Bản sơ thảo để xin ý kiến quý cha và anh chị em.

Kính thưa qúi vị

Khoảng gần một năm trước đây, chúng tôi đã đưa ra dự án "Từ điển thuật ngữ báo chí Công giáo" và đã qui tụ được khoảng 50 vị tham gia trong công tác nêu trên. Công việc tiến triển rất khả quan vì được sự tham gia nhiệt tình của nhiều linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân. Đáng lý ra thì công tác đã hoàn thành sau 5 tháng, nhưng vì những biến cố liên quan tới Giáo hội Việt nam dồn dập xẩy tới, nên chúng tôi đã phải gác lại dự án này lại vì không có đủ thời giờ chu toàn mọi thứ cùng một lúc.

Nay, sau khi những bản dịch và đóng góp ý kiến cho bản thảo đã được một Ủy Ban gồm một số nhỏ các anh chị em bỏ thời giờ để duyệt xét lại, nên chúng tôi cho đăng lên trên trang VietCatholic để mọi người cùng đóng góp thêm ý kiến một lần nữa trước khi chúng tôi đúc kết và hệ thống hóa, và phát hành thành CD Rom cho tiện sử dụng.

Chúng tôi tha thiết xin qúi vị thức giả, các chuyên gia và những người có kinh nghiệm và hiểu biết về các lãnh vực chuyên môn của mình: góp ý, sửa sai, hiệu đính, và gửi ý kiến của qúi vị về cho chúng tôi qua email conggiao@gmai.com.

Xin chân thành cám ơn tất cả qúi vị.


LM Trần Công Nghị

Agility
Tính nhanh nhẹn, linh lợi, linh họat. Phẩm chất của một thân xác được vinh hiển, mà thánh Phaolô nói đã được gieo trong yếu đuối và chỗi dậy trong sức mạnh (I Cr 15:42). Đây là ý thường được hiểu rằng thân xác là hòan tòan tùy phục tinh thần, chuyển động trong không gian với tốc độ của tư duy. (Từ nguyên latinh agilis, linh lợi; nghĩa đen, dễ hướng về.)
Aglipayanism
Cuộc ly khai của Aglipay ở Philippines. Là cuộc ly khai tại Philippines từ năm 1902 của Gregorio Aglipay (1860-1940), một linh mục gốc Manila. Phản ứng chống lại Giáo hội địa phương do người Tây ban Nha thống trị, và lợi dụng việc Mỹ cai trị Philippines, Aglipay tự xưng là Giáo hòang của Giáo hội Công giáo Độc lập Philippines với khỏang một triệu tín đồ. Khi Aglipay sắp qua đời năm 1940, ông làm hòa với Giáo hội, và phong trào bắt đầu suy yếu. Tuy nhiên nó còn có ảnh hưởng tại đất nước này. Hiện nay có hai nhánh chính của phong trào, tức là phái Aglipayan: nhánh Hiệp nhất, chối bỏ Chúa Ba ngôi; và nhánh Tam vị, hiệp thông hòan tòan với Giáo hội Giám chế (Episcopal) Tin lành ở Mỹ.
Agnoetes
Phái vô tri thuyết, người theo phái vô tri thuyết. Một nhánh của lạc thuyết nhất tính, chủ trương rằng Đức Kitô lệ thuộc sự vô tri tích cực. Người chủ trương sai lầm này là Deacon Themistios of Alexandria. Ông bị Giáo hội lên án, khi Giáo hội tuyên bố rằng nhân tính của Chúa Kitô không thể không biết những gì xảy ra trong quá khứ hoặc trong tương lai. Ai cho rằng nhân tính của Chúa Kitô không biết như thế là đi theo học thuyết của Nestor, còn gọi là cảnh giáo (Denzinger 474-76).
Agnosticism
Bất khả tri thuyết. Thuyết cho rằng sự hiểu biết hoặc xác thực về tối hậu là không thể có được. Trong thực tế, thuyết này nhấn mạnh sự bất định về bản tính hoặc bản chất của vật, sự hiện hữu của linh hồn bất diệt, nguồn gốc vũ trụ, sự sống sau khi chết, và sự hiện hữu cùng mọi sự hòan hảo của một Thiên Chúa ngôi vị. (Từ nguyên Hi lạp agn_stos, không biết.)
Agnus Dei
Hình nhỏ của Chiên Thiên Chúa. Một á bí tích gồm một miếng sáp ong nhỏ, được Đức Giáo hòang làm phép, một bên có gắn hình chiên con và một bên có gắn huy hiệu của Đức Giáo hòang. Đây là biểu tượng của Chiên Thiên Chúa là Đấng Cứu độ. Nó được dùng như sự bảo vệ chống lại Satan, bệnh tật, cám dỗ, hỏa họan, dịch bệnh, đột tử, và đối với thai phụ, được sinh đẻ an tòan. Việc sử dụng nó không có ơn tiểu xá. Ngọai trừ các phần nhỏ của một Agnus Dei được Đức Giáo hòang làm phép vào ngày thứ tư tuần thánh trong năm đầu tiên và mỗi năm thứ bảy liên tiếp của triều đại ngài, không có các Agnus Dei nào khác được phân phát cho tín hữu cả.
Agnus Dei (Liturgy)
Lạy Chiên Thiên Chúa. Lời khẩn cầu Chiên Thiên Chúa được hát hoặc đọc trong khi linh mục bẻ bánh và hòa lẫn Mình và Máu thánh. Câu này được lặp lại nhiều lần nếu xét thấy cần, nhưng kết luận luôn là “Xin ban bình an cho chúng con”.
Agony
Thống khổ, nỗi đau cực điểm; hấp hối. Thống khổ của Đức Kitô là đau cực điểm đến nỗi mồ hôi của Người nhỏ xuống đất như những giọt máu lớn (Lc 22:44). (Từ nguyên Hi lạp ag_nia, chiến đấu, đau đớn.)
Alb
Áo chùng trắng. Chiếc áo thụng dài trắng có dây thắt lưng của linh mục khi dâng lễ. Đây là sự thích nghi với chiếc áo bên trong của người Hi Lạp và người Rôma trong thế kỷ 4. Chiếc áo được làm phép trước khi mang. Nó tượng trưng chiếc áo mà vua Hêrôđê đã mang cho Chúa Kitô và sự thanh tẩy tâm hồn trước khi cử hành Thánh lễ. Linh mục vừa mặc áo này vừa đọc: “Lạy Chúa, xin làm con nên tinh trắng và rửa sạch linh hồn con, để sau khi được máu Chiên Con làm cho nên trắng, con xứng đáng phục vụ Chúa”. Áo chùng trắng cũng là áo được mang bởi các người được rửa tội từ thứ bảy tuần thánh đến Chủ nhật sau lễ Phục sinh, và chủ nhật này thường được gọi là “chủ nhật áo trắng”. (Từ nguyên Latinh albus, trắng.)
A.M..
Xa giường xa bàn. Sự ly thân của vợ chồng, trong đó hai người không sống chung, mặc dầu không ly dị hợp pháp.
Annuario Pontificio
Niên giám Tòa Thánh, Niên bạ Tòa Thánh. Sách ấn hành hàng năm của Tòa Thánh, được xem như sách chỉ nam chính thức của Giáo hội Công giáo Rôma. Niên giám chứa đựng mọi thông tin cần thiết về Đức Giáo hòang, các thánh bộ Rôma, các tòa giám mục chính tòa và hiệu tòa, các dòng tu nam nữ và các tu hội đời nam nữ, các nghi lễ trong Giáo hội công giáo, các giám chức, các chức sắc giáo triều Rôma, tóm tắt lịch sử về các văn phòng chính và các họat động quản trị trung ương. Lúc đầu sách được in không chính thức với tên gọi là Annuaire Pontifical Catholique (Niên giám Tòa thánh Công giáo), bắt đầu từ năm 1898, và hiện giờ đặt dưới sự chỉ đạo của Phủ quốc vụ khanh Tòa thánh.
Annulment
Hủy bỏ, vô hiệu hóa. Lời tuyên bố chính thức của một đấng thẩm quyền rằng, vì lý do hợp pháp, một hành vi trước đó hoặc một khế ước trước đó là vô hiệu, và do đó là bất thành và vô giá trị. Trong luật Giáo hội, sự vô hiệu hóa chủ yếu áp dụng cho khế ước hôn nhân, mà Giáo hội có quyền xác định tính chất hữu hiệu của khế ước đó.
Annunciation
Lễ Truyền Tin. Lễ này vào ngày 25-3 kỷ niệm việc thiên thần Gabriel loan báo với Đức Mẹ Maria mầu nhiệm nhập thể. Có những quy chiếu sớm cho lễ này vào thế kỷ thứ năm. Ngày lễ mừng được xác định dựa vào ngày lễ Chúa Giáng sinh 25-12. Lễ được xem là lễ kính Đức Trinh Nữ Maria, và trong phụng vụ sửa đổi, lễ trở thành một lễ trọng. (Từ nguyên Latinh annuntiatio, loan tin, loan báo.)
Anointed
Đấng chịu xức dầu. Đây là ý nghĩa danh hiệu “Đức Kitô”, phái sinh từ chữ Christos của tiếng Hi Lạp, tương ứng với chữ Do thái Mashijah (Messiah). (Từ nguyên Latin inunctio, sự xức dầu.)
Anointing
Xức dầu; Bí tích Xức dầu bệnh nhân. Nghĩa đen là sự đổ dầu trên một người hoặc một vật trong một nghi thức tôn giáo. Mục đích trong Kinh thánh là làm cho đối tượng được xức dầu trở nên thánh thiêng. Do đó các vua được xức dầu (I Samuel 10:1), tư tế (Xh 28:41), và ngôn sứ (I Vua 19:16). Quy chiếu việc xức dầu trong Tân ước, như một nghi thức thánh, nói đến bí tích xức dầu bệnh nhân, nhưng ở đây động từ được dùng (Giacôbê 5:14), aleipho, là duy nhất. Như vậy, nó có một nghĩa khác với “làm nên thánh” như ở các đọan văn khác trong Kinh thánh. Trong Giáo hội Công giáo, dầu thánh được dùng trong việc ban ba bí tích, vốn bao hàm một dấu ấn vĩnh viễn (Rửa tội, Thêm sức và Truyền chức thánh), và với một mục đích khác, trong bí tích xức dầu bệnh nhân. Dầu còn được dùng để cung hiến bàn thờ, làm phép chuông và các chén thánh. Còn có một số dầu thánh khác, để tôn vinh thánh Serapion (thế kỷ thứ bốn), được dùng như các á bí tích. (Từ nguyên Latinh inunguere; in-, trên + unguere, xức dầu.)
Anselmian Argument
Luận chứng của thánh Anselm. Là luận chứng nổi tiếng của thánh Anselm of Canterbury (1033-1109) về sự hiện hữu của Chúa. Đây là một luận chứng tiên thiên, rút ra từ ý niệm về Chúa, hơn là một luận chứng hậu thiên, từ công trình Chúa đã làm. Thánh Anselm dùng luận chứng này để bác bỏ lập luận của những người khờ dại nói rằng không có Chúa (TV 13). Ngài lập luận như sau: Chúng ta gọi Chúa là một hữu thể lớn vô cùng, và không gì lớn hơn được nữa. Định nghĩa này cũng được người vô thần chấp nhận, vì họ công nhận rằng Chúa hiện hữu ít là trong tâm trí của các tín hữu. Nhưng hữu thể này quá lớn, đến nỗi không ai có thể tưởng tượng một vật lớn hơn thế nữa, không thể chỉ hiện hữu trong tâm trí. Tại sao không? Bởi vì trong giả thiết này, người ta có thể nghĩ đến một vật lớn hơn, tức là cũng vật ấy nằm ngoài tâm trí, nghĩa là nằm trong thực tế. Như thế, Chúa hiện hữu cả trong tâm trí lẫn trong thực tế. Luận chứng của thánh Anselm lệ thuộc vào siêu hình học thực tiễn của triết gia Plato, và đã là chủ đề tranh cãi trong giới trí thức trong nhiều thế kỷ.
Ant
Điệp ca, điệp xướng
Ant
Con kiến. Là côn trùng được nhắc tới hai lần trong Cựu Ước, như một biểu tượng cho cuộc sống con người. Con kiến là biểu tượng chống lại tính lười biếng. “Hỡi người biếng nhác, hãy đến xem loài kiến sống thế nào và nhờ đó mà trở nên khôn.” (Châm ngôn 6:6). Nó còn là một thí dụ về sự khôn ngoan, là lòai đầu tiên “Trong mặt đất có bốn loài bé nhỏ, nhưng rất mực khôn ngoan: Loài kiến là đám dân yếu ớt, nhưng mới mùa hè đã biết chuẩn bị thức ăn.” (Châm ngôn 30:24-25).
Antecedent Conscience
Lương tâm tiền kiện. Phán đóan của một người trong quyết định một vấn đề trước cả khi tác động đến nó. Lương tâm tiền kiện hoặc ra lệnh hoặc cấm đóan, khuyên nhủ hoặc cho phép thực hiện hành động ấy.
Antecedent Grace
Ân sủng tiền kiện. Là hiện sủng đi trước và ảnh hưởng đến một hành vi tự do của ý chí. Cũng còn gọi là ơn dự phòng – ơn kích thích, kêu gọi và hành động – tức là ơn đi trước hoặc độc lập với sự hợp tác tự do của con người.
Ante Christum
Trước Đức Kitô, trước Công nguyên; đôi khi viết tắt là A.C., tương đương với B.C.
Ante Mortem
Trước khi chết. Quy chiếu nhu cầu của một linh mục để bảo đảm rằng ngài ban các phép bí tích sau cùng cho một người kịp trước khi người ấy qua đời.
Antependium
Đồ trang trí trước bàn thờ. Màn phủ hoặc màn treo cho bàn thờ từ bàn thờ đến xuống nền nhà. Màn này thường được thêu và trang trí đẹp. (Từ nguyên Latinh ante- trước + pendens, treo.)
Anthem
Bản thánh ca; quốc ca. Là bài thánh ca tung hô và tỏ lòng trung thành, có thể phổ nhạc từ lời kinh thánh. Hoặc là bài vui mừng ca ngợi và chúc tụng tổ quốc, được hát trong các dịp quan trọng. (Từ nguyên Latinh antiphona, bài hát; từ Hi lạp antiphona, tiếng đáp trả; từ cách hát chia hai nhóm trong ca đòan.)
Anthropocentrism
Qui nhân luận, Nhân trung thuyết. Học thuyết tin rằng lòai người là trung tâm của vũ trụ, trên đó mọi lòai khác tùy thuộc và phái sinh. Thực ra đây là một biến thái của thuyết phiếm thần. Tuy nhiên có một nhân trung thuyết hợp pháp nhìn nhận rằng Chúa tạo dựng lòai người và tất cả lệ thuộc vào Chúa. Nhưng thuyết này cũng xem vũ trụ như được tạo thành để phục vụ lòai người, và nếu được sử dụng đúng phép, để giúp lòai người đạt đến hạnh phúc thiên đàng mà vì đó con người được tạo thành. Một dạng thức sai trái của nhân trung thuyết đã trở thành một đặc điểm của “Kitô giáo mới”, trong đó tình yêu Chúa và phụng sự Chúa đã giản lược thành yêu người và phục vụ con người. Giới răn thứ nhất “Ngươi phải yêu mến Chúa hết lòng hết sức” đã biến thành giới răn thứ hai “Người phải yêu mến tha nhân”, vốn trở thành không phải là giới răn thứ hai mà là giới răn duy nhất. (Từ nguyên Hi lạp anthr_pos, người + kentron, trung tâm: con người ở trung tâm.)
Anthropological Evolution
Sự tiến hóa nhân học. Một quan điểm về nguồn gốc con người cho rằng loài người tiến hóa dần dần từ một loài động vật thấp hơn. Quan điểm này có thể hoặc không có thể là một phần của một giả thiết lớn hơn, tức là sự tiền hóa vũ trụ hoặc thuyết nhất nguyên. Nếu tách rời khỏi các giả thuyết này, quan điểm trên phù hợp vớI nền tảng công giáo, miễn là: 1.Việc Chúa quan phòng được nhìn nhận như là đặc biệt hướng dẫn tiến trình tiến hóa, 2.linh hồn con người được nhìn nhận là chỉ do Chúa tạo thành mà thôi.
Anthropomorphism
Nhân cách thần thuyết, nhân hình luận. Đây là việc gán hình dạng con người và phẩm tính con người cho Thiên Chúa, là phương pháp văn chương thông thường để mô tả hoặc kể lại những việc Chúa làm với nhân loại. Một số Kitô hữu thời sơ khai Kitô giáo, khi giải thích các bản văn trong sách Sáng thế ký theo nghĩa đen, cho rằng Chúa mang hình dạng con người. Để bác bỏ sự sai lầm này, Giáo hội dạy rằng Thiên Chúa là một hữu thể thiêng liêng hoàn hảo vô song, không có thân thể hoặc không có các chiều kích trong vũ trụ. (Từ nguyên Hi lạp anthr_pomorphos, dáng hình người.)
Anthroposophy
Thông nhân học, học thuyết nhân trí. Một triết học tôn giáo do Rudolf Steiner (1861-1925), người Đức, triển khai, bằng cách xét lại thuyết thần trí của Ấn Giáo, qua việc lấy con người thay thế cho Chúa để làm trung tâm của hệ thống mới. Phương pháp này chủ yếu là sự suy niệm có kỷ luật để dẫn đưa bản ngã thấp của một người đến tầm nhìn của bản ngã cao hơn, không như sư khám phá của Atman, Bản ngã thiên linh, đặc điểm của Ấn giáo Vedanta. Học thuyết này cũng tin vào nhiều thời kỳ của loài người, sự luân hồi, Đức Kitô như là Sonnenwesen (Thần mặt trời) vũ trụ, và nghiệp chướng. Thông nhân học bị Tòa thánh kết án năm 1919, khi Tòa thánh tuyên bố rằng chủ trương của học thuyết trên là không thể hòa hợp với giáo lý công giáo.
Anticamera
Phòng khách nhỏ, phòng khách kề bên. Là phòng riêng bên cạnh khu làm việc của Đức giáo hoàng. Trong phòng này, ngài tiếp các hồng y và các quan chức. (Từ nguyên Latinh anti, sát bên + camera, phòng; nghĩa là phòng riêng.)
Anti-Catholicism
Thuyết chống Công giáo. Trên nguyên tắc, đây là thuyết chống lại một cách có phối hợp và bàn tính đối với Giáo hội Công giáo Rôma. Nguồn gốc của nó đã chìm vào quên lãng, nhưng sự phát triển hiện nay của nó là một trong các thành quả của thời kỳ Cải cách. Sự nổi lên của nhà nước thế tục hiện đại làm gia tăng sự xung khắc này. Sự khẳng định của Giáo hội về việc điều hành các trường học và cơ sở phúc lợi của mình, và lập trường không thỏa hiệp về các vấn đề như phá thai và luân lý vợ chồng, bị chống đối một cách có luận lý bởi những người không đồng ý với Giáo hội mà lại có quyền củng cố quan điểm của họ.
Antichrist
Phản Kitô. Là thủ lĩnh các kẻ thù của Đức Kitô. Tân ước chỉ nêu rõ tên của y trong I Ga 2:18, 2:22; 4:3, và II Ga 7, và ở đây y bị đồng hóa với các kẻ vô tín ngưỡng, chối bỏ mầu nhiệm Nhập thể. Qua các thế kỷ, Phản Kitô được liên kết với nhiều nhân vật lịch sử khác nhau, như Caligula, Simon Magus, và Nero, hoặc với các phong trào có tổ chức như phái Arian. Công giáo thường giải thích rằng Phản Kitô không phải là một biểu tượng thuần túy hoặc một sự hiện thân của phong trào phản Kitô giáo. Phản Kitô là một con người thật sự. (Từ nguyên Hi lạp antichristos, chống Chúa Kitô.)
Anticipation
Đọc sớm. Đọc riêng tư một phần của các Giờ Kinh Phụng Vụ trước thời điểm được chỉ định để đọc phần kinh ấy. Do đó, giờ Kinh Sách của ngày hôm sau có thể đọc sau hai giờ chiều ngày hôm trước.
Anticlericalism
Bài giáo sĩ, chống giáo sĩ. Là tên dành cho nhiểu phong trào hiện đại khác nhau, nhất là trong các nền văn hóa công giáo như Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Đặc điểm lớn của các phong trào này là chống lại bất cứ hình thức tín lý nào của Kitô giáo, thu hồi mọi đặc quyền của giáo sĩ và tu sĩ, và tách hoàn toàn Giáo hội ra khỏi mọi ảnh hưởng của Giáo hội trên đời sống xã hội của công dân.
Anticonception
Chống thụ thai. Là từ đồng nghĩa rõ ràng của ngừa thai, khi thực thi ý định có tội về luân lý trong can thiệp chống tiến trình có sự sống con người.
Antidicomarianites
Bài Thánh mẫu phái. Tên của thuyết chống lại việc Đức Mẹ Maria làm mẹ của Chúa, và do đó chống lại việc đồng trinh trọn đời của Đức Mẹ. Thuyết này do Epiphanius chủ trương trong thế kỷ thứ bốn.
Antidoron
Bánh làm phép theo nghi lễ Hi Lạp. Trong nghi lễ Hi Lạp, đây là phần bánh còn lại sau khi một phần bánh được cắt ra để truyền phép trong thánh lễ. Sau đó, phần bánh này được làm phép và phân phát sau Thánh lễ cho những người không rước lễ. (Từ nguyên Hi lạp anti, thay cho + doron, món quà.)
Antimoralism
Thuyết chống duy luân lý. Thuyết cho rằng không có qui tắc tuyệt đối trong luân lý, do đó không có tiêu chuẩn chắc chắn trong hành xử của con người. (Từ nguyên Hi Lạp anti, chống lại + chữ Latinh moralis, liên quan hành xử.)
Antinomianism
Phái phi luật. Thuyết cho rằng lòng tin của một người vào Chúa và vào con người Đức Kitô giải thoát người ấy khỏi các điều buộc luân lý của luật, dù đó là luật tự nhiên hay thực nghiệm, luật kinh thánh hay luật Giáo hội. Đây là kết luận hợp lý của bất cứ thuyết nào quá nhấn mạnh đến họat động của Chúa Thánh Thần mà lọai trừ việc con người cần hợp tác với ân sủng Chúa. Lời kết án gắt gao nhất đối với phái phi luật là của công đồng chung Trent, vì công đồng nhìn thấy nguồn gốc của các kết luận thuộc phái phi luật là nằm trong nguyên tắc đức tin không cần việc làm tốt thời Cải cách. Trong các vạ tuyệt thông khác do công đồng Trent đưa ra có việc phạt những ai nói rằng “Thiên Chúa trao ban Đức Giêsu Kitô cho con người như một đấng cứu chuộc, mà trong ngài chúng ta phải tin, chứ không như một nhà làm luật mà chúng ta phải vâng theo” (Denzinger 1571). (Từ nguyên Hi Lạp anti, chống lại + nomos, luật.)
Antinomies
Các tương phản, các mâu thuẫn. Là các mâu thuẫn hoặc sự không nhất quán dường như hiện diện trong Giáo hội công giáo. Đúng vậy, Giáo hội dường như chống lại văn minh vật chất nhưng vẫn cổ vũ nó; dừơng như chống nhà nước nhưng vẫn ủng hộ nhà nước; đại diện cho một tôn giáo của đau khổ mà vẫn đại diện cho một tôn giáo của hạnh phúc; đầy sự vấp phạm nhưng cũng là thánh thiện hòan tòan; công bố một luật vừa rất khó nhưng cũng dễ; đề cao tự do tôn giáo nhưng chống đối sự tự do không kềm chế của lương tâm; đề cao sự bình đẳng của con người nhưng vẫn có bất đình đẳng về quyền lực và tài sản; là một cộng đòan Kitô giáo duy nhất nhưng vẫn bị chia rẽ; Giáo hội luôn là một mà vẫn luôn thay đổi; là bị đánh bại nhưng luôn chiến thắng.
Antimony
Tương phản, mâu thuẫn. Sự mâu thuẫn tự tại, có thật hay không có thật, của luật hay của các nguyên tắc. Thường được áp dụng cho các mâu thuẫn giữa lý trí con người và các thuộc tính thiên linh, như sự thiện trong Chúa và sự dữ trong thế gian.
Antiochene Rite
Nghi lễ Antiôkia. Một nghi lễ được dùng ở lãnh phận thượng phụ Antiôkia. Nghi lễ này, trong dạng cổ xưa nhất, bỏ Kinh Lạy cha và tên các thánh trong Thánh lễ. Hình thức này sớm được thay thế bởi Phụng vụ của thánh Giacôbê từ Jerusalem tới, vốn trở thành nghi lễ cho tòan vùng tây Syria. Nguyên thủy bằng tiếng Hi lạp, Phụng vụ của thánh Giacôbê được dịch ra tiếng Syria sau đó. Bản văn Hi lạp nay được sử dụng hai lần mỗi năm nơi ngưởi Chính thống giáo; bản văn tiếng Syria được dùng tại Syria, Palestine và người công giáo Syria. Bản văn phụng vụ khác phiên âm chữ latinh được giáo hội Li băng sử dụng.
Antiochene Theology
Thần học Antiôkia. Đây là nền Thần học ưu thế của giáo hội ban sơ ở Antiôkia. Nói chung thần học này là tương phản và đôi khi chống lại thần học ở Alexandria. Triết học bên dưới thần học này, cổ vũ tính chất lịch sử hơn là suy luận, có nguồn gốc từ Aristotle (384-322 trước Công nguyên). Trong Kitô học, thần học trên nhấn mạnh đến nhân tính của Chúa Kitô, đôi khi đi đến cực đoan là chối bỏ sự ngôi hiệp.
Antipasch
Hạ chủ nhật, chủ nhật antipasch. Là hạ chủ nhật, chủ nhật đầu tiên sau lễ Phục sinh trong năm lịch phụng vụ của Giáo hội Chính thống Hi Lạp.
Antiphon
Điệp ca, điệp xướng. Một thánh vịnh hoặc thánh ca được hai ca đòan hát thay phiên. Hình thức một bài hát được đưa đến miền Tây khỏang năm 500, thay thế hình thức đáp ca. Điệp ca là các câu ngắn hát trước hoặc sau một thánh vịnh hoặc một thánh ca, để xác định cung nhạc và cung cấp chìa khóa cho ý nghĩa phụng vụ hoặc tu đức. Điệp xướng có thể trích từ thánh vịnh đi sau đó, hoặc từ một mầu nhiệm hoặc ý nghĩa của lễ hôm đó, hoặc là của cả hai. Điệp ca đôi là dùng cả điệp ca trước và sau thánh vịnh; còn “công bố” điệp ca là chỉ dùng điệp ca trước thánh vịnh mà thôi khi đọc kinh chung. (Từ nguyên Hi lạp anti, chống lại + phone, giọng: điệp ca.)
Antiphonary
Sách điệp xướng. Là sách phụng vụ dùng cho ca đòan, chứa nhạc và lời ca của các phần hát của kinh nhật tụng Rôma. Sách điệp xướng Bình ca (Gregorian), được cho là do Đức Giáo hòang Gregory I chủ trương biên soạn, là sách chính thức gồm các điệp ca dùng trong Thần vụ.
Antiphoner
Sách thánh ca Thần vụ. Cuốn sách chứa các bài hát Bình ca dùng trong Thần vụ.
Antipolo (Shrine)
Đền thánh Antipolo. Là đền thờ kính Đức Mẹ gần Manila, Philippines, từ năm 1632. Đây là đền thờ quốc gia, và hàng trăm khách hành hương đến đền thờ kính viếng Đức Mẹ mỗi ngày. Một tượng gỗ Đức Mẹ đứng và đội triều thiên đặt trong đền thờ. Trong các ngày lễ trọng, không lạ khi có khỏang 20.000 người đến kính viếng, trong khi cả trăm ngàn người đến dự lễ Đức Mẹ đội triều thiên vào tháng Năm, và cuộc rước kiệu nến lớn trong tháng này mỗi năm.
Anti-Semitism
Chủ nghĩa bài Do thái. Tình cảm thiên kiến và thù nghịch đối với người Do thái. Từ ngữ này được dùng vào năm 1879 trong một tờ bướm kêu gọi tấn công người Do thái, vì là hậu duệ của ông Shem, con trai ông Noe trong Cựu ước. Về đề tài này, Công đồng Vatican II tuyên bố rằng Giáo Hội Công giáo “rất lấy làm đau lòng vì sự ghen ghét, đàn áp, những hành động của chủ nghĩa bài Do Thái trong bất cứ thời nào” (Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo hội với các tôn giáo ngòai Kitô giáo, 4). (Từ nguyên Hi Lạp anti, chống lại + chữ Do thái Sh_m, con trai ông Noe.)
Antisexual
Chống tình dục. Từ ngữ khiển trách nhằm vào luân lý Kitô giáo do lập trường về hành động tính dục sai trái và cấm quan hệ tính dục ngoài hôn nhân. Sự chống tình dục do đó trở thành sự đối kháng với tình dục, và tương đồng với chủ nghĩa bảo thủ mạnh mẽ trong vấn đề hành xử tình dục.
Antistes
Linh mục thượng phẩm. Trong ngôn ngữ phụng vụ, danh hiệu này đôi khi được trao cho vị Giám mục. Danh hiệu nhìn nhận ngài như là linh mục thượng phẩm trong giáo phận.