chuyện phiếm: CHUYỆN LÀNG ĐẦU NĂM



Làng nhậu An Lạc của tôi đã trên 20 tuổi nên nhiều sinh hoạt đã trở thành nếp cũ. Như tiệc cúng Ông Táo và tiệc tân niên bao giờ cũng vào tay ông Từ Hoè, tiệc Lễ Tạ Ơn bao giờ cũng vào tay Cụ Chánh, tiệc lễ quốc khánh Canada bao giờ cũng vào tay anh John và Chị Ba Biên Hòa...

Năm nay Ông Từ Hoè, hội viên viễn cư về làng ăn tết, gặp hai hội viên mới là Cao Xuân và Tôn Nữ thì vui lắm. Hai mệ Huế này được xem ông Từ Hoè nấu ăn thì mê ông như chết. Mà không mê sao được khi xem ông nấu món canh măng và cá nuớng trui trong tiệc tân niên tuần qua rất tài tình điệu nghệ. Rất dã chiến mà lại ngon kinh khủng mới đáng nể chứ.

Tôi là người thích nấu ăn nên xin làm chân phụ bếp để học hỏi. Ông làm món cá nướng trui trước, khi cá đã bỏ vào lò thì ông mới nấu món canh măng. Hai cô Huế tình nguyện đứng bên để xin được ông sai vặt. Ông liền nhờ hai cô luộc bún và rửa các rau thơm rồi bày ra bàn. Ông gốc nhà binh nên làm cái gì cũng rất lẹ. Ông bảo đã hành quân thì phải tốc chiến tốc thắng.

Ông mua con cá chép, mổ bụng, bóc mang, rửa sạch rồi ngâm với nước muối cho săn thịt. Ông làm gia vị hành tỏi tiêu đường sẵn. Rồi ông vớt cá, ướp gia vị, bọc lá chuối trong, giấy bạc ngoài. Ông bỏ lò. Trong khi chờ cá chín thì ông pha mắm nêm. Ông cho vào cái máy xay sinh tố nào dứa hộp nào tỏi nào ớt nào đường nào nước dứa nào nước sôi. Rồi mắm nêm đổ vào. Vặn máy rẹt một cái là xong. Lại còn canh măng nữa. Cái này thì dễ thôi. Hộp măng trắng, ông xắt lát, nước măng nấu chung với nước xúp gà. Canh sôi thì ông thả măng và thịt cua vào. Rồi bột năng, rồi trứng gà khuấy đều. Nêm chút tiêu chút nước mắm, bột ngọt. Lại rẹt một cái nữa. Xong hết.

Cả làng vội vã vào bàn. Sau canh măng thì món cá nướng trong lò vừa chín tới. Cái ông Từ Hoè này tính giờ thật đúng. Phục ông qúa. Món cá nướng trui phải ăn nóng nha. Cuốn với bún, các loại rau thơm, rồi chấm mắm nêm, sao mà nó ngon làm vậy ! Như nó mang quê hương vào lòng, các cụ ơi.

Trong bữa tiệc đầu năm mới này có một thực khách ăn mắm nêm rất say sưa, các cụ có đoán được là ai không ? Chắc nhiều cụ đoán là Chị Ba Biên Hoà, phải không ạ ? Thưa, không phải. Chị là người Nam nên ăn say sưa mắm nêm là chuyện đương nhiên. Người mà tôi vừa đố các cụ, đó là anh John. Lấy vợ Nam Kỳ, anh mê mắm nêm, chơi với bọn tôi Bắc Kỳ, anh mê mắm tôm. Phục anh qúa. Tôi nhớ năm xưa khi thấy anh ăn cơm với cà ghém chấm mắm tôm một cách ngon lành thì Cụ B.95 sửng sốt vô cùng. Cụ bảo từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa hề thấy sự lạ như vậy.

Biết mọi người có vẻ nể phục, anh cười hi hi rồi nói như đọc một bài diễn thuyết : Ta phải sống văn hoá mà. Ẩm thực là một nét văn hoá. Ăn cho trúng cách mới là sống đúng văn hoá. Bánh chưng phải chấm mật, cà pháo phải chấm mắm tôm, cá nướng trui phải chấm mắm nêm, thế mới là văn hóa VN. Cũng như ngày lễ Tạ Ơn ở Canada ta phải ăn gà tây với khoai nghiền chan nước sốt trái cranberry. Có nhiều món khoai tây, như khoai chiên dòn / French fries, như khoai sợi áp chảo / Harsh brown, như khoai nướng bỏ lò / baked, như khoai nghiền / marshed potato. Tiệc ngày lễ Tạ Ơn thì phải là khoai nghiền, thế mới đúng văn hoá ở đây.

Vì là bữa ăn từ giã ông Từ Hoè nên dân làng đều chờ nghe ông nói chuyện. Ông khen anh John đã nói quá hay về văn hóa ẩm thực. Rằng không những ta phải sống đúng văn hóa mà còn phải phát triển và truyền bá văn hóa VN nữa. Chú Paul em tôi ở miền tây vừa điện thoại cho biết là bây giờ vợ chồng chú nổi tiếng về nấu ăn ngon. Các cụ còn nhớ chú Paul em kết nghĩa của ông Từ Hoè chứ ? Cái ông chính uỷ VC đã mở mắt đã bỏ đảng và đã vượt biên theo ông Tứ Hoè ấy mà. Cái ông đã nhập đạo Công Giáo và mang tên Paul ấy mà. Cái ông tình nguyện làm bữa ăn sáng cho các người homeless ngủ đêm ở nhà thờ ấy mà. Vì ông cho họ ăn bánh mì thịt VN, ăn xôi VN, thay vì bánh mì trét bơ, nên bây giờ họ mê luôn món ăn VN. Chú Paul đang mong ông Từ Hoè về sớm để giúp vợ chồng chú một tay trong việc phục vụ những người vô gia cư này.

Rồi ông xin hỏi làng : Năm nay năm con heo, tiếng Heo là tiếng miền Nam, ngoài Bắc tên nó là con Lợn. Thế nhưng tại sao miền Bắc lại có câu ‘ Nói toạc móng heo’ mà không nói ‘nói toạc móng lợn’? Còn trong Nam có ‘ Bánh da lợn’. Người Nam phải nói ‘bánh da heo’ mới trúng chứ ! Tại sao vậy ?

Năm con heo, ôngTừ Hoè hỏi về heo mà cả làng không ai đáp được. Kỳ ha.

Chúng tôi đang mải mê nghe ông Từ Hoè nói chuyện thì trong bếp cụ B.95 nói lớn ‘thôi rồi’. Cả làng nhìn vào bếp. Anh John không hiểu gì cả, liền hỏi ‘thôi rồi’ nghĩa là gì ? Cả làng ngơ ngác. Lâu lắm rồi tôi mới được nghe tiếng ‘thôi rồi’ rất Bắc Kỳ này. Các cụ còn nhớ tiếng Bắc Kỳ này nghĩa là gì và được thốt lên lúc nào không ? Bồ chữ ODP chạy vào bếp xem sự cố rồi quay ra vừa cười vừa giải thích cho anh John : khi chúng ta đang làm một việc gì đó mà tự nhiên có sự hư hỏng bất ngờ xảy ra, như đang rửa cái ly mà cái ly tự nhiên bể, như đang uốn cong một cây que mà cây que gẫy, thì người Bắc kỳ tự nhiên thốt lên ‘thôi rồi !’. Bữa nay Cụ B.95 đang một pha ly cà phê đặc biệt cốt để đãi ông Từ Hoè thì tự nhiên cái ly bị nứt.

Anh John lên tiếng ngay : Tôi học tiếng Bắc với các bác từ khi gia nhập làng, dễ hơn hai chục năm, thế mà vẫn chưa học hết được ngôn ngữ Bắc kỳ, nhất là ngôn ngữ của Cụ B.95. Cụ B.95 nghe anh nhắc tới tên thì thích lắm, hỏi anh ngay : thế từ năm 1995 tôi bỏ Hà Nội sang thẳng đây đến giờ, anh học thêm được những tiếng nào rồi ? Anh đáp : Cháu học được nhiều tiếng mới lắm. Nhưng cái tiếng mà cháu thích nhất là tiếng ‘CƠ’ở cuối câu, như cụ thường nói ‘lão thích nhiều thứ lắm cơ’... Ở Canada này có mấy cô gốc Bắc Kỳ thường nhỏ nhẹ nói tiếng CƠ ở cuối câu, ui chao, tôi nghe mà sao thấy nó nũng nịu và dễ thương qúa sức làm vậy !

Ông ODP góp chuyện : Tôi có người em mới đi VN về. Nó kể : bây giờ nhiều thiếu nữ Hà Nội hết còn giọng tiểu thư nũng nịu mà là giọng lơ lớ pha trộn âm sắc Thanh Nghệ Tĩnh, hết còn ‘cơ’ ma thay vào đó là tiếng chửi thề. Rồi ông cười hà hà : Lý do Hà nội không còn nói ‘cơ’ vì Cụ B.95 đã mang theo hết ‘Cơ’của Hà Nội ngàn năm văn vật sang Canada mất rồi.

Cụ B.95 tỏ ra sung sướng qúa sức và cho rằng anh kiếp trước phải là người VN. Anh John này cũng lém lỉnh lắm. Anh nói ngay : Có lẽ kiếp trước cháu là người VN thật, nên kiếp này cháu mới lấy vợ VN và vừa mê vợ vừa mê tiếng VN, vừa mê mắm nêm mám tôm, cho nó tròn đầy một kiếp. Anh này ứng đối giỏi thế đấy các cụ ạ.

Cô Huế Cao Xuân không cho anh John nói nữa vì cô muốn nghe ông Từ Hoè thần tượng của cô nói cơ. Ông Từ Hoè đang uống rượu, liền tủm tỉm cười rồi đáp : Tôi có hàng bồ chuyện, nói cả đêm không hết, vậy biết nói chi chừ ? Các cụ đã thấy ông Từ Hoè nói tiếng Huế chưa ? Đặc giọng Huế nha. Ngày xưa ông đã một thời đóng quân ở Huế mà.Ông nhìn ly rượu trong tay rồi cười hà hà : Xin nói về rượu. Người xưa ví rượu giống như đàn bà, rượu có đủ vị chua chát cay ngọt, rượu có vị thơm, và rượu đặm đà hơn lên với thời gian. Cô có đồng ý đàn bà giống rượu về những mặt ấy không nào ? Cô Huế đỏ hồng đôi má vì biết ông Từ Hoè nói trêu. Cô xin ông bỏ chuyện rượu để nói sang chuyện khác, chuyện vui cơ. Ông liền chiều ngay, ông là bồ chữ mà. Ông nói sang câu đối tết.

Ông bảo ngày xưa quê mình nhiều người nghèo quá. Van nợ lắm khi trào nước mắt / chạy ăn từng bữa toát mồ hôi / Một phường rách rưới con như bố... Nghèo sinh ra đói ra rách. Nghèo đến độ không dám nghĩ tới tết. Hình như Cụ Nguyễn Khuyến đã viết như thế này :

Tối ba mươi, nghe tiếng pháo nổ đùng, ờ ớ tết

Sáng mồng Một, đụng cây nêu cái cộc, á à xuân

Chỉ hai câu mà vẽ ra được một hàn sĩ cố tình quên, cố tình trốn tết mà vẫn gặp tết. Tội qúa chứ. Nhưng đấy là chuyện cha ông ta ngày xưa, chứ con cháu các cụ ngày nay ở hải ngoại này thì không một ai lâm cảnh đói rách cả. Trong ngôn ngữ Canada không có tiếng ‘đói rách’. Ai đói thì đến trung tâm ‘Food Centre’ là có ăn ngay. Còn rách thì tôi chưa hề thấy ai mặc áo rách hay áo vá bao giờ ! Canada là nước thiên đàng mà.

Ông Từ Hoè ngưng diễn thuyết, ông uống một hớp rượu rồi nhìn mọi người. Ý ông muốn xin ngưng diễn văn. A, tôi phải nóí về cái nghệ thuật uống rươu của ông ở đây. Theo ông thì ta không nên uống rượu ừng ực. Nó phí rượu đi. Phải nhâm nhi. Phải cho con mắt thấy được cái màu rượu óng ánh, cho mũi ngửi thấy mùi rượu thơm tho, cho toàn thể cái lưỡi thấm được cái vị ngọt vị cay vị chát, thế mới là biết uống. Có nhâm nhi như vậy ta mới thấy được cái mùi tuy là mùi nho nhưng có trộn lẫn chất cam chất quýt, có pha chút hương thơm của hoa bưởi hoa hồng. Ông đúng là người biết uống rượu.

Rồi ông bồ chữ Từ Hòe mời ông bồ chữ ODP nói chuyện. Lúc này ông ODP mới lên tiếng. Ông xin được nói chuyện nghiêm trang một tí, nói để chia sẻ với cả làng những gì lâu nay ông mang trong đầu. Rằng lúc nãy anh John có nói tới câu chúc của người Tàu ‘ ‘nhất bản vạn lợi’, buôn một mà lời một vạn. Nghe thì có vẻ lố nhưng nhiều lúc ta thấy họ buôn bán có ‘vạn lợi’ thật. Nhiều kinh tế gia cho rằng thế kỷ 21 này là thế kỷ bành trướng của Trung Quốc. Nhiều dấu hiệu đã cho thấy con cọp đang thức dậy. Ngày xưa, thế kỷ 18, Hoàng đế Napoléon đã nhìn thấy con cọp này. Ông bảo ‘ Khi nước Tàu thức giấc thì cả thế giới sẽ rung chuyển / Quand la Chine s’éveille, le monde tremblera ‘. Hồi đó thiên hạ cho rằng ông vua Pháp này nói mê. Nay thì mới thấy ông vua xứ Pháp là một nhà tiên tri. Năm 1973, Alain Peyrefitte, một tổng trưởng trong nội các của De Gaulle, đã lấy ý từ lời Napoléon viết cuốn sách nổi tiếng ‘ Quand la Chine s’éveillera’. Trong sách tác giả bảo : Đúng vậy, con cọp Trung Hoa đang chỗi dậy... Rồi ngay gần đây, năm 2005, Erik Izraelewicz của nhật báo Les Echos bên Pháp, viết cuốn ‘ Quand la Chine change le monde ‘, cũng nói về con cọp của Napoléon đã thức dậy rồi... Có một điều lạ là các nhà kinh tế thế giới nhìn thấy con rồng khổng lồ Trung Hoa đang chỗi dậy mà ít la lớn tiếng bằng các miêu duệ của Vua Napoléon.

Bà Cụ B.95 nghe chuyện con cọp Trung Hoa mà không hiểu bao nhiêu. Bà lại lên tiếng. Bà xin kể chuyện gì thấp thấp và dễ hiểu. Ông ODP cười ha ha rồi nói ngay : Chuyện dễ thấy nhất là chuyện Canada tự nhiên bị cơn bão tuyết từ Bắc cực thổi xuống và từ Hoa Kỳ thổi lên, cả nước như nằm trong hầm đá. Khí hậu xưa nay hiền lành như Toronto mà tuần qua có đêm nhiệt biểu đã xuống tới 35 độ âm. Rồi ông lại cười ha ha: Nhân cái lạnh kinh khủng này mà trên nhật báo sáng nay có câu chuyện tiếu lâm : Một ông Canada ở vùng giáp bắc cực gặp một ông Mỹ xứ dầu Texas trong quán rượu. Ông Canada than : Ui chao, sao mà cái lạnh xứ này nó lạnh tàn canh. Có đêm tôi thức dậy đi đái, đái xong nhìn xuống thì nước tiểu đã đông lại thành một que đá. Ông Texas đáp : Còn xứ Texas của tôi trời nóng như lò lửa, nhiều hôm tôi ra vắt sữa bò, vắt một lúc khi nhìn xuống cái thùng thì không thấy sữa nước mà là thùng sưã bột !

Sáng nay tôi đọc báo thì thấy thiên hạ bàn về cái lạnh rất khác nhau. Ở tỉnh bang Ontario này có một con chuột bạch nổi tiếng ở miền Wiarton. Tên nó là Wiarton Willie. Theo thông lệ, cứ giữa mùa đông, họ đem nó ra ngoài trời vào một ngày có nắng. Nếu không trông thấy bóng của nó thì năm đó mùa đông sẽ rất ngắn. Hôm qua chủ nó là Jim Mitchell đã đem nó ra, và ông không hề trông thấy cái bóng của nó dưới ánh mặt trời. Ông Mitchell cười lớn và bảo : Bà con ơi, sắp hết lạnh rồi ! Thế nhưng nhà tiên đoán thời tiết uy tín, ông John Gresiak, lại nói : Năm nay cơn lạnh tới trễ thì nó sẽ đi cũng trễ. Có nghĩa là mùa đông còn dài lắm bà con ơi ! Tin ai bây giơ đây ?

Anh John xin nói tiếp : nhân năm mới là năm con Heo, cháu đố các cụ : Con heo có dính dáng gì tới lịch sử Canada không ?

Cả làng nhìn bồ chữ ODP, nhưng bồ chữ lắc đầu. Thế là cả làng chịu thua. Anh John liền kể rằng năm 1859 Canada và Hoa Kỳ xém đánh nhau vì con heo. Số là các tỉnh miền đông Canada trồng được các loại khoai tây rất ngon. Vì biên giới giữa Hoa Kỳ và Canada không có hàng rào ngăn và các trại nuôi heo bên Hoa Kỳ thường thả heo chạy rông, nên heo Hoa Kỳ đã tràn qua biên giới và sang các vườn khoai Canada nhậu thoải mái. Dân Canada thấy vườn khoai bị tàn phá nên đã đem súng ra bắn heo Hoa Kỳ. Hai bên cãi qua cãi lại. Sách còn ghi câu này : ‘ Keep your pigs out of my potatoes !’, diễn nôm là : Nè, mấy anh không được để đàn heo của mấy anh phá vườn khoai của tui nghe’. May mà các nhà chính trị hai bên thời đó đã kịp thời giảng hoà việc heo Mỹ ăn khoai tây Canada này.

Anh John là người chính gốc Canada mà kể thì phải hiểu chuyện này có thật. Anh không bao giờ nói láo. Chuyện heo Hoa Kỳ thì tôi không rõ bao nhiêu nhưng chuyện khoai tây của miền đông Canada ngon thì có thật. Ngon lắm các cụ ạ. Khoai miền này vẫn xuất cảng sang Hoa Kỳ. Các cụ đi chợ mà thấy bao khoai tây đề gốc Canada thì nhớ mua ăn cho biết. Khoai được trồng ở đất địa đàng Canada nên nó thơm ngon qúa sức.

Nhân nói tới heo, ông H.O.bèn đem ra kể chuyện thiền sư Thích Nhất Hạnh và tăng đoàn làng Mai bên Pháp sẽ về VN vào đầu năm heo này để mở 3 trai đàn cầu siêu cho những người đã chết trong cuộc chiến. Ông cho biết là dư luận rất xôn xao. Tại sao việc cầu siêu này không do Giáo Hội PGVNTN chủ trì mà lại do một tăng đoàn hải ngoại về làm? Không khí làng tôi tự nhiên xôn xao hẳn lên. Người hoan hô, người không hoan hô. Mãi rồi Cụ Chánh phải giơ tay xin phát biểu : Muốn cho vong linh các người nằm xuống được siêu thoát và lòng người còn sống được thanh thỏa thì không cần thầy Nhất Hạnh. Người phải đứng ra làm việc này là chính phủ CS hiện nay. Họ đã gây ra nhiều tội ác. Họ giết dân trong Vụ cải cách ruộng đất, vụ án Nhân Văn Giai Phẩm. Họ đã đẩy đồng bào miền Bắc vào giết đồng bào miền Nam... Họ phải đứng ra nhận tội và những sai lầm đã phạm. Họ phải theo gương can đảm của tổng thống Jaruzelski của chính quyền CS Ba Lan khi xưa. CS Hà Nội thường kêu gào hoà hợp hòa giải. Hoà giải không phải giữa dân Bắc và dân Nam, mà là hòa giải giữa đảng CSVN và nhân dân VN. Anh đánh người ta xong rồi bắt người ta phải qùy xuống xin được bắt tay làm hòa với anh sao ? Anh phải quỳ xuống, lên tiếng nhận lỗi và xin lỗi trước chứ. Cầu xin tổ tiên cho người CSVN được sáng mắt sáng lòng về việc quan trọng này.

Các cụ còn nhớ chuyện Ba Lan chứ. Hồi năm 1989 khi chính quyền CS thấy lòng dân đã phẫn nộ cực điểm thì tổng thống CS lúc đó là tướng Jaruzelski đã công khai lên tiếng xin lỗi nhân dân Ba Lan về những đau khổ và bất công mà họ đã phải chịu dưới chế độ CS, ông công khai xác nhận những sai lầm của chế độ CS, ông xin nhân dân tha thứ, và xin tổ chức bầu cử tự do. Lãnh tụ Lech Walesa của Phong trào Solidarity đã đắc cử tổng thống năm 1990. Ông đã đưa dân Ba Lan ra khỏi chế độ CS và đi vào trang sử mới, huy hoàng như ngày nay.

Rồi tiếp theo là khối CS Nga tan hàng. Ngày 13 tháng 3, 1990, quốc hội Liên Xô, bằng 1771 phiếu thuận, 164 phiếu chống, đã hủy điều 6 của hiến pháp, từ nay đảng CS không còn độc quyền lãnh đạo quốc gia, quyền mà Đảng đã nắm trong suốt 72 năm trời. Bao giờ thì CSVN tỉnh mộng đây? Nhiều người cho rằng họ tỉnh rồi nhưng không dám bỏ vì ở thế cỡi cọp mất rồi.

Ông Từ Hoè lên tiếng : Chúng ta nên nhớ kỹ và truyền lại cho con cháu lời phát biểu của Ông Mikhail Gorbachev, cựu tổng thống Liên Xô ngày trước, nói trong buổi thuyết trình về đề tài ‘Nga Xô hiện tại và tương lai’ tại trường Columbia University ngày 2 tháng Giêng 2007 vừa qua. Ông Gorbachev nói thế này :“... Chế độ CS mà tôi đã mang cả đời ra phục vụ chỉ toàn là sự tuyên truyền. Và các cán bộ Đảng, trong đó có tôi, chỉ điều hành quốc gia bằng sự gian dối...” Ông Gorbachev, quyền uy số 1 của Liên Xô, đã tỉnh mộng, đã bước từ lò CS ra, ta phải tin lời ông nói chứ.

Thấy cả làng say mê nghe, nhất là hai cô Cao Xuân và Tôn Nữ, ông Từ Hoè nói tiếp : Tôi vừa nói tới ông CS Ba Lan tỉnh mộng, ông Nga Xô tỉnh mộng, xin nói tiếp về ông Trung Cộng. Chừng như ông CS phương bắc này cũng đang tỉnh mộng, tuy không ồn ào như ông Ba Lan hay ông Nga Xô, nhưng nhiều dấu hiệu cho ta thấy điềm lành. Xưa kia họ tôn sùng Bác Mao Trạch Đông, coi là quốc phụ. Nay thì Bác Mao đã lui vào bóng tối. Anh hùng Tôn Dật Tiên, linh hồn của Cách Mạng Tân Hợi 1911, xưa là quốc phụ của Trung hoa Dân Quốc, nay được Trung Cộng công khai xưng là quốc phụ trong buổi lễ mừng 140 năm ngày sinh nhật họ Tôn vừa qua. Buổi lễ tôn vinh này do chủ tịch Hồ Cẩm Đào chủ tọa. Cái gì đang xẩy ra vầy nè, các cụ ?

Nghe đến đây thì Chị Ba Biên Hòa kêu nhức đầu. Chị Ba xin nghe chuyện cười cơ. Chị bảo đầu năm mà cười như nắc nẻ thì sẽ hên trọn năm. Ông Từ Hoè gật đầu đồng ý ngay. Ông bảo tiếng cười rất cần thiết cho đời sống, một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ, đây là chân lý, ông bà mình đã nói thế từ lâu rồi. Ông cười khà khà : Bưã nay cho tôi đi vòng vo một chút. Tiếng cười ngoài việc là thang thuốc bổ nó còn mang dấu lịch sử đấy nha. Xưa nay sử một nước đều do chính quyền viết, loại sử này chỉ ghi những biến cố chính trị. Muốn tìm hiểu đới sống xã hội của dân gian thì phải tìm trong tiếng cười của dân gian. Tàu cai trị mình một ngàn năm mà tôi không hề thấy có chuyện tiếu lâm nào chửi Tàu. Tây cai trị mình 100 năm mà cũng không thấy chuyện tiếu lâm nào chửi Tây. Chỉ có ông VC cai trị mình chưa đầy 70 năm mà chuyện cười dân gian chửi VC nhiều vô cùng. Xin kể một chuyện trong tù cải tạo. Bữa đó có anh tù hỏi bạn : ai cũng có hai tai, hai mắt, hai lỗ mũi, hai tay, hai chân, tại sao chỉ có một miệng ? Anh tù kia trả lời ngay : lão quản giáo suốt ngày nói dài nói dốt nói dở, ai cũng muốn bịt tai. Ấy là hắn chỉ có một cái miệng, bây giờ nếu hắn có hai miệng thì tai bọn mình bị điếc hết !

Kể truyện tiếu lâm đỏ này xong, dân làng chưa kịp cười thì ông Từ Hòe đã đứng lên bắt tay mọi người để bay về miền Tây Canada phụ chú em thổi xôi nếp cho người homeless. Tôi nói với ông : Xin chào tạm biệt Abbé Pierre.

Các cụ biết Abbé Pierre chứ? Cái ông cha suốt đời tận tụy với người homeless bên Pháp ấy mà. Ông vừa cỡi hạc về trời. Cả nước Pháp đang thương tiếc ông. Chúng tôi đang định đặt thêm biệt danh cho ông Từ Hoè là Abbé Pierre, các cụ nghĩ sao ?