Khơi Lực Bộ Kinh Tin Tộc Việt Qua Những Nét Văn Hóa Gốc Theo Qui Trình Tâm Lý Trị Liệu

Việt là Vượt. Chừng nào người mình mới có sức vượt khỏi, vượt qua, vượt tới, vượt lên, hay chỉ biết vượt chạy "di tản chiến thuật" dài dài?

Một thế kỷ đã qua, với khổ nạn vì đá đáp người ngoài, và nghèo hèn vì đánh đập lẫn nhau tận tình, người Việt liệu đã hình thành được một con đường nào để có thể ngóc đầu vượt lên mà bước vào thiên kỷ mới chưa?

Ra đường gặp mũi tẹt da vàng mà thấy coi bộ sáng sủa là người Âu Mỹ hỏi ngay: "Nhật hả?", và thế nào cũng gạ chuyện về Thiền, về Karate Kid, về máy chụp Nikon, máy vi toán Toshiba, xe Lexus, TiVi Sony, đàn Yamaha, đồng hồ hai cửa sổ Seiko... Thôi thì vô vàn vô kể về sức bật của con cháu nữ thần mặt trời đất Phù Tang làm phương Tây lé mắt. Nhưng nếu biết mình là người Việt, thì nét mặt người hỏi sang số liền, từ vẻ thán phục đến cái nhìn tội nghiệp: "À, à, tôi đã có lần sang đánh nhau ở Việt Nam, đóng ở Khe Sanh. A, tôi cũng bị thương, cái sẹo còn đây này". Nét mặt đó diễn tả đàng sau những hình ảnh một Việt Nam nghèo túng, thấp cổ bé miệng, trẻ con đi xin ăn, cả lớp lớp người lớn đi ăn xin, ngửa tay van nài thế giới làm ơn làm phúc. Thật tội nghiệp!

Đang khi những anh chàng láng giềng trước đây vài chục năm chả hơn mình bao nhiêu, kém là đàng khác, như Nam Triều Tiên, Đài Loan, Thái Lan... bây giờ cũng rủng rỉnh đô-la qua nước mình buôn bán vênh vang ra phết. Xe Hyundai, máy Samsung, phi trường Băng-Cốc bóng lộn. Thấy vậy làm mình càng tủi về thân phận sinh ra làm người Việt thua kém cúi mặt trước đà tiến quá nhanh của nhân loại.

TẠI SAO CHIM KHÔNG BAY NỔI?

Ca dao đã diễn tả hiện trạng của nhiều con chim Việt:

Em như con hạc đầu đình

Muốn bay không cất nổi mình mà bay.

Chim lại không biết bay, cá lại chết khát dưới nước! Thật là một điều nghịch lý, bất bình thường. Tại sao người Việt là con của chim Tiên mà bay không nổi?

Câu trả lời được tìm thấy qua một câu chuyện điển hình xẩy ra thực. Tác giả cuốn sách về tâm linh "Vượt Qua Nỗi Sợ" (Let Go of Fear) là Carlos Valles kể lại:

Một hôm ông đang đi dạo ở ven rừng vùng nhiệt đới Á Châu, thì bỗng thấy một hiện tượng khá lạ. Một con chim đang đậu trên cành cây cao mà run rẩy đờ thân ra như không còn sức gì mà bay lên được nữa. Mỏ nó líu lại không sao kêu ra tiếng nổi. Để ý quan sát, thì ông tìm thấy lý do rồi: ở dưới gốc cây là một con rắn hổ mang đang ngóc đầu lên phùng mang hướng thẳng về phía con chim. Thế là con chim như bị thôi miên cứng đờ ra mất hết tinh lực, đứng chờ sẵn để con rắn leo lên làm một bụng no nê. Điều lạ là con rắn thì ở xa mãi dưới gốc cây kia, mà con chim thì ở trên cành cây cao. Nó có cánh bay được và có mỏ hót được. Và nó có cả một bầu trời để tung mình vút cao mà nó làm không nổi.

Thấy cảnh đáng thương như vậy, Carlos Valles bèn lấy một cục đất ném về phía con rắn. Thấy động và thấy sự có mặt của một loài hơn mình, con rắn bèn rụt cổ xuống hậm hực trườn đi chỗ khác, có vẻ tiếc rẻ miếng mồi ngon bỏ qua rất uổng. Và con chim bỗng hoàn hồn tỉnh táo cất giọng hót líu lo và tung cánh bay lên thênh thang.

SỨC MẠNH CỦA CÁI NHÌN VÀ CÁI THẤY

Lý do gì vậy? Con chim không bay không hót nổi vì nó sợ quá. Nỗi sợ làm nó mù mắt không còn nhìn thấy gì nữa, quên luôn cả khả năng và bản lãnh của nó. Hay nói đúng hơn là nó chỉ còn nhìn thấy con rắn. Chính cái thấy trong đầu con chim đã giới hạn khả năng của nó, quên rằng nó có đôi cánh và bầu trời thênh thang rộng mở bên trên. Nó đã đánh mất niềm tin vào chính mình nên cũng mát sức. Đời nó lúc này chỉ còn nhìn thấy một sự thực là con rắn đầy quyền năng chế ngự được nó.

Cái thấy tạo ra phán đoán và tâm tình. Và tâm tình tạo ra hành động: sợ thì tránh; thích thì tìm. Tâm tình ở đây là sợ hãi; và hành động là run rẩy cứng đờ ra. Như vậy chính cái nhìn và cái thấy trong đầu con chim mới là sức mạnh cột chân và mỏ nó và đủ sức làm nó bất động. Cái nhìn và cái thấy tạo ra thực trạng, luôn theo một định luật tâm sinh lý dây chuyền sau đây:

1. Cái Nhìn: mắt kính nhìn do hình ảnh có sẵn trong tiềm thức thành một niềm tin, do kinh nghiệm, do giáo dục, do môi trường.

2. Cái thấy : nhìn thực tại, nhưng thực tại được thấy qua chính mắt kính hay hình ảnh đã có sẵn trong đầu. Vì thế thực tại được phán đoán theo cái nhìn.

3. Cái thấy phát sinh tâm tình: buồn, sợ, vui, thích...

4. Tâm tình phát sinh phản ứng và hành động: cũng tự động theo như phán đoán và tâm tình.

5. Kết quả của phán đoán và hành động là: lùi, thất bại, nghèo, hèn, tiểu nhược, không bay được; hoặc tiến, thành công, giầu, sang, cường quốc, vượt lên v.v. Tức là những biểu hiện của sức mạnh.

6. Thành Niềm Tin : kết quả trên lại trở thành mắt kính ở bước 1. Mắt kính được lặp đi lặp lại thành một niềm tin, và cứ thế lại tiếp tục qua bước 2, 3, 4, 5, vẫn gọi là vòng hệ lụy không sao thoát ra nổi:

Phú quí sinh lễ nghĩa

Bần cùng sinh đạo tặc.

Những cuộc "gà cùng một mẹ cứ hoài đá nhau" tương tàn suốt dọc dài lịch sử từ thời Trịnh Nguyễn cho đến bây giờ cũng có lý do của nó, sâu xa hơn những hiện tượng bên ngoài. Vì như người chết đuối quá hoảng sợ, nên vơ đại bất cứ chủ thuyết nào, tưởng là cái phao hộ mệnh có thể cứu mình. Và trong khi cố bám như vậy trong bản năng sinh tồn, người chết đuối dễ gìm chết bất cứ ai tới gần.

Chim bay là biểu tượng của đời an lạc thảnh thơi. Chim bay cũng là biểu tượng của tâm linh vươn lên khỏi thể xác và vật chất ô trược.

Thực trạng mỗi người Việt hình như đang có điều gì thực bi thảm. Trong tiềm thức, trong những cơn mơ mình vẫn thấy mình đang bay. Mà bay một cách mệt nhọc, luôn luôn muốn rơi xuống. Bao nhiêu truyện tương tự như vậy đang xẩy ra trong tâm hồn, gia đình, cộng đồng và đất nước mình.

Làm thế nào để vượt thoát bay lên được? Con đường vượt thoát chính là đổi được cái nhìn và cái thấy. Con đường nằm ngay trong đầu mỗi người. Đó chính là niềm tin. Harvey Cohen, một nhà tâm lý nổi tiếng đã nói: "Bạn được trao ban khả năng bay được, vì bạn có một cái đầu."

ĐÀO TẠO ĐÔI MẮT KÍNH

Tờ báo "The Times-Picayune ở vùng New Orleans có lần bàn về ảnh hưởng của hình ảnh trong đời sống, đã vẽ hình một đứa bé đeo kính, mà hai mắt kính là hai màn ảnh Tivi. Thì ra đứa bé được các lái buôn đào tạo để nhìn đời bằng những ống kính hay hình ảnh đã được tính toán hẳn hòi, biến cả một thế hệ thành những khách hàng "không người lái". Có một thời, trẻ thích ăn Domino Pizza là vì bọn Ninja Turtles trong phim hoạt họa mỗi lần đi cứu thiên hạ về đều đưa Domino Pizza xuống cống rãnh ăn. Những Raphael, Michel Angelo trong Băng Rùa đều là những biểu tượng như người hùng Thôi Vỹ trong truyện thiêng Giếng Việt. Hèn chi trẻ rất mê loạt phim này và đòi mua cho được bất cứ đồ chơi hay giầy dép quần áo nào có hình Băng Rùa.

Việc đào tạo trẻ em bây giờ đúng là một cuộc tranh thủ giữa các lái buôn và các nhà giáo dục! Các lái buôn đã biết lợi dụng sức mạnh của hình ảnh, của biểu tượng, của những nét văn hóa gốc trong tiềm thức chung của mọi người, để đào tạo, ấn kỹ vào đầu, bơm sâu vào máu, thành phản ứng "không người lái". Họ đã nắm được giới trẻ. Họ đã biến đổi được giới trẻ phục vụ cho lòng tham vô đáy của họ.

NHÌN SAO THÌ THẤY VẬY

Không hiểu từ hồi nào, hoa hồng được coi là biểu tượng của tình yêu. Vào những dịp lễ hay ngày kỷ niệm đặc biệt mà được tặng một bó hồng thì cảm động rướm nước mắt. Tình yêu được diễn tả và vun tưới bằng hoa hồng, là một thứ tình yêu sờ thấy được, cảm thấy được...

Nói cách khác, nhìn qua mắt kính hoa hồng, tình yêu được hiện lên nguyên hình gần ý nghĩa nhất, rõ nét nhất.

Nhân vật chính trong phim Người Trời Mưa (Rain Man) cứ mỗi lần thấy trời mưa là khóc và hay phản ứng bất thường. Lý do sâu xa là vì anh đã gặp phải một chuyện thê thảm cùng độ trong lúc trời mưa. Hình ảnh của chuyện buồn được liên kết với cảnh trời mưa gần như thành một. Cho nên mỗi lần gặp trời mưa là cuốn băng u ám lại tự động quay lại trước mắt.

Một anh bạn mới sang Mỹ không kiếm ra việc làm, phải xin đi làm phụ nghề biển một thời gian. Nhưng chỉ sau mấy ngày xuống biển, anh bắt buộc phải bỏ nghề, vì mỗi lần ra biển là lòng anh bất ổn và khóc ròng. Hỏi kỹ mới biết, trong chuyến vượt biên, tàu anh bị hư máy lênh đênh trên biển. Nhiều người đã chết khát và chết đói, trong đó có mấy đứa con của vợ chồng anh phải vất xác xuống biển.

Như vậy đối với anh, biển cả thay vì gợi hứng bao la, thì chỉ cho anh nhìn thấy cảnh chết chóc thê thảm và quằn quại vô vọng. Đúng là trong mắt anh đã có sẵn một loại ống kính để nhìn cuộc đời, nên chỉ thấy

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

(Nguyễn Du)

Phản ứng tự động trên là do hình ảnh có sẵn trong tiềm thức, đã ẩn sâu trong máu, đợi đúng lúc đúng chỗ là bật lên. Riết rồi trở thành như một thứ tâm bệnh có tên tây là "phobia", luôn sợ một loại gì đặc biệt.

Cùng một sự việc xẩy ra mà mười người phản ứng mười cách khác nhau, tùy theo nhãn quan hay mắt kính của người ấy. Như vậy trong cuộc đời, mỗi người đang mang sẵn trong mình một số mắt kính, tức là những nhãn quan khác nhau. Những mắt kính này có uy quyền điều khiển mọi phán đoán và hành động của ta, tùy theo là mắt kính hoa hồng hay mắt kính xác chết. Hình ảnh trong tiềm thức đóng vai trò then chốt trong cuộc sống. Hình ảnh này được ấn sâu do những kinh nghiệm trong đời, do những cách đào tạo.

David Burns trong cuốn "Feelings Good: The New Mood Therapy" có nói: "Cái nhìn lệch của chúng ta trở thành bạo chúa dữ tợn, mà chúng ta trở thành tù nhân cho chúng". Và nhà tâm lý William James thì khẳng định: "Hạnh phúc không tùy thuộc nhiều vào việc xẩy ra CHO chúng ta, mà tùy vào cái xẩy ra TRONG chúng ta".

Nhìn biển mà chỉ thấy xác chết. Nhìn trời mưa mà chỉ thấy cảnh thê thảm. Tất cả là vì đã có sẵn hình ảnh trong đầu, in trí, ám ảnh. Đó là những mắt kính lệch, thành những niềm tin sai lạc, nên nhìn mọi sự cũng lệch lạc theo, phát sinh biết bao điều tác hại.

Vậy thì làm thế nào để tìm lại được mắt kính đúng đắn, tức bộ hình gốc, thành một bộ niềm tin đúng để thấy được sự thật an vui của cuộc đời, để có thể ngóc đầu lên khỏi cảnh cúi mặt thê lương?

Đức Giêsu đã từng nói: "Sự thật giải thoát con". Giây phút nhìn thấy sự thật như vậy thì nhà Phật gọi là giác ngộ, như Đức Phật đã thấy phút lóe sáng ở gốc cây Bồ Đề.

TRỊ LIỆU BẰNG HÌNH ẢNH

Hans Karl Leuner, một nhà tâm lý trị liệu người Đức, đã áp dụng phương pháp chữa bệnh bằng một chuỗi hình ảnh được hướng dẫn để bệnh nhân tưởng tượng theo như đang sống trong khung cảnh thực. Phương pháp này gọi là GAI (guided affective imagery). Ông để bệnh nhân nằm trong một phòng yên tĩnh, ánh sáng mờ mờ, rồi dùng lời êm êm như lời ru giúp bệnh nhân đi vào trạng thai thư giãn ngơi nghỉ. Sau đó ông dẫn bệnh nhân bằng tưởng tượng qua 10 hình ảnh liên tục.

Hình 1: bước vào một thửa vườn cây cỏ xanh tươi. Theo Leuner, thửa vườn là biểu tượng của hạnh phúc ban sơ, như vườn địa đàng, như lòng mẹ.

Hình 2: lên núi cao, là biểu tượng của sự tiến thân thành đạt trong đời sống.

Hình 3: dòng suối chảy xuống từ nguồn. Dòng suối biểu tượng dòng sinh lực cho việc phát triển tình cảm. Dòng suối cũng diễn tả chất chữa bệnh. Vì thế bệnh nhân được hướng dẫn tắm mình trong dòng suối hoặc uống nước suối.

Hình 4: Vào một tòa nhà qua các phòng. Tòa nhà với các phòng là biểu tượng cho những gì con người phóng chiếu những sợ hãi hay mơ ước bên trong ra.

Hình 5: Trở lại thửa vườn và gặp một người thân. Biểu tượng này là dịp cho bệnh nhân sống lại những tình cảm tích cực, những lúc sung sướng.

Hình 6: đối diện với tính dục, một bản năng thường bị kềm chế ấn xuống tiềm thức thành sức công phá có thể rất nguy hại.

Hình 7: Gặp sư tử trong cũi. Đây là hình ảnh về chính mình với những khuynh hướng bạo động.

Hình 8: Gặp một người cùng phái mà mình mến phục, vốn hằng ao ước trở nên giống người đó.

Hình 9: Gặp con quái vật từ trong hang. Đây là biểu tượng diễn tả những gì mình sợ hãi nhưng bị giồn nén bên trong.

Hình 10: Gặp con giao long nổi lên từ một vũng nước sâu, biểu tượng cho tiềm lực sinh lý bị giồn nén lâu ngày.

Leuner cho biết thường là bệnh nhân có phản ứng sợ hãi chạy trốn ở hai tưởng tượng cuối cùng. Nhưng cũng chính đây là lúc bệnh nhân được giúp đỡ để dám đối diện với quái vật, là bóng tối của chính mình, thấy được những nét tích cực của bóng đen, và có thể kết thân với bóng đen (make friend with your shadow) theo kiểu nói của phân tích tâm lý Karl Jung.

QUI TRÌNH KHƠI LỰC CỦA NHÀ TÂM LÝ KARL JUNG

Khoa tâm lý miền sâu ngày nay khám phá ra một phần những điều mà các tôn giáo đã áp dụng từ xa xưa để áp dụng vào việc trị liệu. Chỉ khác là đưa ra được những diễn tiến đã được thực nghiệm thành nguyên tắc chung.

Ngày nay, khoa tu đức khảo cứu truyền thống các tôn giáo theo tâm lý thì khám phá ra qui trình thăng tiến nội tâm cũng rất gần với qui trình tâm lý trị liệu. Đạo Phật có Tranh Chăn Trâu gồm mười bức hình kế tiếp nhau theo một diễn tiến:

1. mất trâu

2. tìm trâu,

3. thấy dấu chân trâu,

4. thấy trâu,

5. được trâu,

6. chăn trâu,

7. cỡi trâu về nhà,

8. quên trâu còn người,

9. người trâu đều vắng,

10. vào chợ buông tay.

Trâu là biểu tượng con người thật của mình. Chăn trâu là tu dưỡng chính mình, xả bỏ được phàm ngã mà tìm được chân ngã, tức đại ngã tâm linh.

Truyền thống Công Giáo có nhiều những loại tranh như trên, gọi là các đường tu đức, là đường khai mạch đang bị vít mà tìm về nguồn giếng thiêng. Thánh Têrêsa và Thánh Duy-An Thập Giá, hay mới đây là nhà tu đức nổi tiếng của thời đại là Thomas Merton, đã vẽ lên hình ảnh đi vào ngôi biệt thự 7 lầu, hay leo núi bẩy tầng. Thánh I-Nhã thì khám phá ra con đường linh thao bốn tuần và một tuần nhận định do chính kinh nghiệm hoán cải hồi sinh của mình khi vào hang Manresa ở Tây Ban Nha.

Để chế tạo một cái máy, người ta cần có một công thức. Để xây nhà phải cần họa đồ. Qui trình cũng giống như một công thức hay họa đồ, gồm các giai đoạn hay các bước đi liền nối tiếp nhau để tới được một thành quả gì. Con đường để khai mạch khơi nguồn, đạt toàn mãn như vậy, được nhà tâm lý thời đại là Karl Jung gọi là "individuation", tạm dịch là tiến trình thể hiện chân ngã, thực hiện con người toàn mãn. Đây cũng là qui trình chữa bệnh tâm lý đang được áp dụng.

Thi hào Rabindra Nâth Tagore và Anthony De Mello dùng chữ Ấn Độ là "Sadhana" cũng có nghĩa là qui trình thực hiện toàn mãn. Lâm Ngữ Đường trong cuốn "Một Nghệ Thuật Sống Đẹp" đã định nghĩa tôn giáo là một chuỗi hình ảnh, kể ra cũng cũng không quá lời. Vì đạo vốn là cái bè để qua bờ bên kia, là ngón tay chỉ mặt trăng, đạo là phương tiện chứ không bao giờ là mục đích cả.

BỘ TRUYỆN THIÊNG, CHUỖI NÉT VĂN HÓA GỐC

Huyền thoại là một từ đã bị biến nghĩa, thành những truyện không có thật, được tạo hoẹt ra để mà lòe thiên hạ, nhằm đạt một mục tiêu gì, như nhiều chương trình quảng cáo hay những chiến dịch tuyên truyền bây giờ đã lợi dụng được. Thậm chí đến Trần Trọng Kim cũng còn cho là: "những chuyện hoang đường tục truyền lại, cho nên những truyện ấy toàn là truyện có thần tiên quỉ quái, trái với lẽ tự nhiên" (Việt Nam Sử Lược, Sống Mới, trang 16).

Ngày nay, các khoa như huyền thoại học, tâm lý miền sâu, cơ cấu luận, đã khám phá ra chiều kích mới của những truyện như vậy. Đây là những truyện thiêng liêng nhất, là những kinh nghiệm đã được khảo nghiệm và luyện lọc qua bao thế hệ của cả một dân tộc trải dài mấy ngàn năm để tích tụ lại thành một bộ niềm tin chung, gồm một chuỗi hình ảnh biểu tượng qua một số truyện đã được luyện lọc qua nhiều đời, tạo nên một nhãn quan chung cho dòng tộc mình. Những truyện này là căn bản làm nên một sắc dân.

Tộc Việt đã có cả một kho tàng truyện trong huyền sử. Vì thế người Việt mình nên dùng từ Truyện Thiêng thay vì huyền thoại thì sát nghĩa hơn. Truyện Thiêng Tộc Việt chứa một chuỗi hình ảnh biểu tượng gốc. Đúng là một qui trình gồm một chuỗi bước tiến đi liền với nhau để thực hiện toàn mãn, trở thành đường khai mạch giếng Việt cho nguồn tiềm lực tinh thần có thể bừng lên, cho dân mình có cơ hội mà ngóc đầu lên. Người Do Thái, người Nhật đã có thể tiến vượt mức vì đã hình thành được một bộ niềm tin qua bộ truyện thiêng của dân tộc họ.

Truyện Thiêng cũng có thể gọi là Kinh Thiêng hay Kinh Tin.

Những truyện này đã trở thành thánh thiêng vì chuyên chở cả cái hồn sức sống của dân mình. Chỉ cần nhìn cuộc đời với bộ mắt kính này, thì thấy được Sức Vượt thoát, như phương pháp chữa bệnh tâm lý bây giờ, và tìm lại được sức vượt cao như chim tiên. Tin hay không tin như vậy là cả một mệnh hệ của dòng tộc mình. Để quên mất hay coi thường bộ kinh tin này thì số mệnh đã đến ngày trầm luân.

"Mất bộ truyện thiêng là mất mạch nối vào nguồn quá khứ tổ tiên, và không còn căn bản gì cho việc hình thành tiền đồ dân tộc. Dân tộc đó quả thực coi như đã mất" - "Without myths, there is no link with the past and no basis for orientation toward the future. One is, indeed, "lost." (Wallace Cliff, Jung and Christianity, Crossroad, trang 60).

SỨC VƯỢT TỪ MỘT BỘ NIỀM TIN

Những hình ảnh chính, những biểu tượng gốc, là những nét căn bản nhất của một nền văn hóa nằm trong những truyện thiêng của dân tộc. Đó là bộ kinh tin chung cho một sắc dân. Đối với Việt Nam, các truyện thiêng từ bộ Truyện Thiêng Lĩnh Nam và Việt Điện U Linh như những truyện Hùng Vương, Trầu Cau, Bánh Dầy Bánh Chưng, Giếng Việt, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử, Tản Viên, Mỵ Châu, An Tiêm v.v. tức là những truyện thuộc loại cổ điển nhất của tộc Việt, phải được khai triển và áp dụng thành một Đạo Sống, vì:

Truyện thiêng là nền tảng cho văn minh, cho trật tự luân lý, cho các sáng tác nghệ thuật, và cho việc đoàn kết các phần tử.... Mất truyện thiêng thì sẽ lung lay, mà lung lay thì mất cân bằng. Khi đã bỏ bộ kinh thiêng thì không còn gì chắc chắn để mà giữ, không còn luật luân lý, không còn gì vững bền cả!... Cứ xem những dân tộc thiểu số, khi chạm trán với văn minh mới của dân da trắng, liền bị rã. Vì những truyện thiêng cũ bị mất tin tưởng, nên họ liền bị vỡ mảnh ra từng miếng, và trở thành nơi phát sinh tội ác và tâm bệnh... Bài học này cũng đúng với cả xã hội Âu Mỹ, khi huyền thoại bị khoa học mới khai trừ, thì cũng bắt đầu phát sinh tội ác, bạo động, tâm bệnh, tự tử, xì ke, bỏ nhà đi hoang.." (Joseph Campbell, Myths to live by, Bantam Books, trang 9).

Vì thế, Khơi Lực Bộ Kinh Tin Tộc Việt, qua Những Nét Văn Hóa Gốc, theo Qui Trình Tâm Lý Trị Liệu, sẽ gồm những hình ản biểu tượng gốc rễ của tộc mình thành Bộ Kinh Tin Việt Nam, cùng nhìn bằng một bộ mắt kính căn bản chung của dân mình đã được luyện lọc và kết tinh lại thành một chuỗi niềm tin qua những nét văn hóa gốc rễ đi liền với nhau trong một qui trình:

1. Sức khai mạch tiềm năng giếng Việt: niềm tin Việt Tỉnh Cương.

2. Sức ngóc đầu lên từ cảnh lưu đầy: niềm tin An Tiêm.

3. Sức thiêng thắng vượt và nối kết những mảnh rời: niềm tin Lạc Long.

4. Sức luyện hùng khí Tiên Rồng: niềm tin Vua Hùng.

5. Sức sống hạnh phúc hoàng vương: niềm tin Tiết Liệu.

6. Sức khơi dòng tình yêu: niềm tin Trầu Cau.

7. Sức giải thoát vòng hệ lụy nghiệt ngã: niềm tin Chử Đồng Tử.

8. Sức đạt thuốc tiên ngải cứu: niềm tin Thôi Vỹ.

9. Sức giải oan: niềm tin Mỵ Châu.

10. Sức đạt sách ước gậy thần: niềm tin Tản Viên.

11. Sức vượt tới khai mở tiền đồ dân tộc: niềm tin Phù Đổng Thiên Vương.

12. Sức vũ hóa mọc cánh bay lên: niềm tin Trống Đồng.

www.dunglac.net