 2.000.000 đồng chi phí an táng cho bà Hai. Dì Sáu và Cô Hai, hai người phụ nữ đứng tuổi ở quận 6, tìm gặp tôi với những chiếc phong bì trên tay. Trong đôi mắt của họ, tôi nhìn thấy một thứ tình vô giá!

Bà Còng – một bà cụ không có đạo, sống đơn thân, 80 tuổi, đang được “Vú Phượng” chăm nom, cũng gửi tiền xin lễ cho bà Hai.

Sẽ rất thiếu xót nếu tôi không nhớ đến chị Maria Freitas, người đã hỗ trợ cả tinh thần và vật chất ngay từ ngày đầu tiên tôi đồng hành với người cao niên. Khi một mình bế xốc một bà cụ đưa vào phòng cấp cứu, tôi an tâm vì phía sau lưng, tôi tin Chị vẫn có đó! Khi vất vả suốt 3 tháng liền để đưa một bà cụ bán vé số, bị suy tim cấp độ III đi mổ mắt, Chị đã linh động giờ làm việc cho tôi. Khi tôi lang thang thăm nom một cụ già bị bại liệt ở khu phố có tệ nạn ma tuý, Chị chia sẻ cùng tôi những khó khăn….

Sẽ rất thiếu xót nếu tôi không nhớ đến các chị em thuộc phong trào Focolare cũng như các anh chị em, bạn hữu xa gần khác, những người đã hỗ trợ và nâng đỡ tinh thần cho tôi theo cách riêng, những người đã khơi gợi và khuyến khích tôi chia sẻ kinh nghiệm này.

Tôi cũng không quên nhắc đến bác sĩ Hương, bác sĩ Khánh, bác sĩ Phấn, bác sĩ Thái, bác sĩ Đạt và tủ thuốc từ thiện ở giáo xứ Phú Trung và Xóm Mới.

Tôi vẫn nhớ đến sự giúp đỡ kịp thời của Cha Uy DCCT. Cha đã gửi bạn Loan ở nhóm Điểm Tim đến để cùng với Châu thay phiên chăm nom bà Hai ở bệnh viện trong nhiều ngày. Chính bạn Loan đã chỉ cho tôi tìm đến Mái Ấm Camillô. Anh Hồng Linh là người tình cờ bắt trúng gói quà của tôi gửi cho các cụ già ở quận 6, khi tham gia trò chơi “Trời Cho” của Cha Uy vào dịp Lễ Giáng Sinh vừa qua. Tôi để lại số điện thoại trong lá thư gửi người đưa quà, vì sợ anh không thể tìm được bà Hai. Cho đến giờ này, chúng tôi vẫn chưa hề biết mặt nhau, nhưng anh là người đã giúp tôi tìm được Châu… Tất cả như làm thành một sợi dây tình thương nối tiếp nhau quyện lấy, xoay quanh bà Hai…

Hôm nay, chúng tôi quay lại Mái Ấm Camillô, dự giờ kinh lúc 2h30 cùng với cộng đoàn và sau đó, rước hài cốt bà Hai về dự Thánh Lễ chiều và đưa vào nhà Chờ Phục Sinh của nhà thờ Thị Nghè. Nơi mà ít nhất mỗi tuần một lần, có “Vú Phượng” đến viếng thăm bà và người thân. Mọi việc đã diễn ra rất thuận lợi. Chúng tôi cảm ơn tất cả các chị em thuộc phong trào Focolare, Cô Hai và anh Bánh Bò, những người dân ở quận 6, đã dành thời gian đến tham dự. Chúng tôi tri ân sự giúp đỡ của Cha Chánh Xứ, Cha Phó và ban Hành Giáo để tạo mọi điều kiện ưu ái trong việc tiếp nhận bà Hai. Tôi rất an tâm khi biết nhà thờ Thị Nghè luôn có giờ kinh cho các linh hồn sau Thánh Lễ chiều mỗi thứ hai.

Cuộc sống cho tôi những cảm nghiệm về lòng tốt vô vị lợi của tha nhân, về tình người dành cho đồng loại – thứ tình quý giá và luôn làm đẹp lòng Thiên Chúa.

Có lẽ với tôi, bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ý nghĩa và hay hơn bất cứ lúc nào hết: “Sống trên đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi. Để gió cuốn đi…”

Tôi tin, gió không cuốn những hạt giống tình người này vào khoảng không hư vô…..