Làm Một Cái Gì Cho Dân Mình Ngóc Ðầu Lên Ði Chứ!

(bài giảng thuyết của Lm. Trần Cao Tường trong Lễ An Táng Triết Gia Kim Ðịnh tại Springfield, Missouri Hoa Kỳ.)

Sống để mà chết là tiến trình văn hóa loài vật và của những người làm cho mình trở thành con vật kinh tế như Karl Marx khẳng định. Nhưng chết để mà sống là tiến trình văn hóa làm người. Ðạo sống Việt mình gọi giờ chết là sinh thì, là giờ bắt đầu sống thật, là giờ nhiều người tưởng phải lìa bỏ cõi có để đi vào cõi không, nhưng thực ra là bắt đầu vượt cõi không để đi vào cõi có, vượt bờ sinh tử để hòa nhập vào cõi Vĩnh Hằng là chính Thiên Chúa như Tin Mừng của Ðức Giêsu: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”. (Gioan 11: 25-26).

Chính trong niềm thao thức muốn đóng góp xây dựng văn hóa làm người, và nhất là đi tìm ra thực chất gốc rễ Triết Việt và nét văn hóa Việt, mà giáo sư Kim Ðịnh đã dành trọn cả đời cho triết lý, và đặc biệt đã để lại mấy chục cuốn sách xây dựng nền Triết Việt. Vì đây là điều mệnh hệ cho dân tộc mình: đạo mất trước, nước mất sau.

KHI CÁI ẤM NƯỚC KHÔNG SÔI

Tôi xin được gọi là Thầy Kim Ðịnh, mặc dù tôi không được hân hạnh làm môn sinh của Thầy trong những trường Ðại Học như Văn Khoa Sài Gòn, Ðà Lạt, Minh Ðức, Thành Nhân... như nhiều môn sinh đang có mặt ở đây, thuộc nhiều tôn giáo khác nhau, mà chỉ được Thầy có lần đánh thức khi bắt đầu học triết Tây vào khoảng cuối thập niên '60 để thôi thúc tìm về hướng Ðông mà góp phần đắp bồi mảnh đất Việt, với những cuốn sách mở đầu như Cửa Khổng, Nhân Bản, Chữ Thời... Và đặc biệt sau năm '75 với những cuốn Hồn Nước với Lễ Gia Tiên, Kinh Hùng Khải Triết, Sứ Ðiệp Trống Ðồng...

Năm 1989 khi nói chuyện với đại hội Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, Thầy kể một câu chuyện thật dí dỏm: “Mình vẫn có thói quen ban sáng dậy là lấy ấm nấu nước pha cà phê. Một hôm mình để ấm lên bếp, vặn lửa, rồi lấy báo đọc chờ nước sôi. Chờ mãi mà không thấy nước sôi gì cả, trái lại chỉ ngửi thấy mùi khen khét, mình lại bếp xem sao thì khám phá ra chưa đổ nước vào ấm.”

Thầy có ý nói nước là thực chất văn hóa trong mọi sinh hoạt của người Việt hiện tại cũng như công cuộc phục hưng đất nước. Thiếu chất đó thì nấu hoài không sôi mà còn phải ngửi mùi khen khét nữa!

Nhưng thực chất văn hóa là gì thì lại cả là một chuyện bàn cãi tốn công, tốn máu xương và nước mắt nữa. Vì nếu chỉ coi tìm nét văn hóa như một cái gì để khỏa lấp tự ái dân tộc, để phải cố gắng ra như là mình cũng phải có cái gì cho bằng người cho bớt tủi... thì dễ bị con cháu khước từ lắm. Cũng chính vì mình không đồng ý với nhau về nét văn hóa nên cũng dễ mất tự tin, khiến hậu quả là người mình bây giờ tả tơi rách nát, cúi mặt nuốt nhục trước đà tiến quá nhanh của nhân loại.

CHUYỆN CÂY CẦU BOLSA Ở LITTLE SAIGON

Mùa hè 1996 báo chí bàn cãi nhiều về vụ xây cây cầu vắt ngang qua đường Bolsa, nối khu Phúc Lộc Thọ với thương xá bên kia cho khu phố Việt ở quận Cam Nam Cali hấp dẫn và tiện dụng hơn. Nhưng câu chuyện đã ra rắc rối là vì nơi vẫn được mệnh danh là "thủ đô tỵ nạn" với cây cầu như biểu tượng mà ông chủ Triệu Phát là một nhà buôn người Tầu dám làm mô hình sặc mầu văn hóa Tầu để nộp đơn xin phép tại Westminster. Thế là dân Việt ta lên tiếng ồn ào, rằng như vậy là làm mất mặt dân một nước mấy ngàn năm văn hiến! Ai cũng ra sức tranh luận rằng cây cầu phải mang nét tiêu biểu văn hóa Việt Nam, phải mang mầu sắc và hình dáng nước mình. Người thì bảo nét văn hóa Việt là Chùa Một Cột ở Hà Nội, nhóm thì bảo là Chùa Thiên Mụ ở Huế, và phải thêm Chợ Bến Thành như nét tình tự đặc sắc của Miền Nam. Mãi mà chẳng đến được một đồng ý chung nào cả. Thấy vậy Ông nhà buôn Triệu Phát bèn tuyên bố một câu rất nhà buôn: “Chúng tôi là thợ may, quí vị muốn kiểu nào, chúng tôi sẽ may theo kiểu đó.”

Chỉ tiếc là mỗi người một kiểu thì ai mà theo cho nổi! Vả lại những người đặt may lại không có tiền nên khó có quyền ăn nói, phương chi là quyền sai bảo làm theo ý mình. Thế là cho chắc ăn, ông nhà buôn Triệu Phát tuyên bố không làm cầu nữa, khiến mọi người chưng hửng, mọi cuộc tranh luận bỗng tắt rụp tiu ngỉu như trái bóng bị xẹp hơi. Vì một sự thật rất hiển nhiên là chẳng ai nắm chắc thực chất nét văn hóa Việt Nam là gì, và đau lòng hơn nữa, mình cũng chẳng có một thứ “thực chất” cụ thể rất quan trọng làm đà tiến hóa là phải có tiền thì mới nhúc nhích được. Người có tiền đầu tư thì xây kiểu của người ta, mình có bàn mà đồng ý cả thì người ta cũng chiều khách hàng mà xây theo ý mình và đổi tên từ Little Cholon sang Little Saigon để mình được vuốt ve tự ái mà nhào đến thuê tiệm do họ đầu tư xây cất và tiêu tiền cho họ có lợi, thế thôi.

LÀM MỘT CÁI GÌ CHO DÂN MÌNH NGÓC ÐẦU LÊN ÐI CHỨ!

Ðó là lời vẳng đâu đây tâm huyết của Thầy Kim Ðịnh nhắn gửi từng người có mặt, đặc biệt các môn sinh của Thầy. “Cái gì” đây phải là một nỗ lực tìm ra thực chất cho văn hóa Việt để cùng nỗ lực góp phần khơi dòng sinh mệnh dân tộc. Là một người công giáo, là một linh mục, Thầy cũng nhận trách nhiệm với vận mạng dân tộc mình: một mình thầy đơn phương độc mã gióng lên cuộc khai quật này từ mấy chục năm nay như một tiếng kêu gào trong sa mạc. Mấy chục cuốn sách vẫn chưa đủ. Ba cuốn Thái Bình Minh Triết là những cuốn cuối cùng của Thầy chưa được xuất bản, nhưng đã được cho lên mạng lưới điện toán toàn cầu trong chương trình Công Giáo Việt Nam. Thầy đã đi theo đúng con đường của Hội Thánh Công Giáo trong việc nhập thể và nhập thế vào văn hóa dân tộc, như mẫu gương Ðức Giáo Chủ Gioan Phaolô II trong việc góp phần vào cuộc phục hưng Ba Lan quê hương của Ngài. Trước tiền đồ nước mình, Thầy đã ngậm ngùi tâm sự:

“Nhất là đối với tôi thì có còn nước mới còn đạo (chữ đạo ở đây có nhiều nghĩa: tôn giáo, tự do tôn giáo và nhất là Ðạo làm người của tiên tổ), và nước sẽ mất ngày nào người Việt đem đầu tư hầu hết tâm hồn ra ngọai lai, còn để lại cho quê nước quá ít, không đủ sức giữ thăng bằng thì tất nhiên nước phải sụp đổ. Ðột nhiên một buổi sáng kia cách đây trên ba mươi năm, tôi cảm nhận điều này cách thấm thía, nó làm cho tôi đổi hướng họat động và ngày 30/4/75 khi tai họa sụp xuống thì từ đấy một suối bất tận nước mắt cứ tuôn trào ra như từ muôn con tim thổn thức của tiên tổ, không cho tôi giảng giải gì được nữa. Cứ đang nói là nước mắt tuôn trào, tôi rất xấu hổ mà không làm cách chi cầm lại được.”

Và trong một thư gửi liên đoàn Công Giáo vào năm 1988, Thầy khẳng định:

“Ðối vơi quê hương đất nước đang trải qua tai họa vô tiền khoáng hậu như nay thì tôi phải làm gì cho ổn với lương tâm người công giáo Việt nam. Cầu nguyện chăng? Nhất định rồi, nhưng như thế mới may ra xong vai Thiên Chúa. Còn vai tổ quốc thì sao? Tôi không hề bao giờ nghĩ đến ruồng bỏ làm người Việt nam. Vậy quê hương Việt nam tôi đang sắp tiêu trầm, thì chắc chắn tôi không được ngồi nhìn dửng dưng coi như chẳng có truyện chi xảy ra cả. Tôi phải đi tìm người đồng tâm đồng chí để cùng nhau đặt kế hoạch làm cho quê hương một cái gì.”

Ðối với các tôn giáo Bạn, Thầy cũng chia sẻ tâm huyết dựng xây trong một lá thư đăng trên Chứng Nhân công Giáo năm 1989. Là Công Giáo hay Phật Giáo, Cao Ðài, hay bất cứ tôn giáo nào, đã là người Việt thì ai cũng có trách nhiệm:

“Với hoàn cảnh đồng bào ta nay: lưu vong và mất nước thì chưa cần phải tích cực chia rẽ cũng đã có thể trở nên tai họa cho dân nước rồi, nếu cứ tiếp tục dồn hết sinh lực vào việc xây dựng riêng cho tôn giáo mình. Với 14 năm qua thì điều đó còn tạm được, vì cần thiết phải có nơi phượng thờ tối thiểu. Ðàng khác cũng cần có giờ cho các đảng phái, đoàn hội thử sức. Nhưng đến nay thì những điều đó đã xong, mà nếu còn cứ tiếp tục như trước, để việc nước chẳng còn mấy người lo thì đó sẽ là một tai họa khủng khiếp cho dân tộc: vì hi vọng thoát khỏi họa diệt vong còn rất mong manh. Khi còn ở trong nước thì việc lo riêng như thế không sao hết, bởi việc nước đã có chính quyền và quốc hội lo, còn dân chúng thì đã có lo bằng nộp thuế và đi quân dịch rồi, nên ai nấy có lo cho tôn giáo riêng mình thì không thiệt gì cho dân nước. Vì vậy dám mong các tôn giáo hãy đặc biệt chú ý đến việc xây đắp quê hương dân tộc. Xin hãy coi đó như một sứ mạng thiêng liêng."

Trong cố gắng đi tìm thực chất cho văn hóa Việt, nhiều người đã phải công nhận công trình của Thầy Kim Ðịnh. Ông Nguyễn Ngọc Bích, Ðại học Georgetown, Washington D.C., đã viết trong báo Ngày Nay số 121:

“Trong nỗ lực đi tìm một con đường Việt tộc, nhân chủ, tự do, thì chúng ta phải kể ở hàng đầu công trình đồ sộ của Linh mục Kim Ðịnh. Ở đâu ông cũng thế, không phải sang Mỹ ông mới tìm “về nguồn”. Việc làm của ông trong một tình cảnh mất mát vô biên, chẳng qua cũng chỉ là nối tiếp công việc của ông đã bắt đầu khi còn ở trong nước, khi còn ở Miền Nam tự do. Từ năm 1962 tới nay, ông đã hoàn tất được 23 cuốn triết học, tương đương với 7000 trang một mảng tư tưởng mà không dễ mấy triết gia có thể so sánh được. Sự độc đáo ở nơi ông cũng đã là một truyện quá rõ - dầu ta có đồng ý với ông hay không, thì ta cũng không thể phủ nhận được tính cách độc đáo của tư tưởng ông."

"Ngày nay ước vọng cuối cùng của Linh mục Kim Ðịnh là sẽ dựng xong một bộ kinh (hiểu theo nghĩa “bible”) cho dân tộc ta. Ðể thực hiện ước vọng này, ông đã cho in lại hoặc đang in năm cuốn thuộc bộ “Ngũ Kinh Khải Triết,” đó là: Hùng Việt sử ca, Kinh Hùng khải triết, Pho tượng đẹp nhất của Việt tộc, Sứ điệp Trống Ðồng, Văn Lang vũ bộ (số lớn do nhà in H.T.Kelton xuất bản). Nếu ai hỏi tôi rằng có nên đọc hay không, thì tôi xin thưa ngay: dứt khoát là có. Tại sao - Tại vì nếu ta không nhất thiết đồng ý với hết cả ý kiến của ông, ta cũng sẽ được làm thân với một trong những bộ óc triết lý lớn nhất nếu không của nhân loại thì cũng của Việt Nam. Tôi nói điều này trong sự cân nhắc, cũng không khác gì câu tôi sẽ trả lời cho người nào hỏi: có nên đọc Platon hay Aristote không? Ðã nhất thiết gì ta đồng ý với Platon trong tác phẩm La République, nhưng ai không đọc tác phẩm đó, thì chắc chắn mất đi một mảng hiểu biết rộng lớn về triết học Tây Phương. Cũng như vậy, ai không đọc Kim Ðịnh cũng không sao, ông sẽ từ tốn mà “an vi,” để chờ một ngày kia người nọ sẽ tỉnh mộng mà trông thấy hết cả cái mất mát của mình.”

VẤT KIẾN LỬA VÀO NGƯỜI

Thầy Kim Ðịnh đã “làm một cái gì cho dân mình ngóc đầu lên.” Ðiều này hiển nhiên không ai chối cãi được. Nhưng quan trọng vẫn là Thầy đang thách đố lớp người Việt còn sống sót phải làm một cái gì cho dân tộc mình. Và nhất là đối với những người Việt đang sống rải rác trên khắp thế giới, việc tìm ra con đường mở hướng cho cuộc ra đi của mình vẫn luôn là một trăn trở và cũng là cách tìm lại hùng khí cho mình.

Truyện kể về một người bị bệnh mỡ đã khiến nội tạng hư hết: tim tắc, gan sưng, ruột xoắn, dạ dày bị nhọt... Thế là phải đi hết bác sĩ này đến bác sĩ kia, nhưng chữa được bệnh này thì lại phát sinh bệnh khác, mà tình trạng càng ngày càng tệ hơn. Một hôm không biết làm sao hơn, người này nghĩ ra cách hay là tìm đến một nhà hiền triết mong sẽ được chỉ dạy cách nào khá hơn.

- Thưa Thầy, bệnh con đã đến thời kỳ nặng lắm, đủ mọi chứng, nhất là bệnh mỡ. Con đã đọc sách, nhiều người bảo con phải năng tập thể dục, chịu khó đi bộ nhiều thì người khỏe hơn, nhưng con mệt quá không sao làm được. Thầy có cách nào chỉ cho con?

Nhà hiền triết nhìn bệnh nhân một hồi thì nhận ra ngay: tên này mắc bệnh “thành phố”, bị ứ mỡ, phải làm cho vận chuyển thì khỏi ngay. Vì thế ông liền cất giọng hỏi:

- Anh thực sự muốn khỏi bệnh? Vậy anh có dám để tôi chữa bất cứ bằng cách nào không?

Bệnh nhân gật đầu thì nhà hiền triết lẳng lặng bỏ đi. Một lúc sau ông trở lại với một vốc kiến lửa, rất nhanh tay vất ngay vào trong áo bệnh nhân. Thế là người bệnh phải bỏ chỗ đang ngồi hoảng hốt nhảy tưng tưng giẫy giụa la hét... Cứ thế, cứ thế mà chả bao lâu người bệnh hết cả bệnh luôn, cơ thể chuyển động đều hòa không còn ăn không ngồi rồi cả ngày khiến bị ứ đọng trì trệ sinh ra đủ chứng.

ÐI KIẾM CHÚT BƠ THỪA SỮA CẶN?

Quả thực, ai đã chạm tới đường hướng tư tưởng của Thầy Kim Ðịnh thì như bị vất kiến lửa vào người vậy, không cách nào có thể ngồi yên an thân được nữa. Có cái gì thôi thúc nhức nhối không ngừng khiến phải rời bỏ chỗ đang ngồi, phải chuyển hướng hoạt động, cũng như chính Thầy đã chia sẻ tâm huyết:

“Ðối với tôi thì có còn nước mới còn đạo, nước sẽ mất ngày nào người Việt đem đầu tư hầu hết tâm hồn ra ngoại lai, còn để lại cho quê nước quá ít, không đủ sức giữ thăng bằng thì tất nhiên nước phải sụp đổ. Ðột nhiên một buổi sáng kia cách đây trên ba mươi năm, tôi cảm nhận điều này cách thấm thía, nó làm cho tôi đổi hướng họat động.”

Hôm nay Thầy đã nằm xuống, nhưng Thầy vẫn tiếp tục thôi thúc và vất kiến lửa vào những người hiện diện cũng như các môn sinh của Thầy, để phải giẫy, phải nhẩy ra khỏi chỗ đang ngồi yên. Và mỗi người trong vị thế khác nhau phải bắt đầu làm một cái gì, dù nhỏ bé mấy đi nữa, cho dân mình ngóc đầu lên được.

Nhân loại đang bước vào thiên kỷ 3. Thế giới đã tiến quá xa vất lại đàng sau một Việt Nam cúi mặt nhục nhằn. Người mình tự phản tỉnh hỏi lại lương tri: bằng ấy năm vùi dập đầy đọa nhau đã đủ chưa? Một trăm năm lầm lỡ đã đủ cho mình học được điều gì cho một trăm năm tới? Cuộc ra đi của mình có mang một sứ mạng gì không, hay chỉ là một cuộc chạy thoát tìm an thân phì gia qua ngày, sống chết mặc bay? Có thể mình bị cho là ra đi để tìm chút bơ thừa sữa cặn của cái xã hội cũng đang quá mệt mỏi cố tìm lối thoát một cách tuyệt vọng như vụ 39 người tự tử ở San Diego. Mình nghe mà nuốt nghẹn nhưng chưa sao tìm nổi lời biện bạch.

NGUYÊN LÝ MẸ DẪN LỐI VỀ CÕI SÁNG

Ðã có lần Thầy kể về chính người mẹ của Thầy dạy Thầy cách cho người ăn xin chút cơm gạo: “Con phải cúi đầu cung kính chào họ, và khi cho, con phải đưa bằng hai tay.” Mỗi người mẹ Việt Nam là một triết nhân đúng nghĩa nhất, mặc dù không viết một cuốn sách nào bằng chữ, nhưng đã để lại biết bao tác phẩm tuyệt vời. Người mẹ này là hiện thân của mẹ Tiên chim Âu Tổ Mẫu, và hơn nữa, nay Thầy được chính Mẹ Maria trong niềm Tin đạo Chúa dẫn lối tiến trình văn hóa làm người đi về cõi sáng, nơi không còn nước mắt, không còn xe lăn như Thầy vẫn phải ngồi những năm cuối cùng tại nhà hưu dưỡng.

Tiến trình văn hóa làm người chỉ trọn khi vượt được bờ sinh tử mà đi vào cõi Vĩnh Hằng, vượt qua cõi Vuông mà vươn lên cõi Tròn để hòa nhịp “Văn Lang vũ bộ” mẹ tròn con vuông. Hôm nay Thầy được mời gọi vào cội nguồn ánh sáng sức sống tình yêu viên mãn này:

Thân này thuyền nhỏ mỏng manh,

Ðã bao lần Người tát cạn,

Rồi lại đong đầy bằng hơi thở tình yêu muôn thuở.

(Tagore, Lời Dâng #1)

Và đó cũng là cảm nghiệm của Hàn Mặc Tử, một nhà thơ Công Giáo nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam, sau những “rùng rợn vô biên” đã chạm tới miền ánh sáng và diễn tả lại như một thực chứng chứ không phải là những tưởng tưởng xa vời, khi được cho vũ hóa thành chim phượng bay lên:

Phượng hoàng bay trong một tối trăng sao

Mà ánh sáng không còn khiêm nhượng nữa.

(Ðêm Xuân cầu nguyện)

Ai tới đó mà chẳng mê man thần trí,

Tòa châu báu kết bằng hương kỳ dị

Của tình yêu rung động lớp hào quang.

(Siêu Thoát)

Sáng vô cùng, sáng láng cả mọi miền

Không u ám như cõi lòng am quỉ

Vì có Ðấng Hằng Sống hằng ngự trị

Nhạc thiêng liêng dồn trổi khắp u linh.

(Ngoài vũ trụ)

Như trong một cuộc chạy đua tiếp sức, người chạy trước là Thầy Kim Ðịnh đã cố gắng hết sức làm xong một nhiệm vụ trong một quãng đường đời. Bây giờ bó đuốc lửa Việt này được trao lại cho người chạy tiếp. Mỗi người trong những vị thế khác nhau, xin nhận lấy mà làm một cái gì cho dân mình ngóc đầu lên đi chứ!

Nguồn www.dunglac.net