SỨC KHAI MẠCH TIỀM NĂNG GIẾNG VIỆT

Việt Tỉnh là giếng Việt. Việt Tỉnh Cương là đường khai mạch Giếng Việt. Đọc Truyện Việt Tỉnh thấy một điều lạ là trong truyện không hề nói gì đến giếng, mà đến cuối truyện lại kết một câu "nay giếng bỏ hoang thành bẩn thỉu". Vậy thì giếng đó là giếng nào, ở đâu?

Đó là giếng "Nước Bên Trong" ở mỗi người Việt, ở đất nước mình, nhưng mạch đã bị vít từ lâu, không còn nhận được nguồn sinh lực và nguồn lửa thiêng bừng lên từ dưới đáy hang tối. Khổ nỗi là ít người dám đi xuống con đường vào hang hẹp và tăm tối đó lắm!

Người Việt có tin rằng mình đã có một con đường, một chủ đạo, một phương cách, thể hiện ra một nếp sống, để mình có thể vượt qua những bế tắc hiện tại mà ngóc đầu lên, hay vẫn tiếp tục chạy tới chạy lui kiếm tìm nhớn nhác và tin vào mọi thứ chủ thuyết như những phép bùa?

Việt Nam có thật là "minh châu trời đông" và là "lửa thiêng soi toàn thế giới" như vẫn thường hát không? Hay trong thâm tâm của nhiều người Việt lại vang lên một điệp khúc khác: "Hát dzậy mà hổng phải dzậy"!

Cứ thấy nói là nước mình có tới bốn ngàn năm văn hiến cơ mà. Có người còn chắc ăn hơn, tính chẵn năm ngàn năm cho long trọng, để biết đâu thế giới sẽ há hốc miệng thán phục.

MỘT GIA TÀI RÁCH NÁT TẢ TƠI!

Người trẻ bây giờ dễ nghi ngờ lắm. Vì cứ thấy xe Lexus chạy vụt qua trên xa lộ là phát thèm phải nuốt nước miếng ừng ực. Người mình cứ ra sức ca tụng tinh thần Việt cao, tiên rồng hòa hợp, âm dương đề huề. Vậy mà cảnh đá nhau chí choé và tận tình cũng nhan nhản, được ghi vào lịch sử hẳn hòi. Nào là Trịnh Nguyễn phân tranh, môn đệ Mác Lê và học trò Đô-La đập nhau dài dài. Đang khi người Âu Mỹ đã có thể lấy ngay hai đối nghịch là cực âm và cực dương mà chế ra "đèn đốt ngược" từ lâu. Rồi máy vi tính, phi thuyền không gian, điện thoại trên xe, văn minh mới làm lóa mắt là cái chắc.

Mỗi lần có dịp góp phần nét văn hóa Việt Nam vào những tổ chức quốc tế, thì lại có mấy cái áo thụng tế hương, cái cổng cong cong lên một tí. Bọn trẻ chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì. Chỉ thấy mấy cụ thụt lên thụt xuống không đều là bật cười.

Nhưng riết rồi người trẻ cũng tự đặt câu hỏi. Những cố gắng nói lên những nét đẹp của Việt Nam, tạo niềm hãnh diện để "động viên" tinh thần, liệu có làm xác tín, và có đủ bản lãnh để phục Việt không?

Chỉ tìm cách chứng tỏ rằng Việt Nam cũng "ngon" cũng "ngầu" thì chưa chắc đã có tác dụng gây được tinh thần gì lắm. Vì nếu bảo người mình anh hùng thì chưa chắc đã bằng người Nhật. Bảo người mình yêu nước và thương nòi thì chưa chắc đã bằng mấy chú Tầu. Ca tụng riết biết đâu trở thành điều mỉa mai. Vì nếu một nước có văn hiến và văn hóa nặng kí như nước mình thì ắt đã không để lại cho con cháu một gia tài rách nát tả tơi mạt rệp như ngày nay?! Và như vậy, đôi khi càng cố gắng tỏ ra mình cũng có một cái gì không kém người thì càng tỏ ra khoe mẽ một cách lố bịch thật tội nghiệp. Ra như cho bớt tủi mà thôi!

Đã đến lúc đặt vấn đề là tại sao bao nhiêu cố gắng mà vẫn chưa tìm ra được một đường lối và phương pháp đào tạo tinh thần dân tộc, khiến cho thế hệ trẻ đôi khi cảm thấy mất niềm tin vào gia tài của mẹ, mặc cảm ở hiện tại về thân phận làm người Việt giữa cộng đồng thế giới đang quá tiến bộ, và nghi ngờ vào tiền đồ dân tộc?

KHI GIẾNG CẠN HẾT NƯỚC

John Sanford, một nhà phân tích tâm lý theo hướng Karl Jung đã kể một câu chuyện thật trong cuốn "Nước Bên Trong" ( John Sanford, The Kingdom Within, Paulist Press).

Một hôm ông về thăm quê cũ tại một nông trại vùng New Hampshire nước Mỹ. Nông trại đó cách đây mấy chục năm về trước lúc chưa có nước máy như bây giờ, thì chỉ dùng nước giếng mà thôi. Ở gần nhà ông bà nội có một cái giếng rất nhiều nước đủ cung cấp cho mọi nhu cầu của một nông trại lớn. Kể cả những ngày mùa hè nắng cháy mà vẫn đủ nước. Nhiều kỉ niệm đẹp đã ghi lại bên giếng nước này, nên lần này về thăm quê cũ, John Sanford đã tìm ra thăm giếng. Nhưng lạ thay, khi mở nắp giếng lên thì ông thấy giếng cạn hoàn toàn không còn lấy một giọt nước. Đang thắc mắc về hiện tượng này, ông liền được bà nội nói cho biết lí do. Ngày xưa càng kín nước thì nước từ mạch càng chảy ra. Nhưng lâu ngày không còn ai kín nước nữa, thì nước còn lại trở thành nước tù; riết rồi bụi bặm lắng đọng xuống vít dần các mạch. Vậy là nước cứ bốc hơi hoài mà mạch thì bị vít rồi, nước không trào ra được nữa. Thế là giếng cạn!

TRUYỆN GIẾNG VIỆT

Cơn khủng hoảng phá sản tinh thần Việt Nam chắc cũng có lý do tương tự. Mạch giếng đã bị vít, vì lâu ngày con cháu không còn nhận ra nữa. Truyện về Giếng Việt trong Bộ Truyện Thiêng Lĩnh Nam được mở bằng một câu cho biết Giếng Việt nằm ở đâu, rồi trong suốt truyện không thấy nói gì tới giếng hay nước cả, và cuối cùng kết bằng một câu xem ra ít liên quan đến câu truyện.

Đây là truyện thiêng ngắn nhất, nhưng lại là then chốt, như một tờ bửu bối chứa mật mã chỉ đường tìm kho tàng tổ tiên chôn giấu đâu đây.

"Giếng Việt nằm ở trên núi Trâu Sơn... Nay giếng bỏ hoang thành bẩn thỉu, hang thì còn trên núi Trâu Sơn. Người đời gọi là Việt Tỉnh cương".

(hình bản đồ qui trình chữa bệnh tâm lý của Karl Jung)

Việt Tỉnh Cương là đường khai mạch Giếng Việt, tức là đường phục hồi nội lực cho người mình, có thể so sánh phần nào với qui trình chữa bệnh tâm lý của Karl Jung đang được áp dụng rất hiệu quả thành khoa trị liệu ngày nay, gồm 4 chặng, hay 4 bước chính:

* Khai thông màn chắn (the unveiling of the persona): Nhìn thấy nỗi khổ vì những vít mạch và trói buộc giam nhốt con người thật của mình, nên tôi bằng lòng buông xả những cái gọi là cái tôi giả này. "Persona" là ngôn ngữ của Karl Jung có nghìa là con người giả, mặt nạ, phàm ngã.

* Đối diện với bóng tối (the confrontation with the shadow):

* Nối kết vuông tròn (Relating to the animus/anima)

* Tìm lại bản ngã (Centering of the Self).

QUI TRÌNH VIỆT ĐẠO : ĐƯỜNG KHAI MẠCH GIẾNG VIỆT

Muốn khai mạch thì phải có cương lãnh, giường mối, phương cách, đường lối, qui trình. Việt tỉnh cương là đường lối khai mạch đào mỏ giếng Việt, qui trình khơi nguồn tiềm lực theo đường lối Việt, tức Việt Đạo.

Nhiều người cứ nói tới truyện thiêng là đồng hóa ngay với một quá khứ cổ hủ, lỗi thời; hoặc nói tới văn hóa là chỉ dành cho những người đã có tuổi để mà thương gốc nhớ nguồn cho bớt tủi. Chứ người trẻ có ngờ đâu, theo như qui trình khai mạch bế tắc của Karl Jung để chữa những người bị "mát điện", việc hình thành qui trình khai giếng Việt, tức Việt Đạo, là một khám phá tân kỳ, rất hợp thời và khẩn thiết.

Tại sao Đường Khai Mạch Giếng Việt (Việt Tỉnh Cương) ít người đi, mạch nối vào nguồn bị vít, nên cả một dân tộc xem ra cạn nước hết sinh lực? Nhà tâm lý nổi tiếng Scott Peck đã viết một cuốn sách bán chạy hàng đầu cả trên chục năm. Đó là cuốn "Con Đường Ít Người Đi" (The Road less Traveled) cũng đã nói lên cái bí mật của truyện thiêng về Giếng Việt trên.

Người trẻ bây giờ vẫn bị nhận xét là mất gốc quên nguồn. Rồi thi nhau hô hào Về Nguồn. Nhưng ít người biết gốc ở đâu, nguồn nào và đi bằng con đường nào để mà tìm! Những cố gắng về văn hóa cũng đã nhiều mà có làm gì hơn đâu!

KHI MẠCH NỐI ĐƯỢC VÀO NGUỒN

Đường Về Giếng Việt cũng là nẻo tìm ra cái gốc, cái nguồn, của mình qua bộ truyện thiêng của tộc mình để sống tự tin sung mãn vươn cao, như những đứa con mồ côi tìm lại được người mẹ lạc từ hồi mới sinh, không còn là những con ma đói đi kiếm cháo lú bơ thừa sữa cặn thật tội nghiệp! Vì những nhà nghiên cứu về tâm lý và huyền thoại đã thấy rõ sự quan trọng khẩn thiết của bộ truyện thiêng của mỗi sắc dân:

"Mất bộ truyện thiêng là mất mạch nối vào nguồn quá khứ tổ tiên, và không còn căn bản gì cho việc hình thành tiền đồ dân tộc. Dân tộc đó quả thực coi như đã mất" (Wallace Cliff, Jung and Christianity, Crossroad, trang 60).

Huyền thoại không còn là những câu truyện hoang đường nhảm nhí kể cho con nít nghe cho vui, mà đã trở thành những truyện thiêng liêng nhất của một dân tộc, vì chứa đựng bên trong một bộ biểu tượng gốc như những dây thừng dẫn xuống giếng, và như những mạch giếng nối được vào nguồn vô biên bên dưới.

SỨC MẠNH CỦA HÌNH ẢNH BIỂU TƯỢNG

Muốn đọc huyền thoại thì không thể đọc bằng hai con mắt thường, mà phải bằng tuệ giác, tức con mắt thứ ba, xả trống con người tiểu ngã to vo trong hộp đóng không thời mà hòa vào trong khung cảnh câu truyện. Mà chìa khóa mở vào chiều kích rộng mở này chính là những hình ảnh gốc, những biểu tượng uyên nguyên.

Vẫn biết phương pháp tân kỳ để khai mỏ là bộ truyện thiêng. Nhưng làm sao xử dụng được những nút bấm, những ký hiệu. .. ? Đó là vấn đề học cách đọc được biểu tượng, ký hiệu, mật mã trong những truyện thiêng tộc Việt, mà cũng là những biểu tượng gốc trong tiềm thức cộng thông của loài người.

Ngồi thả hồn theo dòng nước suối chảy rì rào, hay theo gợn mây giăng bay trong chiều gió, ai mà chả thấy tâm hồn mình rộng mở thênh thang, vượt lên khỏi những ràng buộc lẩm cẩm thường ngày. Có lẽ người Việt mình đã từ cảm nghiệm này mà diễn tả ra chữ "phong lưu" là sống hòa theo được nhịp gió và dòng nước, hòa nhập được với nhịp sống và hơi thở đất trời. Phong lưu như chim bay theo gió trời, như cá lội tung tăng theo dòng nước, như hoa huệ nở tươi ngoài cánh đồng. Đức Giêsu cũng đã có lần nói như vậy trên đồi Bát Phúc ở Israel cho những người không biết sống thảnh thơi.

Nước, gió, nước, lửa, chim, khí, núi, biển, cây v.v. là những biểu tượng gốc của loài người, chuyên chở sức biến đổi, vì nối được tới một thực tại lớn hơn, một thực tại toàn mãn bao la.

TIẾNG KHÓC KHI ĐỨT CUỐNG NHAU

Thảo nào khi mới chôn nhau

Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra.

Lời thơ vẫn xoáy sâu vào tâm khảm con người như một khắc khoải triền miên trong suốt cuộc đời đi tìm nối lại cuống nhau đã một lần bị cắt.

Phim tài liệu "Phép Lạ Sự Sống" (The Miracle of Life) thật kỳ diệu, đã dùng phương pháp tân kỳ nhất để chụp được diễn tiến việc hình thành một con người, từ lúc thành thai, rồi bắt đầu phát triển qua một tuần, hai tuần, một tháng, hai tháng, đến chín tháng, rồi tiếng khóc oa oa chào đời. Xem phim như đang xem chính mình cách đây mấy chục năm về trước, ai cũng phải xúc động về phép lạ sự sống.

Cái cục thịt bé tí ti kia đã là chính mình. Nó bắt đầu mọc tay. Cái đầu cựa quậy, bơi lội trong dòng suối tình yêu là lòng mẹ. Đứa bé sống được nhờ cuống nhau là cái ống dẫn chất sống, từ chính sức sống của mẹ, từ chính nhịp tim đập của mẹ, từ chính tình yêu ấp ủ của mẹ... và như đang hát bài lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào.

Ấy, đứa bé không biết nhân chủng học hay "tâm sinh lý xã hội học" gì ráo trọi. Vậy mà nó đang dạy bài học về một điều mà nhà nhân chủng học Le Debleu gọi là "thông hiệp huyền nhiệm" (participation mystique). Cái ông Le Debleu này thích dùng chữ nghĩa văn vẻ vậy, chứ thực ra thì đứa bé có vẻ tung tăng bơi lội như con cá đang bơi trong dòng suối cuộc đời, nhờ sức sống của mẹ nó. Đối với nó, lòng mẹ là thiên đàng nhiệm hiệp.

Cho đến một ngày, nó được, hay bị kéo ra khỏi bến thiên đường. Đang khi cha mẹ cười tươi, thì nó vùng vằng khóc thét lên. Vì nó vừa mất một cái gì quá lớn. Mâu thuẫn thật, sự sống bắt đầu bằng việc mất sự sống. Nó khóc là phải. Và cả đời nó đi tìm lại cái cuống nhau. Chữ nghĩa hoa hoè hoa sói bây giờ gọi là biểu tượng. Cuống nhau đúng là biểu tượng khởi nguyên cho mọi thứ biểu tượng khác. Cuống nhau có thể là hình ảnh một con chim bay, một đám mây, một dòng suối, một đốm lửa... Nhìn kỹ và hòa mình vào biểu tượng như vậy, tự nhiên con người thấy thanh thoát thảnh thơi, không gì có thể ràng buộc được nữa.

Cuộc đời mỗi người có bốn tiếng khóc chính. Tiếng khóc đầu tiên lúc lọt lòng mẹ. Tiếng khóc thứ hai lúc đã lớn khôn phải rời mái ấm gia đình đi lập thân. Tiếng khóc thứ ba lúc rời bỏ tuổi thanh xuân đầy nhựa sống để bước sang trung tuổi. Tâm lí bây giờ gọi là khủng hoảng trung niên (mid-life crisis), dịch nôm là tiếng khóc tuổi xồn xồn. Ở tuổi này thì tiếng khóc mang chất giẫy giụa nhiều. Vì mất mát và trống rỗng, "đứa bé" xồn xồn hung hăng gỡ gạc bằng nhiều hình thức: kiếm thêm một chỗ đứng cho bớt hụt hẫng bên trong, đeo thêm một vài màn khoe mẽ cho bớt trần trụi. Còn tiếng khóc cuối cùng là tiếng khóc của mùa thu lá bay của cuộc đời. Một buổi chiều vàng nào đó ngồi bên hồ nơi công viên như trong phim "Trên Ao Vàng" (On Golden Pond), nhìn chiếc lá vàng mùa thu rơi từ cành cây trơ trụi, "đứa bé" già không khóc thét được lên như xưa, nhưng trong khoé mắt long lanh giọt lệ, vì sắp đứt lìa cuống nhau cuộc đời này mà sinh ra vào một thế giới đang tới.

TIẾNG CƯỜI KHI XẢ TRỐNG

Có tiếng khóc ắt phải có tiếng cười. Khóc rồi cười. Cười rồi khóc. Tùy ở mức độ tìm lại được cuống nhau cuộc đời. Có điều mâu thuẫn nhất là mọi tiếng cười đều phải do tiếng khóc, đều phải bằng lòng giã từ cái nôi ấm êm cũ để bước lên đi tìm cái cuống nhau nối vào cái nôi nguồn sống mới ở mức độ cao hơn. Không bằng lòng giã từ để an nhiên bước tới, mà chỉ tiếp tục căn me, chộp giật, chôm chỉa, để khỏa lấp bù trừ, thì mãi mãi sẽ ấu trĩ và trở thành hiện tượng tâm bệnh, chứ không thể trưởng thành được.

Chắc hẳn ai cũng cũng có kinh nghiệm về những giây phút hút hồn. Ngồi ở bờ biển nhìn mặt trời mọc ban mai, trời ơi đẹp quá. Đứng thả hồn vào dòng suối Pecos chảy trên vùng nam Rocky Mountains, cõi mộng là đây, thảo nào có bài hát "rằng xưa có gã từ quan, lên non tìm động hoa vàng. .."

Trong một khóa sư phạm ở New Orleans, một tham dự viên bỗng nổi hứng sáng tác ngay một bài hát thật có hồn. Hứng lên vào lúc diễn nghi thức tối khai mạc về biểu tượng nước và lửa. Bầu khí thật linh thiêng, điện được tắt đi hết, chỉ để ánh nến chầp chờn, đồng thời có tiếng sáo vi vút bên cạn tiếng suối róc rách từ một băng nhạc phát ra. Rồi bốn tham dự viên mặc áo trắng dài như những nàng tiên xuất hiện từ từ mang những bình nước rót xuống chậu nước lớn để ở chính giữa.

Mỗi kinh nghiệm đều khác nhau. Có người thấy đê mê hút hồn, mắt sáng lên. Có người bật nhảy mừng sung sướng. Có người nở nụ cười rạng rỡ. Có người sáng tác được những tác phẩm tuyệt vời về nhạc, văn thơ, tranh vẽ... Đó là những giây phút con người phá vỡ cái tiểu ngã nhỏ bé to vo dầy vỏ, mà hòa vào một sức sống lớn hơn, thả hồn vào một thực tại bao la hơn. Nhà tâm lý Karl Jung thì bảo là huy bỏ được cái tôi (persona, ego) mà nên một với cái ta, tức cái đại ngã tâm linh (Self).

NHỮNG LÁI BUÔN LỢI DỤNG ĐƯỢC BIỂU TƯỢNG

Quảng cáo xe Toyota thật là hấp dẫn. Sau khi đã biểu diễn các màn "an toàn trên xa lộ" bằng xe Toyota, mấy người theo điệu nhạc bài "Tố-giô-tà" vút cánh bay lên như chim, nét mặt tươi sáng rạng rỡ...

Có lần nhìn bảng quảng cáo giầy L.A. Gear bên xa lộ, tôi mới chợt sợ kỹ thuật quảng cáo bây giờ: cả tấm bảng rực lửa, có vẻ đầy nhiệt lực, và ngay giữa là đôi giầy L.A. Gear.

Thì ra các lái buôn ngày nay đã nghiên cứu tâm lý miền sâu rất kỹ. Học để mà đánh lừa. Gợi lên từ tiềm thức những hình ảnh uyên uyên, tức là những hình ảnh vốn nằm sẵn trong ước mơ của con người. Rồi trong khi cao hứng nhất thì đưa cái món hàng muốn bán ra, để người xem tự nhiên đồng hóa cái biểu tượng ước mơ với món hàng.

Tò mò về cái kỹ thuật trên, có lần tôi đi dự một khóa cuối tuần về "Mastering persuasion Techniques" (làm chủ kỹ thuật chiêu dụ) của Anthony Robbins. Nguyên tắc căn bản của khóa: người ta mua món hàng không phải là món hàng, mà mua cái điều đang mơ ước trong lòng, mua cái cuống nhau. Người bán hàng giỏi là người gãi đúng chỗ ngứa đó. Người bán hàng giỏi không phải là người van xin người ta mua hàng, nhưng phải là người làm ơn, đáp ứng những "nhu cầu" căn bản nhất của con người. Người ta mua là mua cái "nhu cầu" đó. Mua về rồi có được như vậy hay có dùng tới không lại là một chuyện khác. Người ta đã khéo đánh lừa để thấy đôi giầy hay chiếc xe là cái cuống nhau nối vào được nguồn hạnh phúc, sẽ trở nên thật "ngầu" chứ không "dổm" như hiện trạng. Nhưng rồi lại thấy đây chỉ là cuống nhau giả, sẽ chẳng dẫn tới độ bay cao hay rực lửa nhiệt lực như quảng cáo!

Theo Anthony Robbins trong cuốn "Khơi nguồn tiềm năng trong lòng" (Unleash the Power Within) thì cái giá trị khách quan của một món hàng chỉ thật sự có 7%. Còn 93% là do gợi lên được hình ảnh đang mơ ước bên trong của người mua hàng, và những cử điệu diễn tả. Trong quảng cáo xe Toyota, lái buôn đặt trọng tâm vào biểu tượng chim bay (93%) chứ giá trị của xe như bền và đỡ tốn xăng chỉ chiếm 7% mà thôi. Trong quảng cáo giầy L.A. Gear, hình ảnh rực lửa đúng là kỹ thuật đánh lừa tinh vi tột độ. "Thần Linh" đó. Đi giầy L.A. Gear thì bạn sẽ đầy nhiệt lực Thần Linh rồi còn gì! Dại gì mà không mua, chỉ có $49.95 thôi, có cần gì phải tu luyện công phu!

Cách thức đắc nhân tâm này ngày xưa Dale Carnegie đã viết thành sách hẳn hòi, nhưng vẫn còn chỉ là lý thuyết suông. Còn bây giờ Anthony Robbins đưa vào kỹ thuật khoa học đàng hoàng, và bắt thực hành tại chỗ. Thẩy hàng ra là đắt như tôm tươi, chôm tiền ào ào.

Chìa khóa của kỹ thuật dùng biểu tượng thật rất cần cho việc đào tạo như giảng thuyết, dạy học...Chỉ khác ở chỗ là quảng cáo thì học kỹ thuật đánh lừa, còn giáo dục thì cho cảm nhận sự thật là phải bẻ bánh, bẻ cái tôi ra để mới có thể rực sáng và bay lên. Điều quan trọng vẫn là biểu tượng, chiếm chỗ tới 93%. Đây không phải là một khám phá mới trong khoa sư phạm giáo dục hay sao?

BỘ KÝ HIỆU MẬT MÃ TRONG TRUYỆN THIÊNG

Anthony Robbins trong trong chương trình thực tập "Khơi Mạch Sức Mạnh Từ Bên Trong" (Unleash the Power Within) và "Sức Mạnh Vô Biên" (Unlimited Power) đã đưa ra một hình ảnh rất đơn giản về công cuộc khơi đào này.

Điểm căn bản là phải tìm ra ký hiệu. Giống như muốn liên lạc về nhà mình thì phải nhớ rõ số nhà và tên đường. Muốn gọi điện thoại về nhà thì cũng phải nhớ rõ số theo thứ tự. Thí dụ số điện thoại nhà là 504-347-4725. Tùy ở điểm xa hay gần mà bấm số. Ở quanh thành phố mình ở thì chỉ cần bấm 7 số cuối. Ra ngoài thành phố hay qua tiểu bang khác thì phải thêm 3 số đầu. Qua nước khác gọi về nhà thì lại phải thêm ký hiệu quốc tế cho mỗi nước. Quên hay lộn một số thôi thì cũng đành chịu, không cách nào mà gọi về nhà gặp người thân hay nhắn tin gì được.

TÌM ĐỌC ĐƯỢC BỬU BỐI

Con số chúng ta đang dùng cũng chỉ là một chuỗi ký hiệu đã được ước định. Số 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 9... có gốc Ả Rập. Số I, II, III, IV, X, C, L là số Rôma. Một đứa trẻ hay một người trong bộ lạc Nam Mỹ có nhìn thấy số điện thoại viết bằng số Ả Rập thì cũng chẳng hiểu gì, và sẽ thấy chẳng có giá trị gì, chỉ thấy những nét ngoằn ngoèo như râu dế thật là nhảm nhí.

Tệ hơn nữa, ký hiệu hay mật mã mà hiểu không đúng còn gây tai họa cho người xử dụng. Hồi còn nhỏ, ai mà chẳng say mê đọc cuốn Vàng Máu của Thế Lữ, kể truyện đi tìm chỗ giấu vàng. Tờ mật mã chỉ ghi đại khái: miệng có ba răng, mày đi bốn cẳng, mày tới ba tay vân và vân vân... Lạng quạng là chạm vào những mảnh sành đã tẩm thuốc độc chết như chơi chứ chả rớ được vàng đâu.

Bộ ký hiệu này là chùm chìa khóa gia truyền để mở cửa hầm xuống kho tàng bên dưới. Đó là một chuỗi niềm tin, được cụ thể hóa ra thành một chuỗi hình ảnh gốc, gọi là biểu tượng gốc, biểu tượng nguyên mẫu. Cứ tin chắc giữ được chùm chìa khóa này thì thế nào cũng mở được cửa kho tàng.

Bộ ký hiệu và mật mã này đã được tổ tiên Việt Tộc giữ kỹ trong các truyện như Bộ Truyện Thiêng Lĩnh Nam, Việt Điện U Linh...có ý che mắt lớp người đô hộ mình, mà truyền lại cho con cháu như những bửu bối. Nhưng riết rồi con cháu sau này đọc chỉ thấy u tối chứ chẳng u linh chút nào. Và nhiều khi chẳng thấy hồn thiêng sông núi đâu mà chỉ thấy quái đản như từ "Trích Quái".

NGÔN NGỮ CỦA HUYỀN THOẠI

Ấy cũng tại con cháu không còn phân biệt được mật mã hay ký hiệu gì nữa, đọc truyện thiêng như đọc những truyện hoang đường nhảm nhí, đôi khi còn cho là những truyện tưởng tượng không có thật.

Thực ra muốn đọc huyền thoại thì phải đọc được những biểu tượng, là một thứ ngôn ngữ riêng. Không có vấn đề là truyện đó có thật hay không có thật, mà là ngôn ngữ biểu tượng. Ngôn ngữ này nếu không biết thì không đọc được, và sẽ không hiểu gì cả. Có những biểu tượng mà nhà tâm lý Karl Jung gọi là biểu tượng nguyên sơ, nằm sẵn trong máu mọi người. Thí dụ: lửa là biểu tượng của sức sáng, sức nóng, sức mạnh, lòng nhiệt thành. Chim bay là biểu tượng của sự vươn lên, thảnh thơi, tinh thần. Nước là biểu tượng của sức sống, mà cũng là của việc thanh tẩy. Những biểu tượng này được thấy nơi bố rồng lửa và mệ chim tiên v.v.

Biểu tượng cũng giống như những ký hiệu căn bản trong máy vi toán, quên ký hiệu là không cách nào mở bài đã chứa trong máy. Vì quên mật mã dẫn xuống tiềm lực hồn thiêng sông núi, chẳng lạ gì con cháu bây giờ nghèo xác nghèo xơ. Không hiểu ngôn ngữ biểu tượng của truyện thiêng nên con cháu đã đem vất vào thùng rác, mất đường khai mạch hùng khí tiên rồng dưới giếng Việt, tức là mất bộ niềm tin của tộc Việt. Hậu quả là nhiều người chạy theo các chuỗi niềm tin khác của các chủ thuyết khác nhau, mang lại biết bao tai hại.

TRUYỆN NHÀ GIẢNG THUYẾT VÀ CON CÁ MẬP

Truyện kể về một nhà giảng thuyết nổi tiếng, có giọng nói thu hút. Nhưng một ngày kia ông ta bị bệnh cảm nặng không làm sao nói được nữa trong một thời gian dài. Ong phải về tĩnh dưỡng tại gia đình, và đã thử nhiều cách thông thường như ngậm chanh hấp đường phèn, xông hơi nước nóng, nhưng đờm vẫn vít cổ không nói ra tiếng được.

Bà mẹ thấy con bị như vậy thì tội nghiệp. Bà liền bảo con làm theo lời dặn do bà ngoại nói lại, là hễ ai bị bệnh nặng cỡ cứ vậy thì cứ ra vụng nước sâu gần nhà mà lặn xuống thế nào cũng tìm được phương cách.

Nhà giảng thuyết bán tín bán nghi, nhưng vì chẳng còn cách nào khác nên cũng đành nghe theo lời mẹ. Ong ra vũng nước và lặn xuống thật sâu thì bỗng gặp một con cá mập bị mắc vào một cái lưới đang giẫy giụa kêu cứu: "Ông bà cô bác ơi, làm ơn được ơn, làm phúc được phúc, cứu tôi khỏi cảnh khốn khổ này, tôi sẽ đền ơn xứng đáng".

Nhà giảng thuyết thấy cảnh như vậy cũng thương, nhưng đâu dám mon men tới gần, vì nó là loài cá mập ăn thịt người: nó bị nạn thì kêu cứu, chứ nó mà thoát ra được thì làm sao mà tin nổi nó. Nghĩ vậy, nhưng nhà giảng thuyết cũng động lòng trắc ẩn. Ong bèn đi kiếm dao xuống cắt lưới cứu con cá mập. Nhưng vừa cắt lưới xong thì con cá mập lập tức rượt đuổi nhà giảng thuyết. Ong ta chạy vắt hai chân lên cổ, vừa chạy vừa chửi con cá mập đểu cáng lừa đảo. Con cá mập cứ miết đuổi theo, nhà giảng thuyét càng hét to hơn cầu cứu. Khi ông đã quá mệt muốn ngã quị thì thấy con cá mập không đuổi nữa mà đứng cười rũ rượi: "Ta đâu có đểu cáng. Ta đang trả ơn nhà ngươi đó".

Nhà giảng thuyết bỗng nhận ra một điều: chính lúc mình bị đuổi cùng đường phải cố sức mà la hét, thì cũng chính là lúc cổ họng mình bật hết đờm ra, và đang có thể nói được. Con cá mập nói đúng. Nó đã đền ơn chữa bệnh cho mình bằng một lối khác lạ.

KHOA TÂM LÝ TRỊ LIỆU

Đọc truyện "Nhà giảng thuyết và con cá mập" thì chắc không ai còn hỏi truyện này có thật hay không! Thì ra đúng là ngôn ngữ của biểu tượng. Huyền thoại mang thứ ngôn ngữ này. Vì thế huyền thoại là con đường dẫn đến chân lý gần nhất.

Khoa tâm lý miền sâu, khoa tâm linh học, khoa chữa bệnh tâm lý, cũng như khoa huyền thoại học ngày nay đang giúp tìm ra manh mối tìm về cội nguồn tiềm ẩn bên dưới, như kiểu nhà giảng thuyết phải lặn xuống vụng nước sâu, là phải xuống sâu được nội tâm, trở lại với chính con người thật của mình. Khi bị bệnh, không nhất thiết là bệnh thể xác, mà cả bệnh tinh thần, khi gặp nghịch cảnh, thì cách chữa lại nằm sâu trong lòng mình: vào để mà đối diện với bóng tối, với sợ hãi, chứ không được phép chối bỏ. Và chỉ khi phấn đấu như vậy, người "bệnh" tìm ra phương thuốc chữa khỏi.

CÁCH ĐỌC BẰNG MẮT CỦA TÂM

Ở một tiệm xâm bên Giêrusalem, ông chủ có một kiểu làm cho người đến xâm không cảm thấy đau. Đang khi châm kim trên da thịt khách hàng, ông kể truyện cổ tích Do Thái. Ông kể chi tiết, màu mè, lúc chậm lúc nhanh rất hấp dẫn hồi hộp, làm khách hàng đi vào câu truyện khiến quên cả đau. Kể truyện xong thì ông cũng vừa xâm xong.

Khi một đứa con nhỏ có chuyện gì thắc mắc không hiểu muốn hỏi mẹ thì mẹ không trả lời ngay, mà vẫn tiếp tục chơi với con. Rồi khi đứa con đã mệt thì mẹ bế con lên võng ru cho con ngủ. Lúc con đang lim dim trong vòng tay thương yêu của mẹ, thì mẹ cất lời ca dao mà hát, đưa con vào mộng mị với những truyện cổ tích hay truyện thiêng tổ tiên mình. Rồi đứa con ngủ lúc nào không biết.

Đứa con này đang được mẹ dạy "đọc" truyện thiêng Việt đấy, đang được mẹ trả lời, chữa "bệnh". Không phải bằng những chữ hiện ra trên sách, cũng không phải để giải nghĩa xem có thật hay không. Mẹ đang ru truyện vào tiềm thức con, trong lúc con đang mơ, có cần hiểu gì đâu. Mẹ đang bơm và truyền vào máu con chính cái hồn ẩn mật của dân mình, cái dòng sức sống của tổ tiên, bằng hơi ấm tình yêu, qua dòng sữa ngọt ngào. Để con biết con là ai khi sinh vào cuộc đời này và sẽ đi đâu. Dòng tộc con ngậm đắng nuốt cay đã nhiều. Con hãy ngủ ngon cho tròn giấc mà giữ lấy dòng sinh mệnh của dân mình con nhé.

À ơi,

Dù ai nói ngược nói xuôi

Ta đây cứ vững đạo Trời khăng khăng.

Trăm năm tính cuộc vuông tròn

Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông

(Nguyễn Du)

Đó là phương pháp đào tạo qua bao thế hệ. Một "lớp học" kiểu này thì các người thống trị ngoại bang không kiểm soát được. Đạo lý tộc Việt được chuyển từ đời nọ sang đời kia như thế, qua cao dao tục ngữ, qua những truyện thiêng được kể đi kể lại, cung cách nhiều khi khác nhau, bản văn cũng thêm bớt tùy lúc tùy người, không quá câu nệ hình thức phải lo phân tích chi li như những phương pháp khảo cứu các bản văn cổ theo trường ốc hiện nay, nhưng cái ý chính và sứ điệp thì vẫn là một, thời này qua thời kia, lúc vinh cũng như lúc nhục.

Karl Jung bảo đọc như thế là đọc bằng con mắt thứ ba: bơm vào máu, rót vào tim, vào vô thức, vào tiềm thức, vào siêu thức nữa. Đọc truyện thiêng cũng giống như đọc truyện "Nhà giảng thuyết và con cá mập", không nhất thiết để hiểu nghĩa ở trên đầu, mà phải đọc bằng con mắt của tâm: đặt mình vào câu truyện với những hình ảnh màu sắc và âm thanh, với những cảm giác và phản ứng thật sự như đang xẩy ra, và trở thành chính nhân vật là nhà giảng thuyết liên hệ tới những tâm trạng hay vấn đề hiện tại của chính mình, để sức mạnh biểu tượng trong câu truyện biến đổi mình, chữa bệnh cho chính mình.

Đọc truyện thiêng hay kể truyện thiêng tức là hòa nhập vào truyện, là hòa nhập vào hồn của cả một dòng tộc đã và đang cùng đọc truyện đó, là tự nhiên tìm thuốc tiên trị liệu những vấn đề hiện tại và khơi lên sức sống mới vốn tiềm ẩn sẵn bên trong.

Các tu sĩ muốn đọc truyện thánh phải vào trong hang mà đọc, phải làm cho tâm mình trống ra, chọc thủng màn vô minh, phá bể con người tiểu ngã mà hòa vào đại ngã tâm linh, là hồn của vũ trụ. Đọc như thế là đọc bằng hơi thở thần linh, bằng con mắt tuệ giác. Mà phải đọc theo nhịp gõ đều đặn, không phải nhịp thở nông cạn của mình đâu, mà là nhịp thở của đất trời, của hồn thiêng sông núi.

TÔI TIN VÀO VIỆT ĐẠO, ĐƯỜNG KHAI MẠCH GIẾNG VIỆT

Nhân loại đang bước qua ngưỡng cửa năm 2000, vào một thiên kỷ mới. Nhiều hy vọng mà cũng nhiều ảo vọng. Những khắc khoải và những căng thẳng trên thế giới của một thế kỷ với nhiều cuộc đại chiến và đổ nát tận nền tảng của cái gọi là văn minh cơ khí này khiến mọi người lo âu về một điềm thời đại. Liệu những cường quốc ngày nay vẫn tiếp tục dẫn đầu thế giới đến chỗ chia chác vùng ảnh hưởng và giành giật xô xát để kiếm phần lợi phần hơn cho mình, hay nhân loại sẽ phải tìm ra một con đường khác, mang chất người hơn, văn minh hơn là cái đà cá lớn nuốt cá bé để giành mồi như những con vật kinh tế hay như những con khỉ trên đà tiến hóa "tất yểu của lịch sử"?

Người Việt đã mệt mỏi và khốn cùng về các chủ thuyết rước từ Tây từ Tầu, chả lẽ lại ngồi chờ bùa phép kinh tế của cái gọi là trật tự mới, chẳng qua cũng chỉ là những trò chia chác mới. Kinh khổ đã hát đủ chưa? Mạch đã bịt vít kỹ quá rồi. Thôi, đứng dậy mà tìm ra một con đường, con đường của chính mình, đường khơi nguồn giếng Việt.

Kinh Tin của Tộc Việt và người Việt là chúng ta đã có mỏ thật giầu, nằm sâu bên dưới. Nghèo là vì không khám phá ra, không thấy nên không tin mình có. Nghèo là vĩ có thể đã thấy mà không có phương cách hay kỹ thuật cao để khai thác. Thì đây là một bộ "máy khoan" tân kỳ nhất: bộ truyện thiêng là gia sản do tổ tiên để lại.

Tôi tin vào Việt Đạo là Đường Khai Mạch Giếng Việt, có sức khơi nguồn nội lực. Con đường đã mở ra. Nào chúng ta cùng xắn tay áo và lên đường. Nghèo hay giầu là ở bộ kinh tin này. Mệnh hệ và tiền đồ tộc Việt cũng nằm ở bộ Kinh Tin này. Con đường đã hé mở. Liệu người Việt có xác tín và bắt đầu lên đường, để có thể ngóc đầu lên nổi mà hiên ngang đi vào thiên kỷ mới không, hay vẫn tiếp tục cúi mặt nhục nhằn?

Nguồn: www.dunglac.net