Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sáng 17-9, Đức Thánh Cha đã đồng tế thánh lễ với 106 vị Đại diện Tòa Thánh và sau đó đã gặp gỡ các vị để nhắn nhủ về việc chu toàn sứ mạng được ủy thác.
Các vị Sứ Thần và Khâm Sứ Tòa Thánh về Roma để cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót từ 15 đến hết ngày 17-9.
Trong bài huấn dụ dài tại cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha nhiệt liệt cám ơn các vị Đại diện Tòa Thánh vì lòng quảng đại, tận tụy và hy sinh trong việc chu toàn sứ mạng liên kết giữa Người Kế Vị Thánh Phêrô và các Giáo Hội địa phương, kiến tạo và thăng tiến tình hiệp thông là “nhựa sống cho đời sống Giáo Hội và cho việc loan báo sứ điệp của Giáo Hội”.
Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc nhở các vị Đại diện Tòa Thánh hãy “phục vụ trong tinh thần hy sinh như những sứ giả khiêm tốn, như Chân phước Giáo Hoàng Phaolô 6 đã nói: “Hoạt động của vị Đại diện Tòa Thánh trước tiên là một việc phục vụ quí giá cho cac Giám Mục, linh mục, tu sĩ và mọi tín hữu Công Giáo ở địa phương, họ tìm được nơi vị Đại diện Tòa Thánh một sự nâng đỡ và bảo vệ, trong tư cách ngài đại diện một quyền bính cao hơn, để mưu ích cho tất cả mọi người”.
Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng: “Nếu không có lòng khiêm tốn thì không dịch vụ nào có thể thực hiện được hoặc có đặc tính phong phú. Sự khiêm tốn của một Sứ Thần Tòa Thánh được biểu lộ qua lòng yêu mến đối với đất nước và Giáo Hội nơi ngài được kêu gọi phục vụ”.
Đức Thánh Cha khuyến khích các vị Đại diện Tòa Thánh không những chỉ “quan sát, phân tích và tường trình”, nhưng còn cần “gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại, chia sẻ, đề nghị và cộng tác, để làm nổi bật lòng yêu mến chân thành, thiện cảm và cảm thông đối với dân chúng và Giáo Hội địa phương”.
Ngài cũng nhận xét: Ngày nay, những đe dọa từ bên ngoài của chó sói, bắt cóc và tấn công đoàn chiên, làm cho đoàn chiên hoang mang, phân tán và bị phá hủy vẫn còn là điều thời sự. Chó sói ngày nay vẫn có những điểm giống như trước, đó là sự thiếu thông cảm, đố kỵ, gian ác, bách hại, xóa bỏ sự thật, chống lại sự tốt lành, khép kín đối với tình yêu, đố kỵ về văn hóa, và nghi kỵ..”. Đức Thánh Cha nói: “Tôi nghĩ đến các tín hữu Kitô ở Trung Đông, cuộc vây hãm bạo lực chống lại họ dường như nhắm tiêu diệt họ với sự im lặng đồng lõa của bao nhiêu người”.
Đức Thánh Cha không quên nhắc các vị Đại diện Tòa Thánh hãy dành thời giờ cho các Giám Mục, linh mục, tu sĩ, các giáo xứ, các tổ chức văn hóa và xã hội... Hãy tháp tùng Giáo Hội địa phương với tâm hồn của một vị mục tử. “Cần di động. Những thư từ và bá cáo lạnh lùng không đủ. Những điều nghe nói mà thôi không đủ. Còn cần phải nhìn tận mắt hạt giống tốt của Tin Mừng đang triển nở thế nào. Đừng đợi người ta đến gặp anh em để trình bày một vấn đề hoặc muốn giải quyết một việc. Anh em hãy đi tới các giáo dận, các dòng tu, các giáo xứ, các chủng viện, để hiểu Dân Chúa đang sống, suy nghĩ và thắc mắc thế nào. Nghĩa là Anh em hãy thực sự biểu lộ một Giáo Hội “đi ra ngoài”, “một bệnh viện dã chiến”, có khả năng sống chiều kích của Giáo Hội địa phương, của đất nước và của tổ chức mà anh em được sai tới”.
Đức Thánh Cha cho biết một quan tâm sâu xa của ngài là việc tuyển chọn các Giám Mục tương lai và ngài đã nói với Bộ Giám Mục đề ra danh sách những đức tính và khả năng mà các vị Chủ Chăn của Giáo Hội ngày nay phải có: các Giám Mục phải là chứng nhân của Đấng Phục Sinh chứ không phải là những người mang lý lịch; các Giám Mục phải là người cầu nguyện, quen thuộc với những điều từ trên cao và không bị đè bẹp vì gánh nặng từ bên dưới; các Giám Mục phải có khả năng đi vào sự hiện diện của Thiên Chúa “trong kiên nhẫn”; các Giám Mục phải là mục tử, chứ không phải là những ông hoàng hoặc công chức”
2. Các Giám Mục Canada khẳng định không có sự thay đổi trong kỷ luật bí tích đối với những người ly dị và tái hôn
Các giám mục Công Giáo thuộc Alberta và các vùng lãnh thổ Tây Bắc của Canada đã ban hành một hướng dẫn mới dành cho các linh mục liên quan đến việc chăm sóc mục vụ cho những người Công Giáo đã ly dị và tái hôn. Các ngài khẳng định rằng những ai trong hoàn cảnh như thế muốn được rước lễ cần phải quyết tâm sống như anh em với nhau.
Các Giám Mục nhận định rằng ngày nay đang có sự hoang mang trong các tín hữu Công Giáo về các khả năng của một sự thay đổi trong kỷ luật bí tích của Giáo Hội:
“Điều này có thể xảy ra thông qua các phương tiện truyền thông, bạn bè, hoặc gia đình khiến nhiều cặp vợ chồng hiểu nhầm rằng có một sự thay đổi trong thực hành của Giáo Hội, cụ thể là giờ đây những người ly dị và tái hôn có thể được Rước Lễ trong các Thánh Lễ miễn là họ có một cuộc trò chuyện với một linh mục. Quan điểm này là sai lầm.”
Các Giám Mục dạy rằng trong những trường hợp như thế, các mục tử cần tháp tùng các cặp vợ chồng trong “một cuộc hành trình chữa lành và hòa giải,” dẫn họ đến với việc tham khảo ý kiến của các toà án hôn nhân.
Viện dẫn các giáo huấn của Thánh Gioan Phaolô II trong Familiaris Consortio, các giám mục viết: “Những ai tham gia vào một cuộc hôn nhân thứ hai bất hợp pháp và không muốn chấm dứt tình trạng này, vì có con cái trong kết hiệp đó, thì cần phải tránh sự thân mật tình dục và phải sống trong khiết tịnh như anh trai em gái.”
3. Đức Hồng Y Schönborn làm rõ nhận định của ngài về khả năng của một cuộc xâm lược văn hóa Hồi Giáo tại châu Âu
Đức Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna đã ra một tuyên bố phủ nhận rằng ngài đã cảnh báo chống lại âm mưu chinh phục châu Âu của người Hồi Giáo.
Bài giảng thánh lễ Chúa Nhật 11 tháng 9 của ngài tại nhà thờ chánh tòa Thánh Stêphanô đang thu hút sự chú ý trên toàn thế giới, đặc biệt trong cộng đồng Hồi Giáo. Trong bài giảng này vị Hồng Y, Tổng Giám Mục thủ đô Vienna đã nói về khả năng chinh phục châu Âu của người Hồi Giáo.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố nhằm giải thích ý kiến của ngài, Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng: “Căn tính Kitô giáo của châu Âu đang gặp nguy hiểm, vì chúng ta những người châu Âu coi rẻ nó.” Đức Hồng Y thêm rằng, người Hồi giáo bây giờ đang chuẩn bị để điền vào khoảng trống văn hóa đó.
Đức Hồng Y Schönborn nói rằng bài giảng của ngài bị “các phương tiện truyền thông diễn dịch sai lạc như thể đó là một cuộc tấn công vào người Hồi giáo và thậm chí chống lại những người tị nạn.” Thực ra, Đức Hồng Y cho rằng, thách đố đối với các Kitô hữu châu Âu là phải khôi phục lại bản sắc văn hóa của mình.
“Rõ ràng có nhiều người Hồi giáo muốn lợi dụng sự yếu đuối của chúng ta,” Đức Hồng Y nói, “Họ không phải chịu trách nhiệm về chuyện đó. Nhưng chính chúng ta phải chịu trách nhiệm.”
4. Hội đồng Giáo hoàng về Văn bản Luật làm rõ những cản trở trong việc thụ phong linh mục
Nam giới đã từng tham gia vào một vụ giết người, phá thai, hoặc đã từng tự tử không thể được coi là ứng viên chức linh mục. Hội đồng Giáo hoàng về Văn bản Luật cho biết như trên hôm thứ Năm 15 tháng 9, 2016.
Làm rõ khoản 1041 trong Bộ Giáo Luật của Giáo Hội Công Giáo, Hội đồng Giáo hoàng về Văn bản Luật cho biết sự hợp tác trong việc phá thai hay giết người là một trở ngại cho chức linh mục. Điều này cũng được áp dụng trong việc toan tính tự tử hoặc gây thương tích nghiêm trọng cho chính mình. Các phán quyết mới đã được sự chấp thuận của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Đức Cha Juan Ignacio Arrieta, tổng thư ký Hội đồng Giáo hoàng về Văn bản Luật nói rằng mặc dù những tội liên quan đến những hành động này có thể được tha thứ thông qua bí tích hòa giải, những điều này “vẫn còn là những dấu hiệu cảnh báo” nghiêm trọng về khả năng thực hiện thừa tác vụ linh mục.
Tuy nhiên, Đức Cha Arrieta cho biết thêm là Đức Giám Mục bản quyền sau khi cân nhắc và phân định trong những trường hợp cụ thể có thể loại bỏ các chướng ngại này.
5. Nhận định của các Giám Mục Trung và Đông Âu về tương lai của châu Âu
Đại diện các Hội đồng Giám mục Công Giáo ở Trung và Đông Âu đã có cuộc gặp gỡ tại Bratislava để thảo luận về cuộc khủng hoảng của gia đình và sinh suất quá thấp ở châu Âu.
“Điều cần thiết là phải thúc đẩy những suy tư về bản sắc châu Âu, là điều luôn được liên kết với gia đình dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người phụ nữ”, Hội đồng các Giám Mục Trung và Đông Âu đã cho biết như trên trong một tuyên bố sau cuộc họp.
Các ngài nhấn mạnh rằng: “Chỉ xã hội nào coi trọng con cái mới là một xã hội có hy vọng.”
“Hiện nay, châu Âu, trước hết, cần có những gia đình ổn định và một chính sách dân số thận trọng. Nhập cư không phải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhân khẩu học.”
Các giám mục cũng đã thảo luận về các chủ đề khác, bao gồm người tị nạn và cuộc bách hại các Kitô hữu trên thế giới, và bày tỏ niềm hy vọng rằng “Châu Âu sẽ trở thành một lục địa đặt sự sống con người - từ lúc thụ thai đến cái chết tự nhiên - lên trên hết; hết mình hỗ trợ cho gia đình, và hôn nhân phải có một vị trí ưu tiên trong nhận thức của các vị đại diện dân cử”
6. Một phụ nữ Công Giáo bị chặt đứt chân tay cho đến chết tại bang Punjab của Ấn Độ
Một phụ nữ Công Giáo, sống trong khu vực Punjab của Ấn Độ, bị khuyết tật trí tuệ nghiêm trọng đã bị giết một cách dã man bởi các tín hữu theo đạo Sikh là những người nghĩ rằng cô đã làm nhục sách thánh của họ.
Đức Giám Mục Franco Mulakkai của giáo phận Jalandhar cho thông tấn xã Công Giáo AsiaNews biết là cô Balwinder Kaur, 55 tuổi, đã qua đời vào ngày 11 tháng 9 sau khi cô bị kéo lê từ nhà mình ra đường, bị đánh đập dã man, và bị chặt đứt chân tay bằng rìu. Cô bị để cho chảy máu đến chết, một cách từ từ và đau đớn.
Đức Cha nói: “Tất cả những điều này là những bằng chứng cho thấy đang có những cuộc bách hại công khai ở Punjab.”
7. Đức Thánh Cha viếng thăm các bệnh nhân
Chiều 16-9 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến viếng thăm 2 nhà thương ở Roma trong chương trình thực thi các việc từ bi thương xót mỗi tháng 1 lần vào ngày thứ sáu.
Trước tiên ngài đến thăm khu cứu cấp và khu trẻ sơ sinh của bệnh viện thánh Gioan không xa Đền thờ Thánh Gioan Laterano. Tại khu này có 12 hài nhi được trị liệu vì những bệnh khác nhau. 5 em bị bệnh nặng và ở trong các lồng chữa trị khẩn trương. Ở tầng trên của khu này có một phòng dành cho các em bệnh nhân khác.
Các nhân viên kinh ngạc khi thấy Đức Thánh Cha đến thăm. Ngài cũng đeo khẩu trang và mặc áo khử trùng để tôn trọng môi trường vô trùng, dừng lại tại mỗi lồng trẻ em, thăm hỏi, an ủi và khích lệ cha mẹ các em hiện diện.
Sau đó, Đức Thánh Cha đến thăm Nhà Dưỡng lão “Biệt Thự Hy vọng” (Villa Speranza) nơi có 30 bệnh nhân ở giai đoạn cuối đời. Nhà này thuộc bệnh viện Gemelli của Đại Học CG Thánh Tâm, ở đường Pineta Sacchetti.
Đến nơi, sau khi được các vị hữu trách chào đón, Đức Thánh Cha đã chào từng bệnh nhân trong phòng của họ. Các bệnh nhân và thân nhân rất ngạc nhiên và cảm động vì sự thăm viếng của Ngài.
Qua cuộc viếng thăm Thứ Sáu Thương Xót vừa qua, Đức Thánh Cha muốn mang lại một dấu chỉ mạnh mẽ về tầm quan trọng của sự sống, từ lúc đầu tiên cho đến lúc chấm dứt tự nhiên. Ngài đã nhiều lần nhấn mạnh về việc tiếp đón sự sống và bảo đảm phẩm giá của con người trong mọi giai đoạn phát triển.
8. Đức Thánh Cha kêu gọi các Giám Mục thực thi lòng thương xót
Sáng ngày 16-9, trong buổi tiếp kiến 154 Giám Mục thuộc Bộ Giám Mục và Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, Đức Thánh Cha mời gọi các vị trở thành những “mục tử của lòng thương xót”.
Đây là những Giám Mục mới thụ phong gần đây, trong số các vị có một người Việt Nam là Đức Cha Giuse Nguyễn Thế Phương, tân Giám Mục giáo phận Kamloop, ở miền tây Canada.
Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nhắn nhủ các Giám Mục chu toàn nghĩa vụ làm cho lòng từ bi thương xót trở thành trọng tâm toàn thể công việc mục vụ. Ngài nói: “Cần làm sao để lòng thương xót hình thành và chi phối tới các cơ cấu mục vụ trong các giáo phận của anh em. Đây không phải là hạ thấp những đòi hỏi hoặc bán rẻ các hạt ngọc trai của chúng ta. Trái lại điều kiện duy nhất để hạt trai quí giá đặt ra cho những người tìm thấy nó, đó là cần phải chấp nhận mọi rủi ro để đạt được nó”.
“Anh em đừng sợ đề nghị Lòng Thương Xót như tóm lược tất cả những gì Thiên Chúa cống hiến cho thế giới, vì đó là điều lớn nhất mà trái tim của con người có thể khao khát”.
Đức Thánh Cha cũng đề ra một loạt các lời khuyên cho các Giám Mục mới để biến lòng thương xót thành trọng tâm việc mục vụ, ví dụ: “Anh em hãy trở thành những Giám Mục có khả năng thu hút tâm hồn con người,.. hãy làm cho sứ vụ anh em trở thành biểu tượng lòng thương xót, là sức mạnh duy nhất có khả năng thu hút và lôi kéo trường kỳ trái tim con người... Anh em hãy trở thành những Giám Mục có khả năng giáo huấn những người được ủy thác cho anh em.
Đức Thánh Cha nói thêm rằng “Tôi nhắc nhở anh em hãy chăm lo vun trồng cuộc sống thân mật với Thiên Chúa là nguồn mạch sự tự chủ và hiến thân, tự do đi ra ngoài và trở về.”
Hằng năm Bộ Giám Mục và Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương vẫn tổ chức khóa bồi dưỡng kéo dài khoảng 10 ngày tại Học viện Nữ Vương các Tông Đồ của dòng Đạo Binh Chúa Kitô dành cho các Giám Mục mới chịu chức thuộc thẩm quyền của hai bộ, còn Bộ Truyền giáo tổ chức khóa tương tự, hai năm một lần, tại Giáo Hoàng Học viện thánh Phaolô.
9. Đức Thánh Cha tiếp Thái tử Abu Dhabi
Hôm thứ Năm 15 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Thái tử xứ Abu Dhabi, là ông Mohamed bin Zayed. Abu Dhabi là một trong bảy tiểu vương quốc hình thành nên United Arab Emirates hay còn gọi là Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống Nhất.
Cuối buổi tiếp kiến Thái tử đã tặng Đức Thánh Cha một tấm thảm Afghanistan, đến từ một xưởng dệt thảm Afghanistan do con gái ông điều hành trong một dự án từ thiện.
Đáp lại, Đức Thánh Cha đã tặng cho Thái tử một huy chương miêu tả ‘Cây Hòa bình’, và giải thích với Thái tử rằng “hòa bình là ơn gọi của chúng ta.”
Một tweet từ văn phòng của Thái tử Mohamed bin Zayed nói Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống Nhất đánh giá cao “các nỗ lực của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhằm đối đầu với bạo lực và chủ nghĩa cực đoan.”
Sau cuộc họp với Đức Thánh Cha, Thái tử và doàn tùy tùng đã gặp gỡ với Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.
Một tweet khác từ văn phòng của Hoàng tử nói trong cuộc gặp gỡ này các vị đã thảo luận về việc “tăng cường quan hệ song phương, và về những vấn đề hai bên cùng quan tâm.”
10. Đức Thượng Phụ Công Giáo Canđê hoan nghênh các nỗ lực giải phóng vùng bình nguyên Ninivê
Đức Hồng Y Raphael Louis Sako lên tiếng hoan nghênh các nỗ lực của quân Kurd nhằm loại bỏ các loại bom mìn do bọn khủng bố Hồi Giáo IS cài lại sau khi bị đánh bật khỏi 11 làng trong vùng bình nguyên Ninivê.
Ngày 14 tháng 8, dưới sự yểm trợ của không quân Hoa Kỳ và liên quân, các chiến binh Kurd đã giải phóng được 11 làng chỉ trong vòng hai ngày. Khu vực giải phóng bao gồm 150 km vuông.
Hôm 13 tháng 9, Đức Hồng Y Louis Sako bày tỏ hy vọng rằng các loại mìn cần phải được loại bỏ trước khi các trường học và trạm y tế được xây dựng lại cho những người tản cư có thể an toàn trở về cố hương.
Tại khu vực cầu Gwer, trong ba ngày, công binh Kurd đã loại bỏ 280 mìn các loại, hai hầm chứa mìn và một địa đạo của bọn khủng bố Hồi Giáo IS.
Chiến dịch giải phóng Mosul hiện nay vấp phải một nan đề là sự lo lắng về đất đai của chính phủ Baghdad. Họ lo ngại người Kurd sẽ mở rộng khu tự trị Kurdistan.
Sau khi quân Kurd giải phóng được 11 làng, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi bày tỏ mối quan tâm của ông trước đà tiến quá nhanh của người Kurd nên yêu cầu quân Kurd rút lui và bàn giao các vùng giải phóng được cho các lực lượng an ninh Iraq.
Trong khi đó, Khasro Goran, một thành viên người Kurd của quốc hội ở thủ đô Baghdad, phản đối đề nghị này và nói rằng vùng mới giải phóng từ quân khủng bố Hồi Giáo IS là một phần của khu Kurdistan, và người Kurd sẽ không rút lui.
11. Đức Thánh Cha tiếp đại diện Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Đức Tổng Giám Mục Trưởng Hilarion của giáo phận Volokolamsk, là chủ tịch của Ủy Ban Đối ngoại của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, hôm 15 tháng 9.
Theo Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, hai vị đã thảo luận về tình trạng bách hại các Kitô hữu tại Trung Đông, các nỗ lực chung trong lĩnh vực văn hóa, và tuyên bố chung hồi tháng Hai vừa qua tại Cuba giữa Đức Giáo Hoàng và Đức Thượng Phụ Kirill.
Đức Tổng Giám Mục Hilarion đã tặng Đức Thánh Cha Phanxicô một món quà từ Thượng Phụ Kirill, đó là một di tích của một tu sĩ Nga, là Thánh Seraphim thành Sarov sinh năm 1754 và qua đời năm 1833.
Sau cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha, Đức Tổng Giám Mục Hilarion đã được Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh tiếp kiến.
Thông cáo do Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đưa ra sau đó cho biết:
“Hai vị đã tập trung vào tình hình của các Kitô hữu tại Trung Đông và Bắc Phi đang đau khổ dưới bàn tay của những kẻ khủng bố. Đức Tổng Giám Mục Hilarion và Đức Hồng Y Pietro Parolin xem tình hình này là rất khó khăn, nhưng hy vọng các cuộc đàm phán giữa các quan chức cấp cao của Nga và Mỹ sẽ mang lại những hoa trái tốt.”
12. Kỷ niệm 200 năm đoàn Hiến Binh Vatican
Hôm Chúa Nhật 18 tháng 9, Đức Thánh Cha đã dâng lễ cầu nguyện cho lực lượng an ninh Vatican và bày tỏ lòng tri ân vì công việc cảnh báo chống tội phạm không mệt mỏi của họ. Chúa Nhật 18 tháng 9 cũng là dịp kỷ niệm 200 năm đoàn Hiến Binh Vatican.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài trên bài đọc trong ngày trích từ sách tiên tri Amos về 3 loại người khác nhau: những kẻ khai thác, quân lừa đảo và những người trung thành.
“Quân lừa đảo yêu thích những mánh khoé và ghét sự trung thực. Những kẻ gian trá này yêu thích hối lộ, và những thỏa thuận được thực hiện trong bóng tối. Điều này tồi tệ hơn bất cứ thứ gì khác, vì hắn tin rằng hắn đang trung thực.”
Và Đức Thánh Cha chỉ ra rằng kẻ lừa đảo “chà đạp lên người nghèo” mà chẳng hề quan tâm hay nghĩ đến những hậu quả do các hành động của mình gây ra.
Đức Thánh Cha cũng nói đến tình trạng nhiều người trong thế giới ngày nay có “các ngành công nghiệp lớn thu hút cơ man những lao động nô lệ” và nhận xét một cách cay đắng rằng “trong thế giới ngày nay lao động nô lệ đã trở thành một phong cách quản lý.”
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng trình bày các suy tư của ngài về hình ảnh của người trung thành, là người đã được Chúa Giêsu mô tả là “một con người cầu nguyện, trong hai ý nghĩa: Thứ nhất người ấy cầu nguyện cho những người khác, và thứ hai là người ấy tin tưởng vào lời cầu nguyện của những người khác cho mình.”
Đức Thánh Cha nói với những người hiện diện rằng trách nhiệm của họ là phục vụ những người khác bằng cách chiến đấu chống lại “những trò lừa đảo, những kẻ gian, và những kẻ khai thác”.
Nhận định rằng trách nhiệm của các hiến binh là để bảo vệ sự trung thực Đức Thánh Cha nói: “Tôi cảm ơn các anh em vì sự phục vụ trong hai trăm năm qua, và tôi cầu chúc cho tất cả anh em được xã hội của thành phố Vatican, Tòa Thánh, từ người thấp nhất đến người cao nhất, nhìn nhận sứ vụ của anh em”.
Đoàn hiến binh Vatican là lực lượng liên tục giám sát an ninh của thành phố Vatican và các khu vực bên ngoài thuộc về Tòa Thánh. Đoàn hiến binh bảo đảm sự an toàn của những nơi này, duy trì trật tự công cộng, và các công trình nhằm ngăn ngừa và chặn đứng các tội phạm. Bên cạnh đó họ còn thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát tư pháp và biên phòng.
Đức Thánh Cha Piô Đệ Thất đã thành lập lực lượng này vào năm 1816 sau khi Hội nghị Vienna dẫn đến sự phục hồi quốc gia Đức Giáo Hoàng.
13. Tự sắc của Đức Thánh Cha thay đổi bộ Giáo Luật cho hài hòa với các Giáo Hội Đông Phương
Trong tự sắc được công bố hôm thứ Năm 15 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã sửa đổi bộ Giáo Luật của Giáo Hội Công Giáo Rôma nhằm hài hòa với giáo luật dành cho các Giáo Hội Công Giáo Đông phương.
Các thay đổi trong bộ Giáo Luật là kết quả của 15 năm nghiên cứu nhằm loại bỏ những xung khắc giữa các thực hành bí tích trong Giáo Hội Công Giáo nghi lễ La-tinh và trong các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương.
Đức Cha Juan Ignacio Arrieta, tổng thư ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Bản Luật giải thích rằng các thay đổi này là cần thiết trước sự gia tăng đông đảo những thành viên của các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương sống trong các khu vực nghi thức La-tinh chiếm ưu thế. Các thay đổi trong tự sắc của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng phản ảnh các mối quan hệ chặt chẽ giữa các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương và các Giáo Hội Chính Thống.
Những thay đổi chính được Đức Thánh Cha chấp thuận là:
- Các phó tế nghi lễ La-tinh từ nay không thể chủ sự một lễ cưới trong đó có một bên là thành viên của một Giáo Hội Đông Phương, vì các Giáo Hội Đông Phương đòi hỏi một lễ cưới như thế phải được thực hiện bởi một linh mục.
- Tại thời điểm kết hôn, một người Công Giáo nghi lễ La-tinh có thể chọn để trở thành một thành viên của Giáo Hội Công Giáo Đông phương của người phối ngẫu. Đương sự có thể trở về với Giáo Hội nghi lễ La-tinh khi cuộc hôn nhân kết thúc.
- Khi trẻ em được sinh ra trong một cuộc hôn nhân giữa một người thuộc nghi lễ La-tinh và người phối ngẫu thuộc nghi lễ Đông phương, hai vợ chồng có thể lựa chọn cho con mình là thành viên của nghi lễ nào cũng được. Nếu có sự bất đồng, thì ý muốn của người cha có tính chất quyết định. Các em có thể tự do lựa chọn theo nghi thức riêng của mình khi đến tuổi trưởng thành.
- Những người Công Giáo thuộc một nghi lễ có thể nhận lãnh các bí tích trong một Giáo Hội Công Giáo theo nghi thức khác; khi làm như thế họ không tự động trở thành một thành viên chính thức của nghi thức này.
- Khi một người Công Giáo nghi lễ Đông phương được rửa tội trong nhà thờ theo nghi thức La-tinh, hồ sơ rửa tội của họ vẫn ghi nhận họ là thành viên của Giáo Hội Đông phương.
- Các Giám mục Công Giáo nghi lễ La-tinh có thể ban thẩm quyền cho các linh mục của mình cử hành lễ cưới cho các cặp vợ chồng Chính Thống, nếu cặp vợ chồng này “đồng thanh yêu cầu như thế” – với giả định là không có linh mục Chính thống trong vùng.
- Các Linh mục nghi lễ La-tinh có thể ban phép rửa tội cho các trẻ em có cha mẹ là các tín hữu Chính Thống - với giả định là không có linh mục Chính thống trong vùng – và với nhận thức rằng hồ sơ rửa tội vẫn ghi nhận họ là thành viên của Giáo Hội Chính Thống.
14. Đức Thánh Cha kêu gọi bảo vệ phẩm giá con người
Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 15 tháng 9, dành cho 150 thành viên Hiệp Hội Kinh Thánh Italia, Đức Thánh Cha kêu gọi bảo vệ phẩm giá con người chống lại nhiều thứ đe dọa.
Hiệp hội nhóm họp nhân dịp Tuần lễ toàn quốc Italia về Kinh Thánh, với chủ đề: “Chúng ta hãy tạo dựng con người .. nam và nữ: những đặc tính của nam - nữ trong Kinh Thánh”.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng “phẩm giá Thiên Chúa ban cho con người chúng ta có thể bị suy thoái, con người có thể tự làm băng hoại nhân phẩm của mình. Điều này xảy ra khi chúng ta thương lượng về phẩm giá, khi chúng ta thờ thần tượng, khi chúng ta dành chỗ cho kinh nghiệm về thần tượng trong con tim chúng ta. Trong cuộc Xuất Hành ra khỏi Ai Cập, khi dân mệt mọi vì Ông Môisê chậm xuống khỏi núi, họ bị ma quỉ cám dỗ và đã kiến tạo một thần tượng (Xc Xh 32). Thần tượng đó bằng vàng: điều này làm ta nghĩ đến sức thu hút của giàu sang, nghĩ đến sự kiện con người đánh mất phẩm giá của mình khi trong tâm hồn họ, của cải giàu sang chiếm chỗ của Thiên Chúa”.
15. Chương trình Đức Thánh Cha viếng thăm Georgia và Azerbaigian
Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Cộng hòa Georgia và Azerbaigian từ ngày 30-9 đến 2-10 tới đây.
Ngài sẽ rời Roma lúc 9 giờ sáng thứ sáu, 30-9, và bay đến thủ đô Tbilisi của Georgia lúc 3 giờ chiều giờ địa phương.
Sau nghi thức tiếp đón, ngài sẽ về phủ tổng thống để gặp gỡ chính quyền, cùng với các đại diện thành phần xã hội và ngoại giao đoàn.
Tiếp đến, lúc gần 5 giờ chiều, Đức Thánh Cha sẽ gặp Đức Thượng Phụ Ilia II, Giáo Chủ Chính Thống Georgia, trước khi gặp gỡ cộng đoàn tín hữu Assiro-Canđê vào lúc 6 giờ chiều tại Nhà thờ Công Giáo Canđê thánh Simon Bar Bassae.
- Thứ bẩy, 1-10, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ lúc 10 giờ tại sân thể thao Meskhi cho các tín hữu. Ban chiều cùng ngày, lúc gần 4 giờ, ngài sẽ gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và các nhân viên mục vụ tại Nhà thờ Đức Mẹ Mông Triệu, rồi gặp những người được các nhân viên từ thiện của Giáo Hội giúp đỡ, tại khuôn viên trước trung tâm từ thiện của các tu sĩ dòng thánh Camilliano.
Sau cùng, lúc quá 6 giờ, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Nhà thờ chính tòa Thượng Phụ Svetutskhoveli ở Mtsckheta .
- Sáng Chúa Nhật 2-10, Đức Thánh Cha sẽ giã từ Georgia vào lúc 8 giờ 10, để bay sang thủ đô Baku của Cộng hòa Azerbaigian. Sau nghi thức tiếp đón đơn sơ tại phi trường, lúc 10 giờ rưỡi, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm ở trung tâm của dòng Don Bosco cũng ở thủ đô Baku rồi dùng bữa trưa với Cộng đoàn dòng này.
Ban chiều vào lúc 3 giờ rưỡi, sẽ có nghi thức chào đón chính thức dành cho Đức Thánh Cha tại Phủ Tổng Thống Azerbaigian. Sau đó ngài viếng thăm đài tưởng niệm chiến sĩ đã chết cho nền độc lập của nước này, trước khi gặp gỡ chính quyền tại trung tâm Heydar Aliyev. Đức Thánh Cha cũng sẽ gặp riêng với vị Thủ lãnh Hồi giáo miền Caucase tại Đền thờ Heydar Aliyev, trước khi tham dự cuộc gặp gỡ liên tôn vào lúc 6 giờ chiều, cùng với đại diện các cộng đoàn tôn giáo tại Azerbaigian.
Sau đó, Đức Thánh Cha sẽ ra phi trường để đáp máy bay lúc quá 7 giờ chiều trở về Roma, dự kiến ngài sẽ đến phi trường Ciampino vào lúc 10 giờ tối.
Trong số gần 5 triệu dân tại Georgia, 84% là tín hữu Chính Thống, 10% theo Hồi giáo, chỉ có 0,8% là tín hữu Công Giáo.
Tại Azerbaigian chỉ có 560 tín hữu Công Giáo trên tổng số 9 triệu 500 ngàn dân cư, hầu hết theo Hồi giáo. Các tín hữu họp thành một phủ doãn tông tòa do cha Vladimir Fekete dòng Don Bosco coi sóc với sự cộng tác của 7 linh mục dòng, 10 tu huynh và 5 nữ tu.
16. Đức Thánh Cha và các Hồng Y cứu xét việc bổ nhiệm Giám Mục
Đức Thánh Cha và Hội đồng 9 Hồng Y Cố vấn tiếp tục cứu xét các đức tính và khả năng về linh đạo và mục vụ cần thiết cho một Giám Mục.
Thông cáo do Phòng báo chí Tòa Thánh phổ biến hôm 14-9, sau 3 ngày nhóm họp của Đức Thánh Cha với các Hồng Y cố vấn, cho biết trong khóa hop các vị cũng cứu xét hoạt động của ngành ngoại giao Tòa Thánh và việc huấn luyện bổ nhiệm các vị Sứ thần Tòa Thánh.
Các vấn đề trên đây đã được Đức Thánh Cha và các Hồng Y Cố vấn đề cập đến trong phiên họp hồi tháng 4 năm nay, và đã cứu xét bản câu hỏi thường được các vị Sứ thần hoặc Khâm Sứ Tòa Thánh gửi đến các Giám Mục, linh mục, và những người khác để tham khảo ý kiến ứng viên Giám Mục. Các vị đại diện Tòa Thánh thẩm định các câu trả lời và gửi về Bộ Giám Mục hoặc Bộ truyền giáo, để cứu xét và đề nghị tên ứng viên lên Đức Thánh Cha để ngài bổ nhiệm.
Trong khóa họp vừa qua, Đức Hồng Y Marc Ouellet, người Canada, Tổng trưởng Bộ Giám Mục, đã trình bày công việc của Bộ và Ủy ban Tòa Thánh về Mỹ châu la tinh, do ngài làm chủ tịch. Ngoài ra, Đức Thánh Cha và các Hồng Y cố vấn cứu thảo luận về công việc của Bộ giáo sĩ, Bộ giáo dục Công Giáo và Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô.
Sau cùng khóa họp kết thúc với một nghiên cứu về đặc tính phục vụ của công lý, hoạt động cho công lý như một dịch vụ được động lực tôn giáo thúc đẩy.
Khóa họp thứ 17 của Hội đồng 9 Hồng Y Cố vấn được ấn định từ ngày 12 đến 14-12 năm nay.