Năm mới – vui mừng chen lẫn lo âu
Thủ tướng Anh Tony Blair, trong bài diễn văn mừng Năm mới, nói rằng đây là thời điểm khó khăn cho nước Anh khi phải đối diện đồng thời nhiều vấn đề, trong đó có khủng bố và bất an về kinh tế.

Tại Pháp, tổng thống Jacques Chirac nhắc tới nhu cầu cần đoàn kết xung quanh các cải cách vốn bị đình hoãn từ lâu, đặc biệt liên quan hệ thống lương hưu của Pháp. Ông Chirac cũng gián tiếp nhắc tới tình hình Iraq và phê phán vấn đề nhân bản vô tính.

Tại Italy, tổng thống Ciampi cũng kêu gọi người dân đoàn kết trong bối cảnh chính phủ trung ương
đang thực hiện các bươc trao nhêìu quyền lực hơn cho chính quyền các địa phương tại Ý.

Còn ở cộng hòa Czech, tổng thống Havel đã có bài phát biểu cuối cùng trước khi rời khỏi cương vị
tổng thống vào tháng Hai năm nay. Ông Havel, người từng đi tù trong thời kì đảng cộng sản còn
nắm quyền tại Tiệp Khắc, nói rằng đã có một thế hệ người Czech mới trưởng thành mà không bị
đầu độc bởi chủ nghĩa cộng sản.

Tương lai đồng Euro

Tại Lisbon vào đêm cuối năm, người ta chứng kiến đám đông xếp hàng dài trước Ngân hàng Bồ Đào Nha. Đó là lúc người dân chạy đua với hạn chót chuyển đổi đồng tiền Bồ Đào Nha sang đồng euro, tuy rằng các loại tiền giấy cũ vẫn còn có thể chuyển đổi trong 20 năm tới.

Bồ Đào Nha không phải là nước duy nhất đang tập làm quen với đồng euro.

Các lễ ăn mừng diễn ra một năm trước khi đồng euro mới được lưu hành đã nhanh chóng nhường chỗ cho sự giận dữ của người dân khi giá cả tăng lên.

Người dân bắt đầu than phiền về chuyện giá cả trong các buổi trà dư tửu hậu tại những quán cà phê, nhà hàng – nơi món ăn, thức uống cũng tăng giá.

Dẫu chính phủ nhiều nước khẳng định việc tăng giá ảnh hưởng không đáng kể tới mức lạm phát chung, nhưng dường như ít ai chịu tin điều này.

Tại Đức, một cuộc thăm dò trên truyền hình cuối năm cho thấy 60% người được hỏi vẫn tính toán giá cả theo đồng mark Đức, chứ không theo đồng euro.

Tuy vậy, về nhiều mặt, năm 2002 là một năm tốt lành cho đồng euro.

Trên thị trường tiền tệ, đồng euro tăng đáng kể so với đồng dollar, khoảng 18%. Mặc dù lý do chủ yếu là do đồng dollar yếu đi và những lo lắng về Iraq, nhưng các chuyên gia tiền tệ châu Âu tin rằng những nghi ngại ban đầu của thị trường tài chính về đồng tiền mới rồi sẽ tan biến.

Pháp và Đức củng cố vai trò lãnh đạo trong EU

Trong năm 2003, lần đầu tiên Pháp và Đức sẽ cùng tổ chức phiên họp chung của quốc hội hai nước tại Versailles bên ngoài Paris.

Bên cạnh một cuộc họp giữa chính phủ Pháp và Đức tại Paris, sẽ có cuộc gặp tại tòa nhà Reichstag ở Berlin của một “quốc hội thanh niên” với đại diện là thanh niên hai nước. Cuộc gặp có sự hiện diện của tổng thống Pháp Jacques Chirac và tổng thống Đức Johannes Rau.

Tất cả những sự kiện này diễn ra trong bối cảnh kỉ niệm 40 năm ngày kí hiệp ước Elysee lập ra nền tảng cho cái gọi là trục Pháp-Đức. Chúng sẽ chứng tỏ với thế giới rằng hai nước một lần nữa có sự hợp tác và thiết lập bước tiến mới cho sự hợp nhất châu Âu.

Trên thực tế, những năm gần đây khoảng cách giữa Đức và Pháp trở nên xa hơn, đặc biệt xung quanh vấn đề mở rộng của EU.

Nước Đức dưới thời thủ tướng Schroeder có vẻ đã đánh mất cảm giác cần đặt ưu tiên cho mối quan hệ đặc biệt với Pháp. Những nước như Anh, Tây Ban Nha, Italy và Ba Lan đang dần thách thức vai trò lãnh đạo của Pháp và Đức tại châu Âu.

Tổng thống Chirac và thủ tướng Schroeder đã tìm cách phục hồi cỗ máy Pháp-Đức bằng một loạt sáng kiến chung: về một vai trò phòng thủ lớn hơn cho châu Âu, hợp tác công nghiệp quốc phòng, cân đối giữa các khoản thuế, hệ thống luật và cảnh sát châu Âu, cùng một cấu trúc lãnh đạo tập trung hơn cho EU.

Tuy vậy, các quan chức cả hai phía thừa nhận rất khó thu hẹp khoảng cách giữa tác động thật của các biện pháp này và các tuyên bố hoa mỹ.

Thanh niên tại Pháp và Đức không còn xem mối quan hệ giữa hai nước quan trọng như ngày xưa.

Trước đây, hiệp ước Elysee đã giúp cho mối hòa giải hậu Thế chiến II và đặt nền tảng cho Liên hiệp Âu châu ngày nay. Còn trong những năm tới, Paris và Berlin sẽ phải chứng tỏ trục Pháp-Đức vẫn làm việc hiệu quả – không chỉ vì quyền lợi của hai nước mà của cả châu Âu. (BBC)