Nam Hàn đang nỗ lực tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc đối đầu trong chuyện chương trình hạt nhân của Bắc Hàn.

Seoul lo ngại rằng số phận của người dân Triều Tiên đang bị đe dọa do Bắc Hàn vẫn cương quyết thách thức cộng đồng quốc tế với việc trục xuất thanh tra vũ khí của Liên Hiệp Quốc (LHQ) hồi đầu tuần.

Nam Hàn chủ động

Thứ trưởng ngoại giao Nam Hàn đã gặp gỡ người đồng nhiệm Trung Quốc và sẽ có thêm các cuộc thảo luận trong hôm nay và ngày mai. Nam Hàn hy vọng Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng tới Bắc Hàn để thuyết phục các nhà lãnh đạo Bắc Hàn quay trở lại đóng cửa lò phản ứng có khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân.

Trong cuộc đối đầu trước đây giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ, Nam Hàn đã bị cho ra rìa. Nam Hàn không muốn lịch sử lặp lại và do vậy, đang quyết tâm đóng vai trò trung tâm trong chuyện giải quyết bất đồng lần này.

Bộ trưởng phụ trách vấn đề thống nhất Triều Tiên của Nam Hàn, ông Jeong Se-hyun nói vận mệnh của nhân dân Triều Tiên đang bị đe dọa chừng nào cơn khủng hoảng chưa được giải quyết.

Bắc Hàn ngày càng tỏ ra hiếu chiến còn Hoa Kỳ thì từ chối nhượng bộ; do vậy Nam Hàn phải tìm kiếm một lối đi khác để làm giảm tình trạng leo thang trong cuộc khủng hoảng gia tăng.

Ngoại giao con thoi

Trung Quốc là một lựa chọn hiển nhiên và do vậy một thứ trưởng ngoại giao Nam Hàn đã tới Bắc Kinh. Tiếp theo đó, một phái viên khác đã được cử đến Matxcơva, với hy vọng là những đồng minh truyền thống của Bắc Hàn có thể sẽ có vai trò then chốt trong chuyện hóa giải tình hình căng thẳng hiện thời bằng con đường ngoại giao.

Cả Nga và Trung Quốc đều phản đối tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn và người ta tin rằng cả hai nước này đều có vai trò đòn bẩy đối với quốc gia nghèo đói và bị cô lập Bắc Hàn.

Nam Hàn trông chờ Châu Âu và Nhật Bản thể hiện vai trò của mình, đồng thời muốn đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Bình Nhưỡng và Washington.

Theo kế hoạch, các cuộc trao đổi ở cấp nội các giữa hai miền Triều Tiên sẽ diễn ra vào giữa tháng này nhằm tìm cho được một giải pháp phù hợp cho tất cả các bên.

Phản ứng của Bắc Kinh

Với việc cử phái viên tới Bắc Kinh, Seoul kỳ vọng là sẽ thuyết phục Bắc Kinh gây áp lực hơn nữa để Bắc Hàn không tái khởi động chương trình hạt nhân của nước này.

Trung Quốc cung cấp một lượng lớn thực phẩm và nhiên liệu cho chính quyền Bắc Hàn và thừa khả năng gây sức ép tới Bình Nhưỡng nếu cần thiết.

Bắc Kinh cũng đã tỏ rõ quan điểm phản đối mạnh mẽ việc Bắc Hàn sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng cho đến nay chính quyền Trung Quốc vẫn rất ngần ngại trong chuyện gây áp lực trực tiếp hay là công khai chỉ trích Bình Nhưỡng.

Trung Quốc lo ngại rằng bất cứ phản ứng gì từ phía Trung Quốc cũng có thể sẽ đẩy Bắc Hàn, một quốc gia trong tình trạng bấp bênh sụp đổ từ hơn một thập kỷ qua vào tình trạng bất ổn hơn nữa.

Cho đến nay, Bắc Hàn vẫn chưa có dấu hiệu xuống thang; sau khi trục xuất thanh tra vũ khí của LHQ, Bắc Hàn giờ đây có thể triển khai chương trình hạt nhân vào bất kỳ lúc nào. (BBC)