Ốc Mượn Hồn

Ốc Mượn Hồn, Nguyễn Trung Tây
Nửa đêm về sáng, chung cư Cây Dừa nổ tung với tiếng chân người đạp mạnh lên trên nền nhà rung rinh bầu không khí ẩm thấp sền sệt hơi thở. Âm ba của tiếng chân người chưa tan, tiếng chửi của người đàn ông âm giọng Bắc giận dữ vang lên,

— Khốn nạn! Cứ đứng ở đó mà son với phấn.

Tiếp theo tiếng chửi là tiếng cánh cửa đóng mạnh, rồi là tiếng máy xe khục khặc ho khan trong nhà để xe của khu chung cư. Tiếng máy xe Honda nhỏ dần nhỏ dần rồi biến mất trả lại bầu không khí yên tĩnh của khu chung cư.

Ở căn phòng bên cạnh tay phải, cô Nam Bình ngồi dậy, tay cuộn lại mớ tóc ngắn uốn cong nhuộm màu râu ngô, miệng làu bàu,

— Nhạc hiệu đài phát thanh của Chung cư Cây Dừa lại nổi lên! Thằng cha ni thiệt tình, sống ở Mỹ bao nhiêu lâu rồi mà còn y chang như kiểu nhà quê bên Việt Nam.

Ở căn phòng bên cạnh tay trái, Hưởng cũng vừa vùng dậy, miệng lẩm bẩm,

— Ông nội này phải gửi tới bệnh viện tâm thần chữa bệnh khùng. Đã làm thân Ốc, phận Ốc Mượn Hồn, vậy mà còn không biết thân biết phận. Chờ thêm một khoảng thời gian nữa, đợi có đủ số ốc, tui gửi ông này tới bà Đào cho bả ấy nấu món bún Ốc Mượn Hồn.

Trên lầu, vợ chồng Miêng cũng vừa mở mắt. Nhìn chồng, Phượng nói khe khẽ,

— Ông Ốc nhà mình nói chuyện với vợ nghe nó ngang phè, nặng nề cứ y như dùi đục chấm mắm tôm. Hên cho anh đó, anh mà cũng như vậy, em bỏ đi lấy chồng khác.

Miêng nhăn nhăn mặt, lấy tay bịt mũi,

— Cưng ơi, mặt thì đẹp mà sao miệng hôi quá, xúc miệng hộ tôi đi rồi muốn hù ai thì hù. Nước Mỹ này mới có bà thượng nghị sĩ Hillary Clinton thôi, chứ chưa có Nữ Tổng Thống.

Phượng đỏ mặt bĩu môi,

— Đừng có làm tàng! Ngửi miệng anh thử coi?

Vừa bỏ đi vô phòng tắm Phượng vừa nói,

— Em không hiểu tại sao chú Hưởng cứ hay gọi ông Ốc là Ốc Mượn Hồn. Rồi lâu lâu chú ấy còn nói dân của chung cư Cây Dừa đều là những con Ốc Mượn Hồn.

Miêng tiếp tục ngáp ngắn ngáp dài, đưa hai chân xuống giường, khua khua chân tìm đôi dép,

— Sao em không đi tìm ông Hưởng mà hỏi?

Dưới lầu, dì Năm cũng ngồi dậy,

— Vợ chồng nhà này, thằng chồng dáng bậm trợn vẻ lỗ mãng như tuồng rắn hổ, trong khi con vợ cũng mồm miệng không thua kém chi ai. Ta nói lâu lâu ông tơ se ra cũng được đúng ngay một cặp.

Mười phút sau, bên bàn ăn của quán Thanh Trì, trong khi Đào, cô chủ quán ăn đang cời than hồng cho bếp lửa thêm đỏ rực cháy sáng, dì Năm uống càfe bạc xỉu, tiếp tục câu chuyện dở dang về người đàn ông tên Ốc, biệt danh Ốc Mượn Hồn,

— Tui không hiểu làm sao mà tơ duyên se chỉ luồn kim đưa đẩy chú Ốc dính vào với cô Mém cho được? Con vợ nhìn thì đẹp như đào cải lương, mà thằng chồng thì ngược lại nhìn như phu xích lô. Thế mà lấy nhau được. Mà tui nghĩ hoài nghĩ mãi nhưng vẫn nghĩ không ra lý do tại sao chú Hưởng cứ gọi chú Ốc là Ốc Mượn Hồn? Ốc Vặn, Ốc Bưu, Ốc Hương, Ốc Sên, Ốc Sên Ma, ốc chi mà tui không rành, nhưng nặn óc mãi mà vẫn nghĩ không ra Ốc Mượn Hồn là con ốc chi.

Một chân chống lên ghế đưa ra những cái móng chân tô nước sơn màu đỏ thẫm, một tay đưa lên môi son đỏ nhạt điếu thuốc Kent trắng nhỏ xíu,

— Hơi đâu mà để ý lời nói tầm xàm của chú Hưởng. Tên của người ta là Ốc thì cứ gọi là Ốc đi. Tự nhiên ở đâu rớt xuống thêm hai chữ Mượn Hồn. Nghe ớn lạnh xương sống.

Cô Nam Bình rít vào hơi thuốc có vị the the, tiếp nối câu chuyện,

— Mà dì Năm nói đúng đó. Không biết ông Ốc hồi xưa có đạp xích lô, chém mướn hay không mà ăn nói cục cằn, tướng người lỗ mãng. Tui mà như cô Mém là tui bỏ từ mười kiếp trước. Chứ ai đâu cứ ngồi đó mà nghe chửi rủa như đầy tớ con ở. Đêm nào cũng vậy, chưa kịp mở mắt là đã nghe rầm rầm tiếng chân, rồi tiếng chửi thề. Có bữa giận quá, tui đã cầm điện thoại lên, tính gọi cảnh sát, nhưng lại ngại, dầu sao cũng là hàng xóm, tắt lửa tối đèn cũng còn có nhau.

Hưởng bật lửa, mồi điếu thuốc Marlboro đỏ, nhưng không trả lời câu hỏi của dì Năm, mà lại chĩa mũi dùi sang cô Nam Bình,

— Thôi đi cô ơi! Có nhiều bữa tối khuya cô mở nhạc Chế Linh Thanh Tuyền, “Rừng lá xanh xanh lối mòn chạy quanh”, rồi đổi sang hò Huế, “Chiều chiều bên bển Vân Lâu”. Đêm khuya tiếng nhạc dội xa tới phòng tui, nghe điếc con ráy. Vừa là chủ nhà, vừa là quản lý của chung cư mà tui chưa có hở miệng càm ràm một tiếng là may cho cô lắm rồi đó. Ở đó mà cô hăm he đòi kêu cảnh sát…

Hưởng hít sâu vào hơi thuốc,

— Nhưng mà thôi, bỏ chuyện đó đi. Hồi xưa lúc ông Ốc Mượn Hồn mới đặt chân tới khu chung cư của mình, tui cũng giống như dì Năm với cô Nam Bình, nhìn mặt ông Ốc là tui đã thấy không có cảm tình, bởi cái điệu bộ kên kên làm như ta đây ngon lắm. Mà dì Năm với cô Nam Bình ơi, ông Ốc Mượn Hồn không phải là dân phu xích lô hay là dân chém mướn đâu, nhưng có một thời đi làm dân phu chuyên nghề bốc vác ở bến cảng Hải Phòng. Hèn chi cái mặt nhăn nhăn nhìn như dân táo bón kinh niên.

Miêng góp chuyện,

— Hồi mới gặp anh Ốc, tôi cũng giống như chú Hưởng, không có mấy thiện cảm. Nhưng nhìn người đâu phải chỉ nhìn bề ngoài. Cũng như đọc sách mình đâu chỉ có đọc cái bìa rồi khen hay khen dở. Anh Ốc nhà mình coi vậy chứ mà chung tình lắm đó…

Hưởng cắt ngang lời của Miêng,

— Tui thì không có giống như ông giáo Miêng nhà mình, lúc nào cũng nhìn đời qua lăng kiếng màu hồng tình yêu. Tui thì thực tế hơn. Chung tình hay không thì không biết, chung tiền thì có tui…

Nhìn lửa than đang thổi tung những bọt bong bóng đẩy hơi nước nóng lên đổi màu trắng tinh của bột gạo sang màu trắng đục của bánh cuốn, Đào, chủ nhân nhà hàng Thanh Trì, chen vào, giọng Bắc thánh thót,

— Nói đến mới chợt nhớ. Em giai trưa hôm qua làm ăn có khấm khá hay không?

Hưởng lẩm bẩm,

— Quên đi tình yêu cũ đi bà Đào ơi! Nghĩ lại mà còn thấy tức. Sau khi chia bài ở sòng bài Caesar xong xuôi, tui lẹ làng thay quần áo, lái xe qua sòng bài Con Cò thử thời vận. Trước tiên là tui ghé vào quán rượu của sòng bài Con Cò, nơi cô Mém với cô Phượng đang làm việc gọi một ly rượu đỏ, uống cho hên, rồi tắp vào bàn Xì Dách liền. Mấy tiếng đầu tiên thì tui cũng on cũng off, lúc ăn lúc thua. Nhưng vận đỏ ào ào kéo tới, bài lên liên tục. Cái lật bài lên, hai mươi. Mọi người lắc đầu. Tới phiên tui, người đẹp Hải Phòng biết chi không, lật bài lên, một con Đầm một con Xì, không tin được. Cứ thế, bài cái cao, bài tui lại cao hơn một nước. Cái mười tám, tui mười chín. Cái hai mươi, tui hăm mốt. Đống chíp ngay trước mặt cứ thế xếp tầng lầu cao ngất. Nhìn đống tiền không thôi đã thấy sướng tê tê cả người. Vậy mà tự dưng ở đâu cõi dương thổi tới một bà Mỹ bụng bự to vượt ngực ào ào đi vào. Thấy đống chíp của tui cao như núi, bà ấy khoái chí ngồi xuống ngay bên cạnh. Thế là xong, tàn đời bạo chúa! Bài tui xuống dốc te tua, thê thảm. Biết chi không, lúc tui đứng dậy, bụng đói run lên mà trong túi không còn một xu teng. Rỗng tuếch! Nothing! Nada! Kẹt quá, tui phải tạt ngang qua khu nghĩa trang Việt Nam. Ngó ngang ngó ngửa không thấy ai, tui làm mặt lì, hốt đại mớ đồ cúng của cô hồn ăn lót lòng. Xui thì thôi!

Cô Nam Bình bĩu môi,

— Hên cho mi đó. Mới chỉ mất tiền chứ chưa mất nghiệp. Cho nên người ta mới nói ra ngõ gặp gái là như vậy đó, nói chi chú Hưởng đụng phải nguyên một bà bầu. Tui cũng bị dính một lần rồi cho nên tởn tới già. Nghĩ lại còn thấy sợ! Lần đó tui đụng một bà bầu Mễ, nhớ đời luôn. Vừa mới bước xuống xe là đụng hàng ngay lập tức. Nhận ra bà bầu xa xa là tui kiếm đường né né liền. Nhưng mà đúng là chạy trời không khỏi nắng, mình thì né, mà bà bầu ni thì cứ nhè tui mà bang bang nhắm tới mở miệng hỏi đường. Vậy là lúa! Bữa đó ngồi sơn được có mấy cái móng tay mà hỏng tới hỏng lui. Chưa hết, người ta nói trời đánh còn tránh miếng ăn, vậy mà ngay giờ ăn trưa, trong khi đang chuẩn bị bới cơm, tui nhận được lá thư bảo đảm của luật sư thông báo cho biết ông ấy đại diện cho một bà khách Mỹ hẹn sẽ gặp tôi tại tòa, bởi lần trước, không biết cô thợ mài dũa làm sao mà ngón chân cái của bà ni sưng to lên, mưng mủ làm độc. Tưởng vậy đã xong, ai dè cũng cùng ngày hôm đó, cô thợ chánh trong tiệm, gần một tuần rồi không thấy đi làm, gọi về nhà, nhưng không thấy ai nhấc điện thoại, đúng ngay ngày đụng hàng với bà bầu Mễ, tui mới khám phá ra ngựa chiến của tiệm đang làm ở tiệm móng tay Sài Gòn nằm cách tiệm của mình có mấy căn à, mới khai trương, đại hạ giá.

Cô Nam Bình thở dài,

— Thời bây giờ tình nghĩa là chuyện đầu môi trót lưỡi, thủy chung là chuyện cổ xưa tích cũ. Hồi cô thợ mới vô làm thì miệng lưỡi ngọt sớt như đường mía lau, “Chị Nam Bình ơi! Chồng em đang nằm trong bệnh viện, nặng lắm, không biết ung thư hay Aids nữa. Con em ba đứa, có thằng bị down syndrome, tàng tàng mát mát. Em khổ lắm chị Nam Bình ơi”. Rồi là nước mắt ngắn dài khóc lóc như cha chết mẹ chết. Vậy đó, lúc học được nghề rồi, tay nghề cứng cáp, lông cánh đầy đủ rồi là yêu sách lên lương, bữa đau bữa ốm. Rồi bây giờ là bay đi luôn cánh chim biển hiền lành, mở ra tiệm khác làm bà chủ ngon lành.

Đào nhìn cô Nam Bình, rồi nhìn Hưởng,

— Giời ạ! Vậy là cô Nam Bình trúng Loto vé độc đắc rồi. Chúc mừng! Chúc mừng! Đừng có quên mổ lợn sữa giết gà mái tơ ăn mừng. Cho em với chú Hưởng một chân chạy bàn cũng được. Làm gì cũng được, miễn có ăn thì thôi, kẻo không chú Hưởng lại phải vét đồ cúng cô hồn nhớt nháp tanh tưởi xơi tạm.

Đào chìa mười đầu ngón tay, nháy nháy mắt nói với Hưởng,

— Chú Hưởng biết chi không? Bây giờ cuối tuần mà có muốn đi làm đẹp thì cũng đến là rõ khổ, bởi phân vân không biết nên ghé vào tiệm móng tay nào đây? Tiệm Nam Bình của bà chủ cũ hay là tiệm Sài Gòn của cô chủ mới? Đi với Nam Bình thì cơm sông Hương, quà núi Ngự quá quen mặt. Đi với Sài Gòn thì biết thêm những cái mới, giá tiền làm một bộ móng tay cũng khí rẻ, bởi đang đại hạ giá khai trương để câu khách mà. Nhưng lại sợ bà chủ tiệm Nam Bình nói có mới nới cũ, rồi giận hờn, đâm ra lại mất tình nghĩa chị em.

Dì Năm khục khặc cái đầu tóc trắng phau phau như màu trắng lông vịt sau khi lội ao mò tôm cá,

— Ta nói đồng tiền nó có khả năng thay trắng đổi đen, thay vợ đổi chồng. Người ta có thể lừa gạt giết nhau chỉ vì đồng tiền. Tiền là tiên là Phật là như vậy đó…

Vừa nghe dì Năm nói tới đây, Hưởng dí điếu thuốc xuống dưới sàn nhà, chân đạp di di lên, nhấp nhỏm tính đứng dậy,

— Tới giờ đài mở. Thôi, tui đi đây…

Dì Năm giơ tay nắm áo Hưởng, kéo ngồi xuống,

— Chú mày hay lắm! Đừng có làm tàng. Ngồi xuống dưới đây…

Hưởng gạt tay dì Năm,

— Thôi má ơi, ai bảo hồi đó má dại, đưa hết tiền bạc, vòng vàng, cà rá cho tía cầm, rồi tía chơi tình lờ, bỏ má lại tại bãi, nhảy tếch lên tàu vượt biên bỏ đi Mỹ với đào nhí. Bị bỏ rớt lại tại bìa rừng, bị bắn rượt đuổi theo, má lãnh nguyên một tràng đạn. Buồn tình quá hen? Hèn chi má mới hơn sáu chục mà hóa ra tóc bạc trắng phơ. Ai biểu má trao duyên lầm người, bây giờ còn than vãn chi! Có của là má phải biết trông. Có chồng là má phải biết giữ kè kè ngay bên người. Đằng này má lại đem tía trao cho cô bạn thân giữ hộ. Vậy đúng là mỡ treo tòng teng ngay trước miệng mèo. Mất là phải. Mà má cũng còn hên tận mạng đó! Ăn nguyên một tràng đạn AK của công an biên phòng, xác bắn tung lên trời, rớt xuống đất, mà ngay tối hôm đó mối ở đâu kéo tới vun cao một đống...

(Trích trong tuyển tập truyện ngắn Ốc Mượn Hồn www.nguyentrungtay.com do Dân Chúa Úc Châu sắp xuất bản)