Trung Quốc gọi các chính sách với hình thức tư bản mà nước này đã và đang theo đuổi là Chủ Nghĩa Xã Hội với những đặc thù Trung Quốc và hôm nay, có lẽ sự ra mắt của ban lãnh đạo mới, với ảnh hưởng áp đảo của chủ tịch Giang trạch Dân, cũng có thể được gọi là một sự thay đổi thế hệ với những đặc thù của Trung Quốc.

Những con người quyền lực nhất tại Trung Quốc bước ra trước hàng loạt máy quay phim và những chớp đèn của máy ảnh. Tất cả đều mặc complê với màu tối trang nhã, thận trọng xếp theo thứ tự cấp bậc của mình trong bộ chính trị với dáng điệu cứng nhắc và không thốt ra bất cứ lời nào.

Người đứng đầu là ông Hồ Cẩm Đào, tổng bí thư mới của đảng Cộng sản và cũng là tân chủ tịch nước Trung Quốc. Đứng cạnh ông là tám người khác, giữ những vị trí trọng yếu trong đảng.

Kết quả của các hoạt động chính trị bí mật và những suy đoán diễn ra trong nhiều tháng là ban lãnh đạo mới với đa số có nguồn gốc kỹ sư tương tự như chính ông Giang trạch Dân. Ngoại trừ một vài ngoại lệ, hầu hết những nhân vật lãnh đạo mới này được các nhà phân tích đánh giá như một liên minh với ông Giang.

Phe Thượng Hải theo như cách gọi trên chính trường Trung Quốc hiện diện trong ban lãnh đạo mới với ít nhất 5 quan chức có các mối quan hệ mạnh mẽ với Thượng Hải, cơ sở quyền lực ban đầu của ông Giang trạch Dân.

Cho đến nay các quan hệ cá nhân vẫn giữ tính chủ đạo trong chính trị Trung Quốc. Ông Giang Trạch Dân cũng được tái bổ nhiệm vào chức vụ chủ tịch Quân ủy Trung ương, cơ quan đầy quyền lực kiểm soát và chỉ đạo lực lượng vũ trang to lớn của Trung Quốc.

Trong diễn văn cuối cùng của mình trên cương vị tổng bí thư, ông Giang hoan ngênh các thay đổi trong ban lãnh đạo, tuyên bố rằng đây là một cuộc chuyển giao quyền lực từ cũ sang mới. Nhưng theo kết quả được thấy hôm nay, thì đây chỉ là một sự chuyển giao quyền lực từng phần với ý đồ tiếp tục duy trì quyền lực đáng kể cho ông Giang ngay cả sau khi thôi giữ chức vụ lãnh đạo đảng và nhà nước. (BBC)