Song trên đời đã không có ai là kẻ như thế, thì mong gì có

ở những đời sau. Vì thế rốt cuộc, Ngài vẫn phải ôm hận

nghìn thu.

Đức Khổng Tử

Thiên hạ rộng lớn, vẫn có những con đường gọi là độc đạo.

Vũ trụ mênh mông, vẫn để cho thánh nhân độc hành. Sướng

một đời là kẻ tục nhân, hận nghìn thu là bậc cao sĩ. Thế

mà gọi là tục nhân thì bị cho là mắng, gọi là cao sĩ thì

lại bảo rằng khen. Có ai ngờ đạo lý lại sinh ra từ đạo

tặc? Lừa một người thì khó, lừa cả thiên hạ xem chừng dễ

như trở bàn tay. Việc gặp trên đường té ra không đến nỗi

phải ôm hận, việc chứng kiến cả đời, té ra vẫn phải ôm hận

nghìn thu. Vui đến tận cùng thì nét mặt hoảng hốt, buồn

đến tận cùng thì thần thái tỉnh bơ. Ngu đến tận cùng lại

chính là đang ở chỗ chân lý. Hiểu đến tận cùng lại chính

là quay trở lại cái lúc ngu... Rốt cuộc thánh nhân cái gì

cũng giống hệt mọi người, chỉ khác duy nhất chỗ tận cùng

đó mà thôi. - Vẫn “Lời tựa” trong “Luận ngữ Tân thư”. Sau

đây lại xin trích một phần của bộ sách đó:

Khổng Tử và các học trò trên đường sang nước Vệ, gặp một

người đang cày ruộng, bèn sai học trò tới hỏi thăm đường.

Người đi cày trỏ về phía Khổng Tử mà hỏi:

- Người đang ngồi kia là ai vậy?

Học trò đáp:

- Đó là thầy tôi.

Người đi cày bảo:

- Thiên hạ bây giờ lắm đạo, nhiều thầy. Trong nhà vừa mất

trộm, ra ngõ gặp ngay một kẻ xưng là thầy thì còn gì chán

hơn thế nữa. Ta hỏi thầy ngươi là ai mới được chứ?

Học trò đáp:

- Thầy tôi là Khổng Tử. Đạo của thầy tôi là đạo lý, không

phải đạo tặc. Đạo ấy chẳng liên quan gì đến việc trộm cắp

cả.

Người đi cày bảo:

- Thế tại sao cũng gọi là đạo? Chẳng phải cuộc đời bao giờ

cũng chính là một vụ ăn cắp vĩ đại đó sao? Vì thế mới sinh

ra đạo lý. Vậy mà bảo chẳng liên quan gì thì ai mà tin

được. Cái ấy gọi là “đạo tặc khứ, đạo lý lai” (Đạo tặc vừa

đi khỏi, đạo lý liền đến ngay). Hai thứ ấy cứ thay nhau

trở qua trở lại mãi như thế. Khổng Tử thầy ngươi có phải

là người đang tìm đường trở về cái chỗ ngu nhất hay không?

Sao đến bây giờ mà vẫn còn mờ tối thế? Có mỗi một con

đường (độc đạo). Lại có mỗi một người đi (độc hành). Thế

mà còn phải hỏi!

Học trò trở lại thưa. Khổng Tử trầm ngâm một lát rồi than

rằng:

- Đó là một bậc ẩn sĩ đấy. Dạy ta biết nghĩ là Cha, Mẹ.

Dạy ta biết những điều ta nghĩ đã tới đạo hay chưa? chính

là kẻ đi cày kia.

Thấy các học trò ngơ ngác có vẻ chưa hiểu. Khổng Tử nói

tiếp:

- Chẳng phải các ngươi vì quá hăng hái nên lúc nào cũng

sẵn sàng đi nhầm đường đó hay sao? Vì thế thỉnh thoảng mới

cần phải dừng lại hỏi thăm. Giả sử hôm nay ta không nghe

được những lời nói từ miệng người thợ cày kia thì có lẽ

phải ôm hận không biết đến bao giờ.

Một hôm khác, Ngài cùng các học trò đi qua một làng nọ,

gặp một bà mẹ đang ôm lấy anh con trai của mình mà gào

khóc thảm thiết. Anh con trai mũ cao áo dài, hài vớ, cân

đai nghiêm chỉnh, rõ ràng là một kẻ vừa học hành đỗ đạt,

đang sắp sửa được bổ làm quan. Khổng Tử thấy vậy thì lấy

làm lạ, bèn hỏi:

- Con bà có phải là người vừa đỗ cao đó không? Tôi biết,

bà cũng như nhiều người khác, thấy con mình thi đỗ thì

mừng quá đến nỗi phải phát khóc lên đó thôi. Song cớ sao

lại ra chiều thảm thiết như vậy?

Bà lão nâng vạt áo gạt nước mắt, cay đắng trả lời:

- Nào có gì mà mừng với rỡ. Tôi chẳng qua một chữ bẻ đôi

cũng không biết, nên mới phải cho con theo đòi trường ốc

đấy thôi. Ngài là bậc thánh nhân, chắc ngài chẳng lạ gì

cái sự giáo dục bây giờ. Trong trường, người ta toàn nhồi

nhét vào bụng học trò những điều bịp bợm, dối trá, nhằm

biến chúng thành những kẻ u mê, không biết phân biệt đâu

là thực, đâu là giả nữa. Kết quả những hạng gọi là có học

bây giờ nom thì sáng sủa, nghiêm trang đấy, song một nửa

chữ của đạo lý làm người cũng không hiểu, chỉ biết suốt

đời chạy theo danh lợi, tận tụy phục vụ cho cường quyền,

trung thành tuyệt đối với cường quyền... mà thôi. Dạy học

như thế thì có khác gì lừa bịp? Biết con mình bị lừa mà

không làm thế nào được, thì hỏi còn nỗi đau nào lớn hơn?

Nay nó thi đỗ, nghĩa là cái sự lừa ấy đã thành tựu rồi. Vì

thế tôi đang đau khổ đấy chứ. Đâu có mừng rỡ gì.

Khổng Tử lại hỏi:

- Bà là người không biết chữ, sao lại biết chắc rằng con

mình bị lừa?

Bà lão trả lời:

- Đã là một người mẹ thì không cần phải đọc sách mới biết

con mình thay đổi theo chiều hướng nào. Huống chi bây giờ

đang là thời đại của dối trá, dối trá ngự trị từ trên cao

xuống thấp, dối trá tràn lan từ công sở, chợ búa, đến học

đường... Xưa nay học làm người cốt ở học Kinh, Sử. Thế mà

Kinh thì tôi nghe con tôi đọc ra rả, chỉ thấy duy nhất một

thứ kinh giả cầy ở đâu ấy, hình như những chỗ khác người

ta bỏ từ lâu rồi. Sử thì chỉ thấy nhai đi nhai lại một mẩu

bé tí tẹo đã được thổi phồng, được tô son trát phấn, trùm

lên cả ngàn năm sử sách của Ông Cha. Ngay cả văn chương

cũng chỉ thấy học vẹt những thứ văn một chiều, ngợi ca sự

giả dối, tàn nhẫn... Giáo dục như thế chẳng phải lừa mị

thì là cái gì? Thậm chí có khác nào ăn cắp linh hồn của

người ta rồi nhét những thứ đểu giả của mình vào? Học như

thế thì dẫu có đỗ cao đến mấy, thực chất cũng chỉ là một

thứ dở người, tiểu nhân mà thôi, chẳng bao giờ sống nổi

cho ra cái giống người! Rồi thì họ bảo sao nghe vậy, rồi

thì chỉ biết tham lam, đớn hèn... Dẫu họ có ngồi trên đầu,

trên cổ đến muôn năm cũng chẳng hề nhận ra, có khi còn

phải biết ơn họ nữa là khác...

Khổng Tử bảo:

- Thì chính những kẻ đó, vì muốn giữ mãi địa vị đè đầu

cưỡi cổ thiên hạ của mình đến muôn năm (nguyên văn: “vạn

tuế”), cho nên mới đẻ ra cái nền giáo dục ấy. Nay bà có

đồng ý để cho con trai bà đi theo tôi để học lại đạo lý

làm người chăng? Có điều sẽ không thể làm quan được mà

thôi.

Nói rồi Ngài quay lại bảo các học trò:

- Giả sử hôm nay ta không được chứng kiến câu chuyện này,

thì chẳng bao giờ ta biết được cái sự lừa bịp trong giáo

dục nó lại ghê gớm đến thế. Bây giờ ta mới hiểu hết được

câu nói của người thợ cày ngày trước. Thì ra cuộc đời quả

là một vụ ăn cắp vĩ đại. Người ta đã ăn cắp vào đến tận

linh hồn của mỗi con người. May mà thiên hạ vẫn còn có

những bà mẹ không biết chữ như bà mẹ đây. Nếu không thì

chẳng biết đến đời nào ta mới rửa được mối hận này?

Bà lão nghe nói, bấy giờ mới tỏ vẻ mừng rỡ. Bèn vái Khổng

Tử ba vái mà dắt tay người con lại, trao cho Khổng Tử.

Người con đó sau này trở thành một học trò nổi tiếng giỏi

về văn chương của Ngài. Chính là thầy Tử Hạ. Thầy họ Bốc,

tên Thượng, người nước Vệ, nhỏ hơn Khổng Tử tới bốn mươi

tư tuổi. Tử Hạ về sau quả nhiên suốt đời không làm quan,

chỉ mở trường dạy đạo lý và thỉnh thoảng viết sách mà

thôi. Câu chuyện trên chính là được rút ra từ trong sách

của Thầy.

Lại một hôm khác, Khổng Tử cùng các học trò đi qua một

bến đò. Thấy một người ngồi lủi thủi trên bờ, nét mặt buồn

bã, đang ném những viên sỏi xuống dòng sông. Khổng Tử bèn

tới gần hỏi:

- Có điều gì mà người buồn bã vậy?

Người kia không ngẩng mặt lên, chỉ buông một câu nhát

gừng:

- Tôi đang cô đơn.

Khổng Tử bảo:

- Thời buổi đảo điên như thế này mà cô đơn thì cũng không

có gì lạ. Song cô đơn mà còn biết buồn thì chẳng qua chỉ

là cái cô đơn tạm thời, cô đơn trong chốc lát mà thôi. Cô

đơn mà không còn biết buồn là gì nữa mới là sự cô đơn vĩnh

cửu.

Nói xong dắt học trò đi thẳng. Duy có Nhan Hồi còn cố nán

lại hỏi han, biên rõ tên họ, quê quán người ấy lại rồi mới

đuổi theo thầy.

Mấy năm sau, thầy trò lại có dịp qua bến đò ấy. Nhớ lại

chuyện xưa, Nhan Hồi lân la hỏi thăm thì được biết người

kia quả đã tìm được bạn tri kỉ, không còn cô đơn nữa rồi.

Họ Nhan phục quá, bèn hỏi Khổng Tử:

- Năm xưa, làm sao thầy biết kẻ ấy chẳng qua chỉ cô đơn

tạm thời mà thôi?

Khổng Tử trả lời:

- Lòng người nghĩ mà chưa tới thì thôi. Một khi nghĩ mà đã

tới thì có khác gì vũ trụ thu nhỏ (nguyên văn: “tâm đắc

tiểu vũ trụ”). Khi ấy linh tính lúc nào cũng tràn ngập cả

trời đất. Còn cảm thấy buồn nghĩa là vẫn có người tri kỉ ở

đâu đó trong đời, có điều chưa đến lúc gặp đấy mà thôi.

Nhưng cô đơn mà cảm thấy lòng mình lạnh tanh, không còn

biết buồn là gì nữa, thì thế gian quả không còn ai là

người tri kỷ nữa rồi. Như thế mà chỉ cô đơn đến trọn kiếp

thì vẫn còn là may đấy. Việc này ta đã chứng kiến cả cuộc

đời rồi.

Nhân chuyện ấy, có mấy câu truyền lại trong đời như sau:

“Thiên hạ thùy nhân tri kỷ? Hận nhất dạ.

Thiên hạ vô nhân tri kỷ! Hận thiên thu.”

(Còn hỏi được) thiên hạ ai là người tri kỷ? thì (chỉ) hận

một đêm. (Khi đã biết) thiên hạ không còn người tri kỷ nữa

thì hận đến nghìn thu).

Đời sau có người hỏi: Vậy Khổng Tử có phải là người cô

đơn không? Nếu là người cô đơn, thì cô đơn như thế nào?

Khổng Tử đúng là người cô đơn. Không những thế, đó là

người cô đơn vĩnh cửu. Hiểu được lòng mình chỉ có thể là

người tri kỉ. Song trên đời đã không có ai là kẻ như thế,

thì mong gì có ở những đời sau. Vì thế rốt cuộc, Ngài vẫn

phải ôm hận nghìn thu.