Gói xôi bắp.



Thánh Lễ trưa ngày Chủ Nhật vừa xong, tôi nhìn đồng hồ đã 12:15. Tôi lật đật bước xuống basement của Nhà Thờ, mua chút thức ăn để còn kịp đi làm, mặc dầu biết đã trễ. Cố chen lấn tới trước gian hàng, nhìn món ăn nào cũng hấp dẫn, càng cảm thấy đói bụng. Đứng ngay chỗ để mấy gói xôi, tôi cầm lấy một gói xôi bắp và một cái bánh bột gạo nhân thịt. Vội vã trả tiền, tôi không kịp đứng lại chào hỏi ai.

Ngồi vào trong xe thì đã 12:30. Tôi giục chồng:

-“Quá trễ rồi anh ơi! Từ đây đến chồ làm, nếu không bị kẹt xe cũng mất 20 phút. Chạy nhanh anh nhé!”

Tay lái xe, mắt nhìn phía trước, anh gắt:

-“Em có tật hơi chút là cuống lên. Lỡ trễ rồi thì mình phải chịu thôi, chạy nhanh gặp cảnh sát còn phiền hơn, lỡ xảy ra tai nạn còn chết nữa.”

Thấy chồng gắt, tôi im lặng, mắt lơ đãng nhìn xuống giòng xe đang chạy. Sự im lặng của tôi làm anh dịu giọng:

-“Hồi nãy thấy em mua cái gì ở nhà thờ, sao không bỏ ra ăn đi, chứ trễ rồi tới chổ làm, gặp khách bận rộn làm sao em có thì giờ để ăn.

Nghe chồng nhắc nhở, tôi mới nhớ đến gói xôi và cái bánh đã mua. Lâý gói xôi ra từ trong túi nylon, nhìn những hạt bắp xen kẽ những hạt nếp nhỏ trắng trong, bên trên phủ bột đậu xanh hấp chín, mùi thơm của hành chiên với những sợi dừa trắng, trông hấp dẫn vô cùng. Tay nhón hạt bắp bỏ lên miệng, bất chợt, cảm xúc ùa vỡ, dâng lên trong tôi. Bồi hồi, tôi nhớ đến gói xôi năm nào, nhớ đến người mẹ hiền kính yêu của tôi, với những ngày khổ cực thương đau…

ooOoo

Gia đình tôi sống yên vui trong cảnh thanh bình cùng với xóm làng. Xã của tôi nằm nhỏ bé giữa rừng cao su bao bọc chung quanh. Vào những tháng mùa Hè, trên cao nhìn xuống giống như một thung lũng màu hồng, màu đỏ hồng của hoa phượng nở rộ.

Tôi và Mai là đôi bạn thân. Tuổi hồn nhiên vô tư, hai chúng tôi trường rủ nhau đi bộ lên đồi Tây những buổi chiều dịu nắng. Đồi Tây là một khu đất cao, có nhà của người Pháp, chủ đồn điền cao su ở đó. Trên đồi cao, gió lồng lộng thổi, ngồi trên thảm cỏ xanh ngát, chúng tôi ngắt những bông cỏ mây, hồn nhiên đùa giỡn. Chúng tôi thường kiếm chỗ cao nhất để được nhìn rõ xuống phía dưới của xóm làng. Những nóc nhà, mái ngói đỏ nâu, ẩn hiện thấp thoáng vài vệt khói xám lảng vảng, lửng lơ bay quyện lên cao của buổi cơm chiều. Từng góc xa xa màu xanh của những ngọn cây vú sữa, màu đỏ của những cây hoa phượng, rõ ràng nhất là cây Thánh Giá trên nóc ngôi thánh đường cổ kính với tiếng chuông lễ chiều ngân vang. Cuộc sống êm ả, thanh bình nhưng đến một đêm, không bao giờ tôi quên được. Đêm giao thừa của năm Mậu Thân 1968.

Mọi người đang quây quần bên nhau chờ đón Xuân sang, chờ nhận những lời chúc tụng tốt đẹp nhất cho năm mới. Bỗng, nhiều tiếng đạn nổ thay cho tiếng pháo. Đó là những tiếng súng của Cộng Sản tấn công vào làng của tôi. Thật kinh hoàng! Mọi người đều hoảng sợ. Tiếng nổ khắp mọi nơi, hoà lẫn tiếng la hét của Cộng Sản và tiếng rên la của những người đã bị thương. Mẹ kéo vội tôi xuống hầm trú ẩn. Dưới hầm mùi hôi mốc và ẩm ướt với những con gián chạy tứ tung, bò cả lên người tôi, vừa sợ hãi, vừa ghê tởm những con gián, người tôi run cầm cập. Hai hàm răng đụng vào nhau nghe cồm cộp. Mẹ cũng run không kém. Mẹ tôi rất sợ Cộng Sản vì mẹ đã trốn chạy chúng, bỏ nhà cửa ruộng vườn ngoài Bắc vào trong miền Nam năm 1954. Mẹ vừa lâm râm đọc kinh cầu nguyện, vừa lấm lét ngó lên nắp hầm. Tôi nhìn ánh mắt sợ hãi của mẹ qua ánh đèn dầu mờ mờ. Thương mẹ quá đỗi. Tôi khe khẽ hỏi mẹ:

- “Mẹ ơi, không biết Việt Cộng họ có phá cửa vào nhà mình không?”

Mẹ ôm chặt lấy tôi, giọng run run:

- “Cầu xin tụi nó đừng vào nhà, trên miệng hầm không có gì che đậy, tụi nó nhìn thấy cái hầm này thì khốn khổ. Mẹ già rồi có chết cũng được, chứ các con… Mẹ chỉ sợ nó bắt các con đi.”

Nghe mẹ nói, tôi càng run hơn. Bên ngoài, tiếng súng vẫn thi nhau nổ. Tiếng gà đã gáy hai lần. Trời cũng gần sáng. Thời gian như chậm lại. Tiếng súng dần dần thưa thớt. Thỉnh thoảng tiếng nổ của hỏa châu trên không trung với ánh sáng chiếut ận vào tới cửa hầm. Cả đêm gia đình tôi gồm bốn người với ba người hàng xóm, ngồi bó gối thức trắng trong kinh sợ.

Khi trời đã sáng tỏ, nghe loáng thoáng tiếng mấy người hàng xóm ngoài sân, mẹ con tôi lúc đó mới dám bò lên khỏi miệng hầm. Chưa kịp đứng duỗi chân tay cho đỡ mỏi, mắt đã nhìn thấy cảnh tượng chung quanh. Trời ơi! Mái ngói bếp nhà tôi vỡ một khoảng lớn, những mảnh gạch và ngói ngổn ngang dưới đất. Bờ tường và cánh cửa loang lổ vết đạn. Bước lên nhà trên, nhìn lên nóc, mái ngói bị trúng miểng pháo, vỡ lỗ chỗ từng góc để ánh nắng lọt xuống như sao sa. Sau này mỗi khi trời mưa, mẹ con tôi khổ vô cùng. Những đêm mưa, đang ngủ bị dội ướt, mẹ con lại phải kéo giường qua chỗ khác. Từng cái chậu, cái thùng, cái chảo, cái xoong đều phải mang ra để hứng những chỗ bị dột.

Sáng mồng một Tết, thay vì vui Xuân, đi chúc Tết mọi người, làng tôi kinh hoàng với sự đổ nát chết chóc. Xóm trên, xom dưới ai ai cũng nhìn nhau với ánh mắt sợ hãi, thương tâm. Và ngay đêm đó, có năm anh nghĩa quân hy sinh và một người dân đã mất mạng. Ai đã gieo thương đau đổ nát cho làng tôi? Ai đã gây cảnh chia ly, vợ mất chồng, con mất cha, mẹ già mất con? Thật thảm thương khi nhìn những vành khăn tang và người người đang khóc thương trong ngày đầu Xuân.

Mồng bốn Tết, làng tôi lại bị thêm một lần tấn công của Cộng Sản. Dân làng lại thêm một phen sợ hãi kinh hoàng. Cũng may đêm đó, nhờ có đề phòng, nên không ai thiệt mang nhưng mọi người vẫn hoảng sợ lo lắng không biết những ngày kế tiếp, Cộng Sản nó còn tấn công nữa không? Phập phòng hồi hộp, mọi người chìm sâu vào bóng tối thăm thẳn của lo sợ.

Sự kinh sợ và lo lắng chưa kịp lắng xuống thì tuần lễ sau, biến cố lại xảy ra. Chiều Chủ Nhật, sau thánh lễ, mọi người đứng chung quanh tượng đài Chúa Giêsu Vua, trước khuôn viên sân nhà thờ, tiếng đọc kinh ngưng bặt vì từng tràng đạn nổ, tiếp theo tiếng nổ chát chúa của lựu đạn. Người lớn, trẻ con chạy tán loạn, hoảng hồn thất thần, tìm chổ núp tránh đạn. Cảnh tượng thật hỗn loạn. Mẹ gọi con, chồng gọi vợ, con nít khóc thét chạy tứ tung chẳng biết chổ nào nup. Mẹ tôi chạy vào một nhà gần chợ. Còn tôi thì cố chạy nhanh về nhà nhưng không kịp, mới đến ngã tư, nhìn thấy mấy tên Việt Cộng, đầu đội nón có cắm mấy cành lá đang từ góc trên chạy xuống, tôi hoảng quá, đập cửa một nhà gần đó xin núp. Hầm trú ẩn nhà Bác đầy người, chật ních. Tôi đành chui nằm dưới gầm giường mà run sợ. Không biết mẹ đang trú ẩn ở đâu? Mẹ có bề gì không?

Nhưng rồi tụi Cộng Sản cũng phải rút lui nhanh vì sự chống trả mãnh liệt của nghĩa quân trong làng và sự tiếp cứu của địa phương quân ngoài quận đánh vào. Mọi người dân được an toàn những vẫn không khỏi lo sợ. Chỉ trong một tháng, làng tôi chịu sáu trận tấn công lớn nhỏ của Cộng Sản. Ngôi làng be nhỏ xinh đẹp của tôi, dân hiền hoà, không hiểu tại sao Cộng Sản chiếu cố đến như thế?

Sau những trận đánh của Cộng Sản, tâm trạng của mọi người đều hoảng hốt, bất an, ban ngày thì hoang mang lo lắng, ban đêm sợ hãi ngủ không an giấc, khi nghe tiếng chó sủa hoặc bước chân người đi cũng làm giật mình run sợ. Làng xóm trở nên tiêu điều hoang vắng. Chợ, nhà thờ, trường học đều vắng hoe. Chập choạng chiều, khung cảnh xóm làng trở nên vắng vẻ im lìm, chẳng có một bóng đèn. Nhiều gia đình đã đi lánh nạn. Bà chị tôi không dám ở nhà đã về thành phố với bà cô ruột. Người chị dâu mới cưới của anh tôi cũng về bên ngoại đi lánh nạn. Tôi và mẹ lạc lõng đơn lẻ chẳng biết đi đâu vì không có ai thân quen ở nhừng làng kế cận để mà lánh nạn. Tuy nhiên bà chị dâu mới rất tốt bụng, đã thương và lo lắng cho mẹ con tôi bằng cách xin người bà con của chỉ ở làng bên cạnh cho mẹ con tôi tới ngủ nhờ trong thời gian chạy giặc. Những ngày đi lánh nạn, mọi người thấy hoàn cảnh chúng tôi ai ai cũng muốn giúp đỡ, nhất là người bà con của người chị dâu. Đến bữa ăn, họ vui vẻ chào mời mẹ con tôi cùng dùng bữa. Mẹ con tôi ăn ở được vài ngày nhưng nghĩ vì gia đình bác đã đông người, lại gánh thêm gia đình người chị dâu và cả hai mẹ con tôi mà gia đình người ta cũng nghèo nên mẹ con tôi không dám tá túc lâu dài. Thế nên, mẹ con tôi phải ngủ nhờ tối nay nhà người này, mai xin ngủ nhờ nhà người khác. Có lúc, tới bữa cơm chiều, để tránh người ta mời cơm, mẹ con tôi đi lang thang ngoài đường, chịu nhịn đói. Nhiều khi tôi sợ mẹ nhịn đói không nổi, tôi lại nắm bàn tay gầy guộc chai sạn của mẹ mà giục, “mẹ ơi, dưới kia có họp chợ chiều, con chở mẹ xuống đó mua cái gì ăn nhé.”

Mẹ nhìn tôi với ánh mắt tràn đầy thương yêu:

- “Con đói không? Mẹ chỉ thèm miếng trầu thôi.”

Sợ mẹ đổi ý, tôi liến thoáng:

- “Mẹ ngồi lên xe để con chở mẹ đi mua trầu.”

Tôi chở mẹ bằng chiếc xe đạp cũ, xuống khu chợ chiều. Mẹ đi tới sạp bán trầu, còn tôi dắt xe đạp len lỏi tới hàng bán xôi, vì tôi rất thích ăn xôi. Nhìn chõ xôi nóng đang bốc khói, làm tôi thèm. Đứng nhìn bà bán xôi với lời chào mua, càng làm tôi lúng túng. Trong túi tôi không có tiền, tôi đành chờ mẹ đến vậy. Nhưng không biết mẹ còn đủ tiền không?

Mẹ đã đứng cạnh tôi từ lúc nào mà tôi không hay. Giọng mẹ ngọt ngào:

- “Con gái mẹ muốn ăn xôi không?”

Tôi nhìn mẹ. Ánh mắt mẹ không dấu nỗi lo âu, đắn đo. Tôi nói nhanh:

- “Không mẹ à! Con chỉ đứng đây chờ mẹ thôi.”

- “Vậy ra đầu đường, mẹ mua khoai cho con nhé.”

- “Dạ!”

Tôi “dạ” để mẹ vui. Tôi biết mẹ rất thương tôi, không muốn tôi đói nhưng mua xôi thì mẹ không đủ tiền, mẹ chỉ đủ tiền mua vài miếng trầu và mấy củ khoai lang. Mẹ và rôi ngồi dưới bóng cây bên vệ đường, ăn hết mấy củ khoai lang. Tôi buồn đến gia cảnh của mình và của nhiều gia đình trong làng tôi đang chịu cực khổ. Mắt hướng về làng quê, mẹ buông tiếng thở dài não nuột.

Năm đó vì chiến tranh loạn lạc tôi phải gián đoạn việc học. Ở lứa tuổi trăng tròn, lứa tuổi của thơ mộng đẹp nhất thời con gái, tôi phải bỏ lại những mơ ước, những hoài bão. Các chị tôi đã rời khỏi mẹ, và mẹ cần có tôi.

Bao nhiêu ngày lánh nạn, ruộng vườn không ai chăm sóc, cỏ hoang mọc um tùm, chẳng có gì để thu hoạch. Đầu năm nắng hạn, thỉnh thoảng tôi và mẹ đi tạt qua rẫy, trông chừng vườn tược chỉ thấy chán nản, chẳng muốn làm gì và cứ lo sợ. Tuy mẹ không nói ra, nhưng tôi nghĩ hình như mẹ đang lo lắng một điều gì. Đêm đêm nằm bên cạnh mẹ, thấy mẹ thao thức trăn trở, tôi thương mẹ quá mà chẳng dám hỏi. Những bữa cơm đạm bạc của mẹ con tôi, chỉ có vài con cá khô, hấp trên nồi cơm, ăn với rau dền hoặc rau tàu bay luộc mọc hoang trong rẫy. Mặc dầu chịu khổ cực trong cảnh ly loạn thời chiến nhưng mẹ con tôi cảm thấy ấm cúng bên nhau, đùm bọc yên ủi nhau.

Một buổi chiều nọ, tôi và mẹ từ ngoài rẫy về. Vừa đặt mâm cơm xuống đất, chưa kịp ăn thì bà thím họ đến để đòi nợ mẹ. Bà thím đã buông nhiều câu nặng nề với mẹ. Tuy tôi con nhỏ, nhưng cũng hiểu sơ ý nghĩa những câu nói của bà thím. Mẹ nuốt cơm không trôi, cúi đầu rưng rưng nước mắt. Nhìn mẹ, tôi đau xót, thương mẹ quá vì mẹ chịu đựng bao cơ cực, bao lời cay đắng. Mẹ cố gắng nuốt buồn tủi, nhỏ nhẹ năn nỉ bà thím họ. Từ nhỏ, sống bên mẹ, tôi biết mẹ rất vui vẻ hoà nhã, thẳng thắn, ngay thật và hay thương người. Tại sao mẹ phải khổ như vậy? Chẳng qua là vì chiến tranh! Ai cũng di tản lánh nạn. Công việc sinh hoạt không bình thường. Bà thím họ sợ mẹ chết vì chiến tranh, hoặc cứ lo đi lánh nạn, không làm rẫy ruộng được để có tiền trả cho bà. Thật ra, từ hôm trước Tết vì lo đám cưới cho anh trai tôi, mẹ đã mượn tiền bà thím họ để trang trải. Không ngờ đám cưới vừa xong thì loạn ly và ai cũng phải chạy giặc, công việc đồng án như bị gián đoạn.

Buổi sáng, như mọi ngày, từ chỗ trú đêm, trước khi chở mẹ ra rẫy, tôi đứng chờ mẹ bên đường gần chợ, đợi mẹ mua vài miếng trầu. Mẹ hay nhạt miệng, không thể thiếu miếng trầu. Nhìn mẹ đứng trước hàng bán trầu, tay mẹ cứ nắn túi áo, như đang đắn đo lưỡng lự. Vì chiều hôm trước, tôi cắt được ít rau lang bán được chút tiền đưa mẹ giữ nên mẹ mới có tiền mua trầu. Tôi thoáng thấy mẹ bước sang hàng bán xôi. Mẹ nhìn qua lại hai ba loại xôi, chẳng biết mẹ mua loại xôi nào, chỉ thấy mẹ mua và trả tiền, cho vào bị cói với bình tông nước.

Tôi và mẹ ra rẫy tiếp tục làm cỏ, chờ mưa để bỏ hạt giống. Trời nóng nực, nắng đã lên cao. Đã mấy lần, mẹ giục tôi vào lều lấy xôi ăn cho đỡ đói nhưng tôi lại chờ mẹ vào ăn trước, còn lại bao nhiêu tôi mới dám ăn. Chờ mãi cũng chẳng thấy mẹ vào lều ăn, đói quá tôi đành vào trước, định bụng ăn một ít, còn để dành cho mẹ. Nhưng khi mở bị cói ra, tôi chỉ thấy một gói xôi bắp nhỏ, cũng chẳng thấy miếng trầu nào của mẹ. Bất chợt, long tôi nao nao, thương mẹ quá. Mẹ đã hy sinh nhịn ăn trầu để mua xôi cho tôi, với số tiền bán rau lang quá ít ỏi, không đủ mua cả hai thứ. Mẹ đã lo tôi đói mà nhường phần cho tôi, lòng dạ nào tôi ăn cho đành. Tôi chắc mẹ cũng đang cồn cào đói bụng, tôi giả bộ đến một góc khác làm cỏ, mong cho mẹ vào ăn trước. Và cư thế, cả hai mẹ con cứ chờ và nhường cho nhau. Chiều hôm đó, trước khi ra về, tôi vào lều lấy cái bị cói. Hỡi ôi! Gói xôi bắp vẫn còn trong đó, nhưng đã bị đàn kiến lửa bao bọc chung quanh. Hai mẹ con tôi nhìn nhau, hai cái nhìn, hai ý nghĩ. Mắt mẹ rơm rớm nước mắt, lòng tôi nghẹn ngào thắt ruột, nhức nhối tưởng như đang bị muôn ngàn kiến lửa chích vào.

ooOoo

-“Ủa, em chưa ăn xôi hả, vẫn còn cầm trên tay vậy, sắp đến chỗ làm rồi đấy.”

Vẫn thấy tôi im lặng, liếc sang nhìn, thấy mắt và mũi đỏ ửng, giọt lệ còn lóng lánh trên mi. Giọng chồng tôi điềm đạm ôn tồn:

-“Em đang nghĩ chuyện gì mà buồn vậy? Tại sao em khóc?”

Đang còn miên man chìm sâu cảm xúc, tôi nghẹn ngào:

-“Anh ơi, em nhớ mẹ quá.”

Nhìn thấy gói xôi bắp tôi cầm trên tay và những giọt lệ tràn mi, biết ngay là tôi đang nhớ mẹ, nhớ đến gói xôi bắp năm xưa, mà tôi đã kể lại với anh, anh an ủi:

-“Thôi em à! Mẹ đã mất lâu rồi. Em cứ nhớ và buồn như vậy, dễ sanh bịnh, anh khổ lắm. Cầu nguyện cho mẹ được rồi.”

Nhìn gói xôi bắp trong tay, tâm tư vẫn còn chìm đắ xúc động, tôi thì thầm, “mẹ ơi, con thương mẹ lắm. Con nhớ mẹ quá! Mẹ là người mẹ hiền dịu tuyệt vời của con. Bất cứ ở nơi nào, hoàn cảnh nào, hình ảnh mẹ vẫn sống động hiện diện trong con. Không có cái gì có thể làm con quên được mẹ.” Xuân Mậu Tý 2008

H. Yến.- Cincinnati