Tính cần cù làm việc của người Việt Nam



Đời sống dân tộc ta cam go. Hoàn cảnh địa dư và lịch sử đưa dân ta đến điêu linh vì chiến tranh liên tiếp. Tình trạng kinh tế và kỹ thuật kém mở mang khiến dân ta chưa được giầu sang và phát đạt. Đức tính cần cù làm việc bởi vậy là đức tính căn bản của mỗi người dân ta, giầu cũng như nghèo, sang cũng như hèn.

Ngay từ thủa thiếu thời, những lời dậy bảo của cha mẹ đã nhấn mạnh đến sự chịu khó học hành :

Con ơi, muốn nên thân người,
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha.
Gái thì dệt gấm thêu hoa,
Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa.
Trai thì đọc sách ngâm thơ,
Dùi mài kinh sử, để chờ kịp khoa.
Nữa mai nối được nghiệp nhà,
Trước là đẹp mặt, sau là hiển vinh.
(Ca dao)

Được rèn luyện trong sự chăm chỉ học hành ấy, dần dần một ý chí quyết thắng đã được thành hình. ‘Phải thành công’ ! Thành công đầu tiên là thành công ở học đường. Phải trả xong cái nợ cầm thơ.

Đi không chẳng lẽ trở về không,
Cái nợ cầm thơ phải trả xong.
Cũng rắp điền viên vui tuế nguyệt,
Dở đem thân thế hẹn tang bồng.
Đã mang tiếng ở trong trời đất,
Phải có danh gì với núi sông.
Trong cuộc trần ai, ai dễ biết,
Rồi ra mới rõ mặt anh hùng
(Nguyễn Công Trứ; Đi thi tự vịnh)

Thành công thứ đến là thành công ở trường đời. Phải ra tài kinh bang tế thế, phải đạt được tay kiếm tay cờ, phải có công danh, phả tỏ mặt anh hùng.

Vũ trụ chức phận nội,
Đấng trượng phu một túi kinh luân.
Thượng vị đức, hạ vị dân,
Sắp hai chữ quân thân mà gánh vác.
Có trung hiếu, nên đứng trong trời đất,
Không công danh, thà nát với cỏ cây.
Chí tang bồng hồ thỉ dạ nào khuây,
Phải hăm hở ra tài kinh tế.
Người thế trả nợ đời là thế,
Của đồng lần thiên hạ tiêu chung,
Hơn nhau hai chữ anh hùng.
(Nguyễn Công Trứ; Phận sự làm trai)

Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc,
Nợ tang bồng vay trả, trả vay.
Chí làm trai nam bắc đông tây,
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.
Đã hẳn rằng ai nhục ai vinh,
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ.
Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ,
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong.
Chí những toan xẻ núi lấp sông
Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ.
(Nguyễn Công Trứ; Chí làm trai)

Nhưng không phải ai cũng học hành được, ai cũng có tài kinh bang tế thế. Với một óc thực tế cụ thể, khi thấy không đủ hoàn cảnh để đạt nghiệp sĩ, người dân mình biết sáng suốt chuyển sang nghề nông, nghề thương, mà vẫn giữ một niềm hào hứng vui vẻ.

Văn thơ phú lục chẳng hay,
Trở về làng cũ, học cầy cho xong.
Ngày ngày vác cuốc ra đồng,
Hết nước thì lấy gầu sòng tát lên.
Hết mạ ta lại quăng thêm,
Hết lúa ta lại mang tiền đi đong.
Nữa mai lúa chín đày đòng,
Gặt về đập sẩy, bõ công cấy cầy.
(Ca dao)

Chính sự hào hứng vui vẻ trong đức chăm chỉ cần cù làm việc này đã tạo nên sự đoàn kết, đã biến sự khó nhọc trở thành, nếu không dám nói là thơ mộng, thì cũng bớt phần khổ nhọc hơn.

Rủ nhau đi cấy đi cầy,
Bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu.
Trên đòng cạn, dưới đòng sâu,
Chồng cầy, vợ cấy, con trâu đi bừa.
(Ca dao)

Có thể nói được rằng làm việc là sự vui sướng của người dân mình. Làm việc với óc sáng kiến và cần kiệm, làm việc quanh năm suốt tháng, mà vẫn thấy vui.

Tháng chạp là tháng trồng khoai,
Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà.
Tháng ba cầy vỡ ruộng ra,
Tháng tư làm mạ, mưa sa đầy đồng.
Ai ai cùng vợ cùng chồng,
Chồng cầy, vợ cấy, trong lòng vui thay.
Tháng năm gặt hái đã xong,
Nhờ trời một mẫu, năm nong thóc đầy.
Năm nong đầy, em xay em giã,
Trấu ủ phân, cám bã nuôi heo.
Sang năm lúa tốt tiền nhiều,
Em đem đóng thuế đóng sưu cho chồng.
Đói no có thiếp có chàng.
(Ca dao)

Ngày nay, di tản sang xứ Tây, sự học hành ít còn văn chương mà thiên về khoa học kỹ thuật; tổ chức kinh tế ít còn canh nông, mà phát triển hẳn về kỹ nghệ và dịch vụ. Nhưng vẫn sẵn cần cù, chăm chỉ và thông minh, nguuời Việt Nam rất được quí chuộng và trọng dụng. Nhiều người đã được người Tây nhận rõ mặt ’anh hùng’ trong các ngành nghề chuyên môn và vẫn giữ được sự ấm cúng của gia đình ‘đói no có thiếp có chàng’. Mối ưu tư có lẽ không phải là cho những người đã trưởng thành, mà là cho lớp ‘măng non đang mọc’. Phỏng chúng có ‘nên thân nên người không ?’ Phỏng chúng có ‘lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha ‘ không ?